Lữ Phương
Nhân thời khủng hoảng nhìn lại Lý luận về giá trị của Marx
Biểu tượng của một phản kháng Như các nguyên tử biệt lập, những con người chỉ quan hệ với nhau qua sức hút của những đồ vật-hàng hoá do họ làm ra để hình thành một hình thái xã hội. Và hình thái xã hội ấy chính là một cơ chế sản xuất vô chủ thể, chạy theo đồng tiền một cách điên cuồng, vận động bên ngoài ý thức của những người sản xuất, bất chấp những hậu quả gây ra cho người khác – đó chính là tư tưởng của Marx về xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Rõ ràng đây là sự mô tả mácxít về cái gọi là “bàn tay vô hình” mà những nhà kinh tế cổ điển đã coi là sự diệu kỳ. Hãy đọc Hayek đại biểu cho những người theo chủ nghĩa tự do cực đoan để hiểu thêm sự diệu kỳ đó đã được cập nhật hoá vào thế kỷ 20 một cách xiních như thế nào. Một lý tưởng về quản trị con người trong thời đại cơ giới. Một xã hội người mang tính chất máy. Sản xuất như máy. Bóc lột như máy.Tiêu xài như máy. Và huỷ hoại trái đất như máy. 1 Tất cả lý luận của Marx về chủ nghĩa tư bản đều bắt nguồn từ kinh tế cổ điển: tư bản, địa tô, tiền lương, lợi nhuận, lợi tức, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, bàn tay tay vô hình, trao đổi ngang giá, những yếu tố sản xuất v.v… trong đó khái niệm giá trị lao động đã được coi như là chiếc chìa khoá phân tích để chứng minh cho tính chất nửa vời, bị bỏ lửng, cùng với những mâu thuẫn, những hậu quả tiêu cực do những tiền đề ấy gây ra. Bắt đầu là những suy tưởng thuần lý khởi xuất từ triết học Hegel, Feuerbach về tha hoá và lao động bị tha hoá, về sau thì tập trung hẳn vào nghiên cứu kinh tế với kết quả tổng kết cuối cùng về sự hình thành, vận động của xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa trong bộ Tư bản. Có sự thay đổi, phát triển với những khái niệm mới và cách diễn đạt mới, nhưng nguồn cảm hứng và dự phóng nền tảng vẫn tạo ra một dòng chảy liên tục trong quá trình tư tưởng của ông. Để mô tả đặc trưng của hình thái xã hội hàng hoá đặc thù và lịch sử này, Tư bản đã tập trung vào khái niệm giá trị để tìm ra cái gọi là bản thể chung của thực thể lao động đồng nhất, trừu tượng (thời gian lao động xã hội cần thiết), nền tảng của trao đổi hàng hoá, biểu hiện ra dưới nhiều hình thái và chuyển hoá. Đây chính là cơ sở để khi hàng hoá lưu thông trên thị trường, giá trị sẽ bộc lộ thành tiền, vật ngang giá phổ biến, nhưng lại trở thành một thực thể tự tại, độc lập thoát khỏi mọi ràng buộc của sản xuất. Trong phân tích cấu trúc tạo ra hàng hoá, khác với kinh tế cổ điển, Marx đã giữ lại khái niệm giá trị sử dụng (đại diện cho hình thái tự nhiên, cụ thể, có ích của sản phẩm), dựa vào đó đưa ra lập luận về sự mâu thuẫn nội tại của hàng hoá (giá trị sử dụng/ giá trị), những mâu thuẫn này bộc lộ ra trong lưu thông (tiền/hàng, mua/bán), ẩn tàng những sai lệch tạo mầm cho khủng hoảng. Quan trọng hơn: dựa trên giá trị sử dụng đó, Marx đã phê phán sự vận hành tự động, trừu tượng, mâu thuẫn của xã hội hàng hoá trong trao đổi, ở đó có mâu thuẫn căn bản giữa lao động và điều kiện lao động. Chính từ những khái niệm giá trị, kết tinh của lao động trừu tượng biểu hiện thành tiền, khi phê phán lý luận giá trị lao động trong kinh tế cổ điển, Marx đã sáng tạo ra khái niệm sức lao động, đặc biệt khái niệm giá trị thặng dư, coi như một phát kiến tối quan trọng để hiểu cơ chế bóc lột đặc biệt của chế độ tư bản: chuyển hoá lao động sống, dưới