40 năm Tết hòa bình đầu tiên…

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

           Buổi chiều tháng chạp, tôi ngồi trên bờ cỏ ven con đường làng chạy ngang trước sân nhà tôi. Sau những ngày mưa lạnh kéo dài, hôm nay trời hửng nắng. Con đường đất hẹp ngày xưa lầy lội giờ đã được mở rộng và tráng bê-tông thẳng tắp. Đằng trước mặt là cánh đồng trải dài đến chân núi, lúa vừa sạ xong đang nhú mầm xanh lưa thưa trong gió. Từ rặng núi phía Tây đang thẫm dần, những làn khói bay lên, dấu hiệu những người đi rừng đốn củi hầm than. Con mương bên đường nước chảy líu ríu, mấy đứa bé đen nhẻm cầm vợt bắt cá lia thia dưới trời chiều đang thu nắng. Tôi buông thõng đôi chân trần xuống dòng nước mát lạnh, nghe hơi xuân bay về với đất đai quê nhà.

           Tôi lặng lẽ ngồi đây nghe 40 năm trôi qua như dòng nước chậm rãi dưới chân mình. Tháng chạp năm Ất Mão, về quê ăn Tết, từ đầu thôn tôi nhìn thấy ông nội tôi cuốc đất trên mảnh vườn trơ trụi, cỏ dại mọc lan đến thềm nhà. Trong chiến tranh gia đình tôi kẻ Nam người Bắc; ông tôi ra đi với hai người con trai, nay một mình trở về với chiếc va-li sờn cũ, nghẹn ngào trước ngôi nhà xưa bị đốt cháy chỉ còn trơ nền đất. Tôi đi học xa chưa về kịp, ông bà tôi dẫy cỏ dọn vườn, dựng lại ngôi nhà tranh vách đất để đón Tết hoà bình đầu tiên. Ông tôi ngỡ ngàng cầm tay đứa cháu đích tôn lần đầu gặp mặt. Bà tôi cắp rổ lên chợ Đường Mương sắm sửa lễ vật làm mâm cơm cúng Tổ tiên và hai người con trai đã mất. Giờ đây, trong bóng chiều đang xuống, tôi vẫn mường tượng thấy hình dáng bà tôi tất tả trên đường làng; thấy cha tôi ngày nào choàng tấm vải dù chiến lợi phẩm đi thăm từng nhà bà con trong xóm; thấy ông tôi chống gậy ra thắp hương trên những ngôi mộ cũ, mới dày kín nghĩa trang dưới chân đồi.    

          Đêm giao thừa năm hòa bình đầu tiên đó, trong khi những gia đình hàng xóm có người thoát ly, tập kết hội ngộ đông đủ, râm ran cười nói, thì nhà tôi chỉ có ba người âm thầm bên ngọn đèn dầu hỏa và những nén hương cháy dở lập lòe trên bàn thờ. Bà nội tôi loay hoay với cái ống giã trầu, ông cháu tôi ngồi uống trà trên chiếc giường tre đặt trước hiên nhà. Ông bảo ông có hai điều ước nguyện: trở ra miền Bắc một chuyến bằng ô-tô để dừng lại thăm cầu Hiền Lương, rồi đưa hài cốt bác hai và ba tôi về nghĩa trang của xã. Đêm đó tôi nằm mơ thấy ông cháu tôi đi xe đò ra miền Bắc, vừa đến sông Bến Hải thì gặp bác và ba tôi trong đoàn quân từ Vĩnh Linh đi vào, cùng với những người thân ở hai miền gặp nhau trong niềm vui hạnh ngộ, mắt ướt lệ mà không nói một câu nào.

          Rồi ông bà tôi cũng rủ nhau lần lượt ra đi những năm sau đó. Từ cái Tết đầu tiên cho đến khi từ trần, vì tuổi cao sức yếu, ông tôi không chịu nổi một chuyến đi xa. Ông bà tôi chỉ kịp dời mộ ba tôi về đất quê; còn mộ người bác mà tôi không biết mặt vẫn mãi tận quê vợ ở Bắc Giang. Tôi thầm hứa sẽ thay ông nội trả món nợ tinh thần đó cho gia đình. Nhưng khi tìm đến huyện Lục Ngạn thắp hương trước mộ bác tôi đang an vị dưới chân một ngọn đồi bạt ngàn cây vải thiều, tôi lại ngần ngại vì không muốn đánh thức người bác đang yên giấc ngủ ly hương.

