IDS: CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đăng ký hoạt động theo Luật KH&CN tại
Sở KH&CN Hà Nội và được chấp nhận ngày 27 tháng 9 năm 2007. Ngày 14
tháng 9 năm 2009 IDS tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết định số
97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc Ban hành Danh mục các
lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức KH&CN, có hiệu lực từ ngay ngày
hôm sau.
Mới đấy mà đã hơn 10 năm IDS
ngừng hoạt động, nhưng vẫn đang và sẽ còn để lại những dấu ấn đặc biệt
trong quá trình phát triển đầy gian nan của Xã hội dân sự ở nước ta.
Nhân dịp này, tôi xin kể lại một vài câu chuyện có liên quan mà còn ít
người được biết. Mong được bạn đọc gần xa chia sẻ với tinh thần cởi mở.
Khoảng cuối năm 2006
các anh Phùng Liên Đoàn (PLĐ) và Lê Xuân Khoa (LXK) đã đề xuất với
Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt (VVK) việc thành lập Viện VN21 để tập hợp
một số anh chị em trong và ngoài
nước cùng nghiên cứu những vấn đề cấp thiết phục vụ phát triển đất nước.
Anh PLĐ ước tính phải có khoảng 6 triệu USD cho việc này, trong đó bản
thân anh tình nguyện ủng hộ một nửa, số còn lại đề nghị Chính phủ đóng
góp. Sẽ thành lập một Ban điều hành chung do Chính phủ và Nhóm PLĐ đề
cử. Ông VVK khuyến khích ý tưởng này và mãi lâu sau khi việc không thành
Ông mới chia sẻ với chúng tôi, đại ý: Hợp tác với các anh chị em vốn đã
là Việt kiều yêu nước thì dễ quá, hợp tác với những người cũng là máu đỏ
da vàng mà trước đây không đứng về phía chúng ta mới khó, nhưng đó là
việc cần phải làm trên tinh thần
hòa hợp để tận dụng chất xám của một bộ phận trí thức tâm huyết đang
sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Còn lúc ấy Ông đã viết thư giới
thiệu với Thủ tướng và giao cho các anh Tương Lai, Huy Đức giúp hai anh
PLĐ và LXK gặp trực tiếp để thăm dò tính hiện thực của đề xuất nói trên.
Tiếc thay việc không thành vì một lý do hết sức giản đơn: Thủ tướng
không mấy mặn mà! Thật tiếc cho một ý tưởng lành mạnh và tấm lòng chân
thành của những người xa quê hương…
Ở Hà Nội anh Quang A và chúng tôi cũng định thành lập một Viện nghiên
cứu phát triển trực thuộc Hiệp hội các Doanh nghiệp Hà Nội. Lại vấp phải
cơ chế “xin-cho” nên việc cũng không thành.
Đúng vào lúc ấy ông VVK lại khuyến khích chúng tôi thành lập các tổ chức
nghiên cứu kiểu các think tank
độc lập. Hai tổ chức như vậy mau chóng được hình thành . Ở Sài Gòn các
anh Võ Như Lanh và Trần Hữu Quang thành lập Trung tâm Nghiên cứu trực
thuộc Tạp chí Thời báo Kinh tế
Sài Gòn gồm khoảng vài chục nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước do
anh Trần Hữu Quang làm Giám đốc và mời ông VVK làm Chủ tịch Hội đồng
Trung tâm. Thấy vậy anh Quang A và tôi bay vào Nam xin ý kiến ông VVK.
Chúng tôi báo cáo với Ông là dựa nào Luật KH&CN, các tổ chức nghiên cứu
tư nhân chỉ cần đăng ký hoạt động ở các sở KH&CN của các tỉnh thành với
thủ tục khá đơn giản. Khối khoa học kỹ thuật thì có nhiều rồi, khối khoa
học xã hội nhân văn thì chưa có, nhưng không có điều luật nào cấm cả,
chúng tôi sẽ vận dụng. Ông hỏi bao giờ lập xong? Chúng tôi nói khoảng
vài tuần; và nói thêm rằng chúng tôi muốn mời ông tham gia với tư cách
Chủ tịch HĐ Viện, nhưng rất băn khoăn vì sợ bước đầu khó khăn, hoạt động
không hiệu quả thì làm Ông mang tiếng. Ông vui vẻ khuyến khích: “Không
cần tôi đâu! Các cậu cứ làm tới đi!”. Với sự chỉ dẫn và giúp đỡ hết sức
nhiệt của GĐ sở KH&CN Hà Nội lúc đó, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục
theo đúng quy trình, và nhanh chóng nhận được Giấy chấp nhận đăng ký,
rồi hăm hở bước vào hoạt động.
Theo gợi ý của ông VVK, chúng tôi đã mời các GS Hoàng Tụy (Chủ
tịch Hội đồng Viện) và Phan Huy Lê,
các chuyên viên cao cấp Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên, tham
gia như những thành viên sáng lập cùng với ba chúng tôi là Nguyễn Quang
A (Viện Trưởng), Phạm Chi Lan (Viện Phó) và Chu Hảo. Dần dần chúng tôi
lần lượt mời các vị sau đây tham gia HĐ viện:
Tương Lai, Nguyễn Trung, Lê Đăng Doanh, Nguyên Ngọc, Kim Hạnh,
Huỳnh Sơn Phước, Phan Đình Diệu, Nguyễn Quốc Huy và Phạm Duy Hiển.
