CHỦ NGHĨA MARX
VÀ CÁCH MẠNG VÔ SẢN VIỆT NAM
 

 

Lữ Phương

 

7.  Việt Nam “Đổi Mới”: 1979-1986

 

 

1989 là thời điểm quan trọng đối với lịch sử Việt Nam từ sau ngày 30.4.1975. Tháng 12.1986, đường lối “đổi mới” do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam phát khởi đã tạo ra một bước ngoặt mà ba năm sau đó (Hội nghị Trung Ương 6, khóa VI, tháng 9.1989) đã chuyển hẳn nền kinh tế Việt Nam từ chế độ “quan liêu bao cấp” sang cơ chế thị trường, và đường lối đó vẫn được tiếp tục duy trì đến nay. Nhưng những người nghiên cứu đã tìm thấy một thời điểm trước đó cũng không kém phần quan trọng: đó là Hội nghị Trung ương 6, khóa IV, tháng 9-1979 (sau đó thể hiện bằng Chỉ thị 100 của Ban bí thư về khoán nông nghiệp và Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý công nghiệp – cả hai đều xuất hiện vào năm 1981) cho phép phá vỡ một phần những ràng buộc khe khắt của mô hình cũ để “bung ra” sản xuất. Tính chất “đổi mới” thể hiện trong hai thời điểm ấy đã được những nhà nghiên cứu chú trọng đặc biệt đến khía cạnh kinh tế của chúng. Vấn đề đặt ra về phương diện lịch sử là phải giải thích ra sao về mối quan hệ của chúng, là xét xem cái lô gích phát triển từ thời điểm này sang thời điểm kia là gì. Trong khi đi tìm tài liệu tham khảo, tôi đã gặp hai cách trả lời dường như phổ biến – và hai cách trả lời ấy đều không thuần túy giới hạn trong những bàn luận kinh tế không thôi.

Đối với những nhà lý luận lấy nguồn cảm hứng từ sự giải thích chính thống của Đảng thì khoảng thời gian từ 1979 đến 1989 (đi qua 1986) là “ quá trình đổi mới tư duy” của Đảng về mặt kinh tế, cụ thể là hình thành ngày càng hoàn thiện luận điểm “phát triển kinh tế hàng hóa để đi lên chủ nghĩa xã hội” [1]. Cách giải thích này đã dựa vào tiền đề giáo khoa “cách mạng vô sản”: vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin vào những hoàn cảnh cụ thể, và trong trường hợp mà chúng ta đang bàn luận, theo cách diễn tả của một tác giả Việt Nam, là “bắt chủ nghĩa tư bản phải phục vụ chủ nghĩa xã hội, bắt nhà tư bản phải cày trên mảnh đất vô sản” [2]. Nghĩa là thay vì thực hiện những nguyên lý trước đây gọi là “khoa học” như nắm vững chuyên chính vô sản để biến toàn bộ xã hội thành một công trường [3] thì ngày nay người ta vẫn có thể nắm vững chuyên chính vô sản – có thể nói nhè nhẹ mấy chữ này đi một chút [4] – để làm kinh tế tư bản chủ nghĩa, cũng một cách “khoa học” không kém gì. Tác dụng biện hộ về mặt ý thức hệ cho sự cầm quyền độc tôn của một đảng là điều quá hiển nhiên, nhưng đứng về mặt nghiên cứu thì sự đóng góp lại chẳng có gì đáng kể.

Đối với những bài viết của những nhà nghiên cứu độc lập thì tất nhiên những giới hạn trên không có. Nhưng rất tiếc, do không thừa hưởng được những công trình nghiêm chỉnh trước đó (vì chưa có) nên về tài liệu lẫn luận giải đã không tránh khỏi ít nhiều bị ảnh hưởng bởi xu hướng quan phương nói trên. Và điều này thì cũng chẳng có gì là khó hiểu: trong khi những công trình độc lập trong nước hoàn toàn hầu như con số không [5] thì giới nghiên cứu Việt Nam ở ngoài nước cũng chỉ mới bắt đầu lại khoảng vài ba năm nay, và những người thật sự quan tâm cũng lại thường là những giới có liên hệ trực tiếp đến “đổi mới” (những chuyên viên cải cách kinh tế, những người đầu tư, ngoại giao...). Tuy thế do truyền thống nghiên cứu khách quan (những người Mácxít trước thường gọi là “khách quan tư sản”) nên các vấn đề nêu ra là khá phong phú và thường có ý nghĩa gợi mở hơn là khép lại bằng những định kiến ý thức hệ [6], dù rằng trong quá trình trao đổi không phải là đã không có những gặp gỡ chung trong nhận định. Thí dụ như ý kiến cho rằng rõ ràng là từ 1989, Việt Nam đã chuyển hẳn sang kinh tế thị trường một cách đồng bộ, “trọn gói”, và như vậy cũng giả định đã có sự tiến triển liên tục về mặt thừa kế những yếu tố “kinh nghiệm” giữa cái giả định bắt đầu và cái giả định kết thúc. Và thí dụ như ý kiến (đi ngược lại với quan phương) cho rằng “thời kỳ quá độ” [7] ấy đã chấm dứt vào năm 1989 rồi và do đó những cải cách đã “vượt xa khỏi khuôn khổ đổi mới xã hội chủ nghĩa” [8]. Rõ rệt mấy chữ “kinh tế thị trường” ở đây, trong quan niệm của những chuyên viên ấy, chỉ có nghĩa là một cơ chế tổ chức sản xuất chung nhất, chẳng dính dáng gì đến cái gọi là “thị trường xã hội chủ nghĩa” hay “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” cả!

Tuy vậy sự nhất trí ấy không phải là nhiều lắm, bởi vì liền sau đó thì hàng loạt những câu hỏi cũng được đặt ra, đặc biệt những câu hỏi xoay quanh mối quan hệ giữa “đổi mới kinh tế” với “đổi mới chính trị” chẳng hạn:

– Thực chất của những cải cách thời “bung ra” 1979 là gì? Đó có thể gọi được là công việc “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” dẫn đến kết quả cho Đại hội VI 1986 (và cả cho hôm nay) hay không [9] khi mà vào những năm đầu của thập kỷ 80, trong khi những “kinh nghiệm” thực tế đã khá đầy đủ để từ bỏ nhanh chóng mô hình cũ thì chiều hướng chính trị lúc ấy lại vẫn loay hoay trong bảo thủ [10] làm cho một dân tộc không kém năng động phí phạm đi mất 10 năm chậm trễ [11].

– Cuộc cải cách 1986 tuy có quan trọng thật nhưng quan trọng như thế nào khi mà “hoạt động của nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ vẫn không chứng minh được cải cách” – “một thứ thị trường không đồng nghĩa với thị trường thực sự và có hiệu quả” [12]– và như thế “động lực của các cải cách năm 1986 là gì và tại sao nó vẫn được tiếp tục mặc dù có những kết quả không mấy gì làm phấn khởi” [13].

Những câu hỏi trên đây đáng chú ý là vì không phải chúng chỉ ra những khoảng tối trong lịch sử để người ta rọi sáng mà còn có vẻ như muốn đụng chạm đến bản thân cái phương pháp truy tầm lịch sử trong những cách thức nhìn nhận như đã nói trên nữa. Thí dụ như liệu người ta có thể tách rời vấn đề kinh tế ra, phân tích mọi khía cạnh rồi sau đó mới bàn luận đến những ý nghĩa chính trị hay văn hóa của nó như trong một số công trình [14] hay là ngược lại phải tìm hiểu những đổi mới kinh tế trong cái tổng thể mà những người chủ xướng đã đề xuất từ đầu? Vấn đề rõ rệt đã trở thành vấn đề tiếp cận quá trình đổi mới ở Việt Nam xét như một dự phóng toàn diện. Chúng tôi cho rằng phân tích các hiện tượng kinh tế theo tính chất riêng biệt của chúng trong mục đích phục vụ những cải cách kinh tế xét như những chính sách, biện pháp là hoàn toàn cần thiết. Nhưng đứng từ một cái nhìn lịch sử xét như những tổng thể thì bản thân vấn đề kinh tế không bao giờ đơn thuần là nó mà còn là cái định chế xã hội trên đó nó tồn tại và cũng là cái ý thức hệ biện minh cho sự tồn tại đó. Vì vậy nếu không đặt những cải cách ấy vào sự chuyển động của chế độ cộng sản và cái ý thức hệ mácxít của Đảng cộng sản Việt Nam thì người ta không thể nào hiểu  được thực chất của những cải cách kinh tế ấy. Chúng ta đừng quên rằng những Nghị quyết mà chúng ta đã nhắc đến và sẽ còn nhắc đến (như Nghị quyết Trung ương 6, tháng 9-1979 hoặc Nghị quyết Đại hội VI, tháng 12-1986) vấn đề kinh tế tuy quan trọng nhưng không bao giờ đặt ra một cách riêng rẽ cả.

 Phương pháp mà chúng tôi đề nghị sử dụng là phải tìm hiểu vấn đề đổi mới ở Việt như một ý thức hệ đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam trước những tình thế không thể không đổi mới. Những nhân tố chủ quan trong bản thân sự lãnh đạo của Đảng (học thuyết Mác-Lênin, cơ chế phê bình tự phê bình, truyền thống yêu nước, não trạng cách mạng vô sản, tổ chức tập trung dân chủ...) sẽ được quan tâm đồng thời với những nhân tố khách quan thúc đẩy sự chuyển động trong Đảng (những đổi thay của thế giới, tác động của “phe” xã hội chủ nghĩa, sự phản ứng của dân chúng, sự phân hóa trong Đảng...), tất cả sẽ dẫn đến việc tìm hiểu sự tác động qua lại hết sức phức tạp của những nhân tố ấy, cuối cùng dẫn đến việc giải đáp cho những câu hỏi mà chúng tôi cho là cực kỳ quan trọng sau đây: động lực thật sự của những người lãnh đạo là gì khi họ chấp nhận cuộc chơi mệnh danh là “đổi mới”, trong chừng mực nào họ có thái độ “lắng nghe” cuộc sống và trong chừng mực nào họ phải phóng theo ngọn lao mà họ đã ném ra không cưỡng lại được? Xoay quanh hai thời điểm 1979 và 1986 để phân tích, chúng tôi hy vọng có thể tìm ra được câu trả lời cho vấn đề trên đây.

