Trong Cơn Lốc Xoáy” Và Những Vấn Đề…

(Đọc tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của Trầm Hương. Nxb Phụ nữ 2016)


Bùi Công Thuấn

 

 

 

            Tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” của Trầm Hương được giải A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) vào tháng 8 năm 2015. Tập tiểu thuyết này dài 1.024 trang. Nhà xuất bản Phụ nữ in thành hai cuốn. Đọc một tác phẩm dài hàng ngàn trang là một việc khó, nhưng điều thú vị là Trong cơn lốc xoáy đặt ra nhiều vấn đề lý luận phê bình, và tôi muốn chia sẻ với các nhà phê bình ý nghĩ của mình, vì lâu nay phê bình văn chương có vẻ lặng lẽ quá (!).

CẢM GIÁC CHẠM BÓNG

            Các nhà bình luận bóng đá hay dùng chữ “cảm giác bóng” để nhận xét về cách đá bóng của một cầu thủ. Tôi xin mượn chữ này để ghi lại “cảm giác” của mình khi tiếp cận Trong cơn lốc xoáy. Nói đến “cảm giác” là nói cái riêng của mỗi người đọc. Và sự khác biệt là điều bình thường. Nói bằng cách của phê bình văn học, để thưởng thức tác phẩm, tôi đọc bằng trực giác cảm tính.

           Thực lòng, tôi vô cùng ngán ngại (ái ngại và ngán ngẩm) khi nhìn tập tiểu thuyết dày hơn 1000 trang. Tôi không biết mình có đủ sức, đủ kiên nhẫn để đọc không. Đọc sách tốn nhiều thời gian và sức lực. Liệu cuốn sách có đáng với công tôi bỏ ra để đọc không? (Điều này là nguyên nhân của bệnh lười đọc của nhiều người). Để vượt qua sự cản trở của một bức tường thành, tôi tự nhủ mình rằng, tác giả bỏ ra 10 năm để viết, chẳng lẽ mình không bỏ ra được một quỹ thời gian nhỏ để đọc sao? Và rồi tôi tự luận rằng, cứ coi tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy là một bộ phim truyền hình nhiều tập, mỗi ngày xem vài tập thì sẽ “thấm” hơn. Vì có người đã nhận xét Trong cơn lốc xoáy có chất điện ảnh. Vâng, và điều đáng nói là, “Trong cơn lốc xoáy” đã cuốn hút tôi từ đầu đến dòng chữ cuối cùng của tác phẩm. Gấp cuốn sách lại, tôi nói với lòng mình, thật đáng khâm phục tác giả cả về tài năng và tâm huyết. Trong cơn lốc xoáy là một tiểu thuyết hay và đáng đọc.

           Sở dĩ tôi đọc được đến trang cuối cùng của cuốn sách vì Trầm Hương có cách viết rất mạch lạc, trong sáng. Trang văn có chất “say” của cảm xúc và sự hấp dẫn của văn chương. Tôi tự hỏi, làm thế nào nhà văn giữ được chất “say” này trong suốt 10 năm để viết tác phẩm và trải ra trong hơn 1000 trang văn, và rồi và làm cho người đọc “say” theo? Với một rừng, biển tư liệu, làm thế nào tác giả khai thác được để tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng? Và tôi nhận ra điều này, năng lực đọc, phân tích, tổng hợp, chọn lựa tư liệu; khả năng hư cấu, kiến tạo tác phẩm cùng với sự nhập thân của tác giả vào lịch sử, hóa thân vào số phận nhân vật để làm nên một tác phẩm văn chương của Trầm Hương không phải nhà tiểu thuyết nào cũng có được.

           Nếu ghi lại hết cảm giác của tôi khi đọc Trong cơn lốc xoáy, có lẽ sẽ làm mất thời gian của bạn đọc. Nhưng có điều này, tôi nghĩ nên chia sẻ, ấy là tác phẩm dẫn người đọc vào những không gian, thời gian đặc biệt của lịch sử và những hoàn cảnh, những tình huống hết sức “khó gỡ”(điều này tạo ra sự hấp dẫn), vì thế cần phải có vốn hiểu biết rộng về văn hóa, lịch sử mới cảm nhận được cái hay của tác phẩm. Chẳng hạn đời sống xã hội ở Phnom Penh đầu thế kỷ XX hay ở Paris, California sau 1975. Đặc biệt phải có trải nghiệm về tình hình chính trị xã hội Sài Gòn ngày khởi nghĩa 25/8/1945, Sài Gòn ngày toàn thắng ngày 30/4/1975. Và trải nghiệm về đời sống ở bưng biền trong kháng chiến, những khó khăn khi người dân phải bỏ thành phố đi “kinh tế mới”, những cuộc vượt biên đầy chết chóc, sợ hãi cùng với những khủng hoảng của đời sống xã hội sau 1975…Không có những trải nghiệm ấy, bạn đọc sẽ mất đi một nửa “cảm giác văn chương” khi đọc tác phẩm.

Đôi khi tôi bị “choáng” với một vài chi tiết. Và tôi tự hỏi, tác giả có hư cấu quá tay hay không? Và phải chăng đó là “thật”? Chẳng hạn, Jeannette đang tắm thì Vạn tới. Jeannette bảo Vạn vào tắm chung, rồi bảo Vạn kỳ ngực cho mình. Khi thấy Vạn còn mặc quần đùi, Jeannette nói: “Sao không cởi ra, sao cù lần thế?” Vừa nói Jeannette vừa kéo phăng chiếc quần đùi của Vạn”(cuốn I. tr.401). Tất nhiên là văn hóa Việt không thể chấp nhận hành vi ấy của Jeannette!

Một chi tiết khác. Khi Vạn tuyệt thực ở chuồng cọp, phổi của Vạn bị dập nát vì cú đá của một tên lính Pháp. Vật lộn với tử sinh, Vạn phải uống nước tiểu của mình. “Hơn 10 ngày tuyệt thực, Vạn không còn cả nước tiểu để uống. Anh dùng một sợi dây kẽm nhỏ mài nhọn, chọc vào động mạch cánh tay trái hút máu. Những giọt máu thấm vào cổ họng, ngọt kỳ lạ…Nhưng máu rồi cũng kiệt. Anh chọc mãi vào động mạch, đau điếng mà vẫn không hút được giọt máu nào!(I. tr.107). Oh My God! (Trời ơi!) Không còn giọt máu nào thì sao Vạn có thể sống được! Dùng dây kẽm chọc vào động mạch, nếu bị nhiễm trùng, Vạn làm sao không sống nổi! Tôi sững người tự hỏi, Trong cơn lốc xoáy viết về “người thực việc thực” hay tiểu thuyết hư cấu lãng mạn?

