Viết văn bằng ngôn ngữ thứ hai

Tiểu luận

Hồ Anh Thái

 

Người viết văn giỏi ngoại ngữ đôi khi được hỏi rằng họ có viết văn bằng ngoại ngữ hay không?

Thường có ít nhất hai câu trả lời. Phần nhiều trả lời là không. Một ít người đáp rằng có.

1. Người ta chỉ có thể viết văn bằng tiếng mẹ đẻ. Đấy là câu trả lời của những người khẳng định rằng họ không viết văn bằng ngoại ngữ. Văn chương vốn nối liền với dân tộc bằng một cuống rốn. Sinh ra ở ngôn ngữ nào thì chỉ có thể viết văn bằng ngôn ngữ ấy. Người ta không viết bằng chữ mà viết bằng tâm hồn dân tộc mình, viết bằng văn hóa dân tộc mình. Toàn bộ lịch sử, địa lý, chủng tộc… đã hợp sức để mượn tay nhà văn mà viết ra. Thần bí hóa thì bảo là thần thánh trên trời mượn tay nhà văn mà viết ra. Người ta không viết ra chữ, mà viết ra hồn cốt tâm linh văn hóa của dân tộc mình. Tuyệt đối hóa thì coi tiếng mẹ đẻ là công cụ duy nhất của nhà văn. Đã là ngôn ngữ thứ hai thì dù có giỏi giang đến thế nào, dù có học và thực hành đến hết đời, cũng không bao giờ sử dụng được như ngôn ngữ thứ nhất.

Tôi biết một số bạn trẻ giỏi ngoại ngữ từng có lúc viết truyện ngắn và làm thơ bằng tiếng Anh. Cảm tưởng thực sự là đang đọc những bài tập làm văn học trò. Một thứ tiếng Anh khô khan, cứng nhắc, thiếu hình ảnh, thiếu âm thanh, thiếu sắc độ mờ ảo. Một thứ nỗ lực của học trò theo những khuôn mẫu trong nhà trường. Văn ấy thiếu sự bay bổng tung tẩy của ngôn ngữ thuần thục thiện nghệ, văn ấy không hề đem lại khoái cảm ngôn ngữ cho người đọc. Trái lại, nó gây mệt mỏi và gây thương hại. Có cái gì đó giống như nghe ca sĩ Bắc hát giọng Nam và ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Lại cũng có phần như nghe ca sĩ hát giọng giả, một cái giọng nữ cao lại cố làm thành giọng trầm cho thời thượng. Mấy bạn viết văn tiếng Anh ấy về sau cũng tự biết, bằng cớ là văn của họ không có người đọc và họ đã bỏ viết bằng tiếng Anh.

2. Trong số những nhà văn giỏi ngoại ngữ, những người không thể viết văn bằng ngoại ngữ chiếm đến 90%, tôi cho là thế. Nhưng trong 10% viết bằng ngoại ngữ thì thành công không nhỏ.

Milan Kundera từ năm 1975 sang định cư ở Pháp, đã thôi viết bằng tiếng Séc mẹ đẻ mà chuyển sang viết tiếng Pháp. Thành tựu tác phẩm tiếng Séc của ông đã đủ gây được sự chú ý đặc biệt trên thế giới. Nhưng những tác phẩm quan trọng ở giai đoạn sau của ông đều bằng tiếng Pháp. Dù vẫn có người cho rằng việc viết tiếng Pháp đã kìm giữ tài năng của Kundera ở mức độ nhất định, thì vẫn phải thấy rằng những tiểu thuyết, đặc biệt là những tập tiểu luận bằng tiếng Pháp của ông vẫn là hiện tượng được giới văn chương chờ đón.

Cao Hành Kiện sang Pháp muộn hơn, đến năm 1998 mới được cấp quyền công dân Pháp, và cũng chuyển từ tiếng Trung sang viết bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp của ông nghe đâu để viết kịch là chính, và kịch là mảng quan trọng của nhà văn này. Kundera chủ yếu dùng tiếng Pháp để viết tiểu luận, Cao Hành Kiện chủ yếu dùng tiếng Pháp để viết kịch. Liệu có phải khi dùng đến ngôn ngữ thứ hai, không phải là tiếng mẹ đẻ, hai ông lớn văn chương dường như cũng hơi né tránh tiểu thuyết và truyện ngắn, những thứ chủ yếu phải “viết bằng tâm hồn”?

