Lời gửi những bông
tuyết
Huỳnh Như Phương
Những bông tuyết đầu mùa rơi nhẹ trên
sân bay Sheremetievo-2 ngày đầu tiên tôi đến Moskva. Từ sân bay về trung
tâm thành phố, tuyết vẫn bay lửng lơ trên bầu trời ban mai mù xám, bám
vào cửa kính xe buýt và những mái nhà trầm lặng hai bên đường trước khi
tan chảy.
Sau một ngày tạm trú ở trạm đón tiếp,
chúng tôi được chuyển về ký túc xá của Viện Hàn lâm, thường được gọi là
Đôm 5 (nhà số 5), ở góc ngã tư đường D. Ulianov và N. Vavilov. Kéo cánh
cổng nặng nề để vào bên trong tòa nhà, tôi biết mình sẽ “tu” ở đây suốt
bốn năm ròng. Đó là một tòa nhà bảy tầng, có cấu trúc chữ V nhìn ra hai
mặt đường của ngã tư; thang máy, phòng ốc đều cũ kỹ nhưng ấm áp nhờ hai
lớp cửa kính, lò sưởi và hệ thống nước nóng cung cấp thường xuyên. So
với ký túc xá ở nhiều nơi khác, nơi đây thật tiện lợi: có hội trường,
thư viện, phòng chơi bóng bàn, mỗi tầng đều có nhà bếp; nhà ăn ở tầng
trệt mở cửa từ sáng đến tối với giá cả rất mềm; trạm xe buýt, xe điện và
sạp báo ngay trước cổng; bên kia đường là hiệu sách Akademkniga; đi bộ
một đoạn ngắn gặp cửa hàng thực phẩm và tạp hóa, đi thêm một trạm xe là
bách hóa tổng hợp Moskva cung cấp khá đủ các mặt hàng thiết yếu dù lúc
đó nước Nga bước vào thời kỳ đình trệ về kinh tế.
Sau này, khi kinh tế mở cửa, người Việt
ở Nga bung ra kinh doanh, Đôm 5 bị ít nhiều sự cố, còn thời tôi ở mọi
sinh hoạt đều tương đối ổn định, ai làm việc nấy, không va chạm gì nhau.
Ban quản lý và các bạn nghiên cứu sinh đến từ các nước cộng hòa đối xử
với chúng tôi ân cần và tử tế. Thời gian đầu tôi ở cùng phòng với
Nariman đến từ Baku, nhờ anh mà tôi cải thiện được vốn tiếng Nga của
mình. Do quan hệ của hai cơ quan nghiên cứu, số người đi học ở đây chủ
yếu từ các viện của Hà Nội, nhóm nghiên cứu sinh đi từ miền Nam sống
chan hòa với với các đồng môn cùng thế hệ ở miền Bắc, hầu như chưa bao
giờ xung đột về quan niệm hay lối sống và vẫn còn giữ liên lạc thân tình
cho đến bây giờ. Xuất thân từ ngành Văn, những người đến nghiên cứu hay
thực tập cùng thời ở Viện Hàn lâm sau này đều chuyên tâm và có nhiều
đóng góp cho nghề nghiệp: Nguyễn Thị Huế, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc
Vương, Trịnh Khắc Mạnh, Vũ Thanh (văn học dân gian và cổ điển); Phan
Trọng Thưởng, Vũ Tuấn Anh, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Bích Thu, Tôn Thảo
Miên (lý luận và văn học hiện đại); Lê Sơn và Lê Tây (văn học nước
ngoài); Mai Văn Hai, Mai Quỳnh Nam, Vũ Phạm Nguyên Thanh (xã hội học)…
Thành ra, đây như là một “viện nghiên cứu” thu nhỏ: trong thời chưa có
internet và điện thoại di động, không dễ liên lạc thường xuyên với thầy
giáo hướng dẫn, đang viết mà cần kiểm tra kiến thức gì, thì chỉ cần gõ
cửa phòng chuyên gia, sẽ được giải đáp. Những đổi mới về đời sống xã hội
ở nhà, nhất là sinh hoạt văn hóa văn học, đều được Đôm 5 cập nhập thông
tin nhanh nhất. Do sự dễ dãi của nội quy ở đây so với những nơi khác mà
Đôm 5 cũng là nơi gặp gỡ các bậc thầy, bậc đàn anh và văn nghệ sĩ từ
trong nước sang tham quan hay công tác ở Moskva.
