90 năm công tác tuyên giáo - nhìn lại và suy ngẫm

                                                        

Vũ Ngọc Hoàng

 

Công tác tuyên giáo đã trải qua 90 năm, nay nhìn lại và mong muốn đổi mới, xin nêu một số ý kiến để bạn đọc tham khảo.

1/ Có thể phân chia ra 2 giai đoạn là trước và sau 1975, mỗi giai đoạn có thời gian bằng nhau là 45 năm. Giai đoạn đầu chủ yếu là chiến đấu giành độc lập dân tộc, kháng chiến vệ quốc và đấu tranh cho thống nhất nước nhà; giai đoạn sau chủ yếu là xây dựng đất nước trong hòa bình. So sánh giữa hai giai đoạn, thì giai đoạn đầu có ưu điểm nổi trội hơn, đã tập họp và phát huy được sức mạnh của toàn dân và của nền văn hóa dân tộc, còn giai đoạn sau thì yếu kém và lủng củng hơn, mặc dù cũng làm được một số việc cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Sau năm 1975 đáng lẽ tuyên giáo phải đóng góp nhiều hơn cho công cuộc khai hóa văn minh của dân tộc để nhanh chóng tiến lên, nhưng trên thực tế thì chưa làm được như vậy mà còn góp phần gây nên sự thụ động của tập thể Đảng, của tầng lớp trí thức và của cả cộng đồng nhân dân. Trước đây tôi đã nói một số lần về điều này khi còn đương chức và đã nhắc lại hôm chia tay đồng nghiệp để nghỉ hưu. Giữa chính trị và tuyên giáo có quan hệ mật thiết, đúng sai trong chủ trương và  thực hiện nhiệm vụ chính trị đã tác động rất lớn đến ưu khuyết điểm của công tác tuyên giáo. Tất nhiên về phần mình thì tuyên giáo cũng tác động trở lại chính trị, nhưng đó là mặt thứ hai của mối quan hệ này. Mà nhìn lại lịch sử của dân tộc ta mỗi khi qua những khúc quanh, đất nước bị xâm lăng hoặc sau khi chiến thắng, lúc hưng thịnh và lúc suy vong, chắc lọc trong ấy ra, ta có thể thấy mặt mạnh nổi trội của văn hóa Việt Nam là văn hóa trong giữ nước, còn mặt yếu cũng nổi rõ là văn hóa trong phát triển. Đối với phần yếu kém về văn hóa phát triển thì cơ bản chúng ta chưa làm tốt công cuộc khai sáng để tiến lên. Đây là điểm yếu lớn nhất.

2/ Tuyên giáo để làm gì và quan hệ của nó với nhiệm vụ chính trị chủ yếu ra sao? Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là sự nghiệp lâu dài vừa là trước mắt, vừa có tính chất khoa học vừa mang tính chính trị. Trong thực tế không ít trường hợp không tránh khỏi sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị. Nên giải quyết thế nào? Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại là lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo, vì nếu vậy thì khoa học không còn là khoa học, và do đó các căn cứ để quyết định nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh. Lối suy nghĩ “chính trị là thống sói” như trước đây đã có thời kỳ hiểu và nói như vậy là cách tư duy sai lầm, bị lộn ngược, xuất  phát và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Phương Bắc. Chính vì lẽ đó mà nhiều việc trong đời sống xã hội đã bị chính trị hóa, kể cả khoa học và tư tưởng, ngôn luận. Mặt khác, cái lâu dài và cái trước mắt không phải lúc nào cũng thuận chiều nhau, khoa học định hướng cho lâu dài, nhưng chính trị nhiều lúc phải giải quyết yêu cầu bức xúc trước mắt. Trong trường hợp đó mục đích lâu dài phải được phân kỳ, có quá trình, có bước đi phù hợp hoàn cảnh thực tế. Chỉ có điều sự phân kỳ đó có giới hạn và không trái ngược với khoa học, có vậy chính trị mới có thể thành công bền vững. Trường hợp khác, nếu bất chấp khoa học, thì chính trị sẽ mất tính khách quan, không còn sức sống tự nó, bị xơ cứng và giảm tính thuyết phục, giảm lòng tin, từ đó mà hỏng nền tảng. Ngay cả quan niệm chính trị cũng không nên khuôn lại trong giới hạn của vấn đề quyền lực và xử lý tình huống, mà phải có cách tiếp cận của khoa học chính trị, không áp đặt kiểu cai trị ngày xưa mà thuyết phục bằng cơ sở khoa học trong môi trường dân chủ xã hội. Khai hóa văn minh mới là sự dẫn dắt thật sự có ý nghĩa với tiến trình lịch sử. Khi nào các cơ quan lãnh đạo cao nhất lấy sự nghiệp khai hóa văn minh làm nhiệm cụ chính trị hàng đầu, mục tiêu cao nhất thì các mâu thuẫn giữa chính trị và khoa học sẽ không còn nhiều, thậm chí rất ít, chỉ là chuyện kỹ thuật.