Có một chữ tác giả sử dụng làm tôi băn khoăn mãi. Tác giả viết:Quân đội của Hà Nội đã vô tới sài Gòn”(cuốn II.tr.311); ”Đa phần người Việt Nam đều mong muốn Bắc Việt vào Sài Gòn, thống nhất hai miền”(II.tr.313). Sao không là Quân giải phóng, vì theo hiệp định Paris 1972, quân Bắc Việt là quân ngoại nhập, phải rút khỏi miền Nam!

MỘT TRUYỆN TÌNH

           Có thể nói ngay, Trong cơn lốc xoáy là tiểu thuyết viết về cuộc đời của bà Jeannette, một nguyên mẫu người Pháp. Số phận của Jeannette bị chi phối bởi người thân trong gia đình trước các biến động xã hội và lịch sử. Jeannette không thiếu cơ hội để chọn lựa một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc nhưng cô có lối đi riêng của mình.

           Truyện mở đầu khi cô bé Jeannette được 5 tuổi sống ở Phnom Pênh với cha mẹ nuôi là ông Joseph và bà Luisa đầu thế kỷ XX. Cô được chăm sóc như một công chúa. Ông Joseph Casabiarca là giám đốc kiểm toán quan thuế ba miền Đông Dương. Khi Joseph được điều về Việt Nam, Jeannette cũng theo về. Khi cha mẹ nuôi chết, Jeannette về sống với cha mẹ ruột là ông Antoine Villarial và bà Nguyễn Thị Hai ở Thủ Đức.

Ở Sài Gòn, Jeannette đi học rồi yêu, lấy chồng và làm ăn.

Thời kháng chiến chống Pháp, gia đình Jeannette bị Đội quân Cao Đài thân Nhật của Hoàng Huy bắt. Nhờ Nagamoto cứu giúp, gia đình ông Antoine thoát nạn, nhưng Jeannette lại bị Nagamoto, chiếm đoạt, có thai. Nagamoto là mật thám của Nhật, hắn gửi Jeannette ở nhà bà Năm Sương Thu. Ở đây Jeannette gặp Vạn và yêu Vạn. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Nagamoto sụp đổ và bị bắt. Jeannette sinh con, đứa con chết.

Jeannette và Vạn yêu nhau. Jean trở thành đội viên chi đội 12. Công việc của cô là lấy tin từ sĩ quan Pháp. Cô lần ra đường giây mua vũ khí của bọn lính mũ đỏ rồi cùng Vạn chở vũ khí ra bưng biền cho kháng chiến. Một lần Jeannette tìm đến địa điểm bí mật ở Chợ Lớn để gặp Vạn, cả hai đang bày tỏ tình yêu thì lính bót Pô Lô Chợ Lớn ập vào bắt Vạn đi. Jeannette bị mời về đồn. Ở đây Jeannette bị Cala, phó sếp bót Pô-lô và Theodor, anh trai cô bạn Micheline liên tiếp cưỡng hiếp. Theodor đưa Jeannette về nhà bà Hai.

 Để cứu Vạn, Jeannette liên hệ với dược sĩ Cao. Cao giúp đỡ tiền bạc để Jeannette lo lót cho bọn mật thám Pháp, song Jeannette lại bị Cao chiếm đoạt. Cao bị cò Bazin sờ gáy vì có tiếp tế cho Việt Minh. Sợ bị liên lụy, Cao bỏ về Pháp. Ông ta mua nhà và chu cấp cho Jeannette đầy đủ. Jeannette sinh con, dược sĩ Cao ở Pháp đặt tên con Eveline. Khi Vạn bị tuyên án 15 năm tù khổ sai và bị đày đi Côn Đảo vì tội lừa đảo, Jeannette lấy Quý và làm ăn với anh trai Pierre (sau biến cố Mậu Thân ở Sài Gòn, cả gia đình Pierre về Pháp).

Đến năm 1960, Jeannette có 5 con với Quý là Chance, Lee, Măng, Cúc, Lan. Thời chống Mỹ, để lo cho tương lai các con, Jeannette giao tiếp với Merryl Clifford, Đại tá sư đoàn 1 Mỹ và được Clip giúp đỡ cho vào căn cứ Long Bình kinh doanh phục vụ cho lính Mỹ. Jeannette kiếm được nhiều tiền. Sau 30/4/1975, cuối năm 1976 bà cùng con, cháu về Pháp (II.tr.343). Ở Paris, bà lo việc học, việc đám cưới cho các con là Eveline, Chance, Lan. Cho Măng vào trường quân đội để chữa ma túy, đăng ký đi lính Pháp cho Lee... Sau khi ông Quý là chồng bà chết, bà về Việt Nam, sống ở Long Hải.

Viết về cuộc đời bà Jeannette, nhà văn Trầm Hương chú tâm vào tình yêu và tình mẹ của bà. Cả hai tình cảm này Jeannette đều sống với “những vết thương sâu trong lòng của những con người trong cơn biến động của lịch sử.”

Về vai trò và trách nhiệm làm mẹ, Jeannette viết cho chị Lucia rằng: Em là một bà mẹ thất bại, một bà ngoại đau đớn bất lực nhìn đứa cháu gái của mình đi dần vào cái chết trắng, chẳng còn có tương lai/ Em đã sống cùng những vết thương sâu cho đến hết cuộc đời mình”(II.tr.468).

Eveline, đứa con của Jeannette với Dược sĩ Cao được Jeannette gửi cho hai bà chị của ông Cao nuôi dạy. Bị giáo dục trong một môi trường nghiêm khắc và cô độc, Eveline bị trầm cảm, đồng tính, và yêu cô bạn gái tên Nhường. Muốn thoát khỏi hai bà cô, Eveline tìm học bổng sang Pháp du học. Ở Pháp, Jeannette lấy Trịnh Ngọc, sinh được đứa con trai đặt tên là Rồng. Nhưng rồi Eveline lại bị “thầy chùa” Ngân lừa cả tình và tiền, bịnh đồng tính trở lại. Eveline uống thuốc ngủ tự tử (II.tr.426).