 

Giấc mộng vàng và đà trượt của cuộc chiến tranh

Việc chấm dứt chiến tranh năm 1975 đối với những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam là bước đột biến chưa từng có trong lịch sử để đất nước chuyển hẳn sang một trang mới hoàn toàn. Không phải vì Việt Nam đã thống nhất, độc lập để phát triển (điều này đã quá muộn) mà là độc lập, thống nhất để phát triển một cách vô cùng rực rỡ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản với học thuyết Mác-Lênin vạn năng: Việt Nam sẽ mau chóng trở thành một quốc gia hiện đại, hùng cường, văn minh không những giữ được vai trò làm “tiền đồn” cho phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á mà còn là hình mẫu về phát triển hết sức hài hòa tốt đẹp để các nước thứ ba noi gương nữa [15]. Và bí quyết của sự thành công đó cũng được các nhà lãnh đạo Đảng nói ra nhiều lần, ngay cả trong những ngày chưa chấm dứt chiến tranh [16], bằng công thức: Đảng lãnh đạo với chủ nghĩa Mác-Lênin, cộng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, cộng với khoa học kỹ thuật hiện đại (sẽ học tập của thế giới). Đại hội Đảng lần thứ IV (tháng 12-1976) đã mở ra triển vọng ấy trong khí thế chiến thắng “ngất trời” và lòng tin mãnh liệt vào tương lai (ông Lê Duẩn thường dự đoán trong khoảng 15 năm thôi).

Chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến cái không khí ấy bởi vì tất cả đường lối “cách mạng” của Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ được đặt trên cơ sở đó, trong một thời gian khá dài [17]. Về mặt đối ngoại, Đảng sẽ tiếp tục chủ trương “độc lập tự chủ” của mình, không những tranh thủ những thuận lợi của “bạn bè” để xây dựng mà còn phất cao ngọn cờ cộng sản chân chính đế chống lại mọi thứ chủ nghĩa xét lại, từ tả sang hữu, lôi cuốn Đông Dương vào một khối thân hữu chặt chẽ với Việt Nam, làm bàn đạp phát triển phong trào chống đế quốc ở Đông Nam Á. Còn về mặt xây dựng trong nước thì cái khí thế chiến thắng đã biểu hiện ở chỗ áp dụng trên cả đất nước đã thống nhất cái mô hình nửa Stalinit, nửa Maoit đã từng áp dụng ở miền Bắc sau 1954, lý do: đó là một mô hình đã được thử thách trong chiến tranh, đã tạo ra được “tính ưu việt và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội”, “đã từng làm cho miền Bắc giữ được nhiệm vụ quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ phong trào cách mạng ở Việt Nam” [18].

Trong chừng mực nào những ý tưởng trên đây là thực tế và trong chừng mực nào chúng tỏ ra quá “tếu” thì không phải đợi những người viết sử sau này thẩm định mà chỉ vài năm sau đó thôi mọi việc cũng đã bắt đầu lộ rõ. Bởi vì cũng chỉ một vài năm sau đó, tất cả những gì được hình dung ra một cách vô cùng tươi đẹp, hào hứng thì đều phát triển theo chiều hướng ngược lại, chẳng những không có đủ gạo ăn, thuốc uống mà còn đưa đất nước vào tình trạng tồi tệ cùng cực trên tất cả mọi phương diện. Tất nhiên những người lãnh đạo trong những trường hợp như thế bao giờ cũng tìm cách giải thích để biện minh cho lấy được sự lãnh đạo “tài tình” của mình. Nhưng điều đó đã chứng tỏ là không đúng và về sau chính họ cũng phải phần nào thừa nhận, bởi vì tất cả đã bị chi phối bởi cái não trạng đặc biệt do cuộc chiến thắng 1975 mang đến – ngạo mạn vì thắng lợi, say sưa với thắng lợi cho nên đã tự nâng mình lên quá xa vời cái tầm mà mình đang có. Thái độ ấy đã bị đánh trả trên tất cả các lĩnh vực.

Trước hết là về đường lối “cách mạng thế giới”. Ai cũng biết rằng trong chiến tranh, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn giữa sự giằng xé của các thế lực cộng sản quốc tế, đặc biệt về sau này với sự căng thẳng tột độ giữa Trung Quốc và Liên Xô: có lúc đã theo Liên Xô để chủ trương đường lối hòa bình (sau 1954), có lúc chống Liên Xô theo Trung Quốc để giải phóng miền Nam bằng bạo lực (sau 1960), có lúc hòa dịu lại với Liên Xô thì lại bắt đầu căng thẳng với Trung Quốc (sau Hiệp định Paris về Việt Nam). Tuy vậy do phải tập trung vào chiến tranh nên họ đã không đẩy những bất đồng đến chỗ rạn nứt. Nhưng khi đã thắng lợi rồi, tự tin quá mức vào uy tín cách mạng của mình [19], hy vọng sớm chiều có thể trở thành cường quốc, họ không cần phải theo đuổi chính sách cân bằng trên đây nữa. Với Hiệp ước hữu nghị 25 với Liên Xô (1978) mà tinh thần của nó là “hợp tác toàn diện”, Việt Nam đã ra mặt chống lại Trung Quốc. Kết quả của thái độ ấy như thế nào mọi người còn nhớ: muốn làm “tiền đồn” cho phe chủ nghĩa xã hội chống đế quốc, Việt Nam đã trở thành tiền đồn của phe Liên Xô để chống Trung Quốc, đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh mới mà sự xâm lấn Kampuchia 1978 và nhân “bài học” của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc 1979 là kết quả. Những sự việc không thuận lợi gì cho phát triển đó đã được những người lãnh đạo gọi là một “sứ mệnh lịch sử”, nhưng trong thực tế đó chỉ là cái đà trượt của một cuộc chiến tranh vừa nóng vừa lạnh mà các phe liên hệ chưa tìm ra được giải pháp căn bản để giải quyết đến nơi đến chốn. Vì thế tuy đã thắng lợi hoàn toàn (cưỡng lại nhiều lần sự sắp xếp của những cường quốc), Việt Nam vẫn còn phải trả giá cho sự thắng lợi ấy.

Cái đà trượt ấy nếu đã gây ra những điều kiện bất ổn cho xây dựng (bị cô lập hoàn toàn) thì ở trong nước cái mô hình xây dựng mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội” cũng không hề mang lại được chút kết quả nào. Đó chỉ là con đẻ của chiến tranh, nó theo con đường ủng hộ cuộc chiến tranh ấy của “phe” xã hội chủ nghĩa mà du nhập vào Việt Nam, hết Stalin, Mao Trạch Đông rồi đến Brejnev. Khi đem cái mô hình ấy ra xây dựng, nó không chứng tỏ một tí gì là “ưu việt”. Thực hiện ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, lại diễn ra trong điều kiện mà người dân luôn luôn phải thắt lưng buộc bụng hy sinh, nhiều lắm nó chỉ là một thứ sản xuất tự túc để thích ứng với chiến tranh, tất cả đều được “kế hoạch hóa” trên những gì mà “bầu bạn” đã viện trợ để tiếp tục cuộc chiến tranh ấy, nó không thể là một hình mẫu để thúc đẩy sự phát triển đưa xã hội vào thế giới hiện đại. Người ta thường nhắc đến Kim Ngọc, bí thư tỉnh Vĩnh Phú ở miền Bắc trước 1970 đã bị phê phán và trừng trị thích đáng vì đã dám qua mặt Trung ương cho phép “khoán chui” với lý do: “nếu cứ xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu này thì cháo cũng không có mà ăn”! Đối với những người lãnh đạo, thật ra không phải họ không thấy tính chất khó nuốt của cục xương gọi là “xây dựng chủ nghĩa xã hội” đó – ít nhất rất khó thuyết phục người dân hy sinh cho nó một cách dễ dàng như trong chiến tranh. Nhưng do lù mù lâu ngày trong cái đám lý luận sơ khai về cái “thiên đường hạ giới” gắn chặt với chiến tranh, lại nhờ nó mà lấy được chính quyền, không thể hình dung ra một con đường nào khác hay hơn, họ cứ phải bám vào đó, ngoài việc sơn cho nó những lớp sơn huyễn hoặc, họ còn thường xuyên khai thác lòng yêu nước của người dân để giúp nó thêm động lực .[20]

Khi được bê nguyên xi vào áp dụng ở miền Nam Việt Nam sau khi thắng lợi hoàn toàn, cái mô hình đó lập tức đã phát huy ngay sức mạnh tàn phá của nó đối với tất cả những thành quả mà miền Nam đã đạt được trong suốt quá trình công nghiệp hóa (dù còn ở bước đầu) và hiện đại hóa. Chỉ còn vài năm, bắt đầu là “tiếp quản” rồi sau đó là “cải tạo” tư sản ở thành phố, “hợp tác hóa” ở nông thôn, đời sống người dân đã bị đẩy lùi lại tình trạng trước đó khoảng vài ba chục năm, khốn khổ như chưa bao giờ đã xảy ra, dưới chế độ phong kiến, thực dân. Nền sản xuất hàng hóa mở rộng đã bị phá vụn thành những khu vực nhỏ bé, chiếm lĩnh bởi những cái gọi là “ngành” hay “lãnh thổ”; bất cứ cơ quan nào hay địa phương nào (kể cả xã, ấp) cũng có thể lập ra các hàng rào, trạm gác để chặn xe cộ lại xét hỏi, tịch thu, đánh thuế; còn nếu có gì gọi được là sản xuất thì cũng chỉ là những phong trào vận động ồ ạt người ta đi “lao động xã hội chủ nghĩa” (đắp mương, làm thủy lợi...) hoặc rủ nhau đi ra khỏi thành phố xin đất để làm rẫy kiểu “tự túc” như thời kháng chiến trong rừng, tốn không biết bao xăng nhớt, thì giờ mà kết quả chẳng đi đến đâu [21]. Còn những chương trình gọi là “kinh tế mới”, giãn dân về các miền nông thôn để sản xuất thì chỉ là  việc “đem con bỏ chợ”, đày đọa con người qua mọi khổ sở, cuối cùng không chịu nổi nên đã nhếch nhác kéo nhau về lại thành phố, ngủ đường ngủ chợ sau khi đã tán gia bại sản. Trong khi nông thôn trở về nền kinh tế tự cung tự cấp (thiếu máy móc, phân, giống) dưới danh nghĩa “tập đoàn” thì thành thị lại bị biến thành một thứ nông thôn lạc hậu, đi đâu cũng thấy người ta phá các luống hoa để trồng rau, còn nhà cửa thì hầu hết đều bị biến thành những chuồng heo, chuồng gà, chuồng thỏ nồng nặc mùi cám, mùi phân. Các công sở, vốn là chỗ làm việc trang nghiêm, cũng đã biến thành một thứ chợ nho nhỏ: cả ngày người ta chỉ lo mua bán, cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm (một tí gạo, một tí xà phòng, cá, thịt...). Là một cái vựa thóc, trong những năm tháng ấy, người dân miền Nam đã phải ăn độn với khoai lang, khoai mì và khủng khiếp nhất là với cái gọi là... bobo do Liên Xô viện trợ.

