TƯỞNG NHỚ MỘT NGƯÒI ANH EM
(và một số bài tranh luận)

Lữ Phương


 

 

16.  Nói thêm một lần để không nói nữa

 

Sự xuất hiện bài viết của Nguyễn Trọng Văn trên talawas quả thật đã gây “lùm xùm” như nhận xét của tác giả Nguyễn Hoà Mai. Không phải chỉ là sự lùm xùm về mối quan hệ của cá nhân tôi với Nguyễn Văn Trung mà còn về một số công việc tôi làm ngay sau ngày 30-4-1975 nữa. Trên một số “diễn đàn mạng” nào đó, các bàn tán này nhiều khi chỉ là một cơn gió thoảng qua, không đáng quan tâm. Điều đáng nói, như Nguyễn Hoà Mai nhận xét tiếp, chính là qua sự “lùm xùm” này, những uẩn khúc cá nhân ban đầu vốn rất cụ thể đã bị “đánh tráo” bằng một thứ luận tội “lịch sử”, cổ xuý một sự phỉ báng chính trị đầy hằn học. Trước những điều liên hệ trực tiếp đến bản thân tôi, và trước sự yêu cầu của bằng hữu và bạn đọc, tôi quyết định từ bỏ thái độ do dự để nói rõ hơn một số việc.

 

1.

 

Trước hết là việc tôi được giao cho phụ trách bộ phận “đọc và phân loại sách” xuất bản ở miền Nam trước ngày 30-4-1975.

Lúc bấy giờ tôi còn là một đảng viên cộng sản, công việc tôi đảm nhận chỉ là một phần trong sự khởi đầu của một chính sách cải tạo xã hội theo đường lối cộng sản. Đó là kết quả tất yếu của một quan niệm chiến thắng về một cuộc chiến tranh. Những ai kết án những việc tôi làm vào lúc bấy giờ tất yếu cũng phải phủ định hoàn toàn ngày chung cuộc của cuộc chiến tranh ấy, kết án toàn bộ những người cộng sản, kết án tất cả những ai có quan hệ đến cộng sản. Sự kết án này giả định như có đủ lý do để biện minh, thì với những người như tôi, chúng tôi vẫn có đầy đủ lý do để từ khước mọi cái gọi là “phản tỉnh” về sự chọn lựa đã hình thành trong những năm tháng đó. Ít nhất đó cũng là sự chọn lựa không đi ngược lại với cái tiếng gọi vọng lên từ sâu thẳm của bản thân.

Tôi không chê trách sự “sám hối” của bất cứ người cộng sản nào về những điều đã làm vào lúc bấy giờ, nhưng với bản thân tôi xem đó là một sự chiêu hồi muộn màng, một sự trở cờ đáng xấu hổ. Nó đi ngược bản chất con người của tôi, đi ngược lại những xác tín của tôi khi trở thành cộng sản: đó là một tiếng “không” mang ý nghĩa quyết liệt gửi tới một đế quốc hùng mạnh đã nhân danh một ý thức hệ loè loẹt để đem nửa triệu quân viễn chinh cùng với một guồng máy giết người khổng lồ vào tàn phá mảnh đất miền Nam của tôi, huỷ diệt đất nước tôi, dân tộc tôi. Thái độ ấy lúc bấy giờ với tôi đã có ý nghĩa quan trọng để tôi hy sinh hết tuổi trẻ của mình, bây giờ qua trải nghiệm của thời gian, mọi thứ với tôi không có gì còn tuyệt đối nữa, nhưng khi nhìn lại mọi thứ, tôi vẫn chưa tìm ra bất cứ lý do hiện thực hoặc lý tưởng nào có thể thuyết phục tôi phủ nhận những ngày tháng cũ ấy.  

Vì lý do đó, tôi thấy chẳng cần gì phải chối bỏ rằng tôi đã làm công việc “phân loại sách” nói trên là do sự phân công của Đảng Cộng sản mà lúc bấy giờ tôi vẫn còn tin tưởng. Nhưng một mặt khác, trên phương diện cá nhân, tôi có thể khẳng định rằng công việc mà tôi đảm nhận đó hoàn toàn không phải là một thứ “chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước (với) trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75”, được diễn giải dưới các biến thái khác nhau. Sự kết án đó đã dựa trên một sự khái quát hoá hồ đồ về mặt lập luận. Ngược lại tôi có thể nói rằng công việc mà tôi đảm nhận đã có mục đích chống lại chính cái đường lối dựa trên sự khái quát hoá hồ đồ đó: một công việc mà tôi đã đấu tranh quyết liệt với những đồng chí của tôi vào lúc bấy giờ để đòi được thực hiện – là phải phân biệt rạch ròi những kẻ chủ mưu với những nạn nhân, giữa nguồn gốc với hậu quả, quan tâm đúng mức đến tính chất phức tạp trong lĩnh vực tinh thần, biểu hiện trong chính sách cải tạo văn hoá sau chiến tranh là phải có sự phân loại về nội dung chính trị đối với những sách đã xuất bản truớc 1975, tránh dựa vào những tiêu chuẩn mơ hồ (như khẩu hiệu hành động gọi là “bài trừ văn hoá phản động đồi truỵ” ) có thể dẫn đến những lạm dụng khi xử lý trong thời kỳ tiếp quản, lộn xộn, rối ren.