Tôi đã sống qua bốn mùa đông trên nước
Nga. Những bông tuyết thơ mộng ngày đầu rồi sẽ thành những tảng băng dày
trên lối đi làm trượt bước chân, những cơn gió tuyết quất vào mặt ở trạm
chờ xe buýt. Mũ lông, áo bành tô, giày da được trang bị kỹ đến mức nào
cũng không ngăn nổi cái rét thấm vào da thịt những người phương Nam chỉ
quen nắng ấm. Cùng với đó là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương không lúc nào
nguôi. Có lúc tôi đã tự trách mình, sao lại nông nổi chọn chuyến đi dài
ngày này, vì một chút danh vọng hão huyền, để mẹ già và vợ con ở nhà
thời đất nước khó khăn. Nhiều khi đi giữa đường phố Moskva mà lòng quặn
thắt nhớ câu hát trong bài Thuyền
viễn xứ (ý thơ Huyền Chi, nhạc Phạm Duy):
Chiều
nay gửi tới quê xưa/ Biết là bao thương nhớ cho vừa/ Trời cao chìm rơi
xuống đời/ Biết là bao sầu trên xứ người.
Để nguôi mỗi nhớ quê, mỗi năm đến Tết
âm lịch, khi Việt Nam đón giao thừa thì cùng lúc ấy, 8 giờ tối Moskva,
đơn vị nghiên cứu sinh, thực tập sinh chúng tôi tổ chức một bữa liên
hoan hoành tráng ở nhà ăn Đôm 5 mừng năm mới. Chúng tôi vào rừng tìm
những cành cây khô, gắn giấy màu thành những nụ hoa đào. Khách mời là
các thầy cô giáo và một số bạn bè ở Viện Hàn lâm và trong ký túc xá.
Bánh chưng, dưa hành củ kiệu, chả giò, thịt kho, súp gà nấu măng khô,
rượu sâm banh, những bài hát Nga – Việt và vài phong pháo lẻ gợi nhớ
không khí quê nhà, giúp quên đi nỗi buồn xa xứ.
Nước Nga cưu mang nhiều người Việt,
nhưng thú thật một số người mình cũng làm phiền dân sở tại không ít.
Thật may mắn, cho đến ngày rời xứ sở bạch dương, bản thân tôi chưa gặp
phải một biểu hiện kỳ thị nào. Ngày đầu nhập học, bước qua khoảng sân
đầy tuyết của Viện Văn học thế giới, thường gọi tắt là IMLI, có tượng
ông M. Gorky vai phủ tuyết nghiêng đầu nhìn xuống nhân gian, tôi được
dành một chỗ ngồi trong căn phòng nhỏ, nơi những tên tuổi trước chỉ nghe
danh, nay mới gặp mặt – những nhà nghiên cứu uy tín trong nghề: N. Ghei,
Yu. Borev, G. Belaya, V. Kozhinov, S. Botcharov… Trừ dịp về phép, suốt
bốn năm, tôi không bỏ một buổi sinh hoạt khoa học thứ ba hàng tuần nào.
Mỗi lần họp như thế là một cuộc thảo luận sôi nổi, có khi dẫn đến tranh
luận, nhưng đều mở rộng tầm nhìn trong nghề nghiệp mà tôi theo đuổi. Có
những hôm họp xong, thầy trưởng ban A. Mikhailov mời mọi người qua tầng
hầm trụ sở Hội Nhà văn Liên Xô uống cà-phê tiếp tục câu chuyện văn
chương.
