Căn nhà tuổi nhỏ
Huỳnh Như
Phương
Quê nội và quê ngoại tôi cùng thuộc
huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi nhưng là hai xã cách xa nhau. Quê nội ở
phía Tây đường xe lửa, gần vùng đồi núi, đổi tên nhiều lần qua các thời
kỳ: xã Đức Thành, rồi Đức Thạch, nay là Đức Hòa. Quê ngoại bên đường số
1, gần thị tứ, xưa tên xã Đức Vinh, rồi Đức Tân, nay thuộc thị trấn Mộ
Đức. Hòa Vinh, một bút hiệu của tôi, được ghép từ hai địa danh này. Hồi
bé theo mẹ đi bộ từ quê ngoại về quê nội, tôi ngu ngơ hỏi: Sao má lấy
chồng xa vậy cho con phải đi thăm mỏi chân! Thời chiến tranh, quê nội là
vùng “xôi đậu”, khi xảy ra chiến sự, nhà bị lính Mỹ đốt sạch, cả cây mai
già, hàng cau và vườn chè đều bị cháy. Quê ngoại may mắn ở vùng “an
ninh”, nhưng đêm đêm vẫn nghe tiếng súng nổ ran khắp xóm, chứng kiến
những trận giao tranh, phá cầu, khiến bà ngoại tôi đã cho xây căn hầm xi
măng trong nhà, lại còn xây thêm căn hầm chữ A ngoài vườn.
Người đời thường nói: “Cháu ngoại
thương dại thương dột; cháu nội chẳng vội gì thương”. Hoàn cảnh tôi thì
ngược lại. Khi ông nội, ông ngoại, cha tôi, bác và hai cậu đi tập kết ra
miền Bắc thì mẹ con tôi về sống bên ngoại, họ Lê. Bà nội lúc đó chỉ có
mình tôi là cháu, bà ngoại có nhiều cháu nhưng cũng chỉ tôi ở gần bà.
Thành ra tôi luôn bị giằng xé về tình cảm giữa hai người bà muốn độc
quyền đứa cháu. Bà ngoại phong thái ung dung, cách sống quảng giao, muốn
cháu học lên, đi xa, thành đạt. Bà nội thì khắc khổ, tất bật, cần kiệm,
cả đời không dám ăn ngon mặc đẹp, có đồng nào chỉ dành dụm mua ruộng,
làm tài sản để lại cho con cháu. Bà mong cháu lớn lên có vợ quê, ở cạnh
bà để coi sóc vườn tược và mấy mẫu ruộng của bà. Tôi muốn chiều theo ý
nguyện của hai bà, nên để làm vừa lòng cả hai, hồi nhỏ tôi mơ trở thành
kỹ sư nông nghiệp, ra trường về làm việc gần nhà, thật tiếc là ước mộng
không thành.
Suốt năm, bà nội với cô Bốn lo vườn
tược, ruộng nương nên vài ba tháng bà mới xuống thăm cháu, kết hợp thăm
nhà thờ họ Nguyễn của bà cũng ở xã Đức Vinh. Có một lần bà làm tôi mắc
cỡ quá chừng: năm tôi học lớp Nhì, bà về quê cha ăn giỗ, nhớ cháu nội,
bà đến sân trường tiểu học vào giờ ra chơi, bảo bạn gọi tôi ra cho bà
gặp, rồi bà đưa tay qua hàng rào nhét vào túi tôi mấy cái bánh ú, lại
còn bắt tôi ăn ngay một cái trước mặt bà để khỏi đói bụng. Tôi lắc đầu
quầy quậy, không chịu ăn. Bà nhất định chờ tôi ăn xong rồi mới chịu đi.
Thằng bạn tôi đứng gần đó, cười chế giễu, tôi phải chia bớt cho nó một
cái bánh để nó không kể lại với thầy giáo và các bạn.
