Từ thiện chẳng đâu xa Tiểu luận
Hồ Anh Thái
Tôn giáo nào cũng khuyên người ta làm
điều thiện. Một trong những điều thiện chính là làm từ thiện.
Từ hơn 2500 năm trước, trong giáo hội
của Đức Phật đã hình thành tập quán các nhà sư đi khất thực. Bằng cách
nhận đồ cúng dường của mọi người mà không phân biệt, các nhà sư muốn
chứng tỏ rằng tất thảy con người đều bình đẳng. Bằng cách nhận đồ cúng
dường, các vị còn muốn tạo điều kiện cho mọi người được làm điều thiện.
Ai cũng có cơ hội làm phúc làm đức và gửi phúc đức vào trong thiên hạ.
Hồi giáo thì quy định hẳn việc làm từ
thiện là một trong năm việc bắt buộc phải làm suốt đời. Không phải nhiều
ít tùy tâm mà hẳn hoi thành chỉ tiêu cụ thể: không chỉ người giàu mới
làm từ thiện mà ai cũng phải trích ra từ 2,5% đến 10% thu nhập hàng năm
để giúp đỡ người nghèo và trẻ mồ côi. Tiền được trao trực tiếp, không
nhất thiết phải qua một tổ chức nào. Bố thí là để thực hiện nghĩa vụ tôn
giáo và là cách để làm trong sạch số tài sản mà mình kiếm được.
Tinh thần ấy của Hồi giáo, sau mười bốn
thế kỷ, đến giờ vẫn còn hiện đại.
Thứ nhất, người ta không thể viện cớ
mình không giàu có để không phải làm từ thiện.
Thứ hai, làm từ thiện không phụ thuộc
vào thu nhập cao thấp, thấp thì số phần trăm đóng góp ít, cao thì phần
trăm nhiều hơn. Nhưng đã có quy định về mức sàn và mức trần, không được
thấp hơn 2,5% và không nhất thiết phải cao hơn 10%. Rất thực tế và rất
phải chăng, chẳng hạn 2,5% của chị lao công và 10% của các tỷ phú (hoặc
ngược lại) là vừa với khả năng đóng góp của từng người.
Thứ ba, tiền là thứ không sạch, có thể
là theo nghĩa bóng, nhưng trước hết là về nghĩa đen. Một đồng xu hoặc
một tờ giấy bạc có cả triệu bàn tay cầm đến, dính dấp mồ hôi, cả triệu
con vi trùng truyền nhiễm. Đồng tiền ấy qua tay bao nhiêu người giàu
nghèo, có khi phải đồ mồ hôi và máu, có khi phải dùng đến thủ đoạn, đến
những cách thức không hẳn đã trong sạch ngay thẳng. Đấy cũng là lý do
Hồi giáo khuyên người ta dứt khoát phải cho bớt đi để làm trong sạch số
tiền mà mình kiếm được.
Thứ tư, hãy trao trực tiếp cho người
nghèo. Trực tiếp, đấy là sự kết nối giữa những tấm lòng, không cần phải
qua trung gian. Sự thành tâm, sự trân trọng, sự sám hối nếu có, đều được
bày tỏ một cách thẳng thắn, chính diện. Và hiện đại ở chỗ: trao trực
tiếp như thế thì không có cơ hội cho sự rơi vãi hao hụt chấm mút, mà
ngôn ngữ thời nay gọi là thất thoát.
Như vậy, làm từ thiện không phải là việc
của riêng người giàu. Cũng không phải là việc của riêng tôn giáo. Vô vàn
tổ chức từ thiện trên thế giới là không tôn giáo. Cũng không chỉ là việc
của các chính phủ. Ngày nay có rất nhiều tổ chức đang rất nỗ lực xóa đói
giảm nghèo, đấy là những tổ chức phi chính phủ. Cũng không hẳn là phải
hình thành những tổ chức. Ngày nay cũng có nhiều cá nhân tự nguyện đứng
ra cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng.
Từ thiện là việc làm của bất cứ ai, bất
cứ chính phủ nào, bất cứ tôn giáo nào, bất cứ tổ chức nào.
*
*
*
Nhưng mà trong những nỗ lực rầm rộ cũng
có nhiều thứ khiến người ta ưu tư.
Có một chị bạn, về hưu chị hoạt động
năng nổ hăng hái hơn thời còn làm việc. Tháng này một chuyến đi về miền
Trung trao học bổng cho mười cháu học sinh nghèo vượt khó. Tháng sau chị
vào miền Nam thăm hỏi và trao quà cho những người phụ nữ từng bị lừa bán
ra nước ngoài. Trân trọng tinh thần làm việc và sự năng nổ nhiệt tình
của chị. Nhưng tôi biết làng quê của chị ở bắc miền Trung trường học còn
thiếu bàn ghế, học sinh có khi phải ngồi xuống nền nhà mà ghi chép bài
vở. Làng chị còn nhiều người nghèo phải lên thành phố đi làm giúp việc,
đi làm lao động chân tay. Ngay trong dòng họ nhà chị còn có mấy cháu sắp
hết phổ thông mà chưa dám định hướng đi tiếp lên đại học.
Từ thiện đâu xa. Từ thiện trước hết ở
ngay trong gia đình mình, trong dòng họ mình, trong làng quê mình.