Lâu nay nhiệm vụ chính trị quy định công tác tuyên giáo, còn công tác tuyên giáo thì tập trung phục vụ chính trị, nặng về tuyên truyền, quán triệt. Ngay cả lý luận đáng lý là một khoa học thì cũng do chính trị quy định, yêu cầu phải thế này và thế kia, không được khác. Không ít lý lẽ được sinh ra từ yêu cầu chính trị trước mắt, từ suy nghĩ chủ quan của người lãnh đạo nhưng sau đó lại trở thành “cơ sở khoa học” cho lý luận. Tôi không nói công tác tuyên giáo độc lập hoàn toàn với chính trị. Nó đồng hành và phục vụ nhiệm vụ chính trị là lẽ đương nhiên, nhất là khi nó do một đảng chính trị cầm quyền lập ra để thực hiện công việc theo chủ trương của đảng. Nhưng công tác tuyên giáo là tư duy và ngôn luận. Tư duy không thể không có tự do và theo đó ngôn luận cũng vậy. Nếu công tác tuyên giáo hoàn toàn lệ thuộc, bị thụ động một chiều, mất đi tính tự do và sáng tạo, cũng có nghĩa là mất đi sức sống và tính thuyết phục, do vậy mà trở nên xơ cứng, từ đó không đạt được kết quả như mong muốn. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp, ưu và khuyết điểm của nhiệm vụ chính trị là sự tác động, bắt nguồn, dẫn đến ưu khuyết điểm của công tác tuyên giáo. Theo lý thuyết thì tuyên giáo có quyền đề xuất những vấn đề khác với chủ trương của chính trị, thậm chí là ngược lại, và như vậy sẽ góp phần làm cho chính trị đúng đắn hơn. Nhưng đó là lý thuyết, còn trên thực tế có mấy ai dám làm, có mấy việc được làm đâu. Điều này có một phần thuộc về trách nhiệm của người làm tuyên giáo, nhưng phần lớn hơn, phần chủ yếu thuộc về trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt.

3/ Mục tiêu dân tộc và dân chủ là chủ trương hợp lòng dân, có ý nghĩa và sức mạnh cổ vũ lớn lao nhất, tạo động lực bền vững. Nhờ đâu mà Việt Nam đã thành công trong Cách Mạng tháng 8.1945 giành lại độc lập và các cuộc kháng chiến chống xâm lược sau đó, kể cả phương Tây và phương Bắc mạnh hơn ta gấp nhiều lần? Đó là sức mạnh của cả dân tộc! Tất nhiên có vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó thì không thể phủ nhận. Mặt khác lại phải thấy rằng, ngày xưa trước khi có Đảng, dân tộc ta cũng đã rất nhiều lần đánh thắng quân xâm lược từ phương Bắc. Trong đó có những chiến công vô cùng vang dội chẳng kém gì thời đại HCM. Vậy là trong dòng máu của dân tộc này đã có truyền thống yêu nước, văn hóa giữ nước hun đúc từ bao đời. Cái giỏi của những người lãnh đạo là đã biết phát huy tinh thần dân tộc, sức mạnh vô cùng lớn lao từ nhân dân. Ngày đó, mục tiêu và khẩu hiệu lớn nêu ra là “Dân tộc, dân chủ”. Nhiệm vụ chính trị đó phù hợp lòng dân, là mong muốn chính đáng và bức xúc của cả dân tộc. Nên tự nó, nhiệm vụ chính trị đã có sức mạnh hiệu triệu muôn người. Trong trường hợp ấy, bản thân chính trị đã có sức cảm hóa thuyết phục, đã là tuyên giáo rồi. Còn công tác tuyên giáo thì đã  biết nhân lên sức mạnh của chính trị chân chính. Tôi nghĩ nếu không có sức mạnh bởi mục tiêu dân tộc và dân chủ thì có lẽ chúng ta không có được chiến thắng như đã có. Cho đến nay, đã 90 năm từ ngày lập Đảng, nhưng mục tiêu dân tộc và dân chủ vẫn chưa thực hiện xong, vẫn còn nguyên đó, tất nhiên đã có một bước tiến rất đáng kể. Với tình hình Biển Đông và âm mưu của giới cầm quyền Trung Quốc, cộng với sự phụ thuộc không ít về kinh tế và ảnh hưởng về tư tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc của VN ta vẫn còn nặng nề, gian khó, giải quyết không đơn giản. Và lần này nếu để mất biển đảo thì uy tín lãnh đạo cũng sẽ mất theo.

Còn mục tiêu dân chủ? Ngày chưa giành được chính quyền ta hiểu vấn đề dân chủ tuy không sai nhưng chưa đầy đủ và quá đơn giản. Lúc đó, dân chủ được hiểu là lật đổ chế độ quân chủ của vua, xóa bỏ phong kiến và lập ra nhà nước dân chủ của nhân dân. Nếu chỉ có như vậy thì sau cuộc Cách mạng tháng 1945 về cơ bản đã giải quyết xong rồi. Nhưng trên thực tế thì vấn đề dân chủ còn rất nhiều việc chưa được giải quyết, thậm chí có những nội dung rất cơ bản thuộc về nền tảng vẫn chưa giải quyết được. Bác Hồ có nói một câu nổi tiếng là, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có nghĩa lý gì. Như vậy, theo tư duy của Người, độc lập là để cho nhân dân được tự do và hạnh phúc, tự do và hạnh phúc là mục đích của độc lập, chưa đạt được điều đó thì mục đích của độc lập vẫn chưa xong. Mà để có một xã hội thật sự dân chủ và nhân dân ai cũng được hạnh phúc thì còn rất gian nan. Việc xây dựng một nhà nước dân chủ thì ta đã nói từ 1945, vậy mà mãi đến nay vẫn còn quá nhiều việc chưa làm. Giữa lời nói và việc làm có khoảng cách xa như vậy đó. Từ 1945 đến nay đã 75 năm, đã có những tiến bộ đáng kể trên tiến trình dân chủ, nhưng công bằng mà nói hãy còn ít và con đường vẫn còn rất xa, thậm chí có mặt còn thụt lùi so với thời kỳ Bác Hồ đang sống và lãnh đạo đất nước. Tất nhiên nói khoảng cách xa gần ở đây là nói trong tư duy chậm đổi mới, chứ thực ra chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ thì lập tức có thể tạo ra những bước tiến mang dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển của dân tộc. Mục tiêu dân tộc và dân chủ đã từng là sức mạnh của cả một dân tộc, hiện nay vẫn thế và lâu dài cũng vậy. Nếu một lúc nào đó bị sao nhảng, lơ là đối với mục tiêu này, không thường xuyên lo nghĩ và phấn đấu cho nó, thì sẽ mất sức mạnh bắt nguồn cội rễ từ lòng dân. Dân chủ đến bao nhiêu là thể hiện trình độ văn minh và tính nhân văn của xã hội. Dân chủ là bản chất tốt đẹp của xã hội tiến bộ. CNXH nhất quyết phải là một chế độ dân chủ thật sự, chứ không phải là toàn trị. Có vậy mới đáng để mà phấn đấu. Không như vậy thì chắc chắn không phải CNXH chân chính. Nếu không giải quyết tốt vấn đề dân chủ thì chẳng bao giờ có được CNXH. Còn mất dân chủ là đi ngược với tiến trình đúng hướng của lịch sử, là sự kìm hảm tiến bộ văn minh. Đảng CSVN phải chống lại xu hướng bảo thủ lạc hậu này để không rời bỏ mục tiêu tốt đẹp của cuộc cách mạng và xứng đáng là lực lượng tiên phong, không để đảng tự chuyển thành một lực lượng cản trở, chống lại nhân dân. Trong điều kiện chỉ có một đảng thì đảng ấy càng phải dân chủ, càng phải xứng đáng là người đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân.