Đầu năm 1967, gia đình nhận tin cha tôi
hy sinh trên chiến trường. Mùa hè năm đó nhà nội bị đốt, đạn pháo bắn
ngày đêm, không ở quê được nữa, bà nội và cô Bốn quang gánh rời làng ra
đi theo đoàn người tản cư, trong đó một số gia đình phải vào sống ở trại
tạm cư chật chội, nóng bức. Bà ngoại tôi cám cảnh, nhường cho bà nội
mảnh đất ở góc vườn xây một căn nhà nhỏ để mẹ con tôi ra ở riêng với bà
và cô. Bà con trong xóm xúm lại giúp gánh đất đổ nền, xây lên một căn
nhà vách đất bện rơm nhưng lợp ngói và tô xi-măng. Tôi theo sát những
người thợ, năn nỉ họ sửa chỗ này, làm thêm chỗ kia cho vừa ý mình. Năm
đó, tôi 12 tuổi, lần đầu tiên mẹ con tôi có căn nhà riêng. Nhà nghèo,
tôi trưng bày bàn thờ tổ tiên họ Huỳnh với bộ lư đồng bà tôi đem theo và
những bình hoa nhựa mua ở chợ Đồng Cát. Có lần một người bà con đến thăm
thấy tôi dùng lon Coca-Cola cắm bó hương, chê trách: Sao cháu lại để đồ
của Mỹ trên bàn thờ (!). Tôi mỉm cười không dám nói gì, thầm nhớ câu
chuyện thầy tôi kể về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dứt khoát không chịu
dùng xà-bông và không đi trên đường cái quan của giặc Pháp.
Tết đến, cây bông giấy tôi trồng vươn
cao trước hiên, hàng bông thọ vàng rực hai bên lối đi. Nhà tôi đẹp hơn
nhờ tấm lịch và mấy bức tranh cậu tôi ở Sài Gòn gửi về cho. Các bạn học
cùng lớp ở trung học Mộ Đức vào thăm, tôi đãi các loại bánh mứt mà hai
bà tôi cặm cụi làm từ những ngày trước Tết. Những năm trước đó, ngày Tết
tôi luôn đem trái cây, bánh mứt về cúng bên nội và nhận túi bánh ít,
bánh ú bà nội gửi về biếu ngoại. Kể từ Tết năm này cho đến ngày hòa
bình, chiến tranh gieo rắc đạn mìn trên đường về quê nội, tôi chỉ còn
một vùng quê để đón Tết.
Hằng ngày tôi ăn ngủ bên nhà mình
nhưng vẫn thường xuyên qua nhà ngoại giúp bà và dì Bảy quét dọn, trông
nhà, khóa cửa. Khi nghe tin ông ngoại bị bệnh mất ở Hà Nôi, bà ngoại tôi
quy y chùa Thiên Phúc Tự trong thôn Thiết Trường, được sư thầy ban pháp
danh Như Sinh; người em ruột của ông ngoại thì trụ trì chùa Linh Sơn ở
thôn Vĩnh Phú. Vậy nhưng không hiểu sao hồi đó nhà ngoại tôi không lập
bàn thờ Phật mà chỉ treo một bức ảnh lớn của Hòa thượng Thích Quảng Đức,
với vẻ mặt nhân từ, đứng trước chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận, Gia Định).
Bà ngoại dặn tôi mỗi tối nhớ thắp hương trước ảnh Hòa thượng và trên bàn
thờ tổ tiên họ Lê rồi mới về nhà riêng học bài. Học bài xong, khi mọi
người đã đi ngủ, tôi ra ngồi một mình trên bậc thềm nhìn hỏa châu chiếu
sáng những vòm cây trong vườn, nghe tiếng đại bác từ đồn lính Mỹ trên
núi Rồng Vàng bắn về phía xóm làng quê nội.
