TỪ
NGUYỄN TẤT THÀNH ĐẾN HỒ CHÍ MINH
(Sự hình thành một chọn lựa)
1.
Cuộc ra đi của Nguyễn Tất Thành
2.
Đến với chủ nghĩa cộng sản
3.
Từ Nga sang Trung quốc
4.
Việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam
5.
Từ Nguyễn Ái quốc đến Hồ Chí Minh
6.
Phu lục 1: Huyền thoại Hồ Chí Minh
7.
Phụ lục 2: Nói chuyện với Lữ Phương về Hồ Chí Minh
Thay cho lời nói đầu
Một số chương rời của cuốn sách mỏng này đã lần lượt xuất hiện trên
tạp chí Thư Nhà ở Sài Gòn vào những năm 2001-2002 – một tạp
chí ở Úc, gửi về Việt Nam đã được một số thân hữu tại Sài Gòn nhân
ra nhiều bản – sau đó đã được tập hợp lại dưới nhan đề Từ Nguyễn
Tất Thành đến Hồ Chí Minh (với cái tên phụ là “Sự hình thành một
chọn lựa”), sao chụp nhiều đợt, phổ biến như một tài liệu chuyền tay
được nhiều người tìm đọc.
Được đưa lên mạng hải ngoại để dội về nội địa, cuốn sách đã được xem
là một ấn phẩm chứa đựng một thứ nội dung chưa từng có đối với cái
không gian chữ nghĩa trong nước: lần đầu tiên đã xuất hiện sự phê
phán một cách công khai và có hệ thống điều thường được gọi là sự
“chọn lựa xã hội chủ nghĩa” mà vị lĩnh tụ tối cao của chế độ đương
quyền, là ông Hồ Chí Minh, đã mang về cho Việt Nam trong quá trình
chống chủ nghĩa thực dân.
Do đã quan tâm đến đề tài này từ lâu (với một loạt bài viết về chủ
nghĩa Marx) tôi có nhiều lần nhắc đến Hồ Chí Minh, nhưng ý định tìm
hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về quá trình hình thành nên sự “chọn lựa”
nói trên của ông – từ những ngày sang Pháp (1911) cho đến ngày ông
về nước (1941) – chỉ nẩy ra với tôi khi thấy những nhà ý thức hệ của
Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu nói rất nhiều đến “tư tưởng Hồ Chí
Minh” để định hướng cho con đường phát triển của đất nước, sau khi
Liên Xô, Đông Âu sụp đổ.
Đối với người Việt Nam trong nước lẫn ngoài nước, ai cũng biết đây
là một vấn đề gai góc, rất dễ gây ngộ nhận, chia rẽ. Và lý do thì
quá rõ: tuy Hồ Chí Minh đã trở thành một nhân vật của quá khứ rồi,
nhưng cái di sản nhiều mặt mà ông để lại cho những người còn sống
thì vẫn còn nguyên, dưới những sắc thái ngược nhau như lửa với nước.
Sự sùng bái, thần phục tồn tại song song với những nguyền rủa, căm
hờn, thái độ nào cũng diễn ra dưới những trạng thái cực đoan, dường
như ngày càng nặng nề hơn.
Cảnh giác không để rơi vào những tranh cãi nguy hiểm đó, tôi đã thử
học theo phương pháp quen thuộc của những người theo trường phái hàn
lâm: để cho những tài liệu nghiên cứu lên tiếng thay cho tư biện.
Những tài liệu ấy, hầu hết là thứ cấp, và cũng chẳng thấm vào đâu,
nhưng khi phê bình, đối chiếu, so sánh những gì tìm được, tôi nhận
ra được tính hiện thực rất hiển nhiên của một số sự kiện có thể đính
chính được khá nhiều sai lạc về cuộc đời và tư tưởng của Hồ Chí Minh
thường được lưu truyền từ trước đến nay.
Những đính chính ấy bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách mỏng này.
Không phải chỉ là những chi tiết thuộc về cuộc sống riêng tư, những
tình huống thăng trầm trong hoạt động của ông mà quan trọng hơn hết
là những kết quả tinh thần của cuộc dấn thân mà ông đã đem về cho
đất nước. Tôi hy vọng rằng những ý kiến mà tôi đưa ra để tìm câu trả
lời cho những chủ đề rốt ráo ấy vẫn có khả năng điều chỉnh lại một
số điều đã bị huyễn hoặc về những cái gọi là “công tội” mà người ta
đã viết đã nói về sự nghiệp của ông.
Tôi hoàn toàn ý thức được những giới hạn trong công việc nhỏ bé của
mình. Việc nghiên cứu nghiêm chỉnh về vai trò lịch sử của Hồ Chí
Minh vẫn đang tiếp tục trong giới nghiên cứu. Với những tư liệu tập
hợp được từ những nguồn đã có, tôi chỉ mong tìm ra một cách nhìn
hiện thực hơn về một nhân vật đã từng đẩy tôi vào những vòng xoáy
lịch sử do ông tạo ra, không phải bằng sự bình thản của lý tính mà
bằng những sôi bỏng của đam mê và huyền thoại. Ý định đơn giản này
nếu được bạn đọc nhận ra qua những trang viết về nhân vật ấy, đối
với tôi, thật sự là một điều mong ước.
Những dòng “thay cho lời nói đầu” này tôi viết riêng cho lần “tái
bản” cuốn Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh gửi đăng trên
talawas. Một số hiệu đính, sửa chữa cũng đã được thực hiện, trong đó
có thêm vào hai chương “Phụ lục”, vốn cũng là những bài rời liên hệ
đến cùng một chủ đề.
Sài Gòn, 22.1.2007
Lữ Phương
Chương 1
Ra đi “tìm đường cứu nước”
Những ai quan tâm đến tiểu sử của Hồ Chí Minh đều biết cuốn Những
mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên,
viết từ năm 1948, đến nay in đi in lại đã có cả chục lần rồi. Cuốn
sách này đã đóng vai trò hết sức đặc biệt đối với giới nghiên cứu,
giảng dạy về Hồ Chí Minh trong chế độ cộng sản Việt Nam từ đó đến
nay: nó được mọi người coi như là tác phẩm do chính Hồ Chí Minh viết
về mình dưới bút danh Trần Dân Tiên, một tài liệu được tác giả giới
thiệu như một “tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu
dệt, không bày đặt”
[1] . Cuốn sách vì
thế đã thành một nguồn tham khảo căn bản, quan trọng nhất cho tất cả
những công trình biên khảo về Hồ Chí Minh: các sự kiện về cuộc đời
hoạt động của ông đã được đương nhiên coi là chính xác, không thể
nói khác, nói ngược lại.
Tuy vậy, đọc kỹ sẽ thấy đó không
phải là một “tiểu sử” đúng nghĩa. Nó được thể hiện theo hình thức
một thứ truyện kể
[2] , gián tiếp mượn
người khác nói về mình, và chỉ nói những gì tác giả cho là cần
thiết, còn những điều rất quan trọng khác thì lại được cố tình giấu
đi bằng kỹ thuật gọi là “biệt tích” không rõ lý do của nhân vật
chính. Nói chung là một cuốn sách rất gần với thể loại gọi là truyện
ký “người thật việc thật”, chứa đựng khá nhiều những yếu tố hư cấu
để tuyên truyền, rất tiêu biểu trong nền văn chương tuyên huấn cách
mạng, vì vậy những sự kiện ở đây đã không còn hoàn toàn là những cái
mà chúng ta thường gọi là khách quan, sử học nữa.
