ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (1-12-1988) 

 

 

 

BƯỚC ĐI KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC

 

VƯƠNG TRÍ NHÀN

 

 

Do tính chất tản mạn của nó, sinh hoạt văn học trong cả nước luôn luôn là một cái gì rất khó sơ kết, tổng kết. Tuy nhiên, khi nhìn lại tình hình hai năm gần đây, vẫn phải công bằng mà nhận là bên cạnh cái trầm trầm bình lặng vốn có, văn học hôm nay đang có những sôi nổi muốn thay đổi để theo sát cái cơ hội ngàn năm có một là công cuộc đổi mới. - Vâng, chính cuộc đổi mới mà cả xã hội ta hôm nay đang coi là lẽ sống.

Đổi mới in dấu vào sáng tác, trước tiên là ở khu vực văn học kề cận với báo chí. Cũng sử dụng những thể tài thông thường như phóng sự, ký sự, nhưng một số cây bút như Phùng Gia Lộc, Hoàng Hữu Các, Hoàng Minh Tường, Trần Huy Quang, Nguyễn Thị Vân Anh... đã mang lại cho nó chất văn, khiến sức khái quát được nâng cao, khả năng làm rung động lòng người cũng đậm đà hơn hẳn.

Đối với thơ, truyện, tiểu thuyết, tình hình có tế nhị hơn một chút. Sáng tác văn học không phải là thứ buổi sáng muốn, buổi chiều làm ngay được. Bởi vậy, khi nhìn vào loại sách mới in ra, người ta khó lòng nói là có một khúc quanh, một bước ngoặt. Có thể hoàn toàn dễ dàng nêu ra một danh sách các tác giả có sáng tác đáng chú ý thời gian qua: Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên và Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Thu Hương và Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Lập và Trần Văn Tuấn, Cao Tiến Lê và Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Khoa Điềm và Y Phương, Ý Nhi và Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Duy và Nguyễn Đức Mậu v.v và v.v... nhưng hình như khi nhìn vào các tác phẩm cụ thể thì lại chưa thấy có cuốn nào khả dĩ đứng riêng ra thành một hiện tượng độc lập. Do đã viết từ mấy năm trước, một số có ngay cái vẻ "hàng cũ" khi mới ra đời. Một số khác toan bắt lấy giọng mới, nhưng lại đuối kém. Có điều, không khí chung cứ mỗi ngày mỗi nhích lên, có khi chỉ dăm bài thơ, một vài truyện ngắn mà đã nói lên được một điều gì đó báo hiệu một xu hướng phát triển đáng phải để ý. Như một người lạ từ đâu vụt đến, nhưng đã có được những trang viết chững chạc, khiến mọi người không ngớt bàn tán, đấy là trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Cả những người chưa thích mặt này hay mặt nọ ở "tác giả Tướng về hưu" cũng đều phải công nhận đây là một cây bút rõ ràng, quyết liệt trong cách nhìn đời, trong giọng điệu, mà tư duy nghệ thuật lại rất độc đáo, hấp thu được nhiều tinh hoa của văn học nước ngoài và văn học quá khứ. Có một thứ duyên may nào đó khiến điểm chín của ngòi bút đã viết Tướng về hưu rơi đúng vào lúc này, nhưng khách quan mà xét phải thấy không có Nguyễn Huy Thiệp này sẽ có Nguyễn Huy Thiệp khác, không có Phạm Thị Hoài này sẽ có Phạm Thị Hoài khác, đời sống chuẩn bị cho sự có mặt của họ, họ phải xuất hiện để cùng với các lớp nhà văn trước tìm tới một cách nghĩ, cách viết thoải mái hơn, tự tin hơn và nói trúng hơn các vấn đề của đời sống. Mới ngày nào khi cho in Khách ở quê ra, Nguyễn Minh Châu còn phải tìm cách giấu giếm ý định của mình. Nay trong Chợ Tết (Văn nghệ quân đội, Xuân 1988), anh cũng đứng ở một tầm rất cao để khái quát cả một giai đoạn lịch sử mà không cần những rón rén, rào đón như lần trước. Nhờ lăn lộn trong công tác báo chí, Xuân Cang có được Những ngày thường đã cháy lên, Huy Phương có Sa mạc, Nguyễn Quang Sáng có Tôi thích làm vua, Thế võ – những truyện ngắn không chỉ có ý nghĩa tự thân, mà rõ ràng là những bước thể nghiệm của mỗi tác giả. Đã lâu lắm, Mai Ngữ không viết một cái gì đáng kể. Với Chuyện như đùa, Lại chuyện như đùa, Dư vị cuộc đời, nhà văn này mới hiện ra với khuôn mặt thực của mình: một ngòi bút lọc lõi, chua chát. Người ta không thể vừa muốn đổi mới vừa sống y nguyên như ngày hôm qua. – Có lẽ đã nghĩ vậy, nên nhiều nhà văn có những tác phẩm đối thoại với chính mình và muốn mọi người hiểu những điều mình viết trước đây theo một cách khác. Đó là Nguyễn Khải với Cái thời lãng mạn, thiên truyện có chất của một tiểu luận nhằm chia tay với quá khứ. Là Xuân Thiều với Âm vang chiến tranh (Văn nghệ quân đội, số 5-1988). Trong thơ người ta cũng quan sát thấy xu thế muốn tự khác với chính mình (chẳng hạn trường hợp của Bằng Việt và Hữu Thỉnh trong các chùm thơ đăng ở Văn nghệ, số 15 & 21, 1988) đi theo hướng này, biết đâu chả có lúc thơ ta bớt đi được cái phong điệu nhởn nhơ thù tạc phổ biến hiện nay, để có một khuôn mặt khác.

