Những thách thức
sau bầu cử Mỹ năm 2020
Nguyễn Quang Dy
“Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
(Kiều)
Sau bốn năm như “đến hẹn lại lên”, nước Mỹ và thế giới lại chứng kiến
trận chung kết giải thi đấu đặc biệt của nền dân chủ Mỹ, để khẳng định
ai là chủ Nhà Trắng trong bốn năm tiếp theo. Nhưng năm 2020, sự kiện
chính trị này kịch tính và khó lường hơn, do hệ quả bốn năm dưới chính
quyền Trump và một năm bị đại dịch Covid-19. Trong khi thế giới càng bất
an thì nước Mỹ càng phân hóa, không chỉ giữa hai chính đảng mà còn trong
cộng đồng và các gia đình. Vậy sau bầu cử, nước Mỹ và thế giới phải đối
mặt với những thách thức gì?
Kịch
tính và khó lường
Cách đây bốn năm, bầu cử cũng kịch tính và diễn biến khó lường, nhưng
đến nửa đêm (giở Mỹ) ta có thể biết ai là người thắng cuộc. Nhưng năm
nay, điều đó đã thay đổi vì số cử tri tham gia bỏ phiếu tăng kỷ lục và
số người bỏ phiếu bằng thư qua bưu điện rất lớn (do đại dịch), làm quá
trình kiểm phiếu kéo dài, dẫn đến những hệ lụy phức tạp tại các bang
“chiến địa”. Đến nửa đêm (3/11), Joe Biden mới được 224 phiếu, và Donald
Trump được 213 phiếu.
Ba ngày tiếp theo, cả hai đối thủ vẫn chưa đủ 270 phiếu (cử tri đoàn)
nên quá trình kiểm phiếu vẫn tiếp tục, với kết quả sát nút tại một số
bang “chiến địa” đầy kịch tính và căng thẳng như trong phim hành động
(suspense). Một số nơi phải tạm dừng để kiểm phiếu lại (recount) do nghi
ngờ “gian lận” (fraud). Dù đó là tin đồn hay sự thật, nó phản ánh tâm
trạng bức xúc và đối địch trong
cộng đồng như “thùng thuốc súng”, làm đầu độc tâm lý người Mỹ.
Có nhiều nguyên nhân. Một là hệ quả bốn năm dưới chính quyền Trump làm
xã hội phân hóa thành phe “cuồng Trump” và phe “chống Trump”, gây chia
rẽ trong cộng đồng và gia đình. Hai là hệ quả của đại dịch năm nay làm
gần 10 triệu người Mỹ bị lây nhiễm và gần 237 ngàn người chết, gây tâm
lý hoang mang lo sợ. Ba là những biến động về dân số trong cộng đồng làm
xung đột sắc tộc biến thành bạo loạn và khủng hoảng (như phong trào
BLM).
Trước ngày bầu cử (3/11) phe Cộng Hòa đã vận động ráo riết tại các bang
“chiến địa”, thậm chí cử người đi “gõ cửa từng nhà” (door to door). Ông
Trump đã vận động không mệt mỏi như “một cỗ máy” (absolute machine). Phe
Dân Chủ rút kinh nghiệm bốn năm trước, cũng ráo riết đi vận động tại các
bang “chiến địa”. Hoạt động tranh cử quyết liệt của cả hai phe là một
yếu tố quan trọng, thúc đẩy cử tri Mỹ đi bỏ phiếu đông tới mức kỷ lục so
với trước.
Sau gần bốn ngày kiểm phiếu, đến trưa ngày 7/11 các hãng truyền thông
của Mỹ thông báo ông Biden đã chiến thắng tại bang Pennsylvania (cộng 20
điểm), vượt quá 270 điểm cần thiết để trở thành tổng thống thứ 46 của
Mỹ. Đến 8 giờ tối (giờ Mỹ) ông Biden đã tuyên bố chiến thắng, và lãnh
đạo nhiều nước đã gửi điện mừng. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố cuộc
bầu cử “còn lâu mới kết thúc” vì “gian lận” (fraud), sẽ khởi tố tại tòa
án vào thứ hai tới.