 

Từ sự phản ứng trong xã hội đến sự chuyển động trong Đảng

Sự phản ứng của xã hội đối với cái mô hình ấy là tất yếu: điều đó đã xảy ra từ lâu ở miền Bắc. Có điều gì cần nói thêm thì nên chú ý rằng cái phản ứng ấy đã diễn ra một cách khá đặc biệt mà chỉ có những người sống lâu năm trong chế độ cộng sản mới hiểu được: đó là thái độ hai mặt, bên ngoài thì vâng dạ, cảm ơn rối rít, nhưng trong lòng thì hoàn toàn nghĩ khác, trước mặt các “Anh”, các “Bác” thì ghi ghi chép chép tỏ vẻ “quán triệt” lắm nhưng về nhà thì lại làm ngược lại. Thái độ ấy thường bị xem là “tiêu cực”; nhưng đó chỉ là bước đầu – tất cả những thứ tệ hại khác như vô trách nhiệm, dối trá, báo cáo láo, trây lười... đều sẽ diễn ra tiếp theo. Thái độ ấy cũng tràn vào miền Nam sau 1975 một cách thật nhanh chóng: sau một thời ngắn ngủi “hồ hởi” đón chào “các anh”, đầu tiên người ta không biết làm gì hơn là “chà đồ nhôm”  (“chôm đồ nhà” – nói lái – đem đi bán ăn dần), nhưng sau đó người ta cũng phải làm một cái gì đó để tồn tại (“chẳng lẽ lại lăn ra mà chết”). Và làm gì để tồn tại trong một khung cảnh cực kỳ khó khăn như vậy thì chỉ có Trời mới biết thôi. Nhờ hàng của gia đình ở nước ngoài gửi về? Xếp hàng mua giá chính thức đem ra bán lại cao hơn để lấy lời? Ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp được (điện, thuốc, xăng dầu, hóa chất...)? Trốn thuế? Buôn lậu? Tất cả đều có thể. Và tất cả đều diễn ra trong mối quan hệ giữa dân và nhà nước, giữa cái không chính thức và cái chính thức. Và nói theo ngôn ngữ kinh tế thì đó là mối quan hệ giữa thị trường và thị trường đen. Khi thị trường có gì khiếm khuyết thì thị trường đen sẽ bổ sung vào; nhưng vì ở Việt Nam, theo lý luận về chủ nghĩa xã hội, thị trường không được thừa nhận một cách hợp pháp cho nên trong thực tế nếu có gọi được là thị trường thì chỉ có thị trường đen. Một mặt nếu nó giúp người ta tìm ra được những thứ cần dùng với một giá cao mà chỉ có những người buôn lậu mới cung cấp được, nếu nó góp phần lưu thông hàng hóa giữa vùng này sang vùng khác, giữa nông thôn và thành thị, thì mặt khác nó cũng tạo ra một cung cách làm ăn đặc biệt, là việc đục khoét, moi móc tất cả những gì có thể moi móc được trong kho nhà nước, trong thương nghiệp và xí nghiệp quốc doanh để đưa ra bổ sung cho thị trường đen; tham gia lối làm ăn này không phải chỉ có những “con phe” mà còn bao gồm cả chính những cán bộ cách mạng ở trong guồng máy nhà nước nữa.

Có lẽ cũng nên dừng lại một chút ở một loại thị trường đen khá đặc biệt vào lúc bấy giờ: đó là thị trường vượt biển (một hình thức tổ chức vượt biên bằng thuyền, phổ biến hơn những hình thức khác). Muốn tham gia thị trường này người mua lẫn người bán phải có một số tiền khá lớn (tính bằng vàng). Cùng với những chi phí bỏ ra để đóng thuyền và chạy những giấy má để làm bộ hành nghề với chiếc thuyền ấy (chuyên chở, đánh cá), giá các suất vượt biên còn tùy thuộc rất nhiều vào chi phí mà những người tổ chức phải trả cho những viên chức liên hệ (quân đội, công an, ủy ban nhân dân...) gọi là để “mua bãi”. Cuộc mua bán khá tấp nập một thời nếu đã phá tan tành không biết bao sự nghiệp, cướp đi không biết bao sinh mạng thì nó cũng đã làm xuất hiện một lớp “nhà giàu mới” với những cuộc ăn chơi cực kỳ xa hoa (chủ yếu đãi đằng các quan chức) trong khung cảnh nhếch nhác chung của xã hội. Tại sao người ta lại bỏ xứ ra đi với những phương tiện mong manh, nguy hiểm như vậy? Có thể là vì lý do chính trị, là kinh tế, là thấy người ta đi cũng đi theo... nhưng với lý do nào đi nữa thì điều đó cũng là lời tố cáo không thể biện minh được đối với một chế độ thường hay khoe khoang về tính “ưu việt” của mình. Nhưng nó cũng chứng tỏ cái phản ứng của người dân lúc bấy giờ là tuyệt vọng đến như thế nào trước một chế độ mà họ hầu như không còn tin được vào sự đổi thay. Có thể nói đó mới chính là cái kết quả tổng hợp nhất giải thích sự thất bại của tham vọng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng; góp phần làm thất bại tham vọng ấy gồm đủ tất cả những nhân tố, từ sự trả đũa của Mỹ và Trung Quốc về màn sau của cuộc chiến tranh đến sự ngạo mạn của những người chiến thắng cuộc chiến tranh ấy, từ sự phá sản trên thực tế không gì biện minh được của cái mô hình “chủ nghĩa xã hội” hoang tưởng đến những vùng vẫy đau đớn của những người dân bị trị, và về sau còn có sự suy thoái ngày càng táo tợn của chính cái guồng máy nhà nước thống trị nữa.

Những sự tệ hại nói trên đã tác động gì đến hàng ngũ những người lãnh đạo vào những năm tháng ấy khiến họ phải quyết định điều chỉnh đường lối? Về mặt này nếu ai có được những kinh nghiệm trực tiếp thì đều thấy rằng, ngoại trừ một số dường như chìm đắm trong những cơn mộng du, phần đông những đảng viên có liên hệ với thực tế đều bất mãn trước những gì xảy ra – ít nhất thì những cảnh tượng ấy cũng đã đi ngược lại với những gì mà họ đã ý thức rõ ràng khi vào Đảng. Nhưng guồng máy tổ chức của Đảng không được lập ra để đề ra những thay đổi kịp thời trước những đòi hỏi thực tế: sự tồn tại của guồng máy là để thực hiện những nguyện vọng lâu dài, bền vững của nhân dân và điều này thì chỉ có được khi nhân dân biết nghe theo Đảng để “tiến lên” chủ nghĩa xã hội. Căn cứ vào đó, Đảng phải có nhiệm vụ “uốn nắn” lại những gì tự phát, giáo dục lại những gì lệch hướng trong nhân dân và cả trong đảng viên cán bộ. Guồng máy cầm quyền vì thế cũng phải được tổ chức một cách thật chặt chẽ để có thể thực hiện nhanh chóng câu “nhất hô bá ứng” trong lãnh đạo và chỉ đạo. Tuy thế nếu căn cứ vào lý thuyết mà hình dung guồng máy ấy như một cái gì đó thật sít sao, ăn khớp răm rắp như cái máy cái kéo theo hàng loạt những máy con thì lại là điều không thực tế. Bởi vì cái guồng máy ấy đã chứa trong bản thân nó những mâu thuẫn không bao giờ có thể giải quyết được.

Trước hết là mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành. Trong lý luận về phát triển, chúng ta nên chú ý đến tính chất đặc biệt trong chủ nghĩa Mác, coi sự tăng trường kinh tế là quan trọng nhất, chỉ có giải quyết được một cách có hiệu quả thì mới có cơ sở để tạo nên những biến đổi trên mặt thượng tầng và ý thức. Tuy thế, với sự phát triển của Lênin đối với những nước chưa phát triển thì chính trị chính là khâu then chốt để xây dựng kinh tế: việc xây dựng ấy lại tỏ ra bất khả thi xét về lâu dài vì những biện pháp tập trung quá đáng, biểu hiện thành việc nhà nước khống chế toàn bộ đời sống kinh tế đã quay lại hủy diệt mọi động cơ phát triển. Chủ nghĩa tập thể ở đây, cùng đi chung với nó là sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất đã không thích hợp cho sự phát triển trong điều kiện xã hội đã vượt qua thời kỳ cách mạng để xây dựng trong hòa bình. Để duy trì được cuộc sống một cách tự nhiên, toàn bộ xã hội (kể cả trong Đảng), luôn luôn phải tìm cách leo lách để chống lại.

Một mâu thuẫn khác có ý nghĩa khá nghiêm trọng là mâu thuẫn giữa tập trung và dân chủ. Dân chủ là thừa nhận sự khác nhau của nhiều khuynh hướng, nhưng khi đã tập trung rồi thì những khác nhau ấy phải được giữ kín trong sự “bảo lưu”, không được truyền bá, không được nói ra. Điều đó nếu thích hợp với những hoạt động quân sự, cách mạng, chiến tranh thì lại hoàn toàn không mang đến hiệu quả trong những hoạt động kinh tế, văn hóa. Các tìm tòi về mặt khoa học và tư tưởng nếu không được tự do bộc lộ thì sẽ không tạo ra được không khí sáng tạo kích thích sự đổi mới liên tục. Do vậy các địa phương, cơ sở, các ngành nghề muốn có được những hậu quả tối thiểu trong hoạt động, trong khi bên ngoài vẫn làm ra vẻ tuân phục bên trên, trong thực tế đã phải tìm cách làm ngược lại, làm khác đi để tháo gỡ những khó khăn do cơ chế mệnh lệnh hành chính gò bó họ.

Những mâu thuẫn trên đây cho chúng ta thấy cái cơ chế tập trung đặc biệt cộng sản đã chứa trong bản thân những nhân tố làm vô hiệu hóa tính thống nhất của nó một cách dai dẳng: thay vì được bộc lộ ra ngoài để giải quyết nhanh chóng thì chúng lại luồn sâu vào trong làm cho nội bộ ngày càng ruỗng nát nhưng bên ngoài thì vẫn nguyên vẹn. Trong những trường hợp khủng hoảng thì những mâu thuẫn nội tại ấy sẽ tìm cách phá vỡ phần nào cái vỏ xơ cứng và bộc lộ ra bằng những hình thức mà người ta gọi là “xé rào”, “vô kỷ luật”, rất thường gặp trong cách nói năng, viết lách hoặc hành động không chịu theo những khuôn phép đã quy định. Thông thường những hành vi và lời nói như thế bao giờ cũng bị “phê phán”, trấn áp, nhưng sau đó thể nào cũng sẽ được đưa vào Nghị quyết mới, một phần nào đó và dưới một hình thức nào đó với tư cách là “tư duy của tập thể Đảng”. Cuộc vận động cải cách trong chế độ cộng sản vì thế bao giờ cũng chậm chạp và mang tính chất đấu tranh nội bộ rất gay gắt, nhiều khi đẫm máu.

