Xa Xôi Mực Tím
Đôi lúc bỗng nhiên-như lời bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng - ngồi cười
một mình. Cười thinh không, rồi chợt nhớ lại bóng hình thằng mình…
Thằng mình, một thằng tuổi nhỏ-nhỏ của đá cá, của lứa tuổi bắt dế, nắm
râu dế, quay vòng vòng thổi vào đầu dế cho đến khi nó “ré” lên rét rét.
Thế là vào cuộc đá dế chiếm ngôi vô địch dế. Rồi những ngày vô địch dế
cũng phải nhập trường. Thế là hết-mùa hè đã hết –những ngày thả diều,
bắt dế, chạy nhảy trên cánh đồng tuổi xanh…
Tưởng rằng hết hè sẽ không vui. Nhưng những thằng mình lại có cái vui
khác. Thú vui rộn ràng của
ngày tựu trường, gặp lại bạn bè và thầy cô. Trước hết, phải gặp lại chú
Năm Dầu-chủ tiệm tạp hóa nho nhỏ ở khu chợ Cầu Bót (quận 6-Chợ Lớn) để
mua mười cuốn tập 50 trang, 100 trang hình bìa có hình một ông đội nón,
ngồi trên chiếc xe xích lô máy. Thằng mình không thích tập Olympus có
hình ông lực sĩ cầm cây đuốc bên trái đất to đùi đụi vì giấy không láng
bằng tập xích lô máy. Thằng mình mua thêm 10 giấy bao tập màu xanh dương
cùng với 10 miếng giấy nhãn để ghi họ tên và lớp. Khỏi cần nói, chú Năm
Dầu thấy mua tập là ổng đã chuẩn bị cho giấy bao và giấy nhãn. Chú quá
rành vì thời gian trước ngày tựu trường một vài hôm chú đã lên khu chợ
bán sĩ đường Khổng Tử (Hải Thượng Lãn Ông) mua về để bán cho các học
sinh các trường tiểu học vùng Chợ Cầu Bót. Mang mớ tập về nhà, những
thằng mình tự vuốt nếp, bao lấy tập vỡ. Có thằng bạn, nhà nghèo chỉ cần
lấy giấy nhựt trình bao lại bìa tập rồi cắt miếng giấy trắng tự làm nhãn
là xong. Chưa hết, thằng mình còn mua thêm cái cán bút có ngòi viết lá
tre hiệu Le Coq, một bình mực tím bằng nhựa, có ngăn để không đổ ra
ngoài. Phải mua ngòi viết lá tre nét chữ to nhỏ, viết mới đẹp nha. Ấy
vậy mà, mỗi chiều đi học về tay thằng mình dính đầy màu tím . Ngày xưa
xa xôi tay đầy mực tím. Mực tím viên, mực tím mồng tơi lấp đầy tuổi thơ
tiểu học. Một ký ức tím !
Ngày nhập trường, không cần coi bản đồ lớp ở đâu vì đã biết lớp cố định
ở phòng nào. Nhìn mặt những thằng mình đều quen từ lớp dưới. Thi thoảng
có một hai thằng nhỏ ở đâu “lạc” vào bổ sung. Rồi như một cây cà lem
ngọt, quen nhau như quen mùi cà lem. Khi cô vào, cả lớp đứng lên. Xì
xào, cô đẹp quá. Cô cũng biết cười. Bảo các em ngồi xuống. Dạ, cô. Bầu
liên toán trưởng. Xong cô bảo liên toán trưởng lấy giấy của cô xuống văn
phòng nhận sách giáo khoa về phát cho từng đứa. Ôm cuốn sách mới, hửi
thơm phức. Không tranh giành hay tỵ nạnh vì sách của những thằng mình
đều giống như nhau - có khác chăng là thằng nào đọc mau hiểu bài. Thằng
bắn đạn (bi ve) giỏ trong giờ ra chơi chưa chắc học bài đã giỏi…
Những thằng mình của những năm tiểu học rồi cũng xa nhau. “Đời trăm muôn
góc phố” mỗi thằng tìm đến một trường trung học. Giỏi thi đậu thì vào
trường công, không thì vào trường tư. Nhiều thằng gia đình nghèo không
đủ sức học trường tư đành chọn con đường vào đời bằng cách đi theo học