Sở dĩ nói biết đâu vì những sáng tác kể trên, cả thơ lẫn truyện mới được xem xét trên cái phần bề nổi dễ thấy. Sau những khúc dạo đầu đó, bước đi của các tác giả còn để ngỏ, nó sẽ biến hóa, tùy thuộc bản lĩnh từng người và những điều xảy ra trong xã hội. Có người, chắc là nhiều người, cả quyết tiếp tục cái hướng đã mở ra; nhưng có lẽ có người giật mình khi thấy hình như so với cả quá trình sáng tác, đấy chỉ là một bước sa đà, và phải mau mau trở lại con đường cũ. Sự đời thật muôn màu muôn vẻ: nếu như có người đến với đổi mới như thể thuận chân bước theo chung quanh, thì chắc chắn có người làm việc với cả sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước, và một ý thức sáng suốt. Đẩy quá lên một chút, cái tự ý thức mạnh mẽ quá đáng này sẽ thành một thứ chủ quan độc đoán, coi chỉ có phương hướng đổi mới như của mình mời là đúng, là có giá trị, mọi lối làm khác đều là của rởm: đáng lẽ cần lặng lẽ làm việc của mình thì những người này lại sẵn sàng xếp sáng tác lại một bên, lao mình vào những cuộc tranh luận. Sau nữa, một sự biến dạng đáng buồn: đây đó không khỏi có một vài người chỉ cần có được một vài sáng tác làm vốn, sau đó, trương lá cờ đổi mới lên, mưu cầu những lợi lộc không dây dưa gì với văn chương. Đó là những người bất tài? Có thể. Nhưng không phải tất cả. Đôi khi ẩn giấu trong lòng những người này thật ra là một nỗi hoài nghi sâu xa, hoài nghi rằng có khác đi đến mấy thì văn học cũng không được việc gì, cốt sống nhênh nhang qua ngày, miễn đừng quá vất vả đến bản thân. Lý do để mỗi người đổi mới đã đa dạng, mà diễn biến lại phức tạp vậy, nên trước sau vẫn là phải chờ đợi, thời gian sẽ làm công việc phán xử cuối cùng, nhưng cái bề nổi trên kia thì vẫn là những sự kiện có thực, nghĩa là những điều phải ghi nhận.

