Nobel văn chương – bí mật và lời nguyền
Hồ Anh Thái
Không
nhầm, chỉ bỏ sót
Xung quanh giải Nobel văn chương hằng năm vẫn có những tiếng chê, có khi
chê gay gắt, rằng người được trao giải không xứng đáng. Bất kể điều đó,
thì ta vẫn thấy rằng giải Nobel không hề trao nhầm người.
Không hề trao nhầm. Chỉ có điều nó bỏ sót. Nobel trao giải cho 1 người,
cùng lúc bỏ sót 19 người.
Con số 1 và 19 có cái lý của nó. Trong số hàng trăm đề cử gửi đến,
khoảng tháng tư hằng năm, người ta sơ khảo và chọn ra 20 đề cử, đến
tháng năm vòng chung khảo chốt lại còn 5 đề cử, tháng mười bỏ phiếu lần
cuối cùng. Nói cho công bằng, 20 người của vòng sơ khảo là những nhà văn
nhà thơ kiệt xuất, hoàn toàn xứng đáng được trao giải. Nhưng quy chế
giải thưởng mỗi năm chỉ trao một giải mà thôi.
Và như vậy năm nào giải Nobel cũng bỏ sót 19 người. Các nhà văn bị bỏ
sót này dồn góp lại qua nhiều năm, có người vài ba chục năm nay thường
xuyên ở trong danh sách chung khảo nhưng vẫn trượt, thành ra danh sách
“tồn kho” phải có đến 50 người.
Do đó ta biết rằng trên thế giới hiện tại phải lưu cữu khoảng 50 nhà văn
danh giá, xứng đáng được giải. Chưa kể hằng năm các đề cử vẫn tiếp tục
được gửi đến bổ sung.
Các nhà văn thuộc diện trong danh sách chờ qua
nhiều năm, ta thấy có Milan Kundera (người Pháp gốc Czech), Salman
Rushdie (người Anh gốc Ấn Độ), Joyce Carol Oates (Mỹ), Philip Roth (Mỹ),
Margaret Atwood (Canada), Annie Ernaux (Pháp),
Ngũgĩ wa
Thiong'o (Kenya), Ismail Kadare
(Albania), Javier Marias (Tây Ban Nha), Amos Oz (Israel), Claudio Magris
(Italy), Adonis (Syria),
Chinua
Achebe (Nigeria), Haruki Murakami (Nhật Bản)…
Ngược về quá khứ, giải Nobel đã bỏ sót nhiều
lắm. Ngay năm đầu tiên trao giải là 1901, người ta bỏ sót Leo Tolstoy,
con sư tử của văn chương thế giới. Nhà thơ Pháp
Sully
Prudhomme được trao giải năm ấy bị chê
bai dữ dội, thực ra là oan, ông là nạn nhân của vụ giận cá chém thớt mà
thôi.
Nobel văn chương chỉ trao
cho người đang sống, cho nên nhiều người được đề cử qua nhiều năm nhưng
rốt cuộc họ đã qua đời trước khi tin vui đến. Viện Hàn lâm Thụy Điển
từng không kịp trao cho những người xứng đáng như
Henrik
Ibsen, Émile Zola,
Mark
Twain,
James Joyce,
Graham
Greene, Vladimir Nabokov, Arthur
Miller,
John Updike…
Gabriel
García Márquez
đã viết bài tiểu luận về
“lời nguyền Nobel”: không chỉ có những người chờ giải Nobel đến chết mà
ngay cả những người được Nobel thì nhận được giải là chết. Ông thống kê
ra mấy chục nhà văn nhận giải Nobel xong, vài năm sau thì chết. Và
Márquez
đùa rằng chính ông khi nhận được giải Nobel cũng run lắm. Nhưng
Márquez đoạt giải Nobel năm
1982 mà 32 năm sau ông mới qua đời, thọ 87 tuổi, tức là lời nguyền không
chạm vào ông.
Rất nhiều nuối tiếc vì bỏ sót, nhưng giải thưởng không hề bị trao nhầm
người, ngay cả khi đó là Dario Fo, vốn nổi bật ở tư cách nghệ sĩ biểu
diễn, hoặc Bob Dylan, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ, mà lời ca là những vần thơ
làm xao xuyến bao người.
Cũng vì tiếc nuối mà nhiều khi người ta nặng lời phê phán Ủy ban Nobel
trao giải vì lý do chính trị, hoặc thiên vị vùng miền. Nhưng nói cho
cùng, lý do chính trị là phê chỉ để mà phê, người phê vẫn khó phủ nhận
chất lượng tác phẩm của những người được giải. Còn vùng miền thì phần
lớn người được giải là ở châu Âu, đặc biệt Thụy Điển được những 8 giải,
trong khi toàn châu Á chỉ được 7 giải, Mỹ Latinh cũng chỉ được 7 giải mà
thôi.