Cả Chance và Lan, con của Jeannette đều quậy ngang bỏ học. Lúc ấy, Jeannette đang kinh doanh phục vụ lính Mỹ trong căn cứ Long Bình. Chance có thai ba tháng với lính Mỹ, Jeannette phải dẫn đi giải quyết (II.tr.263), còn Lan, bỏ học, dẫn bạn trai là lính Mỹ về nhà. Jeannette phải làm đám cưới cho hai cô con gái khi hai cô đã có bầu ba tháng (Đám cưới. II.tr.271). Măng hiếp dâm con Bảy, bà quản lý dẫn đi phá thai (II.tr.457). Măng còn nghiện ma túy, Jeannette phải đưa sang Pháp đăng ký học trường quân đội để cai nghiện. Sau đó Măng lấy Cherry (II.tr.302). Cả đến đứa cháu con của Lan tên là Kitty ở Mỹ cũng nghiện ma túy và bỏ nhà đi (II.tr.399)…

Trước những tình huống như thế, Jeannette bất lực. Bà đau đớn quằn quại với số phận. Khi Eveline chết, Bà Jeannette kêu lên: “Chính mẹ đã gây ra bi kịch này cho Eveline! Ôi lạy Chúa, Người hãy tiếp tục trừng phạt con! Eveline đâu muốn có mặt trên đời. Nó sinh ra là vì con. Eveline vô tội mà!”(II.tr. 427).

Tôi thật ngạc nhiên về điều này. Lúc Eveline ngoại tình với “thầy chùa” Ngân ngay trong nhà mình, Jeannette gặp Eveline, định khuyên bảo con thì Eveline nói với mẹ rằng: “Xin mẹ đừng kinh ngạc, đừng lên án khi con đến với thầy Ngân…Tình yêu có những lý lẽ riêng, như xưa kia mẹ đã từng yêu một anh Việt Minh, bị cả gia đình lên án…”(II.tr. 386). Phải chăng đó là nhân quả, gieo nhân nào gặt quả đó, như chính Jeannette đổ lỗi cho ông Quý, chồng bà, vì ăn chơi với đĩ điếm mà các con gái của ông là Chance, Lan hư hỏng?

Phải chăng các con của Jeannette “kế thừa” khí chất của người mẹ, đúng như Eveline nói. Xưa kia, lúc mới 13 tuổi Jeannette đã yêu Henry (I.tr.203). Jeannette học trường Marie Curie, để trả thù người cha là ông Antoine, Jean quậy phá và bị đuổi học nhiều lần. Tình cờ gặp lại Lucien, thất thân với Lucien (I.tr.250), nhưng chị của Lucien không đồng ý cho Lucien cưới Jeannette. Sau Jeannette lại quen thân với cậu Tú Minh nhưng bà Hội đồng, mẹ của Minh không đồng ý vì không “môn đăng hộ đối”. Minh chết vì thương hàn.

Cuộc đời Jeannette cuốn đi với rất nhiều người đàn ông: Jeannette yêu Henry nhưng lại thất thân với Lucien nhưng hôn nhân không thành. Jeannette bị Nagamoto chiếm đoạt, nhưng lại hiến thân với Vạn. Jeannette bị Cala và Theodor hãm hiếp, rồi lại bị dược sĩ Cao chiếm đoạt. Còn nhiều người khác yêu Jeannette và muốn có Jeannette. Đó là mật thám Trần Nhơn, luật sư Gaston. Lúc Jeannette sang Pháp tìm ông Cao để đòi lẽ công bằng cho Eveline, De Marcelange dòng Bá tước cầu hôn bà, nhưng Jeannette từ chối. Thời Mỹ ở Sài Gòn, Merryl Clifford trước khi về Mỹ đã tỏ tình với Jeannette nhưng bà cũng từ chối (II.tr.220). Jeannette chỉ yêu Vạn nhưng lại lấy ông Quý.

Trong những mối quan hệ do sự vần xoay của số phận ấy, Jeannette không biết là phúc hay họa. Jean tự đánh giá mình: “Mình rắc rối quá! Tự mình nhận ra điều ấy…Mình sống không giống ai, chẳng làm theo khuôn mẫu phép tắc của một phụ nữ đã có chồng” (II.tr.459). Hai bà chị dược sĩ Cao khẳng định với em về Jeannette: “Cậu nghĩ xem, chưa tròn 20 tuổi mà cái cô Jeannette đã lăng nhăng đủ loại đàn ông Pháp, Nhật, lính kín đủ loại, giờ tới cậu” (I.tr.354);Cậu mê muôi nên không biết con Jeannette đó là hồ ly. Mấy thầy chú kia bị nó quyến rũ vô tù, tán gia bại sản hết, giờ nó dùng sắc đẹp mê hoặc để cậu cung phụng cho nó, chớ nó có yêu gì cậu!”(I.tr.535), còn Lài, chị dâu của Vạn cho rằng Jeannette là một con quỷ, người đàn bà nguy hiểm, không khéo cô ta sẽ tiếp tục đưa chú vào hỏa ngục (II.tr.203)

Và đây là lời tố cáo của ông Quý, chồng của bà Jeannette: “ông Vạn và Nét (Jeannette) gặp lại nhau năm 1962. Bà nét đem ông Vạn về trong gia đình nói là ông thầy giáo để dạy học cho mấy đứa nhỏ một thời gian ngắn, có lẽ do sợ đổ bể hay không kín đáo nên bà ta mới đem ông Vạn đến làm việc cho hãng của ông Pierre Villarial…bà ta sống cuộc đời hai mặt mãi đến ngày 30/4, tôi vẫn không hay biết gì…/ Bà Nét và ông Vạn đã lén lút sống như thế trong lúc tôi vẫn tin tưởng và hoàn toàn tin cậy bà ta. Họ đã lường gạt và phản bội tôi từ bấy lâu nay…Còn một việc quan trọng nữa là nếu bà muốn biết (?). Ông Vạn đã lợi dụng cách mạng để làm nhiều việc mà nếu là một người cách mạng chân chính không thể làm được”(II.tr.381).