Có nhà mới, được sống gần cả hai người
bà, tôi bớt đi nỗi buồn tủi của đứa bé mồ côi cha. Nhưng niềm vui có bao
giờ trọn vẹn! Trước sống trong ngôi nhà rộng rãi có ruộng vườn thoáng
mát bao quanh, nay phải ở trong căn nhà nhỏ, không có đất trồng rau
trồng lúa, bà nội tôi cảm thấy tù túng và tủi thân. Hình như những người
bất hạnh, cô đơn ở gần nhau thường không thật rộng lượng với nhau, dần
dần trở nên không hòa thuận, thậm chí gây khổ cho nhau. Tôi sống bên
cạnh năm người phụ nữ, người mất chồng, người mất con, người xa chồng
nhiều năm, nên cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi sự yếu đuối và khó
tính. Những xích mích nhỏ tích tụ dần, đến khi bất hòa về cách tổ chức
ngày giỗ cha tôi là giọt nước tràn ly. Bà nội và cô tôi chuyển vào ở nhà
thờ họ Nguyễn trong xóm bên kia cầu Vĩnh Phú, để lại căn nhà mới xây cho
mẹ con tôi. Việc đó làm tôi buồn mãi nhiều năm sau, có những buổi trưa
tôi ra vườn trải lá khô dưới bóng cây vú sữa nằm nhìn lên trời cao, nghĩ
anh linh cha tôi ẩn khuất đâu đó có thấy xót xa cho tâm hồn đứa con đang
bị tổn thương.
Hòa bình, Bắc Nam sum họp, gia đình hai
bên nội ngoại của tôi cũng hòa giải với nhau. Người ta nói có hàng triệu
người vui trong khi hàng triệu người buồn, gia đình tôi có cả vui lẫn
buồn và khó nói vui hay buồn nhiều hơn. Phía ngoại, hai con trai về,
nhưng ông nằm lại ở miền Bắc, hai con rể bỏ xác trên chiến trường. Phía
nội, ông nội về, nhưng con trai lớn, con trai thứ và con rể đều gửi nắm
xương tàn nơi xứ lạ.
Ông bà nội về lại vườn xưa đầy có dại,
gia đình dỡ căn nhà nhỏ ở Đức Vinh lấy gỗ và ngói về Đức Hòa dựng lại
chỗ trú ngụ. Như các địa phương miền Trung, quê tôi cũng lãnh chịu hậu
quả từ việc áp dụng chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của miền Bắc.
Ruộng công điền quân cấp trước đây cũng như ruộng tư hữu do người dân đổ
mồ hôi sôi nước mắt tạo lập đều thuộc về tài sản chung của hợp tác xã.
Bà nội tôi trở thành tay trắng. Khi có chủ trương khoán hộ gia đình, nhà
tôi không còn người đủ sức lao động nên đành chịu thiệt thòi.
Bà nội, ông nội rồi bà ngoại tôi lần
lượt qua đời. Mấy năm gần đây đời sống quê tôi khá lên nhờ làm ăn dễ
dãi. Đất ở quê ngoại lên giá theo tốc độ đô thị hóa; các cậu tôi đều lập
nghiệp ở thành phố nên quyết định bán hết ba phần tư khu vườn của ngoại
để lấy tiền xây nhà thờ mới. Góc vườn xưa là căn nhà nhỏ của tôi nay
thành vườn người khác. Tôi đi xa về đứng bên này ngẩn ngơ nhìn sang,
lòng bồi hồi thương nhớ những ngày thơ ấu.
Khu vườn của nội, bị hàng xóm lấn chiếm
một đường bừa, may mắn vẫn giữ được hơn hai ngàn mét vuông. Tôi và Sơn
Hải - đứa em con người chú gọi ông nội tôi là bác ruột, rất gần gũi với
tôi vì mẹ em cũng người họ Lê ở Đức Vinh - được địa phương cấp sổ đỏ,
cùng góp sức xây nhà thờ, cùng lo lưu giữ di tích của tổ tiên họ Huỳnh.
Vậy là anh em chúng tôi cũng được chứng nhận quyền sử dụng một mảnh đất
quê hương chứ không phải người mất gốc.
Nhà thờ nội ngoại tôi đều đã xây dựng
khang trang, sân vườn có hàng rào riêng biệt. Cũng như lúc ông bà tôi
còn sống, mỗi chuyến về quê tôi lại sắp xếp thời gian cẩn thận: lần này
về thăm nhà nội trước khi về nhà ngoại thì lần sau đổi lại thứ tự để
hương hồn ông bà hai bên đều được vui lòng. Nhưng đó là nhà chung của
gia tộc, còn căn nhà riêng nhỏ bé xưa kia của mẹ con tôi nay chỉ lưu lại
dấu tích trong một tấm hình kỷ niệm.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Nguồn: Nguyệt san
Giác Ngộ Xuân Tân Sửu 2021.
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 24-1-21 |