Muốn có
được cái nhìn trung thực hơn về các sự kiện trong đời hoạt động của
Hồ Chí Minh trong cuốn sách nói trên, thiết tưởng chúng ta không có
cách nào khác là đối chiếu chúng với những nguồn tài liệu khác,
những nguồn tài liệu này đã được giới nghiên cứu phát hiện khá phong
phú trong suốt mấy chục năm qua.
Chúng ta hãy dừng lại ở một
thời điểm khá quan trọng đối với cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh
– đó là cuộc bỏ nước sang Pháp của ông năm 1911 – để thử làm công
việc đó.
“Phê phán” trước khi
ra đi?
Trước hết, chúng ta hãy đọc
lại đoạn văn nói về sự kiện ra đi nói trên trong “quyển truyện” của
Trần Dân Tiên. Khi còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, Hồ Chí
Minh
“đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh
thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân
Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận
công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng
Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu nhưng không hoàn toàn
tán thành cách làm của người nào. Vì:
Cụ Phan Chu
Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều
đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp.
Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo
cửa sau”.
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì
trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì
cụ còn nặng cốt cách phong kiến.
Anh thấy rõ và
quyết định con đường nên đi. Cụ Phan Bội Châu vào bậc chú bác
của Anh, Cụ Phan Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên sang
Nhật. Nhưng anh không đi”
[3] .
Vậy anh muốn làm gì ? Một nhân vật thuật lại lời anh như sau:
“Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các
nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về
giúp đồng bào chúng ta”
[4] .
Những ai không phải là người sùng bái Hồ Chí Minh, khi đọc thêm
những tài liệu khác sẽ dễ dàng nhận ra khá nhiều điều cần hiệu đính
trong đoạn văn trên đây.
(a) Hồ Chí Minh lúc bấy giờ “đã
tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc”. Không có bằng cớ
xác nhận ông đã làm như vậy. Tất cả những tác giả, dù theo khuynh
hướng nào, viết về Hồ Chí Minh sau này chẳng ai nhắc lại để sử dụng
cả. Sự kiện đó được liệt vào lĩnh vực hư cấu thuần tuý.
(b)
“Cụ Phan Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng
Anh không đi”. Không đúng!
“Trong cuốn hồi ký Năm mươi bốn năm hải
ngoại của Trần Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) có đoạn: Tôi
cùng cụ Sào Nam ở chung trong một thuyền. Chín mười ngày sau,
lúc các đồng chí đã đến họp, bàn bạc xong, cụ lên đường ra Bắc,
tôi cùng Ngư Hải tiên sinh đi cáo biệt với cách mạng đồng chí và
tìm thanh niên xuất dương du học. Cụ Phó bảng Thái Sơn đương
thời có tặng tôi một bài thơ xuất ngôn tuyệt cú để làm quà tiễn
biệt. Chúng tôi trước tới nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rủ anh
Nguyễn Sinh Cung đồng đi, nhưng anh Cung đã đi ra Bắc không được
gặp”
[5] .
(c) Khen Hoàng Hoa Thám là “thực tế, vì trực tiếp đấu tranh chống
Pháp” nhưng lại cho rằng chủ trương của Phan Bội Châu nhờ Nhật đuổi
Pháp là “chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” là cố ý
gác qua bên mối quan hệ giữa hai nhà yêu nước này. Trước khi qua
Nhật, Phan Bội Châu đã tìm gặp và muốn dựa vào Hoàng Hoa Thám để xây
dựng lực lượng trong nước. Còn việc “Đông độ” “cầu viện” của nhà chí
sĩ này (năm 1905) thì đó không phải là một kế hoạch tự thân mà chỉ
để phối hợp với những hoạt động khác trong nước. Tuy nhiên, chủ
trương này đã được điều chỉnh lại vì khi sang Nhật, nghe lời khuyên
của Lương Khải Siêu và một số chính khách Nhật, Phan Bội Châu đã
chuyển sang cổ vũ phong trào du học. 1907, chủ trương này cũng lại
không đi đến đâu vì Nhật ký hiệp ước với Pháp cấm hoạt động. Bị trục
xuất, Phan Bội Châu đã phải cùng các đồng chí chạy sang Thái Lan,
Trung Quốc
[6] . Chỉ có khoảng 5
năm, Phan Bội Châu đã chuyển đường lối nhiều lần: 1911, khi Nguyễn
Tất Thành sang Pháp, Phan Bội Châu đã ở Trung Quốc và đã từ quân chủ
lập hiến chuyển sang ủng hộ cộng hoà kiểu Tôn Dật Tiên rồi.
Bốn mươi năm sau (1948) nhìn lại những gì đã xảy ra trên đất nước mà
chỉ lẩy ra trong phong trào của Phan Bội Châu khía cạnh “Đông du cầu
viện” để phê phán là rất thiếu sót.
(d) Cho rằng chủ trương
cải lương của Phan Chu Trinh là “sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc
rủ lòng thương” cũng không có ý muốn hiểu tới nơi tới chốn đường lối
của nhà chí sĩ này. Sở dĩ Phan Chu Trinh không chấp nhận bạo động vì
ông đã thấy cái gương chiến đấu anh dũng nhưng tuyệt vọng của các
chiến sĩ Cần vương. Cũng không tán thành chủ trương bạo lực của Phan
Bội Châu vì ông cho rằng khi chưa có đủ thực lực thì chỉ dắt nhau
vào cái chết vô ích.
Vấn đề cứu nước do Phan Chu Trinh đặt
ra không đơn thuần là giành lại chủ quyền mà phải hiện đại hoá thì
vấn đề chủ quyền mới giải quyết triệt để được, vì theo ông hiện đại
hoá chính là nội dung của độc lập dân tộc trong thời kỳ mới, khác
hẳn với thời phong kiến trước đây. Cách đặt vấn đề này cũng không
khác Phan Bội Châu, sự khác nhau chỉ là giải quyết như thế nào về
mối quan hệ giữa độc lập và hiện đại hoá. Trong khi mò mẫm chưa hiểu
rõ con đường hiện đại hoá, Phan Bội Châu đặt ưu tiên cho việc vũ
trang khởi nghĩa, dựa vào cơ sở có sẵn còn lại của phong trào Cần
vương phối hợp với một số hoạt động khác.
Phan Chu Trinh
thấy rõ tình trạng lạc hậu thấp kém của xã hội truyền thống, cũng
lại thấy phương thức dùng bạo lực là chưa có triển vọng nên đã chủ
trương giành ưu tiên cho sự nghiệp nâng cao dân trí, học hỏi văn hoá
dân chủ sau đó mới từng bước tính chuyện giành lại độc lập
[7] . Chủ trương “ỷ
Pháp cầu tiến” của ông đã dựa trên nhận định ấy. Chủ trương ấy không
phải là không có cơ sở: trong nước Pháp dân chủ, ông đã được khá
đông những người thuộc phe tả (Đảng Xã hội, Hội Nhân quyền, những
nhân vật cấp tiến trong bộ máy cầm quyền của nước Pháp…) giúp đỡ,
ủng hộ, tạo áp lực với chính phủ Pháp đòi thay đổi chính sách thuộc
địa. Xét về lâu dài, trước thưc tế ngoan cố của thực dân Pháp, nếu
kéo dài mãi chủ trương ấy có thể sẽ đưa nhân dân vào con đường thoả
hiệp, nhưng trong cơn tăm tối của đầu thế kỷ 20, đó cũng là một cách
tìm đường. Dùng mấy chữ “xin giặc rủ lòng thương” đối với Phan Chu
Trinh là không thể tất nhân tình.