Tuy chưa biết việc kiểm phiếu “gian lận” đó sẽ được giải quyết bằng pháp
luật như thế nào, nhưng trận chung kết bầu Tổng thống Mỹ năm 2020 (giữa
Donald Trump và Joe Biden) chắc phức tạp hơn năm 2000 (giữa George Bush
và Al Gore). Bầu cử tổng thống, thượng viện và hạ viện Mỹ năm nay sẽ đi
vào lịch sử vì đầy kịch tính và khó lường như một sự kiện lạ, với nhiều
tin đồn thất thiệt (half truth) làm dư luận Mỹ và thế giới lo lắng bất
an.
Tuy sự phân hóa và chia rẽ giữa hai đảng đã diễn ra từ trước thời Trump,
nhưng Trump vừa là tác nhân vừa là sản phẩm của sự chia rẽ, làm cho hố
phân cách càng lớn. Theo một khảo sát, 73% người theo đảng Cộng Hòa và
Dân Chủ bất đồng với nhau về những vấn đề cơ bản (basic facts), và 60%
cử tri Mỹ nghĩ rằng người của đảng kia là mối đe dọa với Mỹ. Cứ 5 người
Mỹ thì có một người cho rằng bạo lực là chính đáng nếu đảng kia thắng
cử. Đó là tâm thế cực đoan, trong khi nhiều người Việt tại Mỹ và trong
nước ủng hộ ông Trump.
Những
thách thức lớn
Nếu ông Biden đắc cử, thì thách thức đầu tiên
mà chính quyền Biden phải đối mặt là tình trạng phân hóa và chia rẽ sâu
sắc trong xã hội Mỹ mà một số người lo ngại có nguy cơ “nội chiến”.
Trong diễn văn hôm nay, ông Biden nhấn mạnh đến mục tiêu đoàn kết để
“hàn gắn” (healing) và hợp tác, nhưng chuyển giao quyền lực (trước mắt)
và hợp tác (về lâu dài) trong quốc hội sẽ rất khó khăn.
Tuy ông Trump có thể thất cử, nhưng Trumpism vẫn tồn tại, với hội chứng
“nước Mỹ trên hết”, nên chính quyền
Biden dễ trở thành “vịt què” (lame duck).
Thách thức lớn thứ hai là hệ quả của đại dịch coronavirrus trong năm qua
không chỉ làm số người lây bệnh và bị chết đứng đầu thế giới (tuy chưa
dừng lại), mà còn làm cho kinh tế suy thoái và bộc lộ những góc khuất
yếu kém về quản trị của chính quyền Trump. Nhiều cử tri Mỹ hy vọng chính
quyền Biden coi đây là ưu tiến cấp bách để xử lý tốt hơn, ngay trong năm
đầu. Vì vậy, đối với chính
quyền Biden, đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội.
Thách thức lớn thứ ba là suy thoái kinh tế do đại dịch cũng như do chiến
tranh thương mại và các nguyên nhân khác. Đây là một thách thức to lớn
đối với bất cứ chính quyền nào (cộng hòa hay dân chủ), nhưng chính quyền
Trump làm khá tốt cho đến đầu năm (khi có dịch). Tuy ông Biden nhấn mạnh
đến vai trò của tầng lớp trung lưu (middle class), nhưng trong tranh
luận vừa rồi, vẫn chưa thấy ông đưa ra một kế hoạch về kinh tế có sức
thuyết phục.
Về đối ngoại, tuy chưa phải là vấn đề cấp bách
nhất, nhưng chắc chính quyền Biden sẽ ưu tiên củng cố quan hệ đồng minh,
vì Trump coi nhẹ và làm rạn nứt, do chủ trương giảm thiểu cam kết vì
“nước Mỹ trên hết”. Đối với Trung Quốc,
Biden cũng cho rằng Mỹ phải cứng rắn vì “đó là thách thức đặc biệt”. Chính
quyền Biden chắc không thay đổi mục tiêu chiến lược mà chính quyền Trump
đã định hình, nhưng có thể khác về phong cách và mức độ. Theo
Anne-Marie Slaughter (New America), các trụ cột trong chính sách đối
ngoại của Biden có thể gồm ba chữ D là Domestic (Đối nội),
Deterrence (Răn đe) và Democracy (Dân chủ).