 

Những hiện tượng xé rào

Vào thời điểm 1979, chúng ta thấy cơ chế trên đây đã bị quy định bởi một số tiền đề khách quan sau đây:

– Chính sách trả đũa của Mỹ đã gây cho Việt Nam những khó khăn trầm trọng, nhưng xét về tác động thay đổi thì lại không có gì đáng kể – dù sao Mỹ cũng tàn phá không thương tiếc Việt Nam và đã thất bại về sự tàn phá đó. Những người Việt Nam sang Mỹ hoàn toàn có lý do để phất cao ngọn cờ “chống cộng” nhưng đối với suy nghĩ chung của người trong nước thì những người Việt Nam ấy đã trở nên những con người của quá khứ – họ cũng chỉ là sản phẩm thất bại của Mỹ. Hành động có ý nghĩa của những người trong nước (được Mỹ cổ vũ) là vượt biên, nhưng chúng ta đã biết, đó chỉ là những hành động tuyệt vọng, mặt khác nó tạo ra một tâm lý xì hơi, một lối thoát ở ngoài cho những khó khăn bên trong.

– Cuộc chiến tranh với Trung Quốc cũng có một tác động tương tự. Tuy có tác động phân hóa hàng ngũ Đảng, nhưng đặt vào truyền thống chống Bắc phương của người Việt Nam thì vẫn được xã hội tán đồng. Xét về một mặt khác, điều đó cũng lại là một kích thích mới cho những canh tân tư tưởng và văn hóa. Nương theo đường lối chống “bành trướng Bắc kinh”, những trí thức và văn nghệ sĩ đã đặt vấn đề chống chủ nghĩa Mao ở Việt Nam, hệ tư tưởng này đã đè nặng lên đời sống tinh thần của Việt Nam từ lâu, nay nhân có chiến tranh với Trung quốc, đã có dịp bùng ra [22].

– Việc Việt Nam ngả hẳn sang phía Liên Xô, trong bối cảnh ấy, đã có tác dụng thuận lợi cho xu hướng cải cách: trong sự giới hạn về tư duy lúc bấy giờ, dù sao chủ nghĩa xã hội thực hiện theo kiểu Liên Xô vẫn cởi mở hơn [23] và điều đó đã giả định một thứ mô hình “chủ nghĩa xã hội” chân chính nào đó mà người ta có thể “vận dụng”, noi theo. Có hiểu điều này chúng ta mới hiểu được cái hướng cải cách bấy giờ ở Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái mà người ta gọi là những “điều chỉnh” hoặc những “cải cách xã hội chủ nghĩa”. Và đây chính là hợp điểm để các xu hướng khác nhau trong Đảng tạo ra được Nghị quyết tháng 9-1979.

Tất nhiên, như chúng ta đã biết, để có được quyết định công khai ấy, trong Đảng và xã hội đã diễn ra không ngừng những hoạt động tạo áp lực ngày càng mạnh mẽ mà chúng ta có thể kê ra một số hiện tượng đáng lưu ý như sau:

Về mặt kinh tế: Cùng với phản ứng tiêu cực của toàn bộ xã hội (lãn công, ăn cắp...) các hành động chống lại đường lối chung (kiểu Kim Ngọc ở Vĩnh Phú hồi thời còn chiến tranh) vẫn tiếp tục. Những gì xảy ra ở miền Nam đã biểu hiện được thành một phong trào có quy mô lớn, diễn ra công khai và được những người lãnh đạo địa phương ủng hộ lúc khởi đầu. Nhiều người đã viết về đề tài này, ở đây chúng tôi chỉ dẫn ra một số thí dụ được ông Nguyễn văn Linh, Bí thư thành ủy lúc bấy giờ xác nhận:

“... đầu năm 1979 (tôi nhấn mạnh, LP) đã xuất hiện một số mô hình tháo gỡ trong một số cơ sở sản xuất công nghiệp như Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dược phẩm 2-9, Nhà máy bia Sài Gòn, Xí nghiệp Dược thú y, Xí nghiệp dệt Thành công, Phong phú, Phước Long, Thắng Lợi, Dệt Đay 13, Xí nghiệp cơ khí Caric, Silico, Vinappo, Sinco, v.v... Điển hình là Công ty bột giặt miền Nam đã tổ chức lại sản xuất, liên kết với nhiều tỉnh miền Tây và miền Trung khai thác nguyên liệu, trao đổi thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch, pháp lệnh, nâng cao được thu nhập cho công nhân bằng áp dụng lương khoán, lương sản phẩm,vận dụng các chế độ thưởng linh hoạt hơn, giải quyết cho công nhân thêm cho nhiều mặt hàng ngoài 10 mặt hàng cung cấp theo định lượng, giải quyết bữa ăn...” [24].

Qua sự trình bày trên, người ta thấy nội dung “tháo gỡ” về mặt kinh tế đã mang ý nghĩa chống tập trung quá đáng theo mô hình “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” áp đặt vào miền Nam: đó chính là phản ứng tự nhiên của sản xuất muốn mở rộng, giao lưu, không chấp nhận đường lối bắt mọi thứ phải tập trung vào nhà nước. Đây chính là những cựa quậy ban đầu để dần dần tiến tới đòi quyền tự trị cho cơ sở được phát triển về sau. Chủ trương “tháo gỡ” này bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh  đã mang ý nghĩa đặc biệt: nó xuất phát từ trung tâm kinh tế, văn hóa của một miền đất đã có truyền thống lâu năm về tiếp cận với những biến chuyển nhanh chóng của thế giới, đã từng một thời hội nhập với thế giới để phát triển.

Về mặt tư tưởng, nếp sống: Đồng thời với việc chống áp đặt kinh tế cũng đã xuất hiện xu hướng của những người tham gia cách mạng ở miền Nam, chống lại sự xâm nhập của lề lối quản lý mang từ miền Bắc vào đối với những vùng gọi là “mới giải phóng”. Vào lúc bấy giờ, đây là một hiện tượng đáng chú ý, đặc biệt với lệnh giải tán Trung ương cục R và sau đó không kèn không trống khai tử cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Tuy mang màu sắc “Bắc Nam” (vốn là vấn đề ngày càng tỏ ra giả tạo), nhưng bấy giờ ý nghĩa chính trị và tâm lý của sự phản ứng mang ý nghĩa văn hoá rõ rệt. Các hiện tượng sau đây có lẽ sẽ không bao giờ xóa được khỏi ký ức con người vào cái thời cực kỳ đen tối ấy: cùng với việc đi truy lùng, tịch thu (và cả phá phách) những thứ gọi là “chiến lợi phẩm”, người ta bắt đầu tiến hành những chiến dịch cải tạo rầm rộ như chặn đường cắt tóc, cắt quần thanh niên, chặn đường rút xăng trong xe gắn máy (để gọi là chống nguồn tiêu thụ xăng nhà nước), (có nơi) bắt xe đạp phải mang biển số, nhập kinh thánh vào hàng sách “đồi trụy và phản động” cần phải tịch thu... Tất cả đều nhân danh cho một cái gì đó gọi là “cách mạng”, “lành mạnh”, “tiến bộ” những mọi thứ đều tỏ ra kỳ quái đến chỗ khó tưởng tượng được.

Những người cầm bút ở miền Nam lúc bấy giờ (phần đông đều là những thành phần tham gia cách mạng “tại chỗ”) đã bày tỏ sự bất bình một cách công khai và gay gắt trong các cuộc họp hoặc trên báo chí. Nguyễn Trọng Văn (lúc bấy giờ ở Hội Trí thức yêu nước) đã phát biểu thẳng thừng rằng những hành vi trịch thượng, ngu dốt của những cán bộ luôn luôn gồng lập trường lên để dạy dỗ người khác đó chính là một thứ chuyên chính gọi là “chuyên chính vô học”. Tạp chí Đứng dậy của Nguyễn Ngọc Lan đã để hẵn một số đặc biệt [25] đả kích thái độ chụp mũ bừa bãi trong những cuốn sách, bài báo gọi là “phê phán văn hóa thực dân mới” nhưng nhìn đâu cũng thấy những “tàn dư” của “Mỹ Ngụy”, cố ý bôi nhọ cả một miền đất đã không ngừng biết giữ phẩm giá của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Hiện tượng cán bộ Đảng biến chất, xa rời thực tế, xa rời nhân dân, đẩy đất nước vào nghèo khổ, lạc hậu cũng đã được báo Tin Sáng của Ngô Công Đức vạch ra trong mấy số [26]. Đó không phải là sự phê phán nhằm những sự kiện rời rạc mà còn muốn báo động với xã hội hiện tượng suy thoái của một đảng cách mạng khi bắt đầu nắm được chính quyền.

Những phê phán trên đây đã gây nên những phản ứng quyết liệt trong giới quan chức có nhiệm vụ gác cổng về mặt tư tưởng cho Đảng; tất cả đều đã bị kết án gay gắt như: “phản động”, “chống đảng một cách tinh vi” v.v...

Cũng về mặt văn hóa, vào lúc bấy giờ ở miền Bắc đã xảy ra hiện tượng chống chủ nghĩa Mao trong văn nghệ, mang tính lý luận mà ảnh hưởng của nó đã kéo dài mãi đến sau này.  Khởi đầu là bài viết của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên báo Văn nghệ [27] để tiếp ngay sau đó là Đề cương đề dẫn về sáng tác văn học do Nguyên Ngọc [28] trình bày tại Hội nghị đảng viên tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6-1979, cả hai đều thống nhất với nhau trên lập luận cho rằng phải đưa việc phê phán chủ nghĩa Mao trong lĩnh vực chính trị sang văn nghệ, phê phán luận điểm “văn chương phục vụ chính trị”, từ đó trả lại cho văn nghệ chức năng riêng biệt của nó là sáng tạo ra một thế giới có cá tính và tự do. Tất nhiên các bài viết này, xuất hiện vào lúc bấy giờ, vẫn chưa dám vượt khỏi ngưỡng cửa của đường lối chính thống, nó chỉ nhân danh đường lối ấy để chấn chỉnh những cái quá thô bạo; tuy vậy khi xuất hiện, chúng cũng bị những người lãnh đạo cao cấp coi là một thứ “tà khí” cùng với những thứ tà khí trước đó, góp phần “phủ định những thành tựu văn học trong chiến tranh”, “dao động ngay trên những nguyên tắc cơ bản của nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa” [29].

Hiện tượng bị đả kích ấy thật ra quy mô không lớn lắm, sự phê phán không mang tính trực diện như những gì đã xảy ra trước đó (Nhân văn Giai phẩm) và sau đó (văn nghệ đổi mới sau 1986), nhưng sở dĩ nó làm cho những người lãnh đạo tức giận là do những thứ lý luận đó đang muốn đưa văn nghệ ra khỏi cái thân phận làm cần vụ cho chính trị, hoặc toan tính không thừa nhận tính chất “tuyệt vời” trong cái hiện thực “xã hội chủ nghĩa” do đảng tạo ra. Cùng với kinh tế, văn nghệ cũng đã góp phần tạo ra những áp lực buộc những người lãnh đạo phải điều chỉnh lại đường lối.

