Khoảng giữa thập niên 1990, Lữ Phương có viết 3 bài về Chủ nghĩa xã hội mác-xít. Những bài này đã được nhiều người sao chép (có chỗ thiếu, sai) và chuyền nhau đọc. Được anh Lữ Phương cho phép, viet-studies xin đăng lại đây bản gốc của tác giả, có tu chỉnh chút ít, để các bạn làm tư liệu.

 

Lữ Phương


Ba bài viết về Chủ nghĩa xã hội mácxít

Bài 1: Phản ánh luận mácxít-lêninít
Bài 2: Vấn đề Lao động trong học thuyết Mác
Bài 3: Chủ nghĩa xã hội mácxít & chủ nghĩa xã hội hiện thực

 


 

Bài 1

 

Phản ánh luận

mácxít-lêninít

 

 

Hai xu hướng triết học

 

Theo những nhà lý luận mácxít xô viết (trước đây) thì phản ánh luận duy vật biện chứng, duới hình thức tồn tại như hiện nay, đã là những nguyên lý "khoa học" định hình thành một hệ thống những luận điểm nhất quán, đặt dưới cái tên chung là phản ánh luận mácxít-lêninnít: phản ánh luận này, xét về nguồn gốc, là do Mác và Angghen tạo ra, nhưng sau đó đã được Lênin phát triển làm cho hoàn chỉnh hơn [1]. Về vai trò của Lênin trong vấn đề này, chắc chắn là chúng ta sẽ phải nói tới, nhưng đối với những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác về phương diện lịch sử thì việc đồng nhất Mác với Angghen ở đây là không thoả đáng: tuy nhất trí với nhau trong mọi kết luận liên quan đến cách mạng vô sản cùng những chiến lược và chiến thuật để thực hiện cuộc cách mạng ấy, nhưng xét về mặt triết học, Mác và Angghen lại có những quan điểm không giống nhau – và điều đó đã biểu hiện không đâu rõ bằng ở cách hai ông giải quyết vấn đề mà Angghen gọi là vấn đề cơ bản lớn của triết học, tức là vấn đề mối quan hệ giữa ý thức và tồn tại, giữa tinh thần và vật chất [2].

         2. Theo sự thừa nhận của Angghen thì tuy đã góp phần xây dựng nên chủ nghĩa Mác, ông vẫn nghĩ rằng phần đóng góp ấy của ông là rất giới hạn: nếu có thì chỉ trong vài lĩnh vực mà ông gọi là "chuyên môn", còn đại bộ phận những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và lịch sử đều là công lao của Mác [3]. Đọc kỹ những tác phẩm kinh điển mácxít, chúng ta thấy rất rõ ý nghĩa của những chỉ dẫn ấy. Trong những bàn luận có liên quan đến phản ánh luận, chúng ta thấy có những tác phẩm Angghen viết chung với Mác – như Gia đình thần thánh (1845), Hệ tư tưởng Đức (1846) – và những cuốn ông viết riêng – như Biện chứng của tự nhiên (1876), Chống Duhring (1878)[4], Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học (1880), Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886). Nếu đọc những tác phẩm ông viết chung với Mác rồi so sánh với những tác phẩm của bản thân Mác liên quan đến vấn đề đang nói tới – như Luận cương về Feuerbach (khoảng 1844-1847), Sự khốn cùng của triết học (1847), Ngày mưởi tám sương mù (1852), Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1857), Tư bản (Tập I, 1867) – chúng ta thấy các lập luận nhìn trên tổng thể là nhất quán, phản ánh sự thống nhất về đặc trưng trong triết học của Mác, nếu Angghen có góp gì vào thì chỉ là phụ. Trong khi đó thì nếu đọc những tác phẩm của riêng Ăngghen, chúng ta thấy cách lập luận ở đây đã đi theo một thứ lô gích độc lập rất dễ nhận ra. Căn cứ vào sự phê bình nội tại, đi sâu vào tác phẩm, rất nhiều nhà nghiên cứu đã có đầy đủ lý do để nhìn thấy ngay từ cội nguồn của chủ nghĩa Mác hai xu hướng triết học khác nhau mà sự khởi điểm khác nhau ấy chính là lý luận về phản ánh [5].

 

"Nhận thức luận” của Mác

         

1. Hãy nói trước hết đến đối tượng của chủ thể nhận thức. Đối với Mác đối tượng ấy không phải là cái thế giới tự nhiên ở ngoài con người, tồn tại như một thực thể tự thân chưa có sự tham dự của con người, có trước lịch sử con người. Cái thế giới ấy không phải là không tồn tại và cái "vị trí thứ nhất" của nó so với con người là không thể phủ nhận [6] nhưng theo Mác thì một sự phân biệt như vậy chỉ để phân tích đến cùng sự khác nhau giữa con người và tự nhiên thôi [7]. Mác không hề phủ nhận điều đó nhưng vấn đề ở đây lại được đặt ra theo một chiều hướng hoàn toàn khác: khi chủ thể tiếp xúc với cái ở ngoài nó thì cái thế giới khách quan ấy lại không phải cái gì khác hơn là "tổng số những hoạt động sống và cảm giác được của những cá nhân họp thành thế giới ấy" [8], và điều đó có nghĩa là cái thế giới đó không phải là một thực tại lạnh lùng, khách quan mà chính là môi trường gắn liền với con người như một thứ "thân thể vô cơ" [9], ở đó cảm giác không phải chỉ là sự nhận thức của tư duy mà còn là cái sống thực bao gồm tất cả những gì tạo nên con người, từ cảm tính khởi đầu của tri giác, sự ham muốn, đến ý chí thúc đẩy hành động nữa. Nói cách khác đó là cái thế giới đã được nhân hoá trong suốt quá trình phát triển của loài người. Đó là cái thế giới đã trở thành văn hoá, là cái hành tinh xanh này mà sự chinh phục của con người đã làm mất dần tính tự nhiên, hoang dã, nếu còn một chỗ nào như vậy thì hoạ hoằn chỉ là mấy hòn đảo san hô mới hình thành ở châu Úc mà thôi [10]. Đối tượng của ý thức của con người chính là thế giới của con người.

          2.  Mác đã gọi mối quan hệ giữa ý thức và cái khách thể nói trên là mối quan hệ giữa ý thức xã hội tồn tại xã hội.  Không thể hiểu rõ thêm ý nghĩa của mối quan hệ này nếu chúng ta không nhớ lại tiền đề quan trọng sau đây của ông:

“ Ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là tồn tại được ý thức và tồn tại của con người là quá trình đời sống hiện thực của con người" [11]

Ý nghĩa trước nhất của khẳng định trên đây là hiện thực của con người làm ra cũng tất yếu là hiện thực mang tính xã hội, là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài của xã hội loài người với tư cách là một cộng đồng, cái hiện thực ấy được con người ý thức, làm ra một cách có ý thức, vì thế ý thức về hiện thực cũng tất gắn liền với hành động cải tạo thế giới và giao tiếp với nhau của xã hội loài người. Mối quan hệ giữa ý thức và hiện thực như vậy là mối quan hệ thống nhất về cấu trúc, không thể tách rời ra thành hai phần riêng biệt được.  Ý thức của con người không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là tồn tại được ý thức –  chúng ta đừng quên điều đó. Nhưng tại sao tồn tại xã hội lại quyết định ý thức xã hội chứ không phải là ngược lại như Mác đã khẳng định tiếp [12]? Điều này không có gì khó hiểu khi chúng ta biết rằng đối với Mác hiện thực thứ nhất của con người chính là hành động thực tiễn của con người, và chỉ có trong khi hành động cải biến thế giới thì ý thức mới là ý thức xã hội, mới biểu hiện được mình như là ý thức xã hội. Ý thức trong học thuyết của Mác vì vậy không phải là một thứ ý thức nói chung hướng về một thứ tồn tại nói chung, cũng không phải là ý thức của một cá nhân riêng lẻ tự thấy đầy đủ với những cảm nhận trực tiếp về ngoại giới hoặc chỉ là những phạm trù, những cái khuôn có sẵn sau đó gò nắn các hiện tượng của hiện thực theo hình ảnh của chúng: bao giờ nó cũng gắn liền với một thực tại lịch sử nào đó trong quá trình phát triển của con người để mang những nội dung cụ thể (ý thức đàn bầy thời thái cổ, ý thức hư ảo trong xã hội tư sản...), vì thế để hiểu được thực chất của ý thức, Mác cho rằng người ta không thể dừng lại ở bản thân nó, hoặc giải thích nó bằng một thứ ý thức khác mà trái lại phải đem trả nó trở về với cái hiện thực đã mang ý nghĩa cho nó.