Tôi đã đấu tranh cho chủ trương này ngay từ khi tôi ra miền Bắc trị bệnh (từ tháng 4 –1974), trong một cuộc họp chung giữa các nhân vật của Mặt trận Giải phóng, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam (Huế, Sài Gòn, Trung ương) do Nguyễn Hữu Thọ chủ trì để góp ý về “Chương trình hành động 10 điểm của CPCMLTCHMNVN”, lúc tình hình chiến sự đã lan tới Huế. Khi Nguyễn Hữu Thọ đề nghị biểu quyết thông qua, tôi đã nhân danh “Bộ Thông tin Văn hoá CPCMLTCHMNVN” đề nghị cho tranh luận tiếp chừng nào ra lẽ mới thôi, vì đó là sinh mệnh của cả một nền văn hoá. Tức khắc đề nghị ấy bị gạt đi, nhường cho sự giơ tay “nhất trí” của hội nghị để sau đó mấy hôm, qua chị Dương Quỳnh Hoa, tôi mới biết được rằng cuộc họp ấy chỉ là hình thức, cái gọi là Chương trình 10 điểm đó Bộ Chính trị đã duyệt và gửi đến các đài phát thanh để chuẩn bị phát đi tối hôm đó rồi! Có thể tôi ngây thơ về chính trị nhưng với tư cách là một “Thứ trưởng” trong Chính phủ Cách mạng ở miền Nam, tôi vẫn cho rằng việc xử sự của mình đã mang được một ý nghĩa về nhân cách, ít nhất không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn với vai trò “chậu kiểng” được giao cho!

Ý kiến đó, khi trở về Nam sau ngày 30-4-1975 khoảng hơn một tuần lễ, tôi đã có dịp trình bày lại một thời gian sau đó trong một cuộc họp của Thành uỷ Tp HCM bàn về “bài trừ văn hoá phản động đồi truỵ” (do ông Võ Văn Kiệt chủ trì), và trong khi trình bày tôi đã phản đối ý kiến của đại diện Ban Tuyên huấn Thành uỷ bấy giờ cho rằng không cần phân loại cho rắc rối (và đại diện đó chính là Trần Trọng Tân, người đã dự buổi lễ kết nạp tôi trong vùng giải phóng năm 1968). Tưởng như lần ở ngoài Bắc, ý kiến của tôi sẽ bị gạt, nhưng không ngờ sau đó mấy hôm tôi nhận được quyết định do Lưu Hữu Phước ký, giao cho tôi nhiệm vụ “chỉ đạo” việc hình thành một bộ phận đọc và phân loại sách đã nói ở trên – công việc đã được hai tác giả Lê Duy Khoa và Nguyễn Hoà Mai nhắc sơ qua trong một ý kiến ngắn trên talawas: trước mặt khoảng gần 30 vị được mời tham dự (bao gồm những trí thức, nhà giáo, văn nghệ sĩ toàn là người trong Nam), tôi đã thuyết trình cặn kẽ và nói rõ tiêu chuẩn phân loại là chia sách đọc ra thành 5 loại trong đó tập trung chú ý loại A có nội dung “chống cộng trực tiếp” và loại B “kích dâm”, còn tất cả những loại khác như C: “tình cảm lãng mạn hoặc uỷ mị tiêu cực”, D: “phê phán hiện thực, có nội dung dân chủ nhân đạo” và E: các loại sách khoa học, kỹ thuật, tôn giáo… thì không được đụng tới.

Kết quả trong vòng một thời gian (khoảng 1 hay 2 tháng tôi không nhớ rõ) là một danh sách hai loại A và B cụ thể với một số tác phẩm và một số tác giả do anh chị em thiết lập, đưa lên Lưu Hữu Phước, để sau đó, tôi không còn được giao cho bất cứ một công tác nào khác nữa. Tất cả những gì tôi góp phần vào cái cái gọi chính sách cải tạo văn hoá ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chỉ có vậy, và chỉ có như vậy mà thôi. Tất cả những việc khác như vận động thu giữ, giao nộp, sau đó đem đốt…. – vẫn dựa trên văn bản “sách cấm lưu hành” đã công bố nhưng không tránh khỏi quá đà, do không khí “cách mạng” ồn ào đã làm dân chúng đem giao nộp đủ loại (một người bạn phụ trách Văn hoá quận cho biết trong số sách đem nộp có cả cuốn Mấy vấn đề văn nghệ của tôi in ở Sài gòn năm 1967!) – đều do các cấp chính quyền cấp quận và phường xã thực hiện trong thời gian quân quản, diễn ra đồng thời với những hành động mà sau này tôi đã tố cáo trong một số bài viết, như cắt tóc dài, xén quần loe của thanh niên, chặn đường rút xăng xe Honda, lập ra những chốt kiểm soát, xét giấy tờ, tuỳ tiện tịch thu hàng hoá v.v…

Chính những hành động này, tiếp liền theo đó là những chiến dịch cải tạo tư sản, hợp tác hoá nông thôn… đã làm tôi phẫn nộ, bộc lộ qua hai bài viết xuất hiện trên nhật báo Tin sáng vào tháng 6-1979 (“Sức mạnh của đất” và “Bản chất của Đảng”), và chính vì hai bài viết này mà tôi bị Thành uỷ đả kích như một thứ “Nhân văn-Giai phẩm, chống Đảng tinh vi” trong các buổi học tập chính trị vào mùa hè năm ấy. Đó là cái mốc thời gian quan trọng để tổ chức Đảng bỏ lửng mọi phân công công tác với tôi trong guồng máy nhà nước.

