Chủ nghĩa Xã hội Việt Nam:
Thay lời Toà soạn Báo Đoàn kết (Paris) Nguyễn Trọng Nghĩa
Những ai có theo dõi đời sống văn học ở miền Nam trong những năm 60 đều biết đến Lữ Phương, một nhà lý luận và phê bình có tên tuổi. Qua những bài báo của ông, người ta thấy rõ ảnh hưởng của biện chứng pháp mác-xít. Sau Tết Mậu Thân, ông tham gia Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam và giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sau 1975, ông trở về với công việc nghiên cứu. Bài “Chủ nghĩa xã hội Việt Nam: di sản và đổi mới” dưới đây, mà ông cho đăng trong mục diễn đàn của tạp chí Phát Triển Kinh Tế số tháng 5-90, đã gây xôn xao không ít trong dư luận Việt Nam, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói đây là lần đầu tiên một nhà mác-xít Việt Nam trình bày một cách có hệ thống và đặc biệt cô đọng những suy nghĩ, những điều tâm đắc của mình, không hẳn là độc đáo và mới mẻ lắm, về chủ nghĩa xã hội mác-xít trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Những nhận xét của ông về cốt lõi những đóng góp lý luận của Mác, Lênin, Stalin có tính cách thuyết phục. Theo ông, nếu học thuyết của Mác chủ yếu là sự phê bình chủ nghĩa tư bản, nếu Lênin trước hết là lý thuyết gia của “một đảng cộng sản kiểu mới có lý thuyết chặt chẽ, tổ chức thép, lãnh đạo quần chúng để cướp chính quyền” trong những nước “lạc hậu, nghèo nàn” “chưa có chủ nghĩa tư bản hoặc chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển”, thì Stalin mới chính là người đã tạo ra mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước độc quyền, trong đó Ðảng đồng hóa với nhà nước và nhà nước, thay vì tiêu vong như Mác và Lênin đã chờ đợi, sẽ trở thành tuyệt đối, vĩnh cửu. Chuyên chính vô sản được giản lược vào sự chuyên chính của một nhóm người hay của một người. Trong mô hình đó, người ta “nhân danh hạnh phúc của con người để tạo ra chiến tranh thường trực với con người”; kẻ thù hiện diện khắp nơi: ngoài nước, trong nước, trong Ðảng và ngay trong cả mỗi người. Chính mô hình Stalin đó là nguyên nhân thâm sâu của sự khủng hoảng hiện nay của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Riêng ở Việt Nam, Ðảng cộng sản đã dành được chính quyền vì họ “đã đề xuất được một phương hướng đấu tranh rất có hiệu lực” nhằm thực hiện hai khát vọng sâu xa nhất của mọi người dân là độc lập dân tộc và phát triển xã hội. Thế nhưng, khi bước sang thời kỳ xây dựng hòa bình, mô hình được đem ra thực hiện lại chính là “mô hình Stalin phương Ðông là Mao Trạch Ðông”, mô hình này đã “nhà nước hóa toàn diện đời sống xã hội, xóa bỏ mọi sinh hoạt dân chủ của xã hội công dân”, tạo ra “một bộ máy quan liêu khổng lồ”, “đóng cửa lại với thế giới tư bản” vì “chỉ biết có “phe ta””, đưa tới sự trì trệ, lười biếng, vô trách nhiệm đối với toàn xã hội, khiến “dân tộc vẫn chìm đắm trong lạc hậu, nghèo nàn”… Vấn đề đặt ra là đi tìm một mô hình mới về chủ nghĩa xã hội trong thời bình chứ không phải là “làm trong sạch Ðảng bằng “giáo dục” hoặc trừng trị” (về việc “giáo dục”, tưởng cũng không nên quên câu viết nổi tiếng của Mác: “Phải giáo dục những nhà giáo dục!”). Muốn thế, Lữ Phương cho rằng trước hết cần “tạm gác” tất cả những kết luận về chủ nghĩa xã hội mà Mác, Lênin (nhất là Stalin) đã đưa ra. Một quan niệm mới về chủ nghĩa xã hội cần được xây dựng trên nguyên lý: “ưu tiên bảo vệ con người trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa xã hội”. Ông cũng đưa ra một số tiền đề căn bản sau đây: - Từ bỏ ý định “phất cờ”, “chính sách đóng cửa, tự lực cánh sinh theo lối cũ”. - “Từ bỏ những phương pháp cách mạng và bạo lực”. - “Từ bỏ khái niệm nhà nước giai cấp”. - “Thể hiện chuyên chính bằng hiến pháp và pháp luật”. - “Thực hiện tam quyền phân lập”, “xây dựng nhà nước pháp quyền”, “nền móng để giải quyết vấn đề đa nguyên, đa đảng”. - Ðảng cộng sản “phải giao toàn bộ quyền lực cho nhà nước, trở về xã hội công dân, tự đặt mình trong pháp luật, bình đẳng với mọi tổ chức chính trị xã hội khác, từ đó khẳng định lại năng lực và phẩm chất của mình”. Tóm lại, ông cho rằng phải thực hiện những chủ trương đã được cụ Hồ đề ra cách đây gần đúng 45 năm trong Tuyên ngôn Ðộc lập, khẳng định quyền của người Việt Nam được sống tự do, hạnh phúc như ở nhiều xứ khác trên thế giới vào cuối thế kỷ XX kỳ diệu này.