Để xua bớt cảm tưởng tiếc nuối thậm chí là giận dữ với Ủy ban Nobel, xin
kể một chuyện hài. Trong quy chế giải có ghi rõ giải thưởng được trao
cho những cá nhân nổi bật trong lĩnh vực của mình (outstanding in his
field). Outstanding là kiệt xuất, nổi bật, xuất chúng, nhưng nghĩa đen
của out-standing là đứng ra bên ngoài – đúng thôi, người nổi trội là
người “đứng ra bên ngoài” bất cứ một đám đông nào. Còn field là lĩnh
vực, nhưng nghĩa phổ biến của nó là cánh đồng. Thế mới ra chuyện một
người nông dân cứ đứng nhìn cánh đồng của mình, ngày nào cũng ra đồng
chỉ đứng và nhìn. Hỏi tại sao ông cứ đứng mãi như thế mà không chịu ngồi
nghỉ, ông ta trả lời: Vì tôi đang chờ giải Nobel. Một ông nông dân thì
trông chờ gì giải Nobel? Ông ta giải thích: Vì có quy định là giải Nobel
được trao cho người nào “đứng ở bên ngoài cánh đồng của mình”.
"Outstanding in his field", đúng quá, vậy thì ông cứ đứng đấy mà chờ
giải Nobel cho mình.
Có nhiều người không chờ được, đã ra đi trước khi được giải. Vì quy chế
giải chỉ trao cho những tác giả còn sống. Như Milan Kundera, sinh năm
1930, giờ đã chín mươi hai tuổi, được đề cử suốt ba chục năm nay, nếu
không được trao giải thì đáng tiếc cho ông và cho người hâm mộ ông.
Giải Nobel còn quy định trao cho toàn bộ sự nghiệp của một tác giả,
không phải riêng cho một tác phẩm nào. Sự lên tay hoặc sa sút chất lượng
trong tiến trình sự nghiệp của tác giả được ghi nhận để “tính điểm”. Có
những tác giả đã được đề cử mấy năm trước, nhưng tác phẩm mới ra đời của
ông ta bị đánh giá là xuống tay thì Ủy ban sẽ tạm gác lại.
Ở một số nước, vẫn có chuyện một tác phẩm nọ vừa ra đời, người đọc trong
nước trầm trồ và đồn đại rằng nó đang được xét giải Nobel. Yêu mến thì
cứ đồn đoán, nhưng không có căn cứ, vì Nobel không xét riêng một tác
phẩm. Và sản phẩm đó trước hết cũng phải được dịch ra tiếng Anh hoặc một
trong 13 thứ tiếng phổ biến để Ủy ban đọc mà định giá, chứ không chỉ
nghe thoáng qua lời đồn từ một đất nước nào đó. Khác hẳn với một cái
giải nhỏ của khu vực là giải thưởng hằng năm của Hoàng gia Thái Lan mà
ta gọi là giải văn học ASEAN. Giải này được tổ chức mang tính hữu nghị:
hội nhà văn mỗi nước tự chọn một tác giả rồi tiến cử, Hoàng gia Thái Lan
ra quyết định chấp nhận mà chỉ cần đọc vài trang tóm tắt tác phẩm của
tác giả đó.
Điều
bí mật có giá
Ủy ban Nobel có 18 thành viên suốt đời, chỉ bầu bổ sung khi có người qua
đời hoặc từ chức. Là những thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển (nhà
văn nổi tiếng, nhà nghiên cứu văn học, nhà văn hóa lớn), làm việc có
trách nhiệm, họ tự tin vào sự thẩm định của mình. Cho nên hầu như trong
đầu mỗi người đều có sẵn danh sách những nhà văn kiệt xuất ở các lục
địa. Sự lựa chọn hằng năm chủ yếu là lọc ra từ danh sách đó, và như đã
nói ở trên, danh sách đó có thể tồn tại vài ba chục năm, mỗi năm một dài
thêm, người xứng đáng có rất nhiều mà trao thì chỉ có một.
Tuy vậy để cho có màu sắc dân chủ, tận dụng tai mắt phát hiện trên khắp
hành tinh, và để không bỏ sót người xứng đáng (dù năm nào Nobel cũng bỏ
sót), Ủy ban có nêu ra các đối tượng được gửi đề cử:
- Các nhà văn đã được giải Nobel. Các nhà văn có tầm ảnh hưởng quốc tế ở
mỗi nước.
- Chủ tịch hội nhà văn toàn quốc của mỗi nước.
- Viện trưởng viện hàn lâm văn học đồng thời là giáo sư văn học của mỗi
nước.