           Bạn đọc Việt Nam nghĩ gì về số phận dâu bể như thế của bà Jeannette. Phải chăng những đứa con bà “hư hỏng” là do kế thừa tính khí và cách sống của bà? Bà tự nhận thức mình sai lầm trong cách giáo dục con và bất lực trước hoàn cảnh. Hai bà chị Ông Cao nhận xét về Eveline: “Thật là héréditaire, mẹ nào con nấy” (II.tr.390), Bạn đọc Việt Nam có người sẽ nghĩ: “Mẹ nào con nấy”!

Về tình yêu với Vạn, từ ngày đầu đến ngày cuối, trong đầu Jeannette có một bàn thờ Vạn (II.tr.380), mà có lúc Jeannette tưởng đã đạp đổ, nhưng ước vọng sau cùng của Jeannette là được bên Vạn, được hòa tro cốt mình với tro cốt Vạn rải vào lòng biển xanh, để cả hai sóng bước bên nhau dạo chơi cùng những con sóng của biển xanh không ngừng (II.tr.463).

Tình yêu của Jeannette và Vạn bắt đầu từ lần hai người gặp nhau ở nhà Bà Năm Sương Thu. Lúc ấy Vạn đang làm thầy giáo để lọt vào “hang ổ” làm phân rã lực lượng của bà Năm Sương Thu thân Nhật. Nagamoto dẫn Jeannette đến gửi ở nhà bà Năm Sương Thu nhờ che chở. Khi bà Năm Sương Thu giới thiệu, Vạn và Jeannette nhìn nhau. Họ cảm nhau ngay ở cái nhìn đầu tiên ấy, dù lúc ấy Jeannette mới bị Nagamoto chiếm đoạt và đang có thai: “Cô ngước nhìn lên. Như có một luồng điện từ mắt chàng trai truyền dẫn vào sóng mắt cô, dừng lại ở đó. Rồi những tia sáng từ ánh mắt anh chạy dọc theo sống lưng Jeannette. Cô thu hết can đảm nhìn lại anh. Một chàng trai trạc 24 tuổi, cao lớn, ngực nở, với những bắp thịt rắn chắc dưới áo sơ mi ngắn tay màu xanh nước biển, da ngăm đen và nụ cười rộng mở”…”Vạn chợt nghe tim mình đau nhói  trước vẻ đẹp hoàn hảo và đôi mắt màu hạt dẻ sâu thẳm nỗi buồn…”(I.tr.320)..”Mắt vạn lướt nhanh qua thân hình yêu kiều của Jeannette, dừng lại ở khuôn bụng gợn một đường cong e ấp dưới làn áo Kimono”(I.tr.321).

Cả hai đều bị quyến rũ bởi vẻ đẹp thân xác của nhau. Sau khi Nagamoto bị bắt đi, Jeannette ngã vào vòng tay Vạn. Một đêm mưa, Jeannette đang cô đơn. Có tiếng chim cú kêu. Vạn xuất hiện. Sau đó hai người lao vào nhau làm tình nhiều lần.”Anh tự nguyện hiến thân cho cô”; “có sự hòa hợp hoàn toàn giữa hai thân thể, hai tâm hồn. Anh và cô cứ thế thiếp đi trong hoan lạc(I.tr.383).

Người đọc có thể hiểu hai người yêu nhau hoàn toàn là cảm xúc xác thịt và sự cảm thông hoàn cảnh, đó không phải là tình yêu từ trái tim? Bằng chứng là khi Vạn đang trong hoàn cảnh phải sống bí mật, Jeannette tìm đến chỗ Vạn ở Chợ Lớn. Hai người bày tỏ tình yêu. Cả hai cùng khóc. Jeannette chỉ có ước muốn nhỏ nhoi là “được yêu và sống bên người mình yêu”. Sau khi nghe Vạn giải thích, hai người “hạnh phúc tột cùng được dâng hiến, cho đi nhận lại hòa nhau làm một của đôi trai gái đang dồn nén khao khát(I.tr.457).

Lưu ý rằng Jeannette đang có thai với Nagamoto và ông ta vừa bị mật thám Pháp bắt. Nagamoto có ơn cứu cả gia đình Jeannette khỏi sự tàn sát của Hoàng Huy. Chính vì điều này, khi bị bà Năm Sương Thu chất vấn, Vạn đã cứng họng: “Cướp vợ một người đàn ông đang thất thế, bị tống giam trong tù không phải là vô đạo sao?!”(I.tr.441).

 Người đọc không thể hiểu Vạn yêu Jeannette vì điều gì trong khi anh đang thực hiện nhiệm vụ cách mạng rất khó khăn và nguy hiểm là mua vũ khí và chuyển cho kháng chiến. Dù Jeannette có giúp Vạn mua được súng của bọn lính mũ đỏ cần tiền, song vì Jeannette mà Vạn bị mật thám Pháp bắt. Anh thiếu cảnh giác. Anh đã phải trả giá cho tình yêu này bằng 15 năm khổ sai và đày Côn Đảo. Vạn bị kết tội lừa đảo và cướp tài sản, không phải tội mua súng cho Việt Minh. Về sâu xa, Vạn bị tù là do lòng ghen tức của mật thám Trần Nhơn và luật sư Gasto khi cả hai không chiếm đoạt được Jeannette. Gasto nói với Jeannette: “Mà nếu như cô có chấp thuận ngủ với tôi đi chăng nữa thì thằng Việt Minh đó cũng không bao giờ được trở về. Tôi muốn nó mãi mãi không còn được gặp lại cô”(II.tr.27).

Gasto nhận xét về tình yêu của Jeannette với Vạn: “Thật ra, cô đi theo tên Việt Minh ấy chỉ vì cô mê anh ta, mê theo kiểu đàn bà theo đàn ông nên sẵn sàng làm theo những điều anh ta xúi giục”(I.tr.546). Jeannette yêu Vạn không phải xuất phát từ tình yêu với lý tưởng cách mạng của Vạn, với công tác anh làm cho kháng chiến. Trái lại, có lúc Jeannette thốt lên rằng: “Cách mạng là gì? Kháng chiến là gì?Tại sao lại khắc nghiệt với chúng ta như vậy?”(I.tr.455).