          Như một điều thôi thúc tự nhiên, cả ông cháu tôi đều muốn tận mắt nhìn dòng sông và cây cầu đã làm thay đổi số phận gia đình tôi trong số phận chung của đất nước. Từ ngày hòa bình, trong những chuyến đi miền Bắc bằng tàu hỏa, nhìn qua ô cửa toa tàu, dòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương chỉ hiện ra lờ mờ trong bóng đêm. Tôi muốn chạm tay vào thành cầu, muốn bàn chân mình đặt trên từng tấm ván lát cầu nay trở thành chứng tích của một dân tộc khổ đau. Sau nhiều lần lỡ hẹn với bạn bè một chuyến đi đường bộ về Quảng Trị, mãi đến năm nay tôi mới thỏa nguyện ước.

          Tết trung thu vừa rồi, Phạm Phú Phong và Hoàng Việt Hùng, hai người bạn văn đã dành cho tôi một món quà tuyệt vời là chuyến đi từ Huế ra Quảng Trị, thăm Thành Cổ, Đông Hà, Gio Linh và dừng lại cầu Hiền Lương khi trời chiều còn nắng. Bao nhiêu sự tích trên con đường chưa tới 100 cây số đó còn lưu lại trong thơ văn, âm nhạc. Trên đường chạy trốn đạn bom năm 1972, bà mẹ Ô Lý với “trái bí trên giàn còn xanh” đã đi vào ca khúc Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ bốn năm sau lại đạp xe ra công trường Minh Cầm để chứng kiến những người lính của sư đoàn Sông Lam nối lại con đường sắt bị tàn phá trong chiến tranh. Trên những tấm ván cầu như còn vương hơi thở của lịch sử, năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tình cờ gặp Xuân Diệu và Huy Cận đang đứng tựa vào thành cầu Hiền Lương trầm ngâm nhìn xuống dòng sông Bến Hải trong một đêm tạm ngưng tiếng súng.

          Cùng một độ tuổi, Phong, Hùng và tôi cùng chịu cảnh gia đình chia ly sau năm 1954. Nhưng hai bạn tôi vẫn còn may mắn: cha Phong và cha Hùng sống đến ngày hòa bình để được trở về quê cũ qua cầu Hiền Lương nay “nguôi ngoai vết cháy thẫm máu người”, “nối triệu bước chân còn buồn/ tới những nhịp rất vui” (Thơ Ngô Liêm Khoan). Chúng tôi nói với nhau, nếu ngày đó thay vì chọn vĩ tuyến 17, người ta chọn vĩ tuyến 13, thì số phận những đứa con xứ Quảng như chúng tôi sẽ thay đổi như thế nào? Năm ngoái, vào dịp kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Genève, Phong có viết một bài bút ký cảm động, Nghe lại câu hò bên bến Hiền Lương, đăng trên báo Sông Hương. Câu hò ám ảnh mấy thế hệ người Việt suốt 20 năm đất nước cắt chia cho mãi đến bây giờ, trong buổi chiều thanh bình đón gió mát từ cửa Tùng thổi lại. 

          Về nhà, tôi thắp hương trên bàn thờ thưa với ông bà nội, bác và ba tôi là năm nay, dù thật muộn màng, tôi đã đến với sông Bến Hải, đã đi bộ hai vòng trên những tấm ván gỗ lim của cầu Hiền Lương được phục chế hơn mười năm trước, từ bờ Nam sang bờ Bắc rồi từ bờ Bắc trở lại bờ Nam, như đi thay cho những người thân của mình. Những nụ cười cùng nở ra trên những tấm ảnh thờ. Đời ông nội, bác và ba tôi cũng như những tấm ván lát cầu cho một ngày mai đoàn tụ. Làng quê của tôi giờ còn nghèo lắm nhưng vào ngày Tết, những người đi xa lại trở về, đốt lửa trong bếp ấm, hái những bông hoa và trái cây trong vườn dâng lên những người đã khuất.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 7-2-16