(e) Không có gì nghi ngờ
chủ trương muốn đi sang Pháp và các nước khác, “xem xét họ làm như
thế nào”, rồi “sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” là chọn lựa của Hồ
Chí Minh vào lúc bấy giờ như chính ông (dưới cái tên mới là Nguyễn
Ái Quốc) đã xác nhận trong các cuộc trả lời phỏng vấn khi sang Nga
năm 1924:
“Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên nghe
được ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi,
người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và
từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn
tìm xem những gì ẩn đàng sau những chữ ấy. Nhưng trong những
trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt.
Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ
sách của những nhà văn mới, mà cả Rousseau và Montesquieu cũng
bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm
cách đi ra nước ngoài”
[8] .
Nhưng lời lẽ phát biểu có nhiều chỗ quá cường điệu so với kinh
nghiệm và nhận thức của một thiếu niên 13 tuổi! Giả sử như có mang
chút ưu tư của một người trẻ tuổi sớm biết quan tâm đến thời cuộc
thì đó vẫn chỉ là những nghĩ ngợi bâng khuâng, những cảm nhận có
tính chất trực giác trước tình trạng bế tắc chung của đất nước,
không có lý luận gì để có thể gọi là cao hơn những chủ trương đấu
tranh của các vị tiền bối. Mới dự định đi ra ngoài “xem” người ta
làm gì, nghĩa là chưa thấy gì chưa biết gì thì làm sao có thể khẳng
định chuyện này chuyện nọ? Có gì bảo đảm rằng cứ phải sang Âu châu
người ta mới tìm ra phương cách “giúp đỡ đồng bào”? Vả lại nội dung
của mấy chữ “giúp đỡ đồng bào” lúc bấy giờ đã có gì rõ rệt, có gì
gọi là vượt trội để có thể tự cho mình đứng được ở vị trí cao hơn để
gọi là “phê phán”
[9] các bậc cha chú?
“Phê phán” sau khi ra đi?
Chúng ta hãy cứ giả định theo lời lẽ
của Trần Dân Tiên cho rằng chủ trương sang Pháp để “xem” người ta
làm gì rồi “sẽ về giúp đồng bào” của Nguyễn Tất Thành đáng được gọi
là “con đường nên đi” thì điều đó thật sự cũng chẳng có gì là mới mẻ
so với những chọn lựa của tiền bối. Ít nhất là đối với người tiền
bối rất thân cận với gia đình của Nguyễn Tất Thành, là phó bảng Phan
Chu Trinh. Ngược hẳn lại những luận điệu gọi là “phê phán cha chú”
của những người sùng bái Hồ Chí Minh, chúng ta đã có rất nhiều tài
liệu chứng minh rằng suốt cả một thời gian dài từ trong nước đến sau
khi ra ngoài, Hồ Chí Minh lúc ấy đã hoàn toàn phụ thuộc vào Phan Chu
Trinh về sự bảo trợ và cả đường lối.
(a) Bà Phan Thị Minh
(cháu ngoại của Phan Chu Trinh) đã được ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của
ông Hồ từ Cách mạng Tháng Tám) xác nhận sự khẳng định của ông Hồ về
mối quan hệ của mình với Phan Chu Trinh như sau:
“Mình biết Cụ từ trong nước rất sớm vì Cụ là
bạn thân của cha mình. Sang Pháp là dựa vào Cụ để sống và hoạt
động. Cụ Phan đã giúp mình rất nhiều, thực sự là ngưới đỡ đầu
mình trong một thời gian dài khi mình ở Paris …”
[10]
Ông Phạm Văn Đồng cũng cho biết những điều tương tự:
“Tôi đã được Bác Hồ nói nhiều về cụ Phan. Bác
cho biết cụ đã quý và giúp Bác nhiều. Trước khi lên đường đi
Pháp đã được cụ hướng dẫn… Nhận một công việc thời đó cho là
thấp kém để dễ qua mắt mật thám, dễ ra đi cũng là theo ý Cụ…
Sang Pháp là tiếp xúc ngay với Cụ… Quan hệ Bác với Cụ rất gần
gũi, thân thiết như ruột thịt. Đi xa sang Mỹ hay ở Anh, Bác đều
viết thư cho Cụ và nhận được thư Cụ phúc đáp đều đặn. Thư viết
phải thật vắn tắt vì mật thám theo dõi chặt, nhưng có dịp là
tranh thủ đến gặp Cụ để được bàn bạc và dặn dò mọi việc. Đi năm
châu bốn biển để mở rộng kiến thức, học nhiều ngoại ngữ, đọc
sách nhiều, giao tiếp rộng là những điều Cụ rất tâm đắc và
khuyến khích…”
[11] .
Căn cứ vào những lời chứng nhận trên đây, bà Phan Thị Minh đã khẳng
định cái giả thuyết mà các nhà nghiên cứu trước đây đưa ra về việc
ông Nguyễn Sinh Huy cùng Nguyễn Tất Thành đã kịp gặp Cụ Phan tại Mỹ
Tho (nơi Cụ bị quản chế sau khi từ Côn Đảo về) hoặc tại Sài Gòn
trước khi cụ Phan sang Pháp để bàn bạc kế hoạch ra đi của Nguyễn Tất
Thành
[12] . Không hề có
dấu hiệu gì chứng tỏ Nguyễn Tất Thành đã “hoàn toàn không tán thành”
cách làm của cụ Phan như sách của Trần Dân Tiên đã viết.
(b)
Bà Phan Thị Minh cũng cho biết rằng khi Nguyễn Tất Thành sang Pháp,
ghé cảng Le Havre khoảng 40 ngày (do tàu cần sửa chữa), có thể
Nguyễn Tất Thành đã về Paris (cách Le Havre khoảng 100 km) thăm Phan
Chu Trinh nhân đó gặp Bùi Kỷ là người quen cũ
[13] – về sau sẽ là
thư ký của Hội Đồng bào Thân ái do Phan Chu Trinh và Phan Văn Trương
lập ra năm 1912 – và có thể ở đây ông này đã gợi ý và thảo lá đơn
xin vào học nội trú Ecole Coloniale cho Nguyễn Tất Thành chép lại
tại Marseille ngày 15-9-1911 và gửi Tổng thống Pháp, trong đó có
những dòng sau đây:
“Hiện tôi đang làm việc cho hãng Compagnie des
Chargeurs Réunis (tàu Amiral Latouche-Tréville) để sinh sống.
Tôi hoàn toàn trắng tay nhưng rất ham muốn học hỏi.
Đối với đồng bào tôi, tôi mong muốn trở nên hữu ích cho nước
Pháp đồng thời có thể làm cho họ hưởng được những lợi ích của
học vấn”
[14] .