Thời gian này tôi có đến cơ quan (bấy giờ là Văn phòng đại diện của Bộ Văn hoá trung ương, CCMLTCHMNVN đã không kèn không trống bị giải thể từ lâu ) thì cũng chỉ để nhận nhu yếu phẩm, hầu hết ở nhà bận rộn với việc đi mua cám và rau cho heo, tắm heo, đỡ đẻ cho heo và cả… thiến heo nữa! Thật ra tuy có bất bình với những gì diễn ra trong thực tế nhưng do vẫn còn tin vào tính khả thi của một thứ chủ nghĩa xã hội “đích thực”, nên tôi vẫn còn đủ tinh thần cách mạng để vừa nuôi heo vừa hoàn thành cuốn Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam mà tôi đã ký hợp đồng với Nhà xuất bản Văn hoá ở Hà Nội trước đó. Những gì tôi trình bày trong cuốn sách này vẫn là suy nghĩ nhất quán của tôi với cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Đối tượng tìm hiểu ở đây là những biện pháp mà các cơ quan trách nhiệm về văn hoá tuyên truyền trong chính phủ Mỹ đã sử dụng để phục vụ cho cuộc chiến tranh của họ. Hướng tìm kiếm về tư liệu do đó không phải là Việt Nam mà chủ yếu là những tài liệu về phía Mỹ, dưới những hình thức công khai, bí mật, nửa công khai nửa bí mật, hoặc thông qua những tổ chức bình phong giấu mặt… những tư liệu ấy tôi đã tìm được khá nhiều (USIS, USAID, USOM, CIA, JUSPAO, MSUG, The Pentagon Papers, Asia Foundation v.v…) để củng cố cho kết luận của tôi về tính hiện thực của một chính sách xâm lăng văn hoá mang tính chất chiến tranh của Mỹ vào miền Nam.

Nếu bỏ qua những lời lẽ thấm đẫm màu ý thức hệ lúc tôi còn xác tín vào chủ nghĩa cộng sản, cho đến nay tôi cho rằng những tài liệu tôi tìm được vẫn còn nguyên giá trị vì tính chất đích thực của chúng: đó là những bằng cớ chứng minh cụ thể, có gốc có nguồn về quy chiếu tham khảo rành mạch chứ không phải là những suy đoán để bôi nhọ và mạt sát. Do đối tượng tìm hiểu là chính sách văn hoá của Mỹ nên khi đề cập đến những tác giả Việt Nam ở miền Nam, luận đề chính yếu của tôi là coi họ như những thành phần bị điều kiện hoá dưới nhiều ảnh hưởng khác nhau của cuộc chiến tranh ý thức hệ đó của Mỹ, nên đã hết sức chú ý phân biệt các ứng xử khác nhau về mặt con người: phân biệt những người tham dự trực tiếp với những người bị tác động, những người làm chiến tranh tâm lý như một nghề kiếm sống với những người thành thật tin vào chính nghĩa mình theo đuổi, những người là nạn nhân của sự huyễn hoặc với những người đứng lên phản kháng một cách có ý thức… tất cả tạo nên một thứ “quang phổ” nhiều cung bậc, chứ không nhập chung vào một rọ để kết tội bừa bãi.

Tất nhiên cũng giống như trong việc “phân loại”, những gì tôi đề cập trong cuốn sách nói trên, trong một tâm thế thanh toán cuộc chiến tranh của Mỹ, những sai sót, những chi tiết thiếu kiểm tra, những cách diễn đạt quá lời là không tránh khỏi, và nếu những điều không hay như vậy xảy ra thì đó là điều đáng tiếc trong nghiên cứu và cả trong sự thiếu thận trọng do men say chiến thắng tạo ra khi cuộc chiến tranh vừa chấm dứt. Tuy vậy, sau bao nhiêu năm ngẫm nghĩ, cho đến bây giờ, khi đọc lại, tôi vẫn không hề có ý định coi toàn bộ cuốn sách ấy như một dấu tích của quá khứ cần phải phủ định. Đã có đủ lý do để khước từ việc “phản tỉnh” với công việc hành chính có liên quan đến công tác phân loại sách thì đối với công trình biên khảo hoàn toàn mang tính chất cá nhân này, tôi lại càng không có lý do gì để coi nó là đứa con hoang của mình. Với tôi, nó vẫn là một trong những biểu hiện nhất quán cho sự phản kháng của tôi với cuộc can thiệp khủng khiếp của chính quyền Mỹ vào Việt Nam, trước đây cũng như bây giờ, không có gì thay đổi, dù thái độ của tôi về chủ nghĩa cộng sản đã thay đổi từ lâu. Thái độ này tôi đã trình bày rất rõ rệt khi “Trả lời báo Diễn Đàn ở Paris số tháng 7/1995”, nay đăng lại trên mạng viet-studies của Trần Hữu Dũng.