Ta hiểu được vì sao ngay sau khi biết tin Vạn bị tù 15 năm, Jeannette đã lấy Quý. Vì Jeannette sinh ra không phải là để chờ đợi một người ở tù. Jeannette đã sinh cho Quý 5 đứa con, cùng Quý làm ăn, và chung sống với ông ta cho đến khi Quý chết, Jeannette mới về Việt Nam. Jeannette thú nhận với Vạn: “Em đã không chờ được anh suốt 15 năm xuân sắc. Em sống bản năng với những ham muốn tầm thường”(II.tr.440)

Tôi cũng không hiểu được “tình yêu” Jeannette dành cho Vạn sau khi ông ra tù. Jeannette dẫn ông đi mua quần áo, mua sách, tìm việc cho ông làm. Cả khi Jean biết Vạn đã bị 15 năm tù Côn Đảo làm biến dạng, không còn khả năng sinh lý, Jeannette vẫn gắn bó với Vạn, bất chấp mọi hệ lụy. Jeannette tự hỏi: “Ta chịu đựng cuộc sống này đến lúc nào đây?! Cam chịu cho đến suốt đời sao?! Gia đình, những đứa con, danh dự. Tất cả những thứ đó làm thành sợi dây thít chặt số phận ta. Ta hiểu nó mà tại sao không vùng thoát ra khỏi nó”(II.tr.199).

Khi người yêu bị tù thì Jeannette bỏ đi lấy chồng, rồi khi người yêu ra tù, Jeannette lại bỏ chồng, bỏ 5 con để trở lại với người yêu cũ, hẳn độc giả Việt Nam không dễ chia sẻ cách sống này với Jeannette! Cho nên ta hiểu sao ông Quý tố cáo vợ phản bội và sống hai mặt, và Hoa, vợ sau của Vạn, đã tỏ thái độ lạnh lùng ngay khi Jeannette tới nhà. Nhìn thấy gia đình Vạn hạnh phúc, Jeannette vội ra khỏi tổ ấm của Hoa (II.tr.398). Ít ra bà cũng con biết tự trọng. Nhưng Jeannette bị sốc vì thái độ của Hoa, bà viết cho Vạn: “Anh không biết dạy vợ.Tôi giờ chỉ có sự thương xót anh. Cái bàn thờ anh trong đầu tôi, vợ anh đạp đổ hết rồi!” (II.tr.380).

Sau cùng thì cả hai cùng tha thứ cho nhau, Jeannette tìm về bên Vạn vừa kịp khi Vạn lìa đời, đúng như ước nguyện tình yêu của ông. Cái chết của Vạn được miêu tả khá cải lương! (II.tr.441)

Những gì không thể giải thích được về tình yêu của Jeannette và Vạn bằng cảm quan của bút pháp hiện thực thì lại là vùng trời mở rất rộng cho sự sáng tạo của ngòi bút lãng mạn. Tôi nghĩ, Trong cơn lốc xoáy là một truyện tình lãng mạn (có màu sắc cải lương).

 

HAY “TIỂU THUYẾT VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG”?

 

            Mặc dù Trong cơn lốc xoáy được giải A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) vào tháng 8 năm 2015, và điều này cũng gợi cho tôi vài vấn đề lý luận..

Nhà văn Trầm Hương cho rằng: để hiểu bi kịch tình yêu và phụ nữ với vẻ đẹp của lòng nhân hậu, đa cảm, hy sinh, chịu đựng luôn là đề tài bất tận của văn học.”[1] Chị cho biết thêm: “Tôi muốn chia sẻ với các độc giả của mình thông điệp về những vết thương sâu trong lòng của những con người trong cơn biến động của lịch sử[2]

Như vậy nhà văn Trầm Hương viết Trong cơn lốc xoáy là để nói về “bi kịch tính yêu và phụ nữ”, qua đó chia sẻ thông điệp về “những vết thương sâu trong lòng của những con người trong cơn biến động của lịch sử. Vì toàn bộ cuốn tiểu thuyết là cuộc đời của bà Jeannette, chuyện “người thật việc thật” (trong cuốn sách, còn in kèm hình ảnh Jeannette từ nhỏ đế khi về già, cùng với gia đình bà). Người đọc có thể nhận thấy bối cảnh lịch sử, cách mạng và kháng chiến được nhắc đến là để xác định các mốc thời gian cuộc đời của nhân vật.

Những sự kiện, những biến cố lớn lao của Lịch sử, cách mạng và kháng chiến Việt Nam không được dựng lại như một dòng chảy suốt từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Tác giả chỉ chọn thuật lại một vài sự kiện lịch sử như một bản tin báo chí. Cũng có thể đây là góc nhìn rất hẹp của một phụ nữ Pháp quanh quẩn gia đình mình, không quan tâm đến tình hình chính trị bên ngoài.

Đây là một đoạn thuật lại những ngày cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Sài Gòn: “Bí thư xứ ủy Nam kỳ chọn ngày 25 tháng 8 năm 1945 làm cuộc cách mạng giành chính quyền ở Sài Gòn…Một kế hoạch khẩn cấp giành chính quyền của cách mạng đã được bí mật gửi đến các cơ sở lực lượng “Thanh niên Tiền Phong”. Họ tranh thủ ngày đêm tìm vũ khí, từ mua lén, vận động lính Nhật ném vũ khí xuống sông rồi cho người lặn xuống sông vớt lên, không loại trừ cả cướp giật từ quân Nhật. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, một cuộc biểu tình kỳ diệu hơn một triệu người từ các cửa Bắc, Nam, Đông, Tây đến các vùng xa xôi của Nam kỳ lục tỉnh đổ về Sài Gòn…cuộc khởi nghĩa lạ lùng và kỳ diệu thành công ở Sài Gòn rồi lan ra khắp các tỉnh Nam kỳ như thế” (I.tr.335). Xin chú ý đến đại từ nhân xưng “họ”, ngôi thứ ba, để chỉ lực lượng cách mạng. Không có dòng nào miêu tả cuộc cách mạng thắng lợi trong cả nước và bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 ở Ba Đình. Cũng không có tin tức gì về cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1946-1954), sự ra đời của cách mạng miền Nam (1960) và cuộc kháng chiến chống Mỹ 20 năm (1955-1975).

