"VĂN HỌC" ĐÃ CHẾT Đặng Thân
Thực tại những thập niên qua đã phản ánh vô cùng rõ, rằng là, cái gọi là
VĂN HỌC như chúng ta hằng tâm niệm, đã chết.
Xin nói ngay nó chết
bởi bị cắt tiết. Thần Chết vung ra không chỉ một mà hai lưỡi hái song
kiếm hợp bích: Facebook và Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Facebook (cùng các mạng
xã hội) đã triệt hạ hết “thời gian nhàn rỗi” của hầu hết những người
biết chữ, và toàn bộ lực lượng lao động chính. “The Facebook Empire” đã
làm cho toàn bộ thần dân của nó quay cuồng trong News Feed và “Like” với
đủ thứ đa phần lăng nhăng lít nhít, giải trí tầm phào, ba hoa xít tốc
(đủ kiểu đau đẻ, ngứa ghẻ với hờn ghen). Đế chế này hiện đang cầm tù
chừng 2 tỷ người, trong đó có 35 triệu người Việt, và đó cũng là lực
lượng có “hàm lượng trí thức” dồi dào nhất. Phần lớn mọi công dân trong
đế chế này hầu như
không bao giờ đọc sách văn học xịn, có chăng là chỉ đọc thứ “thơ” và
“tiểu phẩm” nhảm nhí, tào lao bí đao. Cái gọi là “văn học Facebook” phải
là những văn bản dễ hiểu, dễ nuốt, chửi ầm lên, thường dài không quá 500
từ.
Một lần, tôi hỏi anh bạn người Ireland, lý do nào mà đất nước ông có hơn
4 triệu dân mà sinh ra đến 5 Nobel văn học. Anh ta trả lời, chắc tại
Ireland mưa nhiều quanh năm, mọi người phải ngồi trong nhà nên đọc sách
nhiều. Ồ, vậy là do trước đây chưa có Internet, chứ bây giờ thì e rằng ở
đó có mưa nhiều đến mấy thì văn học nhẽ vẫn lệt bệt như... ai. Xưa kia,
văn chương phát đạt, cầu kỳ, phong nhiêu, cũng nhờ ít thông tin, nay do
Internet gây “khủng hoảng thừa thông tin” nên ắt người ta không “văn”
kiểu ấy được nữa.
Viện Hàn lâm Thụy Điển thì đã làm gì? Từ khi sang thiên niên kỷ mới họ
không còn trao Nobel văn học cho những nhà văn xịn và những tác phẩm văn
học hư cấu đỉnh cao (theo tiêu chí của giới văn chương “thượng thặng”).
Đã lâu, văn giới khắp nơi thường chờ họ liếc mắt tới những là Philip
Roth, Haruki Murakami, Milan Kundera, Thomas Pynchon, Ko Un, Javier
Marías, Umberto Eco (vừa chết), Don DeLillo… Nhưng không, họ chả hạp với
tâm tính Bắc Âu. Không phải là ý chính bài này, nhưng trong những chủ
nhân Nobel vừa mới được trao ít năm ngay trong thế kỷ này thôi thì không
biết bạn có còn nhớ tên họ hay cuốn sách nào của họ, như là Elfriede
Jalinek, Harold Pinter, Jean-Marie Gustave Le Clézio, Herta Müller… chứ
chưa thèm nói đến thế kỷ trước (Có điều nghe chừng khốn nạn, ấy là
trường hợp khi trao Nobel 2014 cho Patrick Modiano, Thư ký Thường trực
Viện Hàn lâm Thụy Điển lúc đó là Peter Englund nhận định: “Patrick
Modiano có thể được coi là Marcel Proust của thời đại chúng ta.” Chà,
Marcel Proust chính là “kẻ kinh tởm” mà Thụy Điển trước đây cương quyết
không trao Nobel!!) Và gần đây, bằng việc trao giải cho một nhà báo
(Svetlana Alexandrovna Alexievich) vào năm 2015, và một ca-nhạc sỹ
(Bob Dylan) vào năm 2016, ý đồ khai tử văn học của họ dường như
đã trở nên lộ liễu. Có người đùa rằng, đó là những giải Nobel “vắn học”.
Rất có thể, sắp tới “giải Nobel văn học” sẽ được trao cho bất cứ tác giả
nào sản sinh ra những gì có “tính thơ”: nhà thiết kế thời trang, nghệ sỹ
thị giác, nhà hoạt động môi trường… Phải chăng, văn học đã từ “kinh
điển” chuyển sang “kinh
hãi”?
Một số thực trạng
[khác]
Cũng trong văn học, thì không chỉ Nobel, giải Pulitzer cho tác phẩm hư
cấu năm 2016 trao cho Viet Thanh Nguyen với The Sympathizer cũng
được nhiều người coi “chỉ là” thứ docu-fiction, kiểu tiểu thuyết trinh
thám tư liệu. Các độc giả văn học “trí tuệ” đều kêu không nuốt nổi loại
văn học này. Họ không thích vì không tìm thấy triết lý hay ho hoặc áng
văn kiệt xuất nào cả. Họ có bảo thủ quá không?