 

Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV, tháng 9-1979)

Nghị quyết này có phần nói hẳn về kinh tế mang tên Về phương hướng nhiệm vụ phát triển hàng công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp địa phương nhưng có một phần khác toàn diện hơn gọi là Tình hình nhiệm vụ cấp bách [30], qua đó người ta thấy nổi bật lên mấy quan điểm nhận thức:

– Việc đánh giá tình hình đã trở nên thực tế ; đà trượt của chiến tranh cũng đã được tính đến (mất viện trợ Mỹ, chiến tranh biên giới) cùng với những hậu quả gay gắt (nạn thất nghiệp, đời sống sút kém...). Tiềm năng của miền Nam do Mỹ để lại có lúc được cán bộ “hồ hởi” đón nhận như là một thứ chiến lợi phẩm dùng đó làm bàn đạp tiến nhanh thì nay đã được đánh giá lại sau một thời gian làm cho thất thoát, hư hỏng.

– Việc đánh giá những sai lầm chủ quan của lãnh đạo cũng được đề cập thẳng thắn hơn: từ bệnh duy ý chí, muốn đốt giai đoạn, bất chất quy luật đến sự suy thoái của cán bộ và phương pháp quản lý thiếu hiệu lực đều được nêu ra. So với trước đây, đó là một bước tiến lớn vì đã phần nào đỡ huênh hoang hơn, đỡ ngạo mạn hơn.

Chính từ những đánh giá trên đây mà những biện pháp đưa ra cũng tỏ ra thiết thực hơn. Cùng với tư thế “sẵn sàng chiến đầu bảo vệ Tổ quốc” (chiến tranh với Trung Quốc), việc chống các hiện tượng tiêu cực (ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng) cũng được đặt biệt nhấn mạnh bên cạnh nội dung chính yếu về kinh tế với một số điểm căn bản sau đây:

– Tháo gỡ một số hạn chế trong các chính sách, chế độ quản lý để các khu vực quốc doanh, tập thể, lưu thông phân phối “bung ra” hoạt động. Nhưng việc “bung ra” ấy, theo Nghị quyết thì phải có kế hoạch, chứ không muốn làm gì thì làm. Thực chất đây chỉ là những biện pháp gỡ bí, cho phép các cơ sở sản xuất tự xoay xở tìm nguyên liệu, vật tư, thị trường, vốn liếng để chấm dứt tình trạng nhà máy bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, sản xuất bế tắc, đời sống thấp kém vốn là những hiện tượng phổ biến vào lúc bấy giờ.

– Cho phép những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể hoạt động gọi là để “tận dụng” mọi khả năng về lao động, kỹ thuật, vốn liếng, có lợi cho sản xuất. Biện pháp này không mới nhưng nay nhắc lại cũng là để gỡ bí phần nào cho sự thất bại quá rõ rệt của khu vực quốc doanh trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết thực của xã hội. Cần chú ý là về mặt lý luận, những biện pháp này chỉ được chấp nhận trong thời kỳ quá độ, chứ không phải là vĩnh viễn. Vì thế ngay trong khi thừa nhận sự cần thiết của các thành phần tư nhân thì cũng chỉ trong lĩnh vực sản xuất thôi, hơn nữa chỉ cho phép những xí nghiệp loại nhỏ, vừa hoạt động chứ không phải là tất cả. Đặc biệt tư thương thì phải xóa bỏ. Nói chung nếu để cho các thành phần tư nhân, cá thể (gọi là phi xã hội chủ nghĩa) lấn áp, xói mòn những thành phần quốc doanh, tập thể (gọi là xã hội chủ nghĩa) là sai lầm về quan điểm.

– Những biện pháp trên đây đều dựa trên quan điểm lý luận về thời kỳ quá độ là vận dụng các quan hệ thị trường để bổ sung cho kế hoạch nhưng không để cho thị trường chi phối sản xuất một cách “tự phát” như trong chủ nghĩa tư bản, vì thế khi nói đến thị trường thì phải phân biệt thị trường có kế hoạch với thị trường ngoài kế hoạch để sử dụng cái thứ hai “bổ sung” cho cái thứ nhất. Còn cái gọi là “thị trường có kế hoạch” thì chỉ có nghĩa là để cho các cơ sở sản xuất quốc doanh tự xoay xở, tự kinh doanh theo cách thức của thị trường, có hạch toán lời lỗ chứ không hoàn toàn là mặt bằng thụ động, tùy thuộc vào cơ chế “giao nộp cấp phát” như cũ. Thị trường có kế hoạch chỉ là một cách diễn tả về mặt lý luận mấy chữ “kinh doanh xã hội chủ nghĩa” thôi: nó chỉ dừng lại ở chỗ trao đổi hàng hóa chứ chưa phải được quan niệm rộng rãi như hiện nay, ngoài thị trường hàng hóa còn có thị trường vốn, lao động, kỹ thuật...

Nghị quyết còn đề cập nhiều vấn đề khác (ngoại thương, quốc phòng, làm chủ tập thể...) nhưng trọng điểm của nó vẫn là kinh tế mà nội dung cốt lõi là hợp pháp hóa bằng cách đặt ra những giới hạn mang tính nguyên tắc để những hành động ấy không tái diễn nữa, hoặc không vượt qua. Theo ngôn ngữ của guồng máy, người ta gọi đó là “lãnh đạo”, nhưng thực tế chỉ có nghĩa là sau khi chạy theo sự kiện người ta liền gò các sự kiện ấy vào những định hướng mang tính ý thức hệ và kỷ luật của tổ chức. Đúng như Nghị quyết đã khẳng định: đó chỉ là một thứ nhiệm vụ “cấp bách” đưa ra để đối phó với tình hình đã bị đẩy tới chân tường.

Ý nghĩa đó của Nghị quyết tháng 9-1979 sẽ bộc lộ rõ hơn khi chúng ta đặt nó vào toàn bộ đường lối của đảng từ Đại hội IV (tháng 12-1976) đến cuối Đại hội V (cuối năm 1985) mà những nội dung sau đây là rất nhất quán:

– Trước sau vẫn coi Liên Xô là chỗ dựa vững chắc về mọi phương diện, cho nên những thay đổi về lý luận ở Liên Xô đều được giới thiệu, học tập ở Việt Nam. Trong khi đó thì Trung Quốc vẫn bị coi là kẻ thù “trực tiếp” lúc nào cũng phải chuẩn bị để đối phó. Do việc chiếm đóng Kampuchia kéo dài, Việt Nam tiếp tục bị cô lập trên thế giới, nên  dù được Liên Xô viện trợ, việc xây dựng trong nước vẫn tiếp tục bất lợi. Chỉ khi sau Đại hội VI một thời gian, mối quan hệ giữa Liên Xô với Trung Quốc trở nên hòa hoãn lại, Việt Nam chấp nhận rút quân khỏi Kampuchia thì mối quan hệ của Việt Nam với thế giới mới được cải thiện, có lợi cho xây dựng.

– Trong xây dựng, vẫn tiếp tục đi theo chiến lược đã vạch, dựa theo đường lối ngoại giao đã nói trên. Thân Liên Xô cho nên mọi chuyển động từ Liên Xô đều được giới thiệu, vì vậy mô hình Stalin cũng dần dà bị pha loãng bớt vào thời Brejnew; chống Trung Quốc nên việc chống chủ nghĩa Mao về mặt dân tộc (bành trướng) đã có ảnh hưởng gỡ bớt những phần khác của chủ nghĩa Mao đã xâm nhập vào Việt Nam trong thực tế. Tuy vậy, tất cả những thuộc tính của một thứ “chủ nghĩa xã hội” du nhập vào Việt Nam từ thời chiến tranh và bị cuộc chiến tranh khuôn nắn khá nặng nề thì vẫn giữ nguyên “truyền thống” của nó: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, công hữu về tư liệu sản xuất, chủ nghĩa tập thể, tập trung dân chủ, não trạng vô sản bần cố nông, tư duy làng xã xa lạ hoàn toàn với những biến đổi của thế giới. Chính những thuộc tính mang tính hầu như “bản chất” của Đảng cộng sản Việt Nam đã giải thích việc mặc dù đã có Hội nghị tháng 9-1979 với những tháo gỡ nào đó, sau đó liên tục người ta vẫn đặt vấn đề đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa  hoặc thúc đẩy phải hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp vào năm 1985.

– Về mặt ý thức hệ thì đường lối trên đây càng rõ ràng hơn. Mặc dù đã có không ngớt những cựa quậy trong giới văn nghệ sĩ (đặc biệt trong giới làm văn học) đòi nới lỏng vòng kiểm soát của Đảng đối với tư tưởng, mặc dù mô hình “chủ nghĩa xã hội” nửa Stalin nửa Mao đã bị sự cọ xát giữa Liên Xô Trung Quốc làm bớt đi tính cực đoan, nhưng những nguyên lý sơ khai về “chủ nghĩa xã hội” đối với Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là áp dụng vào lĩnh vực chính trị và văn hóa trong nước thì vẫn không hề suy xuyển. Tất cả những nỗ lực tìm tòi trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, một phần nào triết học để làm cho những giáo điều cũ bớt thô thiển đi, mang được một phần nào hơi hướng mềm mỏng hơn, vẫn bị những người lãnh đạo liệt vào những thứ “xét lại”, “tư sản”, “tiểu tư sản” thù địch với hệ tư tưởng Mác-Lênin. Có thể thay đổi về cách làm kinh tế, có thể bắt tay cả với những kẻ thù về mặt chính trị, nhưng nhất quyết phải dập tắt từ trứng nước những xu hướng khác nhau nảy sinh trong nội bộ – truyền thống mang tính “quốc tế” này, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam không bao giờ quên.

Như vậy nếu đặt Nghị quyết tháng 9-1979 vào đường lối chung của Đại hội IV và V, chúng ta thấy những cái gọi là “đổi mới” ở đây chỉ có nghĩa là nhân nhượng chiến thuật, qua những nhân nhượng ấy, Đảng vẫn hy vọng bảo vệ được những nguyên lý gọi là “khoa học” của mình. Nhưng vấn đề không đơn giản. Những nhân nhượng ấy đưa ra trong tình thế mà sự khủng hoảng đã đi đến tột độ, tuy có “tháo gỡ” được cái ngòi nổ, nhưng lại không có tác dụng giữ nguyên được những nguyên lý ấy. Những mâu thuẫn căn bản trong guồng máy quản lý càng trở nên căng thẳng hơn: một bên là cái nhu cầu về hiện đại hóa của đất nước ngày càng trở nên bức bách, một bên là một quan niệm về tổ chức dựa trên một ý thức hệ ngày càng tỏ ra lạc hậu, lỗi thời. Những gì diễn ra sau Nghị quyết tháng 9-1979 cho mãi đến trước Đại hội VI tháng 12-1986 đã chứng minh cho điều đó.

 

Ai thắng ai?

