NGƯỜI VIệT
Chuyện ruồi
bu: Biến ‘trường đại học’ thành ‘đại học!’
Hiếu Chân/Người Việt
Công luận trong
nước mấy hôm nay ồn ào vì một chuyện hết sức ruồi bu: Trường đại học
Bách Khoa Hà Nội bỗng dưng trở thành “Đại Học Bách Khoa Hà Nội” – rơi
mất chữ “trường.” Không phải do “lỗi của thằng đánh máy” như cách xưa
nay các quan chức chính phủ vẫn đổ lỗi cho những sai lầm ngớ ngẩn
trong các quy định hành chính, mà việc đổi từ “trường đại học” sang “đại
học” là theo quyết định số 1512/ QĐ-TTg do Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam ký
ban hành ngày 2 Tháng Mười Hai.
Trên mạng xã hội
lập tức bùng lên một làn sóng thắc mắc, cả chê bai và chế giễu vì ý
nghĩa nhập nhằng giữa từ “đại học” và “trường đại học.” Lẽ nào đại học
không phải là “trường” và ngược lại?
Sao lại mất “trường?”
Trên mạng Facebook,
Đào Tuấn, một phóng viên của báo Lao Động, cười cợt: “Vậy là Đại Học
Bách Khoa vẫn là trường Đại Học Bách Khoa, nhưng không phải là trường
Đại Học Bách Khoa… Vì thế Đại Học Bách Khoa vẫn là Bách Khoa cũ, nhưng
không phải là trường Đại Học Bách Khoa cũ dù vẫn đào tạo đại học bách
khoa như cũ… Các cụ hiểu chửa?! Nếu vẫn chưa hiểu thì đại khái là trường
đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học. Bằng tốt nghiệp
trường đại học không phải là tốt nghiệp đại học nhưng vẫn là tốt nghiệp
đại học…”
Dân chúng xôn xao
tới mức ngày 5 Tháng Mười Hai, ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ Giáo
Dục và Đào Tạo, phải lên báo chí nhà nước giải thích: “Trường đại học
đào tạo đa ngành, thuộc một hoặc vài lĩnh vực, còn đại học đào tạo nhiều
lĩnh vực, có nhiều trường trực thuộc” (!) Ông Sơn còn cẩn thận nói rằng,
phân biệt “đại học” và “trường đại học” như thế là theo Luật Giáo Dục
Đại Học năm 2018!
À hóa ra, “đại học”
hay “trường đại học” chỉ khác nhau về quy mô, “đại học” thì chứa trong
nó nhiều “trường đại học.” Quả thật là một sáng tạo ngôn ngữ của những
đỉnh cao trí tuệ, xứng đáng được trao giải “Ig Nobel” dành cho những
phát minh quái đản.
Nhưng chuyện một cơ
sở đào tạo đại học lớn, có nhiều cơ sở nhỏ hơn hợp thành là chuyện xưa
như trái đất. Trên thế giới người ta có “University,” có các trường hợp
thành là các “School/Faculty/College.” Ở miền Nam trước đây có danh từ
“viện đại học” để chỉ các cơ sở lớn đó, còn các cơ sở thành viên thì gọi
là “trường” hoặc “khoa.” Rất đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với thông lệ
quốc tế về tổ chức giáo dục.
Ngày xưa tôi học
trường Đại Học Sư Phạm thuộc Viện Đại Học Huế (University of Hue), trụ
sở trên đường Lê Lợi bên bờ sông Hương. Đứng đầu là Giáo Sư Lê Thanh
Minh Châu, là viện trưởng, tiếng Anh gọi là “Rector.” Phụ trách trường
Đại Học Sư Phạm (School of Pedagogy) là Giáo Sư Nguyễn Đức Kiên, chức vụ
khoa trưởng, tiếng Anh là “Dean.” Trường Đại Học Sư Phạm có nhiều ban
(Department), do các trưởng ban (Head of Department) phụ trách. Viện Đại
Học Huế do cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập năm 1957,
thuộc hàng sinh sau đẻ muộn ở miền Nam nên mô hình phỏng theo Viện Đại
Học Sài Gòn đàn anh.
Sau năm 1975 thì
danh từ “viện đại học” biến mất trong hệ thống giáo dục của nước Việt
Nam Cộng Sản, thay bằng danh từ “trường đại học” kiểu cá đối bằng đầu
nói trên và bây giờ lại bày trò phân biệt “trường đại học” với “đại
học!”
Tránh xa cái hay, lao vào cái sai cái xấu
Một trong những lý
do dẫn tới sự thay đổi ngớ ngẩn đó là do quan niệm “tránh xa” tất cả
những gì thuộc về nền giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Giáo sư đổi
thành giáo viên, trung học đổi thành phổ thông, tiểu học thành cấp Một,
trung học thành cấp Hai, cấp Ba, sinh viên thành học sinh đại học, “viện
đại học” thành “trường đại học” và cả cách sắp xếp các cấp học cũng thay
đổi.