          3. Triết học của Mác không xem thường vai trò của ý thức hoặc chỉ giao cho ý thức một hoạt động gọi là "tương đối độc lập" đối với tồn tại như người ta thường quan niệm. Luận điểm tồn tại quyết định ý thức của Mác chỉ có ý nghĩa đề cao điều kiện về tính chân thực của ý thức, bắt buộc ý thức phải gắn chặt với tồn tại xã hội, biểu hiện cho được tính khách quan của tồn tại xã hội. Nhưng những điều kiện này Mác cho rằng từ khi có lịch sử đến nay, loài người chưa hề có được, vì lẽ tất cả những hình thái kinh tế xã hội đã xuất hiện trong lịch sử từ trước đến nay đều chỉ là những "cộng đồng hư ảo" [13], những cộng đồng chưa bao giờ có được sự nhận thức đúng đắn về bản thân: tất cả đều tồn tại trong mù quáng như những thực tại tự nhiên bởi vì những sản phẩm mà con người làm ra đã bị biến thành những thứ đồ vật thống trị lại con người như những thực thể huyền bí, xa lạ, tập trung rõ nhất trong chế độ tư bản với cái ý thức huyễn diệu của nó. Trong chế độ này, con người đã bị các điều kiện sinh sống làm cho trở thành những cá nhân biệt lập với nhau, cạnh tranh chí chết để tồn tại, còn nếu có quan hệ với nhau thì chỉ thông qua cái định chế trao đổi các thứ hàng hoá mà họ làm ra, một thứ định chế vô ngã, vô danh, phi nhân tính: xã hội tư sản, trong sự mô tả của Mác vì thế là một thứ tồn tại xã hội đã bị vật hoá, thoát khỏi sự kiểm soát của ý thức, nó có tác dụng tạo ra những trung gian mờ đục che dấu mối quan hệ trực tiếp giữa người và những sản phẩm mình làm ra, giữa người và người, giữa xã hội và thiên nhiên. Ý thức trong xã hội ấy tất yếu không phản ánh chân thật thực tại khách quan, trái lại đã phủ lên đó một màn sương thần bí, có tác dụng lừa dối con người. Đó chính là tình trạng ý thức bị tách rời hiện thực để bay lên vương quốc của ảo tưởng –  trên đám mây ấy, ý thức tưởng rằng đã có đủ khả năng và quyền lực mầu nhiệm để giải thích được mọi bí mật của trần thế và "cứu vớt" được trần thế khỏi những sai lầm mê muội của nó.

          4. Các giai cấp cấu tạo nên xã hội tư sản, bị cuộc sống làm cho phân rã thành những bộ phận xa lạ với nhau đã không thể nào nhìn ra được cái nguyên nhân sâu xa quyết định số phận của mình: tất cả đều ngụp lặn trong cái hiện thực cục bộ của bản thân và tự giam hãm trong đó, tưởng rằng mọi việc đều là "tự nhiên". Đối với giai cấp tư sản thì đó là cái ảo tưởng về sự bất biến của chế độ tư bản được bảo vệ bởi những khái niệm phổ biến như "nhân quyền", "dân chủ", "phát triển": giai cấp tư sản giương những chiêu bài ấy lên khởi đầu để tự giải phóng nhưng sau đó là để lừa dối các giai cấp bị nó áp bức; trong khi đó nó lại không hề biết rằng trên thực tế khách quan chế độ tư bản vẫn chỉ là sản phẩm tạm thời của lịch sử. Đối với những giai cấp khác thì tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Giai cấp tiểu tư sản, do địa vị đứng giữa hai giai cấp tư sản và vô sản, cho nên trong ý thức đã nẩy sinh ra con đường "dung hoà", muốn làm nhẹ đi mọi đối kháng thực tế giữa hai giai cấp ấy [14]. Đối với giai cấp tiểu nông thì sự tệ hại còn nhiều hơn. Bám vào mảnh đất cỏn con để sinh sống một cách cô lập và riêng lẻ, không có điều kiện tập hợp thành tổ chức để bảo vệ quyền lợi, giai cấp tiểu nông đã phải nhờ đến người khác làm đại biểu cho nó, mà kỳ lạ thay, người đó lại không phải ai khác hơn chính là ông chủ của nó, kể cả cái ông nhà nước trong tay nắm được quyền lực vô hạn đã mang lại cho nó cảnh mưa thuận gió hoà [15]. Còn giai cấp vô sản thì thế nào? Theo sự trình bày của Mác thì giai cấp này, khi còn sống trong tình trạng tự phát, cũng có lúc không thoát khỏi cái xiềng xích tinh thần mà xã hội thống trị đã tròng lên ý thức của nó: nếu không chìm đắm trong sự mất nhân tính hoàn toàn thì những hành động tích cực có thể có của nó, cao nhất, cũng không thể vượt khỏi những "mưu toan giải phóng mình ở đàng sau lưng xã hội" [16], tức là cái biện pháp mà sau này Lênin đã gọi là đặc trưng của giai cấp công nhân "quý tộc" bị bọn tư bản mua chuộc.

          5. Ý nghĩa "nhận thức luận" trong triết học Mác đến đây tưởng đã khá rõ ràng: không có bộ phận xã hội nào từ trước đến nay trong lịch sử đã phản ánh trung thực trên mặt ý thức được bản chất cái xã hội mình đang sống cả – tất cả đều sai lạc, huyễn diệu, nghĩa là tất cả đều chỉ là những hồn ma, dật dờ, không có xương thịt, không có thực chất, tất cả đều chỉ là ảo tưởng. Ở đây chẳng có gì gọi được là phản ánh gần đúng để có thể bổ sung cho đúng hơn, vì tất cả đều bị đóng đinh vào một thứ tội lỗi mang tính uyên nguyên nào đó, giống như một sự sa đoạ vô phương cứu chữa nếu không làm cách mạng lật đổ  mọi cái hiện tồn. Những ai quen thuộc với triết học của Mác đều biết tình trạng tiền cách mạng đó đã được Mác gọi là sự tha hoá, theo nghĩa đảo ngược triết học của Hegel: không phải Tinh thần bị tha hoá thành cái khác nó (hiện thực, vật chất) mà chính là bản tính hiện thực của con người – là lao động có ý thức và có mục đích [17] – bị biến thành cái xa lạ với con người, thống trị lại con người như một vật thể ma quái, kỳ bí: lao động trở thành lao dịch, hàng hoá do con người làm ra để phục vụ những nhu cầu sử dụng thì lại bị biến thành một thứ ngẫu tượng qua đó con người dốc hết linh hồn để quy phục nó. Nhân tính trở thành phi nhân tính, sáng tạo đã trở thành nô lệ, ý thức đã trở thành vô ý thức. Sự phân hoá xã hội thành những giai cấp cũng chỉ là kết quả của sự phát triển của lịch sử theo chiều hướng tha hoá đó, và nguyên nhân cuối cùng của tình trạng ấy, theo Mác, không có gì khác hơn là trình độ phát triển cuộc sống còn giới hạn của loài người, sự phát triển ấy, tuy đã có những tiến bộ, nhưng chưa tạo ra được chất lượng mới thật sự cách mạng để xoá bỏ những định chế trung gian cản trở sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người và cái thế giới do họ làm ra. Tuy vậy, lập luận của Mác không chỉ đừng lại chỗ đó; ông cho rằng lịch sử đã đến lúc tự tìm ra cho nó giải pháp tích cực rồi – chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một cơ sở vật chất phát triển thật mạnh mẽ, và tương ứng với nó là giai cấp vô sản thay thế giai cấp tư sản để quản lý: sự phát triển phổ biến sẽ gặp được cái ý thức phổ biến tương ứng và do đó mà lịch sử từ đấy trở đi sẽ xoá bỏ hẳn những bức màn làm con người xa lạ với nhau để con ngươi phục hồi lại được bản chất lao động có ý thức của mình : chỉ có trong điều kiện ấy thì ý thức mới trở nên trong sáng để phản ánh được trung thực cái tồn tại mà nó tạo ra.