hình thái trừu tượng thành tư bản mà thực chất chỉ là lao động tích luỹ, phân rã xã hội ra hai lớp người nhân cách hoá, đại biểu cho sự mâu thuẫn giữa tư bản và lao động đối lập nhau: tư sản và vô sản. Một cách tổng hợp, qua sự khai thác, phê phán và sửa đổi những luận điểm của kinh tế cổ điển, Marx đã mô tả dưới hình thức đảo ngược ngụ ngôn bàn tay vô hình của Smith. Đó là một cơ chế tự động của những vật thể bị huyễn hoặc, vận hành bên ngoài ý thức của những tác nhân cấu tạo nên nó. Là cỗ máy hút lao động sống của công nhân để tự bành trướng một cách tự nhiên như men làm cho nho thành rượu. Thay cho mối quan hệ trực tiếp giữa những con người là sự quan hệ những đồ vật thay người và thống trị lại con người. Sự phê phán của Marx về xã hội hàng hoá trong Tư bản không mang tính chất thuần tư biện như trong Bản thảo 1844 mà là sự phân tích mang tính cơ cấu và lịch sử của nó. Chính phân tích này đã dẫn Marx đến nhận định cho rằng chế độ tư bản đã chứa đựng những mâu thuẫn đối kháng vừa mang tính tự huỷ vừa tạo ra những điều kiện hình thành xã hội tương lai, ở đó các mối quan hệ trực tiếp giữa những con người trong lao động sẽ được phục hồi, tính chủ động của con người đối với xã hội sẽ có điều kiện phát triển cao hơn. 2 Khái niệm giá trị và giá trị thặng dư đã bị phê phán nhiều nhất và dai dẳng nhất đối bởi những nhà lý luận kinh tế tự do. Tuy xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau, nhưng hầu hết đều cho rằng, trong hoạt động thực tế của thị trường, những khái niệm nóí trên là trừu tượng, vô hình, không thể mô tả, không thể định lượng được. Lý luận của trường phái biên tế còn cho rằng giá trị của hàng hoá không xuất phát từ lao động mà từ tâm lý sử dụng của người tiêu dùng. Những phê phán này không đi vào được trung tâm vấn đề mà Marx đã nương theo Adam Smith để đặt ra: lao động tạo ra giá trị và đó chính là nguồn gốc của sự tăng trưởng của cải cho toàn xã hội. Khách quan và vĩ mô là mục đích tìm hiểu cần hướng tới, chính từ đó mà phát sinh ý định tìm ra một “bản thể xã hội” trừu tượng có thể làm chỗ dựa để định lượng, vì vậy không thể đem tiêu chuẩn chủ quan về tâm lý phản bác và thay thế. Sự phê phán mang tính nền móng đã đặt ra qua câu hỏi thường được nêu ra: trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có phải chỉ có lao động, và lao động trực tiếp mới có khả năng tạo của cải thặng dư tích tụ làm nên sự tăng trưởng cho xã hội? Câu trả lời của kinh tế tự do sau đây vẫn được coi là hiển nhiên: cùng với nhiều yếu tố khác, lao động chỉ là một yếu tố sản xuất chứ không phải là duy nhất, nhất là không phải chỉ có lao động trực tiếp mới là nguồn gốc duy nhất tạo ra của cải xã hội. Một cách biểu kiến, căn cứ vào hiện tượng người ta có thể phản biện rất nhiều luận điểm của Marx. Nhưng điều đó vẫn đứng ngoài ý định thâm sâu của ông: Marx muốn vượt qua các biểu hiện vật thể để nhìn được vào yếu tính của xã hội hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Ý định ấy không mới và không khó khăn bao nhiêu: ông chỉ dựa vào những những tiền đề lý luận của kinh tế cổ điển, ở đây là tiền đề lao động tạo ra giá trị, để phê phán tính chất thiếu nhất quán của nó rồi rút ra những kết luận thích đáng về mặt lôgích. Muốn bác bỏ Marx tất phải bác bỏ (hoặc từ bỏ) hẳn lý luân về giá trị lao động mà những nhà kinh tế cổ điển đã khởi xuất, đó là điều về sau này người ta đã làm. Tuy thế điều đó không hề thanh