Chúng tôi có nhắc đến cuốn Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm của ông Nguyễn Văn Linh với đoạn ông ca ngợi hết sức cái mô hình “bung ra” năm 1979, với  những bài học mà ông cho là sâu sắc giữa “cái mới và cái cũ”, giữa “tiến bộ và lạc hậu”, những bài học về “sức sống thường xuất hiện ở cơ sở”... và sau đó ông cũng đã ca ngợi hết mực Nghị quyết Trung ương 6 tháng 9-1979 tiếp đó là Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 về kế hoạch ba phần, trả lương khoán, lương sản phẩm trong xí nghiệp quốc doanh. Nhưng sau khi biểu dương như vậy trong chương “Phấn đấu giữ vững và phát triển vai trò trung tâm công nghiệp” của thành phố, thì khi sang chương gọi là “Cải tạo và tổ chức lại nền kinh tế”, ông đã làm cho người ta hết sức ngạc nhiên khi chính cái khoảng thời gian mà ông ca ngợi lại cũng là khoảng thời gian mà ông cho rằng “vì buông lỏng cải tạo” nên tình hình chủ nghĩa tư bản tự phát đã lan tràn thành những hiện tượng đáng lo ngại như sau:

Số hộ làm ăn phi pháp giàu lên khá nhanh, không phải từ sản xuất mà từ móc ngoặc, ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong công nhân, cán bộ kỹ thuật và trong nông dân tập thể đều có hiện tượng chân ngoài dài hơn chân trong. Trong thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có tệ nạn tuồn hàng cho tư thương, xu hướng chạy theo lợi nhuận, tranh mua tranh bán không phục vụ tốt sản xuất và đời sống... [31].

Qua đoạn trích dẫn trên, chúng ta thấy tính chất dữ dội đến như thế nào của cái mà ông Linh gọi là “chủ nghĩa tư bản tự phát”; đó không phải chỉ là những hành vi móc ngoặc trong giới tư thương (đối tượng của cải tạo xã hội chủ nghĩa) mà còn là cung cách “kinh doanh” của các giám đốc quốc doanh (cơ sở chủ đạo của nền kinh tế quốc dân), và cách thức nâng cao đời sống của thành phần “tiên tiến” của xã hội mới (công nhân, nông dân tập thể...). Như vậy vấn đề ở đây không còn là quyền sở hữu (công cộng hay không công cộng) mà chỉ là phương thức hoạt động, và trong cách đặt vấn đề của những người lãnh đạo Đảng thì lý tưởng nhất vẫn là làm sao “bung ra” mà vẫn là xã hội chủ nghĩa, vẫn cho thị trường hoạt động nhưng vẫn xỏ mũi nó được như con ngựa bị khống chế bởi anh nài. Lý thì như vậy nhưng thực tế thì lại không phải như thế: hễ cải tạo thì sẽ đưa chủ nghĩa xã hội vào bế tắc mà bung ra (mượn những phương pháp tư bản chủ nghĩa) thì sớm muốn chủ nghĩa xã hội cũng sẽ không còn là chủ nghĩa xã hội nữa. Và đó chính là cái nan giải trầm kha của mọi ý hướng cải cách kinh tế vẫn còn nằm trong vòng giới hạn gọi là “cải cách xã hội chủ nghĩa”. Chính vì đã phải nhân nhượng nhưng không muốn nhân nhượng nhiều hơn cho nên những người lãnh đạo Đảng mới liên tục, sau Nghị quyết tháng 9-1979, đưa ra những đợt “điều chỉnh” để gò các sự kiện vào những phạm trù ý thức hệ, không cho những sự kiện ấy đi sai đường.

Người ta không quên được rằng chỉ sau Nghị quyết tháng 9-1979 một thời gian đã có rất nhiều đoàn thanh tra trung ương vào Sài Gòn xem người ta “bung ra” như thế nào. Và hầu hết đều cho rằng tình hình đã bắt đầu lộn xộn vì đã có nhiều dấu hiệu lệch lạc trầm trọng đến nỗi có một cán bộ cao cấp khi vừa đặt chân xuống sân bay đã “ngửi thấy ngay mùi Nam Tư rồi”. Người ta hiểu câu nói có nghĩa là gì: là những cuộc kiểm điểm liên tục sẽ được tổ chức để “uốn nắn” lại – thí dụ như cuộc “làm việc” của Trung ương với Thành ủy vào 1980 và Nghị quyết 1 của Bộ Chính trị về Thành phố Hồ Chí Minh (1982) ở đó người ta nhắc đi nhắc lại không ngớt những câu lập trường cực kỳ quan trọng như:

“buông lơi chuyên chính vô sản trên mặt trận lưu thông phân phối” hoặc “công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và nông nghiệp chưa được tiến hành tích cực, đúng mức” [32].

Một trong những quyết định thường được nhắc tới để chứng minh cho sự chuyển động về quản lý đối với quốc doanh là Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng ban hành tháng 1-1981. Nhưng sau đó hơn một năm (tháng 8-1982) Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 146/HĐBT phê phán mạnh mẽ một số xí nghiệp

“do thiên vị lợi ích tập thể và cá nhân người lao động mà có phần coi nhẹ lợi ích của nhà nước, chạy theo sản xuất phụ hơn là sản xuất chính, coi trọng kế hoạch tự làm hơn là kế hoạch do nhà nước giao. Thậm chí có nơi còn xà xẻo vật tư do nhà nước cung ứng để đưa sang phần tự làm hoặc sản xuất phụ; có nơi do việc sản phẩm và tiền mặt không được quản lý tốt, cho nên có hiện tượng phân phối nội bộ quá nhiều và tọa chi quá lớn” [33].

 Xu hướng “mánh mung” qua mặt sự kiểm soát của Trung ương nhân danh các lợi ích cục bộ, địa phương ở đây đã xuất phát từ chính những cơ quan nhà nước, coi như là sự đối phó của nhà nước với nhà nước, chứ không phải là ở nơi nào khác. Và những hiện tượng ấy cũng không còn có thể coi là “đặc sản” của miền Nam nữa: mặc dù đã bị chặn đứng ngay từ lúc mới manh nha, xu hướng đã ngày càng lan ra cả nước.

Vì thế sự phê phán của Trưng ương đối với hiện tượng như trên ngày càng trở nên gay gắt, thí dụ như trong Hội nghị Trung ương khóa V, tháng 6-1983. Với Hội nghị này, người ta không còn đả kích sự bung ra quá trớn nữa, không còn nói đến sự tự phát của chủ nghĩa tư bản nữa mà đã nói đến cái mất của chủ nghĩa xã hội, ngay tự cái nền móng tư tưởng của nó: đó chính là cái xu hướng chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy mà “coi nhẹ hẳn vai trò của tư tưởng, của chính trị”, kết quả có thể

“được về kinh tế, nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất toàn thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên, nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải, nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người” [34].

 Không có gì rõ ràng hơn những nhận định mang tính “báo động đỏ” nói trên của một người gác cổng tư tưởng cho Đảng: sự thành công làm người ta nô nức do sự nhân nhượng về chiến thuật đối với chủ nghĩa tư bản mà có, sự nhân nhượng ấy không những đã thay đổi được trong chừng mực nào đó cái mô hình gọi là “quan liêu bao cấp” trì trệ mà còn tích lũy tiềm năng để phá hủy đến tận nền tảng cái động lực làm nên chủ nghĩa xã hội nữa. Cái hậu quả của sự bung ra về kinh tế, mặt dù chưa phải triệt để như sau này, nhưng cũng đã có tác dụng về chính trị và văn hóa hết sức hiển nhiên: đó là sự phủ định hết sức tự nhiên (ngoài cả dự liệu và trong ý thức) đối với một thứ triết lý quản lý đời sống hoàn toàn xa rời thực tế.

Không ít nhà lý luận quan phương đã tỏ ra bồn chồn hơn vì dường như xung quanh họ đã bắt đầu có những vết đất lở dưới chân khi họ thấy những điều mà họ gọi là “sai lầm, lệch lạc” chống lại mãi mà vẫn không đè bẹp được chúng:

Điều đáng phàn nàn không phải là ở sự xuất hiện những lệch lạc, những sai lầm, vì trong những chuyển biến cách mạng không dễ gì tránh khỏi dao động, khuyết điểm; có sai thì sửa, có lao chao thì rút kinh nghiệm để vững bước đi tới. Điều đáng phàn nàn là tình hình không ổn định bị kéo dài, do sự buông lỏng đấu tranh. Không phải lần đầu tiên trong văn nghệ xuất hiện những khuynh hướng sai lầm, trong đội ngũ có dao động. Đã có những lúc nghiêm trọng như những năm 1956-1958; nhưng một khi có ý kiến của bộ phận lãnh đạo cao nhất của đảng, cuộc đấu tranh theo đó được tiến hành, đời sống văn nghệ mau chóng trở lại trật tự của nó. Mấy năm vừa qua tình hình không diễn ra như thế. Mặc dù đã có ý kiến lãnh đạo của lãnh đạo cao nhất của đảng, nhưng lệch lạc không được uốn nắn nghiêm túc, tình trạng mơ hồ, lởn vởn kéo dài. Ở văn học hiện tượng dao động xuất hiện trước tiên ở bộ phận lãnh đạo và trong lý luận phê bình. Nhân danh đổi mới, vươn tới những đỉnh cao, một số anh em có khuynh hướng phủ định những thành tựu văn học trong chiến tranh. Một số tác phẩm có vẻ triết lý “uyên thâm” nhưng mơ hồ về phương hướng nhuốm màu vị ngán ngẩm tiểu tư sản cũng xuất hiện. Tình hình tương tự cũng đã xảy ra ở các ngành nghệ thuật, tuy mức độ ở mỗi ngành không giống nhau [35].

Tính dai đẳng, khó “uốn nắn”, quy mô mở rộng đến nhiều lĩnh vực, nhiều hình thức – đặc biệt là hình thức tiếu lâm đen, xuất hiện trên đường phố, chợ búa, riêng tư, truyền nhau rỉ tai trong cơ quan, châm chích, trêu chọc sự ngu dốt, gàn bướng, ngạo mạn của tầng lớp lãnh đạo tham quyền cố vị [36] – đã chứng minh cho sự phá sản hầu như toàn diện của cái mô hình “truyền thống” về chủ nghĩa xã hội mà Đảng đã ra công xây dựng thành một thứ lý tưởng trong suốt một thời gian dài.