Ngày 30/4/1945 ở Sài Gòn cũng được thuật lại như như vậy: “...cách sài Gòn chỉ 12 cây số, đêm 27 rạng 28 tháng 4, một tiểu đoàn đặc công quân cách mạng đã quyết tử đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Quân đội Sài Gòn phản ứng quyết liệt bằng đại liên, trung liên, được cả hỏa lực cối, pháo chi viện...Suốt ngày 29 và 30 tháng 4 năm 1975, sau nhiều đợt chiến đấu giằng dai ác liệt, quân cách mạng mới làm chủ được cây cầu, mở đường cho những chiếc xe tăng tiến vào thành phố”(II.tr. 317). “...Big Minh không làm gì. Ngày 10 tháng 3, mất Buôn Mê Thuột. Năm mươi hai ngày sau, xe tăng Bắc Việt đã vào được Dinh Độc lập. Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhanh...”(II.tr.324). Tác phẩm không có dòng nào bao quát tình hình chính trị quân sự mùa xuân 1975 và về chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.

Theo dõi nhân vật Vạn, người Đảng viên, chiến sĩ họat động bí mật nội thành, người đọc càng thấy rõ hơn việc tác giả không đặt mục đích xây dựng tiểu thuyết viết về cách mạng và kháng chiến.

Lý lịch cuộc đời của Vạn được viết trong điếu văn (II. Tr.441-442), xin trích những họat động chính như sau: “đồng chí sớm giác ngộ, tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống chế độ thống trị Pháp-Nhật. Đồng chí được tổ chức phân công hoạt động bí mật, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945 ở Sài Gòn...Tháng 8 năm 1947 đồng chí bị địch bắt tra tấn, đánh đập, qua các cửa nhà lao Catinat, Khám Lớn Sài Gòn,  đày ra Côn Đảo. Trong thời gian 15 năm bị giam cầm, tù đày, tra tấn cực hình đến mức độ nào vẫn giữ được khí tiết trung kiên...Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí một lòng một dạ trung thành với cách mạng...Ra tù, đồng chí chữa bệnh và móc nối với tổ chức cách mạng H159 nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ dân vận xây dựng cơ sở cách mạng ở Bến cảng, rải truyền đơn vận động công nhân khuân vác phá chìm nhiều chiếc xà lan chở đạn vào Nhà Bè và tham gia hướng dẫn đoàn xe tăng quân giải phóng qua cầu Phan Thanh Giản, tiến vào Dinh Độc Lập giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Nhà văn Trầm Hương đã không khắc họa được nhân vật Vạn như một chiến sĩ cách mạng điển hình của thời đại giai đoạn từ trước cách mạng tháng 8/1945, đến kháng chiến chống Mỹ. Vạn chỉ liên lạc và nhận nhiệm vụ từ 2 người là luật sư Thành (I.tr.143) và bác sĩ Nghĩa (I.tr.159). BS Nghĩa “đã chỉ đạo Vạn kết thân với Nagamoto, sẽ cài Vạn vào một lực lượng thân Nhật…Đó cũng là sứ mạng của Vạn trong đường dây thầm lặng của người luật sư Cộng Sản (I.tr.227). Luật sư Thành ra tù, bí mật gặp Vạn, giao nhiệm vụ: “cậu phải đột nhập vào sao huyệt võ trang thân Nhật của bà Năm Sương Thu. Cậu phải tìm cách ngăn chặn sự tác hại của đội quân này, đưa họ về với con đường dân tộc” (I.tr.274). “Công việc của cậu là khoác lên vỏ bọc thân Nhật... hóa giải những bi kịch lầm đường, tìm cách thu và chôn giấu vũ khí Nhật cướp được từ Pháp để khi cần là chúng ta đã có vũ khí” (I.tr.274-275). Tác phẩm có miêu tả một chuyến Vạn cùng Jeannette chở vũ khí mua được vào bưng biền, nhưng không thấy Vạn thực hiện nhiệm vụ làm tan rã đội quân của bà Năm Sương Thu như thế nào. Ở trong nhà bà Năm Sương Thu, Vạn chỉ là thầy giáo thầm lặng.

Thời gian Vạn ở trong tù, chỉ có mình Jeannette xoay sở để cứu ông. Tuyệt nhiên không có tổ chức cơ sở Đảng nào hỗ trợ ông.

Cũng vậy, sau khi ra tù, ông được đưa về Tổng nha cảnh sát, “ông thấy mình cô đơn, lạc lõng, không người thân”(II.tr.180). “Ông bước đi một cách vô định(II.tr.181). Sau cùng ông đón xích lô đến nhà Jeannette. Vạn rơi vào tình trạng trầm cảm và suy kiệt, Jeannette phải tìm cách hồi sinh ông. Trong cuộc hội ngộ giữa Jeannette và Vạn, tác giả tường thuật: “Sự hy sinh lớn nhất của ông là mất Jeannette (II.tr.191),”Mất tình yêu làm ông trống rỗng (II.tr.192). Không có đồng chí hay tổ chức Đảng nào đón ông, để ông nối lại với tổ chức tiếp tục công tác cách mạng. Phải chăng do quan hệ “lén lút” với Jeannette gây ra hậu quả nghiêm trọng, Vạn đã bị tổ chức bỏ rơi?

Sau đó Vạn được Jeannette tìm việc làm. Ông làm quản lý cho Việt Nam Stevedore. Một cơ sở làm ăn của anh Pierre (II.tr.202). Ở đây, Vạn cũng biết tìm gái cho những ông chủ Mỹ(II.tr.226). Rồi Vạn chung sống với Hoa, một cô gái bị lính Mỹ hiếp. Đến cuối năm 1990, Hoa và 3 đứa con của ông đi Mỹ diện con lai (Đoan Trang là con lai Mỹ, con riêng của Hoa). Vạn không đi.Vạn lang thang vô định trên những con đường ngang dọc...”(II.tr 394). Vạn bán nhà cũ (nơi có 2 con bị sát hại) mua nhà nhỏ ở Thủ Đức. Ông cho cô Tím ở trọ phía sau và từ chối tình yêu của cô.

Ông viết nhật ký, nhưng không nhắc lại đời họat động, chỉ nhắc tình yêu với Jean (II.tr.415). Ông triết lý:Ôi, lý tưởng, hoài bão, ước mơ vá biển lấp trời của ta rốt cuộc đều thua trước thực tế đàn bà. Không có cái thực tế ấy, đôi cánh chim bằng thế là bị cắt rụng. Những người đàn ông không thể sống thiếu đàn bà (II.tr.420).