          6. Thực chất của cuộc cách mạng của Mác chính là cuộc cách mạng ý thức[18] mà cuộc vận động hiện nay của nó là dựa hoàn toàn vào giả thuyết sau đây của ông: thế giới hiện đại đang tạo ra những tiềm thể để cuộc cách mạng ấy biến thành hiện thực. Ý thức cộng sản chủ nghĩa, hiện thân trong giai cấp vô sản mà Mác trông đợi cũng chỉ là biểu hiện cho cái tiềm thể sẽ sinh thành ấy. Chúng ta đều biết sự thách thức của Mác đối với hiện thực thật là gắt gao: nếu chủ nghĩa tư bản không giẫy chết một cách hiện thực, nếu giai cấp vô sản tự nó không sản sinh ra được cái ý thức cộng sản chủ nghĩa một cách hiện thực, thì những tiềm thể trên đây mãi mãi sẽ bị triển hạn một cách vô hạn độ: cuộc cách mạng của Mác mãi mãi vẫn là cuộc cách mạng đơn thuần về ý thức, chẳng có gì để tự phân biệt với những cuộc cách mạng đơn thuần về ý thức khác mà Mác đã phê phán. 

 

Ăngghen đã phát triển Mác như thế nào?

         

1.  So những luận điểm nói trên của Mác với những gì mà Anghen đã trình bày riêng, hoặc phát triển về sau, chúng ta thấy Angghen đã mở rộng đối tượng của nhận thức ra toàn bộ vũ trụ, trước hết là tìm sự giải đáp cho nguồn gốc vũ trụ rồi sau đó mới vận dụng vào lĩnh vực con người: điều này giả định theo nguyên lý nhất nguyên duy vật rằng tất cả mọi hiện tượng trong thế giới, dù thuộc tinh thần, lịch sử hay vật chất đều xuất phát từ nguồn gốc vật chất mà ra – chúng đồng nhất với nhau về thực chất, nhưng chỉ khác nhau về biểu hiện thôi [19]. Mọi lập luận có liên hệ đến phản ánh luận vì thế phải xuất phát từ khẳng định tiên khởi sau đây: vật chất là cái có trước tinh thần, tinh thần chỉ có thể là sản phẩm của bộ óc của con người vốn là kết quả của quá trình phát triển của vật chất, vì thế có thể nói tinh thần chỉ là chức năng của bộ óc. Chính vì có cùng một nguồn gốc như vậy, cho nên tinh thần mới có thể lĩnh hội được những vận động của vật chất không những ở các hiện tượng mà còn có thể đi sâu vào bản chất và quy luật nữa. Angghen đã căn cứ vào cơ sở lập luận đó dể phản bác mọi thứ triết học mà ông gọi là "bất khả tri" (tiêu biểu là triết học của Kant) giả định có một thực thể mệnh danh là "vật tự nó"mà con người không thể biết được bằng con đường thực nghiệm, vì theo Angghen đối với chủ nghĩa duy vật thì chỉ có những cái chưa biết chứ không thể có những cái không thể biết được [20]. Những lý lẽ chống chủ nghĩa "bất khả tri" ấy có mục đích chận đứng lại mọi ý định mở đường cho các phương thức nhận thức mà Angghen cho là thần bí, siêu hình, tôn giáo: dù những cái chưa biết là vô số và có lẽ mãi mãi con người sẽ không bao giờ biết hết được, nhưng điều đó chỉ là do giới hạn thực tế của con người, không thể vì đó mà phủ nhận về nguyên tắc cái năng lực nhận thức vô cùng tận của nó đối với thế giới.

          2. Căn cứ vào tiền đề vũ trụ luận trên đây, phản ánh luận trong triết học của Angghen đã đảo ngược lại biện chứng pháp của Hegel theo cách không giống hoàn toàn với Mác: trong khi Mác đảo ngược cái Tinh thần tuyệt đối của Hegel thành thực tiễn lao động coi đó là điểm xuất phát của triết học thì Angghen lại dành cho thực tiễn lao động một ý nghĩa khác và thay vào đó cái mà ông gọi là vật chất. Ông viết :

"Ở Hegel, sự phát triển biện chứng biểu hiện trong giới tự nhiên và trong lịch sử – tức là mối liên hệ nhân quả của sự vận động tiến lên từ thấp đến cao thông qua tất cả những sự vận động chữ chi và những buớc thụt lùi tạm thời –  chỉ là sự sao chép lại sự tự vận động diễn ra vĩnh viễn, không biết ở đâu, nhưng dù sao cũng độc lập với bộ óc đang tư duy của con người. Sự xuyên tạc có tính chất tư tưởng hệ ấy là cái cần phải gạt bỏ. Chúng tôi lại xem xét một lần nữa một cách duy vật rằng những ý niệm trong đầu óc của chúng ta, coi đó là những phản ánh của sự vật hiện thực, chứ không xem xét những sự vật hiện thực, coi đó là những phản ánh của giai đoạn này hay giai đoạn khác của ý niệm tuyệt đối" [21].

Vật chất là cái tuyệt đối, là khởi đầu mà cũng là sự sống của mọi hiện tồn cho nên nó chính là động lực của tất cả; cái biện chứng của tinh thần, được Hegel coi là thiêng liêng tột bực chẳng qua cũng chỉ là sự phản ánh của cái biện chứng khách quan đã chi phối toàn bộ thế giới tự nhiên thôi [22]. Thế giới quan của Angghen ở đây là hoàn toàn lạc quan về khả năng nhận thức của con người đối với bản chất của hiện thực, không khác gì với Hegel, chỉ có điều trên danh nghĩa một bên gọi là duy vật, còn bên kia thì gọi là duy tâm, sự trái ngược nhau của hai quan điểm ấy chỉ là sự trái ngược về cách giải thích cuối cùng đối với vũ trụ.

          3. Phản ánh luận "mácxít" theo quan niệm của Angghen trên đây không hoàn toàn nằm trong mạch tư duy của cái mà ta có thể gọi là chủ nghĩa Mác của Mác. Nếu đối với Mác, tư duy chỉ tương ứng với hiện thực xã hội một cách chân thực khi lao động của con người giải phóng được khỏi bản thân những điều kiện tha hoá thì ở Angghen tư duy chỉ là những hình ảnh chủ quan của con người về những thực thể tồn tại ở ngoài con người, chỉ là những bản sao, những bản chụp mà ngay từ đầu đã phản ánh được một cách chính xác (theo nghĩa tiếp cận dần dần) được cái nguyên mẫu của nó: tư duy ấy không hề bị gạt gẫm bởi những huyền thoại lưà dối nó và do đó buộc nó phải từ chối chúng một cách triệt để ngay từ đầu để mở đầu cho sự đối thoại nghiêm chỉnh mà chỉ xuất phát từ sự ngu dốt, do trình độ thấp kém gây ra, tình trạng này có thể bổ sung, khắc phục được dần dần trong quá trình chinh phục thế giới của tập thể loài người. Phản ánh hiện thực trong học thuyết của Angghen vì thế chỉ là việc tìm cách linh động hoá cái khả năng biện chứng có sẵn trong chủ thể để thích ứng với cái chân lý đã có sẵn trong khách quan: đó không phải là hành vi máy móc, đơn giản, một lần là xong, không mâu thuẫn, không có sự nỗ lực chủ quan để chinh phục, nhưng dù sao đi nữa, xét đến cùng phản ánh vẫn là phản ánh cho được sự phức tạp, biến động vô cùng của cái thực thể ở ngoài nó, quy định nó và mang ý nghĩa cho nó. Angghen cho rằng đây hoàn toàn không phải là vấn đề lý thuyết: thực tiễn hành động của con người trong quá trình chinh phục thế giới sẽ xác nhận sự chính xác của nhận thức của con người về thế giới.

