Nhớ Đồi Ô Tà Sóc Năm Xưa

Hồi ký

Nguyễn Minh Đào

    

Trân trọng giới thiệu bạn đọc bài hồi ký viết tay của tôi tết năm Bính Tý – 1996 dài 14 trang giấy A4, nhan đề “Kỷ niệm về một ngọn đồi”. Bài viết phản ánh nhiều tình tiết sống động tôi chứng kiến trong cuộc sống, chiến đấu vô cùng hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 1 Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam và Đại đội trợ chiến 385 bộ đội địa phương tỉnh An Giang trên đồi Ô Tà Sóc. Bài này trước đây tôi rút gọn đăng báo và trang Fb của tôi với tên "Trên đồi Ô Tà Sóc năm xưa". Nay tôi đánh máy sao nguyên văn đặt tên mới như dưới đây, nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020). Thành kính tưởng niệm và đời đời ghi nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 1 Anh hùng, đồng chí Trần Nhất Quyết đại đội trưởng và những cán bộ, chiến sĩ Đại đội 385 đã anh dũng hy sinh để bảo vệ ngọn đồi lịch sử này năm xưa

 

1.

 

Là cán bộ dân đảng huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang), sau đợt Tổng công kích Mậu Thân năm 1968 tôi được quyết định về Tỉnh đội An Giang làm trợ lý chiến sự. Các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang khi ấy trú đóng trên đồi Tức Dụp. Ngày đầu tiên đặt chân đến cơ quan Tỉnh đội, anh Vũ Khắc Sương (Năm Sương) –  Tỉnh đội trưởng đón tiếp tôi rất thân tình, căn dặn tôi nhiều điều về ăn ở, sinh hoạt, làm việc, chỉ thị Tiểu ban Quân lực cấp cho tôi một khẩu súng ngắn K54 và anh trực tiếp hướng dẫn tôi đến chổ ở, là một hóc đá nhỏ trong dãy lò ảng cơ quan Tỉnh đội trú dóng. Sau khi ổn định nơi ăn ở, tôi bắt tay vào việc. Ở đây chưa mấy ngày tôi nếm mùi trận bom đầu tiên của phi cơ địch, có mấy quả rơi ngay trên đầu, tiếng nổ đinh tai nhức óc, khói bụi mù mịt len theo kẹt đá vào tận hang sâu chúng tôi trú ẩn.

     Vài tháng sau các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội dời về trú đóng căn cứ B3 giồng Ông Sải trên đất Campuchia, sát biên giới tiếp giáp xóm Vạt Lài xã Khánh Bình huyện An Phú. Gần cuối năm 1969 Bộ Tư lệnh Miền điều động về An Giang Sư đoàn 1 bộ binh, cùng một số đơn vị phối thuộc đứng chân hoạt động dài ngày ở Bảy Núi. Sự kiện này làm nức lòng quân và dân An Giang, vì xưa nay chưa từng có đơn vị quân chủ lực nào của ta về hoạt động chiến trường này.   

     Những ngày tháng ấy, cơ quan Tỉnh đội làm việc rất khẩn trương, căng thẳng! Ngoài lo bố trí nơi ăn ở các đoàn cán bộ của Sư đoàn, Quân khu và các đơn vị phối thuộc đến quan hệ làm việc. Điều quan trọng là Ban chỉ huy Tỉnh đội và các cơ quan trực thuộc phải chạy đua với thời gian để cung cấp những thông tin về địch tình, dân tình, địa hình… giúp  các đơn vị nghiên cứu chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch hành quân, trú quân, tác chiến, hậu cần… Nhất là việc tổ chức hành quân của Sư đoàn và các đơn vị phối thuộc từ căn cứ xuất phát núi Som Campuchia vượt qua kênh Vĩnh Tế, trong khi địch phong tỏa dày đặt vô cùng nguy hiểm, sống chết trong gang tấc! Khi ấy anh em ta gọi kênh Vĩnh Tế là “kênh vĩnh biệt!”

     Khi vào được nội địa, có những đơn vị đi lạc lung tung vào cả vùng địch tạm chiếm. Anh em chiến sĩ hầu hết người miền Bắc không hiểu tình hình địa phương và vì quá mệt mõi nằm vật ra ngủ ngon lành, đến sáng địch phát hiện vây đánh, anh em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và người lính cuối cùng! Đồng bào các xã Nhơn Hưng, Thới Sơn, Xuân Tô, Ba Chúc… nhiều người chứng kiến khóc thương và cảm phục ý chí kiên cường của chiến sĩ ta, thà hy sinh nhất định không khuất phục kẻ thù!