toán được vấn đề do Marx đặt ra vì khi đi sâu vào khái niệm ấy, mục đích của Marx chỉ muốn dẫn đến những kết luận tổng thể và cốt yếu về bản chất của chế độ tư bản: đẩy đến tận cùng hậu quả của nó, lý luận về giá trị lao động tất yếu đưa đến kết luận cho rằng tất cả cái đống của cải đồ sộ mà chủ nghĩa tư bản sở hữu đều do lao động không công của giai cấp công nhân làm ra. Bản chất tước đoạt của chủ nghĩa tư bản như vậy đã có thể chứng minh được bằng những phản biện lôgích. Nhưng chứng minh ấy chỉ mang ý nghĩa đặc trưng mácxít khi Marx đã thêm vào đó một thuộc tính lịch sử chưa từng xảy ra trong quá khứ: chủ nghĩa tư bản không những tước đoạt lao động thặng dư như những chế độ đi trước mà còn là một phương thức bóc lột trừu tượng, vô chủ thể, không khác gì một cái máy ngốn nhiên liệu để vận hành một cách tự động. Cũng từ đó mà tính chất không vĩnh viễn của nó cũng là tất yếu: nó không thể cải tổ được về mặt lịch sử, không thể tồn tại được về mặt đức lý. Không khó khăn gì để chứng minh cho tính chất tư biện trong nhiều luận điểm của Marx, đặc biệt với cái viễn cảnh mà Marx hình dung cho cái chủ thể tạo nên cuộc cách mạng chống tư bản của ông. Nhưng cũng chính từ những phản biện ấy, người ta không thể không đụng chạm đến ngay cái bản chất tư tưởng của Marx: cái mô hình tư bản chủ nghĩa mà ông phân tích là hiện thực hay chỉ là lôgích? Nếu trong Tư bản, Marx đã từ bỏ cách nhìn triết học thời trẻ để đi sâu vào kinh tế, nhưng có thực là sự từ bỏ ấy là đứt đoạn hoàn toàn hay vẫn chỉ là sự nối dài của một dự phóng nền tảng đã có từ đầu? Cuộc tranh luận về vấn đề này sẽ không thể nào giải quyết được ở bên ngoài cách đọc văn bản của Tư bản. Không thể nào không biết rằng trong Tư bản dấu tích của triết học thời 1844 vẫn đầy dẫy và chi phối một cách quyết định ý nghĩa những sự kiện kinh tế do Marx nêu ra. Chỗ dựa để phê phán chủ nghĩa tư bản, từ nền tảng, vẫn không có gì khác hơn là cái biện chứng tinh thần của Hegel. Tuy đã đảo ngược theo hướng thực tiễn hoá nhưng vẫn là Hegel. Một thứ kinh tế cổ điển của Smith, Ricardo đã được biện luận phê phán theo tinh thần của Hegel. 3 Xét đến cùng, chủ nghĩa tư bản của Marx chỉ là kết quả của một quá trình suy tưởng triết học. Trong học thuyết Marx không hề có những phân tích kinh tế đúng nghĩa. Những người phụ trách trong guồng máy sản xuất là những cá nhân ảo, những cá nhân tưởng rằng mình có tư thế độc lập và có ý thức để quyết định mọi việc nhưng thực chất là những hiện thân nhân cách hoá cho tư bản, quan hệ với nhau qua hàng hoá là cái hình thái vật thể hoá của quan hệ tư bản, là sản phẩm của cái cơ chế vật hoá ấy và bị nó quy định và thống trị. Người công nhân trong cơ chế ấy đã bị biến thành một thứ thứ hàng hoá-người, sức lao động bị khai thác như một vật để làm phình ra một cách tự động thứ tư bản đã thành phương tiện sản xuất, thứ tư bản này thực chất cũng chỉ là lao động của công nhân đã kết tinh. Công nhân không còn là chủ thể của sản phẩm do mình làm ra mà ngược lại đã bị nó biến thành nô lệ thông qua một cơ chế trung gian mù quáng mà những kẻ tổ chức sản xuất hiện thân nơi những nhà tư bản. Marx phân tích cái tế bào của cái xã hội lịch sử tạo ra nó là hàng hoá và đã tìm thấy ở đó một bản tóm lược lý lịch về tinh thần của cái xã hội đã tạo ra hàng hoá. Hàng hoá không phải là một sản phẩm tự nhiên mà là sản phẩm của một cơ chế biến lao động cụ thể, riêng biệt thành một giá trị