          4. Quan niệm về thực tiễn của Angghen, theo cách lập luận trên đây, cũng đã đi theo một chiều hướng riêng biệt của ông. Đó không phải là cơ sở chung tạo ra sự tương hợp giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội như cách đặt vấn đề của Mác mà lại được hình dung như hành động đến sau để kiểm chứng những hình ảnh mà con người đã có về thế giới hiện thực: điều đó không khác gì với công việc của những nhà khoa học tự nhiên, sau khi phác ra những giả thuyết về hiện thực (phản ánh) đã đem những giả thuyết ấy ra kiểm chứng trong phòng thí nghiệm. Theo cách trình bày của Angghen, chúng ta có thể hình dung cuôc sống của con người không khác gì một cái phòng thí nghiệm khổng lồ, ở đó không biết bao ý tưởng được đem ra thử thách, những cái sai lầm sẽ bị đào thải để chỉ giữ lại những cái có giá trị và đối những cái có giá trị này thì không có tiêu chuẩn nào để thẩm định ngoài sự thành công trong công nghiệp, trong thực nghiệm, nghĩa là căn cứ vào những giả thuyết ấy chúng ta có thể tạo ra hiện tượng và bắt nó phải phục vụ mục đích của chúng ta [23]. Quan niệm về một thứ ý thức mang tính khoa học thực nghiệm như vậy đã đặt nền tảng trên một sự phát triển liên tục của tư duy con người với tư cách là cái kho tích luỹ kiến thức có thể có những khiếm khuyết, sai lầm vì ngu dốt, có thể bổ sung dần dần cho đầy đủ hơn, phong phú, chính xác, phù hợp với hiện thực khách quan hơn, và điều này thì có thể thực hiện được bằng những hoạt động khoa học: quan niệm ấy đã loại bỏ khỏi bản thân nó cái nội hàm giả định rất quan trọng trong học thuyết của Mác về những nhận thức huyễn hoặc đặt nền tảng trên một xã hội tha hoá, ở đó khoa học hiểu theo nghĩa khoa học tự nhiên chỉ là khoa học về những vật thể không có lịch sử, không có phát triển, còn nếu là khoa học xã hội thì đó chỉ là thứ khoa học chấp nhận tình trạng tha hoá là đương nhiên và do đó tính chất huyễn diệu vì tha hoá của thứ khoa học ấy cũng là đương nhiên. Những khái niệm cực kỳ quan trọng trong học thuyết của Mác như lao động tha hoá, ý thức huyễn hoặc dường như hoàn toàn xa lạ với những suy tưởng của Ăngghen.

          5. Mục đích của Angghen khi "phát triển" Mác chỉ là để củng cố thêm học thuyết về lịch sử của Mác, bằng cách đặt học thuyết về lịch sử ấy vào một thứ vũ trụ luận rộng lớn hơn, có nền móng sâu xa, triệt để hơn, và do đó tầm thuyết phục cũng mang tính "khoa học" và "hiện thực" hơn, như ông đã viết :

" ... cái đã đúng với cái giới tự nhiên mà do đó chúng ta coi là một quá trình phát triển lịch sử, thì cũng đúng với tất cả các bộ môn của lịch sử xã hội, và cũng đúng với toàn bộ các khoa học nghiên cứu những cái thuộc về con người (và thuộc về thần thánh)" [24].

 Để làm công việc ấy, Angghen đã tạo ra một tầng lý luận về vũ trụ học duy vật rồi nối liền chủ nghĩa Mác của Mác vào đấy bằng lập luận về sự đồng nhất mang tính uyên nguyên giữa vật chất và tinh thần, theo đó

"những quy luật của tư duy và những quy luật của tự nhiên là nhất trí với nhau một cách tất nhiên" [25].

nhưng cũng chính trong công việc ấy, ông đã làm cho học thuyết của Mác về mối quan hệ giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội mang một ý nghĩa hoàn toàn xa rời cái khởi nguyên của nó: trong học thuyết của Mác, tồn tại xã hội hoàn toàn là kết quả của con người, hoàn toàn không phải là tự nhiên, hơn nữa không hề là cái tự nhiên có thể dùng làm hình mẫu để khuôn nắn ý thức. Mệnh đề cho rằng cái đã đúng với tự nhiên thì cũng đúng với lịch sử, mệnh đề ấy hoàn toàn không phù hợp với ý tưởng trung tâm của Mác về sự phát triển của lịch sử con người xét như những nỗ lực không ngừng để chấm dứt mau chóng thời kỳ “tiền sử” của bản thân – trong suốt quá trình ấy, những sản phẩm do con người làm ra đã quay lại thống trị con người. Cái khớp nồi liền giữa tự nhiên với lịch sử, theo cách phát triển của Angghen là không nhất quán với những tiền đề triết học của Mác.

          6. Sự lý giải của Angghen về mối quan hệ giữa ý thức xã hội với tồn tại xã hội cũng không tránh khỏi sự thiếu nhất quán đối với triết học Mác. Phân biệt sự khác nhau giữa tự nhiên và xã hội, Angghen cho rằng nếu quy luật của tự nhiên hoàn toàn bị sự vô ý thức và mù quáng chi phối thì trong xã hội ngược lại không có gì xảy ra “lại không có ý định tự giác, không có mục đích mong muốn" [26]. Tuy vậy, theo Angghen thì những ý định tự giác, có ý thức đó vẫn chỉ là những cảm nhận trực tiếp của những cá nhân riêng lẻ thôi; những mong muốn ấy “ít khi nào thực hiện được” khi người ta sống trong xã hội, và chính trong những hoạt động này đã hình thành ra cái mà Angghen gọi là những “hợp lực” biểu hiện cho một thứ “ý chí trung bình chung” [27], căn cứ vào đó, ông giả định về sự tồn tại của một thứ động lực khách quan, tập thể, độc lập với ý thức của những cá nhân, có nguồn gốc sâu thẳm trong cuộc sống vật chất của xã hội. Như vậy, chấp nhận sự phân biệt ý thức cá nhân với ý thức xã hội như Mác, nhưng Angghen đã biến cái ý thức xã hội mà Mác coi là cái tồn tại được ý thức thành một thực thể không khác gì với cái mà những nhà xã hội học thực chứng thường gọi là tâm lý quần chúng, hoặc tâm lý cộng đồng. Trên nền móng của sự tương ứng giữa ý thức và thực tại nói trên, Angghen đã đưa ra luận điểm gọi là sự phản ánh xét đến cùng của các hình thái ý thức xã hội đối với những hoạt động kinh tế, để cảnh giác với điều mà người ta thường gọi là chủ nghĩa duy kinh tế. Ông cho rằng, kinh tế chỉ quyết định ý thức khi người ta truy cho đến tận cùng cái nguồn gốc tạo ra ý thức, chứ không phải lúc nào kinh tế cũng trực tiếp quyết định một cách máy móc, đơn giản: trong những hình thái ý thức, nếu có những cái phản ánh trực tiếp kinh tế (như pháp luật, nhà nước) thì cũng có những cái lòng vòng đi qua rất nhiều trung gian rồi mới tới (như triết học, tôn giáo). Hơn nữa, các hình thái ý thức lại có lịch sử, truyền thống riêng, có tính độc lập tương đối với kinh tế, vì thế không thể lúc nào cũng đem kinh tế ra để giải thích được. Angghen cho rằng xét về mặt phương pháp, những lĩnh vực nghiên cứu nào càng rộng, thời gian càng dài thì sự phát triển của nó càng có điều kiện để tạo ra một đường trục trung bình song song với đường phát triển của kinh tế, mặc dù trong quá trình phát triển ấy, những ngẫu nhiên, có khi trái ngược là không tránh khỏi [28]. Những cách lý giải trên đây của Angghen đã muốn biện chứng hoá hành vi nhận thức bằng phản ánh, nhưng cuối cùng vẫn không đưa người ta đến gần Mác được: mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể trong nhận thức luận của ông vẫn là sự quan hệ của hai thực thể khác nhau, cái này cuối cùng sẽ quy định cái kia chứ không phải mối quan hệ thống nhất giữa con người với ý thức của mình qua trung gian các hình thái lao động thực tiễn khác nhau do con người làm ra trong quá trình tạo nên lịch sử cho mình.