Trong giới tinh hoa chóp bu thì hồi cuối thế kỷ trước Tổng thống Mỹ
Clinton còn khoe đọc 4-5 tác phẩm văn học xịn (thường là tiểu thuyết)
trong một tháng; sang thế kỷ mới Bush con không hề khai ra có đọc văn
học hay không; Obama thì có đọc nhưng không biết mấy cuốn một tháng; còn
bây giờ thì Trump nói thẳng đó là thứ vô bổ, thời gian đâu mà quan tâm,
he he ngài cũng là active member của mạng xã hội, và là đại diện cho
trào lưu “văn hóa đọc vắn học” hiện nay.
Còn trong “bình diện văn hóa quốc gia” thì Singapore hiện nay đã loại bỏ
hoàn toàn văn học hư cấu ra khỏi nhà trường và xã hội. Một điểm 10 tuyệt
vời trendy! Những quốc gia và miền đất có thái độ rõ ràng như Singapore
không hề ít. Còn Hong Kong, thì đã được những người “văn hóa cao” coi là
xứ culture-free từ lâu.
Nếu tâm tình xã hội đương đại và Viện Hàn lâm Thụy Điển thực sự nhậy
cảm, và là “cánh chim báo bão” ngửi ra xu thế mới cho văn chương, thì ta
cũng cứ cầu mong cho một nền văn học “cầu kỳ, cao xa” đã từng lừng lẫy
kia hãy chết đi. Chắc chắn rằng “văn học đỉnh cao” như người ta vẫn
thường quan niệm xưa nay đã chết thật rồi.
Quả thực, văn hóa, văn học và tư tưởng luôn thay đổi và tương tác xoáy
xoắn chóng mặt, trong hiện tồn biến động không ngừng. Thế nhưng “quân
ta” thì vẫn như thời ở hang Cốc Bó. Chẳng hạn, một câu thơ mà đến BÂY
GIỜ nhiều người “ở ta” còn khen hay như “Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa
mình sang thu” thì quái lạ thật. Nghe xong cứ thấy nó sến sẩm, hũ
nút, làm dáng, vô nghĩa, vô sinh. Câu này chỉ có thể chấp nhận là kha
khá nếu được làm trước năm 1945, kha khá thôi, chứ lúc đó mà đặt cạnh
đám Cận-Tử giáng thế kia thì đã đủ “tự sát” rồi. Sang những năm 1950 thì
người ta đã phải viết khác, kiểu như “Đám mây mùa hạ ấy / Chuyển lửa
tới mùa thu”. Những năm 1960 thì phải là: “Đang mùa hạ nắng lửa /
Mây lừa ta mùa thu”. Những năm 1970, người ta phải viết: “Mùa hạ
rừng rực lửa / Chia chác để mà thu”. Vậy những năm 1980, thì là:
“Đám mây trần mùa hạ / Vắt cửa mình sang thu”. Những năm 1990:
“Mây / Mưa / Gáo dừa / Thủng / Lá khoai môn mùa hạ / Có che / Kín / Hậu
môn mùa thu”. Thế thôi, chứ mấy chữ ấy thì không có visa sang chơi
thiên niên kỷ thứ ba. Hà cớ gì câu thơ vớ vỉn ấy lại còn sống đến hôm
nay nhỉ?? Với những bè lũ không chịu chui ra khỏi hang [Cốc/Pắc Bó], dẫu
họ có đông nghìn nghịt, xin đừng nói chuyện văn thơ gì với họ, huống chi
là chuyện XU HƯỚNG MỚI.
Nhưng xu hướng mới sẽ
là gì?
Thông qua phân tích trên đây và nhìn thực trạng các ngành nghệ thuật,
chúng ta có thể thấy rằng trong hội họa hiện nay người ta ưa dùng mixed
media, âm nhạc hiện đại cũng thích các loại mixed sound. Cho nên, TREND
mới thống đoạt thiên hạ trong văn chương cũng dường như là MIX, tuy
nhiên, là phải vào tay “DJ” siêu đẳng, thì cái “mớ” ấy mới “ra chất”
được. “Người đọc” nhẽ sẽ quan tâm, nhao vào với những tác phẩm pha trộn
đủ thứ với nhau trong một văn bản cũng như diễn ngôn, trên giấy cũng như
trên mạng, theo công thức kiểu như: văn xuôi + văn vần + thời sự + báo
chí + triết + đạo + thiêng + tục + ba trời + ba xu + âm thanh + thị giác
+ bác học + bình dân + ly kỳ + tối giản + cao siêu + phàm phu + ảo diệu
+ thô lỗ + phi thực... Điều quan trọng, các tác phẩm đó, dù có thể gọi
là SIÊU VĂN HỌC hay PHI VĂN HỌC gì chăng nữa, thì cũng vừa mang trong
mình các đặc tính hiện đại và hậu hiện đại, vừa vượt qua tất cả, và nó
THẲNG hơn rất nhiều (“Xọc vào đúng tim đen của Thượng Đế”). Nhưng hãy
nhớ, thời này không còn cái quan niệm cách nay hai thế kỷ của Beethoven
“a great poet is the most precious jewel of a nation” nữa.
[17/6/17]
|