     Dù phải vượt qua biết bao hy sinh gian khổ, cuối cùng các đơn vị cũng vào được chiến trường. Thời gian đầu quân ta còn sung sức và giử được yếu tố bí mật bất ngờ, địch bị động đối phó, quân ta đánh thắng lớn một số trận ở Vĩnh Trung, Ba Xoài, Xoài Chết… làm cho kẻ thù khiếp đãm, đồng bào vui mừng hả dạ! Nhưng khi địch biết sự có mặt sư đoàn chủ lực của ta chúng tập trung đối phó quyết liệt, huy động hàng vạn quân chủ lực, quân địa phương, cùng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại từ bom tấn, pháo bầy, hỏa tiễn không đối đất, pháo đài bay B.52, cho đến bom xăng, bom từ trường, chất độc C.S… không thiếu loại vũ khí giết người man rợ nào, trừ bom nguyên tử. Chúng đánh phá liên tục ngày đêm, chủ yếu trên đồi Ô Tà Sóc, nơi đóng quân chính của Sư đoàn 1 và các đơn vị phối thuộc. Mặt khác, địch xua quân đánh chiếm giành giật với ta từng tất đất, từng mõm đá trên ngọn đồi và phục kích các con đường mòn , bao vây ngăn chặn sự di chuyển của quân ta.

     Trên tuyến kênh Vĩnh Tế, địch càng tăng cường hoạt động phong tõa, hòng bịt kín đường tiếp tế hậu cần của quân ta từ hậu cứ trên đất Campuchia. Thâu đêm suốt sáng chúng rãi bộ binh, kết hợp giang thuyền phục kích từng cụm dưới kênh, trên bờ dày đặt. Trên không  từng tốp trực thăng bay theo đội hình dọc kênh, rà đi quét lại liên tục, chiếc đầu bay tầm thấp rọi đèn pha, thả trái sáng soi mói từng lùm cây, bụi cỏ khi phát hiện quân ta hay có dấu hiệu nghi ngờ, thông báo các chiếc bay sau bắn rốc-kết, đại liên xối xả và gọi pháo căn cứ Vĩnh Trung, Ba Xoài, Ba Chúc, núi Cấm, núi Sam bắn cấp tập. Việc qua lại kênh Vĩnh Tế của quân ta ngày càng khốc liệt, nhiều chuyến đi phải mất cả tháng mới qua lọt và nhiều trận các chiến sĩ ta phải chiến đấu một mất một còn với địch, khi bị chúng phát hiện vây đánh. Anh Ba Trân Sư đoàn trưởng bị địch bắt khi lọt ổ phục kích trên tuyến kênh này, tiểu đội cảnh vệ chiến đấu bảo vệ anh hy sinh gần hết và nhờ anh khôn khéo đói phó lừa địch, chúng không phát hiện ra anh, đến năm 1973 anh mới được trao trã.

     Con đường tiếp tế từ hậu cứ gần như bị cắt đứt. Việc tiếp tế tại chổ do bị địch gom dân ra “ấp chiến lược”, nên đột nhập vào “ấp chiến lược”  mua gạo và các nhu yếu phẫm thường phải trã giá bằng máu! Các chiến sĩ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu thốn ngặt nghèo, phải ăn đói, mặc rách, thiếu thuốc chữa bệnh v.v… Một số anh em không chịu nổi cái đói dày dò đành vi phạm kỷ luật dân vận, ban đêm lén ra đồng dùng tay tướt từng bông lúa chín của đồng bào đem về lấy nón sắt giã ra gạo nấu cháo ăn, hay đi đào trộm khoai của đồng bào viết giấy để lại xin lỗi bà con. Đồng bào rất hiểu hoàn cảnh thiếu thốn của bộ đội chẳng những không trách phiền, mà khi thu hoạch lúa, khoai làm như vô ý để sót lại rất nhiều cho anh em ta lấy về ăn. Do địch đánh phá ác liệt, đồng bào sản xuất chẳng được bao nhiêu lúa khoai, quân ta lại đông, nên đi tìm cái ăn quanh quẩn trong vùng căn cứ núi Dài, núi Tô nhiều khi không được gì ngoài một số ít củ măng, rau rừng, củ mài, củ chuối… Lắm khi vướng phải bom từ trường, hay bị phi pháo oanh kích bất chợt phải hy sinh, hoặc bị thương!                                                                         

 

2.

 

     Đầu năm 1970 tướng Lon-non đảo chánh lật đổ Quốc vương Sihanouk  Campuchia, Mỹ - ngụy mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Ta giúp nhân dân Campuchia do Đảng cộng sản Campuchia (Khmer đỏ) lãnh đạo đánh quân Lon-non giải phóng nhiều vùng rộng lớn và đánh trả các cuộc hành quân càn quét của Mỹ - ngụy trên đất Campuchia. Cuộc chiến đấu của quân dân ta ở nội dịa An Giang vẫn diễn ra gay gắt, quyết liệt. Cơ quan lãnh đạo, chỉ huy cơ bản của Tỉnh ủy, Tỉnh đội di chuyển trú đóng nhiều nơi, gần cuối năm 1970 về tận vùng núi Tượng Lăn[1] tỉnh Kampot Campuchia cách biên giới cả trăm cây số, tổ chức những bộ phận gọn nhẹ trở về nội địa bí mật bám trụ hoạt động. Riêng Tỉnh đội tổ chức Ban chỉ huy tiền phương, lúc đầu do anh Bảy Phong tỉnh đội phó, sau đó các anh tỉnh đội phó khác là Ba Liêm và Tám Khá phụ trách, về Bảy Núi trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị của tỉnh có mặt như Đại đội 381 đặc công, Đại đội 385 trợ chiến, cùng Tiểu đoàn A11 Quân khu biệt phái tăng cường cho tỉnh tác chiến độc lập, hoặc phối hợp với bộ đội chủ lực.