 Do đâu nhân vật Vạn, một chiến sĩ cách mạng trung kiên, đến cuối đời lại cô độc và có cái nhìn bi đát như vậy. Quý là chồng Jeannette đã nhận xét về Vạn: “Ông Vạn đã lợi dụng cách mạng để làm nhiều việc mà nếu là một người cách mạng chân chính không thể làm được(II.tr.381).

Sau khi Vạn qua đời, Jeannette phải lo hậu sự cho ông. Jeannette không biết tính toán làm sao, vì người thân của Vạn chẳng còn ai (vợ con đã đi Mỹ). Sau có người bạn tù của Vạn đề nghị đưa tro cốt Vạn vào nghĩa trang liệt sĩ. Ông ta nói: “Tiêu chuẩn xây mộ ở đây thì khó chớ chỉ để cái hũ thì dễ. Nhiều bạn tù của ông Vạn cũng được đặt trong tòa nhà tưởng niệm ở nghĩa trang. Bà cho ông quản trang chút đỉnh tiền, đảm bảo bạn tôi được hương khói đầy đủ (II.tr.447). Nghĩa là muốn được để tro cốt của Vạn trong nghĩa trang liệt sĩ, Jeannette cũng phải lo lót tiền cho ông quản trang. Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, hoạt động từ trước 1945 sao lại được đối xử như vậy?

Nhân vật luật sư Thành và bác sĩ Nghĩa (hai lãnh đạo cách mạng trực tiếp của Vạn) mất hút trong tác phẩm. Người đọc không biết hai người này là ai, trong tổ chức nào của Đảng. Tác phẩm không miêu tả quan hệ gì của hai ông với Vạn kể từ khi Vạn bị mật thám bắt đày ra Côn Đảo. Tổ chức Đảng và các hoạt động của Đảng cũng không được nói đến. Nhà văn chỉ viết chung về “những người cộng sản”, có nhắc đến tên (mà không miêu tả hoạt động) của những người trí thức dấn thân cách mạng (I.tr.475) như Huỳnh Tấn Phát, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Văn Hưởng, BS Phạm Ngọc Thạch… qua suy nghĩ của Nagamoto, có nhắc đến việc Bí thư xứ ủy Trần Văn Giàu diễn thuyết hùng hồn trong ngày 2/9/1945 tại đại lộ Norodom (I.tr.347).

 Như vậy, xét cả việc miêu tả bối cảnh lịch sử, cùng với việc xây dựng nhân vật người chiến sĩ cách mạng, ngòi bút Trầm Hương đã không phản ánh được chân thực quá trình cách mạng và kháng chiến nhiều thập kỷ của dân tộc. Đến cuối tác phẩm, tác giả vẫn khẳng định Trong cơn lốc xoáy là một truyện tình lãng mạn. Vạn đã viết cho Jeannette: Anh không biết mình sẽ ra đi vào lúc nào. Nhưng còn sống, còn thở anh vẫn yêu em, nhớ đến em. Anh chỉ có một lời khẩn cầu duy nhất với cuộc đời là trước khi ra đi, được em tha thứ…”(II.tr.439).Anh ước nguyện trước khi chết được gặp em…hãy yêu thương anh”(II.tr.440).

 

VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ

 

           Trong cơn lốc xoáy viết về “người thật việc thật” (thể ký) là bà Jeannette lại trở thành tiểu thuyết tình cảm lãng mạn; tiểu thuyết được giải thưởng về đề tài cách mạng và kháng chiến, nhưng tác giả lại không có chủ đích viết về cách mạng và kháng chiến... Do đâu có những mâu thuẫn như vậy?

           Sự lúng túng của nhà văn bắt nguồn từ cách viết trung thành với cuộc đời thực của nguyên mẫu (từ nhỏ đến khi già) trái với những nguyên tắc của hư cấu nghệ thuật về một chuyện tình lãng mạn.

Nhân vật Vạn Trong cơn lốc xoáy là một nhân tố để tác giả thực hiện chủ đề vết thương sâu” trong lòng Jeannette, và bên cạnh còn những nhân tố khác là Henry, Lucien, Nagamoto, Trần Nhơn, Gasto, Cala, Theodor, dược sĩ Cao và ông Quý cùng với các đứa con của Jeannette.

Nhưng cũng phải thấy rằng, Jeannette có nhiều điều kiện để chọn lựa một cuộc đời hạnh phúc. Ngay từ tình yêu đầu tiên, nếu Jeannette lấy Henry Cô có thể trở thành một mệnh phụ giàu có, vợ một vị tướng quyền uy, sống trong yên bình hạnh phúc(I.tr.216), hoặc sau này khi sang Paris, Jeannette cũng có thể lấy De Marcelange và cả khi đã lớn tuổi, Jeannette cũng có thể đi chung con đường hạnh phúc với Merryl Clifford về Mỹ. (Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du không được quyền chọn lựa hạnh phúc).

Lý giải về cuộc đời Jeannette, tác giả vin vào “số phận”. “Jeannette như một cánh bèo trôi dạt theo dòng thời cuộc...”(I.tr.315). Bà Hai Antoine, mẹ ruột Jeannette cho rằng Jeannette “hồng nhan bạc phận” (II.tr.43). Tác giả bình luận: “Số phận đẩy họ xa nhau, quăng họ vào cơn lốc xoáy cuộc đời,…họ gặp lại nhau,... Một người đàn ông bị biến dạng sau 15 năm tù ở Côn Đảo. Một người đàn bà không còn vú, không còn tử cung. Họ chỉ còn nước mắt…” (II.tr.332). khi cô Hai Berth Minh, chị của ông Cao chết, Jeannette còn cảm nhận “sự vô thường của cuộc đời” (II.tr.392). Sự gắn ghép tư tưởng phương Đông vào tính cách một nhân vật phương Tây thực dụng như Jeannette Trong cơn lốc xoáy có chỗ còn “sượng”, phải chăng ngòi bút Trầm Hương chưa đủ “chín”để viết một tác phẩm tư tưởng? Điều này khác rất xa với Nguyễn Du khi ông xây dựng nhân vật Thúy Kiều thành một nhân vật tư tưởng chuyển tải thuyết “Tài mệnh tương đố”, sau đó Nguyễn Du dùng thuyết Thiên mệnh và chữ “Tâm” của Phật giáo để lý giải những bể dâu của kiếp người.