Đoàn kết số 425, tháng 7/8 năm 1990
***
Chủ nghĩa Xã hội Việt Nam: DI SẢN VÀ ÐỔI MỚI Lữ Phương
Về Mác và Lênin
Bấy lâu nay, chúng ta thường đưa ra khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” với niềm tin: nếu nhờ vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta đã đánh thắng được các đế quốc, thì sau khi đánh thắng đế quốc rồi, nhờ vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Niềm tin ấy càng vững mạnh khi xung quanh chúng ta là hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, có khá nhiều kinh nghiệm với khá nhiều quy luật đã định hình. Tất cả những điều đó, giờ đây khi suy nghĩ lại cặn kẽ, đã tỏ ra không được vững vàng: chủ nghĩa xã hội theo như những điều mà chúng ta đã hiểu và đã làm, sau một thời gian dài đem ra thực nghiệm trên thế giới, đang rơi vào tình thế khủng hoảng trầm trọng. Dưới ánh sáng của thực tiễn thì rõ rệt là vấn đề cách mạng, vấn đề chiến tranh giải phóng và vấn đề xây dựng một xã hội kinh tế, xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa là hai vấn đề không hoàn toàn giống nhau về chất. Trong thực chất của nó, cái mà chúng ta thường gọi là học thuyết mácxít về kinh tế chỉ là sự phê phán của Mác về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, còn về việc xây dựng cho bản thân nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, sau khi đã có được chính quyền, thì lại tỏ ra không hoàn toàn rõ rệt: đó mới chỉ là những phác thảo mang tính định hướng lô-gích mà Mác đã dùng phép biện chứng để suy ra trong khi phê phán chủ nghĩa tư bản và tất cả những điều đó cũng đã được đặt trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX với những mâu thuẫn nội tại tưởng chừng như phải nổ bùng bằng cách mạng. Nhưng khi Lênin tiếp thu chủ nghĩa Mác thì bản thân những mâu thuẫn ấy đã được xoa dịu đi trong chính những nước tư bản mà Mác đã phê phán, để rồi được ném vào những vùng ngoại vi của chủ nghĩa tư bản khi chủ nghĩa tư bản đã biến thành chủ nghĩa đế quốc. Với tư cách là một người làm chính trị đầy tài năng, Lênin đã nhận định rằng cách mạng đã chuyển vùng và những người theo chủ nghĩa Mác không thể không nắm lấy cái khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc để tiến hành cách mạng. Và quả thật là cách mạng đã nổ ra ở các vùng đất chứa đầy lạc hậu, nghèo nàn chưa có chủ nghĩa tư bản hoặc chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển. Và chính Lênin là người mở đầu cho thời kỳ mới ấy với một hệ thống quan điểm về chiến lược và sách lược tranh đấu cùng với học thuyết xây dựng một đảng cộng sản kiểu mới có lý thuyết chặt chẽ, tổ chức thép, lãnh đạo quần chúng để cướp chính quyền. Chủ nghĩa Mác, trong sự tiếp thu trong thực tiễn của Lênin, chủ yếu vẫn là học thuyết về cách mạng, về chuyên chính vô sản. Tuy vậy, khi theo dõi tư tưởng của Lênin trước và sau cách mạng Nga, chúng ta thấy quan điểm của ông không phải lúc nào cũng giống nhau. Trước cách mạng, ý kiến của ông về nhà nước chuyên chính vô sản là hoàn toàn nhất trí với Mác khi tổng kết về Công xã Paris 1871: giai cấp vô sản có thể hoàn toàn kiểm soát được nhà nước của mình bằng những biện pháp dân chủ trực tiếp (đại biểu do đầu phiếu phổ thông có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào, lương ngang với công nhân để tránh đặc quyền, cảnh sát bị tước tất cả chức năng chính trị và cũng có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào, còn quân đội nhà nghề thì bị giải tán và thay bằng chế độ vũ trang toàn dân…)[1], và do đó giai cấp vô sản có thể sử dụng được nhà nước ấy như là công cụ của mình để quản lý xã hội, quản lý sản xuất. Chủ trương của Mác về tính chất hành động chứ không phải là nghị trường (không cần thực hiện tam quyền phân lập) của một nhà nước như vậy tất yếu có nghĩa rằng nhà nước đó là một nhà nước cách mạng, lập ra trong thời kỳ cách mạng. Lênin đã tiếp thu mô hình Công xã Paris do Mác tổng kết, để lập ra những xô-viết, trong thời kỳ cách mạng và cả sau cách mạng, cũng với niềm tin giai cấp vô sản sẽ có thể làm chủ được nhà nước đó để xây dựng xã hội mới.
Lênin và chủ nghĩa xã hội hiện thực
Nhưng thực tế đã không diễn ra suôn sẻ như những tin tưởng của Lênin. Giai cấp vô sản ở một nước chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển như nước Nga, vốn đã không nhiều, sau một thời gian cách mạng và nội chiến lại càng teo tóp lại vì nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa bị suy sụp, trong khi đó thì những người cộng sản, tuy đầy nhiệt tình (kể cả nhiệt tình làm “cách mạng thế giới”) nhưng lại thiếu văn hóa, thiếu kiến thức về xây dựng và đã bị lọt thõm vào cái biển những người tiểu tư sản vốn quen sống hỗn loạn, vô chính phủ. Chính vì vậy mà sau khi thực hiện không thành công bước đi trực tiếp vào chủ nghĩa xã hội bằng mô hình chủ nghĩa xã hội thời chiến, ông đã chuyển sang đi đường vòng bằng Chính sách kinh tế mới (NEP), mà cơ sở lý luận của chính sách này là: giai cấp vô sản liên minh với giai cấp tư sản chống giai cấp tiểu tư sản, thực hiện chủ trương nổi tiếng của ông về một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt, trong đó ông gọi “nhà nước là chúng ta”[2] (giai cấp vô sản). Nói cách khác, vấn đề xây dựng kinh tế, trong quan niệm của Lênin, vẫn chỉ là vấn đề cách mạng, là sử dụng những Nepmen để giải quyết những khó khăn trước mắt, là một “bước lùi” cần thiết để giải quyết tình hình trầm trọng. Hiểu điều này người ta mới hiểu được tại sao nhà nước của Lênin vẫn không phải là nghị trường, vẫn không tam quyền phân lập, vì đó vẫn là nhà nước cách mạng, coi luật pháp là công cụ của cách mạng, một nhà nước chuyên chính cách mạng “không bị giới hạn bởi luật pháp nào cả”[3]. Thật sự thì trong dự tính của mình, Lênin đã ước đoán rằng tình hình ấy chỉ kéo dài khoảng 15 hay 20 năm; vì vậy trong khoảng thời gian ấy vấn đề tập trung sức lực của nhà nước để tổ chức và động viên quần chúng xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội đã trở thành vấn đề mấu chốt. Vấn đề chính trị, cách mạng ở đây phải trở thành vấn đề hàng đầu. Và đó cũng chính là ý nghĩa của công thức của Lênin về vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước lạc hậu nghèo nàn: chủ nghĩa xã hội là chính quyền xô-viết cộng với điện khí hóa, trong đó chính quyền xô viết được coi như cái đã có để thực hiện cái chưa có (công