Về khu vực Indo-Pacific Tự do Rộng mở (FOIP) và Biển Đông, chắc chính
quyền Biden sẽ duy trì khuôn khổ đối tác chiến lược với đồng minh khu
vực như “Bộ Tứ” (Quad) và “Bộ Tứ mở rộng” cũng như với ASEAN, như một
“di sản đối ngoại” của chính quyền Trump. Biden có thể điều chỉnh một
chút cho gần với mô hình “chuyển trục sang Châu Á” (Pivot) hay “tái cân
bằng” dưới thời Obama, và mô hình hợp tác “TPP-12” (như “trở về tương
lai”).
Đối với vấn đề Đài Loan và Hong Kong, có thể quan điểm của chính quyền
Biden sẽ mềm mỏng hơn (hay “bớt diều hâu”) so với chính quyền Trump,
nhưng không có nghĩa là sẽ nhân
nhượng với Trung Quốc như
trước đây, vì chủ trương “tách đôi” (decoupling) và “cạnh tranh chiến
lược” (strategic rivalry) với Trung Quốc là khó đảo ngược, do “đồng
thuận quốc gia” (national consensus) cũng như “đồng thuận lưỡng đảng”
(bipartisan consensus). Đối với Bắc Triều Tiên, chắc Biden sẽ có cách đề
cập “chuyên nghiệp hơn”, khác với Trump.
Đối với Việt Nam, quan hệ đối tác toàn diện (comprehensive partnership)
đã phát triển thêm một bước dài (a long way) dưới thời Trump, tiệm cận
với đối tác chiến lược “trên thực tế” (de facto), gồm hợp tác kinh tế
lẫn an ninh quốc phòng. Đây cũng là một “di sản về đối ngoại” của chính
quyền Trump mà chính quyền Biden chắc sẽ tiếp thu và tiếp tục, với một
số điều chỉnh theo phong cách của Biden, nhưng nhất quán hơn và coi
trọng nhân quyền.
Lời
cuối
Dù Donald Trump có thất cử, ông vẫn là đương kim Tổng thống (incumbent
president) cho đến ngày 20/1/2021 khi tổng thống mới nhậm chức (nếu
chuyển giao bình thường). Vì vậy, Trump có thể tham dự cuộc họp cấp cao
Đông Á (EAS), ngay sau họp cấp cao ASEAN (11/11/2020). Đây là một dịp
tốt mà Trump có thể tới dự để đóng góp vào di sản của chính quyền Trump
trong đó có tầm nhìn Indo-Pacific Tự do Rộng mở, với “Bộ Tứ” là nòng
cốt.
Dù ai làm Tổng thống Mỹ, Việt Nam vẫn phải dựa vào nội lực là chính, và
mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác chiến lược ngoài ASEAN
như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc (Quad) cũng như với EU, UK, Canada, Tân Tây Lan,
Hàn Quốc, v.v. Việt Nam cần tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc,
cũng như tránh bị mắc kẹt vào trò chơi vương quyền (game of thrones)
giữa các nước lớn như Mỹ-Trung, trong một thế giới bất an khó lường.
Tham
khảo
1. Why
America Must Lead Again:
Rescuing U.S. Foreign Policy After Trump,
Joe Biden, Foreign Affairs, March/April 2020
2.
If Biden wins, he’ll have to put
the world back together,
Thomas Wright and Kurt Cambell,
Brookings,
April 14, 2020
3.
How
Significant Is the New US South China Sea Policy? Greg
Poling, CSIS, July 14, 2020
4.
The three pillars of US foreign policy under Biden,
Anne-Marie Slaughter,
Financial Times, 19/10/2020.
5.What
a Biden win would mean for Southeast Asia,
David Hutt,
Asia Times,
October 29, 2020
6.
Why Vietnam wouldn’t mind if Trump loses to Biden,
David Hutt,
Asia Times, October 29, 2020
7.
South
East Asia hedges its bets on US election cliffhanger,
David
Hutt, Asia Times, November 5, 2020
8.
Biden risks being a lame duck president,
Edward Luce, Financial Times,
November 5 2020
NQD.
8/11/2020 |