đồng nhất, trừu tượng mang tính định lượng, qua đó trong lưu thông có thể vận động một cách tự động khi chuyển hoá thành tiền, nhập thân vào nội tâm những chủ thể sản xuất nhân cách hoá của tư bản thúc đẩy họ chạy theo như một cùng đích tự thân, mù quáng. Đó là một cơ chế do con người làm ra nhưng lại vượt khỏi sự kiểm soát của con người, chi phối xã hội với một sức mạnh giống như một thứ vật thể ma quái, khó hiểu. Khái niệm “bái vật hoá hàng hoá” (le caractère fétiche de la marchandise hoặc the fetechism of commodities) mà Marx sử dụng trong Tư bản đã diễn tả tình trạng bị chi phối của con người trước sản phẩm mình làm ra. Khi so sánh sự sùng bái vật thể đó với sự sùng bái thần linh trong thế giới tôn giáo, Marx chỉ nhắc lại những gì ông đã trình bày trước đó về tình trạng con người bị khách thể mình tạo ra thôi miên, huyễn diệu. Với khái niệm quan hệ xã hội về sản xuất Marx chỉ rõ hơn về mặt cấu trúc guồng máy phi nhân tính của chủ nghĩa tư bản. Đó là một khái niệm mang nội dung mô tả có ý hướng phê phán, phủ định, chứ không phải là phát kiến được cho là khoa học và hiện thực, có thể diễn đạt nội dung của mọi quy định xã hội cho mọi hình thái xã hội, từng tồn tại trước, kể cả sau xã hội hàng hoá. Mối quan hệ ấy chỉ biểu hiện một hình thái đặc biệt mà con người tạo ra trong quá trình lịch sử của mình chứ không phải là phổ biến về mối quan hệ giữa người và người. Điều này bộc lộ thật rõ khi chúng ta biết những giá trị căn bản, tích cực và phổ biến mà Marx dựa vào để biện luận: ngay trong Tư bản đã có hàng loạt những đoạn những trang Marx nhắc đi nhắc lại nhiều lần sự tồn tại của một bản chất người định nghĩa bằng lao động, sáng tạo ra bản thân và thế giới mà chiều hướng của chủ nghĩa tư bản là đi ngược lại. Không khó để nhận ra ý nghĩa trong cái tiêu đề “phê phán kinh tế chính trị” của Marx trong Tư bản, nhưng không thể không chú ý đến cái hệ thống giá trị tiềm ẩn lẫn minh thị mà Marx dựa vào làm nền cho sự phê phán ấy. Có thể kiểm tra nhận xét này dễ dàng khi đọc Tư bản (*). Ở những hình thái xã hội phi tư bản, phi hàng hoá đã từng tồn tại trong thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa dưới nhiều hình thức, nhiều mặt nạ, nhưng tất cả đều có đặc tính chung là sản phẩm do lao động làm ra chưa bị biến thành hàng hoá, các quy định xã hội về lao động chưa biến thành một “bản thể xã hội” trừu tượng, chuyển hoá lao động thành giá trị và tiền, sản phẩm của lao động chưa tách rời điều kiện lao động, tách rời khỏi chủ thể sản xuất, chưa bị vật thể hoá để vận động như một thực thể kỳ bí, tự động, xa lạ hoàn toàn với các chủ thể tạo ra nó. 4 Với Marx phủ nhận tư bản là đồng nghĩa với phủ nhận hàng hoá theo nghĩa là phủ nhận một hình thái xã hội biến hàng hoá và biểu hiện tiền của nó thành một thứ bái vật triệt tiêu chủ thể tính đích thực của con người, trong mối quan hệ của con người với đồng loại, với sản phẩm của mình và với tự nhiên. Tính chất lôgích về lịch sử của xã hội hàng hoá bao hàm ý nghĩa là xã hội ấy không phải là vĩnh viễn, nó có cơ sở thực tế để ra đời thì nó cũng có cơ sở để bị thay thế bằng cái ngược lại. Đem cái lôgích phi hàng hoá có được từ sự suy luận của Marx, coi đó là những nguyên lý khả thi để đem áp dụng vào thực tế là hoàn toàn phiêu lưu như kinh nghiệm “chủ nghĩa xã hội hiện thực” đã cho biết. Kết luận có thể rút ra từ đó sẽ là: 1) hoặc coi học thuyết Marx là sự phê phán xã hội học về