nghiệp hóa). So với cách quan niệm của Mác về cách mạng vô sản thì luận điểm trên đây của Lênin là những kết luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bị đảo ngược: cách mạng vô sản của Mác chỉ là việc chấm dấu chấm trên cái thân của chữ i đã hoàn thành (kinh tế tư bản chủ nghĩa) để chuyển sang một hình thái kinh tế xã hội mới thông qua một giai đoạn quá độ tạm thời gọi là “cải biến cách mạng” chủ yếu là cưỡng chế không cho tàn dư xã hội cũ trỗi dậy [4]; còn cách mạng vô sản của Lênin thì lại chấm cái chấm (cách mạng vô sản) để sau đó sẽ tạo ra cái thân cho chữ i (kinh tế) và coi cả thời kỳ xây dựng này là giai đoạn quá độ. Và đó chính là vinh quang nhưng đồng thời cũng là bi kịch của Cách mạng tháng Mười Nga. Trong quá trình thực hiện, không phải Lênin không nhận ra điều này: “Cứ lao vào đi rồi sẽ thấy” (On s’engage et puis on voit) – câu nói của Napoléon mà Lênin đã dẫn ra vào những ngày cuối đời để trả lời cho luận điểm “đợi chờ” của những người dân chủ-xã hội đã phản ánh điều đó[5]. Cái mà nước Nga lao vào thì rất rõ: nhà nước chuyên chính vô sản đã thành lập, còn cái “sẽ thấy” thì lại không lấy gì làm sáng sủa lắm: tất cả đều tỏ ra “cách mạng ghê gớm”, nhưng rút lại chỉ là huênh hoang, vội vã, hấp tấp, bị chủ nghĩa quan liêu đóng cáu lại, và cái nhà nước mà những người cộng sản đã tạo ra suốt 5 năm (1918-1923) cũng chỉ là một hoạt động vô hiệu, thậm chí “vô ích”, hay thậm chí “còn có hại là khác” – đó chính là những lời mà Lênin đã đọc cho thư ký ghi chép để đăng báo ngày 2.3.1923, khi nằm trên gường bệnh để sau đó khoảng một năm thì mất[6]. Ở Lênin tất cả đều không đơn giản vì ông là người rất ghét những cái giáo điều: ông vẫn tin tưởng sắt đá vào cách mạng nhưng cũng rất tỉnh táo để nhận ra bóng ma của một nhà nước quan liêu có sức bóp nghẹt toàn bộ sự sống của xã hội công dân đã bắt đầu xuất hiện. Ông đã nhận thấy rất rõ thực tế ấy và trước đó đã từng đề xuất khá nhiều ý kiến để chế ngự nó (ý kiến của ông về công đoàn, về dự tính đưa cả những Nepmen vào tham gia nhà nước, về những biện pháp nâng cao văn hóa cho những người cộng sản, v.v.); nhưng chưa có đủ thời gian nhìn rõ vấn đề một cách triệt để hơn thì ông đã mất và để lại toàn bộ di sản cho Stalin giải quyết.
Stalin và chủ nghĩa xã hội nhà nước độc quyền
Và Stalin đã giải quyết vấn đề này một cách đơn giản hơn Lênin nhiều, bởi vì Stalin cũng đã đơn giản hóa Lênin đi rất nhiều. Tất cả những gì mâu thuẫn, phức tạp, dằn vặt trong Lênin, nhất là những phát biểu mang tính chất di chúc của Lênin, đều đã bị Stalin gạt bỏ và chỉ giữ lại những gì cần thiết, đông đặc một khối, để tạo ra cái mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin: mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước độc quyền. Luận điểm “bạo lực như một tiềm năng kinh tế” mà Mác đã dùng để phê phán thời tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản[7] và sau này đã được Ănghen nhắc lại trong một viễn cảnh rộng rãi hơn[8], luận điểm ấy đã được Lênin sử dụng để biểu thị cho ý chí và kỷ luật trong xây dựng[9] thì ở Stalin đã biến thành sự cưỡng chế tuyệt đối của nhà nước tập quyền. Với một nhà nước như vậy – và Ðảng đã đồng hóa với nhà nước – thì cũng hoàn toàn không còn xã hội công dân và cũng không còn bất cứ một sinh hoạt dân chủ thực tế nào của xã hội công dân: tất cả đều từ trên đưa xuống bằng chỉ thị và mệnh lệnh. Nhà nước, trái với dự kiến của Mác sẽ tiêu tan dần trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì trong mô hình của Stalin đã trở thành thực thể tồn tại tự thân, vượt lên trên tất cả để trở thành Lịch sử: chuyên chính vô sản không còn là chuyên chính của một giai cấp mà đã trở thành chuyên chính của Ðảng, và cũng không phải là chuyên chính của Ðảng mà là chuyên chính của Trung ương Ðảng, và cũng không phải chuyên chính của Trung ương Ðảng mà là chuyên chính của một nhóm người, cuối cùng là chuyên chính của một người. Bằng bạo lực gọi là cách mạng, Stalin đã công nghiệp hóa được Liên Xô, nhưng cái giá phải trả cho nền công nghiệp ấy thật là khủng khiếp, vì nó đã được lót bằng sinh mệnh hàng triệu triệu con người và được lót cả bằng sinh mệnh của chính bản thân chủ nghĩa xã hội mácxít nữa. Thực chất của cái mô hình công nghiệp hóa ấy chẳng khác gì với cái thời kỳ tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản, là dùng bạo lực nhà nước như công cụ để rút ngắn thời gian tích lũy, là một nền sản xuất không màng đến người tiêu thụ, và cũng là sự hy sinh toàn bộ các quyền tự nhiên sơ đẳng của con người. Với một nghịch lý lạ lùng này: nhân danh cho hạnh phúc vĩnh viễn của con người. Và cũng chẳng phải như thế mà thôi: đó là một mô hình nhân danh hạnh phúc của con người để tạo ra chiến tranh thường trực với con người, trong cuộc chiến tranh ấy không lúc nào vắng bóng hình ảnh kẻ thù: kẻ thù ngoài nước, kẻ thù trong nước; khi kẻ thù thực tế đã bị thanh toán rồi (giai cấp tư sản, bọn phản cách mạng, bọn kulac…) thì phải hình dung ra những kẻ thù tiềm ẩn (bọn gián điệp, bọn bất đồng chính kiến…). Kẻ thù ấy có thể là bất cứ ai: trong Ðảng, trong Trung ương Ðảng, trong Bộ chính trị – tất cả đều có thể là “kẻ thù của nhân dân”. Mô hình chủ nghĩa xã hội đó hoàn toàn đi ngược lại những nguyên lý của bất cứ chủ nghĩa xã hội nào có mục đích giải phóng con người, nhất là giải phóng con người một cách hiện thực như trong chủ nghĩa xã hội mácxít. Và đó chính là nguyên nhân thâm sâu tạo ra sự khủng hoảng cho chủ nghĩa xã hội thực tế – nhen nhúm từ lâu và ngày nay mới bộc ra dữ dội – chứ không phải là cái gì khác. […]
Mô hình Stalin và thực tiễn cách mạng Việt Nam