Đối tượng “chủ tịch hội nhà văn” phải là một hội “toàn quốc”, vì nhiều
nước không có mô hình này. Có những nước có hàng chục hội nhóm văn
chương, hội nào cũng nhận là “toàn quốc”, “quốc gia”… mà tất cả đều đề
cử thì cũng gây nhiễu loạn.
Các đối tượng trên có thể chủ động gửi thư đề cử mà không cần chờ có thư
mời của Ủy ban, tất nhiên không được đề cử chính mình. Tuy vậy vẫn có
nhiều đối tượng không sử dụng quyền đề cử của họ. Hằng năm Ủy ban gửi đi
trên dưới 1.000 thư mời cho vài trăm nước, nhưng chỉ nhận được khoảng
200 thư đề cử trước ngày 1-2. Thư mời và thư đề cử đều không gửi qua
mạng để tránh bị phát tán. Như đã nói, 200 thư đề cử được kết hợp với
danh sách sẵn có của Ủy ban, đến tháng tư thì vòng sơ khảo lọc ra chỉ
còn 20 đề cử, đến tháng năm còn lại 5 người…
Việc đề cử và chấm giải hoàn toàn bí mật. Thế mới có chuyện có nhà văn
đang ngủ thì được Ủy ban gọi điện báo được giải lúc nửa đêm (do chênh
lệch múi giờ). Chẳng cần nghe nội dung gì, nhà văn gắt lên và dập điện
thoại. Một nhà văn khác thì tưởng bạn bè báo được giải Nobel để trêu
chọc, cũng dập điện thoại. Chính người được giải cũng không biết là mình
được đề cử, cũng không biết ai là người đề cử mình.
Việc xét giải chỉ được giải mật sau năm mươi năm, nhưng dư luận vẫn biết
tên một số người được đề cử “tồn đọng” trong mấy chục năm gần đây. Có
thể tin tức lọt ra từ một số người đề cử nào đó. Nhưng việc ai là người
cuối cùng được chọn thì hoàn toàn bất ngờ, không thể biết trước.
Các đối tượng có quyền đề cử, được Ủy ban tin cậy gửi gắm cho nên không
ai tiết lộ việc mình đề cử. Các nhà văn danh tiếng, các viện trưởng viện
văn học, các chủ tịch hội nhà văn, người này không biết người kia có đề
cử hay không và đề cử ai.
Vì vậy không thể có chuyện một nhà văn nào đó khoe rằng mình được đề cử
giải Nobel. Thông tin đó là bí mật.
Vì vậy không thể có chuyện một viện trưởng văn học nào đó kể rằng mình
đã đề cử ông nọ bà kia. Uy tín và danh dự khiến họ không thể nói thế.
Chính vì việc đề cử và xét giải hoàn toàn bí mật, cho nên mới có chỗ cho
các nhà cái cá cược làm ăn. Tiền thưởng giải Nobel văn chương hiện tại
là hơn một triệu đô la Mỹ, nhưng doanh thu cá cược là nhiều triệu đô la.
Bí mật ấy là bí mật ra tiền.
Doanh thu lớn, nhưng chuyện cá cược nhiều năm qua thường đúng ít mà sai
nhiều. Người đánh cuộc thường tập trung vào những tác giả ăn khách, có
lượng sách bán ra rất nhiều, được nhiều người đọc nhiều người biết.
Nhưng kết quả của Ủy ban Nobel thường là những tác giả mà người đọc đại
chúng “chưa nghe tên bao giờ”. Thực ra cái ông bà được giải Nobel vốn
được giới thạo văn chương đánh giá rất cao, nhưng họ thuộc gu tinh hoa,
không phổ cập đại chúng. Thành ra người đọc đại chúng cứ việc chờ người
mình mến mộ được giải, Murakami chẳng hạn, các nhà cái cứ việc đi theo
dự đoán của đám đông, nhưng Ủy ban kinh viện thì không chịu chiều theo
gu đại chúng.
Ở Mỹ, giải thưởng Sách quốc gia từng có truyền thống trao cho văn chương
tinh hoa, nhưng rồi đã theo xu thế thời đại mà phải thỏa hiệp, chẳng hạn
họ đã trao giải cho ông vua truyện li kỳ là Stephen King. Cũng theo xu
thế ấy, biết đâu một ngày nào đó, Nobel cũng gây sửng sốt khi họ trao
giải cho một nhà văn đại chúng. Vậy thì người viết và người đọc cứ việc
dõi theo mà chờ xem.
Báo Tiền Phong chủ nhật, 27-2-2022
Ảnh:
- Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (bên trái) nhận giải từ nhà vua Thụy
Điển Carl XVI Gustaf, Stockholm 10-12-2006 |