     Lúc bấy giờ tôi được điều động về Ban Chánh trị Tỉnh đội phụ trách công tác tuyên huấn và được Tỉnh đội bố trí cùng đi với Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội về Bảy Núi, giúp các anh lãnh đạo công tác chánh trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh. Công việc chuẩn bị cho chuyến công tác dài ngày này được triển khai từ tháng 9, tháng 10 năm 1970, đến gần cuối tháng 11 năm 1970 Ban chỉ huy tiền phương do anh Năm Sương, anh Bảy Phong trực tiếp chỉ huy hành quân về đến Trạm đầu cầu núi An Chao, núi Som huyện Kirivong Campuchia. Ở đây hàng ngày chúng tôi theo dõi diển biến chiến sự ở Bảy Núi, nhất là tình hình địch ở tuyến kênh Vĩnh Tế, nắm qui luật hoạt động địch, tìm kẻ hở để dùi qua. Nhiều đêm chúng tôi được lệnh hành quân, vì mùa nước nổi phải dùng xuồng nhỏ di chuyển, nhưng khi bí mật tiếp cận kênh Vĩnh Tế phát hiện có địch phục kích phải quay trở lại. Cứ thế, ngày này sang ngày khác, mãi đến tháng 1 năm 1971 Ban chỉ huy tiền phương gồm cả thông tin, cơ yếu, quân báo… khoảng 15 – 20 người về đến núi Dài Ba Chúc. Lúc đầu chúng tôi trú đóng Suối Vàng xã Lê Trì, sau dời về đóng chung khu vực với Huyện ủy, Huyện đội Tịnh Biên gần chùa Ông Chín, Ô Cạn và sau cùng về bám trụ đồi Ô Tà Sóc cho đến khi kết thúc nhiệm vụ.

     Về đến đồi Ô Tà Sóc tôi rất ngỡ ngàng, xúc động! Nhìn quang cảnh ngọn đồi tôi mới cảm nhận hết tính chất ác liệt của chiến tranh diển ra ở đây. Chỉ trong thời gian không lâu, bom đạn địch gần như hủy diệt mọi sự sống, chỉ có những con người xả thân chiến đấu vì đại nghĩa mới có thể tồn tại! Tôi nhớ, năm 1963 khi được Huyện ủy Tịnh Biên cử đi học trường Trần Phú của tỉnh đóng tại Ô Tà Sóc cùng cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội. Hồi ấy, cả ngọn đồi này là rừng núi hoang sơ, nhiều cây cổ thụ hai, ba người ôm không giáp, thân cao cao vút, tàn cây nọ liền cây kia che phủ ánh nắng mặt trời quanh năm không xuyên tới đất, không khí ẩm ướt lạnh lẽo. Trên mặt đất đủ thứ cây tạp, dây leo gai góc; nhất là dây mây rừng gai nhọn sắc rất nhiều và vô số hang đá, người ta gọi lò ảng tầng tầng lớp lớp, đi lại phải theo lối mòn nhất định, không thể càn xuyên rừng. Với môi trường sống như vậy, nên ở đây có rất nhiều loại muông thú hoang dã, giống khỉ có lẽ nhiều nhất, ở đâu cũng thấy khỉ, chúng vào tận nhà bếp cơ quan phá phách, kiếm ăn. Đặc biệt rắn độc cũng rất nhiều, tôi nghe anh em nói trông thấy rắn hổ mây to bằng hủ đường (?!). Với địa thế hiểm trở như vậy, nên Ô Tà Sóc là căn cứ trú đóng lý tưởng cho các cơ quan đầu não của tỉnh.

     Vậy mà chỉ vài năm, khi cường độ chiến tranh vùng Bảy Núi lên đến đỉnh cao, bom đạn địch tàn phá sạch ngọn đồi, không tìm đâu ra một cây rừng dù nhỏ nhất còn sống sót, chỉ còn hang đá lồ lộ giữa trời và những mãng đất bom cày, đạn xới nát vụn. Ban đêm khi bom đạn tạm yên, chúng tôi thường leo lên ngồi hóng gió trên mõm đá, những lúc trời không trăng đen thẩm nhìn quanh ngọn đồi, đó đây thân cây rừng chết khô bị bom napal đốt cháy trong trận ném bom trong ngày ánh lửa lập lòe. Cảnh tượng trông thật buồn thảm!

     Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội bố trí trú đóng trong dãy lò ảng liền nhau đi lại, ăn ngủ, sinh hoạt, làm việc… tất cả đều trong lò ảng, chỉ khi  đi công tác bên ngoài mới ra khỏi lò ảng. Chung quanh chổ trú đóng của chúng tôi có vài bộ phận nhỏ của các cơ quan dân đảng tỉnh cùng về bám trụ hoạt động từng lúc, cùng những cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn 1 và các đơn vị phối thuộc trú đóng. Các điểm cao trước mặt và sau lưng khu vực trú đóng của quân ta địch đóng chốt, ngày đêm khống chế ta trong tầm hỏa lực các cở của chúng, không lúc nào dứt tiếng súng từ các điểm cao bắn xuống; nhất là khi phát hiện thấp thoáng bóng người, hay khói lửa là chúng lập tức bắn như đổ đạn về phía ấy, hay gọi phi pháo oanh kích.

     Những người lính chúng tôi vốn đã quen chịu đựng khó khăn gian khổ và sẳn sàng chấp nhận hy sinh, nên sống trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng thích nghi được. Trừ những lúc địch đánh phá căng thẳng, bình thường chúng tôi tổ chức cuộc sống vẫn đàng hoàng, mặc cho bom rơi đạn nổ trên đầu, chúng tôi vẫn có cơm nóng ngày hai bữa, tuy chỉ với canh rau rừng nêm bột ngọt, khô cá, măng kho… Những lúc bom đạn tạm lắng, anh em chúng tôi cởi bỏ quần áo, dùng lá chuối khô quấn khắp người ngụy trang bò ra khỏi lò ảng xuống dưới lòng suối Ô Tà Sóc bắt cá chạch cải thiện bữa ăn, có khi được hai ba ngày. Nói chuyện này tôi bùi ngùi nhớ em Cương cận vệ anh Năm Sương là một chiến sĩ dũng cảm, trung thực, khôn ngoan. Những lúc theo anh Năm Sương về đây công tác, Cương là người phát hiện dưới lòng ô có nhiều cá chạch và nghỉ ra cách ngụy trang đi bắt cá kiểu ấy để tránh địch trên điểm cao phát hiện. Sau đó không lâu, Cương  cùng một số anh em trong lần đột nhập về núi Tượng Ba Chúc mua gạo bị địch phục kích bắn chết!

                                                                               

3.

 

     Đồi Ô Tà Sóc tuy bom đạn địch phát hoang tất cả, nhưng chúng không dể dàng đánh chiếm, vì có bộ đội ta đóng chốt án ngữ các hướng địch có thể tấn công, hể chúng trên điểm cao nống xuống là bị quân ta đánh chặn. Vã lại, với lò ảng hiểm trở có lợi thế quân ta phòng ngự, dù địch đánh phá liên tục bằng đủ loại bom đạn và thủ đoạn chiến thuật, chúng cũng không xeo quân ta bật ra được. Bom tấn, pháo bầy, pháo đài bay B.52, hõa tiến không đối đất có sức công phá lớn… không làm chúng tôi nao lòng. Chỉ có hai loại vũ khí chúng tôi hơi ngán: Một là bom xăng do trực thăng cần cẩu chúng tôi quen gọi “sâu rọm” treo tòn teng dưới bụng bọc trong tấm lưới hàng chục phuy xăng,  khi bay đến mục tiêu chúng thả một đầu lưới, phuy xăng rơi xuống đá bể, một chiếc trực thăng “cá lẹp” bay sau phóng pháo cháy bùng lên, xăng chảy đến đâu lửa cháy đến đó, một khu vực cả trăm mét vuông chìm trong lửa đỏ. Hể nghe tiếng trực thăng cần cẩu bay đến chúng tôi rút xuống hang sâu, dù địch đánh trúng lửa cũng không cháy tới, không một ai chết vì bom xăng. Cái mà chúng tôi ngán nhất là vài phi vụ như vậy, có một phi vụ mang một, hai phuy không phải xăng thường mà một loại hóa chất gì đó, khi “cá lẹp” phóng pháo gây cháy nổ tạo sức ép không khí rất mạnh, nếu bị địch đánh trúng nơi trú ẩn xuống hang sâu chừng nào sức ép càng mạnh dể làm chết người hơn, người chết quần áo bị xé tơi tã, mắt và lưỡi lòi ra ngoài, nếu cách xa một hai trăm mét bị tức ngực, khó thở… Trong một phi vụ đánh kiểu ấy, chẳng may trúng nơi trú đóng của quân y trung đoàn thuộc Sư đoàn 1, trong chốc lát hàng chục thương binh và y bác sĩ hy sinh! Cho đến nay, tôi chưa nghe thấy tài liệu khoa học quân sự nào nói về loại vũ khí này.

