Xứ Ấn: khởi đầu và kết thúc

 

Hồ Anh Thái

 

 

Cảm tình với loại sách du ký, tôi đọc ngay “Mumbai và những chuyến tàu đêm” khi sách vừa mới phát hành. Đọc ngay, còn vì với tôi đề tài Ấn Độ có sức quyến rũ khó cưỡng.

 

 

Gần đây xuất hiện nhiều tập du ký hoặc bút ký thực địa, hầu hết đều do người trẻ viết. Sức hấp dẫn của những cuốn sách ấy không chỉ ở thông tin mới lạ về những vùng đất, mà còn ở sự quyết tâm, dám lên đường, dám đơn độc, dám xử lý những trở ngại và dám nếm trải những yếu tố văn hóa khác biệt. Càng có ý nghĩa trong bối cảnh rất nhiều người trẻ ở ta còn ngại đường xa và ít dám phiêu lưu, viện ra những khó khăn về tài chính, về phương tiện, về tập quán lạ.

Cảm tình với loại sách này, tôi đọc ngay Mumbai và những chuyến tàu đêm khi sách vừa mới phát hành. Đọc ngay, còn vì với tôi đề tài Ấn Độ có sức quyến rũ khó cưỡng.

Đây chắc hẳn là câu lý giải cho việc một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi mà đã nhiều lần đến Ấn Độ trong mấy năm qua: “Mọi buồn đau tôi trải qua và những hạnh phúc, niềm vui, trải nghiệm đáng giá tôi có được đều ở xứ Ấn. Xứ Ấn là nơi khởi đầu và kết thúc mọi thứ tình cảm, hân hoan, mọi đau buồn và đổ vỡ trong tôi” (trang 389-390).

Cô gái có nhân duyên đến được xứ Ấn, đi qua nhiều vùng đất, yêu xứ Ấn, từ đó mà có nhiều kỷ niệm xúc động về người Ấn tốt bụng cũng như có những điều bất như ý. Người đọc chia sẻ với tác giả sự vững vàng quyết tâm, sự bướng bỉnh cứng rắn khi thực hiện kế hoạch, sự nhạy cảm và mủi lòng trước những điều tốt đẹp dù nhỏ nhất trong hành trình suốt tiểu lục địa Ấn Độ.

Trong vài ba năm, cô gái đã đi hầu khắp xứ Ấn, từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, qua hầu khắp các vùng địa lý vùng khí hậu. Chắc nhiều người Ấn nghe thế cũng lấy làm ghen tị, bởi trong đời họ có thể không xê dịch nhiều đến thế trên đất nước của chính mình. Tuy vậy vẫn tiếc cho Hasu Tran một tí, chỉ vì một vài định kiến cá nhân, vì chút tâm trạng riêng tư không thuận mà cô đã từ chối khám phá mấy nơi quan trọng. Cô đã bỏ qua thủ đô New Delhi là trái tim của miền bắc Ấn với bề dày văn hóa gần mười nghìn năm. Còn Bangalore không chỉ là thung lũng silicon của Ấn Độ, ở đấy còn có những công trình kiến trúc vĩ đại như lâu đài Bangalore hoặc tòa nhà chính quyền hoành tráng và lộng lẫy, cùng những đền đài cổ như đền thờ thần bò Nandi thiêng liêng. Từ Bangalore, tác giả lẽ ra không thể bỏ qua Mysore, với tòa lâu đài tương tự kiến trúc tòa Windsor ở Anh. Cách đó không xa là kiệt tác kiến trúc được xây dựng hơn mười thế kỷ trước: quần thể đền Belur và Halebid… Nhưng có thể cũng không đáng tiếc, vì yêu xứ Ấn như vậy, tuổi trẻ còn rộng dài con đường phía trước như vậy, Hasu Tran chắc còn có dịp quay lại, lần này thì với nhiều kiến thức hơn và bớt thành kiến hơn.

Tác giả ghi lại tỉ mỉ những sự việc, ghi đầy đủ quá cho nên giọng kể có phần dàn trải, chưa xoáy sâu vào tình huống và chi tiết gây ấn tượng mạnh để thực sự găm vào tâm trí người đọc.

Một số chi tiết cần chỉnh sửa:

- Chú thích trang 38: sari là “một mảnh vải dài khoảng 3 mét” là không chính xác. Độ dài của sari là từ khoảng 4,5m cho đến 8m. Còn độ dài tiêu chuẩn từ cổ đại cho đến nay của sari thường là 6m.

- “Hoàn thành xong nhiệm vụ” (trang 39): chỉ nên viết “hoàn thành nhiệm vụ” hoặc “đã làm xong nhiệm vụ”.

- Tác giả là một cô gái, viết: “Chị Tuyền phải trả 500 rupi để ngủ với tôi một đêm”, sau đó mới viết tiếp nửa câu: “trên chiếc giường đơn còn trống bên cạnh”. Ghép liền cả hai phần lại thành một câu thì đây vẫn là một câu văn vô ý, không nhã.

- “Nữ thần Krishna” (trang 58, 159): tác giả ơi, Krishna là nam thần.

- “Tôi chỉ đến India Gate Way” (trang 178): ở New Delhi thì cái cổng như Khải Hoàn Môn ấy được gọi là India Gate (Ấn Môn). Còn Gateway of India (Ấn Môn Đạo) thì ở thành phố Mumbai.

- “60% sa mạc nằm ở bang Rajasthan và kéo dài đến thành phố Gujarat của bang Punjab và Haryana” (trang 275): tác giả viết nhầm, Gujarat là một bang, không phải là thành phố, và tất nhiên nó không thuộc hai tiểu bang mà tác giả nêu.

- “Thương gia người Tây Ban Nha, Rev. Fr. Alphonse” (trang 348): tác giả cần kiểm tra lại, nhìn chữ Rev. Fr. (đức cha tôn kính) thì khó khẳng định được giáo sĩ này có phải đồng thời là thương gia hay không.

- “Sẵn sàng chăm sóc và giúp đỡ mỗi khi cần cứu cánh” (trang 369): cứu cánh có nghĩa là mục đích cuối cùng, không phải là cứu vớt, cứu giúp.

- “Có một nghệ sĩ du mục người Tây Tạng đến vẽ lên vách tường… Anh rời Tây Tạng lúc sáu tuổi, làm một người du mục với tâm hồn nghệ sĩ” (trang 377): đọc cả một đoạn văn sau đó thì thấy đây là một họa sĩ lang thang, họa sĩ lưu động, chứ anh ta không hề chăn thả gia súc từ vùng này sang vùng khác, vì thế không thể gọi anh ta là “du mục”. 

 

Báo Tiền Phong, 6-4-2019