4/ Phải đổi mới căn bản nhận thức và tư duy về CNXH và con đường đi tới đó. Suốt trong thế kỷ 20 và cho đến nay, trên thế giới đã và vẫn còn nhiều kiểu CNXH rất khác nhau, kể cả giả danh, giả mạo, lừa mị và xấu độc. Qua thực tiễn nếu phân tích kỹ sẽ thấy có nhiều vấn đề trước đây ta đã nhận thức không đúng, nhưng cứ giữ “kiên định” mà thực chất là bảo thủ, giáo điều. Mặt khác, thế giới ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, đang thay đổi rất nhanh và sẽ còn tiếp tục thay đổi nhiều nữa. Do vậy, Đảng phải khác trước, phải tự thay đổi mình, phải chủ động và tích cực đổi mới tư duy của mình nếu không muốn lạc hậu, lỗi thời và trở thành lực cản đối với quá trình phát triển của dân tộc. Kiên định trước tiên là kiên định tính chất vì “nhân dân quên mình” chứ không phải là một sự bảo thủ giáo điều duy ý chí.

Trong đó, cần hiểu và diễn đạt cho đúng về CNXH và con đường đi đến đó là công việc quan trọng hàng đầu của tuyên giáo. CNXH phải thể hiện ở bản chất chứ không phải nặng khẩu hiệu và tên gọi. CNXH như thế nào đó thì đáng ủng hộ, và như thế nào khác thì không đáng ủng hộ. Lâu nay ta hiểu cũng không nhất quán, đã có những điều chỉnh quan trọng, nhưng cho đến nay đã 90 năm rồi mà vẫn còn không ít tính mập mờ, mơ hồ, chưa rõ về CNXH. Ta nêu mục tiêu XHCN nhưng lại chưa rõ về nó và chính điều ấy đã làm mất lòng tin, chập choạng trong từng bước đi. Ngay cả lý luận của K.Marx, Lenin cũng không phải đã rõ hoàn toàn, và giữa hai ông cũng khác nhau khá nhiều, kể cả cách tiếp cận và con đường đi tới đó. Hội nghị các đảng Cộng Sản và Công Nhân đang cầm quyền ở các nước XHCN tại Mat-x-cơ-va 1957 nói về các đặc trưng của CNXH cũng có những nội dung không đúng, ta lại cứ thế tự giác đi theo một thời gian khá dài. Tại VN trong thời kỳ đầu của cách mạng cũng có nói đến mục tiêu XHCN, nhưng là mới nói thoáng qua, không rõ như mục tiêu dân tộc và dân chủ, nhưng trong nhân dân ngày ấy (và sau này) đã hiểu khái quát rằng đó là một xã hội tốt đẹp. Như vậy, cái XHCN mà nhân dân ta ủng hộ ngày ấy tức là một xã hội tốt đẹp, phải tốt đẹp. Và theo nghĩa đó, khi nào đạt được sự tốt đẹp thì mới là XHCN, còn xây dựng CNXH là phải tạo ra cái tốt đẹp. Dần dần về sau sự diễn đạt cụ thể hơn, nhưng khi nói cụ thể thì có những nội dung người ta chưa thấy nó tốt đẹp như lời nói, và do đó lại mơ hồ, lại phân vân. Mặt khác, trong cách diễn đạt của ta nhiều lúc nhầm lẫn giữa tương lai và hiện tại, giữa lý tưởng và hiện thực (việc vừa phải phấn đấu lâu dài để đạt tới, vừa như đã có rồi phải ra sức bảo vệ giữ nguyên) cũng góp phần làm cho câu chuyện bị mập mờ lẫn lộn.