Có
nhiều ý kiến ngược nhau về lá đơn này: người thì cho rằng Nguyễn Tất
Thành lúc đầu vì chưa có ý định làm cách mạng nên đã tính đi làm cho
Pháp (và chỉ đi làm cách mạng vì không được đi làm cho Pháp!), người
lại cho rằng lúc đó vì đã có ý định làm cách mạng rồi nên Nguyễn tất
Thành đã chủ động “chui” vào Trường Thuộc địa để “xây dựng phong
trào yêu nước ngay trong lòng thực dân”. Tuy vậy, phần đông những
người nghiên cứu đều cho rằng lá đơn trên đây đã phản ánh chủ trương
rất rõ của Phan Chu Trinh: phải học văn hoá khai sáng và dân chủ của
Pháp để canh tân đất nước.
(c) Sau thời gian theo tàu đi các
nơi đến năm 1913 dừng lại ở Anh, Nguyễn Tất Thành vẫn thường xuyên
liên hệ với nhóm ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường. Ngoài những
chuyện kiếm sống, học tiếng Anh, quan tâm chút ít đến Chiến tranh
Thế giới lần thứ nhất sắp nổ ra, không thấy Nguyễn Tất Thành cho
biết đã tìm ra một cái gì mới hơn để tranh cãi với Phan Chu Trinh
[15] . Sự tranh cãi
chỉ xảy ra sau này khi từ Anh trở lại Pháp, lúc Nguyễn Tất Thành đã
trở thành Nguyễn Ái Quốc, và cũng chỉ xảy ra sau khi mang tên Nguyễn
Ái Quốc một thời gian khá dài. Sự bất đồng đó như thế nào, chúng ta
sẽ có dịp nói đến, hiện giờ, qua những tài liệu trên, chúng ta có
thể kết luận được mấy điều về cuộc ra đi của Hồ Chí Minh thời còn
mang tên là Nguyễn Tất Thành như sau:
-
Trước khi ra đi, Nguyễn Tất Thành chưa có được
những hiểu biết vượt trội nào để gọi là “phê phán” hoặc “phủ
định” các phương pháp tranh đấu của các vị tiền bối.
-
Người thanh niên ấy chỉ mới có ý định sang Pháp
xem xét và học hỏi, nhưng chưa học được gì và xem được gì để có
thể nói về những chuyện quan trọng hơn bản thân.
-
Sự chọn lựa ấy cũng đã bắt nguồn từ sự khuyên
nhủ, chỉ vẽ, sắp xếp của Phan Chu Trinh, được Phan Chu Trinh
giúp đỡ và cùng hoạt động trong một thời gian dài.
Ra đi không “phê phán”!
Có thể nói cuộc ra đi hiện thực của Nguyễn tất Thành là một cuộc ra
đi mà phần lớn sự định hướng ban đầu không phải do mình quyết định
với một ý thức phủ nhận mọi cái đã có một cách quyết liệt, sáng suốt
như “quyển truyện” của Trần Dân Tiên đã viết và được những nhà sùng
bái Hồ Chí Minh khai thác. Cuộc ra đi ấy đã được định hướng theo một
con đường đã cũ và đó chính là con đường “Tây du” kiểu Phan Chu
Trinh. Nhưng có một yếu tố khác cũng đã góp phần không kém quan
trọng để tạo nên kịch bản ra đi này là sự góp sức của ông Nguyễn
Sinh Huy, thân phụ của Nguyễn Tất Thành.
(a) Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng năm 1901; 1906 vào Huế nhậm chức
thừa biện Bộ Lễ; 1909 được cử làm tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình
Định), nhưng chỉ 7 tháng sau, tháng 1-1910, thì bị bãi chức và bị
triệu hồi về Huế. Lý do: theo Sở mật thám ông đã uống rượu say và
đánh chết người.
Nguyễn Sinh Huy phản bác (thừa nhận có đánh một tù nhân, nhưng cho
rằng cái chết không phải do roi của ông), tuy thế do xét nghiệm cho
biết người bị đánh đã phát bệnh mà chết, nên ông vẫn bị giáng bốn
cấp và bãi chức. Sự nghiệp tan vỡ, ông xin vào Nam, từ đó về sau lưu
lạc rày đây mai đó, kiếm sống bằng đủ thứ nghề, khi viết câu đối,
dạy chữ Nho, lúc bốc thuốc, làm cai đồn điền, đã từng đi bộ lên Đế
thiên Đế thích ở Cambốt nhưng lại không bao giờ trở về Huế và về
quê, cũng chẳng bao giờ gặp lại con cái. Cuối cùng dừng lại tại làng
Hoà An, tỉnh Cao Lãnh…, trước khi chết đã bị mật thám nghi ngờ có
gia nhập một thứ tổ chức thần bí nào đó mang tên là Thiên địa Hội.
Hình ảnh thực tế của Nguyễn Sinh Huy qua những tài liệu do D. Hémery
công bố
[16] trên đây không
hoàn toàn lý tưởng như người ta đã vẽ ra. Khá thân cận với những nhà
nho tiêu biểu trong phong trào Duy Tân Đông du bấy giờ, bị mật thám
theo dõi nhưng lại không bị liệt vào các phần tử nguy hiểm, do lẽ
ông không trực tiếp dính líu đến các tổ chức chống đối. Không theo
con đường từ quan tranh đấu của những bạn đồng khoa như Phan Chu
Trinh, Ngô Đức Kế, ông vẫn chấp nhận đi vào guồng máy cai trị thuộc
địa một cách miễn cưỡng, cuối cùng có lẽ do buồn chán mà trở nên sa
sút
[17] , ông đã tự gạt
mình ra khỏi cái cái guồng máy quan lại cuối mùa để sống một cuộc
sống giang hồ, cô độc.
[18]
(b) Ảnh hưởng của Nguyễn Sinh Huy với người con thứ ba của mình ra
sao, chúng ta không biết rõ. Nhưng có điều chắc chắn là việc bị bãi
chức của ông cũng đã kéo Nguyễn Tất Thành theo cùng số phận với
mình: anh không còn khả năng tiếp tục theo con đường học vấn kiểu
“Pháp-bản xứ” để sau này gia nhập vào guồng máy cai trị của thực dân
dưới một hình thức mới, trong chính sách khai thác thuộc địa đã qua
thời bình định. Có thể Nguyễn Tất Thành chưa chắc đã đi vào quỹ đạo
đó; nhưng giả sử như anh còn giữ được ý định “giúp đỡ đồng bào” thì
anh sẽ làm gì với mớ kiến thức kiểu thuộc địa mà anh đã thu lượm
được? Có thể anh sẽ bỏ học để làm cách mạng cộng sản, nhưng ai sẽ
thay anh đóng vai Nguyễn-Người-Yêu-Nước để liên hệ với Đệ tam Quốc
tế và liệu có xuất hiện được một mẫu người cộng sản Việt Nam nào đó
như anh? Thật khó trả lời.
Nhưng cũng rất may, những câu hỏi giả định ấy đã không có cơ sở để
đặt ra. Có lẽ để chuộc lại lỗi lầm, ông Nguyễn Sinh Huy đã đặc biệt
quan tâm đến Nguyễn Tất Thành và đã không để anh phải bươn chải một
mình. Như chúng ta đã biết, sau khi bị cách chức, về quê xin phép
vào Nam để “tìm kế sinh nhai”, nghe tin Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn
[19] vào Sài Gòn, ông
đã xoay xở đi theo và có lẽ đã dẫn được Nguyễn Tất Thành đến gặp
Phan Chu Trinh trước khi ông này sang Pháp (tháng 4-1911). Ông trông
đợi gì nơi Nguyễn Tất Thành qua sự gửi gắm này với Phan Chu Trinh?
