Người Việt nói tiếng Anh: Tẩy trắng để bắt đầu Hồ Anh Thái
Có thể đã hình thành Vinglish Vài ba chục năm trước, người ta thường đàm tiếu về cách phát âm tiếng Anh của Hàng không Thái, của người Singapore. Tiếng Anh Singapore khét tiếng, nên được gọi là Singlish. Khét tiếng không kém là tiếng Anh ở Thái Lan, của những cô chiêu đãi viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch, đầy thổ âm theo kiểu nói câu tiếng Thái pì rặc noóng in tha non. Đành tự lý giải mà rằng ngôn ngữ nhà tàu nhà xe ở đâu cũng vậy. Nhưng rồi khi tiếng Anh đã tương đối phổ biến ở Việt Nam, mấy cô bán tạp hóa cũng biết dăm bảy câu để bán hàng, thì mới thấy tiếng Anh của người Việt cũng đã thành một thứ Vinglish. Học đại trà, học cấp tốc, học truyền khẩu, mà không kịp trang bị phương pháp đúng. Ngay cả học chính quy trong các trường chuyên ngữ cũng thiếu phương pháp phù hợp, lại bị quán tính của thổ âm thổ ngữ thống ngự trong cơ quan phát âm. Phải nói là tức cười khi nghe phóng viên VTV ở Mỹ phát âm ông Trump thành ông Chăm, đúng như trong từ chăm chỉ. Bứt rứt không kém khi thấy hầu như ai cũng nói Niu Oóc, khá hơn một tí thì thành Niu Zoóc, nhưng vẫn không sao đến gần mức chính xác. Cái tiếng Anh người Việt Vinglish ấy còn lan tràn những rì xoọc (phát âm gần đúng của nó là rizôt). Không hiểu nổi tại sao cả nước đều phát âm cái chữ bank thành banh, back thành bách, post thành pốt rồi thổ âm phương Nam còn biến thành bốt/bót - "Tôi vừa bốt/bót một bài lên mạng". Xin kể một câu chuyện, nghe tưởng đùa mà hóa ra có thật. Một ông sếp đang nói chuyện với đối tác nước ngoài, bất chợt quay lại hỏi thư ký: Trường hợp của ông này, tôi đã nói cậu gửi phắc từ mấy hôm trước, cậu chưa phắc à? Thư ký trả lời ngay: Dạ thưa anh, em đã phắc ngay khi anh bảo, không phải phắc một lần mà máy bị trục trặc, em phải phắc đi phắc lại ba lần đấy ạ. Ông người Anh nghe mà hoảng, không hiểu trong tiếng Việt có cái từ gì mà bậy thế, cứ phắc phắc liên hồi. Tất nhiên sau đấy cũng vỡ lẽ, đấy là chữ fax, vốn phát âm gần đúng là phecx, dứt khoát phải có âm gió, nhưng người Việt không có thói quen dùng âm gió nên đã biển thủ cái âm gió ấy đi. Lại nữa, mang tiếng có một thời thuộc địa Pháp, nhìn thấy từ fax rõ ràng trong văn bản tiếng Anh nhưng vẫn theo quán tính phát âm kiểu tiếng Pháp bồi mà thành phắc, khá lắm thì thành phách. Từ cái giai thoại ấy, cánh nước ngoài làm ăn với Việt Nam đã đồn đại tiếu lâm rằng người Việt không phát âm được chữ fax mà phải nói chệch thành fuck.
