Lữ Phương
Trong hai ông họ Trịnh này,
Trong một bài viết (đang được bàn tán ồn ào) của mình*, ông hoạ sĩ họ Trịnh tên Cung (Trịnh Cung) đã tập trung nói về nhân cách chính trị của ông nhạc sĩ họ Trịnh tên Công Sơn (Trịnh Công Sơn), tôi nghĩ đó mới chính là câu chuyện đặt ra để bàn luận chứ không phải là vấn đề giá trị âm nhạc của Trịnh Công Sơn như thuyết giảng của một ai đó. Theo tôi, khai thác giá trị nghệ thuật của ông họ Trịnh nhạc sĩ này để bảo vệ ông ta trước sự chỉ trích của ông hoạ sĩ họ Trịnh là không thích đáng lắm. Tất cả những gì đáng nói ở đây vì thế là nội dung chính trị trong cuộc đời Trịnh Công Sơn chứ không phải là giá trị của tác phẩm nghệ thuật mà Trịnh Công Sơn làm ra. Vấn đề cũng đã có tiền lệ: người ta đã nói nhiều về Heidegger với tư cách là thành viên đảng Nazi của Hitler và Heidegger với tư cách là một triết gia suy tưởng về số phận con người khi phải sống trong thế giới con người. Sự tách biệt ấy cũng đã được ông hoạ sĩ họ Trịnh quan tâm để làm nổi lên thật rõ cái khía cạnh chính trị trong con người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: trước sau Trịnh Công Sơn tuy là một phần tử không cộng sản nhưng vẫn là thân cộng – trước 1975, Trịnh Công Sơn vì thân cộng đã làm hại chế độ Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975, dựa hơi chế độ cộng sản, Trịnh Công Sơn đã đồng loã với chế độ này để nhậu nhẹt, trai gái, xu nịnh, chẳng có gì gọi được là phi chính trị, cao sang cả. Câu chuyện đáng bàn luận ở đây vì thế là câu chuyện về nhân cách của một nghệ sĩ với tư cách là một con người, một công dân và ở Trịnh Công Sơn qua bài viết của Trịnh Cung, đó chính là nhân cách chính trị trong cuộc đời của nhạc sĩ này và cũng vì cái nhân cách chính trị này mà cái nhân cách đạo đức trong bản thân con người cá nhân của Trịnh Công Sơn đã bị ảnh hưởng nặng nề. Chắc hẳn không có ai lại cho rằng thứ chủ đề chính trị này là mới lạ trong cái không gian chữ nghĩa Việt Nam hiện nay (trong lẫn ngoài nước). Vì thế người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều đồng cảm với hoạ sĩ Trịnh Cung để chia sẻ tán thưởng. Trong đó có không ít những người trung thành sống chết với chế độ chính trị mệnh danh Việt Nam Cộng Hoà trước đây, nay tuy không còn tồn tại nữa nhưng vẫn được xem như một thứ giá trị nào đó có thể dựa vào để chống lại mọi thứ không giống với mình. Và trong đó cũng không khó khăn gì lắm để nhận ra một số người khác tuy không đứng về phía Việt Nam Cộng Hoà trước đây, bây giờ cũng tỏ ra không có cảm tình gì với cái đã trở thành quá khứ ấy, nhưng do quá chán nản với những thứ bầy hầy không thể tưởng tượng nổi và không chịu đựng nổi của cái chế độ vẫn còn mệnh danh là “cộng sản” để cai trị đất nước, nên lên tiếng phụ hoạ để tỏ bày nỗi ưu thời mẫn thế của mình. Xét về mặt cá nhân, tôi nghĩ có lẽ sẽ không có bao nhiêu người nghi ngờ nỗi bức xúc của ông Trịnh Cung khi phải quyết định phơi bày điều mà ông gọi là “sự thật”, cũng có thể sẽ không nỡ nghi ngờ cái cảm tình đặc biệt mà ông dành dụm cho cái thực thể chính trị mệnh danh Việt Nam Cộng Hoà thời trước của ông, thêm nữa có lẽ cũng chẳng ai dám có ý nghĩ trách móc ông giải bày (tất nhiên không phải ở Việt Nam) sự căm ghét của ông với cái chế độ mà ông phải chịu đựng để sống với nó cho đến nay. Điều đó nhiểu người đã làm rồi, trước