          7. Tất cả những khác biệt giữa Mác và Angghen về triết học nhận thức trên đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc phân liệt chủ nghĩa Mác thành các trào lưu khác nhau về sau. Những người trung thành với chủ nghĩa Mác của Mác thường đặt triết học của Mác vào truyền thống Hegel, khai thác ý nghĩa cuộc cách mạng về ý thức của ông để phê phán mọi biểu hiện hư ảo trong các hệ tư tưởng tư sản. Xu hướng này ban đầu tuy khởi xuớng từ những người mácxít cộng sản – đặc biệt với Georg Lukacs trong cuốn Lịch sử và Ý thức giai cấp của ông [29], nhưng về sau đã lan rộng sang những triết gia muốn lấy nguồn cảm hứng của Mác để nghiên cứu, suy tưởng, trong đó người ta có thể kể đến những tác giả như J. P. Sartre [30], Merleau Ponty [31], Lucien Goldman [32] v.v... tạo ra một truyền thống mácxít thường được gọi là "mácxít phương Tây". Trái lại với xu hướng nói trên là xu hướng của những người tiếp thu chủ nghĩa Mác qua sự trình bày phổ cập của Angghen [33], đồng nhất hoá Mác với Angghen, tạo thành một thứ chủ nghĩa Mác "khoa học", dần dà biến những giáo trình diễn giảng Mác thành những cẩm nang hành động. Nếu xu hướng thứ nhất thường chỉ giới hạn trong vòng tư biện của những nhà tư tưởng thì xu hướng thứ hai lại là sự chọn lựa của những nhà cách mạng chuyên nghiệp rất cần đến một thứ lý thuyết giản dị để tuyên truyền và vận động đấu tranh.

Nhưng cũng chính vì vậy mà qua sự diễn giải của Angghen về Mác, chủ nghĩa Mác của Mác đã bị biến dạng dần dần, trong đó "nhận thức luận mácxít", vốn là một vấn đề triết học trừu tượng (trong truyền thống triết học phương Tây những vấn đề như vậy được liệt vào siêu hình học) đã bị biến thành một hệ thống những luận điểm "khoa học", chặt chẽ, chính xác và hiệu dụng không kém gì những thứ khoa học tự nhiên. Tất nhiên đó không phải là những khoa học cụ thể nào đó mà là một thế giới quan khoa học có tham vọng bao trùm lên và nhất thể hoá mọi lĩnh vực của đời sống, chi phối và định hướng cho mọi hoạt động tinh thần, thay thế cho triết học bị liệt vào loại siêu hình tư biện, và đặc biệt nhất là đưa những sinh hoạt tôn giáo vào lĩnh vực của những mê tín, ngu dân. Khác với sự thách thức của tính chân thực triết học đối với thực tiễn trong học thuyết Mác, sự thách thức của những ý tưởng của Angghen đã trở thành sự thách thức của “thế giới quan khoa học": sự thách thức này dễ hiểu hơn nhiều, nhưng cũng vì đó đã làm cho những ý tưởng của Mác trở nên tầm thường đi rất nhiều.

 

Sự đóng góp của Lênin và phản ánh luận xôviết    

 

1. Trong nhận thức luận, cũng như trong vấn đề triết học Mác nói chung, Lênin đã theo truyền thống của những mácxít Nga (khởi đầu từ Plékhanov) tiếp nhận chủ nghĩa Mác qua sự diễn giải của Angghen là chính yếu. Điều này biểu hiện rõ nhất trong cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của ông (1908) (cuốn này về sau được bổ sung thêm – đúng hơn là được điều chỉnh – bằng cuốn Bút ký triết học (1914-1915) cho đỡ máy móc, đơn giản) [34], trong đó Lênin hầu như đã để toàn bộ thời gian lập lại tư tưởng của Angghen (tên của Mác có được nói đến thì chỉ với tư cách là người được Angghen giải thích một cách đúng đắn, đáng tin cậy). Chính vì thế mà theo sự đánh giá của phần đông những nhà nghiên cứu thì giá trị triết học trong những tác phẩm này của Lênin, mặc dù được những nhà lý luận xô viết tâng bốc quá đáng [35], thật sự chẳng có gì là đáng kể [36]: từ trong sự đào tạo về tư duy của mình, Lênin vẫn chỉ là một triết gia tài tử – bản chất đích thực của ông là một người làm chính trị bẩm sinh, vì thế, nếu ông có đề cập đến triết học thì chỉ với mục đích chính trị hoá triết học thôi. Có lẽ đây mới thực sự là đóng góp có ý nghĩa của ông cho nền “triết học xôviết” và tất cả những nền triết học của những đảng cộng sản đặt cương lĩnh giải phóng xã hội theo con đường mácxít xôviết.

           2. Chống chủ nghĩa duy tâm, chống chủ nghĩa thầy tu, chống mọi thứ triết học lấy nguồn cảm hứng từ Kant, đó là điều mà Angghen đã làm rồi và tất cả những công việc ấy, trong cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của mình, Lênin chỉ lập lại nguyên vẹn với mục đích rất rõ rệt: không chống chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa thầy tu, chủ nghĩa "bất khả tri" một cách nói chung mà là chống tất cả những thứ này một cách thiết thực, cụ thể, trong hàng ngũ đảng trước nhất. Những ai quen biết với tư tưởng của Lênin đều hiểu rằng điều này là hoàn toàn nhất quán với cái ý định nền tảng của ông: xây dựng nên một đảng kiểu mới, bao gồm những người cách mạng nhà nghề, dân chủ trong thảo luận, nhưng sau đó thì phải tập trung quyền lực một cách tuyệt đối vào sự lãnh đạo của trung ương, không chấp nhận bất cứ một thứ chủ nghĩa biệt phái nào trong đảng, bất cứ trên phương diện nào, trong tổ chức lẫn trong tư tưởng [37]. Lập luận của Lênin về vấn đề này là: đảng cộng sản là một đảng cách mạng, mục đích trước mắt của nó là tập trung tất cả sức mạnh để cướp chính quyền, đảng ấy hoàn toàn khác với những đảng nghị trường trong chế độ tư bản vì thế những thứ thảo luận linh tinh về tư tưởng như kiểu những câu lạc bộ là không chấp nhận được. Vậy mà cái cảnh tượng linh tinh về tư tưởng trong đảng lại đã xảy ra vào lúc bấy giờ (sau thất bại của cách mạng 1905): một số những nhà tư tưởng đảng viên như Bogdanov, Basarov, Lounatcharski... đã liên kết với những phần tử trí thức ngoài đảng, tiếp nhận thứ triết học của những tác giả như Mach, Avenarius – những người đề xuất một thứ triết học mệnh danh là "chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán" mà theo Lênin thì đó chỉ là một thứ chủ nghĩa duy tâm trá hình – để gọi là “bổ sung” cho chủ nghĩa Mác, hoặc tạo ra một thứ chủ nghĩa Mác đặc biệt cho phong trào cách mạng vô sản ở Nga. Tình hình ấy đối với Lênin là không thể chấp nhận được, nó làm lẫn lộn mọi thứ, có nguy cơ mở đường cho những xu hướng phi vô sản xâm nhập vào đảng, vì thế sau khi ra lệnh cho một số nhà tư tuởng của đảng lên tiếng, Lênin nhận thấy cần thiết phải tự mình lao vào cuộc chiến đấu sinh tử này. Thực chất của cái mà người ta thường gọi là phản ánh luận lêninnít chỉ có ý nghĩa là cuộc thanh trừng về tư tưởng trong nội bộ đảng và chỉ có ý nghĩa như vậy mà thôi.

          3. Để tạo những tiền đề có thể giúp cho ý định của mình phát triển được dễ dàng, Lênin đã bám sát khái niệm hai phe trong triết học của Angghen và đẩy đến tận cùng cái hậu quả của nó trong tranh luận: vì bất cứ những gì dính dáng đến khoa học xã hội hiện nay đều có tính đảng cho nên nhận thức luận cũng không thể thoát khỏi tính đảng được. Để biểu hiện cho sự xác tín ấy, Lênin đã biến mỗi chữ trong những câu văn của mình thành những chiếc đinh đóng sâu vào gỗ:

"...không một chữ nào của bất cứ ai trong những giáo sư đó, tức là những người có khả năng viết những tác phẩm hết sức có giá trị trong các lĩnh vực chuyên môn như hoá học, sử học (?) và vật lý học, lại có thể tin được khi họ nói về vấn đề triết học", bởi vì nói chung "các giáo sư môn kinh tế đều chỉ là những học giả làm thuê cho giai cấp tư bản, còn các giáo sư triết học đều chỉ là bọn học giả làm thuê cho phái thần học thôi" [38].