Thổ âm - xóa và không xóa Người có năng khiếu ngoại ngữ là người có khả năng bắt chước phát âm. Có phần giống như năng khiếu thanh nhạc của ca sĩ: cần một cái tai nghe thật tốt, một cơ quan xướng âm phát thanh thật tốt, nói chung phải thật tốt tai mũi họng và thanh đới. Trong dăm bảy trường phổ thông, về sau có thể chỉ vài người trở thành ca sĩ. Cũng thế, về sau đi ra từ mấy trường ấy nào có mấy người thực sự nói tiếng Anh cho hay, hoặc một ngoại ngữ nào đó cho thật hay. Tỉ lệ là thấp, không thể đòi hỏi nhiều hơn. Nhưng vấn đề là không phải nhà ai cũng có dàn karaoke để tra tấn hàng xóm. Còn người nói tiếng Anh dở thì cất giọng oanh vàng ở khắp nơi. Trên truyền hình, trên đài phát thanh, trên những chuyến bay, trong phòng hội đàm, phòng họp, trên đường dây điện thoại, ở nơi mua sắm, trong những chuyến du lịch. Thời cùng trong một học viện nước ngoài, cánh sinh viên quốc tế chúng tôi thường đùa nhau mà nhại tiếng Anh của người Hoa theo kiểu xi xảo xủng xoảng, tiếng Anh của người Hàn sùng sục trong cổ họng, tiếng Anh Đông Âu phá dờ rờ má dờ rờ (father/mother), tiếng Anh Bắc Âu gu tu u tăng xơ (go to Odense), tiếng Anh của người Pháp ái uyn công ti nhuy (I will continue). Cũng giống như chuyện đùa về hai người Nghệ Tĩnh nói với nhau, chê hết tiếng Bắc đến tiếng Nam, rốt cuộc chỉ có tiếng Nghệ của ta là trọ trẹ dễ nghe. Người Việt từng cười với nhau tiếng Anh Nam Bộ, háo a ri du. Lạ, làm sao iu/diu mà lại thành du cho được. Rồi Éng Giôồng (Angel mà phát âm ra thế). Tiếng Anh Huế thì vẫn uốn lượn điều điệu "rất Huế", hạo a íu. Rồi quỵch quỵch bắc kẹ phu li (quick quick but carefully mà phát âm ra thế). Ngày trước có anh bạn học người Thái Bình, sang Mỹ học rồi mà thổ âm dứt khoát không từ bỏ, "yêu quê hương qua từng âm tiết nhỏ". Trong bài hát Hey Jude có cụm từ sad song, anh cứ hát thành xi-ét xi-oong. Chúng tôi trêu anh: Tiếng Anh Thái Bình. Đùa, mà thực tế là vậy. Thời mới chuyển sang kinh tế thị trường, một trong những lớp tiếng Anh ăn nên làm ra nhất ở Hà Nội là của một dịch giả văn học. Mọi người đồn rằng ông ấy dạy hay lắm. Nhưng một người cũng giỏi ngoại ngữ bẻ lại: Ông ấy người miền Trung, ngay cả đổi sang giọng Hà Nội ông ấy còn chưa nói được, thế thì làm sao đổi giọng phát âm cho đúng tiếng Anh chuẩn. Có lý. Thực tế là ta vẫn nghe thấy âm điệu miền Trung đất Việt trong tiếng Anh của ông. Mà, xin nhắc lại, phát âm cần năng khiếu bắt chước giọng. Nói chuyện địa phương thì một thầy dạy tiếng Anh ở Đại học Ngoại giao ngày trước cũng là người Thái Bình, nhưng có lẽ là người Việt Nam phát âm tiếng Anh hay bậc nhất mà tôi từng gặp. Thầy hút thuốc lá như một ca sĩ quyết tâm phá giọng, nhưng thật trớ trêu, tiếng Anh thật trầm thật ấm, ngữ điệu bổng trầm thật đúng là Anh, khó nhận ra dấu vết âm Việt trong ấy. Người thứ hai là một anh bạn cùng trường, hiện là một trong những nhà ngoại giao nổi bật, một người đích thực có năng khiếu ngoại ngữ, tiếng Anh của anh còn đủ đầy âm gió là cái mà người Việt nói tiếng Anh rất thiếu. Một người nữa, ấy là một thanh niên dẫn chương trình ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội khi đoàn Ballet Nga sang biểu diễn năm 2015. Anh bạn này nói giọng Mỹ, về tôi sau cứ phải đi tìm hỏi thông tin về nhân thân của anh. Nhất thanh nhì sắc, điều đó chứng tỏ thanh còn khiến người ta thiện cảm hơn sắc. Về thổ âm, có người phản biện: trong những hội nghị hội thảo quốc tế, người ta có thể phải nghe những thứ tiếng Anh nặng chịch nhưng đầy thông tin hữu ích, còn hơn là những cái giọng đẹp sang trọng mà nội dung hời hợt sáo rỗng. Nhưng đã có nội dung tốt mà giọng cũng hay thì đấy mới là cái đích đến cho nỗ lực cải thiện phát âm. Nói đến giọng chuẩn, thì ngay ở thủ đô London của Anh cũng đủ giọng của các miền đất nước, không dễ tìm ra người nói chuẩn. Nhưng người nước ngoài học phát âm giọng Anh thì có thể tìm đến những chương trình ghi âm hoặc phát thanh, luôn sẵn có.