     Loại vũ khí thứ hai là chất độc C.S (còn gọi bom cay C.S). Loại này trước đây trong đầu đạn pháo cối khi bắn nổ gây cay mắt, nay để trong thùng như thùng nhựa đường trên phi cơ ném xuống đá bể ra, chất độc bằng bột màu trắng ngà bám trên mặt đá gây cay mắt, nôn mữa không chịu nổi phải rời bỏ nơi trú đóng đó. Một loại vũ khí nguy hiểm khác là loại hỏa tiễn không đối đất có sức công phá lớn, có thể làm bể tảng đá đường kín cả chục mét, nhưng hiếm thấy địch sử dụng. Có lần, tổ tiền tiêu Sư đoàn 1 phòng ngự trong hang đá nhỏ cảnh giới hướng chùa Tà Miệt địch có thể tấn công lên đồi, chúng tôi gọi là “đồi Ma Thiên Lãnh” bị loại hõa tiển ấy phóng trúng lấp cửa hang nhốt các chiến sĩ trong hang, dù hết sức cố gắng cũng không mở được cửa hang cứu anh em! Bên ngoài nghe anh em gọi mà thắt ruột, đau lòng: “Các đồng chí ơi… ráng cứu chúng tôi…!”. Chỉ còn dùng ống tre đổ cơm nước vào hang cho anh em ăn uống cầm hơi! Tiếng kêu cứu ngày càng yếu và thưa dần, đến khi không còn nghe gì nữa, biết rằng anh em đã hy sinh! Mãi sau này mới phá đá mở cửa hang đưa hài cốt các liệt sĩ về nghĩa trang an nghỉ. Trong chiến tranh con người có nhiều kiểu chết vì bom đạn, nếu có phải chết ngay người sống chứng kiến, dù có đau lòng còn dể chịu hơn là chứng kiến kiểu chết dần mòn như vậy!

     Từ đồi Ô Tà Sóc đi ra ngoài khi ấy có con đường độc đạo hướng về chùa Tà Miệt, xóm Thúng xã Lương Phi chạy dài đến voi Đá Miểu, voi Đá Bia và xóm Ô Cạn, chùa Ông Chín xã Ba Chúc là vùng căn cứ của ta. Đó là con đường mòn nhỏ quanh co trong vườn cây khá kín đáo. Đồng bào bị địch “xúc tác”  ra “ấp chiến lược” từ lâu, nhà cửa không còn. Ở đây ngày đêm chỉ có quân ta và quân mình. Ra ngoài vườn cây là đồng ruộng tróng trải, đến kinh Vĩnh Tế là vùng địch tạm chiếm. Ngày nào địch không càn quét đồng bào mới dám vào đất ruộng mình cày cấy, quân ta có thể đi lẻ tẻ vài ba người ra đồng gặp gở đồng bào khi cần, ít có người dân nào dám vào vườn cây.

     Địch phán đoán khá chính xác hướng đi lại hàng ngày của quân ta từ Ô Tà Sóc ra, nên thường xuyên bắn pháo ngăn chặn, khoảng sáu bảy giờ tối hay giữa khuya chúng nện vài chục quả pháo ở vùng “cửa ngõ” từ đồi xuống đất bằng. Khi đi công tác ra ngoài, hay đi về chúng tôi thường tránh giờ địch bắn pháo và qua vùng “cửa ngỏ” đi thật nhanh để khỏi vướng pháo địch. Trên đồi đi xuống gần tới đất bằng bên con đường mòn có một tảng đá lớn, phía dưới có vòm hang khá rộng miệng hướng Ô Tà Miệt, chúng tôi đặt tên “Bụng Ông địa”, khi đi hay về chúng tôi thường ghé lại đây nghỉ xả hơi có chổ tránh pháo.

     Từ những tháng đầu năm 1971, khi tôi cùng Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội về Bảy Núi, cục diện chiến trường nơi đây diển ra ngày càng bất lợi cho ta, địch tập trung quân vây đánh quyết liệt. Ta thường xuyên đối mặt với địch trên vùng căn cứ nhỏ hẹp này từ 1 đến 2 sư đoàn bộ binh, 3 đến 4 liên đoàn biệt động quân, 1 đến 2 thiết đoàn xe M.113, một số tiểu đoàn quân địa phương, cùng lực lượng pháo binh, không quân và các phương tiện kỷ thuật chiến tranh khác được huy động tối đa. Địch liên tục mở các cuộc hành quân hợp đồng binh – quân chủng càn quét với qui mô cấp sư đoàn, trọng điểm đánh phá vẫn là đồi Ô Tà Sóc và Tức Dụp, có khi mở diện đánh phá cả vùng núi Dài, núi Tô. Bộ đội ta, kể cả quân chủ lực và địa phương co vào phòng ngự giử đất bảo tồn lực lượng là chính, tránh chạm trán đánh lớn với địch. Chiến thuật “tìm diệt” của địch không đem lại kết quả như chúng mong muốn.