 

2.

 

Những gì tôi trình bày trên đây chủ yếu là để gửi đến những bạn bè, và độc giả yêu cầu tôi minh thị thái độ đối với những việc đã làm sau ngày chiến tranh chấm dứt ở miền Nam, hoàn toàn không nhằm biện minh gì với những người theo chủ nghĩa chống cộng và đặc biệt với những người chống cộng cực đoan. Riêng với ông Nguyễn Văn Trung, người đã căn cứ vào một số việc đã kể ở trên để kết án và tạo chỗ dựa cho một số người đả kích, chửi bới tôi, tôi vẫn coi tất cả những gì ông viết trong Văn học ở Mỹ số tháng 8/1995 (rồi sau đó trong bài “Trường hợp Lữ Phương” viết ngày 28/9/1995 khi từ Canada trở về Việt Nam nhờ một người quen chuyển để tôi “suy nghĩ lại”), là những chuyện “dựng đứng” lên một cách hoàn toàn cố ý như tôi đã trình bày trong thư gửi ông ngày 27-11-1995. Lúc bấy giờ tôi chỉ viết như vậy như một khẳng định mà không muốn nói rõ nhưng điều đó lại được chính ông xác nhận như một hiển nhiên tám năm về sau, dù dưới một hình thức mập mờ, không minh bạch, qua một số chi tiết bộc lộ trong cuốn Nhìn lại một chặng đường đã qua viết năm 2003 và gửi đăng trên website Thông luận năm 2007.

Bạn đọc nào có lướt qua những bài hồi ký nói trên của ông sẽ thấy điều đó khá rõ rệt: đối với cuốn Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam (NXB Văn hoá, Hà Nội, 1981), nếu trong bài “Văn học hải ngoại?” đăng trên Văn học tháng 8/1995 ông gọi đó là “cơ sở lý luận” để tôi thực hiện chính sách “khủng bố mang tính chất nhà nước (với) trí thức văn nghệ sĩ miền Nam sau 1975” thì trong Nhìn lại… với hai tài liệu mà tôi tìm được và đăng nguyên văn trong phần Phụ lục của cuốn sách nói trên, ông đã sử dụng để đưa ra những nhận định và phê phán văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam trước 1975 với một thái độ cùng một hướng với tôi nhưng lại không hề bị kết án là “khủng bố!

Văn bản thứ nhất là tài liệu “mật” mang tên “Chương trình Phật giáo ở Việt Nam” của Quỹ Tài trợ châu Á đề ngày 25/10/1965 của Đại diện Văn hoá Á châu là Frank E. Dines gửi Chủ tịch Văn hoá Á châu ở California (do nhà thơ Diễm Châu với bút danh Võ Hồng Ngự dịch); tài liệu này Nguyễn Văn Trung dẫn nhiều đoạn để nói về tình trạng thiếu trí thức khoa bảng trong Giáo hội Phật giáo khi nói về tình hình Phật giáo ở miền Nam, nhưng lại bỏ quên hẳn điều tôi đã trình bày trong phần chính văn cuốn sách của tôi, dẫn từ sự xác nhận của hai cựu nhân viên CIA là Victor Marchetti và J.D Marks (trong cuốn The CIA and the Cult of Intelligence, Dell, Newyork, 1975, tr. 178), tiết lộ rằng Văn hoá Á châu chỉ là một tổ chức phi chính phủ do CIA thành lập vào những năm đầu 1950 “với số tiền trợ cấp 8 triệu đôla mỗi năm và một ban lãnh đạo được chọn lựa cẩn thận” để thực hiện những chương trình văn hoá, giáo dục bằng phương thức tác động giấu mặt vào những nước châu Á mà Mỹ quan tâm .

Một tài liệu khác là lá đơn của Giám đốc USIS (Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ tại Việt Nam) đề ngày 26/7/1956 gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Thanh niên xin ra mấy tờ báo, trong đó có nói rõ một phương thức giấu mặt khác là giao cho “hai người Việt Nam làm chủ nhiệm” mà ngoài lợí ích “không phải tăng thêm con số nhân viên của Phòng xuất bản” còn có tác dụng chứng minh với độc giả “hai tập san này sẽ không lộ rõ là những tài liệu tuyên truyền công khai”. Cuốn sách của tôi cũng đăng toàn bộ Nghị định số 174-BTT/BC-1/NĐ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Thanh niên Trần Chánh Thành ký ngày 6/8/1956 ( có cả ảnh bản gốc) ghi rõ tiêu đề: “Cho phép Ô. Robert Speer, Giám đốc Thông tin Hoa Kỳ tại Việt Nam xuất bản tờ bán nguyệt san Gia đình, và tờ nguyệt san Sáng tạo”. 