Theo chỗ suy nghĩ của tôi, sở dĩ chủ nghĩa Lênin (nói chung là Mác-Lênin, nhưng chủ yếu là chủ nghĩa Lênin) vận dụng thành công vào những nước lạc hậu nghèo nàn – cái vùng ngoại vi của chủ nghĩa tư bản như đã nói – vì chủ nghĩa ấy đã đề xuất được một phương hướng đấu tranh rất có hiệu lực để giải quyết những mâu thuẫn gay gắt ở vùng đất này: độc lập dân tộc và phát triển xã hội. Chính vì đã đạt được hai vấn đề căn bản đó một cách triệt để, đồng thời tìm ra được những phương pháp cách mạng có hiệu lực (mà các đảng phái khác không có được) để thực hiện các mục tiêu trên đây, mà những người cộng sản ngày càng đại biểu được cho ý chí cách mạng của cả dân tộc, tập trung được sức mạnh (trực tiếp hoặc gián tiếp) của dân tộc để đương đầu với sự trấn áp (rất tàn khốc) của kẻ thù, cuối cùng giành được chiến thắng. Có rất nhiều điều để nói về những nguyên nhân làm nên chiến thắng (nhất là vấn đề lãnh đạo của Ðảng), nhưng tính chất đại biểu cho ý chí dân tộc đã trở nên bao trùm, nhất là vào những lúc cách mạng đang phát khởi thành cao trào. Trái lại những khi nào mà những người cộng sản đi chệch mục tiêu phổ quát đó thì họ sẽ gặp ngay cô lập và sai lầm: lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi lại khá nhiều trường hợp này. Ðiều đó có nghĩa là trong cách mạng dân tộc dân chủ, những người cộng sản đã đại biểu được cho “nỗi đau phổ biến”[10] của toàn dân tộc và cũng thể hiện được khát vọng phổ biến về cuộc sống phát triển trong tương lai của toàn dân tộc nữa. Nếu nhìn lại những mục tiêu hành động do Ðảng cộng sản đưa ra thông qua Mặt trận Việt Minh, rồi về sau là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, người ta sẽ thấy rõ điều này: bảo đảm quyền tư hữu cho mọi công dân, những người tư sản dân tộc được tự do làm ăn, người nông dân được làm chủ mảnh ruộng của mình, đời sống trí tuệ, tinh thần (ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng) được tự do phát triển, v.v. Trong những chương trình như vậy, bạn rất nhiều mà thù rất ít, mục tiêu cũng rất đơn giản và cụ thể, có thể thực hiện được dễ dàng, phù hợp với tất cả mọi người. Ngày nay những người cộng sản nào hay nhắc lại lịch sử để chứng minh rằng Ðảng cộng sản không phải là cái gì đó từ đâu “nhảy dù” xuống đất nước này, tôi đề nghị những người ấy đừng quên nhắc lại cùng một lượt sự có mặt của những người cộng sản với những chương trình hành động thiết thực ấy. Tuy vậy, tất cả đều trở thành vấn đề, trở thành phức tạp, khi lịch sử đã sang trang, nghĩa là sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc để bước sang thời kỳ xây dựng hòa bình, thời kỳ phát triển đất nước. Và sang thời kỳ mới này thì ngay lập tức, sức mạnh dân tộc trên đây đã không còn nữa. Người nông dân sau khi được chia cho ruộng đất thì liền bị đưa vào hợp tác, không còn được làm chủ miếng đất của mình; người tư sản dân tộc (kể cả những nhà tư sản yêu nước, có đóng góp cho kháng chiến) cũng không còn được làm chủ nhà máy để thực hiện câu “lợi nhà ích nước” – tất cả đều phải là hợp tác và quốc doanh – kể cả những ngành nghề tẹp nhẹp như thợ may và cắt tóc (ở miền Bắc sau 1954). Quyền tự do đi lại, tự do mua bán đã biến thành chế độ hộ khẩu, chế độ tem phiếu: buôn bán tự do thì bị liệt vào “con phe”, còn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thì bị quy định một cách ngặt nghèo bởi lề luật của cái gọi là “đấu tranh tư tưởng”: ai muốn tự do ngôn luận thì kể chuyện tiếu lâm hiện đại. Có nhiều người đã gọi tất cả những thứ trên đây là “vắt chanh vỏ bỏ”, là “nuốt lời hứa”; nhưng bình tĩnh mà xét thì những người cộng sản chỉ làm cái mà họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã bảo phải làm mà thôi: sau cách mạng dân tộc dân chủ phải tiếp tục không ngừng cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện luận điểm từ một nước nghèo nàn lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa. Còn nội dung của cái gọi là xã hội chủ nghĩa thì lại xóa bỏ thị trường, là công hữu về tư liệu sản xuất, là không còn xã hội công dân mà chỉ còn “quần chúng” và “nhân dân”, là dùng nhà nước chuyên chính vô sản để thực hiện tất cả. Chúng ta tin tưởng thành khẩn rằng phải làm như vậy mới là “xã hội chủ nghĩa”, là thực hiện đúng những “nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin”. Chúng ta cho đó là “chính thống”, ngoài ra sẽ là “tư bản”, là “xét lại”. Nhưng thật sự chúng ta đã quên đi rất nhiều điều thuộc về phương pháp luận mácxít – điều mà chúng ta cứ cho rằng một lòng một dạ phải đi theo. Chúng ta quên rằng những gì Mác đã đề xuất (xóa bỏ hàng hóa, thị trường, công hữu về tư liệu sản xuất…) chỉ có thể thực hiện được trên giả định là chủ nghĩa tư bản đã tạo ra được những điều kiện vật chất cao nhất để từ đó chủ nghĩa xã hội có thể thay thế nó như là một hình thái kinh tế xã hội mới. Ở một đất nước nghèo nàn lạc hậu mà lại bị đô hộ như Việt Nam thì chúng ta lấy đâu ra cái tiên đề ấy. Chúng ta cũng quên luôn rằng Lênin sau Cách mạng tháng Mười cũng đã định tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội (bằng con đường xã hội chủ nghĩa thời chiến) và đã đưa nước Nga đến chỗ kiệt quệ, gần như sụp đổ, vì thế chính ông đã phải đề xuất NEP thừa nhận tư sản, thừa nhận cạnh tranh, thừa nhận tô nhượng, thừa nhận hàng hóa, thị trường… Còn chúng ta, hoàn cảnh cũng tương tự như thời ấy ở Nga, chúng ta lại chủ trương không làm NEP. Nói là vận dụng Lênin, nhưng trong thực tế chúng ta đi ngược Lênin, hoàn toàn bỏ qua kinh nghiệm cuối cùng của Lênin về kinh tế (NEP). Chúng ta thích nói đến “nhà nước chuyên chính vô sản”, tưởng rằng như vậy là theo Mác để khỏi cần phải thực hiện tam quyền phân lập. Nhưng chúng ta quên rằng mô hình Công xã Paris mà Mác tổng kết chỉ lập ra ở một khu vực nhỏ bé của nước Pháp (Paris) bị bao vây tứ phía, đang làm nhiệm vụ cách mạng (cướp và giữ chính quyền), tồn tại chỉ có 72 ngày, chứ chưa phải là một nhà nước trong một quốc gia rộng lớn có nhiều thành phần xã hội khác nhau mà nhiệm vụ đã chuyển sang hòa bình sản xuất; chúng ta cũng quên rằng Công xã Paris của Mác không cần thực hiện tam quyền phân lập là vì nó đã bị kiểm soát chặt chẽ bằng những biện pháp thực tế để không thể biến thành thực thể xa lạ hoặc thống trị lại xã hội công dân. Chúng ta không nghiền ngẫm những lời dặn của Lênin về cái “nguy cơ” nhà nước chuyên chính bị quan liêu hóa để tiếp tục Lênin tìm ra những giải pháp về định chế nhằm ngăn chặn sự suy thoái của quyền lực mà những nhà tư tưởng thời Khai sáng đã đưa ra cho cả loài người[11]. Không phải Mác hoàn toàn mà cũng không phải Lênin hoàn toàn, vậy thì trong thực tế, chúng ta đã đem ra thực hiện cái mô hình chủ nghĩa xã hội nào? Ðó chính là mô hình Stalin và mô hình Stalin phương Ðông là Mao Trạch Ðông. “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” là gì nếu không phải là Stalin? “Ðấu tố”, “cải cách ruộng đất” là gì nếu không phải là Mao Trạch Ðông? Và nhà nước hóa toàn diện đời sống xã hội, xóa bỏ mọi sinh hoạt dân chủ của xã hội công dân là gì nếu không phải là Stalin với Mao Trạch Ðông cộng lại?