Cái "tội" của phiên âm Trong lớp đang học tiếng Anh theo phương pháp nghe - nhìn: sinh viên xem một đoạn phim, lắng nghe người Anh đối thoại với nhau, cố gắng ghi nhớ, sau đó được yêu cầu nhắc lại những câu đối thoại. Phải nỗ lực để nhắc lại theo cách phát âm của người Anh. Đang lúc "hãy nhìn và nghe, không được nói" (look and listen, do not speak), không được nói và tất nhiên là không được làm gì khác, thì một sinh viên cúi xuống ghi vội cái gì đó vào quyển vở. Cơn giận nổi lên, thầy giáo xông đến giật lấy quyển vở ấy. Trên phim có hình một cái tủ đựng cốc chén ly tách và mấy người trong phim đang xì xồ rằng nó là cái sideboard. Anh bạn đã viết ngay vào vở một chữ phiên âm ra tiếng Việt: xái bột. Từ đấy, anh bạn tôi bị mang cái biệt hiệu Xái Bột. Nghe cứ như là một thứ bột còn thừa lại của một chất gì đó, kiểu xái thuốc phiện. Thầy giáo thì hôm ấy bực vô cùng. Sinh viên của thầy đã vi phạm phương pháp nghe và nhìn. Hơn thế, anh ta còn quy những âm tiết tiếng Anh xa lạ về thành âm tiết có sẵn của tiếng Việt. Như thế bảo sao không nói tiếng bồi. Đấy là cái tội của việc phiên âm. Chúng tôi đã từng cười khoái chí khi thấy trên tấm biển trước một khách sạn Ấn Độ có dòng chữ bằng tiếng Hindi: chữ hotel, phát âm gần như hâu teo, bị phiên âm thành hố tần (होटल). Vì phiên âm như vậy mà nhiều người Ấn cứ gọi cái hotel là hố tần. Có chuyện đùa: một anh bạn người Ấn chỉ cô vợ đứng cạnh, giới thiệu với bạn: Mai oai đớt tì, am đớt tì tu. Nghe thế thì phải đoán là anh ta bảo vợ tôi bẩn, tôi cũng bẩn (my wife is dirty, I'm dirty too). Hoàn toàn sai, ai mà lại tự giới thiệu về vợ chồng mình như vậy. Hóa ra điều anh ta muốn nói là: Vợ tôi ba mươi, tôi ba mươi hai (my wife is thirty, I'm thirty two). Nói chuyện tuổi tác đấy, không phải chuyện vệ sinh. Nhưng đó là ngôn ngữ đại trà phổ thông, còn những người Ấn được học hành chu đáo và có năng khiếu ngoại ngữ thì tiếng Anh của họ thật khó chê. Và trong việc học tiếng Anh, người Ấn không có lợi thế như ở những nước sử dụng mẫu tự Latinh, như ta chẳng hạn. Tiếng Hindi và những ngôn ngữ khác của Ấn Độ viết bằng mẫu tự Devanagari, rất nhiều khi buộc phải phiên âm. Mỗi lần phiên âm là một lần sai lệch phát âm. Những tiếng buộc phải phiên âm khác cũng thế: tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Arab, tiếng Farsi, tiếng Thái v.v... Vậy thì tại sao tiếng Việt đang có lợi thế dùng mẫu tự Latinh mà cứ đòi phiên âm? Cái lý người ta đưa ra là để cho người không có ngoại ngữ cũng có thể đọc được. Nhưng người không biết ngoại ngữ thì thấy một từ lạ trong sách báo, có thể chỉ cần ghi nhớ nó bằng mắt mà thôi. Một khi muốn đọc đúng, có thể hỏi người biết ngoại ngữ ở bên cạnh. Còn phiên âm, bao giờ cũng chỉ là phiên âm tương đối, thậm chí phiên âm sai, thì sẽ dẫn đến tình trạng cả nước nói một thứ tiếng Vinglish không ra tiếng Anh. Như Niu Oóc chẳng hạn, nhà banh ngân hàng chẳng hạn, phắc chẳng hạn, gâu bách chẳng hạn. Phiên âm còn gây khó cho người biết ngoại ngữ một khi cần tra cứu để truy