Có một số vấn đề trong nhận thức (trước đây và cho đến nay) mà theo tôi có thể là do không hiểu đúng, không hiểu hết ý Marx, hoặc Marx không đúng, hoặc trước đây đúng mà nay không còn phù hợp, cần được trao đổi cho rõ. Ta đối lập CNXH với CNTB, coi chúng khác nhau về bản chất, đối lập nhau, là đối thủ không khoan nhượng, thù địch đến mức phải chỉa súng vào nhau (trong khi thực chất khoa học chỉ là sự khác nhau chủ yếu về giai đoạn phát triển, mà CNXH phải cao hơn, và khi có thay đổi nhiều về lượng sẽ dẫn đến thay đổi về chất). Ta coi đó là hai con đường đi riêng, khác nhau hoàn toàn (trong khi tư duy của K.Marx không phải là như thế, mà là một sự tiếp nối). Ta coi CNXH phải loại bỏ sở hữu tư nhân và lấy công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu làm nền tảng. Quan điểm này có tả khuynh hay không? Trong khi đó chính sở hữu tư nhân và lợi ích cá nhân là động lực, là bản năng của con người. Quan điểm về công và tư hữu này K.Marx và Engghen viết trong Tuyên ngôn Cộng Sản lúc mới 29 và 27 tuổi, sau này nhiều tuổi hơn, nghiên cứu nhiều hơn, chín hơn, đã có lần Marx nhấn mạnh kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội sẽ chi phối xã hội tương lai, coi đó là con đường thay đổi của kinh tế tư nhân. Có thời kỳ ta hiểu chuyên chính vô sản như giải pháp thay thế những mặt còn thiếu trong trình độ phát triển để đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển của CNTB mà thực chất là duy ý chí. Tất nhiên không chuyện gì phải đi trở lại từ đầu cái thời kỳ CNTB hoang dã mà các nước tư bản cũng đã bỏ qua. Đồng thời với đó ta lại hiểu đấu tranh giai cấp sẽ quyết định sự phát triển của lịch sử - đây cũng là ý kiến tả khuynh, mặc dù trong lịch sử của nhân loại cũng có những cuộc đấu tranh giai cấp dẫn đến bước nhảy vọt tiến lên, nhưng không phải đại diện cho tất cả lịch sử. Chính Marx và Lenin đã từng nhất quán trong tư duy rằng chỉ có công cụ lao động được cải tiến và năng suất lao động xã hội cao hơn mới là yếu tố quyết định đối với con đường tiến lên. Trước đây đã có một thời kỳ ta hiểu kinh tế Kế hoạch hóa tập trung là CNXH, ai nói đến kinh tế thị trường bị coi là xét lại và sai lầm chệch hướng, sau đó qua thực tế của Liên-xô và cả phe XHCN bất ổn và sụp đổ nên ta đã đổi lại tư duy, coi kinh tế thị trường mới có thể tiến lên và đó là cuộc cải cách và đổi mới cho đến ngày nay. Chọn kinh tế thị trường để đi lên CNXH là đúng rồi, không cần cứ nhất thiết phải có cái đuôi định hướng XHCN mới yên tâm là không chệch hướng. Kinh tế thị trường là vấn đề khách quan và nền kinh tế nào rồi cũng phải có vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước chứ không phải thị trường tư do hoàn toàn như các trường phái nào đó ở phương tây thường nhấn mạnh. Đừng để ý kiến chủ quan duy ý chí của người lãnh đạo, quản lý vĩ mô chi phối vào kinh tế thị trường để nó không còn là nó như sự khách quan vốn có, mà trở nên biến dạng, biến chứng, dẫn đến chệch hướng đi. Đừng để  cái đuôi “định hướng XHCN” ấy không giúp cho ta giữ  đúng hướng khách quan như mong muốn mà ngược lại sẽ làm cho chệch hướng XHCN vì nó tác động trái với quy luật tự nhiên.

5/ Về nền tảng tư tưởng: Đảng CSVN lâu nay nhất quán lấy Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Tư tưởng HCM thì có sự nhất trí cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ít ai có ý kiến vào ra. Nhưng Chủ nghĩa Mac-Lenin thì còn không ít ý kiến khác nhau, nói ra nói vào, và ngày càng không ít trí thức không đồng tình. Tôi biết trong số đó cũng có người cực đoan, một chiều, tất nhiên rồi, nhưng mặt khác lại không phải hoàn toàn như vậy. Đây là vấn đề khoa học. Đáng lẽ ta nên lắng nghe và thảo luận, tranh luận bình đẳng để làm rõ các giá trị khoa học và nhân văn đang nằm ở đâu, nhưng ta lại hành xử bằng sự quy chụp những người có ý kiến khác ấy là chệch hướng, là phản động xét lại. Một vấn đề khoa học đã bị chính trị hóa và điều này lại làm mất lòng tin trong một bộ phận không ít trí thức. Tôi cho rằng loại bỏ hoàn toàn hay tuyệt đối hóa tư tưởng Marx-Lenin đều là cực đoan, không khoa học. Cách đúng là lựa chọn tinh hoa - các giá trị nhân văn và giá trị khoa học, chính cái đó mới tồn tại khách quan và lâu bền, chứ không phải duy ý chí, càng không nên chính trị hóa vấn đề khoa học. K.Marx đã mất lâu rồi, không còn sống để trực tiếp bảo vệ chính kiến của mình và lúc đương thời ông cũng không có khi nào nắm quyền lực nhà nước, vậy mà đến nay thế giới vẫn còn nhắc lại các quan điểm của ông, giảng dạy về tư tưởng học thuyết của ông ở các giảng đường đại học, kể cả ở các nước Phương Tây và Phương Đông, theo xu hướng XHCN và TBCN. Ngôi mộ của ông ở nước Anh, gần Luân-Đôn, cách đây không lâu chúng tôi có đến và chứng kiến người ta đã đặt hoa tươi lên đó nhiều nhất so với các ngôi mộ khác trong nghĩa trang quý tộc này. Thế là ông vẫn “sống”, vẫn trường tồn đấy thôi. Nói điều ấy để chứng tỏ rằng trong tư tưởng của Marx có những giá trị văn hóa nhất định vẫn trường tồn. Hãy để cho các giá trị ấy tồn tại một cách khách quan bình đẳng với các tư tưởng của các trường phái khác mà không cần bất kỳ một sự ưu tiên chính trị nào.