Cần ghi nhận rằng đó là một thứ lôgích khách quan, đương nhiên được xem là chân lý, cho nên nó không dính dáng gì đến những ganh ghét đố kị mang tính tầm thường: dù ý định của anh có là thế nào đi nữa, dù anh có là đồng chí Bogdanov hay gì gì đi nữa, thì khách quan mà nói, nếu anh không thừa nhận vật chất có trước tinh thần có sau và tinh thần chỉ là hình ảnh của vật chất tồn tại khách quan ngoài ý thức con người – thí dụ như vậy –, về mặt triết học, anh cũng đứng về phía kẻ thù của giai cấp vô sản, nghĩa là đứng vào hàng ngũ của những bọn tư sản, thầy tu. Và nếu anh lại cho rằng mình chỉ muốn đứng lên trên mọi trường phái, đi tìm con đường dung hoà thì sự tình lại càng tồi tệ hơn nhiều lần – tất cả những bọn đứng giữa trong triết học ấy đều chỉ là một thứ gì đó "sền sệt" thật đáng khinh bỉ! [39]. Truyền thống coi những người đứng giữa còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù, trong những cuộc đấu tranh tư tưởng của các đảng cộng sản, đích thực đã bắt đầu từ Lênin.

          4. Cái cung cách tranh luận về triết học của Lênin, theo phương hướng trên đây, cũng đã mang vào ngôn ngữ mácxít về sau nồng nặc mùi bạo lực. Nó biểu hiện trước hết ở sự giản lược mọi vấn đề triết học thành vấn đề phe phái để từ đó truy chụp lập trường chính trị: anh có nói gì thì nói nhưng nếu không nói một cách duy vật như Ăngghen thì anh đã chống lại chủ nghĩa duy vật. Mọi ngóc ngách phức tạp trong lĩnh vực tư tưởng đều bị bỏ qua để quy về bản chất: mọi thứ triết học không duy vật (theo kiểu Angghen) thì đều là duy tâm, mà đối với người duy vật thì mọi thứ khác nhau trong chủ nghĩa duy tâm, suy cho cùng cũng chỉ là chuyện cá mè một lứa thôi. J. P. Sartre sau này có nói đến cái thùng acide sulfurique mà những người mácxít theo chủ nghĩa Stalin đã thủ sẵn bên mình để ném vào đó mọi hiện tượng lịch sử [40], cái thùng acide ấy là do Lênin tạo ra trước tiên. Chẳng những truy bức, quy chụp, Lênin còn tạo ra một phong cách tranh luận sỉ vả, mạt sát nguời đối thoại, coi những ai – trong triết học – không thừa nhận thực tại thế giới có trước con người, đều là những thứ, nếu không là trẻ con, thì cũng là những kẻ điên khùng, gàn bướng v.v... Quá tin tưởng vào tính vạn năng của học thuyết Mác, đồng hoá triết học Mác thành một thứ cẩm nang cách mạng, thách thức quá xác tín với thời đại về sự tất thắng sắp đến của cách mạng vô sản [41], Lênin là người đã thực sự mở đầu cho sự hình thành một chế độ xã hội đặt nền móng trên sự thống trị chuyên chính của ý thức hệ gọi là “xã hội chủ nghĩa”.

" Từ ý kiến của những người mácxít cho rằng lý luận của Mác là chân lý khách quan, người ta chỉ có thể rút ra một kết luận duy nhất là: đi theo con đường mà lý luận của Mác vạch ra thì chúng ta ngày càng đi đến gần chân lý khách quan (tuy không bao giờ có thể nắm hết được); nếu đi theo bất cứ con đường nào khác, chúng ta chỉ có thể đi đến sự lẫn lộn và dối trá" [42].

Những người cộng sản theo chủ nghĩa Stalin sau này mỗi lần mở miệng ra là "duy nhât" và "duy nhất", đó chẳng phải là họ đã thừa kế thái độ độc quyền chân lý trên đây của Lênin hay sao?

          5. Thật vậy, phản ánh luận của Angghen được Lênin đảng hoá, sau khi cách mạng thành công, đã được tổng kết, cô đúc thành một thứ bản thể luận biện minh cho sự thống trị của nhà nước chuyên chính vô sản đối với đất nước. Cái khớp nối liền giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội mà Angghen phát khởi ở đây đã trở thành mấu chốt: đường lối cách mạng của đảng hoàn toàn có cơ sở trên khoa học về lịch sử, mà sự nghiên cứu về lịch sử lại chỉ là sự kéo dài của phương pháp duy vật biện chứng về tự nhiên [43] (như những nhà tư tưởng stalinít đã nói), đường lối ấy tất yếu có đầy đủ cơ sở khoa học vì nó nó đã phản ánh sự phát triển khách quan của lịch sử loài người với những “quy luật” tất yếu của nó. Nói cách khác, sự lãnh đạo của đảng cộng sản vừa hợp với đạo người (lịch sử), lại cũng vừa hợp với đạo trời (tự nhiên) nữa. Tính đảng trong phản ánh luận đã được dùng để tạo ra lý luận về nhà nước cách mạng vô sản: nhà nước do đảng lập ra để cách mạng hoá xã hội là hiện thân của Lịch sử, được Lịch sử ủy nhiệm cho sứ mệnh lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới, vì thế nhà nước ấy cũng là cái tất yếu của Lịch sử. So với các nhà nước thần quyền phương Đông cho phép nhân dân đứng lên lật đổ những hôn quân (do lẽ những người này không thực hiện đúng đạo trời) thì nhà nước cách mạng vô sản là sự tuyệt đối, vĩnh viễn, bất khả xâm phạm, trừ phi đến ngày nó tự tiêu vong như lý luận của Mác.  Sự thống trị mang tính thần quyền ở đây đã được thay thế bằng “khoa học”: người cai trị lẫn người bị trị phải hiểu rằng những gì mình làm đều xuất phát từ sự cưỡng bức của chân lý khách quan, nó phản ánh vào nhận thức của mình; do đó tất cả đều phải chấp nhận những tất yếu ấy một cách hoàn toàn tự nguyện để được tự do. Tự do, trong lĩnh vực lịch sử, theo nghĩa mà những nhà lý luận xôviết giới thuyết, cũng phải được xây dựng trên tất yếu của khoa học gọi là mácxít-lêninnít chứ không thể là cái gì khác. Người được đánh giá là “tiến bộ” cũng là người “giác ngộ” ra được cái chân lý ấy.

          6. Cùng với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, lý luận phản ánh cũng đã dần dần được diễn tả một cách mềm mại hơn (phần biện chứng trong Bút ký triết học của Lênin được khai thác nhiều hơn) hoặc được hiện đại hoá bằng một số kiến thức mới (phản xạ có điều kiện của Pavlov, thông tin, mô hình hoá...) [44], tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ cho được tính khoa học sáng tạo của phản ánh luận mácxít- lêninnít. Để đạt được mục đích này, những nhà lý luận mácxít xôviết đã khai thác ý kiến mà Lênin đã nói qua trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán: không nên lúc nào cũng đối lập một cách tuyệt đối vật chất với tinh thần, chỉ trừ trường hợp rốt ráo, cuối cùng phải xét xem cái nào có trước cái nào có sau, tức là trường hợp liên quan đến vấn đề cơ bản của triết học mà thôi [45]. Điều đó có nghĩa là trong rất nhiều trường hợp khác – và hầu hết là những trường hợp thường nghiệm – sự kiện trái ngược lại mới là phổ biến: tinh thần, ý chí và nói chung văn hoá [46] quyết định mọi thứ. Nhưng theo những nhà lý luận mácxít xôviết thì sự độc lập của ý thức trong những trường hợp như vậy cũng chỉ là tương đối thôi: dù có độc lập như thế nào đi nữa nhưng truy đến tận nguồn gốc, ý thức vẫn bị tồn tại quyết định – nghĩa là chỉ khi đụng đến những vấn đề cuối cùng của tồn tại, những vấn đề vĩ mô về lịch sử và vũ trụ, những vấn đề triết học liên hệ đến nguồn gốc của sự sống sự chết thì lúc bấy giờ sự đối lập tuyệt đối giữa vật chất và tinh thần và câu chuyện vật chất quyết định tinh thần mới được đặt ra, còn trong cuộc sống thường nhật thì mọi thứ đều chỉ là “tương đối”. Ý nghĩa thực tiễn của lập luận này đối với những nhà lý luận xôviết thật là rõ rệt: trong thực tế chúng ta hãy cứ làm như mọi người, nghĩa là hãy chọn một hệ thống giá trị nào đó để định hướng cho những hành động (ở đây tinh thần quyết định vật chất), nhưng khi phải xét đến cùng cái động lực tạo ra sự chọn lựa ấy thì chúng ta sẽ nói rằng đó là sự chọn lựa đã có cơ sở trong hiện thực khách quan của lịch sử, mà lịch sử thì lại có cơ sở khách quan trong sự phát triển của tự nhiên (ở đây thì vật chất quyết định tinh thần)! Lý luận về đảng - nhà nước chuyên chính vô sản là gì nếu không phải là cái lô gích xét đến cùng nói trên? Không khác gì mọi thứ nhà nước chuyên chính dựa vào bạo lực để thống trị, nhà nước chuyên chính vô sản lại được những người cầm quyền cộng sản dùng lý luận Mác-Lênin để chứng minh rằng cái thực thể mà duy trì bằng thống trị bạo lực là một nhà nước có nền móng trên cái gọi là “khoa học về lịch sử”, là sự “tất yếu của lịch sử” ! Nhưng lịch sử là gì và cái gọi là “sự tất yếu của lịch sử” là gì thì những câu hỏi ấy những người cộng sản lại cho rằng chỉ có cách trả lời của họ mới là đúng nhất. Nói tóm lại, xét cho đến cùng, chỉ có đảng cộng sản mới nắm được thế nào là chân lý và có quyền nhân danh chân lý ấy để ném vào sọt rác tất cả những thứ “chân lý” khác [47]: con đường ngày càng phải tỏ ra loanh quanh nhưng sự độc quyền về ý thức hệ thì vẫn không hề suy xuyển.

