Thụ hưởng và nhái

 Hồ Anh Thái

  

Bên lề sa mạc Thar ở miền tây bắc xứ Ấn có thành Joddhpur đồ sộ. Phía trên tường thành có hàng chục khẩu thần công khổng lồ, chĩa nòng từ trên cao xuống dưới. Tôi rất ấn tượng trước những khẩu thần công xếp thành hàng đều tăm tắp, không còn nóng bỏng khói lửa chiến tranh mà đã lạnh toát từ lâu, nhưng vẫn toát ra uy lực của vũ khí. Dù gì thì du khách cũng hào hứng thay nhau đứng chụp ảnh trước cả một hàng dài thần công như vậy. Đùa cả với cái thứ gây chết chóc một thời. Tôi còn tạo thế chụp ảnh bằng cách làm như đang gò lưng đầy khẩu thần công to như cái cột đình, như thể nó có thể rơi từ trên đỉnh tường thành xuống.

Từ đấy, mỗi khi ghé vào một cửa hàng thủ công mỹ nghệ trên đất Ấn, tôi thường để ý đến những khẩu thần công. Nhỏ bằng ngón tay cho đến to như thân cây tre. Mô phỏng hệt như khẩu thần công ở thành Joddhpur và các tòa thành khác ở Ấn Độ. Cũng hai bánh xe để đẩy nòng súng đi. Cũng cái nòng trơn tru có thể nâng lên hạ xuống. Chất liệu bằng đồng vàng chóe hoặc đồng đen. Tôi đã mua mấy khẩu thần công kích thước khác nhau, giữ làm kỷ niệm và tặng bạn bè.

Cái khẩu thần công ấy còn vượt ra khỏi biên giới xứ Ấn. Trong một số cửa hàng lưu niệm ở Thụy Điển, Đan Mạch, tôi lại nhìn thấy nó. Đứng cùng những đồ đồng mà nhìn thoáng đã biết là nhập từ Ấn Độ. Như gặp lại người quen ở giữa xứ Bắc Âu. Tôi không cầm lòng được mà một lần nữa lại bỏ tiền Bắc Âu để mua lấy khẩu thần công Ấn Độ.

Rồi vào dịp nghìn năm Thăng Long, tình cờ thấy trên truyền hình mấy khẩu thần công bằng đồng, tưởng gặp lại cố nhân cố vật xứ Ấn. Mấy khẩu thần công này bày trên mặt bàn, rồi một vị được giới thiệu là đại tá, chắc là cán bộ kỹ thuật quân đội, cho biết, đại ý tôi đã dành mười năm nghiên cứu để làm ra sản phẩm này. Mười năm. Để kỷ niệm nghìn năm Thăng Long.

Mười năm nghiên cứu trong một sự nghiệp công chức trên dưới ba chục năm. Không phải là thời gian ngắn. Công phu vì thế cũng không nhỏ. Thành tích vì thế cũng có thể được nghiệm thu đánh giá cao. Chẳng biết đó là công trình cấp nhà nước hay cấp bộ, tiêu tốn của dân ít hay nhiều.

Nhưng mà thủ giống thủ xôi giống xôi. Đúng cái băn khoăn như chuyện ông thầy bói ngày xưa, trước cái thủ cái xôi giông giống xêm xêm. Mấy cái khẩu thần công ấy giống hệt mẫu mã của đám thần công bày bán la liệt ở Ấn Độ, ở Bắc Âu, làm vật lưu niệm, làm đồ chơi. Có chuyện phạm bản quyền ở đây không? Có chuyện đạo ý tưởng theo kiểu đạo văn ở đây không? Hay chỉ đơn giản là những tư tưởng lớn gặp nhau?

Giả sử những nghi vấn trên là không đúng thực tế. Vậy thì buồn ơi, chào nhé. Mất đến mười năm để loay hoay nghiên cứu làm ra một mặt hàng đã ê hề đại trà khắp xứ người. Lại còn dán nhãn to tát để kỷ niệm đại lễ. Buồn ơi, chào nhé.

Không có môi trường sáng tạo. Chỉ là môi trường hưởng thụ và cóp pi. Nhái. Nhại. Nhái hay nhại thì cũng thế, chỉ là bắt chước. Hưởng thụ: những phát minh gì mới thì được thu nhận ngay, hưởng ngay những thành quả sáng tạo của bên ngoài. Một cái mốt mới vừa xuất hiện ở Âu - Mỹ, đã lập tức có ngay ở xứ mình. Hưởng thụ thì rất nhanh, rất gấp, rất vội. Còn khi đã dốc lòng dốc sức tìm tòi, thì cái tìm tòi hóa ra đã được xứ người tìm thấy từ lâu, đã thành thứ đại trà thông thường từ lâu.

Trân trọng những nỗ lực tìm tòi theo kiểu Hai Lúa tự chế trực thăng, sinh viên và kỹ thuật viên làm robot, nhưng người ta không thể không thấy rằng đó là kiểu nỗ lực cũ người mới ta. Không sáng tạo ra cái mới, chỉ là đổ công của để mô phỏng những gì mà nhân loại đã sáng tạo ra từ lâu. Dù có chế tác nó trong điều kiện của riêng ta, bằng nguyên vật liệu của xứ ta, thêm thắt những ý tưởng nho nhỏ của ta, thì không ai hồn nhiên mà nghĩ rằng đó là phát minh.

Ông bạn láng giềng vốn khét tiếng về đồ nhái đồ cọp đồ rởm. Cứ ngồi yên chẳng cần phát minh, chờ xem ở đâu có phát minh mới là nhại là nhái. Phát minh vừa tung ra là chộp ngay, cóp ngay, rồi sản xuất đại trà. Không tốn tiền trả phí phát minh, không quá tốn tiền trả công lao động rẻ mạt, cứ thế mà nhân ra, giá rẻ bất ngờ, cứ thế mà phá giá. Cánh Âu - Mỹ phát minh hận lắm, tìm cách tẩy chay hàng hóa của ông bạn, tẩy chay mọi hoạt động của ông bạn, tìm cách trừng phạt ông bạn. Nhưng chỉ là sự trừng phạt một ông khổng lồ.

Ta không khổng lồ, và sự nhái sự cóp cũng chưa đến ngưỡng đáng cho người ta trừng phạt. Chỉ là phải biết mà ghi nhận với nhau rằng sản phẩm của ta hầu như đều chưa phải là sáng tạo, mới chỉ là sự loay hoay nỗ lực tìm tòi trong những gì sẵn có.

Không phải chỉ khuôn lại trong riêng chuyện khẩu thần công.

Nguồn: Văn hóa Phật giáo số 261, ngày 15-11-2016

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-12-16