Cũng do ông biết rõ đường lối của người bạn đồng khoa của ông là như
thế nào, chắc hẳn ông sẽ không thể nào tưởng tượng ra được một ngày
nào đó người con của ông lại trở thành một nhân vật như Nguyễn Ái
Quốc. Với tính cách của ông, có thể suy nghĩ sau đây không sai sự
thật lắm: thiếu gì cách dùng học vấn của mình để giúp đỡ đồng bào,
đâu nhất thiết phải làm cách mạng? Dù sao ông cũng đã góp phần đẩy
ra phía trước một người con sau này đã đi xa hơn kỳ vọng của ông rất
nhiều.
(c) Về phần Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ thì điều mà chúng ta biết
được tương đối rõ là suốt một thời gian dài anh luôn luôn nhớ đến
cha và cố gắng thực hiện những mong đợi của cha khi gửi gắm anh cho
Phan Chu Trinh.
Chúng ta đã biết lá đơn của anh gửi Tổng thống Pháp ngày 15-9-1911
xin được vào học Ecole Coloniale với ước muốn vừa có ích cho nước
Pháp vừa làm lợi cho đồng bào mình. Điều chúng ta cần biết thêm là
sau khi gửi bức thư đó, Nguyễn Tất Thành đã theo tàu trở về Việt Nam
qua hành trình Marseille–Sài Gòn–Hải Phòng–Sài Gòn–Marseille–Le
Havre… Tại Sài Gòn, anh đã gửi thư cho anh là ông Cả Khiêm (Nguyễn
Sinh Khâm hoặc Nguyễn Tất Đạt) lúc ấy đang giúp việc vặt tại Khâm sứ
Trung Kỳ, nhờ vận động xin vào Ecole Coloniale. Ông Khiêm đã gửi thư
lên Toàn quyền Albert Sarraut và thư này được chuyển về Khâm sứ
Trung Kỳ. Và như mọi người có thể đoán, Khâm sứ Trung Kỳ đã trả lời
Toàn quyền Đông dương, với lý do bác bỏ như sau: muốn vào Ecole
Coloniale phải đang học ở thuộc địa, và chỉ những thanh niên xứng
đáng trong hàng ngũ quan lại cao cấp mới được chọn
[20] . Qua sự khẩn
khoản này, chúng ta thấy quyết tâm muốn tìm một chỗ học nhất định để
ổn định cuộc sống của Nguyễn Tất Thành là như thế nào.
Sự quan tâm lo lắng của Nguyễn Tất Thành với cha cũng rất đáng chú ý
với cách thức đặc biệt của anh. Cũng tại Sài Gòn nhân chuyến về nước
nói trên
[21] , cùng với việc
gửi thư cho Nguyễn Sinh Khâm nhờ vận động vào Ecole Coloniale, ngày
31-10-1911, Nguyễn Tất Thành cũng đã gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ
xin nhờ chuyển mandat 15 đồng (Đông Dương) cho cha, vì cha anh không
thể nhận mandat trực tiếp được
[22] .
Suốt thời gian làm việc trên tàu, đi đây đó, nhưng nỗi lo lắng về
cha vẫn làm Nguyễn Tất Thành bứt rứt: không phải chỉ gửi tiền giúp,
anh còn có ý xin chính quyền thuộc địa phục chức hoặc tìm việc cho
cha nữa. Bản khai của Bùi Quang Chiêu với Mật thám Sài Gòn ngày
21-9-1922 có nói đến việc ông gặp Nguyễn Tất Thành (mang tên Văn Ba)
trên tàu Latouche-Tréville (ông nói đã quên tên) như sau:
“Anh đang làm việc trên tàu. Anh đến gặp tôi
vì tôi từng là giáo sư nông nghiệp dạy cha anh tại Huế khoảng
1901-1902. Anh nói với tôi rằng lần đầu tiên anh sang Pháp, mục
đích là để khiếu nại cho cha anh về việc ông vừa mới bị bãi
chức. Anh muốn đến ở nhà thuyền trưởng Do-huu-Chan (?) đang công
tác tại Marseille, với tư cách là người giúp việc nhà cho ông,
để nhờ ông giúp đỡ trong việc khiếu nại đó”
[23] .
Ngày 15-12-1912, khi qua Mỹ, thư gửi Khâm sứ Huế báo rằng trong ba
cái mandat gửi cha, anh chỉ nhận được một thư trả lời, ấy là nhờ do
lần ấy mandat đã được chính Khâm sứ chuyển trực tiếp. Lần này anh
muốn gửi tiền hàng tháng cho cha, cũng nhờ Khâm sứ giúp đỡ và nhân
đó xin Khâm sứ tìm việc làm cho cha nữa. Trong thư, có những đoạn
lời lẽ như sau:
“Ôi! Hoàn cảnh của tôi gay go biết bao! Sống
quá xa cha mẹ, rất hiếm nhận được tin tức của họ, muốn giúp đỡ
họ mà không biết làm sao!
Thôi thúc bởi tình yêu
của đứa con, tôi dám xin Ngài vui lòng thuận cho cha tôi một
công việc như là thừa biện ở các Bộ hay Huấn đạo giáo thư (?)
để, dưới tấm lòng nhân hậu cao cả của Ngài, ông ấy có được kế
sinh nhai”
[24] .
Có một chi tiết đáng lưu ý: dưới thư, ký là “Paul Tatthanh”, Poste
restante 1, rue Amiral Courbet, 1 – Le Havre. Tên “Paul” này đã được
Nguyễn Tất Thành sử dụng lại có biến dạng đi một chút gọi là “Paul
Thành” trong một bức thư từ Anh viết cho Toàn quyền Đông Dương, đề
ngày 16-4-1915, qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ chuyển cho cha,
nhưng không đến tay vì không tìm được địa chỉ
[25] .
Qua thư gửi Tổng thống Pháp xin vào học Ecole Coloniale, các thư gửi
Khâm sứ Huế hoặc Toàn quyền Đông Dương nhờ liên lạc chuyển tiền và
tìm việc cho cha, tên ký có lúc là “Paul Tatthanh” (từ Mỹ, 1912), có
lúc là “Paul Thành” (từ Anh, 1915), chúng ta thấy nơi sự ra đi của
người con thứ ba của ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy một cung cách ứng
xử chưa có gì gọi được “cách mạng” cả. Lý tưởng đi học để về giúp
đồng bào theo chủ trương của Phan Chu Trinh chưa có điều kiện để bật
lên thành mục đích chủ yếu, chế độ thực dân chưa thành đối tượng tố
cáo, đả kích không khoan nhượng, tình nhà còn đè lên tâm tư nặng nề,
cuộc mưu sinh của một thanh niên xa xứ cũng không kém phần bức xúc…
Nói chung anh là một kẻ mới vào đời, tuy được những người thân hướng
dẫn để đi xa, nhưng trong những ngày khởi đầu của cuộc hành trình
này, Nguyễn Tất Thành vẫn chưa xác định được một vị trí nào thật rõ
rệt về cuộc sống tương lai cho mình.