     Trong sổ tay công tác của tôi năm 1971 hiếm hoi còn lưu giử, có ghi diễn biến các trận phản kích và chống phản kích ta và địch tháng 2 năm 1971 trên đồi Ô Tà Sóc như sau:

     “Ngày thứ nhất 22/2, mở màn trận phản kích địch đánh một đợt bom phá, hai đợt bom xăng khoảng hai mươi lăm lượt chiếc trực thăng cần cẩu, một đợt bắn pháo kéo dài suốt hai giờ liền trên một ngàn quả và tiếp theo các cở hỏa lực khác của địch trên các điểm cao chung quanh bắn liên tục suốt ngày vào khu vực trú đóng của quân ta.

     “Ngày thứ hai 23/2,  từ mờ sáng hàng loạt súng DKZ 75 từ các điểm cao địch bắn xuống dồn dập vào trận địa quân ta, sau đó bộ binh địch tổ chức đánh xuống, đụng các chốt tiền tiêu của ta đánh chặn, địch chết và bị thương hơn hai mươi tên, chúng co lại dùng pháo, cối bắn dai dẳng đến chiều tối.

     “Ngày thứ ba 24/2, địch ở các điểm cao gọi pháo tầm xa và xử dụng các loại hỏa lực tại chổ tiếp tục bắn phá vào trận địa ta từ sáng tới chiều. Bộ binh địch một lần đánh nống xuống một đoạn, chưa đến chốt tiền tiêu của ta chúng sợ không dám đánh xuống, quay trở lại.

     “Ngày thứ tư 25/2, từ 5 giờ 30 sáng địch bắn một loạt pháo cấp tập hàng trăm quả vào trận địa ta, bộ binh mở một mũi đánh nống xuống, vướng bãi lựu đạn gài của ta nổ thương vong một số tên phải quay lại, gọi pháo và dùng các cở hỏa lực bộ binh tại chổ bắn day dẳng đến chiều.

     “Ngày thứ năm 26/2, địch đánh chủ yếu bằng phi pháo và hỏa lực bộ binh vào trận địa ta.

     Trận càn quét phản kích của địch còn tiếp tục day dẳng những ngày sau đó. Ta an toàn, diệt địch chết 7 tên, bị thương 25 tên, ta phá hư 1 khẩu DKZ 75 ly.

     Những trận phản kích và chống phản kích như vậy diển ra liên miên trên đồi Ô Tà Sóc, địch không làm gì được ta và ta cũng không gây tổn thất đáng kể nào cho địch. Đối mặt đánh nhau bằng bộ binh chẳng ăn thua, nhưng địch vẫn cứ đánh, kết hợp bộ binh với hỏa lực phi pháo và phục kích bao vây ngăn chặn sự di chuyển của quân ta, nhất là ngăn chặn con đường tiếp tế lương thực trong nhân dân ở các “ấp chiến lược” quanh vùng. Địch còn kết hợp chiến tranh tâm lý, trên vùng trời Bảy Núi ngày đêm máy bay quần đảo rãi truyền đơn và phát loa “chiêu hồi”. Truyền đơn địch rãi cơ man nào mà kể, khắp vùng rừng núi chổ nào cũng thấy truyền đơn, lớp trước mục rữa làm mồi cho côn trùng, lớp sau chồng lên. Đáng ghét nhất là bọn chiến tranh tâm lý phát loa “chiêu hồi”, máy bay quần đảo khi xa khi gần, nghe tiếng động cơ hòa tiếng loa vọng lại khi nhỏ khi lớn lập đi lập lại “hoặc chiêu hồi, hoặc tử thần” gây người nghe cảm giác nhàm chán, buồn ngủ…! Thỉnh thoảng có tên phản bội nào đó ra đầu hàng là dịp may địch tuyên truyền, phát loa “chiêu hồi”.

     Địch đánh phá ác liệt, day dẳng ngày này sang ngày khác, tạo thế áp đảo quân ta trên chiến trường, tuy không diệt được sinh lực quân ta, nhưng dần dần quân ta bị tiêu hao không ít. Tổn thất không đáng có của quân ta hồi ấy là đi mua gạo lọt ổ phục kích địch diển ra khá thường xuyên và chết vì sốt rét , bệnh tật do thiếu thuốc chữa bệnh!

     Những tháng ngày cam go, ác liệt ấy giữa cái chết và sự sống  kề nhau trong gang tất, có một số ít cán bộ, chiến sĩ người địa phương mất tinh thần đầu hàng địch. Anh em các đơn vị trong Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội động viên nhau giữ vững quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi theo dõi chiến sự trên chiến trường toàn miền Nam qua đài Tiếng nói Việt Nam và đài Phát thanh Giải phóng, rất phấn khởi khi nghe tin quân ta đánh thắng lớn ở Đường 9 Nam Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắt sống tên đại tá Thọ. Chiến thắng vang dội đó tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi, càng khẳng định niềm tin thắng lợi, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, đứng vững trên vị trí chiến đấu và công tác của mình suốt thời gian bám trụ chiến trường Bảy Núi.