“Dieu est mort, tout est permis”
Và cũng chính vì quá tin tưởng vào tính “chính thống” của cái mô hình chủ nghĩa xã hội ấy mà chúng ta đã đóng cửa lại với thế giới tư bản. Chúng ta chỉ biết có “phe ta” (ngoài ra là địch), trong khi phe ta lại đang gặp phải hàng loạt những vấn đề ghê gớm: vấn đề dân tộc (sự tranh chấp gay gắt giữa Liên Xô và Trung Quốc), vấn đề tội ác của Stalin rồi sau đó là Mao Trạch Ðông (Ðại hội XX của Ðảng cộng sản Liên Xô, “nhảy vọt” rồi “cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc); vấn đề canh tân chủ nghĩa xã hội (Hungari 1956, Mùa xuân Praha Tiệp Khắc 1968…). Chúng ta vẫn không nhìn thấy sự tụt hậu quan trọng về tốc độ phát triển của toàn bộ thế giới xã hội chủ nghĩa trong những năm 1970. Còn đối với phe tư bản thì chúng ta cứ nhất định cho rằng nó “đang giãy chết” và đó là một lũ lửa phỉnh chỉ cần phỉ nhổ là đủ. Chúng ta vẫn cứ tin như tin vào Kinh thánh những gì Mác mô tả về giai cấp công nhân trong xã hội tư bản chủ nghĩa thế kỷ XIX cho rằng ngày nay họ vẫn chỉ là những tên nô lệ bị ông chủ bỏ đói! Chúng ta vẫn tin rằng chỉ có nước Nhật là nước cuối cùng có thể công nghiệp hóa theo phương thức tư bản chủ nghĩa, còn những nước lạc hậu nghèo nàn khác thì chỉ có thể là “những thuộc địa trá hình”, không thể độc lập và cũng không thể phát triển nhanh được… Kết quả của những điều đó là gì? Là ngăn chặn toàn bộ khả năng tiếp thu những thành quả mới về khoa học kỹ thuật đã bước sang thời kỳ công nghiệp điện tử để áp dụng vào việc công nghiệp hóa đất nước, và công nghiệp hóa bằng con đường nhanh chóng. Là chúng ta cứ mò mẫm, hết phá cái này dựng nên cái khác, cuối cùng dân tộc vẫn chìm đắm trong lạc hậu nghèo nàn, làm không đủ ăn, nợ trả không được nói gì đến tích lũy. Là nuôi dưỡng một bộ máy quan liêu khổng lồ và bù lỗ thường trực cho những cơ sở thuộc phạm trù “công hữu về tư liệu sản xuất” đến làm kiệt quệ ngân sách. Là tạo ra một chủ nghĩa bình quân mang danh “bình đẳng xã hội” đưa tới trì trệ, lười biếng, vô trách nhiệm với toàn xã hội. Và từ đó mà sinh ra tất cả những cái tệ hại khác, trong đó sự suy thoái về phẩm chất của cán bộ, đảng viên là cái quan trọng nhất. “Dieu est mort et tout est permis” (Thượng đế chết rồi thì tất cả đều được phép): không biết nhà tư tưởng nào đã nói ra câu này, nhưng đa số đảng viên hiện nay đều mang cái não trạng tương tự như vậy. Và người dân có mất lòng tin vào Ðảng thì gốc rễ là do Ðảng không tìm ra được một con đường phát triển có hiệu lực để đưa đất nước ra khỏi lạc hậu nghèo nàn, trong dân chủ và tự do, chứ không phải là cái gì khác.
Chủ nghĩa xã hội: tự do và phát triển
Những vinh quang đạt được trong thời kỳ giải phóng dân tộc thay vì được phát huy theo chiều hướng tích cực thì lại bị co lại thành những nhược điểm. Chính là vì trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập phải nhờ vào sự giúp đỡ tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa, không có thì giờ để suy nghĩ cặn kẽ, chúng ta cũng đã tiếp thu luôn những mặt tiêu cực trong chủ nghĩa xã hội thực tế. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã đi vào Việt Nam bằng con đường dân tộc; nhưng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao cũng đi vào Việt Nam bằng con đường dân tộc. Sự du nhập mang tính chất hình mẫu quốc tế này, cộng thêm với cuộc chiến đấu bằng bạo lực lâu dài, đã tạo ra trong chúng ta thói quen tin rằng kẻ đánh thắng được giặc rồi là có thể làm được tất cả, và do đó cũng tin rằng có thể dùng ý chí và những biện pháp tổ chức động viên theo kiểu chiến tranh và cách mạng trước đây để xây dựng kinh tế, phát triển xã hội. Chúng ta đã không chú ý nhiều đến những cái sơ đẳng về cuộc sống của con người trong một cuộc sống đã trở lại bình thường sau chiến tranh. Chúng ta hiểu rằng động lực của con người trong chiến tranh là chịu đựng tất cả, nén lại tất cả đau thương mất mát để hy vọng có chiến thắng và hòa bình, nhưng chúng ta không hiểu rằng khi chiến tranh đã chấm dứt thì con người sẽ phải nghĩ đến những cái gì bình thường của một cuộc sống ở đó phát triển và tự do chính là động lực. Trong hòa bình rồi, chúng ta vẫn bắt con người phải chịu đựng, phải hy sinh cho một “ngày mai ca hát” nào đó không biết bao giờ mới đến: chúng ta tổ chức sản xuất cũng giống như đánh giặc và toàn khen thưởng bằng những lời khen như thời kỳ đánh giặc. Chúng ta biết rằng mục tiêu của thời kỳ cách mạng bạo lực, cuối cùng là phải đi tới cái đảo lộn tức thời, nhanh chóng (cướp chính quyền), nhưng lại quên rằng mục tiêu của một xã hội bình thường chính là sự ổn định trong phát triển, là sự nâng cao tiệm tiến và vững chắc của cuộc sống, có thể nhìn thấy được trong từng bữa cơm hàng ngày, trong từng nụ cười của những đứa trẻ hàng ngày, chứ không phải là nén nhịn để đợi chờ một ngày nào đó rồi sẽ có tất cả – một lần là xong. Ở đây chúng ta lại gặp lại toàn bộ những khó khăn mà nước Nga của Lênin đã trải qua từ 1917: một mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa khi đã có hòa bình.