Hiện thực và huyễn hoặc
Sự so sánh trên đây cho chúng ta thấy rất nhiều khác biệt giữa hình
ảnh của một Nguyễn Tất Thành dưối ngọn bút của Trần Dân Tiên năm
1948 với một Nguyễn Tất Thành trong hầu hết những tài liệu mới phát
hiện về sau.
(a) Nguyễn Tất Thành, trong cuốn sách của Trần Dân Tiên, đã được
quan niệm như là tiền thân của những nhân vật Nguyễn Ái Quốc và Hồ
Chí Minh, không phải chỉ theo trật tự về thời gian mà còn là về lô
gích: cái trước tất yếu dẫn đến cái sau, muốn hiểu cái sau phải biết
cái trước và ngược lại. Cuộc đời Hồ Chí Minh phải được quan niệm như
một tổng thể cách mạng nhất quán và có ý thức từ đầu đến cuối. Trước
khi trở thành Hồ Chí Minh người yêu nước-cộng sản, theo nghĩa
mà những người cộng sản quan niệm “chủ nghĩa yêu nước chân chính
cũng là chủ nghĩa cộng sản”, thì Nguyễn Tất Thành tiền thân của Hồ
Chí Minh phải là người chuẩn bị: chưa tìm được đường đến với chủ
nghĩa cộng sản thì tâm tưởng của anh phải là mảnh đất thuận lợi để
nẩy mầm chủ nghĩa cộng sản về sau – anh phải là người dọn đất, người
phủ định, người “không tán thành” những phương cách yêu nước của cha
chú mình, nghĩa là phải làm được người đại biểu tiềm thể cho cuộc
cách mạng tương lai mà Hồ Chí Minh sẽ là đại biểu hiện thực.
Khác hẳn với một Nguyễn Tất Thành thực tế – một Nguyễn Tất Thành như
là Nguyễn Tất Thành con của ông Nguyễn Sinh Huy – mà các tài liệu
sau này đã phác hoạ: tuy đã được định hướng để ra đi, nhưng cái
hướng ấy không tất yếu phải là cuộc cách mạng sau này anh sẽ chọn
lựa, bởi vì để đến với cuộc cách mạng ấy, anh phải có được hàng loạt
những cơ duyên khác xa với những ngày anh bỏ nước ra đi. Ở anh
Nguyễn Tất Thành thanh thiếu niên ấy chưa có gì tất định báo hiệu
anh sẽ là Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh về sau.
(b) Anh Nguyễn Tất Thành được Trần Dân Tiên giao cho cái nhiệm vụ
tiền thân ấy, anh Nguyễn Tất Thành được xem là “hình ảnh của nhà
ái quốc xứ Nghệ An rời quê mẹ ra đi tìm đường giải phóng đất nước”,
theo cách diễn tả của D. Hémery trong tài liệu đã kể, “chỉ thuộc
về điều tưởng tượng huyễn hoặc của những năm sau 1945 hoặc sau 1920”
[26] .
-
Sau 1920, nhất là sau Đại hội Tours, khi Nguyễn
Tất Thành đã vượt khỏi Phan Chu Trinh để trở thành người yêu
nước-cộng sản: cần phải đẩy thật mạnh việc tố cáo tội ác của
thực dân để kêu gọi sự chú ý, sự giúp đỡ của những người hoạt
động khuynh tả khắp nơi, đặc biệt thúc đẩy Đảng Cộng sản Pháp,
và sau 1923, khi đã sang Nga, vận động Quốc tế Cộng sản, thiết
thực ủng hộ phong trào chống thực dân ở Đông Dương. Những bài
trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc vào thời
kỳ này đã bộc lộ rõ xu hướng ấy. Động cơ muốn xem văn minh Pháp
được kích động thêm bởi tinh thần “chống đối về bản chất” của
những người lính lê dương
[27] – và chỉ
như vậy mà thôi: đó là tất cả những gì Nguyễn Ái Quốc có thể
nhớ lại về chuyến ra đi của Nguyễn Tất Thành để bày tỏ quan điểm
chính trị mới của mình. Đối với câu hỏi “Khi học xong, anh dự
định làm gì?”, mà trả lời là: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ
quốc để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi”
[28] thì cái động
cơ “chống đối” nêu ra ở trên là không thể nào khác được. Không
còn dấu vết gì của tờ đơn xin vào Ecole Coloniale, những lá thư
gửi Khâm sứ Huế nhờ chuyển tiền, xin việc làm cho cha …
-
Sau 1945, khi Nguyễn Tất Thành đã trở thành Chủ
tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với cái tên mới là Hồ Chí
Minh (dân chúng chưa biết rõ lắm về lai lịch của cái tên này),
1948 đang ở chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: phải tạo
cho mình hình ảnh một “đấng bậc trưởng thượng” kiểu châu Á có uy
tín vượt trội, vừa truyền thống vừa hiện đại, yêu nước và mập mờ
nhận là cộng sản, tuy cuộc đời ba chìm bẩy nổi, ẩn hiện bí mật
cao siêu, nhưng mục đích suốt đời không có gì khác hơn là hy
sinh cho độc lập của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, một con
người trong sạch, giản dị, hoà mình vào quần chúng, được bạn bè
khắp hoàn vũ mến yêu giúp đỡ còn đồng bào trong nước thì đặt
hình lĩnh tụ của mình lên bàn thờ
[29] và tôn xưng
là “Cha già của dân tộc” v.v…
Cuốn “tiểu sử” viết về Hồ Chí Minh của Trần Dân Tiên đã biểu lộ rất
rõ cái nhu cầu năm 1948 mà Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông
đang muốn tạo ra cho phong trào yêu nước cộng sản trước tình hình
mới – một lĩnh tụ tuyệt vời và chỉ có lĩnh tụ đó mới là tuyệt vời
thôi!
Tất cả những gì tốt đẹp trong những thời kỳ hoạt động vinh quang
nhất của vị lĩnh tụ này đều được mô tả chi tiết, còn đối với những
cái khó nói và không nên nói trong những giai đoạn “quan trọng” đặc
biệt – thí dụ như những năm sau khi thành lập Đảng 1930, bị xu hướng
tả khuynh trong Đảng ở Việt Nam và Quốc tế cộng sản đả kích, phê
phán khá nặng nề đến nỗi bị lưu giữ để “học tập” một thời gian ở
Liên Xô cho đến 1938 mới được cho phép đi ra hoạt động lại
[30] – thì lại cố
tình giấu đi: phô bày những điều ấy ra chẳng những bất lợi cho hình
ảnh của lĩnh tụ mà còn phá vỡ sự thống nhất cần thiết của Đảng do
lĩnh tụ tạo ra.
(c) Trần Dân Tiên có phải là bút danh của Hồ Chí Minh như bấy lâu
nay người ta vẫn cho là như vậy? Gần đây, bà Phan Thị Minh đã đưa ra
một thông tin mới rất đáng chú ý như sau:
“Chiều ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi đã được
gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác từ Cách mạng tháng Tám đến
ngày Bác qua đời và đã cùng một số người quanh Bác là đồng tác
giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”
với bút danh Trần Dân Tiên”
[31] .
Chưa thấy ông Vũ Kỳ nói rõ hơn về chuyện này nên chúng ta chưa biết
ông cùng những người “quanh Bác” đã làm việc như thế nào để thực
hiện cuốn Những mẩu chuyện… lừng danh ấy. Ông và những cộng
sự có phải đi đây đi đó khắp nơi gặp gần 10 nhân vật đã được nhắc
đến trong cuốn sách để phỏng vấn về mối quan hệ của họ với ông Hồ?