Thầy giáo hướng dẫn tôi là giáo sư
Nikolai Konstantinovitch Ghei, từng tham gia chiến tranh vệ quốc, sau
làm việc ở Viện, đồng thời dạy ở Trường Đại học quốc gia Moskva, đã qua
Việt Nam và vào thăm TP. Hồ Chí Minh. Thầy bảo thầy có ấn tượng sâu sắc
với văn hóa Việt Nam khi đi thăm các di tích lịch sử và danh lam thắng
cảnh nước ta. Thầy thường nhắc tôi nên liên hệ những vấn đề lý thuyết
hiện đại với văn học dân gian và cổ điển Việt Nam và chê tôi viết luận
án theo văn phong phê bình hơn là văn phong nghiên cứu vốn đòi hỏi sự
điềm tĩnh, chân phương. Mỗi lần được thầy thông qua một chương luận án,
tôi lại tự thưởng cho mình một buổi chiều lang thang trên phố Arbat gần
Viện, với một ly kvas kèm
thịt nướng sau khi dạo xem các cửa hàng đổ cổ và sách cũ hai bên con
đường lát đá như còn in dấu chân của các nhân vật trong tiểu thuyết
Những đứa con phố Arbat của
A. Rybakov.
Hàng năm, vào cuối tháng tư, tuyết bắt
đầu tan, trên các ngả đường thành phố người ta trồng hoa mới trong các
bồn hoa, dọc các vỉa hè. Trong rừng Nga cây đâm chồi và xanh lên từng
ngày, vạn vật như sống lại trong màu áo mới. Anh Trần Nho Thìn và tôi
cặm cụi trong phòng đọc của Viện Thông tin Khoa học xã hội, nơi mượn
sách nhanh và có chỗ ngồi thuận tiện hơn Thư viện quốc gia. Bên ngoài,
gần quảng trường J. Tito, là vườn hoa rực rỡ trong nắng xuân. Lo viết
luận án không kịp, chúng tôi ngắm hoa qua cửa kính và chỉ rời trang sách
trong giờ ăn trưa.
Sang hè, tôi kịp nộp luận án và làm thủ
tục đúng hạn để chờ bảo vệ. Phòng quản lý nghiên cứu sinh thưởng cho tôi
một phiếu đi nghỉ ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen. Nhưng tôi xin đổi
món quà đó để lấy một giấy phép mời vợ và hai con sang thăm nước Nga. Đó
là một chuyến đi nhiều kỷ niệm đẹp của gia đình tôi. Sau đó ít lâu, bảo
vệ xong, tôi giã từ xứ sở bạch dương cũng vào một ngày tuyết đầu mùa rơi
nhẹ nhàng nhưng sân bay thì hỗn loạn, báo hiệu những biến động sắp xảy
đến trên đất nước Nga.
Ba mươi năm qua, tôi vẫn giữ liên lạc
với những người thầy và bạn Nga ngày ấy. Anh Bùi Mạnh Nhị và tôi có dịp
tiếp giáo sư N. Nikulin, nhà Việt Nam học hàng đầu, ở Thành phố Hồ Chí
Minh trong chuyến đi Việt Nam cuối cùng trước khi ông từ trần. Thầy N.
Ghei nay đã 98 tuổi, ngoài những chuyên khảo sâu sắc về nghệ thuật ngôn
từ, thầy còn công bố một tác phẩm tự truyện mà thầy gọi là “tiểu thuyết
– tưởng niệm”, viết về số phận con người qua những biến thiên lịch sử.
Bà Inessa Zimonina, người làm luận án về
Chinh phụ ngâm và đã nhiều
lần sang thăm Việt Nam, dịch giả tài năng đã chuyển ngữ tác phẩm của
Khái Hưng, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Đoàn Giỏi,
Thu Bồn… sang tiếng Nga, sau vài năm cùng chồng qua sống ở Israel, đã
trở về Moskva vì hai người đều nhớ nước Nga. Anh Anatoli Sokolov, người
bạn chung thủy với văn học Việt Nam, chuyên gia về Phan Bội Châu, vẫn
tiếp tục nghiên cứu về giao lưu văn hóa Nga – Việt và có những phát hiện
thú vị về những người Nga đầu tiên đến Sài Gòn. Hầu như tháng nào anh
cũng gửi email hay gọi điện thoại cho tôi. Trong một lá thư gần đây, anh
viết: “Tôi vừa nghe tin ở Việt Nam xuất hiện lại một số ca nhiễm
coronavirus trong cộng đồng nhưng đã kịp thời kiểm soát được và chưa
phải áp dụng lại biện pháp giãn cách xã hội. Thật mừng cho đất nước anh.
Ở Nga số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn nhiều, nhưng rất may là trước khi mùa
đông đến, vaccine đã được sản xuất kịp thời để ưu tiên chủng ngừa cho
những người có nguy cơ cao như bác sĩ, y tá, người già. Tôi đã chuyển ra
ngoại thành ở hẳn với mẹ tôi để chăm sóc cho bà, lúc nào cần mới vào
thành phố để đến Viện Đông phương học. Tôi vẫn theo dõi thường xuyên
sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam và tìm đọc thông tin về sách mới xuất bản.
Gần đây tôi có hứng thú đọc truyện trinh thám Việt Nam và dự định sẽ
viết một khảo luận về đề tài này…”. Mỗi lần nhận thư A. Sokolov tôi lại
thấy nước Nga như gần lại, dù đã 30 năm xa.
Ra Hà Nội, thỉnh thoảng tôi được bạn cũ
Đôm 5 mời ăn ở quán Nga để nhớ lại hương vị xalát, xúc xích và súp bắp
cải Nga thời đi học. Đến Nha Trang và ngay ở Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy
những nhà hàng ẩm thực Nga rất ngon. Chỉ có những bông tuyết là không
thể nào tìm lại được.
Nhưng những bông tuyết đầu mùa năm ấy
vẫn bay hoài trong trí nhớ.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
|