Ở bất kỳ một nhà khoa học nào về lĩnh vực khoa học xã hội, dù là vĩ nhân, dù có uyên bác và thông thái đến đâu, cũng không có ai nói bất cứ điều gì cũng đều đúng cả khi thời gian và lịch sử đã đi qua. Nếu cứ suy nghĩ vậy thì  không phải duy vật và biện chứng mà là duy tâm và siêu hình. Vậy nên, không thể lấy tất cả ý kiến của bất kỳ ai để làm nền tảng tư tưởng, mà chỉ có thể lấy phần tinh hoa trong tư tưởng của họ. Thế phần nào là tinh hoa, còn phần nào không phải là tinh hoa? Muốn biết đâu là tinh hoa thì chỉ có cách thực hiện phản biện khoa học - loại hoạt động thường xuyên của các nhà khoa học để làm rõ vấn đề. Nếu độc tôn một lý thuyết nào rồi không cho ai phản biện, cứ chấp nhận đó là chân lý mãi mãi, học thuộc lòng và cứ thế mà thực hiện, thì đến một lúc nào đó sự thất bại là không tránh khỏi. Kiên định về tư tưởng là sự kiên định với các giá trị khoa học và nhân văn của tư tưởng ấy. Như thế mới đúng tư duy biện chứng của K.Marx. Đương thời, Marx không nhận mình là người Mac-xit, ông nói ông không viết chủ nghĩa mà chỉ dự báo khoa học, đời sau cần tiếp tục thảo luận để bổ sung, phát triển. Với tư duy đó, ông khoa học hơn nhiều so với các đồ đệ của ông. Nền tảng tư tưởng của một tổ chức cách mạng thật sự nên là (phải là) tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhân loại và tri thức thời đại. Trong đó, có phần tinh hoa văn hóa của Marx, Lenin, và đặc biệt là của Hồ Chí Minh.

6/ Phát triển phải là mục tiêu quan trọng nhất trong thời bình. Không có mục tiêu nào có thể quan trọng hơn mục tiêu phát triển. Trước đây nước ta nhiều lần bị xâm lăng, nhiều nhất là từ Phương Bắc, nguyên nhân chủ yếu không phải do ta thiếu anh hùng mà là do ta không phát triển, bị lạc hậu so với thiên hạ. Mất nước rồi thì người Việt Nam bằng sự anh hùng đã chiến đấu lấy lại nước. Lấy lại được nước rồi, nhưng lại tiếp tục không phát triển được, nguyên nhân mất nước vẫn chưa được giải quyết, và lại mất nước lần nữa. Cứ thế, lịch sử đã lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Cho nên, muốn giữ được nước nhất định phải phát triển. Ngày nay thế giới đã khác xưa, nếu lạc hậu thì sẽ mất độc lập dân tộc, cũng là mất nước, có thể bằng một cách khác, không hẳn là phải có sự thắng thua của một cuộc chiến tranh như ngày xưa, mà có khi chỉ bằng con đường hòa bình, không tốn súng đạn, không cần đổ máu, mà chỉ bằng cạnh tranh kinh tế. Lệ thuộc kinh tế rồi dần dần lệ thuộc chính trị, bởi chính trị là sự tập trung của kinh tế.

Muốn có CNXH thì cũng chỉ có phát triển mới đạt được. Lạc hậu không bao giờ đến được CNXH. CNXH là kết quả tất yếu của một sự phát triển ở trình độ cao chứ không phải là ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Có ý kiến rằng, phát triển mà sai đường thì sẽ chệch hướng XHCN, sẽ tự phát đi tới CNTB. Nhưng thế nào là đúng hướng và sai hưởng? Đúng sai là khách quan, được thực tế cuộc sống kiểm nghiệm, chứ không phải ý chí chủ quan của bất kỳ ai. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để nói đúng hướng hay sai hướng là sự phát triển trên thực tế. Các nhà kinh điển nhiều lần đã nhấn mạnh thực tiễn kiểm nghiệm chân lý. Theo đó, sự phát triển bền vững là minh chứng cho một đường lối đúng đắn, còn không phát triển được, bị tụt hậu so với thiên hạ chính là sự chệch hướng.

Đối với mục tiêu phát triển thì quan trọng nhất là sự phát triển của con người. Các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, chính trị, ngoại giao…đều do con người thực hiện, là sản phẩm của con người. Khi con người phát triển thì mọi thứ sẽ phát triển theo. Khi con người chậm phát triển thì mọi thứ cũng sẽ tụt hậu. Tất nhiên sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế xã hội cũng sẽ tác động trở lại đối với sự phát triển của con người, nhưng đó là mặt thứ 2 của mối quan hệ con người và công việc. Cần làm gì để cho con người phát triển?  Giáo duc, văn hóa, khoa học là loại hoạt động thúc đẩy trực tiếp sự phát triển của con người. Tất nhiên đó là nền giáo dục mở, khai sáng, chứ không phải bảo thủ hay nhồi sọ; là văn hóa nhân bản và phát triển, chứ không phải cổ hủ; khoa học xã hội và nhân văn về con người; khoa học chính trị về tự do, dân chủ và nhà nước pháp quyền…Trong tất cả các hoạt động ấy đều liên quan vấn đề tự do tư tưởng và tự do thể hiện chính kiến-ngôn luận. Sự tự do ấy đem lại sự độc lập và phát triển của tư duy - phần quan trọng nhất trong sự phát triển của con người, đồng thời từ đó mà xây dựng tính trung thực, lòng nhân ái và sự cầu thị - những đức tính quý giá nhất trong hệ giá trị về nhân cách. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội, con đường để tiếp cận chân lý khách quan chỉ có thể là sự trao đổi bình đẳng giữa các ý kiến khác nhau, chứ nhất định không phải là sự áp đặt, quy chụp về quan điểm. Khi không được tự do thể hiện chính kiến mà dễ bị  “quy chụp” về quan điểm thì dẫn đến không dám nói thật suy nghĩ của mình, và vì vậy mà hình thành thói quen không trung thực. Khoa học tâm lý cho rằng nói dối là vũ khí tự vệ của con người hoặc là tính cơ hội.