Ði tìm một mô hình mới: ưu tiên bảo vệ con người…
Biện chứng của cuộc khủng hoảng trong chủ nghĩa xã hội hiện thực hiện nay là sự phát triển đã đến điểm nút của những biện pháp xây dựng không thích hợp với thực tiễn cuộc sống và đã bị chính cuộc sống đứng lên bác bỏ. Vì thế đổi mới đặt ra cũng là để giải quyết mâu thuẫn căn bản đó, nghĩa là tìm kiếm một mô hình mới về chủ nghĩa xã hội chứ không phải là chắp vá lại một mô hình cũ. Thực chất đó là một cuộc cách mạng từ bên trên – nói cho đúng là những cải cách mang tính chất cách mạng – do chính những người cộng sản một lần nữa tiến hành và lãnh đạo để đưa dân tộc tiến vào một thời kỳ mới. Vì thế việc từ bỏ tất cả những thiên kiến, những giáo điều, những lề lối suy tưởng hoạt động theo thời kỳ chiến tranh và cách mạng, cướp chính quyền cũng phải được xét duyệt lại tất cả một cách can đảm, dứt khoát thì mới có thể chủ động được tình hình. Không phải chỉ đặt vấn đề làm trong sạch Ðảng bằng “giáo dục” hoặc trừng trị (có người đòi lập pháp trường cát ở sân Tao Ðàn!) mà chính là một môi trường trong sạch về thực tế và lý luận để Ðảng có thể giữ được ngọn cờ tiên phong của mình một lần nữa trước vận mệnh của dân tộc. Theo sự suy nghĩ của tôi thì trước tiên, về mặt lý luận, chúng ta phải “tạm gác” tất cả những kết luận về chủ nghĩa xã hội mà Mác, Lênin (nhất là Stalin) đã đưa ra với tư cách là một mô hình phát triển hòa bình sau khi cách mạng đã thành công. Phải chấp nhận điều này như là khởi điểm để suy tưởng, không phải là từ bỏ Mác và Lênin mà để trung thành hơn với Mác và Lênin, là dùng phương pháp phân tích hiện thực mácxít (cái linh hồn của chủ nghĩa Mác như Lênin đã nhận xét) để phân tích tình hình hiện thực của thế giới và đất nước ngày nay và tìm ra cho được những kết luận mới, những kết luận mà Mác và Lênin chưa thể đề ra trong thời đại của các ông. Thực tế thì tất cả những nhà lý luận mácxít nghiêm chỉnh hiện nay đều đã chấp nhận điểm xuất phát này, dù nói ra hay không nói ra. Chẳng hạn về cơ chế thị trường: chẳng phải là với NEP, Lênin đã “tạm gác” Mác lại đó sao? Chẳng hạn vấn đề nhà nước pháp quyền: chẳng phải trước đây Lênin chưa dùng khái niệm này hay sao? Và chẳng hạn những khái niệm xã hội công dân, tam quyền phân lập…: chẳng phải trước đây đã từng bị liệt vào chính trị học tư sản hay sao? Vậy mà những khái niệm ấy ngày nay đã được những nhà lý luận mácxít nhập vào kho từ vựng của mình, không phải để từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà chính là đổi mới nó. Những nỗ lực như vậy còn đang tiếp tục, không đơn giản chút nào, có nhiều điều đã có thể kết luận, có nhiều điều còn đang nghiên cứu tranh luận; nhưng dù sao thì cứ phải tìm kiếm chứ không thể tiên quyết phủ nhận từ đầu, trừ khi người ta chẳng muốn đổi thay gì cả. Nghiên cứu tất cả những kinh nghiệm ấy, nhất là kinh nghiệm những cái cần tránh vốn đã có thực tế lâu dài để khẳng định, từ đó tìm ra những cái cần làm phù hợp với điều kiện thực tế của mình, đó chính là vấn đề quan trọng hiện nay ở nước ta, không phải chỉ để phục vụ cho những cái trước mắt mà còn định ra được một chiến lược phát triển lâu dài cho đất nước. Nguyên lý mà tôi đề nghị sử dụng làm nền cho sự hình thành mô hình phát triển thích hợp với nước ta trong giai đoạn mới là: ưu tiên bảo vệ con người trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa xã hội. Kinh nghiệm của các chế độ chính trị khác nhau đã cho biết rằng công nghiệp hóa là một quá trình cực kỳ đau đớn, khó khăn, gây ra nhiều xáo trộn cho xã hội; vì thế nếu không ý thức rõ điều đó (và cho là chỉ chủ nghĩa tư bản mới gặp) để bảo vệ các quyền tự nhiên của con người thì con người sẽ bị quá trình công nghiệp hóa biến thành công cụ cho sản xuất như đã từng xảy ra trong thời tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX và của Liên Xô thời Stalin – một bên do cơ chế thị trường mù quáng tạo ra, một bên do cơ chế mệnh lệnh chuyên quyền tạo ra. Kết hợp cơ chế thị trường với kế hoạch và đặt vấn đề ưu tiên bảo vệ con người trong quá trình công nghiệp hóa, đó chính là kinh nghiệm lớn mà chúng ta cần quan tâm đặc biệt để hình thành chiến lược phát triển cho đất nước. Giai đoạn này sẽ kéo dài, vì thế phải quan niệm đây chỉ là một giai đoạn trong toàn thể một hình thái kinh tế xã hội quá độ (có thể kéo dài cả trăm năm như có người dự tính), để từ bỏ quan niệm coi đó là cái gì tạm thời có thể “nhảy vọt” được bằng ý chí và cưỡng bức. Chúng ta cần ý thức rõ tính chất phức tạp, khó khăn này để trong quá trình xây dựng, bất cứ lúc nào cũng phải coi chính sách về con người là cái quan trọng hơn hết. Nhưng cũng phải quan niệm dứt khoát rằng đây chưa phải là chủ nghĩa xã hội mà chỉ là bước đi đầu tiên của hình thái quá độ và nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ này là công nghiệp hóa, cho nên cũng phải ý thức thêm rằng nếu chỉ muốn bảo vệ con người mà không thừa nhận cạnh tranh, mâu thuẫn (nhiều khi rất tàn khốc) vốn là động lực của phát triển kinh tế thì cũng không thể thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa được.
