Văn Nghệ Sài Gòn Và Vai Trò Của BS Trần Kim Tuyến
Nhà thơ Nguyên Sa là người có cảm tình nhiều với ông Trần Kim Tuyến.
Trong quyển Hồi ký Nguyên Sa có 4 phần, nhà thơ đã dành
hẳn một phần gồm 9 chương (73 trang) để nói về ông Trần Kim Tuyến. Ông
Trần Kim Tuyến là ân nhân của nhà thơ Nguyên Sa, đã từng cứu nhà thơ ra
khỏi tù từ thế lực Đoàn công tác miền trung của Ngô Đình Cẩn.
Nguyên Sa cho biết “BS Tuyến là người có nhiều xu hướng nghệ
thuật, Thời trẻ ông viết kịch, làm thơ, soạn nhạc và vẽ. Tôi thấy ông có
nhiều liên hệ với giới nghệ thuật, nhưng không thấy ông làm công việc
này trong thời gian ông quyền khuynh thiên hạ.” (Sđd, tr.322).
BS Trần Kim Tuyến- giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội - một cái
sở tưởng như không có vai trò gì trong một văn phòng rất nhỏ đặt phía
sau dinh Độc lập. Sở Nghiên cứu Chính Trị và Xã hội (thường được gọi rút
gọn là Sở Nghiên cứu Chính trị và có tên gọi tắt là Phòng 4 (S.N.C.C.T)
là một trung tâm tình báo chiến lược, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của
cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu, có nhiệm vụ trấn áp các phe phái đối lập,
chỉ huy toàn bộ các nhóm tình báo, mật vụ, cảnh sát đặc biệt và phần nào
kiểm soát các đơn vị đặc nhiệm chống đảo chính. Trần Kim Tuyến đã được
anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu đưa vào làm giám đốc phòng 4 cho
tới tháng 9-1963. Sở N.C.C.T của ông Tuyến là nơi cung cấp cho “ông cụ”
những tướng lãnh quân khu, những bộ trưởng khi “ông cụ” cần người “cai
quản”. Chính ông Trần Kim Tuyến đã chỉ đạo Trần Thiện Khiêm về cứu giá
Tổng thống Diệm khi bị tướng Nguyễn Chánh Thi làm đảo chính vào năm
1960.
Đó là về phương diện chính trị, quân sự nhưng Sở N.C.C.T dưới thời của
Trần Kim Tuyến còn liên quan nhiều đến chuyện văn chương, chữ nghĩa.
Được biết bác sĩ Trần Kim Tuyến là người có máu văn nghệ từng là tác giả
một số bài thơ và một quyển sách dịch (theo lời kể của nhà văn Phan Kim
Thịnh-người đã từng làm dưới quyền Trần Kim Tuyến cho biết ). Sau đảo
chính 1 tháng 11 năm 1963, Trần Kim Tuyến trở về Sài Gòn. Tuy nhiên,
chính quyền mới không trọng dụng ông vì quá khứ liên hệ quá chặt chẽ với
chế độ Ngô Đình Diệm. Trần Kim Tuyến chuyển sang viết báo cho nhật báo Xây
dựng, và là cây bút bình luận của nhật báo Chính luận dưới
các bút danh Thảo Lư và Lương Khải Minh trong suốt gian đoạn 1964–1975.
Năm 1971, ông cùng với giáo sư Cao Thế Dung xuất bản bút ký Làm thế
nào để giết một tổng thống? dưới bút danh Lương Khải Minh.
BS Trần Kim Tuyến chi tiền cho Hoàng Kim Dân (Lý Hoàng Phong, tên thật
Đoàn Tường) làm tờ nguyệt san chính trị văn học nghệ thuật Quê hương sau
khi tờ nầy ra số 1 ra vào tháng 7-1959, tòa soạn tại 23 Phùng Khắc
Khoan. Số đầu tiên có bài của Mặc Đỗ, Vũ Quốc Thúc, Trần Văn Minh, Vũ
Hạnh. Số thứ hai có bài của Ngô Đình Nhu , Từ Chung. Thành phần cộng
tác gồm có Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Cao Hách, Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Hảo,
Từ Chung, Nguyên Sa, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sĩ
Tế, Vũ Hạnh…Sau nầy Nguyễn Cao Hách thế vai của Hoàng Kim Dân.
Ông còn chi tiền cho Nguyên Sa ra mắt tờ Hiện đại với sự chăm sóc
của Thanh Nam và Thái Thủy, tờ Thế kỷ 20 do Nguyễn Khắc Hoạch chủ
xị. Ông còn giới thiệu cho một cơ quan Mỹ chi tiền cho Mai Thảo lập tờ Sáng
tạo – thay thế tờ Người Việt. Trước khi rời khỏi Sở N.C.C.T,
với uy thế của mình,Trần Kim Tuyến đã giúp cho Phan Kim Thịnh thành lập
tạp chí Văn học bằng những quảng cáo dài hạn để ông Thịnh có thể
nuôi tờ báo từ số đầu tiên đến năm 75. Tác giả gởi cho viet-studies ngày 20-2-21 |