7/ Sở hữu ruộng đất và quan điểm về thành phần kinh tế đúng hay chưa đúng là việc vô cùng hệ trọng đối với sự phát triển của đất nước. Từ thời phong kiến, nước ta đã có đa sở hữu về ruộng đất. Trong đó có công và tư, có đất của vua, của làng và của tư nhân. Qua thực tiễn của các thời kỳ trước, kể cả trong và sau phong kiến, đã cho thấy tính ưu việc của sở hữu tư nhân trong khai khẩn, sử dụng hiệu quả và quản lý tốt tư liệu đất đai. Thuở xa xưa, cần có vai trò của cộng đồng làng trong bảo vệ mùa màng, chống thú dữ và chống xâm lăng lãnh thổ nên xã hội đã có lúc phổ biến hình thức sở hữu công cộng về đất đai. Đến khi có sở hữu tư nhân đã tạo ra một động lực rất quan trọng trong hoạt động kinh tế. Trong cách mạng, Đảng và Nhà nước có lúc đã chia ruộng đất cho dân nghèo, thực hiện “người cày có ruộng”. Chủ trương đó đã tập họp hàng triệu nông dân cho công cuộc kháng chiến vệ quốc. Sau này, có lúc do yêu cầu hợp tác trong sản xuất nông nghiệp nên đất đai đã được tập thể hóa. Khi tập thể hóa kiểu cũ đã làm cho việc sử dụng ruộng đất kém hiệu quả, việc quản lý cũng lỏng lẽo nhiều và trong nhân dân đã xuất hiện những ý kiến không đồng tình với chủ trương hợp tác hóa kiểu ấy. Họ bảo ngày xưa thì người cày có ruộng, thời nay thì người cày mất ruộng. Khi có chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 về khoán trong nông nghiệp, nhiều người hoan nghênh và họ nói rằng, khoán 100 tốt hơn rất nhiều so với trước, khoán 10 tốt hơn khoán 100, nếu thực hiện tiếp khoán 1 thì sẽ tốt hơn nữa và giải thích khoán 1 tức là trả ruộng đất về cho nông dân để họ tự làm ăn và nộp thuế. Có lúc hàng loạt nông trường của nhà nước ra đời, nhưng về sau nhìn lại nói chung không hiệu quả. Những năm gần đây các nhóm lợi ích đã dựa vào sơ hở của cách quản lý đất đai như hiện tại để tham nhũng chia nhau và trong xã hội đã có đến 85% các vụ khiếu kiện đông người xuất phát từ vấn đề tiêu cực đất đai.

Cần đổi mới quy định về sở hữu đất đai theo hướng đa sở hữu, có đất công và đất tư; đất của nhà nước, của tư nhân, của tập thể cộng đồng theo quy định của pháp luật. Ví dụ đất có hầm mỏ, khoáng sản quý, biển và sông hồ, có rừng quốc gia, nơi các công sở làm việc, doanh trại quân đội, công trình quốc phòng…thuộc sở hữu nhà nước; đất ở, đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp… thuộc sở hữu tư nhân. Việc thừa nhận đa sở hữu về đất đai cũng phù hợp với chủ trương kinh tế nhiều thành phần, vì đất đai là một trong các tư liệu sản xuất chủ yếu - cái cốt vật chất của phương thức sản xuất.

Trong Tuyên ngôn Cộng Sản, Marx và Engghen có viết đại ý rằng phải xóa bỏ sở hữu tư nhân vì nó sinh ra bóc lột và công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là đặc trưng chi phối của xã hội tương lai (CSCN). Tư tưởng này chi phối một thời gian dài, cho đến nay việc định kiến với sở hữu tư nhân đã giảm đi cơ bản, nhưng sự nhấn mạnh công hữu vẫn còn. Và chính điều này đã ảnh hưởng đến quan điểm cải tạo Công Thương nghiệp và hợp tác hóa Nông nghiệp trước đây, về kinh tế nhà nước là chủ đạo cho đến nay. Khi viết tuyên ngôn CS Marx và Engghen mới 29 và 27 tuổi như đã nói, mấy chục năm sau này các ông đã tiếp tục nghiên cứu nhiều, uyên bác hơn, “chín” hơn, có lúc Marx đã nhấn mạnh sở hữu xã hội và kinh tế cổ phần sẽ có vai trò  lớn và tính phổ biến trong tương lai. Tôi nghĩ điều này ông nói đúng. Sở hữu xã hội và kinh tế cổ phần xuất hiện trên cơ sở phát triển của sở hữu và kinh tế tư nhân, chứ không phải phủ định, loại bỏ chúng. Khi kinh tế tư nhân phát triển đến một mức độ nhất định, tự nó sẽ vượt qua ranh giới của chính nó, thì sinh ra kinh tế cổ phần. Kinh tế cổ phần gắn với sở hữu xã hội, không loại bỏ mà song hành với kinh tế tư nhân, hỗ trợ lẫn nhau, chuyển hóa qua lại, là bước tiến bước lùi trong kinh tế thị trường.

8/ Xây dựng nhà nước pháp quyền thực chất là hướng rất đúng đắn, nhất là ở các nước từ chế độ quân chủ đi lên. Nhưng đó phải là pháp quyền của tư tưởng dân quyền, do dân thật sự làm chủ, chứ không phải là pháp quyền của quân chủ (từ lâu Tần Thủy Hoàng đã nói đến pháp quyền của vua), cũng không phải pháp quyền của các tập đoàn tài phiệt. Với nhà nước ấy, không có cá nhân ai, không có tổ chức nào, được đứng trên pháp luật. Đảng CSVN đã khẳng định các tổ chức đảng khi hoạt động phải tuân theo pháp luật. Đó là quy định đúng đắn, nhưng trong thực tế không tránh khỏi trường hợp tổ chức và cá nhân này-kia nhân danh đảng lãnh đạo, đã không tuân theo pháp luật đầy đủ và nghiêm minh. Việc xây dựng một hiến pháp và các luật thể hiện đầy đủ tinh thần dân chủ (dân làm chủ, dân lập hiến, nhà nước của dân, mọi quyền lực đều của dân…) và có tòa án Hiến pháp là rất cần thiết.