4.

    

     Giữa năm 1971 bộ đội chủ lực lần lượt rút khỏi chiến trường Bảy Núi, nhiệm vụ bảo vệ vùng căn cứ Bảy Núi do các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh An Giang đảm nhận như Đại đội 385 trợ chiến đồng chí Trần Nhất Quyết (gọi tắt Quyết) đại đội trưởng và đồng chí Lê Thành Khởi (gọi tắt Hai Khởi) chánh trị viên chịu trách nhiệm đồi Ô Tà Sóc; Đại đội 381 đặc công đồng chí Sáu Niên đại đội trưởng chịu trách nhiệm đồi Tác Dụp, cùng Tiểu đoàn A11 Quân khu biệt phái đứng chân địa bàn hai xã Lương Phi, Ba Chúc và cơ động ứng chiến khi cần, cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Không còn bộ đội chủ lực, nhưng cường độ đánh phá của địch không giảm, bom đạn ngày ngày vẫn trút xuống hai ngọn đồi Ô Tà Sóc và Tức Dụp.

     Vắng bộ đội chủ lực, ban đầu chúng tôi cảm thấy “lạnh lưng”, dần dần chúng tôi tổ chức cuộc sống và chiến đấu theo phương thức thích hợp để tồn tại bảo vệ căn cứ Bảy Núi. Đồi Ô Tà Sóc lúc này có Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội do anh Ba Liêm tỉnh đội phó phụ trách, đội Phẩu thuật quân y tỉnh do anh Bảy Mãnh phụ trách và Đại đội 385 trợ chiến bố trí trên điểm cao đối mặt địch cách nhau trong tầm lựu đạn, làm “lá chắn” bảo vệ khu vực Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội và đội Phẩu thuật quân y trú đóng. Địch trên điểm cao suốt ngày đêm dùng các loại hỏa lực dội xuống chốt quân ta và khu vực sườn đồi phía dưới quân ta trú đóng, tiếng súng cối, súng M.79, lẫn tiếng lựu đạn và từng trang đại liên, tiểu liên không giờ phút nào dứt, từng lúc kết hợp mở các cuộc càn quét phản kích có phi pháo yễm trợ đánh phá quyết liệt. Các chiến sĩ ta trên chốt sống và chiến đấu vô cùng căng thẳng, mõi mệt ngày đêm!

     Trong một trận đánh phản kích, Đại đội 385 dũng cảm chiến đấu suốt ngày đẩy lùi các đợt tấn công của địch, gây cho chúng một số thương vong, đơn vị có vài chiến sĩ bị thương, trong đó có hai bị thương nặng cần chuyển gắp về đội Phẩu thuật quân y, trong khi đơn vị không đủ người chuyển chiến thương. Ban chỉ huy đại đội điện anh Ba Liêm báo cáo tình hình và xin chi viện người giúp đơn vị chuyển một chiến thương. Anh Ba Liêm cử hai chiến sĩ cảnh vệ khiên chiến thương và phân công tôi phụ trách. Tôi và hai cảnh vệ soi đèn pin lần theo đường dây điện thoại luồng dưới lò ảng đi ngược lên chốt. Khi bước vào hang đá để chiến thương, hai chiến sĩ bị thương nặng đang nằm đó, dưới ánh đèn pin lờ mờ, tôi thấy đồng chí đồng chí bị thương vùng bụng nằm gần như bất động, thỉnh thoảng rên khe khẻ, đồng chí bị thương sọ não đang trong trạng thái mê sảng vẫy vùng, la hét anh em phải kềm giử, bịt mồm không để phát ra tiếng kêu la lớn địch phát hiện. Đồng chí Quyết đại đội trưởng và đồng chí Hai Khởi chánh trị viên đại đội có mặt, cùng tôi hội ý chớp nhoáng kế hoạch chuyển chiến thương. Y tá đại đội chích thuốc an thần đồng chí bị thương sọ não mới đưa đi được và khi đưa hai chiến thương lên võng, khó khăn lắm mới đưa được ra khỏi cửa hang chật hẹp. Đồng chí Quyết dẫn cán thương sọ não đi ra trước, tôi giúp hai cảnh vệ đưa cán thương còn lại ra sau. Ra khỏi cửa hang, trời tối đen như mực không thấy cán thương của đồng chí Quyết đi đâu, tôi nhắm hướng dẫn cán thương đi xuống đồi, nơi có con đường mòn cắt ngang dẫn đến đội Phẩu. Trong khi đó trên điểm cao sau lưng chúng tôi địch vẫn bắn xuống không dứt, tiếng súng cối, súng M.79 nổ chát chúa chung quanh khi gần khi xa, ánh lữa chớp nhoáng liên tục. Bổng một trái cối 81 ly nổ rất gần trước mặt chúng tôi, tôi nhìn ra sau hỏi anh em có sao không và động viên anh em cố gắng đi nhanh, được chừng mười bước tôi sụp xuống bậc đá giẫm lên vật gì đó mềm nhũng, nong nóng dưới bàn chân, mùi máu tươi hắt lên mũi, tôi chưa biết mình giẫm lên vật gì, đi một đoạn tôi mới nghĩ có lẽ quả đạn cối nổ gây cho đồng chí nào đó trong cán thương đi trước thương vong! Đang đi, võng khiêng chiến thương rách toạc ra, tôi cho anh em cõng chiến thương tìm hóc đá gần đó ẩn núp, cho một đồng chí về điểm trú đóng lấy võng khác thay, tiếp tục đưa chiến thương về đến đội Phẩu tôi mới biết đồng chí Quyết hy sinh, một mình đồng chí ôm trọn quả đạn cối 81 ly! Đồng chí Quyết hy sinh đến nay gần 50 năm tôi vẫn nhớ mãi cái đêm định mệnh đó của đồng chí và còn hằn sâu trong lòng tôi niềm thương tiếc đồng chí khôn nguôi!

