Tiệm Chạp Phô Lê Văn Nghĩa
Những thằng nhỏ Chợ Lớn như tôi, kiếp “mưu sinh” của nó gắn liền với cái
tiệm chạp phô. Nói “mưu sinh” cho có vẻ người làm ăn khổ cực chứ thực ra
kiếp mưu sinh của tụi tui là giơ tay ra xin tiền ba má. Còn ngon lắm, có
lao động thực sự là đi kiếm ve chai ở nhà, cất vào góc; hay ngon hơn nữa
là xin được cái tĩn nước mắm bán cho ông chệt ve chai là có tiền
đến…tiệm chạp phô . Thật sướng phà phà.
Tôi không biết những xóm nhỏ ở Sài Gòn, Gia Định ngoài khu vực Chợ Lớn
có tiệm chạp phô hay không vì chủ những tiệm chạp phô thường là người
Hoa. Mà người Hoa thường ở Chợ Lớn. Đa số họ cũng là những người giàu
hơn những người nghèo Việt Nam một chút. Không có vốn buôn bán lớn,
những người Hoa ở trong những con xóm nhỏ của những con đường nhỏ mở một
tiệm chạp phô cũng chẳng lớn bán cho bà con sống lân cận.
Mà nghĩ đi, nghĩ lại chủ tiệm chạp phô cần người mua thì người mua cũng
cần tiệm chạp phô. Muốn mua sợi chỉ, cây kim, cái chén, đôi đủa, cuốn
tập, giấy ca rô viết đơn , viên đá lửa cho “hộp quẹt”(bật lửa mở nắp-bây
giờ coi như là đồ thời tiền sử, chỉ dành cho các nhà sưu tâp)
những vật nhỏ xíu xìu xiu, viên
thuốc cảm …không lẽ phải đạp xe hay cuốc bộ ra chợ. Ấy, cái tiệm chạp
phô như cái túi ảo thuật thần kỳ, cứ bỏ tiền vào tay chủ tiệm thì có thể
có ngay món hàng mình đang cần.
Đọc vở kịch “Hồn tôi ở tận miền Sơn Cước” của Wiliam Saroyan tôi luôn
nhớ đến cảnh thằng con trai của nhà thơ chưa gặp thời luôn phải đến cửa
hàng bánh mì, thịt và rượu ở một thị trấn nhỏ để mua chịu- một con nợ
triền miên mút mùa lệ thủy chi vương. Và sau cuộc mua bán, cằn nhằn thì
giữa ông chủ và thằng nhỏ là một mối quan hệ tình thương mến thương.
Hình ảnh ông chủ cửa hàng nầy
làm tôi nhớ đến hình ảnh chủ tiệm chạp phô của xóm nghèo nhà tôi. Đó là
bà Sẩm tiệm. Một tên gọi rất thân thương như vừng ơi, mở cửa ra. Còn
đàng này là “đến bà Sẩm tiệm mua hai đồng nước mắm”. Thế là tôi cầm
chén, cầm tiền chạy ngay đến tiệm chạp phô của bà Sẩm tiệm. Sẩm là á
sẩm-người phụ nữ- bà là một phụ nữ người Hoa khỏng 50 tuổi, người ụt ịt
vì mập. Nước mắm, có ngay nước mắm. Mỡ, có ngay mỡ. Người xóm nghèo,
nhiều khi không có đủ tiền mua một tĩn nước mắm nên
bà Sẩm tiệm khui tĩn nước mắm ra bán từng vá nhỏ như chia sớt cái
nghèo cho nhau để vượt qua kiếp sống chật vật. Bà thắng một ký mở nước
rồi cất trong hũ sành, múc ra từng muỗng bán cho nhiều thằng nhỏ trong
xóm nghèo về chiên cơm, chiên hột vịt. Thằng nhỏ nào? Nhiều khi là cả
gia đình nó chan mỡ vào chén cơm nóng, rồi chan miếng nước mắm-cũng của
bà Sẩm tiệm. Sang hơn có thể mua con khô treo tòn teng, miếng thịt lạp
trong túi ni long treo lủng lẳng cái thèm. Bà Sẩm tiệm và tiệm chạp phô
của bà đi vào từng gia đình xóm nhỏ, nuôi những thằng nhỏ trở thành
thằng lớn đi học trung học. Những thằng nhỏ, nhiều khi cầm hai đồng đi
mua nước mắm chỉ mua đồng rưỡi, ăn lời năm cắc mua cà rem. Đó là khi má
nó có tiền. Nhưng cũng rất nhiều lúc nó
mở cuốn sổ nợ ghi bằng miệng và trí nhớ “lần nầy cho má con thiếu ba
đồng mua xà bông”, “bà cho má con thiếu bốn đồng mua nhang nhe, cuối
tháng má con trả” “ hai mươi lăm “tồng” dzồi nha”, “à quên, thêm một
đồng bánh men nữa”. Đồng bánh men nầy là tôi mượn danh má tôi để trám
vào cái lổ miệng đang thèm ngọt vì chơi nhiều mất sức.