Khó khăn đầu tiên là vấn đề “tiền đâu?”: tiền thuê trụ sở, tuyển nhân
viên Văn phòng và Kế toán, tổ chức các cuộc họp và hội thảo…Rất may là
trong lúc khó khăn ấy anh Quang A đã vận động gia đình ủng hộ Viện
500.000.000 VNĐ (năm trăm triệu đồng). Có bột sẽ gột nên hồ! Ngay từ đầu
Ông VVK nhắc nhở chúng tôi nên hợp tác với các Bộ Ngành để thực hiện các
đơn đặt hàng nghiên cứu chính sách. Cuối cùng, sau gần hai năm hoạt động
hình như chỉ làm được một HĐ nghiên cứu đánh giá chính sách với Quỹ Đan
Mạch do anh Vũ Quốc Huy chủ trì là có vẻ có giá trị. Còn “con cá sổng”
mới đúng là “con cá to”: Hợp đồng “Tư vấn Phát triển bền vững dựa trên
Khoa học và Giáo dục” mà chúng tôi đã thảo luận khá công phu với Bộ
KH&GD của một nước Phi châu có giá trị hàng triệu USD cuối cùng đã không
thành (nghe nói vì có nhóm khác từ một nước rất to giành mất?!)
Tuy vậy trong khoảng hai năm tồn tại IDS đã làm được một số việc có ý
nghĩa như các bạn đã biết. Nhưng việc IDS đã từng tư vấn cho ông Thường
trực Ban Bí thư ĐCS VN (BBT) thì
chắc các bạn chưa biết. Ấy là vào lúc Bộ Chính trị ĐCSVN (BCT) chuẩn bị
ra Nghị quyết về ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục ảnh hưởng của cuộc
khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Được biết đến IDS như một
think tank độc lập, ôngThường
trực BBTđã mời một số thành viên của Viện đến để tham khảo ý kiến. Trong
tuần làm việc ấy ông đã một mình thân mật tiếp chúng tôi hai lần tại nhà
riêng. Khi chị Chi Lan và các anh Lê Đăng Doanh, Quang A, Vũ Quốc Huy
trình bày tôi thấy ông chăm chú lắng nghe, hỏi lại nhiếu vấn đề mà ông
quan tâm… và ghi chép rất cẩn thận. Ông tỏ ra rất thoải mái và cởi mở
khi trao đổi lại những ý kiến của các anh chị khá nặng nề khi nói về
hiện trạng nền kinh tế nước nhà, rất thẳng thắn phê phán những chủ
trương chính sách không hợp lý, và mạnh dạn đề xuất phương án khắc phục.
Chúng tôi không thể biết ông có sử dụng chút nào những ý kiến thảo luận
tại hai buổi làm việc ấy trong các cuộc họp của BCT hay không, nhưng
cũng thấy vui khi sau đó đã nhận ra vài ba điểm tương đồng giữa ý kiến
của các chuyên gia kinh tế IDS với những kết luận ghi trong NQ của BCT
về ổn định kinh tế vĩ mô. Rất có thể đấy chỉ là một sự tình cờ…
Rồi một năm sau “tình cờ” chúng tôi được biết ông Tổng Bí thư rất “quan
tâm” đến hoạt động của IDS và Trung tâm Nghiên cứu trực thuộc Thời báo
Kinh tế Sài Gòn, bằng cách trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo Hà Nội và T/p Hồ
Chí Minh giải tán hai tổ
chức đó. “Lệnh” đã ban ra và lập tức được thi hành. Ở T/p HCM sự việc
diễn ra khá đơn giản. Ông Phó
chủ tịch thành phố phụ trách khối Văn-Xã truyền đạt cho lãnh đạo cơ quan
chủ quản “lệnh miệng” của cấp trên và Trung tâm Nghiên cứu lặng lẽ được
giải tán. Ở Hà Nội thì “lủng củng” hơn nhiều. IDS là tổ chức tư nhân nên
không có cơ quan chủ quản để mà ra “lệnh miệng”, thành ra phải làm theo
Luật, mà chúng tôi thì làm rất đúng Luật nên khó mà hoạnh họe. Nhưng
cuối cùng thì lãnh đạo Hà Nội và Chính phủ cũng tìm ra cách loại bỏ IDS
bằng cách ra NQ 97 như các bạn có thể tìm hiểu thêm trong tài liệu kể
trên.
Tuyên bố tự giải thể thì chẳng phải xin phép ai, nhưng làm các thủ tục
trả lại con dấu để dừng hoạt động không dễ dàng đâu nhé! Chi cục thuế Hà
Nội phát hiện IDS còn thiếu 6000 VNĐ (sáu ngàn đồng) và bắt thanh toán
ngay. Để cho chắc chắn chúng tôi nộp luôn 10.000 VNĐ (mười ngàn đồng),
vậy mà cho đến nay “nguyên” IDS vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận nộp
đủ thuế để trả lại con dấu theo đúng quy định. Khổ thân Viện trưởng IDS
đến hôm nay vẫn phải bảo quản con dấu này rất cẩn thận.
Tôi
đồ rằng chưa thể có con dấu thứ hai giống thế . Đối với chúng tôi đây
cũng là một kỷ niệm vui vui. Và chúng tôi thanh thản…
Chu
Hảo
Cựu Thành viên IDS
Lên trang viet-studies ngày 14-9-19 |