     Từ trận đó, Ban chỉ huy tiền phương chỉ đạo không đưa đơn vị tác chiến đối mặt với địch. Các cơ quan, đơn vị phân tán né tránh địch để bảo tồn lực lượng. Tôi nhớ có lần, mà cũng là lần cuối tôi có mặt chiến trường Bảy Núi, lúc bấy giờ anh Tám Khá tỉnh đội phó thay anh Ba Liêm phụ trách Ban chỉ huy tiền phương vẫn trú đóng đồi Ô Tà Sóc, được tin địch tâp trung lực lượng lớn đánh vào đồi Ô Tà Sóc, anh Tám Khá ra lệnh các đơn vị rút về xã Ba Chúc. Khoảng 7 giờ tối các đơn vị tập họp, tất cả chừng năm sáu mươi người nghe anh Tám Khá thông báo tình hình và phổ biến kế hoạch hành quân. Anh căn dặn anh em phải giử đúng cự ly, bám chặt nhau không để đi lạc và tuyệt đối giử im lặng. Được biết địch đã chiếm lĩnh con đường mòn từ đồi Ô Tà Sóc xuống Lương Phi đoạn Ô Tà Miệt nên phải đi vòng ngoài đồng, đến gần Voi Đá Bia mới áp vào vườn cây về căn cứ Ba Chúc.

     Các đơn vị bắt đầu hành quân, có bộ phận vũ trang hơn mười tay súng đi đầu khóa đuôi bảo vệ, từ đồi Ô Tà Sóc cắt ra đồng đi ngược lên hướng Ba Chúc cách ven cây chừng vài trăm mét, khi đi ngang Ô Tà Miệt bổng nghe tiếng mìn clay-mo nổ trong ven cây, tiếp theo là hàng tràng tiếng súng nhỏ nổ rộ và tiếng lính la hét, không biết chuyện gì xãy ra, tất cả được ám hiệu chỉ huy ngồi xuống, phát hiện phía giữa đồng có nhiều xe M.113 bố trí từng cụm. Các đơn vị im lặng, dò dẫm đi gần nữa đêm về đến Ba Chúc. Được biết, khi xuất phát khỏi địa điểm tập kết trên đồi Ô Tà Sóc, đội Phẩu thuật bỏ quên bộ dụng cụ tiểu phẩu, cử hai y tá trở lại lấy đi tụt phía sau, anh em ngỡ đi đường mòn cũ, khi đến Ô Tà Miệt lọt vào ổ phục kích địch, cả hai hy sinh!    

     Tháng 7/1971 tôi được cử đi học trường Trần Phú Khu 8 (cũ), hoàn thành nhiệm vụ sau hơn 7 tháng cùng anh em đồng chí, đồng đội sống, chiến đấu ở chiến trường Bảy Núi nóng bỏng! Thời gian đó rất ngắn trong cuộc đời tôi, nhưng rèn luyện thử thách tôi rất nhiều. Hồi tưởng những tháng ngày đầy hy sinh gian khố ấy, chúng ta không thế nào quên những đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn ra đi và những người đã sống, chiến đấu quên mình vì ngày hôm nay của dân tộc.

     Trong kháng chiến nghĩa tình đồng chí, đồng đội đẹp đẻ, cao quí biết bao và càng gian nan, khốn khó càng rạng rỡ, thấm thiết biết bao!! Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đất nước sang trang mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mọi người con dân Đất Việt chung sức chung lòng xây dựng ngày càng thêm đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lòng mong ước của Bác Hồ. /-

                                                                 Xuân Bính Tý – 1996

                                                                            N.M.Đ 

_____________  

Sao nguyên văn ngày 18 tháng 8 năm 2020, kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng 8 năm 1945 (19/8/1945 – 19/8/2020).



[1] Vì núi cao, dốc đứng nghe bà con Khmer kể voi leo lên núi bị té lăn, nên anh em ta gọi tên núi Tượng Lăn.

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 18-8-20