Trong hồi ký của mình, ông Nguyễn Văn Trung tóm tắt thủ đoạn ra báo giấu mặt trên đây của USIS để nói về truờng hợp Mai Thảo (người đứng tên chủ nhiệm tờ Sáng tạo) và mô tả khá chi tiết cảnh nhà văn này “lấy tiền của Mỹ, bao đào, gái nhảy” như thế nào để giới hạn lại những ý kiến ca ngợi Mai Thảo quá đáng ở Mỹ sau 30/4/1975. Cũng như với tài liệu mật của Văn hoá Á châu nói trên, tài liệu này được ông Nguyễn Văn Trung không cho biết nguồn gốc của nó trong cuốn Cuộc xâm lăng văn hoá… của tôi, riêng với tài liệu về tờ báo mà Robert Speer đứng tên xin phép và giao cho Mai Thảo làm chủ nhiệm thì lại được cho rằng sau 1963, chính ông “đã đọc được trong hồ sơ hành chánh của Bộ Thông tin và Thanh niên” cái Nghị định cho phép xuất bản tờ báo mang tên Sáng tạo đó!

Tôi không chỉ trích việc ông Nguyễn Văn Trung đã sử dụng tài liệu trong cuốn sách của tôi một cách tự tiện như vậy, vì tôi hiểu tại sao ông phải làm như vậy (có thể nào khác đi khi phải sử dụng những điều mình kết án người khác để tự kết án), nhưng dù thế nào thì chuyện quan trọng bộc lộ ở đây vẫn là bằng chứng để bạn đọc thấy những gì ông viết về tôi tám năm về trước (Văn học tháng 8/1995) so với những gì ông viết sau này (Nhìn lại năm 2003) là trái ngược hoàn toàn. Một người đọc bên ngoài không hiểu những uẩn khúc bên trong có thể cho rằng một cách không công khai, (có nghĩa là một điều vu cáo chưa được chính thức thừa nhận minh bạch) ông đã không còn kết án tôi nữa, nhưng với tôi đó chỉ là bằng chứng xác nhận kết luận của tôi về tính chất vu cáo hoàn toàn có ý thức của ông khi kết án tôi trước đó.

Sự kiện một vài người hiện nay đang làm ồn ào lên cho rằng Nguyễn Văn Trung bị bắt giam mấy tháng do bài viết “tố cáo cách mạng không cộng sản” của tôi đối với ông hồi 1978 cũng có tính chất bịa đặt tương tự và bây giờ cũng đã được hồi ký Nhìn lại của ông, một cách không công khai (theo nghĩa đã nói ở trên), xác nhận hết sức rõ rệt như vậy trong đoạn sau đây:

“Quan điểm của Hành Trình cũng tác động vào giới trẻ trí thức, sinh viên ở các đô thị, tạo ý thức về nhu cầu làm cách mạng xã hội không thể không làm cách mạng xã hội, nhưng theo họ chỉ có cách mạng xã hội cộng sản, không thể có cách mạng xã hội không cộng sản và do đó họ ra khu hay gia nhập các tổ chức tranh đấu nằm vùng của cộng sản, phê phán công khai trên sách báo của họ về tính cách ảo tưởng của lập trường cách mạng xã hội không cộng sản, nhưng vẫn phải thú nhận như Lữ Phương đã làm: Hành trình đã là chất xúc tác chính đưa họ vào con đường cộng sản.” (Chương I: “Tha thứ và xin tha thứ” ).

Với đoạn trên, Nguyễn Văn Trung không làm gì khác là thuật lại chính câu mà tôi đã nói trong hội thảo – với hai đề tài: chủ nghĩa hiện sinh và cách mạng xã hội không cộng sản do Viện Triết học tổ chức ở Sài Gòn vào đầu tháng 8/1978 – có thêm thí dụ về một học sinh ở Long Xuyên sau khi đọc Hành trình do tôi cho mượn đã lên Sài Gòn biểu tình, cuối cùng vào khu, sau 1975 trở về trở thành một huyện uỷ viên. Nhắc lại câu nói đó, Nguyễn Văn Trung không thể không nhớ lại rằng khi chấm dứt hội thảo, ông đã chặn tôi ở hành lang và nói một câu trong đó có một ý mà tôi không bao giờ quên: “…toi đã paralyser bọn họ…”. Tất cả không có gì ngược lại với nội dung bài “Mấy ý kiến về các xu hướng gọi là cách mạng xã hội không cộng sản ở miền Nam trước đây”, tôi gửi kèm theo bức thư gửi Nguyễn Văn Trung mười mấy năm sau, và ai đã đọc đoạn đó đều thấy, ngoài phần cuối phê phán rất nhẹ theo quan điểm mácxít vào lúc ấy giờ, tôi đã dành tất cả phần còn lại để phân tích, tìm hiểu, kể cả khen ngợi, biểu dương nữa…