Tiệm
của bà Sẩm bán đủ thứ tha hồ cho má tôi thiếu, đúng là chạp phô. Chạp
phô là đọc theo giọng Quảng Đông có nghĩa là tạp hóa. Như những những
ngôi nhà của người Hoa nghèo, tiệm chạp phô của bà Sẩm tiệm hơi tối và
luộm thuộm. Trong góc nhà là những tĩn nước mắm đặt cạnh những thùng
thiếc dầu hôi. Tôi không biết có khi nào bà nhầm lẫn khi bán đầu hôi
thay vì nước mắm cho khách hàng không? Rồi nào là những khạp đựng tương
hột, những hủ đựng đường trắng, đường vàng nằm trên kệ cạnh những hũ
đựng cà phê bột, những hũ bánh men, bánh tây. Đó là những món hàng tôi
thường mua nên đễ ý biết chứ còn những món “lạ lùng” nằm phía trong
những cái tủ kiếng. Có thể đó là những gói thuốc cảm, những gói thuốc
ho, những viên Aspirin …những loại thuốc tiện dụng mà các tiệm chạp phô
được chính phủ cho phép bán. Một
mình bà thu tiền, bán hàng coi sóc tiệm còn ông chồng A Quẩy thì chạy đi
lấy hàng. Vì gặp khách hàng, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ hàng ngày nên
bà trở thành người biết chuyện
nhà của từng gia đình trong xóm. Có nhiều người lớn, khi đến tiêm chạp
phô không chỉ đến mua hàng, mà còn được nghe bà giới thiệu hàng mới, hay
ngược lại, họ tâm sự về những chuyện trong gia đình. Nhiều thằng nhỏ như
tôi, thỉnh thoảng được bà hỏi “ Nị học tới mấy rồi, xỉu học hay tài
học?” rồi lấy cho cục kẹo ngậm chơi. Cái chiêu nầy rất ác đạn, nó làm
những thằng nhỏ gì thì gì cũng phải đến mua hàng bà Sẩm tiệm. Mấy thằng
bạn thường chọc nhau “thằng đó nó vô tiệm bà Sẩm tiệm mua dấm sủ đó.”
Rồi cả đám cười vang khi biết dấm sủ nói lái lại là dú sẩm.
Bẳng đi một thời gian, sau khi bôn ba, quay trở về xóm cũ ngày xưa khi
công chưa thành danh chưa toại thì thấy tiệm chạp phô ngày xưa đã trở
thành tiệm tạp hóa. Của hàng trông sạch sẽ hơn, sáng sủa hơn, cô gái bán
hàng thì đẹp hơn bà Sẩm tiệm, bán một số hàng hóa thiết yếu nhưng nước
mắm, bịch muối, bịch tiêu, mỡ , tương cà cho bữa ăn hàng ngày người mua
phải đi vào chợ. Đã chuyên biệt hóa rồi, người mua phải đi tìm đúng chỗ
nhe. Và rồi nhiều năm sau nữa, khi thằng nhỏ đã trở thành ông già về hưu
thì tiệm tạp hóa đó đã trở thành một cửa hàng tiện lợi. Nằm trong
sự tiện lợi của đời sống công nghiệp thành phố ta góc đường nào cũng có
những cửa hàng… tiện lợi, với nhiều hàng hóa thiết yếu, đèn đuốc sáng
choang. Thời kỳ đánh dấu sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Nhân viên
lịch sự, khách hàng phải sắp hàng, tiền bỏ vào két nghe cái keng, cái
hóa dơn chạy tòi ra từ máy tính tiền thì hết phương mở sổ nợ. Khách hàng
đến, khách hàng đi. Nhân viên đến, nhân viên đi…chẳng buồn có một cái
vẫy tay chứ ở đó mà tâm sự đời tôi cô đơn, nghèo khó nhà chỉ có ba tầng
lầu. Sau khi mua bán, ta chỉ có hàng và tiền thối lại. Tôi thấy bóng
hình thằng nhỏ trong tiệm chạp phô đứng nhìn hủ bánh, gói me ngào đường.
Bây giờ nó đi lanh quanh trong cửa hàng tiện lợi để tìm lại tuổi thơ
không tìm lại. “ Há cái lầy, lại mua thiếu chịu nữa hả? 32 “tồng” năm
cắc . “lói” má nị mau trả tiền ngọ “li” mua hàng chớ”. Tôi tự hỏi cái gì
đã trôi qua ở đây? Thời gian đã mất chăng?
Còn ai nhớ ngày xưa, Chợ Lớn từng có những tiệm chạp phô !
LVN T |