lại nguồn gốc của từ. Google và những trang tìm kiếm khó mà chịu nhận một từ phiên âm kiểu Việt. Thấy trên báo tiếng Việt một cái phiên âm như thế này mà phải loay hoay mất hồi lâu: Giôn Uyp-đi-kơ. Phải đoán mãi rồi mới hiểu ra, người ta đã phiên âm chẳng ra Anh, chẳng ra Pháp. Hóa ra đó là nhà văn John Updike (phát âm hơi giống như Gion Ăpđai’k). Còn nữa, hầu như người Việt khi phải phát âm nguyên âm kép đều có xu hướng biến nó thành nguyên âm đơn. Chẳng hạn: nguyên âm kép [ei] bị biến thành ê, [ou] thành ô. Gate (phát âm gần như gâyt) bị biến thành gết. Road (phát âm gần như râuđ) biến thành rốt, trong tai người Anh - Mỹ là nghe rất nặng và quê. Ghost (gâuxt) bị đọc thành gót, lại không có âm gió, thoáng nghe thì "con ma" đã thành "chúa trời" (God). Washington Post, chữ post bị đọc thành pốt (nghe gần giống như port), tờ Bưu báo Washington đã hóa thành bến cảng Washington. Nói thêm, người Việt hay bỏ phát âm phụ âm cuối, sẽ dễ bị hiểu nhầm sang nghĩa khác, chẳng hạn: goat và ghost và goal và gold. Nhiều từ ngoại lai được Việt hóa thoạt nghe rất buồn cười: con bẹc giê, cái xe mẹc xê đẹt. Rồi mấy từ tiếng Anh như rì xoọc, xì tyn (resort, style mà phát âm ra như thế). Mấy cái dấu tiếng Việt đánh vào đấy làm trọng âm trở nên quá mạnh quá gắt. Rồi lối nhấn giọng theo dấu tiếng Việt như vậy khiến người ta khi nói tiếng Anh cứ có xu hướng đánh dấu sắc dấu nặng dấu huyền vào - âm điệu tiếng Anh mang bản sắc Việt.
Tẩy trắng trước khi bắt đầu Ở trên, thỉnh thoảng người viết đã nhắc lại phiên âm "gần giống" của một số từ. Thực ra phiên âm như thế là một kiểu vẽ đường cho hươu chạy, thậm chí là “nối giáo cho giặc”. Trước một ngoại ngữ, kể cả ngữ pháp và phát âm, người ta nên tránh việc quy nó về một cái gì giông giống tiếng mẹ đẻ. Không có gì là giông giống cả. Mọi âm thanh, âm điệu, trọng âm... đều khác. Tất thảy đều phải là tình huống mới. Cần xác định đấy hoàn toàn là trải nghiệm mới. Như vậy là tẩy trắng cái trang giấy có sẵn để viết lên đấy những dòng chữ mới, hoàn toàn khác trước. Một ví dụ: hầu như người Việt biết tiếng Anh nhìn thấy chữ Mayor đều đọc là mâyơ. Tự cho là mình không cần kiểm tra lại. Kinh nghiệm cố hữu khiến người ta nghĩ thế. Nhưng nếu theo chủ trương tẩy trắng những trải nghiệm sẵn có, người ta sẽ tìm để học cách phát âm đúng. The mayor is riding a mare. Đây là một câu chơi chữ. Hai chữ mayor (thị trưởng) và mare (con ngựa cái) viết khác nhau, nhưng phát âm tương tự. Có người miền Trung ra Hà Nội, chuyển sang nói giọng Bắc. Làm như vậy là thiết thực, dễ nghe dễ hiểu hơn trong môi trường mới. Nhưng đồng hương miền Trung có người chê như thế là mất gốc. Chẳng phải đâu, khi trở về với cộng đồng quê hương mình, chỉ việc trở lại nói giọng quê là ổn, ở đâu nói tiếng ấy, tiếng nào ra tiếng ấy. Chẳng bằng nghe mấy anh chị nói tiếng Anh chiu chiu dấu sắc dấu nặng như tiếng Việt, đến khi nói tiếng Việt thì lại ra vẻ chơn chớt mất dấu như Tây nói tiếng ta. Đừng lo nỗ lực phát âm tiếng Anh sẽ dẫn đến mức làm mất