Nếu chỉ viết về cuộc đời “hồng nhan bạc phận” của Jeannette, thì cuốn tiểu thuyết có thể rút gọn được hàng trăm trang. Tuổi thơ của Jeannette và tuổi thơ của Vạn (30 chương đầu) chỉ cần viết gọn trong một chương. Những chương viết về Eveline. Chance, Lan, Măng,...gây ra đau khổ cho Jeannette cũng có thể rút gọn thành một chương. Cả những chương Vạn làm việc cho Việt Nam Stevedore, “biết tìm gái cho những ông chủ Mỹ, rồi lấy Hoa, một cô gái làm sở Mỹ bị lính Mỹ hiếp có thai, và việc hai đứa con Vạn bị sát hại cũng không cần thiết, vì chỉ làm hỏng giá trị nhân vật “người chiến sĩ cách mạng” của Vạn. Việc Jeannette gặp lại Vạn, sống “lén lút” với Vạn, dù chẳng còn gì cho nhau mà dẫn đến đổ vỡ, cũng làm tổn hại đến cuộc tình lý tưởng của hai người.

Cái thiếu nhất của tác phẩm là vắng bóng một tư tưởng có ý nghĩa triết học làm nền để Trong cơn lốc xoáy trở thành một tác phẩm lớn. Tại sao cuộc đời Jeannette lại diễn ra như vậy? Tác giả không lý giải được. Viết lại cuộc đời bà Jeannette, ngòi bút Trẩm Hương kể truyện một cách tự nhiên chủ nghĩa, vì thế tác giả không thể hư cấu thành một tác phẩm văn chương chứa đựng tư tưởng riêng của mình. Trong cơn lốc xoáy có những trang văn không thuyết phục là do sự mâu thuẫn giữa cách viết về người thật việc thật và ước muốn xây dựng một tác phẩm tư tưởng về thân phận người phụ nữ trong cơn dâu bể.

Điều này cũng gây ra những cảm nhận trái chiều trong “tầm đón đợi” của bạn đọc. Người Việt đã quen yêu mến những nhân vật có phẩm chất văn hóa Việt, nhưng Jeannette xa lạ với những truyền thống văn hóa ấy. Việc Jeannette chung đụng xác thịt với nhiều người đàn ông, yêu một người lại sống hai mặt với một người khác và nhiều lần dẫn con đi phá thai, Jeanette đã sống rất khác với văn hóa Việt, tôi nghĩ Jeannette khó chinh phục được thiện cảm của bạn đọc Việt! Nhân vật Vạn cũng xa lạ với kiểu nhân vật “người chiến sĩ cách mạng” đã quen trong Văn học cách mạng Việt Nam. Những cách xây dựng nhân vật như thế tuy có “mới” trong tiểu thuyệt Việt đương đại, song không khỏi gây ra những nghi ngại (tuy không nói ra). Nếu Trong cơn lốc xoáy là tác phẩm viết cho công chúng Pháp hoặc cho công chúng của văn chương thị trường thì không cần phải đặt ra bất cứ vấn đề lý luận nào.

Trong cơn lốc xoáy là tác phẩm tâm huyết viết trong 10 năm của tác giả, tôi nghĩ, bạn đọc cần hiểu mục đích viết của tác giả hơn là “kỳ vọng” về những gì mình mong muốn tác phẩm. Đó là “thông điệp về những vết thương sâu trong lòng của những con người trong cơn biến động của lịch sử.

Tôi chú ý đến chỗ độc đáo này của ngòi bút Trầm Hương. Đó là tác giả trình bày một hiện thực với những góc nhìn trái ngược nhau (bút pháp hiện thực), cùng với những nhân vật có cá tính không giống với đời thường (bút pháp lãng mạn). Cách viết này tạo ra sự hấp dẫn, và gợi được nhiều vấn đề để người đọc suy gẫm. Trong tác phẩm, ngòi bút của tác giả nghiêng về phía “truyền thống” (ngợi ca cách mạng, ngợi ca tình yêu thủy chung, ngợi ca tự do…) thì nhân vật lại làm ngược lại. Giữa những điều trái ngược, người đọc phải tự mình chọn lựa một thái độ tiếp cận tác phẩm.

 Chẳng hạn, tác phẩm văn học “truyền thống” luôn ca ngợi cách mạng và kháng chiến thì Jeannette lại cho rằng: “Cách mạng là gì? Kháng chiến là gì?Tại sao lại khắc nghiệt với chúng ta như vậy?”(I.tr.455).Trong khi tác giả khẳng định Vạn là chiến sĩ cách mạng trung kiên thì Quý, chồng Jeannette đã nhận xét: “Ông Vạn đã lợi dụng cách mạng để làm nhiều việc mà nếu là một người cách mạng chân chính không thể làm được (II.tr.381). Nhân vật Jeannette tập trung nhiều đánh giá trái ngược nhau gay gắt.

 Đọc Trong cơn lốc xoáy, tôi thấy thấp thoáng cách viết của V. Hugo. Trong Những người khốn khổ (Les Misérables), V. Hugo viết về  những con người khốn khổ trên nền của cách mạng Pháp với một tư tưởng nhân văn sâu sắc. Trầm Hương cũng khai thác những vết thương sâu trong lòng của những con người trong cơn biến động của lịch sử Việt Nam (rất tiếc, cách viết còn bị giới hạn). Dù sao, việc tác giả giữ được cảm xúc của ngòi bút trong 10 năm để viết 1024 trang truyện đã là một nỗ lực đáng khâm phục và trân trọng. Sự hấp dẫn của tác phẩm đối với bạn đọc là sự thành công của tài năng và tâm huyết. Và “những vấn đề” mà Trong cơn lốc xoáy đặt ra sẽ còn gợi ra được nhiều điều cho các nhà phê bình văn học trong tương lai.

 

Tháng 7/ 2019

__________________

[1] vanchuongphuongnam

[2] Ngọc Bích.

       https://voh.com.vn/van-hoa-giai-tri/10-nam-cho-bo-tieu-thuyet-trong-con-loc-xoay-203352.html

 

 

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-7-19