Hãy đọc lại cả đoạn văn dẫn chứng đó trong bài “Một chút tư liệu” mà xem! Làm sao với một trang viết như vậy lại có thể đưa Nguyễn Văn Trung vào tù! Và còn cực kỳ vô lí khi bài viết ấy thật sự chỉ là một đề cương, tôi viết ra để hình thành cho rõ các luận điểm sau đó phát biểu miệng (bây giờ người ta gọi là “nói vo”), không đem ra đọc và cũng không hề gửi đăng ở báo nào, chỉ 17 năm sau (chính xác là vậy) mới trích ra kèm theo với thư gửi cho Nguyễn Văn Trung đề ngày 27/11/1995 [1] như một tài liệu dẫn chứng. Ấy là chưa nói tới mối quan hệ hầu như không đứt đoạn của Nguyễn Văn Trung với tôi từ khi ông ra tù cho đến khi ông lên đường đi định cư ở Canada: tôi vẫn thuờng tới lui, ông thường nhờ tôi chở đi đây đó, gặp gỡ những người ông muốn gặp, nói chuyện thời sự, trao đổi sách vở, với mối quan hệ nếu không gọi được là bạn bè thân thiết thì cũng chẳng có gì gọi là cựu thù của nhau cả!

Những bài viết cho rằng do sự tố cáo “cách mạng không cộng sản” của tôi đã đưa Nguyễn Văn Trung vào tù thật sự cũng chỉ là sự vu cáo đơn thuần, không lấy nguồn gốc từ đâu ngoài bài “Trường hợp Lữ Phương” ngày 28-9-1995 mà Nguyễn Văn Trung gửi tôi, ở đó việc tố cáo đó đã bị tôi coi là “đổi trắng thay đen”, “vô ơn bạc nghĩa”, là chuyện “không tưởng tượng được” mà xuất hiện dưới hình thức dấm dúi của một văn bản gọi là để tôi “suy nghĩ lại”, ý nghĩa thực sự của nó không có gì khác hơn là một sự “hù doạ”, rất trắng trợn và cũng rất trẻ con. Thái độ hăm doạ này đã bộc lộ thật rõ qua mấy dòng thư mà Nguyễn Văn Trung gửi tôi (có đăng trong “Một chút tư liệu”) vốn là đoạn cuối bài “Trường hợp Lữ Phương” nói trên mà ai có đọc qua đều thấy rõ rệt nội dung của nó:

  • Lữ Phương (LP) chia sẻ với Đảng lúc chiến thắng, nay Đảng “gặp thử thách”, LP lại “lên tiếng phê phán” vô trách nhiệm, mặc dù Đảng vẫn đối xử tốt với LP, “chưa có lời nói nào phê phán công khai” hoặc rút lại những quyền lợi vật chất đã cung cấp cho LP (có house for rent!).

  • Dù được gọi hay tự mình cho là “đối lập” LP không thể che dấu được quá khứ “cộng sản” đầy tội lỗi của mình. Nếu không nhớ điều đó mà đi ra nước ngoài với cái “mác đối lập” như vậy thì có khả năng sẽ “bị ăn đòn và mất mạng”, trừ khi LP lên tiếng “xin những nạn nhân tha thứ”.

  • Nếu dư luận bên ngoài không hiểu điều đó, Nguyễn Văn Trung sẽ lập ra một hồ sơ đầy đủ về LP gửi cho một số báo ở Hoa Kỳ (“Đối thoại”) hoặc Canada (“Làng Văn”) để làm rõ “thực chất và huyền thoại của LP”.

  • Tài liệu trên đây Nguyễn Văn Trung gửi LP để “suy nghĩ lại”, LP nên noi gương những đảng viên một thời hy sinh cho Đảng nay dù thế nào đi nữa cũng chỉ nên im lặng “có chết cũng không nói ra lời”.

Qua những dòng thư trên đây, mục đích vu cáo và hăm doạ của Nguyễn Văn Trung đối với tôi đã quá rõ ràng, cái chỗ đứng mà ông chọn để đưa ra cho tôi lời khuyên nhủ thống thiết: “có chết cũng không nói ra lời” cũng đã quá rõ ràng. Với những bài ông viết về tôi đã kể trên, ông đã làm nhiều người ngỡ ngàng, nhất là khi đem cái giọng điệu sát phạt hung dữ, vu khống cay độc kể cả bịa đặt ra những chuyện về đời tư của tôi (house for rent! v.v…) để bôi nhọ và hăm doạ… so sánh với lời lẽ ông dùng trong những tác phẩm đã viết trước 1975 ở đó ông luôn luôn kêu gọi đối thoại, khoan dung, thông cảm, khiêm tốn... Vậy thì cái động cơ nào đã khiến ông thay đổi đột ngột như vậy, nhất là từ đâu mà có cái cách ứng xử cực kỳ độc địa của ông với một người quen biết, dù có khác biệt ý kiến với ông, nhưng vẫn giữ sự quý mến để chưa bao giờ xúc phạm ông?

Trong thư gửi ông ngày 27/11/1995, tôi có bày tỏ sự ngạc nhiên đến không tưởng tượng được và đã đưa ra giả thuyết về một “chương trình văn hoá chính trị” nào đó mà ông vạch ra và theo đuổi vào những năm 1993 và 1994 khi ông đi định cư ở nước ngoài mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu thật rõ, sau bao nhiêu dự tính không thành từ sau 1986 về sau.Tuy vậy có một điều chắc chắn là chỉ có trong giai đoạn đó thái độ hung dữ bất thường của ông mới bộc lộ, không phải chỉ với tôi mà với cả một số người trước đây từng là cộng sản hoặc thân cộng, trong đó có Nguyễn Ngọc Lan mà riêng vị cựu linh mục này cũng đã bị ông mạt sát thậm tệ về chính trị và cả đời tư (với bài “Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan nhìn từ phía người đọc từ trong nước” của ông, dày 29 trang, viết xong ngày 23/8/1993).