Rõ ràng là những nhân nhượng chiến thuật về kinh tế bung ra cuối cùng đã không mang lại những kết quả theo những định hướng của Đảng, trái lại chúng đã tạo ra những điều kiện thực tế để chính trị và văn hóa phát triển sức mạnh phê phán đặc biệt của mình. Đến cuối năm 1985, đất nước một lần lại rơi vào một khủng hoảng trầm trọng không kém gì năm 1979, chỉ có khác là lần này không có cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Trước tình hình ấy, mọi sự tháo gỡ dường như không mang đến kết quả gì, vì nói như những người nghiên cứu, trong giới hạn của những tiền đề “cải cách” cũ, mọi cái cần làm thì người ta đã làm hết rồi và số phận của những cải cách ấy theo một nghĩa nào đó cũng không sáng sủa hơn những thí nghiệm đã có trước đó trên thế giới [37]. Cuộc cải cách giá, lương tiền, đem  ra thực hiện (Nghị quyết Trung ương 8, khóa V, tháng 6-1985), xuất phát từ ý định xóa bỏ đến tận gốc cơ chế quan liêu bao cấp để chuyển sang hạch toán kinh tế một cách triệt để (bỏ chế độ hai giá, chấm dứt bù lỗ, tăng giá, tăng lương, đổi tiền) [38], nhưng áp dụng không tính toán hết mọi mặt vào một nền kinh tế vốn đang yếu kém, nợ nần, mất cân đối, nó đã đưa nền kinh tế ấy vào “tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy” [39]. Những sự kiện tệ hại ấy đã đóng vai trò gì cho cuộc “đổi mới” trong Đại hội VI của đảng vào tháng 12-1986?

 

Đại hội VI: ba bài học lớn trong nước

Trước khi Đại hội diễn ra, trong một cuộc hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo “Báo cáo chính trị” (10-7-1986), ông Trường Chinh bấy giờ là tổng thư ký, thay ông Lê Duẫn vừa mất, đã trình bày ba bài học lớn rút ra từ hai Đại hội trước: lấy dân làm gốc, tôn trọng quy luật khách quan và xây dựng Đảng [40]. Tuy phân tích ra nhiều mặt để trình bày, nhưng rút lại tinh thần thì chỉ có một: trước những sai lầm nghiêm trọng đã qua, Đảng phải cương quyết “đổi mới tư duy” thì mong tìm được lối thoát cho những bế tắc, khủng hoảng toàn diện của đất nước. Mấy chữ “đổi mới” thật sự mang ý nghĩa cách tân là đã bắt đầu từ đó, và đã được phát triển trong nhiều lĩnh vực ở Đại hội VI, trong đó được tập trung nhiều nhất vẫn là lĩnh vực kinh tế.

Tuy vậy, trong lĩnh vực này, khi đem so sánh những gì đã trình bày ở Đại hội VI với những gì đã từng xảy ra (trong lý thuyết lẫn thực hành) trước đó, chúng ta lại không tìm thấy được điều gì thật sự mới mẻ hoàn toàn. Tất cả vẫn xoay quanh cái khái niệm hạt nhân gọi là “kinh doanh xã hội chủ nghĩa”, sử dụng tiền-hàng để bổ sung cho kế hoạch, thể hiện bằng chủ trương cho những cơ sở quốc doanh bung ra bằng hạch toán thị trường nhưng vẫn coi quốc doanh là thành phần chủ đạo trong toàn bộ cơ cấu kinh tế quốc dân (vẫn chiếm tỷ trọng bao trùm so với các thành phần tư bản tư nhân và cá thể). Còn những thành phần tư nhân, cá thể, tuy được phần nào tự do hơn trước (không bị chèn ép bởi những biện pháp hành chính) nhưng vẫn chỉ giới hạn trong một số khu vực nào đó, phụ thuộc vào nhà nước trong đó khu vực tư bản thương nghiệp vẫn là đối tượng cải tạo triệt để. Đường lối quản lý kinh tế của Đại hội VI nói tóm lại vẫn là đường lối quản lý “thời kỳ quá độ”, nghĩa là “quản lý có kế hoạch một nền kinh tế hàng hóa” trong đó việc sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ vẫn chỉ là “đặc trưng thứ hai” [41]. Tính chất liên tục, thừa kế những thành quả của những năm trước đó, trong lĩnh vực kinh tế, là quá rõ ràng, nếu không nói là vẫn cứ theo cái đà cũ mà đi, xét về mặt lý luận.

Vậy thì điều gì đã làm cho Đại hội VI được coi là “bước ngoặt” trong đời sống của đất nước từ sau ngày 30.4.1975? Những ai có theo dõi tình hình của Việt Nam qua Đại hội này đều cho rằng cái đáng chú ý nhất của nó không phải là kinh tế mà chính là cái không khí “dân chủ” chưa từng có từ trước tới nay: Đảng đã thừa nhận những sai lầm cũ của mình trong lãnh đạo xã hội, không phải trong những vấn đề chiến thuật mà là trong đường lối chiến lược và chỉ đạo chiến lược, cũng không phải trong một thời kỳ nào đó mà là suốt 10 năm qua – và điều sai lầm ấy cũng không có gì xa lạ nhưng ngày nay trong tình thế mới phải cương quyết nêu ra: đó là bệnh chủ quan nóng vội, dựa vào một số phạm trù giáo điều nào đó về “chủ nghĩa xã hội” để bắt buộc cuộc sống phải uốn theo, và do vậy trong tổ chức thực hiện đã hình thành nên một bộ máy quan liêu nặng nề, bất chấp thực tế khách quan, bất chấp trình độ của người dân, và do đó trong nhiều trường hợp đã trở thành bộ máy thống trị lại nhân dân, “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”. Đổi mới tư duy là thật sự nghiêm chỉnh nhận khuyết điểm trước nhân dân về cái bệnh giáo điều, duy ý chí ấy để trở về với cung cách làm việc, suy nghĩ thiết thực, cởi mở, thẳng thắn hơn.

Cách diễn đạt của Nghị quyết, ngày nay nhìn lại thì thấy không có gì ghê gớm lắm, nhưng nếu nhớ lại thì người ta sẽ không thể nào quên được sự phấn khích mà nó gây ra trong điều kiện sống cực kỳ ngột ngạt, bưng bít, nhất là sau vụ “giá, lương, tiền” mới xảy ra trước đó không lâu. Điều đáng ghi nhận nhất là sau Đại hội, không khí ấy đã được sự “triển khai Nghị quyết” bốc lên rất mạnh với những bài viết, bài nói của ông Nguyễn văn Linh, Tổng bí thư Đảng được bầu trong Đại hội, kêu gọi báo chí lao vào những vùng cấm, lôi ra trước ánh sáng những cái tiêu cực, tồi tệ cản trở con đường phát triển của đất nước. Giới trí thức văn nghệ sĩ thì lại không thể nào quên được bài nói của ông vào tháng 10-1987 ở Hà Nội khi ông kêu gọi anh em hãy “tự cứu mình trước khi trời cứu”, “tự cởi trói mình” để nói lên sự thật một cách thẳng thắn, còn nếu vì lý do gì mà không sử dụng ngòi bút thì thà im lặng hơn là bẻ cong nó... [42]. Điều ấy không có nghĩa gì khác hơn là một bức thông điệp về tự do cho trí thức và văn nghệ sĩ. Không khí ấy càng trở nên mãnh liệt hơn khi Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ [43] xuất hiện vào cuối năm 1987 khẳng định chính sách “tự do” ấy từ đó đã làm bốc lên một phong trào báo chí [44] phê phán vô cùng mạnh mẽ các mặt tiêu cực của cơ chế cũ. Hình ảnh những “con người mới” được thứ văn chương nhà nước thổi phồng lên thành những anh hùng làm mẫu cho cuộc sống, nay đối diện với chính cuộc sống đã trở thành những nhân vật không có nhân cách, ích kỷ, ác độc, cuồng tín, nguyên nhân gây ra đổ vỡ, bất hạnh cho người khác – những nhân vật ấy có thể tìm thấy trong mọi lĩnh vực, từ những cán bộ thời cải cách ruộng đất đến những thứ “cường hào mới” ngày nay. Những cảnh sống tầm thường nhỏ mọn, câm nín, thấp kém một cách vô liêm sỉ, bị chế độ làm cho tha hóa nhưng vẫn chìm đắm trong thỏa mãn, vô ý thức, những điều đó cũng đã được phơi bày lạnh lùng, không thương tiếc: huyền thoại về cái cao cả, anh hùng, biểu hiện trong thực tại hay trong lịch sử cũng đã bị đưa xuống mặt đất để bộc lộ hết thực chất của nó. Có thể gọi đó chính là văn học của thức tỉnh, văn học của sự phản kháng; nó tạo nên một thế giới mà cấu trúc là sự giả trá, lừa mị, chỉ có thể được đưa vào nghệ thuật như những hình ảnh phản diện thôi.

Thời gian của những sáng tác như vậy cũng là thời gian của lý luận từ bỏ thái độ minh họa, biện hộ để nhìn thẳng vào thực tại.  Trong văn nghệ, điều đó đã biểu hiện trong những cuộc bút chiến tranh luận gay gắt về chức năng của văn nghệ trong sự nghiệp “đổi mới” cuộc sống, về mối quan hệ giữa chính trị và tác phẩm, về việc đánh giá lại toàn bộ những cái đã qua trong quá khứ... tất cả đều toát ra cái không khí gay gắt phê phán những quan niệm hay biện pháp lãnh đạo văn nghệ một cách tùy tiện, hẹp hòi, không luật pháp. Khí thế ấy còn trở nên mạnh bạo hơn rất nhiều trong những cuộc nói chuyện nội bộ hoặc trong những cuộc hội thảo, đặc biệt những cuộc thảo luận về đề tài “đổi mới xã hội chủ nghĩa”. Ở đây ngoài những khuyết điểm hoặc “tồn tại” được nhắc đến như “chuyện thường ngày ở huyện”, người ta đã nói nhiều đến tình trạng “khủng hoảng trầm trọng và toàn diện” không phải của mô hình gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” mà còn đụng đến cả học thuyết Mác với những phần không thích hợp của nó nữa. Vấn đề đổi mới trong hướng đặt vấn đề đó rõ ràng không còn phải là “điều chỉnh”, “sửa đổi” mà thực chất là một cuộc cách mạng mới [45]. Khủng hoảng về học thuyết chứ không phải chỉ là những khó khăn về kinh tế; sai lầm toàn diện chứ không phải là “vấp váp” trong “vận dụng” – đó quả thật là những cú đấm gây choáng váng cho cái cung cách tư duy cổ lỗ của giai tầng lãnh đạo Việt Nam.

Có điều ghi nhận là những phê phán ấy, trong sự giới hạn của tình hình lúc bấy giờ, tuy mạnh mẽ và gay gắt là thế, nhưng chưa hề đẩy đến tận cùng cái lôgích tất yếu của chúng như những gì mà số nhà trí thức đã làm sau Đại hội VII, phê phán trực tiếp đến tính chất bất khả thi của “chủ nghĩa xã hội mácxít” [46]: chúng vẫn nằm trong giới hạn của một thứ chủ nghĩa xã hội lý tưởng, một thứ giá trị có thể dựa vào để phê phán những mô hình “biến dạng”, sai lầm. Trung tâm vấn đề đặt ra chỉ là “nhận thức lại chủ nghĩa xã hội”, tìm cho chủ nghĩa xã hội một tinh thần mới nhân đạo hơn, dân chủ hơn, trung thành với Mác hơn. Riêng trong lĩnh vực kinh tế thì việc trở lại với chính sách kinh tế mới (NEP) của Lênin đã được nhiều nhà lý luận vận dụng để giải thích những biến đổi mang tính tư bản chủ nghĩa của đổi mới trong đó luận điểm về một thứ “chủ nghĩa tư bản nhà nước” đã được khai thác nhiều nhất [47]; đây cũng lại là một điều mới vì trước đây (1979) ông Lê Duẫn đã từng tuyên bố: “chúng ta không làm NEP” [48].