 Nhiều nhà văn người Trung Quốc sang Pháp sang Mỹ đã thành công khi chuyển sang viết bằng ngôn ngữ thứ hai. Sơn Táp (Thiếu nữ đánh cờ vây, Đàn cổ cầm khỏa thân) và Đới Tư Kiệt (Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa) đều viết bằng tiếng Pháp. Cáp Kim viết bằng tiếng Anh và tiểu thuyết Đợi chờ gây xôn xao văn đàn nước Mỹ. Trường hợp Cáp Kim thật đặc biệt, sau khi đi làm nghĩa vụ quân sự ở Trung Quốc, ông mới học tiếng Anh rồi sau đó di cư sang Mỹ. Người ta chỉ có thể thuần thục ngôn ngữ thứ hai đến mức dùng nó viết văn nếu như học thứ tiếng ấy trước mười tuổi. Điều này dường như không đúng với các trường hợp vừa kể, lại càng không đúng với Cáp Kim, người học tiếng Anh khi đã nhiều tuổi, lại sau khi đã mòn mỏi ở quân ngũ. Tuổi ấy dùng ngoại ngữ để giao tiếp xã hội đã khó, viết văn là chuyện càng khó mơ.

Cánh nhà văn gốc Trung Quốc viết bằng ngoại ngữ có sức hấp dẫn riêng mà nhà văn bản địa Âu - Mỹ không có: đấy là cái hồn Tàu trong xác Tây. Họ cũng có cái hấp dẫn riêng mà nhà văn Trung Quốc ở trong nước khó có: đấy là phương pháp tiểu thuyết hiện đại theo kiểu phương Tây. Cùng một nội dung ấy, nhà văn ở Trung Hoa lục địa có thể viết một nghìn trang thì nhà văn gốc Hoa chỉ viết vài ba trăm trang. Lối văn của tiểu thuyết chương hồi dông dài miêu tả phong vũ giang san bị loại bỏ. Dùng ngoại ngữ để viết, nhà văn không thể miêu tả tỉ mỉ mây bay gió cuốn, không miêu tả chi li trạng thái tâm lý, mà tâm lý được diễn tả qua hành vi qua biến cố. Tất cả đã được nén lại. Kiệm lời. Cái nén và cái kiệm tạo ra nét độc đáo cho tác phẩm của họ.

Nhưng để chứng minh cho việc có thể dùng ngôn ngữ thứ hai mà viết văn thành công, bằng chứng hùng hồn hơn cả phải là dòng văn học viết tiếng Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ. Salman Rushdie có một sự nghiệp tiểu thuyết đồ sộ, đặc biệt là Những đứa con của nửa đêm. Arundhati Roy với Ông trùm chuyện vặt (bản tiếng Việt là Chúa trời của những điều vụn vặt). Kiran Desai với Di sản của mất mát. R. K. Narayan với The Financial Expert, The Guide. Amitav Gosh với The Shadow Lines, River of Smoke. Vikram Seth với A Suitable Boy. Jhumpa Lahiri với Người dịch bệnh… Như đã kể trong một bài viết khác, những tác phẩm mới của họ được người đọc Âu - Mỹ đón chờ, có người trở thành ứng cử viên nhiều năm của giải Nobel văn học, nhiều người đoạt giải thưởng lớn như Booker của khối những nước nói tiếng Anh, như giải sách quốc gia Mỹ, giải Pulitzer… Người ta thú vị với dòng văn chương gốc Ấn khi được thưởng thức một thứ tiếng Anh rất mới mẻ, đầy sinh sắc và độc đáo. Nói cách khác, các nhà văn gốc Ấn đã làm mới cho tiếng Anh, nhuận sắc cho nó, vào lúc nhiều nhà ngôn ngữ Anh - Mỹ cho rằng tiếng Anh đã trở nên xơ cứng và suy giảm khả năng biểu cảm.

Sử dụng ngôn ngữ là một thứ tài năng. Vậy nói cho đến tận cùng: không dùng được ngôn ngữ thứ hai để viết văn thì nguyên nhân lớn nhất là chưa đủ tài để làm chủ ngôn ngữ ấy. Các nhà văn giỏi ngoại ngữ nhiều người thực sự có tài văn chương, nhưng cái tài ngoại ngữ của họ thì chưa đủ độ để viết văn. Không hề gì. Nhà văn trước hết hẵng viết bằng tiếng mẹ đẻ, đó là đóng góp lớn nhất và phù hợp nhất của anh ta. Nhà văn trước hết thuộc về dân tộc mình, đi đến tận cùng dân tộc, anh ta sẽ ra được với thế giới.

Có người bảo: đất nước nào có nhà văn ấy. Hàm ý nhà văn chỉ được thấu hiểu hơn cả, được chia sẻ hơn cả, được ưa thích hơn cả ở trên chính đất nước mình. Người hiểu anh ta nhất là dân tộc mình. Hầu như thế.

Nhưng cũng có trường hợp nhà văn hình như phải là đứa con ghẻ của dân tộc mình. Nhà văn khi ấy phải là người chỉ ra được thói xấu của dân tộc mình, như Dostoyevsky, như Lỗ Tấn, như Elfriede Jelinek... Nhà văn khi ấy cũng phải nổi loạn, không hài lòng với dân tộc mình mà tìm cách phá bỏ cái cũ và tạo dựng cái mới. Nhưng đấy là một trường hợp khác, và sẽ được bàn ở một dịp khác.

 

Văn nghệ quân đội, cuối tháng 4-2019