chủ nghĩa tư bản và cũng là biểu tượng triết học chống tha hoá, chống xã hội máy để bảo vệ quyền tự chủ cho con người, 2) hoặc muốn đem học thuyết Marx vào thực tế để có thể xem như định hướng tranh đấu thì tất phải giả định một nỗ lực canh tân học thuyết ấy từ nền tảng. Do chỉ là kết quả của lý luận tư biện về lao động vật thể, khái niệm giá trị và khái niệm giá trị thặng dư đi theo nó phải được đặt vào ngoặc đơn, nếu không loại bỏ hoàn toàn. Chủ nghĩa tư bản phải được phân tích trong cái cấu trúc hiện thực của nó, qua đó nhìn ra được những khả năng khẳng định quyền lực cho cho toàn thể những người làm thuê (chân tay và trí óc, sản xuất trực tiếp và không trực tiếp ), bằng những biện pháp dân sự và chính trị, văn hoá và kinh tế để chống lại sự thao túng của những thế lực độc quyền đang áp đặt sự thống trị lên đời sống. Những khả năng tích cực đã tồn tại như một cấu trúc trong chế độ tư bản với chế độ dân chủ pháp trị, vốn là những đặc trưng lịch sử tạo nên đuợc tính chính đáng hợp pháp cho nó. Sự tồn tại về mặt pháp lý của một xã hội công dân độc lập với nhà nước, trong đó các quyền dân sự về văn hoá (những hình thái tư tưởng chống áp bức), kinh tế (các tổ chức nghề nghiệp tự trị) và chính trị (các chính đảng thuộc nhiều xu hướng) là điều kiện căn bản, không thể thiếu, để xã hội tạo sức ép chống lại những mưu toan thao túng, độc quyền. Nhà nước hiện đại trên danh nghĩa là một hình thức nhà nước pháp quyền, ở đó mọi công dân được thừa nhận về mặt trách nhiệm đối với công việc chung. Một mặt trận dân chủ liên kết các tầng lớp nhân dân gồm nhiều thành phần trong xã hội công dân, tạo chỗ dựa cho những tổ chức, những chính đảng đại biểu cho các tầng lớp xã hội khác nhau tham gia vào cơ cấu quyền lực nhà nước để tự bảo vệ trong việc hình thành những chính sách chung cho xã hội phải là tất yếu. Trong viễn cảnh đó một chế độ đa đảng rộng rãi là thích hợp hơn thể chế lưỡng đảng kiểu Mỹ. Nền tảng của cuộc đấu tranh bảo vệ dân chủ, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ những giá trị tinh thần và những vấn đề khác liên hệ đến toàn bộ lợi ích của xã hội chính là lý luận về cuộc liên minh của những người làm thuê với những bộ phận xã hội phi độc quyền chống lại sự lạm dụng quyền tư hữu bấy lâu rơi vào tay những nhóm đầu xỏ bá quyền thao túng xã hội, thao túng nhà nước. Trong Tư bản Marx cũng đã mô tả về khả năng nói trên, và điều này cũng đã được một số tác giả nhận ra và nhấn mạnh. Một hình thái chủ nghĩa xã hội mới cũng có thể hình thành từ những khả năng này, nếu học thuyết Marx được đọc lại theo tinh thần thanh lọc những yếu tố không tưởng chứa đựng trong đó. Một mơ ước cho con người Một kho kiến thức, một óc tổng hợp siêu hạng. Một con người từ bỏ tất cả để được nghĩ đến cùng. Đam mê đi cùng với những sai lầm và bất cập. Trộn vào đó là những giới hạn của thời đại. Những tiên đoán lô gích mang tính định mệnh. Nhưng cũng là một ưu tư về vận mệnh con người. Một lòng tin rằng con người tốt từ bản thể, qua những phiêu lưu thăng trầm và đánh mất bản thân vẫn có thể quay về nguồn cội. Bảo vệ con người trước những sản phẩm do con người làm ra đã biến con người thành máy, tạo điều kiện cho lòng tham tung hoành một cách vô cảm, dưới hàng loạt những mặt nạ mị dân về dân chủ tự do tiến bộ. Một giấc mơ về một thế giới con người còn giữ được hơi ấm cho nhau trong cuộc vật lộn để tồn tại và được tồn tại như những sinh vật