Một số tiền đề căn bản
Từ những định hướng trên, tôi cho rằng, trong hình thái kinh tế xã hội quá độ này, cũng sẽ phải từ bỏ hoàn toàn sự phân biệt một cách trừu tượng giữa cái gọi là “tư bản chủ nghĩa” và “xã hội chủ nghĩa”, giữa “chính thống” và “xét lại”: kinh nghiệm cho chúng ta biết những cuộc tranh luận về vấn đề này thường chỉ là tư biện, “ý thức hệ” (theo nghĩa không khoa học của Mác), không có lợi cho thực tiễn. Ở đây việc quay trở về với những chương trình mà chúng ta đã nêu ra trong thời kỳ cách mạng dân tộc và dân chủ (được gọi là cách mạng tư sản kiểu mới nhưng lại bị xóa bỏ hoàn toàn khi đất nước chuyển sang hòa bình) là hoàn toàn thực tế và chẳng có gì gọi là “phi mácxít” cả, vì chính là do những người mácxít đưa ra! Kinh nghiệm về NEP của Lênin rất quan trọng (hiện nay đang được chấp nhận ở Việt Nam), nhưng phải được phát triển nhất quán và toàn diện và đưa vào khuôn khổ xây dựng một hình thái kinh tế xã hội quá độ, từ bỏ ý tưởng giới hạn của Lênin về NEP, chỉ coi NEP là bước thụt lùi chiến thuật, vì thực chất hình thái quá độ mà chúng ta đang nói không phải là bước thụt lùi mà chính là điểm khởi hành thực tế – khởi hành từ một xã hội cổ truyền, nghèo nàn lạc hậu vừa thoát khỏi chiến tranh để công nghiệp hóa. Một số tiền đề căn bản sẽ được phác họa để làm cơ sở lý luận cho mô hình phát triển đã trình bày: 1. Chúng ta không còn bị bao vây như nước Nga bị bao vây thời Lênin và Stalin nữa. Vấn đề bị bao vây đối với chúng ta thật sự là chưa chấm dứt (Mỹ, Trung Quốc…), nhưng trong điều kiện thế giới càng đi vào xu thế hòa hoãn thì chúng ta có thể chủ động giải tỏa sự bao vây ấy một cách thỏa đáng để hòa nhập vào sự phát triển chung của thế giới (Lênin đã đề ra trong NEP, nhưng do điều kiện bấy giờ chưa thực hiện được). Chính sách ngoại giao để phát triển giả định chúng ta cũng phải từ bỏ ý định “phất cờ” vốn không phải là không có trong chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam. Tất nhiên, chính sách đóng cửa, tự lực cánh sinh theo kiểu cũ lại cần phải từ bỏ nhanh chóng. 2. Từ bỏ những phương pháp cách mạng và bạo lực để phát triển kinh tế và xã hội; phương pháp cải tạo hòa bình mang tính cách mạng đang là khả năng đã xuất hiện trong thời kỳ vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện nay. Tất nhiên khả năng cách mạng bạo lực, chiến tranh vẫn còn ở nơi nào mà chủ nghĩa đế quốc vẫn tiếp tục còn sử dụng chiến tranh và bạo lực. Tuy vậy ở những nơi cách mạng bạo lực đã thành công thì phải cương quyết từ bỏ phương pháp bạo lực và cách mạng chính trị để xây dựng kinh tế, phát triển xã hội. Ðiều đó có nghĩa là phải từ bỏ hẳn khái niệm “bạo lực như một tiềm năng kinh tế”, thực hiện bằng một nhà nước chuyên chính vô sản kiểu Lênin, nhất là Stalin. Không khẳng định được thời gian chừng nào sẽ hoàn thành được cái thân chữ i cho chủ nghĩa xã hội mà cứ duy trì chuyên chính để xây dựng kinh tế thì tất yếu sẽ dẫn đến lạm quyền, độc đoán, tạo điều kiện cho nhà nước nuốt chửng xã hội công dân, ngược lại với viễn cảnh của Mác về sự tiêu vong dần dần của nhà nước, và cũng ngược lại với mong mỏi của Lênin về một nền dân chủ “gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản”. 3. Trong kinh tế, nếu đã thừa nhận hàng hóa, thị trường, thừa nhận nhiều thành phần kinh tế khác nhau, thì vấn đề xây dựng một nhà nước dân tộc cũng trở thành vấn đề mấu chốt về chính trị. Ðiều đó có nghĩa là phải từ bỏ khái niệm nhà nước giai cấp, vì khái niệm này đã đặt trên giả định của Mác trong những xã hội tư sản như Mác mô tả là giai cấp vô sản đã trở thành đại đa số dân cư (do sự phá sản của giai cấp tiểu tư sản, quý tộc, tiểu nông và cả tư sản bị cạnh tranh mà trở thành vô sản) và giai cấp tư sản thống trị chỉ còn lại một nhúm đầu sỏ ăn bám thừa thãi. Trong những nước mà xã hội công dân bao gồm nhiều thành phần khác nhau, và tất cả các thành phần này đều cần thiết cho phát triển, thì tất cả phải được thừa nhận lâu dài (công nhận quyền sở hữu tư nhân…) trong cả thời gian của hình thái kinh tế-xã hội quá độ, chứ không thể coi là chiến thuật, muốn bóp muốn nhả lúc nào cũng được. Vấn đề hình thành một xã hội công dân mới phải được chấp nhận để tạo ra định chế chính trị mới. 4. Vấn đề chuyên chính vô sản cũng phải chuyển thành chuyên chính nhân dân thực hiện trong điều kiện hòa bình và thể hiện chuyên chính bằng hiến pháp và luật pháp (như tất cả các nước hiện đại), dùng sự cưỡng chế của luật pháp để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chế độ, bảo vệ tổ quốc, chứ không dùng luật pháp như công cụ của cách mạng như trong thời cách mạng bạo lực. Tất cả những gì có hại cho chế độ phải được quy định rõ rệt về mặt hiến pháp và luật pháp để thực hiện tinh thần mới về luật pháp: tất cả những gì không cấm thì được phép. 5. Khái niệm tập trung dân chủ hiểu theo nghĩa cách mạng và chiến tranh cũng phải chuyển sang điều kiện hòa bình: tập trung ý chí nhân dân vào luật pháp và hiến pháp, tập trung quyền lực vào tay nhà nước, nhưng vẫn quy định quyền tồn tại độc lập pháp định của xã hội công dân để kiểm soát mọi hoạt động của nhà nước, thực hiện tam quyền phân lập để tránh sự cấu kết đưa tới lạm quyền, đồng thời cho phép có quyền được tồn tại công khai và pháp định ý kiến của thiểu số, coi sự tồn tại này như cái “van” cần thiết để điều chỉnh nhanh chóng những sai lầm, khiếm khuyết có thể có trong những chính sách và đường lối