một nghề nào đó. Chỉ có những thằng mình chưa sống nỗi bằng tay thì nhớ
ôm mớ chữ vào lòng. Vẫn đến gặp chú Năm Dầu hàng năm, mua tập mua giấy
bao nhưng không còn mua ngòi viết lá tre nữa. Lớn rồi, không thể viết
bằng ngòi viết lá tre. Viết máy Pilot, hút mực từ bình một lần có thể
viết được hai ngày, nhanh vì khỏi chấm mực. Nếu không đủ tiền, thằng
mình có thể mua cây viết máy của mấy chú ba sản xuất, rẻ rề nhưng vẫn là
viết máy, gắn lên túi trông ra là người học sinh trung học. Người học
sinh trung học nói cho nó oai nhưng ngày đầu tiên đến ngôi trường oai
phong Petrus Ký ở đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ bây giờ) vẫn lơ ngơ láo
ngáo. Này nhập học chẳng tróng dong, cờ mở cứ tự nhiên vào trường, tìm
bản đồ lớp mà ngồi. Rồi ông thầy đầu tiên vào lớp như đã quen nói vài
lời chào mừng mấy thằng ẩm ương, nửa con nít, nửa thanh niên rào rạt mụn
trứng cá đã trở thành học sinh trung học ở một ngôi trường nổi tiếng sau
khi mửa mật học luyện thi đệ thất và tranh dành chỗ ngồi khi cùng nhau
qua một kỳ thi tuyển. Ngày học đầu tiên cũng bình thường, không làm lễ
khai giảng bế giảng gì trọi làm thằng mình không có cảm giác khác biệt
gì với ngôi trường tiểu học xưa cũ ngoài chương trình học. Trường của
các anh lớn không phát sách giáo khoa. Thầy cho tên quyển sách, tự đi
mua của tác giả nào tùy theo ý thích và túi tiền. Anh văn thì cứ mua
Let’s Learn English. sách cũ, sách mới đều được miễn là Let’s Learn
English. Toán, Lý, Hóa sách của tác giả nào cũng được, mới cũ gì cũng
được miễn là có sách, nếu không thì thiệt thòi. Học suốt bốn năm trung
học đệ nhất cấp (cơ sở), chẳng biết mặt thầy hiệu trưởng đẹp trai hay
xấu lão mà chỉ thấy các thầy giám thị vì chưa hề được nghe thầy triệu
tập dưới cờ ban lời giáo huấn toàn trường buổi nào cả. Ấy thế mà vẫn từ
từ, tà tà lên lớp từng mùa hè, hùng dũng hiên ngang “Học sinh là người
tổ quốc mong cho mai sau”…Hát lên các thằng mình, “học sinh là người hủ
tíu ăn hai ba tô”. Chỉ tội nghiệp cho má thằng mình, biết con mình dù du
côn, lêu lổng nhưng cũng được học trường nổi tiếng mà chưa hề biết cái
trường đó ở đâu vì má thằng mình có bao giờ họp phụ huynh đầu năm nghe
đóng góp cuối năm nghe tổng kết xếp hạng đâu. Thầy trò thằng mình học
sao, dạy sao má chẳng cần biết chỉ lâu lâu cho tiền mua tập vở, mua sách
tí đỉnh thôi…
Tính ra xài hết nhiều cây viết máy “lô can”,
bốn cây viết Pilot và một cơ số
đáng kể viết Bic, viết bấm, gần 200 cuốn tập, mua đi bán lại sách giáo
khoa ở cửa hàng sách cũ quen như mặt mốc mới lấy được “bác đơ” (tú tài
2) như ai. Trường ơi, xin chào và bây giờ những thằng mình ngồi nhớ mi
vô cùng. Ôi cái thời những thằng mình đã bắt đầu nổi mụn khi hát “khỏe
vì nước bánh ướt tôm khô, người học sinh
năm cắc một tô” …(Nhại bài hát của nhạc sĩ Hùng Lân :Khỏe
vì nước, kiến thiết Quốc Gia. Đoàn thanh niên ta góp tài ba…)
LVN
|