Trước năm 1975 ở
miền Nam Việt Nam, tiểu học là một bậc học riêng biệt từ lớp Một đến lớp
Năm; trung học là một bậc học riêng chia thành hai cấp: trung học đệ
nhất cấp từ lớp Sáu đến lớp Chín, không phân ban và trung học đệ nhị cấp
từ lớp Mười đến lớp Mười Hai, học sinh được phân ban A,B,C. Trung học,
cả đệ nhất và đệ nhị cấp, là một bậc học, học chung một mái trường gọi
là trường trung học, phân biệt với trường tiểu học và trường đại học.
Sau ngày 30 Tháng
Tư, 1975 người ta ghép tiểu học với trung học đệ nhất cấp thành trường
“phổ thông cơ sở” và tách trung học đệ nhị cấp thành trường “phổ thông
trung học.” Thật là một sự thay đổi quái dị. Tiểu học và trung học được
tổ chức thành hai bậc học riêng là do đặc thù của mỗi bậc: Tâm sinh lý
của học sinh tiểu học khác với trung học, nhiệm vụ đào tạo của bậc tiểu
học cũng khác. Ở tiểu học một thầy/cô giáo dạy tất cả các môn trong khi
ở trung học mỗi thầy/cô chỉ đảm nhiệm một môn. Một thầy dạy toán lớp 11
[đệ nhị cấp] chẳng hạn, có thể dạy thay cho một đồng nghiệp dạy toán lớp
9 [đệ nhất cấp] khi cần thiết, nhưng một thầy dạy lớp 9 không thể xuống
dạy tiểu học và ngược lại. Ghép tiểu học với trung học thành trường “phổ
thông cơ sở” là một chủ trương hết sức phản khoa học của ngành giáo dục
xã hội chủ nghĩa mà vẫn được kéo dài tới bây giờ!
Nỗi ám ảnh phải
tránh xa nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa khiến các đỉnh cao trí tuệ ở Hà
Nội phải phù phép ngôn từ, nhưng càng thay đổi càng rơi vào sai lầm,
thụt lùi và ngớ ngẩn. Bây giờ thì ngay cả những người trí thức lương
thiện ở Hà Nội như ông Vương Trí Nhàn cũng phải thừa nhận rằng nền giáo
dục miền Nam Việt Nam 1954-1975 thật sự là nền giáo dục “dân tộc, nhân
bản, và khai phóng,” bắt kịp xu thế tiến bộ của nhân loại và tốt hơn rất
nhiều so với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của miền Bắc cả trong sự
nghiệp gầy dựng con người và chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát
triển kinh tế-xã hội, hội nhập với thế giới văn minh.
Nền giáo dục đó vẫn
ám ảnh các quan chức của đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền, họ phải tìm
cách nói khác đi, làm khác đi so với thời “Mỹ-Ngụy”(!). Nhưng khốn nỗi,
tránh xa cái hay cái đúng cái tiến bộ thì chỉ có chui đầu vào cái sai,
cái xấu, cái phản động, không còn đường nào khác mà câu chuyện “đại học”
khác với “trường đại học” chỉ là một ví dụ.
Chuyện thay tên
“trường đại học” bằng “đại học” chỉ là chuyện nhỏ nhưng nó cho thấy cái
não trạng của cả một guồng máy cai trị. Chỉ vì ôm mối hận những người
anh em trong một thể chế dân chủ tự do đã không còn tồn tại gần nửa thế
kỷ qua mà cộng sản sẵn sàng nghĩ ra những trò mà người có đầu óc bình
thường không tưởng tượng được.
Nói cho cùng, nếu
như chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn đứng vững đến hôm nay thì nền giáo dục
của miền Nam cũng cần được thay đổi, bổ sung những thành tựu mới của
khoa học giáo dục thế giới như phát triển đại học cộng đồng gắn với thực
tế địa phương nơi nhà trường hoạt động, mở trường “liberal arts” không
chỉ dạy kiến thức và nghề nghiệp mà rèn luyện tư duy, năng lực suy luận
và giải quyết vấn đề…
Lịch sử không có
chữ “nếu” và thật bất hạnh cho đất nước, dân tộc đang trong hoàn cảnh
thập phần nguy hiểm do những kẻ vô học, đầu óc ngu độn mà tham quyền cố
vị, chỉ biết vơ vét cho đầy túi mà lại đang nắm toàn bộ đầu não quốc gia
suốt mấy chục năm qua. [đ.d.]
|