ông rất lâu, bây giờ chẳng có gì gọi là mới mẻ. Một cái cửa đã bị xô ra rồi, không cần phải lấy sự “chịu chơi”, hoặc “dũng cảm” gì gì đó để lý giải bài viết của những người như ông. Bởi vì cái nền móng xã hội mang chở những oán hận dai dẳng ấy vẫn chưa được dọn sạch. Những tâm thức tàn dư của một thời xung đột đã qua, nay vẫn còn đè nặng lên tâm tư nhiều người Việt, từ bên đây đến bên kia, vung vãi ra cả trên mặt trái đất, bài viết của Trịnh Cung chỉ là dịp làm hiển hiện lại cái dấu vết đó thôi. Nhưng dù vậy đi nữa thì với bài viết của mình, ông cũng đã không tránh khỏi khơi lên trong nghĩ ngợi của nhiều người quen biết ông, kể cả những người có cảm tình với ông, một nỗi băn khoăn đến khó hiểu: cái động cơ thâm sâu nào đã khiến ông lôi một người bạn nhạc sĩ cố tri, thân thiết của mình ra làm một bung xung chính trị om xòm đến như vậy? Không biết khi làm công việc ấy ông hoạ sĩ họ Trịnh có lường hết hậu quả hay không. Chắc ông cũng đã biết quá rõ rồi: mấy ngày gần đây những người quen biết ông lẫn Trịnh Công Sơn, được ông nói đến trong bài viết, đã cực kỳ phẫn nộ về thái độ của ông. Họ gọi ông là một kẻ “phản bội bạn bè”, là người “lật lọng”, thiếu nhân cách đến có thể “trở mặt” xoành xoạch với anh em… Tôi không biết ông sẽ phản ứng ra sao, nhưng tôi nghĩ, đối với một nghệ sĩ nhạy cảm, làm sao ông chịu đựng được những lời chì chiết quá nặng nề đó, nhất là khi ông lại là một nghệ sĩ Việt Nam và đang sống trên quê hương, hàng ngày phải đối mặt với những bằng hữu xưa cũ của mình. Nếu không lên tiếng xin bạn bè dung thứ thỉ tôi đoan chắc rằng ông sẽ phải gồng mình lên rất dữ, moi óc ra cầu viện đến cái gọi là niềm tin chính trị của mình mà ông đã trình bày trong bài viết để chống đỡ cho thái độ của ông, không dễ dàng gì. Ông có thể cho rằng sự thật là sự thật, sự thật ấy phải được nói ra dù với bất cứ ai, dù cho đó là người thân thiết của mình. Xin hỏi ông: cái chân lý chính trị mà ông dựa vào đó như một niềm xác tín để phán xét người anh em của ông, cái chân lý chính trị ấy cao siêu đến như thế nào mà nó khiến ông đi đến chỗ chấp nhận một kiểu ứng xử bất cận nhân tình như vậy? Trong cuộc chiến tranh phức tạp vừa qua, điều ông cho là đúng, Trịnh Công Sơn và nhiều người khác không cho là đúng thì sao? Vảo một thời nào đó khi ta hai mươi tuổi, ta có thể rút súng ra để nả đạn vào đầu kẻ không có niềm tin như ta, điều đó có thể hiểu được, nhưng cho đến bây giờ, tới tuổi này, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống rồi mà ông còn cả tin đến như vậy sao? Chẳng lẽ ông không thấy rằng hiện giờ đây đó, bên này lẫn bên kia, người ta vẫn gân cổ lên cãi nhau để giành chính nghĩa cho phe phái của mình khi phải nả đạn vào nhau, nhưng có ai chịu nhau về mặt lý sự đâu. Chẳng lẽ vì vậy mà ông không biết rằng quá khứ là quá khứ, nếu cứ moi quá khứ ra để kết tội nhau thì giải quyết được gì nếu không phải rủ nhau rút súng ra sống mái với nhau một lần nữa? Tôi ngạc nhiên đến bây giờ rồi mà ông không nhận ra được rằng chính vì trong quá khứ, ai cũng tin sống tin chết vào những cái mình cho là “chân lý” là “chính nghĩa” gì gì đó mà chúng ta chia phe ra tàn hại lẫn nhau, tạo điều kiện cho các thứ ngoại nhân đưa bom đạn và ý thức hệ vào phá tan tành đất nước? Chẳng lẽ tới tuổi này rồi, sau khi cuộc chiến đã tàn từ lâu với bao nhiêu là