          7. Thử phân tích sơ lược cái giáo điều mệnh danh là “văn nghệ phản ánh hiện thực”, chúng ta sẽ có thêm một ví dụ để hiểu rõ hơn những gì đã trình bày ở trên. Những nhà mácxít xôviết, khi bảo vệ giáo điều này, thường hay coi đó là một nguyên lý chung cho văn nghệ trong đó chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ bổ sung, hệ thống lại và làm cho trở nên khoa học mà thôi. Điều này thì có phần đúng vì không phải chỉ có những người mácxít-lêninnít mới chủ trương “văn nghệ phản ánh hiện thực”; nhưng khi nói rằng chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ hệ thống hoá và làm cho nó trở thành khoa học (theo nghĩa là những nguyên tắc phổ biến) thì lại không đúng, vì lẽ khái niệm “phản ánh hiện thực” ở đây đã mang một thứ nội dung hoàn toàn do những người “mácxít” giới thuyết cho chúng, nghĩa là đã gắn liền với quan niệm mácxít-lêninnít về triết học và chính trị mà chúng ta đã phân tích: “hiện thực” là tồn tại xã hội phát triển theo những “quy luật” đấu tranh giai cấp, cuôc đấu tranh ấy tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, và tất nhiên chỉ có thứ hiện thực đó mới được coi là “bản chất”, “khách quan” thôi. Kết luận sau đây cũng là tất yếu: nghệ sĩ không thể không trang bị cho mình thế giới quan Mác-Lênin, vì nếu không có thế giới quan này thì nghệ sĩ sẽ không tránh khỏi sai lầm, hạn chế, phản ánh không đầy đủ hoặc sẽ xuyên tạc “bản chất của hiện thực”. Đi vào sáng tác, ai cũng biết cái sơ đồ sau đây là rất quen thuộc với những nghệ sĩ sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa: đối với “cái thế giới cũ”, chẳng hạn như xã hội tư bản hiện đại, do bản chất của nó là lạc hậu, cho nên, dù có thay đổi thế nào đi nữa, nó vẫn là phản động, lỗi thời; cho nên thể hiện trung thực thế giới ấy cũng phải thể hiện cho được sự xảo quyệt trong cơn giẫy chết của nó, đồng thời vạch ra cho được những mầm móng tích cực sẽ sinh thành cho tương lai. Còn đối với cái thế giới tương lai đã sinh thành rồi – tức là chế độ chủ nghĩa xã hội hiện thực – thì vì bản chất nó là cách mạng, là tiến bộ, cho nên dù có thế nào đi nữa (thí dụ với những sai lầm trầm trọng như trong những chế độ theo chủ nghĩa Stalin), nó vẫn là tốt đẹp, vì đó chính là sự thể hiện hùng hồn cho tiến trình khách quan của Lịch sử! Ngay cả đến khi kinh qua thực tế, những thí nghiệm về “chủ nghĩa xã hội” bị thực tế làm cho phá sản buộc những những lĩnh tụ đảng phải nhân nhượng ngày càng nhiều về những vấn đề có tính nguyên tắc mà ai cũng thấy (như công hữu về tư liệu sản xuất, chủ nghĩa tập thể...) thì, xét trên lý luận, nghĩa là xét đến cùng, điều đó vẫn chỉ thể hiện cho sự “vận dụng tài tình” của đảng đối với những nguyên lý khách quan, khoa học mà chỉ có đảng mới là người nắm giữ được mà thôi. Hiện thực mới trong cuộc sống có mặt này mặt kia, những nghệ sĩ có thể phân tích phê phán hiện thực ấy, có thể lan man sang những lĩnh vực trước đây bị coi là cấm kỵ, nhưng chỉ có một điều duy nhất mà họ không thể đụng đến được: đó chính là đảng cộng sản với ý thức hệ Mác-Lênin của đảng, bởi vì, đó chính là nguyên nhân chính yếu đã tạo ra cái hiện thực mới ấy, mặc dù cái hiện thực ấy chẳng có gì phù hợp với những nguyên lý về lý luận mà đảng nhân danh cả. Ý nghĩa của luận điểm “phản ánh xét đến cùng” biểu hiện trong lĩnh vực nghệ thuật đến đây đã bộc lộ hoàn toàn ý nghĩa sâu sắc nhất của nó: nó chỉ có mục đích biện hộ cho kỳ được sự thống trị chuyên chính của đảng trên đời sống xã hội, và ý thức hệ Mác-Lênin gọi là “khoa học” mà đảng ra sức sống chết bảo vệ cũng chỉ có ý nghĩa như vậy.

 

Giá trị của phản ánh luận mácxít-lêninít

           

Sự phê phán đối với phản ánh luận mácxít-lêninnít dưới hình thức xôviết của nó, như đã được trình bày như trên, từ lâu đã là điều hiển nhiên và đã diễn ra theo nhiều hướng. Tựu trung người ta thấy có những điểm có thể tóm tắt như sau:

           – Phản ánh luận gọi là “mácxít-lêninnít” rất khác xa với khởi nguyên mácxít của nó: thứ phản ánh luận đó nên dành cho Angghen, còn những lý giải của Mác về mối quan hệ giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội thì nên gọi là ý thức luận mácxít với những đặc trưng triết học của ông. Sự phân biệt từ cội nguồn này, xét về mặt học thuật, là rất quan trọng cho việc nghiên cứu sự phân nhánh của chủ nghĩa Mác thành những trường phái về sau. Việc những nhà mácxít xôviết đồng hoá Mác với Angghen để sau đó đồng hoá một lần nữa với Lênin đã làm biến dạng chủ nghĩa Mác của Mác một cách tuỳ tiện để phục vụ cho các nhu cầu chính trị thực dụng cho những đảng cộng sản, tồn tại dưới rất nhiều hình thức khác nhau trên thế giới ngày nay.

           – Cái mà Angghen gọi là “bản sao, bản chụp”, sau đó được Lênin lặp lại không biết bao lần như một thứ chân lý tuyệt đối thật sự chỉ là một thứ tư duy triết học ngây thơ của những nhà tư tưởng thời cổ, tin rằng những cái chủ quan tồn tại trong tâm trí cũng chính là hình ảnh mà cái thế giới bên ngoài đã in vào theo một cách nào đó mà cho đến bây giờ người ta vẫn chưa hiểu được cách thức vận hành. Không có cơ sở nào để cho rằng thứ phản ánh luận dựa trên lập luận về “những bản sao” ấy là “khoa học” như Lênin đã liên tục lặp lại Angghen để từ đó suy ra cả một hệ thống những quy luật về vũ trụ và lịch sử, sau đó lại cột những luận điểm ấy vào “lập trường” của một giai cấp vô sản huyễn hoặc rồi đẩy vào hàng rác rưởi mọi thứ tư tưởng khác.