Đứng về mặt cấu trúc của đời sống văn học mà xét, thì những ý kiến trao đổi đại loại văn chương là gì, văn chương có thể làm được điều gì (tức bàn về chức năng, thuộc tính... như chúng ta vẫn nói) có vẻ cũng là một thứ thuộc về bề mặt, nó thường trình diện qua báo chí và không ít khi gây ra những cuộc cãi vã mà sau này cả hai phía đều quên đi. Thế tức đấy là những chuyện ngoài rìa hời hợt, có ý nghĩa chốc lát? Nhưng không, những suy nghĩ về văn học thật ra có ý nghĩa bề sâu. Khi đã đến với tâm trí, nó sẽ lay động toàn bộ cách sống, cách viết của nhà văn và khơi gợi cho những sáng tác mãi mãi về sau.

Nói một cách giản dị hơn: khi một nhà văn đã nghĩ khác về nghề, trước sau anh ta sẽ viết khác.

Chính ở chỗ này, chúng ta vui mừng ghi nhận rằng công cuộc đổi mới của xã hội đã làm cho cách nghĩ về văn học không thể dừng lại ở ngày hôm qua. Và, vượt lên trên các sáng tác cụ thể, đây mới chính là dấu hiệu của bước đi không thể đảo ngược thấy rõ trong đời sống văn học.

Mở đầu bài viết Văn nghệ và chính trị, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà có nêu một nhận xét là trước đây, mỗi khi bàn về mối quan hệ trên, mọi người thường giữ một thái độ kính cẩn, điều đó khiến không ai nhìn nhận vấn đề được thấu đáo. Với công cuộc đổi mới – đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật – chúng ta chứng kiến một thái độ ngược lại: Mỗi người nói rõ ý kiến của mình, cách hiểu của mình. Cuộc thảo luận còn tiếp tục nhưng về nguyên tắc nó có ích ở chỗ gợi ra một thái độ đúng, một hướng tiếp cận đúng với các vấn đề có ý nghĩa sống còn của văn học: phải có cách tư duy khác, cách hiểu khác đi về nghệ thuật.

Như nhiều người vẫn nói, lý luận, ở phần cao đẹp của nó, là một thứ ý thức của sáng tác, triết học của văn chương (chữ nghĩa có vẻ to tát, song thực tế là như vậy!). Trước đây, ý thức của chúng ta sáng rõ nhưng hạn hẹp, chúng ta sống với khá nhiều điều cấm kỵ. Nay thì thay vào đó là những suy nghĩ khá hơn, hợp lý hơn. Tính đa nghĩa của văn học, trước bị lảng tránh, thậm chí ghê sợ, nay đa nghĩa được xem như dấu hiệu mà mọi tác phẩm văn học thực thụ phải có. Những tìm tòi nghệ thuật trở thành một mối bận tâm lương thiện. Vượt qua cái khung đề tài mà một thời gian dài được duy trì một cách hình thức, văn học muốn hướng tới việc tiếp cận toàn bộ đời sống nhằm lý giải mọi vấn đề có ý nghĩa nhân bản vốn là một yêu cầu mà mọi đề tài đòi hỏi. Tóm lại, trong ý thức của nhiều nhà văn lúc này, văn học được quan niệm một cách rộng rãi hơn, sâu sắc hơn. Khi hiểu ra rằng trên một số phương diện, văn học ta ở trong tình trạng trì trệ kéo dài, tụt xa lại so với sự phát triển chính thường của văn học thế giới, thì cũng là lúc chúng ta xác định rằng: Con đường đi tới không thể nào khác, đó phải là con đường phấn đấu để trở thành một nền văn học hiện đại (hiện đại theo nghĩa tốt đẹp của chữ này), gần gũi với mọi thành tựu của văn học thế kỷ XX cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (1-12-1988)

 

Mục lục

 

18-1-19