Quyền lực là của dân, nhà nước và cán bộ nhà nước được nhân dân ủy quyền một số việc, dân ủy quyền nhưng không mất quyền, ủy quyền và có thể lấy lại khi không còn tin tưởng nữa. Một số công việc dân sẽ trực tiếp thực hiện mà không ủy quyền cho cơ quan nhà nước, phải có luật về quyền phúc quyết của nhân dân, trưng cầu dân ý. Bên được ủy quyền không lạm quyền, không lộng quyền. Quyền lực luôn có hai mặt, nó là công cụ sắc bén và hữu hiệu nếu giao đúng cho người có nhân cách tốt, đồng thời mặt trái là nó làm tha hóa cán bộ và bộ máy. Nếu quyền lực bị lộng quyền vì mục đích cá nhân thì cả cơ đồ có thể sụp đổ. Vì vậy, kiểm soát quyền lực là yêu cầu tất yếu của bất kỳ bộ máy quyền lực nào. Trong kiểm soát quyền lực có vai trò quan trọng nhất của việc kiểm soát bằng quyền lực nhà nước, cơ chế dân chủ và xã hội dân sự. Để kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, vào cuối thời kỳ phong kiến ở Châu Âu, các nhà nghiên cứu đã đề xuất ra mô hình “Tam quyền phân lập” và sau đó được nhà nước tư bản áp dụng ở phương tây, rồi tiếp theo là phương đông. Chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo mô hình này để tìm trong đó các giải pháp hợp lý về kiểm soát quyền lực, chứ không nên định kiến với khái niệm này. Thực ra nó chẳng phải “phân lập” gì đâu. Đều thống nhất ở một hiến pháp và thực hiện phân quyền cho 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp tương đối cân bằng để kiểm soát chéo lẫn nhau (thay cho thời phong kiến nhánh hành pháp được tập trung cao nhất, chỉ huy luôn cả các nhánh kia). Để kiểm soát quyền lực người ta còn có tòa án hiến pháp. Kiểm soát quyền lực bằng dân chủ - đó là quyền tham chính của người dân, tăng vai trò của báo chí và phát huy vài trò của các tổ chức dân sự. Lâu nay nhiều người đã nói đến xã hội dân sự, nó không phải là hình thái kinh tế xã hội, không phải là tổ chức phi pháp, đối lập, mà thực chất là một phương thức dân chủ. Ở VN ta đã có các tổ chức dân sự từ lâu rồi, làng là một trong số đó, nó đã đóng vai trò rất quan trọng cả trong giữ nước, và hiện nay cũng đang tiếp tục ra đời các tổ chức ấy (dân sự) như một việc không thể khác.

9/ Thay đổi phương thức lãnh đạo và quản lý là việc hết sức cần thiết, đã nói nhiều nhiệm kỳ rồi, nhưng đến nay cơ bản vẫn chưa thay đổi được. Khi chưa có chính quyền, Đảng lãnh đạo bằng các giá trị văn hóa. Đề ra mục tiêu cách mạng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và truyền thống văn hóa của dân tộc, thuyết phục bằng lẽ phải và đạo lý, nêu gương bằng nhân cách và sự hy sinh. Với phương thức lãnh đạo như vậy, Đảng đã tập họp được cả dân tộc đứng lên giành độc lập và liền sau đó là các cuộc chiến tranh vệ quốc gian lao và ác liệt. Vậy là Đảng đã trở thành một đảng lãnh đạo dân tộc bằng các giá trị văn hóa và phương thức thuyết phục, chứ không phải bằng mệnh lệnh và quyền lực hành chánh. Ngày đó đâu đã có chính quyền mà sử dụng quyền lực. Sau khi có chính quyền, lập ra nhà nước, dần dần phương thức lãnh đạo của Đảng đã thay đổi, các tổ chức của Đảng sử dụng quyền lực hành chánh để lãnh đạo, nên có người gọi đó là cai quản, cai trị, là một kiểu “nhà nước” đứng trên nhà nước. Không ít lần ra nghị quyết hay chỉ thị của Đảng thường với tinh thần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mà thực chất phần nhiều là bao sân, làm thay nhà nước các thứ việc, kể cả bao cấp về tư tưởng.

Cần phải đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo theo hướng phát huy kinh nghiệm của ngày xưa, lãnh đạo bằng thuyết phục, bằng các giá trị văn hóa là chính, và chăm lo xây dựng nhà nước thật sự của dân, để nhà nước ấy sử dụng pháp luật mà quản lý đất nước, Đảng không bao biện làm thay và lộn sân của nhà nước. Khi Đảng trực tiếp sử dụng quyền lực nhà nước và lại không đủ cơ chế kiểm soát quyền lực thì Đảng thoái hóa là một tất yếu, khó mà ngăn được. Phương châm “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và dân làm chủ” xét về mặt từ ngữ thì không có gì sai, nhưng lãnh đạo như thế nào, quản lý như thế nào và làm chủ như thế nào thì còn nhiều vấn đề chưa rõ, phải bàn tiếp. Lãnh đạo và quản lý như thế nào đó thì dân mới làm chủ được, còn lãnh đạo và quản lý cách khác thì dân không thể làm chủ gì được. Nên chăng, tốt hơn, có thể diễn đạt là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý để bảo đảm cho nhân dân làm chủ”, tức là sự lãnh đạo và quản lý ấy phải nhằm mục đích để nhân dân thật sự làm chủ đất nước và xã hội.