thay đổi khắp mọi nơi, ông hoạ sĩ họ Trịnh vẫn khư khư tự cho mình cái sứ mệnh ôm mãi tấm cô trung cho một thực thể chính trị bóng ma, coi đó là cao sang, lý tưởng có thể làm mẫu mực để kết án một cách không khoan nhượng các kiểu cách ngây thơ chính trị khác không cùng tính chất với sự xác tín của ông? Tôi chỉ gặp ông vài lần tình cờ, không biết nhiều về ông, nhưng nghe bạn bè cho rằng việc ông lôi Trịnh Công Sơn đả kích một cách ngoạn mục thực sự cũng chỉ khởi nguồn từ cái cung cách ứng xử quen thuộc của ông, thích biểu diễn những cái bất thường trước công chúng. Không biết nhận xét ấy chính xác đến mức nào nhưng đọc bài viết của ông tôi thấy phảng phât trong cuộc trình diễn của ông cái mùi chơi trội kiểu chiến tranh tâm lý ở miền Nam trước 1975: ông đã đồng hoá bản thân với mẫu người anh hùng chống cộng, quyết chí trung thành với lý tưởng, đạo đức, vượt lên hẳn những kiểu người như Trịnh Công Sơn, chao đảo, lè phè, mơ hồ, dễ sa ngã... Chẳng lẽ lại rẻ tiền và dễ dãi đến thế hay sao? Dù sao, nếu trình độ suy tưởng của ông chỉ đến như vậy thôi thì cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng những gì ông trình bày trong bài viết của ông lại không phải chỉ như thế. Để phục vụ cho cuộc trình diễn giựt gân của mình, ông đã viện ra hàng loạt những sự kiện, những chi tiết mà ông cho là “sự thật” liên hệ đến nhiều bạn bè ông và những cái gọi là “sự thật” ấy đã bị những bạn bè ấy chứng minh là những thứ bịa đặt, vu cáo, dựng đứng, quá tệ hại…như vậy không biết ông sẽ nhân danh cho thứ đạo đức nào, tính chất trí tuệ nào, lý tưởng chính trị nào, sự chân thực nào để biện hộ cho được? Cùng với một số bạn bè từng đọc ông, xem tranh của ông và nghe nhạc của bạn ông là Trịnh Công Sơn, dù có miễn chấp cho ông những sai lầm ấy, thú thật, chúng tôi vẫn chưa hiểu được động cơ thực sự của ông là gì khi ông nỡ đem một người bạn thân của mình ra tế thần cho một thứ niềm tin chính trị dễ dãi đến như vậy, tàn nhẫn đến như vậy. Chẳng lẽ lại do ghen ghét đố kỵ tài năng? Thật sự thì Trịnh Công Sơn chưa bao giờ so đo với ông về hội hoạ. Hay là do đã đi về cõi rồi, Trịnh Công Sơn bị huyền thoại hoá làm ông bực mình nên ông đã dùng vài nét cọ đen bôi lên chân dung Trịnh Công Sơn để phục hồi “sự thật” cho ông ấy? Thật khó mà tin rằng sự việc cuối cùng lại tào lao đến như vậy. Chẳng lẽ ông không hiểu rằng cái chết là một sàng lọc cho một đời người: nếu là một thiên tài, có ai ngăn cản ông trở thành một huyền thoại hội hoạ Việt Nam sau này, cần gì phải hạ nhục bạn bè? Tôi vẫn không tin rằng ông lại tầm thường, nhỏ mọn đến như thế. Vì thế trong khi loay hoay với mấy trang viết của ông, tôi vẫn cảm thấy có một cái gì đó hơi có phần bất ổn trong con người của ông trong những ngày thời tiết đang đi vào nóng bức cực độ này. Hay là giả thuyết sau đây có thể sẽ là thích hợp với ông hơn: ông chỉ mượn Trịnh Công Sơn như một cái cớ để bày tỏ nỗi cô trung chính trị của mình, gửi tới các chiến hữu từ xa như một cách góp phần kỷ niệm những ngày tháng tư “đen” sắp tới? Tôi mong mỏi cái ý nghĩ cuốí này của tôi về bài viết của ông cũng không đúng luôn! _______ “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị”, mạng Da Màu (1-4-09) -- Nếu vào địa chỉ ấy không được thì có thể đọc ở đây
Bản của tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-4-09 |