đã được đa số quyết định và thỏa thuận, định nghĩa như là những chọn lựa tối ưu, chứ không phải là chọn lựa tuyệt đối. Vấn đề xây dựng một nhà nước pháp quyền phải trở thành nền móng để giải quyết vấn đề đa nguyên, đa đảng. 6. Trong chiều hướng xây dựng một định chế dân chủ như vậy thì Ðảng cộng sản sẽ đứng ở đâu? Phát triển một cách nhất quán một số quan điểm đã xuất hiện gần đây, như “Ðảng lãnh đạo bằng thuyết phục, vận động chứ không bằng quyền lực” hoặc “Ðảng hòa mình trong xã hội, chứ không đứng ngoài, càng không đứng trên xã hội”, tôi cho rằng sẽ không có cách nào khác ngoài việc Ðảng phải giao toàn bộ quyền lực cho nhà nước, trở về xã hội công dân, tự đặt mình trong luật pháp, bình đẳng với mọi tổ chức chính trị xã hội khác, từ đó khẳng định lại năng lực và phẩm chất của mình. Trong điều kiện ấy, là một thực thể chính trị pháp định, Ðảng vẫn có thể tham gia nhà nước bằng cách đề xuất chương trình để tranh cử. Nếu chương trình của Ðảng hợp lòng dân, thực tế và có hiệu lực để sớm đưa đất nước ra khỏi lạc hậu, nghèo nàn thì Ðảng sẽ thành đa số để cầm quyền – một cách công khai, pháp định, có thời hạn và được kiểm soát, chứ không phải do vận động ngầm hoặc những cách áp đặt mang tính chất siêu nhà nước hoặc siêu công dân như trước đây. Chỉ có cách đó thì Ðảng mới tạo ra cho mình những điều kiện hoạt động thiết thực nhất để tự đổi mới.
Trở lại với cụ Hồ
Tất cả những gì được trình bày trên đây rút lại là có tham vọng gì? Không có điều gì khác hơn là thử đứng từ phương pháp phân tích hiện thực theo tinh thần mácxít để tìm ra một cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trong một tình thế đã khác xưa: và tình thế ấy cũng không có gì khác hơn là sự phát triển hòa bình của đất nước mà những biện pháp cách mạng và chiến tranh đã tỏ ra không còn thích hợp nữa. Tuy được viết ra trong xu thế đổi mới chủ nghĩa xã hội hiện nay, tôi vẫn cho rằng những ý kiến ấy chẳng có gì mới mẻ lắm. Tất cả đều đã được phác ra từ ngày chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam bằng hai câu trích trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của Cách mạng Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp 1791, khẳng định cho những công dân Việt Nam cái quyền được sống tự do và hạnh phúc như bất cứ con người nào trong thời đại mới này. Ðó là sự khẳng định lớn lao nhưng cũng rất bình thường, nhưng đã vì một lý do ngoắt ngoéo nào đó của lịch sử, có lúc chúng ta đã quên đi để chạy theo những ảo ảnh nào đó, không phải của mình. Tôi không hề nghĩ rằng chúng ta phải lùi lại 45 năm lịch sử để làm lại tất cả. Nhưng nếu trong những ngày tháng này mà không có được một điểm khởi hành tương tự về dân tộc, ở đó người cộng sản đại biểu cho cái phổ biến dân tộc đã bước sang một kỷ nguyên mới, thì mọi giải pháp rồi ra cũng sẽ rất chênh vênh. Một thái độ thực tế về chủ nghĩa xã hội hiện nay là rất cần thiết. Vì chủ nghĩa xã hội không có cái gì khác hơn là cái thêm vào cho tốt hơn cái bình thường có thực, chứ không phải là vượt lên cái phi thường mà mộng mị. Ðó chẳng phải cũng là bài học đắng chát cho tất cả những ai còn tin tưởng vào tính hiện thực của chủ nghĩa xã hội trên trái đất này hay sao?
5.3.1990 LP Nguồn: Phát Triển Kinh tế (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), số tháng 5 năm 1990.
[1] C. Mác, “Nội chiến Pháp” (1871), trong Tuyển tập Mác-Ăngghen, tập IV, Sự thật, Hà Nội, 1983, tr. 92. [2] Lênin, “Thư mật gửi D. I. Cuốcxki ngày 20.2.1922”, trong Lênin toàn tập, tập 44, Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tr. 485. [3] Lênin, “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky” (1918), trong Lênin toàn tập, tập 37, Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tr. 297. [4] C. Mác, “Phê phán cương lĩnh Gotha” (1875), trong Tuyển tập Mác-Ăngghen, tập IV, tr. 491. [5] Lênin, “Về cuộc cách mạng của chúng ta” (17.1.1923), trong Lênin toàn tập, tập 45, Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tr. 434. [6] Lênin, “Thà ít mà tốt” (2.3.1923), như trên, tr. 442-460. [7] C. Mác, Tư bản, tập I, phần 2, Tiến bộ, Matxcơva, và Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 303. [8] “Vậy chúng ta đấu tranh cho chuyên chính chính trị của giai cấp vô sản để làm gì, nếu quyền lực lại bất lực về mặt kinh tế. Bạo lực (nghĩa là quyền lực nhà nước) cũng là một tiềm lực kinh tế”. Có thể dùng ý này của Ăngghen để phê phán toàn bộ chủ nghĩa xã hội thực tế chăng? Xem Ăngghen, “Thư gửi Conrad Schmidt 27.10.1890”, trong Tuyển tập Mác-Ăngghen, tập VI, Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 739. [9] Lênin, “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xô viết” (tháng 4.1918), trong Lênin toàn tập, tập 36, tr. 243-246. [10] C. Mác, “Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel” (1843-1844), trong Tuyển tập Mác-Ăngghen, tập I, Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 33. [11] Thí dụ của Montesquieu (1689-1755): “Kinh nghiệm muôn đời cho thấy mọi người có quyền lực đều có khuynh hướng lạm quyền”, do đó “phải dùng quyền lực để ngăn chặn quyền lực bằng cách bố trí mọi sự”. Xem Nguyễn Trọng Nghĩa, “Từ dân chủ tư sản đến dân chủ xã hội chủ nghĩa”, Ðất Nước (Hội người Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Ðức), bộ mới số 1, 12-1989, tr. 10 [tài liệu của “Hội thảo Việt Nam 89”, cũng đã đăng trước đó trong Ðoàn kết số 414-415, tháng 6/7-89].
23-9-08 |