10/ Cán bộ quyết định thành bại là câu tổng kết đúng thực tiễn. Sáu nhiệm kỳ trước đây Nghị quyết của Đảng đã nói công tác tổ chức cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Nhận thức sớm như vậy nhưng tiếc là trên thực tế công việc thì chuyển biến rất chậm. Suốt mấy nhiệm kỳ nay chỉ mới có một việc tiến bộ đáng nói là danh sách bầu cử có số dư nhưng vẫn làm chưa đến nơi đến chốn, bầu cử chủ chốt phần nhiều vẫn còn một bầu một. Nhiệm kỳ XII này lãnh đạo Ban Tổ chức TW có quyết tâm hăng hái đổi mới công tác cán bộ, trong đó có  việc kiểm soát quyền lực và bổ sung sửa đổi một số quy trình. Nhưng nhìn chung suốt nhiều nhiệm kỳ, công tác cán bộ cơ bản vẫn cách làm như vậy - sắp đặt. Ta nói Đảng trực tiếp nắm công tác cán bộ thực chất là Đảng sắp xếp và phân công. Nhiều lần tôi đã nói, sự sắp đặt cán bộ như kiểu ta làm lâu nay thì dễ bị tính chủ quan, “hôn nhân cận huyết” và không tuân theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Quyền lực luôn có mặt thứ hai là tha hóa, nhất là khi chưa đủ cơ chế kiểm soát. Quyền lực tha hóa ngay trong khâu sắp xếp, phân chia quyền lực. Một cháu bé mới đi học lớp 1 về nhà bảo  ông ngoại: Ông ơi, ông “chạy” cho cháu làm lớp trưởng. Vậy là tiêu cực đã vào trong văn hóa và giáo dục, không khéo nó sẽ truyền nối sang đời sau.

Cần đổi mới căn bản công tác cán bộ, bắt đầu từ phương pháp lựa chọn. Thay vì sắp đặt thì nay chuyển sang tranh cử, mà tranh cử thực chất chứ không phải hình thức, không phải “quân xanh quân đỏ”, không phải sắp xếp để bí thư-chủ tịch HĐND tỉnh liên doanh với cán bộ trưởng phòng của cấp sở. Người tham gia tranh cử phải tự nguyện ra ứng cử, đừng để sau này khi không hoàn thành nhiệm vụ bị phê phán thì bảo là do tại cấp ủy phân công. Ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động, tranh luận công khai trực tiếp với ứng cử viên khác. Trước đó là mở rộng dân chủ trong ứng cử đề cử. Có ý kiến hỏi vậy thì tổ chức đảng lãnh đạo công tác nhân sự như thế nào? Lãnh đạo chứ đâu phải áp đặt. Sự lãnh đạo ấy bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, minh bạch, không có gian dối, không có “lợi ích nhóm” mua bán đổi chác; lãnh đạo về tiêu chuẩn và phát hiện nhân tài để giới thiệu ra tham gia tranh cử bình đẳng với các tổ chức đoàn thể khác.

Trong lý luận của Marx có nói lãnh đạo cách mạng nên là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất. Lý luận ấy có cơ sở khoa học, nhưng sau đó tiếp tục phát triển và cho rằng giai cấp tiến bộ nhất trong thời kỳ tư bản đại công nghiệp là giai cấp công nhân. Sự phát triển này không sai nhưng chưa đầy đủ. Một mình giai cấp công nhân không thể tạo ra phương thức sản xuất đó, mà phải cộng với vai trò của các nhà tư bản với tư cách là những người tổ chức và quản trị các cơ sở sản xuất kinh doanh. Vậy mà trước đây có thời kỳ ta đã định loại bỏ vai trò của họ. Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, vai trò của tầng lớp trí thức có ý nghĩa quyết định và sẽ tiếp tục ngày càng quan trọng hơn. Cho nên rất cần thiết phải nâng vai trò của tầng lớp ấy (trí thức) lên trong lãnh đạo cách mạng, cộng với vai trò của công nhân hậu công nghiệp và các doanh nhân yêu nước, gương mẫu để tham gia dẫn dắt cộng đồng.

Ta yêu cầu cán bộ phải học Hồ Chí Minh là đúng, nhưng cách làm nào cho hiệu quả, không lang mang và hình thức thì cần phải tiếp tục suy nghĩ. Tư tưởng HCM tựu trung lại một điểm quan trọng nhất là “Dân là gốc”. Trước HCM, từ thời nhà Trần, nhà Lê đã có tư tưởng “Dân vi bản”. Cũng dân là gốc nhưng khác nhau cơ bản ở chỗ đó là thần dân, dân của trẫm, còn chỉ có vua mới là chủ. Tư tưởng HCM coi dân là người chủ, làm chủ, nắm mọi quyền lực. Đạo đức HCM là vì dân. Người nói “Tôi hiến dâng đời tôi cho dân tộc tôi” và suốt đời Người đã phấn đấu để làm như vậy. Phong cách HCM là trọng dân. Người bảo phải kính trọng và lễ phép với nhân dân (chứ không phải cai trị, ức hiếp hay quan liêu hách dịch). Vậy học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM tựu trung lại là sống với dân. Một chữ DÂN viết hoa và in đậm. Đó là việc quan trọng nhất, tập trung vào đó để học và làm cho thật tốt, còn các giá trị khác thì để giành cho công việc nghiên cứu và triển khai theo các chuyên đề phù hợp. Học tập HCM không nên theo kiểu một phong trào chính trị rộng lớn và mạnh mẽ, mà phải là một loại hoạt động văn hóa chiều sâu. Không cần phải nói nhiều dễ gây nhàm chán, mà phải chuyển tải và làm lan tỏa các giá trị gây xúc động lòng người, còn chủ yếu là làm - bằng hành động thực tế.

Nhân cách quan trọng nhất của người cán bộ là tính trung thực. Không có trung thực thì không có trung thành và dễ chuyển thành kẻ cơ hội. Không có tự do tư tưởng và ngôn luận thì cũng không có trung thực, vì người ta nói ra những suy nghĩ thật của mình họ sợ bị quy chụp quan điểm. Nói dối là vũ khí tự vệ mà. Có trung thực sẽ có tự trọng. Có tự trọng sẽ ít tham nhũng và suy thoái ./.

Quảng Nam ngày 29.7.2020