Tôi không nghĩ như Nguyễn Hoà Mai rằng đây chỉ là vấn đề đạo đức mà thực chất là một thái độ chính trị bất chấp đạo đức: nhân danh một chủ nghĩa chống cộng tưởng chừng như hung hăng cực độ để bôi nhọ trước dư luận hải ngoại những người cộng sản hoặc thân cộng trước đây, từ 1986 về sau đã ngả sang xu hướng phê phán chủ nghĩa cộng sản về mặt lý thuyết lẫn thực tế để dân chủ hoá đất nước. Những suy nghĩ trên đây với tôi khởi đầu chỉ là giả thuyết, nhưng về sau đã trở thành một kết luận hoàn toàn xác thực như tôi đã nhắc qua trong “Một chút tư liệu”, sau sự xuất hiện không lâu của Phụ bản Tin nhà tháng 12/1995, khi Nguyễn Văn Trung đến tận nhà tôi để trình bày mọi việc và sự trình bày ấy đã không mang ý nghĩa của một việc thanh minh bình thường mà trở thành sự biện minh chính trị lạnh lùng trong đó tất cả những vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, tố cáo đã xảy ra với tôi, tuy không nói ra thật rõ ràng nhưng hàm nghĩa như là điều tất yếu, trắng trợn không kém so với sự trắng trợn mà ông đã từng nêu ra kết án tôi.

Điều tôi viết trong “Một chút tư liệu” về cuộc gặp gỡ cuối cùng đó với Nguyễn Văn Trung, cho rằng mọi khúc mắc của tôi với ông đã giải quyết xong, đã bắt nguồn từ sự bàng hoàng tột độ trước những lời lẽ hôm đó của ông. Đối với tôi nó là một sự thanh minh vượt quá ý nghĩa của một lời xin lỗi: thực sự đó là một hành vi chính trị được giải thích bằng những lý do không thể tưởng tượng được với tôi. Tôi lặng người đi một lúc, không nói gì để từ biệt ông khi nghĩ rằng từ đây về sau cùng với cái ý tưởng không bao giờ có thể gặp lại ông nữa, là cái cảm giác quá buồn bã về những điều đã diễn ra với một người từng quen biết, không oán không thù. Điều tôi viết trong bài viết đó, về “một sự thoả thuận không nói ra” đã hình thành giữa ông và tôi từ đó chỉ có ý nghĩa như vậy.

Tôi không biết ông đã suy nghĩ như thế nào mà lại tìm đến tôi vào buổi chiều hôm đó, cũng không biết rõ tham vọng về cái chương trình chính trị đi định cư ở nước ngoài của ông là gì, nhưng những gì tôi biết được trong những chuyến về nước của ông, ông rất ít gặp bạn bè cũ, và bạn bè cũ thì cũng rất ít người muốn gặp ông, còn ở hải ngoại thì qua những gì ông tâm sự trong hồi ký ông cũng gặp nhiều điều không như ý: cái nhãn “thân cộng” trước 1975 mà người ta dán lên nhân thân của ông, sau này cũng chẳng giảm bớt được chút nào dù ông đã phải tự chứng minh bằng những kết án hung dữ với những người quen cũ của ông, như Nguyễn Ngọc Lan và tôi, bằng cách đem họ ra làm vật tế thần.

Dù sao tôi vẫn nghĩ ông là người không sở hữu được thứ phẩm chất đặc trưng chính trị đúng nghĩa mặc dù ông rất thích thú với việc làm lý thuyết gia chính trị, và trong khi làm như vậy, ông thường không cưỡng lại được ý muốn kết thân với những người hoạt động chính trị có vai vế để nương tựa hoặc làm cố vấn cho họ. Không biết ông có tác động đến họ được điều gì không nhưng thực tế cho biết có vẻ như ông bị họ lợi dụng nhiều hơn. Giống như một kiểu trí thức chính trị salon nào đó, hành vi của ông vẫn đầy cảm tính, thiếu cân đo đúng lúc, đúng thời để khi xấn tới rồi mà không đạt được điều mình mong muốn thì lại thấy run tay khi nhìn lại rồi phải thanh minh, biện hộ.

Qua những gì đã xẩy ra, trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ ông là người có phần vừa ngây thơ vừa chân thực, dù trong sự chân thực ấy vẫn còn chứa đựng ít nhiều những tính toán ngây thơ về chuyện được thua của lòng tự ái. Những gì ông nói ở nhà tôi vào cái buổi chiều hôm đó đã khiến tôi nghĩ như vậy. Khác hẳn với sự gay gắt hằn học hồi 1995, những gì ông viết về tôi trong hồi ký Nhìn lại 2003 cũng trở nên bình an hơn, nếu không nói là có phần thiện cảm hơn. Với Nguyễn Ngọc Lan mà những xúc phạm quá đáng của ông đã làm người đồng đạo này của ông phẫn nộ, ông cũng đã có một hành động đàng hoàng vào những năm cuối đời: ông đã viết thư xin lỗi rồi sau này trong Nhìn lại đã bày tỏ công khai sự xin lỗi ấy (Chương I: “Tha thứ và xin tha thứ” ).