Dòng cuối cho ta biết sách viết xong vào mùa thu năm 1948, lúc bấy
giờ ông Vũ Kỳ đã phải đi theo Hồ Chí Minh lên chiến khu Việt Bắc
(Tuyên Quang, Thái Nguyên), nếu theo cách đó thì làm sao thực hiện
được trong điều kiện kháng chiến đường xá cách trở? Cách trình bày
được mô tả trong sách – những nhân vật thay nhau kể chuyện – do đó
có lẽ chỉ là một thủ thuật và đó là thủ thuật của những người viết
tiểu thuyết nhiều hơn là “tiểu sử”.
Cứ tạm tin rằng cái “tiểu sử” dưới hình thức “truyện” ấy được chính
Vũ Kỳ và những người cộng sự viết ra và ký là Trần Dân Tiên. Nhưng
như vậy thì lại gặp điều khó khăn phải giải thích tại sao cuốn sách
tầm thường của một tác giả vô danh là Trần Dân Tiên ấy lại có thể
trở thành một thứ tài liệu tham khảo quan trọng bậc nhất về Hồ Chí
Minh như đã xảy ra, đặc biệt trong giới nghiên cứu, giảng dạy? Sự
quan trọng ấy không thể nào có được nếu những gì đã viết về ông Hồ
trong cuốn sách ấy (giả sử là của Vũ Kỳ) không được chính ông xét
duyệt (Vũ Kỳ là thư ký riêng của ông), và một cách nào đó cũng đã
làm cho người ta hiểu rằng chính ông đã muốn phổ biến cuốn “tiểu sử”
có nội dung như vậy. Cuốn sách, do đó, dù cho có do Vũ Kỳ lấy tài
liệu từ Hồ Chí Minh để viết hoặc do chính Hồ Chí Minh trực tiếp viết
[32] (hay đọc cho Vũ
Kỳ viết), thiết tưởng ý nghĩa cũng đều như nhau: sự xuất hiện của nó
là “cái cần thiết” cho nhu cầu cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh
sau 1945.
Vào thời điểm này, Nguyễn Tất Thành đã không còn là cá nhân một
thanh niên 21 tuổi ngỡ ngàng trong cuộc bỏ nước ra đi năm 1911 nữa:
anh đã về nước với tên Hồ Chí Minh và tự cho mình là biểu tượng của
sự chọn lựa cuối cùng sau mọi chọn lựa của đất nước – một Nguyễn Tất
Thành trở thành cộng sản, đã hoàn thành Cách mạng tháng Tám và đang
lãnh đạo kháng chiến bảo vệ cuộc cách mạng ấy để sau này đưa đất
nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Quá khứ của Hồ Chí Minh hồi 21
tuổi có được tạo dựng lại cho phù hợp với vị trí của Hồ Chí Minh khi
58 tuổi là điều không có gì khó hiểu: thực chất các sự việc không
phải như vậy, có thể nói khác đi vào lúc khác, nhưng khi cần thì vẫn
có thể thêu dệt, tô vẽ lên để tuyên truyền – lợi ích của cách mạng
buộc phải như thế. Nếu Hồ Chí Minh không làm điều đó thì cũng sẽ có
những kẻ thay ông. Vì rất nhiều lý do khác nhau, những người sùng
bái ông sau 1945 kể ra là vô số.
© 2007 talawas
[1]Trần
Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,
Nxb Văn Học, (in lần thứ tám), Hà Nội, 1975, tr. 16.
[2]“Chúng tôi không
có tham vọng viết một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch, chúng tôi chỉ
mong quyển truyện này giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh
tụ đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (Trần Dân Tiên:
Sđd, tr. 138).
[3]Sách đã dẫn, tr.
10.
[4]Như trên, tr. 11
[5]Viện Hồ Chí Minh:
Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, 1993, Chú thích 2, tr. 32.
[6]Xem “Phan Bội Châu
niên biểu”, trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Thuận Hoá,
Huế, 1990.
[7]Xem Vĩnh Sính:
Việt Nam và Nhật bản, giao lưu văn hoá, Nxb Văn Nghệ, Tp Hồ Chí
Minh, 2001, tr. 300.
[8]Nguyễn Ái Quốc trả
lời phỏng vấn báo Ogoniok (Liên xô) ngày 23-12-1923, trong
Hồ Chí Minh toàn tập, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2000, tr. 477.
[9]“Rõ ràng: trước
khi bước chân xuống tàu rời Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành đã chuẩn bị
cho mình những tiền đề tư tưởng bao gồm việc phê phán những con
đường cứu nước của các bậc cha chú, lựa chọn những hướng đi và điểm
tới của mình” (Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá
chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam (1921-1930), Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2001, tr. 15).
[10]Phan Thị Minh:
“Tìm hiểu thêm về quan hệ của Bác Hồ với cụ Phan Chu Trinh trong
những năm Bác chưa sang Pháp”, phụ lục trong Thu Trang: Nguyễn Ái
Quốc tại Paris, Sđd, tr. 403.
[11]Như trên, tr. 404
[12]Như trên, tr. 409
[13]Ông Vũ Kỳ đã
thuật cho nhà văn Sơn Tùng viết lại (Tạp chí Cầu Đường, Xuân
Kỷ Mão) rằng Hồ Chí Minh đã nói về ông Bùi Kỷ, nhân nghe tin ông này
qua đời, nội dung như sau: “Thân sinh ông Bùi Kỷ là cụ Bùi Thức đã
là bạn của cụ Sinh Huy từ khoa thi Hội 1898, làm quen nhau trong
trường thi, lui tới với nhau trong khi đợi kết quả: cụ Bùi Thức đỗ
Tiến sĩ, cụ Sinh Huy bị hỏng. Năm 1901, sau khi thi đỗ Phó bảng, cụ
Sinh Huy có đưa Tất Thành ra Bắc tìm thăm cụ Bùi Thức tại xã Châu
Cầu huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Hai cậu thiếu niên Tất Thành và Bùi
Kỷ đã quen nhau từ thuở ấy. Anh thanh niên Bùi Kỷ mới hơn 20 tuổi đã
đỗ Phó bảng. Anh nỗ lực học tiếng Pháp và được học bổng sang học
trường Thuộc địa từ tháng 2-1911. Họ đã vui mừng tái ngộ tại nhà bác
Phan trong các dịp Tất Thành đến thăm bác Phan tại Paris …” (Xem
Phan Thị Minh: Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới, Quyển
3, Nxb Đà Nẵng, 2001, tr. 190).
Bà Phan Thị Minh đã cho biết thêm về lý lịch của ông Bùi Kỷ như sau:
“Chúng tôi đã kiểm tra trong hồ sơ trường Thuộc địa thì đúng là
trong danh sách học sinh đến Pháp tháng 2-1911 có ông Bùi Kỷ. Ông đã
đỗ Phó bảng rồi học trường Thông ngôn sau đó sang học trường Thuộc
địa và đã sớm gần gũi ông Trinh và con: ông đã cùng ông Trường và
ông Chuyên kèm cặp giúp Dật (con ông Trinh) học tiếng Pháp. Dật tôn
trọng ông và gọi ông là “thầy Bảng Kỷ”. Ông đã làm thư ký Hội Đồng
bào Thân ái và có thuyết trình trong buổi họp về đề tài khoa học”.