           – Hệ thống triết học của Mác, mặc dù tư biện, nhưng chứa đựng nhiều yếu tố tích cực: gợi ra cho những người nghiên cứu những định hướng mang tính phát hiện, nhắc nhở người ta phải chú ý đến những nhân tố hiện thực đã tạo nên lịch sử (như ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật, những lợi ích vật chất, những mâu thuẫn giai cấp trong lòng một dân tộc...), những điều mà có lúc giới nghiên cứu đã không quan tâm đúng mức. Riêng khái niệm lao động bị tha hoá của Mác thì đã biến thành nguồn cảm hứng bất tận cho những xu huớng phê phán đến tận nền móng chẳng những đối với các hình thức tồn tại của xã hội hiện đại mà còn có thể đặt cơ sở để hình thành một thứ triết học chống tha hoá đối với cuộc sống nói chung của con người.

 – Sự đóng góp của Mác vào đời sống tư tưởng của nhân loại là điều không thể phủ nhận được, sự đóng góp ấy bao giờ cũng đứng bên ngoài hình thức chính trị hoá triết học kiểu Lênin, và do đó chủ nghĩa Mác của Mác cần phải tiếp tục được thanh lọc khỏi những “vấy bẩn” của chủ nghĩa Lênin. Chủ nghĩa Lênin đó, thực chất chỉ là một thứ chủ nghĩa Mác bị xét lại theo phương hướng xuyên tạc triệt để nhất trong lịch sử triết học Mác: nhân danh cho một thứ ý thức hệ gọi là “khoa học”, nó đã tạo ra mô hình nhà nước toàn trị ý thức hệ đưa đời sống tinh thần xã hội trở về thời kỳ Trung cổ. Đích thực, không thể có một “phản ánh luận mácxít-lêninnít” nghiêm chỉnh theo tinh thần học thuyết Mác.

 

16-12-1994

 

 


 

[1]  Xem Từ điển triết học, Tiến bộ, Matxcơva, 1975, tr. 309     

[2]  Ph. Angghen: Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1888), trong C.  Mác - Ph. Angghen: Tuyển tập, T. VI, Sự thật, Hà nội, 1984, tr. 372.

[3]  Như trên, tr. 398.   

[4]  Trong cuốn này, Mác chỉ đóng góp một chương, không quan hệ gì đến lý luận phản ánh.

[5]  Xem Leszek Kolakowski: Histoire du Marxisme, Tome I, Fayard, 1987, p. 583-598.

[6]  C. Mác - Ph. Angghen: Hệ tư tưởng Đức (1846), trong Tuyển tập, T. I , 1980, tr. 284.

[7]  Như trên, tr. 285.

[8]  Như trên, tr. 285.

[9]  C. Mác: Bản thảo kinh tế- triết học năm 1844, Tuyển tập I, tr. 117.

[10] C. Mác: Hệ tư tưởng Đức, Tuyển tập I, tr. 285.

[11] Như trên, tr. 276.

[12] C. Mác: Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (Lời tựa) (1859), Tuyển tập II, 1981, tr. 637-638.

[13] C. Mác - Ph. Ăngghen: Hệ tư tưởng Đức, như trên, tr. 345

[14] C.  Mác: Ngày mười tám Sương mù (1852), Tuyển tập II, 1981, tr. 428

[15] Như trên, tr. 515-516

[16] Như trên, tr. 397.

[17] C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần I, Tiến bộ, Mátxcơva, 1984, tr. 230-231.

[18] “Cuộc cải  cách ý thức chỉ là ở chỗ làm cho thế giới tự mình soi tỏ cái ý thức riêng của mình, làm cho thế giới thức tỉnh khỏi những giấc mơ về bản thân mình, giải thích cho nó thấy được ý nghĩa của những hành động của chính nó. Toàn bộ nhiệm vụ chúng ta chỉ có thể là – như điều đã diễn ra trong sự phê phán của Phoi-ơ-bắc đối với tôn giáo – đem lại cho các vấn đề tôn giáo và triết học một hình thức thích hợp với con người đã ý thức được bản thân mình”. ( C. Mác: Thư gửi Rugơ, tháng 9-1843, Toàn tập II, tr. 500).

[19] Ph. Angghen: Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Tuyển tập VI, tr. 400.

[20]  Như trên, tr. 376.

[21]  Như trên, tr. 399-400.          

[22]  Ph. Angghen: Biện chứng của tự nhiên (1876), Sự thật, 1976, tr. 323.

[23] Ph. Angghen: Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Tuyển tập IV, sđd, tr. 376.

[24] Như trên, tr. 404.

[25] Ph. Angghen: Biện chứng của tự nhiên, sđd, tr. 349.

[26] Ph. Angghen: Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, sđd, tr. 405.

[27] Thư Angghen gửi Joseph Bloch (21-9-1980), Tuyển tập VI, tr. 728.

[28]  “Thư Ăngghen gửi W. Borgius” (25-1-1894), Tuyển tập VI, tr. 790.

[29]  Georg Lukacs: Histoire et conscience de classe (1923), Minuit, Paris, 1960.

[30] J. P. Sartre: Critique de la Raison dialectique, T.I, Gallimard, Paris, 1960.

[31] Maurice Merleau Ponty: Les aventures de la dialectique, Gallimard, Paris, 1955.

[32] Lucien Goldman: Le Dieu caché, Gallimard, Paris, 1955 hoặc Pour une sociologie du roman, Gallimard, 1964 .           

[33] Những ai đã trực tiếp đọc  những tác phẩm kinh điển mácxít đều nhận thấy sách của Angghen rất dễ đọc và do đó có phần đơn giản (và máy móc nữa) so với Mác. Nhưng cũng chính vì vậy mà người ta đã có xu hướng đọc Angghen để hiểu Mác, cũng như đọc Lênin để hiểu một lượt cả Mác lẫn Ăngghen. 

[34]  Bút ký triết học chỉ là những ghi chú lặt vặt khi đọc sách của Lênin trong khoảng thời gian 1914-1915; được xuất bản và biến thành một tác phẩm căn bản của triết học Liên xô sau khi ông mất.

[35] Ở Liên xô, trong rất nhiều sách, người ta đã dùng chữ phản ánh luận lêninnít, không cần nhắc đến Mác,thí dụ trong Avner Ziss: Eléments d’esthétique marxiste, Editions du Progrès, Moscou, 1977, p. 20.

[36] Trả lời Lênin, những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán như Bogdanov, Basarov, Youchkevitch đã coi thứ lý luận kiểu Lênin (và cả Plékhanov nữa) là một thứ chủ nghĩa Mác suy đồi ở nuớc Nga: ngu dốt, không hiểu hết ý người khác nhưng cũng cứ gồng chính trị lên chụp mũ, kết án bừa bãi (Xem Leszek Kolakowski: Histoire du Marxisme, Fayard,  Paris, 1987, T. II, p. 520).

[37]Lênin: Làm gì? (1902), Lênin toàn tập, T. VI, Tiến bộ, Matxcơva, 1975.

[38] Lênin: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908), Lênin toàn tập, Tập 18 Tiến bộ, 1980, tr. 425.

[39]  Như trên, tr. 422.

[40] J. P. Sartre: Critique de la Raison dialectique, sđd, tr. 37.

[41] Lênin thường tiên đoán khoảng vài ba chục năm thì cách mạng thế giới sẽ toàn thắng (Xem  Lênin: Về tác dụng của vàng  (1921), Lênin toàn tập, Tập 44, tr. 280).

[42] Lênin: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, sđd, tr. 168.

[43] Commité central du P.C (b) de l’ U.R.S.S.: Histoire du Parti communiste de l’U.R.S.S,(1938) Editions sociales, 1946, p. 95- 96.

[44]  Xem Từ điển triết học, sđd.

[45]  Lênin: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, sđd, tr. 173.

[46]  “Văn hoá là hoạt động sáng tạo tích cực của con người (cá thể, nhóm xã hội, giai cấp, dân tộc, xã hội nói chung) thực hiện trong các lãnh vực sản xuất vật chất và tinh thần, nhằm nắm bắt và khai thác thế giới, quá trình này sẽ sản xuất, bảo quản, phân phối, trao đổi và tiêu thụ những giá trị vật chất và tinh thần mang ý nghĩa xã hội; đồng thời nó là một tổng hợp chính những giá trị đã vật thể hoá hoạt động sáng tạo đó của con người” (Nhiều tác giả Liên xô: Cơ sở lý luận văn hoá Mác-Lênin, Truờng văn hoá thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1985, tr. 29). Không có dấu vết nào của luận điểm vật chất quyết định tinh thần cả!

[47]Lênin: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, sđd, tr. 416.