Ngay trong dòng họ nhà mình mà giúp còn
chưa xong, sao vội nghĩ đến những nơi xa xôi. Lên đường đến với một vùng
sâu vùng xa nào đó để giúp các cháu học sinh là rất cần. Nhưng trước đó
hãy giúp cho những đứa cháu trong dòng họ có cơ hội học tiếp, đặc biệt
là nên chọn những đứa có triển vọng vươn lên mà đầu tư. Mọi sự đầu tư
đều cần đến sự khôn ngoan, sáng suốt. Không phải đầu tư tràn lan, mù
quáng.
Chị cũng đã có lần đi làm từ thiện mang
tầm quốc tế, sang tận làng quê Thái Lan, Nepal. Nhưng tôi vẫn nghĩ,
trước hết chị hãy giúp cho con cháu trong dòng họ nhà chị bớt nghèo, hãy
giúp cho làng quê của chị bớt xơ xác vườn không nhà trống.
Xin nhắc lại: mỗi người hãy trước hết
vun đắp cho dòng họ nhà mình, làng quê mình, hoặc cho cộng đồng gần gũi
xung quanh mình.
Nói như vậy có hẹp hòi cục bộ hay không?
Không hề, ai cũng biết lo cho cộng đồng gần kề thì ở đâu đâu mọi người
cũng đều có cơ hội.
Nói chỉ cần quan tâm đến cái gần kề tức
là chỉ lo cho người ở gần ta, còn những người ở xa, rất xa, sẽ không
được ai chăm lo giúp đỡ? Không hề, những người ở xa ta ấy đều có những
người ở gần họ, và những người ở gần ấy cũng cần có ý thức chăm lo cho
cộng đồng gần kề.
Có thể cũng có những cộng đồng xa tít bị
bỏ quên, lúc ấy cần đến trách nhiệm của những tổ chức chính phủ và phi
chính phủ. Lúc ấy tất nhiên cũng cần đến sự chung tay của các cá nhân
thiện nguyện.
Theo đúng tinh thần đáp đền tiếp nối
(pay it forward), chị giúp cho một đứa cháu họ xa, đứa cháu ấy học hành
đỗ đạt rồi đến một nơi xa lập nghiệp, lúc đó đứa cháu ấy sẽ tự thấy có
trách nhiệm với gia tộc và cả với những người trong cộng đồng cận kề với
nó. Từ giúp gần mà thành ra giúp xa chính là như vậy.
*
*
*
Từ bi với chúng sinh, tức là không chỉ
từ bi với con người, mà còn là từ bi với mọi sinh linh. Đấy là một lý do
vì sao có người thích nuôi mèo nuôi chó, nuôi chim cảnh cá cảnh. Họ nuôi
chim thú không hẳn là chỉ để thỏa mãn nhu cầu có đối tượng làm bầu bạn.
Những người
này hầu như rất kỳ thị những ai ăn thịt chó thịt mèo. Hoặc thất vọng với
những ai không thấy được vẻ đẹp của những con vật cảnh. Tất nhiên những
người không nuôi thú cảnh có lý do riêng của họ, không hẳn là kẻ thô
thiển thiếu tình thương thiếu tâm hồn. Nhà thơ Nga Robert Rozhdestvensky
từng giễu cợt kiểu người hoang vắng tâm hồn, không say mê thơ ca nghệ
thuật, không thích thú gì chuyện thần tiên, tỏ ra cục súc trước cái đẹp
của muông thú: Họ tồn tại không tin vào chuyện cổ / Đi vào thơ như đi
vào nhà thờ / Bắt chim phượng để rán ăn, và họ / đem cá vàng nấu xúp cho
bữa trưa…
Nhưng ở nhiều người, yêu thú nuôi thì
yêu một cách thái quá. Họ không hẳn đã yêu thương tha thiết một con
người, nhưng chắc chắn là yêu thú nuôi như người, hơn người. Con mèo
chạy qua đường bị ô tô đâm chết, chị ta đã khóc mấy ngày trời, người
thân chết cũng không khóc nhiều đến thế. Con chó không đeo rọ mõm, đi
cắn càn đâu đấy, bị người ta đánh cho què chân, thế là bà ấy chửi. Chửi
từ đầu làng đến cuối xóm, thậm chí nếu tìm ra thủ phạm thì xung đột có
thể dẫn đến án mạng.
Một mạng chó còn quý hơn mạng người. Sẵn
sàng bảo vệ chó mèo đến mức có thể đánh người giết người. Một con berger
có thể được ôm ấp vuốt ve chiều chuộng, mỗi ngày xơi vài ba lạng thịt
bò, trong khi còn biết bao con người vất vưởng ngoài kia, ốm đau thiếu
đói.
Ôi chao, tình yêu súc vật! Từ bi với con
vật mà từ chối từ bi với con người.
Thời gian ở nước ngoài, tôi có quen một
số người có tình yêu đặc biệt đối với thú nuôi. Yêu cả thú hoang nữa.
Ông ta bà ta mua cả bao tải thức ăn lương khô cho chó hoang mèo hoang
khỉ hoang. Đến giờ là ra trước cửa, cả đàn chó hoang khỉ hoang từ bên
bìa rừng bìa công viên mò đến. Ông ấy bà ấy cho chúng ăn, nhìn chúng
trìu mến, cám cảnh thương xót cho lũ thú hoang lang thang bơ vơ.
Tốt thôi. Tình yêu muông thú cũng có khi
dẫn lối cho người ta đến với tình yêu chúng sinh, tình yêu nhân loại.
Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Vẫn
có chuyện yêu chó mèo hơn người. Trong lúc ông ấy bà ấy đang thương cảm
cho lũ thú hoang bơ vơ, chắc không phải lúc nào họ cũng nghĩ đến ở công
viên bên kia đường, còn nhiều lắm những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ mà
chẳng được đoái hoài.
|