(Như trên, Chú thích 1, tr. 183).
[14]Xem Daniel
Hémery: “Jeunesse d’un colonisé, genèse d’un exil. Ho Chi Minh
jusqu’en 1911”, Approche-Asie, No. 11, 1992, Tài liệu số 6,
tr. 131. Tất cả những tài liệu mà D. Hémery công bố và sử dụng trong
bài viết nói trên đều có xuất xứ từ Trung Tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp
(Centres des Archives d’Outre-mer - CAOM) tại thành phố
Aix-en-Provence.
[15]Xem Thu Trang:
Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Sđd, tr. 29.
[16]D. Hémery: Sđd,
Các tài liệu phụ lục, tr. 127-152
[17]Theo lời khai với
Sở mật thám Trung kỳ của Nguyễn Thị Thanh, con gái lớn của ông
Nguyễn Sinh Huy, thì năm 1906, bà có dẫn một phụ nữ giúp việc ra Huế
định ở với cha. Nhưng do không chịu nổi tật say rượu và thô bạo của
ông (bà cho biết đã bị cha đánh nhiều lần) năm sau bà đã phải trở về
Kim Liên. ( Xem D. Hémery: Sđd, tài liệu 18, tr. 149)
[18]Bùi Quang Chiêu
đã khai với Mật thám Sài Gòn về Nguyễn Sinh Huy khi được hỏi về
Nguyễn Ái Quốc như sau: “Từ Pháp về nước năm 1913, tôi đã gặp
trên đường phố Sài Gòn một người trông quen, trên vai có một đòn
xeo, mút đầu có treo một cái bọc. Đó chính là người cha của người
thanh niên mà ta đang đề cập (Nguyễn Ái Quốc), ông đang đi qua Sài
Gòn. Ông nói với tôi về những cực khổ của mình. Đỗ cử nhân (Phó
bảng mới đúng - LP) lúc khoảng 30 tuổi, năm 1901 hoặc 1902, học
trường nông nghiệp ở đấy tôi đã từng là giáo sư. Sau đó được bổ nhậm
quan huyện rồi bị bãi chức (…). Ông ấy kể chuyện đó với tôi đầy vẻ
oán hận. Tôi nhớ ông đã nói thêm: “một ngày nào đó tôi sẽ làm quan
trở lại”. Tôi không gặp lại ông từ lúc đó”. (Xem D. Hémery: Sđd,
tài liệu 19, tr. 151).
[19]Tháng 6-1909,
Nguyễn Tất Thành theo cha vào huyện Bình Khê (Bình Định), được cha
gửi đến Quy Nhơn học tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại
trường tiểu học Pháp-bản xứ Quy Nhơn, theo chương trình cours
supérieur. Tháng 1-1910, cha bị cách chức và triệu hồi về Huế, tháng
9 năm ấy, Nguyễn Tất Thành vào Sài gòn, hết tiền nên phải ghé qua
Phan Thiết, vào trường Dục Thanh, dạy học một thời gian ngắn. (Hồ
Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 39-43)
[20]D. Hémery: Sđd,
Tài liệu 8, tr. 133
[21]Trong Những
mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên đã
mượn lời một nhân vật và viết: “Chúng tôi theo tàu lên Havre để sửa
chữa. Chúng tôi được đưa sang làm việc ở một chiếc tàu khác, trở về
Đông Dương. Anh Ba không muốn trở về” (Trần Dân Tiên: Sđd, tr. 16).
[22]D. Hémery: Sđd,
Tài liệu 7, tr. 32
[23]Như trên, Tài
liệu 19, tr. 151. Nhưng trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động
của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên lại viết về cuộc gặp gỡ của
Nguyễn Tất Thành với Bùi Quang Chiêu trên tàu Latouche-Tréville như
sau: “Hồi ấy, Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông vào làng Tây, đi
tàu hạng nhất cùng với gia đình. Ông ta đưa con sang Pháp học. Trông
thấy Ba, ông ta gọi anh lại và thân mật bảo: Tại sao con lại làm cái
nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh
giá hơn… Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay
không” (Sđd, tr. 14-15).
[24]D. Hémery: Sđd,
Tài liệu 9, tr. 134
[25]Hồ Chí Minh biên
niên tiểu sử, Sđd, tr. 58
[26]D. Hémery: Sđd,
tr. 124
[27]“Trước dây tôi có
đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chống
đối ở Annam, có những người lính lê dương do Poincaré gửi sang để
cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ
chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy
ra ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi đã tới Paris. Khi trường
Đại học Phương Đông ở Matxcơva mở, tôi bèn xin học”. (Nguyễn Ái
Quốc: “Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo L'Unità” (Ý),
15-3-1924, trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 480)
[28]Như trên, tr. 482
[29]“Ông có biết anh
Ba hiện nay thế nào không? – "Không, tôi rất tiếc là tôi không biết"
– "Ông có muốn tôi nói cho ông biết không?" – "Còn gì bằng nữa!" –
"Ông quay lại xem, anh Ba ấy đây kìa!" Tôi vừa nói vừa chỉ chân dung
Hồ Chủ tịch treo trên bàn thờ giữa những bình hoa, bình hương, đèn
nến”. ( Trần Dân Tiên: Sđd, tr. 19)
[30]Xem Sophie
Quinn-Judge: Nguyen Ai Quoc, The Comintern and the Vietnamese
Communist Mouvement (1919-1941) (Luận án). Luận án này đã được
tác giả xuất bản với nhan đề HO CHI MINH The missing years,
The University of California Press, California, 2002.
[31]Phan Thị Minh:
“Tìm hiểu thêm về quan hệ của Bác Hồ với cụ Phan Châu Trinh trong
những năm Bác chưa sang Pháp”, trong Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc
tại Paris, Sđd, tr. 403. [Trong cuốn Càng nhớ Bác Hồ của
mình (Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999, tr. 10), Vũ Kỳ đã cho biết là
ông về làm thư ký riêng cho “cụ Nguyễn Ái Quốc” bắt đầu từ ngày 27
tháng 8 năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám chừng một tuần.]
Thông tin trên đây của bà Phan Thị Minh hoàn toàn ngược lại với
những khẳng định trước đó của nhiều tác giả – như Nguyễn Khắc Viện,
Nguyễn Khánh Toàn, Hà Minh Đức… – về sự đồng nhất giữa Trần Dân Tiên
và Hồ Chí Minh (Xem sự khẳng định của Hà Minh Đức: Những tác phẩm
văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà
Nội, 1985).
[32]Theo William J.
Duiker, cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch
gần đây đã được giới quan chức Hà Nội xác nhận là của Hồ Chí Minh và
ấn bản đầy đủ nhất của cuốn tiểu sử này đã được xuất bản tại Thượng
Hải năm 1949 bằng Trung văn (nhà xuất bản Ba Ywe, mang tựa Hu
Zhi Ming Zhuan). Khác với những bản dịch ra ngoại văn xuất
hiện về sau, cuốn này đã khẳng định Hồ Chí Minh chính là tên giả của
Nguyễn Ái Quốc. [Xem William D. Duiker: Ho Chi Minh, a life,
Hyperion, New York, 2000, tr. 582].
Trở lại Trang Lữ
Phương
29-5-08 |