người. Nhân ngày Lao động 1-5-2009 _____________________ (*) Vài đoạn trích trong Tư bản § “…với tư cách là kẻ sáng tạo ra giá trị sử dụng là lao động có ích, thì lao động là một điều kiện tồn tại của con người không phụ thuộc vào bất kỳ hình thái xã hội nào, là một sự tất yếu tự nhiên vĩnh cửu làm môi giới cho sự trao đổi chất giữa con người và tự nhiên, tức là cho bản thân sự sống của con người” [Tư bản,Tập 1, Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.61] § “Quá trình lao động, như chúng ta đã hình dung nó trong những yếu tố đơn giản và trừu tượng của nó, là một hoạt động có mục đích nhằm tạo ra những giá trị sử dụng, là sự chiếm đoạt những cái có sẵn trong thiên nhiên để thoả mãn những nhu cầu của con người, là điều kiện chung của sự trao đổi chất giữa con người với tự nhiên, là một điều kiện tự nhiên và vĩnh cửu của đời sống của con người, và vì vậy quá trình lao động ấy không phụ thuộc vào bất kỳ một hình thái nào của đời sống đó, mà ngược lại, nó là chung cho tất cả mọi hình thái xã hội của đời sống đó một cách giống như nhau. Vì vậy, chúng ta không cần phải xét người lao động trong mối quan hệ với những người lao động khác. Một bên là con người và lao động của con người, bên kia là tự nhiên và vật liệu của tự nhiên – thế là đủ” [Sđd, tr. 238-239].
§ “Quyền lực của nhà tư bản với cương vị là hiện thân, [đại biểu nhân cách] của tư bản trong quá trình sản xuất, với tư cách là người lãnh đạo sản xuất, chức năng xã hội của hắn về bản chất khác với quyền lực trong một nền sản xuất của những nô lệ, những nông nô v.v… Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, tính chất xã hội của sản xuất tác động lên những người sản xuất trực tiếp như là một cơ chế xã hội được tổ chức theo đẳng cấp, trong đó những người hành xử quyền lực, do họ là những đại biểu nhân cách cho những điều kiện lao động để chống lại lao động chứ không phải như trong những hệ thống sản xuất trước đó, do họ là những kẻ thống trị chính trị hoặc thần quyền. Ngược lại, giữa những nhà tư bản nắm quyền và tác động vào nhau, chỉ với cương vị những kẻ sở hữu hàng hoá, một tình trạng vô chính phủ hoàn toàn đã ngự trị , trong đó sự gắn kết xã hội của sản xuất chỉ vượt qua được sự tuỳ tiện cá nhân do nó là một quy luật tự nhiên đầy sức mạnh” (Tư bản 3, Tập 2, Chương LI – Lữ Phương dịch theo bản tiếng Pháp, http://www.marxists.org/francais/marx/works/1867/Capital-III/index.htm):
“L'autorité du
capitaliste comme personnification du capital dans le procès de
production, sa fonction sociale en tant que dirigeant de la
production sont essentiellement différentes de l'autorité dans une
production par esclaves, par serfs, etc.Dans le système capitaliste,
le caractère social de la production agit sur les producteurs
immédiats comme un mécanisme social organisé hiérarchiquement, dans
lequel ceux qui exercent l'autorité le font parce qu'ils
personnifient les conditions du travail contre le travail, et non,
comme dans les systèmes de production antérieurs, parce qu'ils sont
des dominateurs politiques ou théocratiques. Par contre, entre les
capitalistes qui détiennent l'autorité et qui agissent l'un à
l'égard de l'autre uniquement comme possesseurs de marchandises,
règne l'anarchie la plus complète, au sein de laquelle la cohésion
sociale de la production ne triomphe de l'arbitraire individuel que
parce qu'elle est une loi naturelle toute puissante”.
5-5-09 |