bản sắc Việt, không giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt. Ngoại ngữ là thứ học cả đời cũng không sử dụng được như ngôn ngữ thứ nhất/tiếng mẹ đẻ. Dù có nỗ lực thế nào, xét về mặt nhân chủng, cấu tạo thanh đới và giọng mũi giọng cổ giọng bụng đều có khác, cái giọng Đông Nam Á vẫn còn đầy dấu tích trong ấy. Thực tế là nghe ai đó nói tiếng Anh, người ta đều nhận ra được đấy là giọng Á hay Âu, Á thì Đông Á hay Nam Á hay Tây Á, Âu thì Đông Âu hay Bắc Âu... Cả thế giới phát âm phụ âm r, lưỡi đều rung bần bật, có lẽ chỉ mỗi người Anh là chữ r rung nhẹ, thậm chí còn câm chữ r (far, harbour). Cũng là lưỡi rung mạnh, nhưng cái rung của Đông Âu khác, Ấn Độ khác, và Đông Nam Á thì r rung khác đặc biệt, quen thì nhận ra ngay. Ngày trước, ông thầy người Anh của chúng tôi khi dạy phát âm đã yêu cầu mỗi đứa học sinh cầm một cái gương nhỏ soi vào miệng. Ví dụ, phụ âm th trong chữ thing hoặc that. Đấy là những phụ âm khác biệt, không được quy nó về cái gì giông giống ta từng nghe. Cắn nhẹ đầu lưỡi giữa hai hàm răng, đẩy một luồng hơi từ trong họng ra đồng thời rụt nhanh lưỡi lại. Cặp phụ âm khác: d-t thì đầu lưỡi cong lại đặt lên vòm miệng, khi đẩy hơi ra thì lưỡi bật xuống tạo ra một âm nổ khô gọn... Tất cả đều được tự kiểm tra bằng cái gương: vị trí của lưỡi, của răng, của vòm miệng. Điều đó cũng cho thấy việc phát âm là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Nếu ta cố quy nó về một cái gì giông giống từng biết, thì sẽ có nguy cơ ta nói một thứ tiếng Anh như tiếng Việt. Đến đây lại xin kể một giai thoại. Vùng Bengal ở Đông Bắc Ấn Độ có dòng họ Thakur là chúa đất giàu sang nức tiếng. Khi người Anh mới đến cai trị, họ lập sổ đinh ghi họ tên dân chúng trong vùng. Ông lãnh chúa Thakur đọc tên mình lên, ông thực dân Anh ghi vào sổ: Tagore. Tên tôi là Thakur nhé. Nghe rõ rồi, tên ông là Tagore. Cứ thế, người ta nói tên mình là Thakur, mà ông thực dân Anh cứ phiên âm là Tagore. Rồi cũng trớ trêu, cái họ Tagore ấy về sau được dùng thành quen, và từ dòng họ ấy bước lên đài văn chương thế giới đại thi hào Rabindranath Tagore. Kể lại để thấy ngay cả khi có thầy giáo giỏi người Anh người Mỹ, thầy phát âm chuẩn rồi mà học sinh vẫn có thể phát âm sai. Sai, vì tai mình nghe sai. Nếu may mắn tai mình nghe đúng thì cái cơ quan phát âm của mình sai. Có lỗi hệ thống trong thanh đới, trong họng, trong mũi, tiếng Anh vốn dùng nhiều đến giọng mũi và giọng cổ. Ở nước nào thì các nhà ngôn ngữ học cũng hay than phiền rằng ngôn ngữ của mình đang bị tàn phá. Đấy là họ mới chỉ có một mảnh vườn con con và chỉ có dăm ba con thỏ vào phá rau. Tiếng Anh thì cả thế giới nói, nó như một cánh đồng mà cả đàn dê triệu triệu con vào giày xéo giẫm đạp, mỗi con chà đạp theo một cách. Ở khía cạnh khác, có người cho rằng cả thế giới nói tiếng Anh cũng có thể là may mắn cho ngôn ngữ ấy, khi mà nó được bổ sung nhiều yếu tố, trở nên sinh sắc đa dạng hơn rất nhiều. Điều này có lẽ sẽ được trở lại vào một dịp khác.
Báo Văn Nghệ số 38, ngày 17-9-2016
|