 

3.

 

Về mối quan hệ cá nhân giữa ông Nguyễn Văn Trung và tôi, như tôi đã nói trong bài “Một chút tư liệu”, mọi việc đã xong xuôi từ cái hôm ông đến nhà tôi để cuối cùng tôi phải chia tay ông trong một cảm giác thật ngỡ ngàng. Tuy ông chưa hề thuật lại công khai những gì ông bày tỏ với tôi hôm đó như một lời giải thích trước công luận (không cần phải xin lỗi như đối với Nguyễn Ngọc Lan), tôi vẫn nghĩ rằng, dù là để tự bảo vệ trước những vu cáo sau này bắt nguồn từ sự vu cáo tiên khởi của ông, tôi không cần phải công khai nói ra đầy đủ nội dung của buổi gặp gỡ hôm ấy. Điều đó sẽ làm cho sự thể trở nên trầm trọng hơn vì sẽ bị khai thác nhiều hơn, ngoài ý muốn của tôi mà chắc hẳn cũng ngoài ý muốn của ông.

Những gì tôi viết ra trong bài này chỉ là chuyện bất đắc dĩ (thật sự là do Nguyễn Trọng Văn đã khơi lại chuyện cũ một cách muộn màng), dù sao vẫn được giới hạn trong chừng mực những gì đã xuất hiện trên báo chí, trình bày lại để rọi sáng với bạn bè và độc giả một số sự việc thuộc những chuyện đã qua của một lớp người đã qua, sau đó sẽ không cần thiết phải nhắc lại nữa, nhất là để đối phó với những mưu tính khai thác sự bất đồng cũ giữa ông và tôi để gọi là bảo vệ ông, nhưng thật sự chỉ muốn khơi lại một thứ quá khứ mốc meo, đầy ngộ nhận và thảm kịch, qua đó không giấu giếm ý muốn làm dấy lại các cuộc phỉ báng ý thức hệ xưa cũ đầy hằn học, hận thù.

 

Sài Gòn 3.7.2008

 

talawas

8-7-08

 


 

[1] Bức thư này tôi nhờ một người quen gửi cho Nguyễn Văn Trung, có đưa cho Nguyễn Ngọc Lan, Lê Ngộ Châu là những người quen biết lâu năm với Nguyễn Văn Trung lẫn tôi, chỉ để cho biết, không có ý công bố. Một thời gian sau đến thăm Lê Ngộ Châu được biết bức thư ấy anh đã gửi cho Nguyễn Mộng Giác (chủ trì tờ Văn học) và anh cho biết Nguyễn Mộng Giác có nhắn hỏi tôi muốn đăng bức thứ ấy không; tôi trả lời không. Trong thời gian ấy, photo bài “Văn học hải ngoại?” trong Văn học số 112, tháng 8/1995 của Nguyễn Văn Trung có kèm với bài “Văn học và chính trị” (Nhân đọc bài “Văn học hải ngoại?” của Nguyễn Văn Trung) của Mai Kim Ngọc, trên Văn học 113 [“tâm đắc” với NVT khi “nhìn sự bạo ngược của LP…đối với miền Nam”] đã lưu truyền rộng rãi ở Sài Gòn, nhiều anh em hỏi, tôi đã gửi cho họ bức thư nói trên, có sửa chữa lại chút ít. Sau đó tôi nhận được Phụ bản Tin nhà có đăng bức thư gửi Nguyễn Văn Trung (đợt trước) cùng với hai bức thư đối đáp của Nguyễn Văn Trung với Nguyễn Kiến Giang, mặc dù không có ý kiến của các tác giả, nhưng điều đó bấy giờ được coi là tự nhiên đối với bất cứ cái gì đã được lưu truyền bằng photocopy. Các mục 1, 2, 3 với những lời tựa nhỏ đặt kế bên đều là của Phụ bản Tin Nhà; trong mục 1, trích đăng bức thư Nguyễn Văn Trung gửi tôi, thực sự là mấy câu cuối của bài “Trường hợp Lữ Phương”, [với những (…) của Tin nhà] mà ông đã nhờ người chuyển cho tôi, nói chỉ để tôi “ suy nghĩ lại”, thật sự cũng đã lưu truyền lung tung. Bức thư gửi Nguyễn Văn Trung ngày 27-11-1995 đăng trên talawas 6/6/2008 là bản tôi chính thức nhờ tạp chí điện tử này công bố, tuy là bản đã sửa chữa chút ít, chủ yếu nói rõ thêm một vài ý nhỏ, nhưng hoàn toàn thống nhất về nội dung với bản chưa sửa chữa đã đăng trên Phụ bản Tin Nhà cuối năm 1995.

 

 

Trở lại Trang Lữ Phương

8-7-08