Dù thế nào đi nữa thì trên phương diện văn hóa, tất cả những gì đã nói trên, so với những gì trước đó, đã là những điều đầy hào hứng, mới mẻ thật sự. Chính cái không khí ấy đã mở lại cho xã hội một thứ hy vọng nào đó về một cuộc sống “khác hơn”, điều mà người ta tưởng như đã tắt ngấm từ lâu trong cái bóng đêm của chế độ “toàn trị” [49]. Hình ảnh một đảng cộng sản hẹp hòi, ngạo mạn và hoang tưởng cũng dường như được xóa bỏ để nhường chỗ cho một đảng cộng sản mới thực tế, cởi mở, dân chủ hơn. Liệu những hy vọng này một lần nữa lại có phải là một ảo tưởng hay không thì chỉ ít lâu sau đó mới có câu  trả lời, nhưng vào lúc bấy giờ dường như không ai đặt ra câu hỏi ấy, mặc dù trong nỗi vui thích của mình người ta vẫn chưa thật yên tâm. Khá nhiều người đã cảm nhận một cái gì đó hơi đột ngột đã xảy ra cho cuộc sống, một cái gì đó không xuất phát thật sự từ cái lôgích nội tại của đất nước, một cái gì đó đã đi xa hơn những gì mà Đảng cộng sản Việt Nam đã tích lũy được trong quá trình xây dựng của mình về các mặt ý thức hệ, tổ chức, con người. Ông Đặng Quốc Bảo, vào năm 1988, lúc còn Trưởng Ban khoa giáo Trung ương, nói chuyện tại Ban khoa giáo Thành ủy (ngày 26-5-1988), đã nhắc đến một bản dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội VI chứa đầy những thứ mà ông cho là bảo thủ, thỏa hiệp, không thể chấp nhận được – vậy mà chỉ ba tháng sau đó, qua sự làm việc của những trợ lý, cố vấn, một dự thảo mới đã xuất hiện (và đã được trình bày ở Đại hội) với một nội dung mà mọi người đều biết. Thật là tuyệt vời! – ông Bảo đã nói thế! Đúng là tuyệt vời! Chỉ trong vòng ba tháng, cả tư duy của một tập thể lãnh đạo đã chuyển động nhanh chóng và sâu sắc – đó chính là điều dường như chưa từng có ở Việt Nam: so với kinh tế thì chính trị lần này đã đi trước hơn rất nhiều. Truyền thống ý thức hệ của Đảng cộng sản Việt Nam dường như không đủ để giải thích hiện tượng đó.

 

Và một bài học nhỏ ở nước ngoài

Các nhà lý luận quan phương sau này, khi nhìn lại những gì đã qua, thường không nói đến sự kiện đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc đổi mới của Việt Nam vào lúc bấy giờ là Đại hội lần thứ 27 của đảng cộng sản Liên Xô (1985). Nhưng trong thực tế thì ai cũng biết rõ rằng ảnh hưởng ấy không những sâu sắc mà còn quyết định nữa, đến nỗi có thể nói rằng nếu không có Liên Xô cung cấp cho lý luận thì cũng không thể có Đại hội VI như nó đã diễn ra. Hơn ai hết, những người lãnh đạo Đảng, lúc bấy giờ đã biết điều này khá rõ ràng. Cho đến cuối 1985, chống Trung Quốc vẫn là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam (bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội), vì thế khi Đại hội VI coi việc “đoàn kết và hợp tác với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước” [50] thì đó không phải chỉ là chuyện hữu nghị ngoại giao; cả chục tỷ rúp viện trợ của Liên Xô đã đổ vào Việt Nam suốt mười năm để giúp Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội thật ra thì là vô ích [51]. Vì thế người ta sẽ không ngạc nhiên khi chuẩn bị cho việc làm Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới, Đảng đã cử một tiểu ban 12 người (do Nguyễn Đức Bình cầm đầu) sang Liên Xô vào tháng 5-1988 để học tập, trao đổi, ghi nhận những đóng góp của “bạn” khá tích cực; và điều này cũng chỉ là việc triển khai những kết luận của Đại hội VI thôi:

Đảng ta, một lần nữa, bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn chính sách đối nội và đối ngoại được thông qua tại Đại hội lần thứ XXVII Đảng cộng sản Liên Xô, ủng hộ hoàn toàn Cương lĩnh (bản viết mới) của Đảng cộng sản Liên Xô, coi đó là một mẫu mực của sự vận dụng học thuyết Mácxít-Lêninnít  [52].

Do đó có thể nói sự chiến thắng của tư tưởng đổi mới của Đại hội VI cũng là sự chiến thắng của tư tưởng cải tổ của Liên Xô ở Việt Nam. Không thể là của Trung Quốc được – hẳn là như vậy – mặc dù Trung Quốc đã tiến hành cải cách từ cuối 1978, và đường lối này xem ra có vẻ hợp với Việt Nam hơn. Và cũng không thể từ những “kinh nghiệm” của bản thân Việt Nam, hiểu theo nghĩa là một thứ sức đẩy tất yếu, nội tại: “công khai”, “dân chủ”, chấp nhận đối thoại, cọ xát một cách thanh thiên bạch nhật những xu hướng tư tưởng khác, coi báo chí văn học nghệ thuật, trí thức là người tham khảo thường xuyên để hình thành chính sách, những “kinh nghiệm” như thế rất khó mà dung hợp được lâu dài với cái não trạng của những người mà mục đích chiến đấu không có gì khác hơn là muốn trở thành một thứ minh quân cách mạng (kiểu ông Hồ Chí Minh), luôn luôn tự cho mình đứng được trên chín tầng cao của lịch sử để cúi xuống lo cho dân từ những “tương cà mắm muối” đến những bài học phải sống phải chết như thế nào. Đối với một thứ não trạng như vậy, công khai, dân chủ quả là một cái gì đó mang ý nghĩa khá đột xuất.

Tuy vậy nếu quay về với lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ, chúng ta thấy hiện tượng tương tự không phải là hiếm (tuy nội dung mỗi lúc một khác); đã không ít trường hợp các thế lực bên ngoài đã có tác động khá quyết liệt đến đường lối đối nội của Việt Nam. Chúng ta đã nói đến sự ngả nghiêng không ngừng của Việt Nam trước phong trào cộng sản quốc tế, và điều đó không phải chỉ mới xảy ra gần đây thôi: người ta đã nói khá nhiều về việc Hồ Chí Minh với Sách lược vắn tắt thành lập đảng, sau đó không lâu đã bị Trần Phú nhân danh Quốc tế cộng sản phê phán gay gắt [53]và có lẽ vì đó mà ông đã bị đẩy vào bóng tối suốt một thời gian dài. Chỉ đến khi đường lối Quốc tế thay đổi (trước hiểm họa phát xít), Hồ Chí Minh mới được phục hồi trở về nước lãnh đạo cách mạng tháng 8 thành công nhờ biết trung thành với chiến thuật quen thuộc của mình là giương cao ngọn cờ dân tộc, che giấu bớt thực chất cộng sản. Khi thực dân Pháp ngoan cố trở lại Việt Nam, đẩy nước Việt Nam mới khai sinh vào rừng kháng chiến, ông vẫn giữ đường lối đó một thời gian. Chỉ đến năm 1949, dựa vào cuộc cách mạng đã thành công của Trung Quốc để đẩy mạnh cuộc kháng chiến ấy đến mau thắng lợi, đường lối ấy cũng đã thay đổi theo một cách toàn diện: đất nước không chỉ là độc lập mà còn đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, chỉnh phong nữa. Góp phần tạo nên chiến thắng cho Việt Nam rõ ràng không phải chỉ có súng đạn lương thực mà còn có “tư tưởng” Mao Trạch Đông vượt biên giới vào Việt Nam. Bởi vậy sau khi vui mừng vì độc lập rồi thì người dân Việt Nam liền ngay đó phải khốn khổ vì những cuộc đấu tố long trời lở đất mà những vết hằn của chúng  đã để lại trong đời sống không những không bao giờ quên được mà còn có tác dụng hình thành nên một não trạng cầm quyền (“bần cố nông”)  gây ra không biết bao thảm họa cho dân tộc mãi về sau.

Những sự ngả nghiêng của Việt Nam trước những sóng gió “quốc tế” như vậy chưa phải chấm dứt. Việc những người lãnh đạo nay kết thân Trung Quốc chống Liên Xô, mai thân Liên Xô chống Trung Quốc là điều đáng chú ý sau đây: khi theo ai thì “Đảng ta” bao giờ cũng bốc người ta lên tận trời xanh còn khi chống ai thì lại đào mồ cuốc mả tổ tiên người ta lên – không phải chỉ về mặt ngoại giao mà còn cả về văn hóa, tư tưởng. Ở đây không phải là chỗ để chúng tôi dẫn lại những câu thơ tiêu biểu của những thi sĩ “vĩ đại” của Việt Nam trong cuộc chơi đó: nay khóc Stalin chết hơn khóc ông khóc cha thì mai chửi Liên Xô là đồ buôn bán lương tâm, nay ca ngợi cụ Mao như ngọn hải đăng rọi sáng nhân loại thì mai chửi bọn “bành trướng Bắc kinh” không khác gì lũ ma vương... Giả dối hay thật thì khó mà nói cho cạn lẽ; có điều chắc chắn lúc nào họ cũng nhớ rằng họ là những người cầm bút của Đảng, vì Đảng mà xoay bút của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng. Những câu thơ như vậy phải chăng cũng đã phản ánh trung thực cái não trạng của những người lãnh đạo Đảng? Điều chắc chắn là đó không phải là những mối quan hệ quốc tế bình thường như người ta vẫn hiểu: lúc nào nó cũng phủ đầy màu ý thức hệ, ở bên ngoài nếu nó gây nên những cuộc cãi nhau đinh tai nhức óc thì bên trong, nó cũng theo những lời thơ ấy mà hình thành một đường lối mới, rồi căn cứ vào đó tiến hành những cuộc thanh trừng nội bộ cực kỳ ác liệt.

Thái độ của những người lãnh đạo xung quanh Đại hội VI 1986 cũng chỉ là việc lặp lại cái kinh nghiệm nói trên. Chúng ta còn nhớ trong Đại hội này người ta đã ca ngợi Liên Xô như thế nào và hiểu cái tác dụng mang tính “bước ngoặt” của nó đối với quá trình đổi mới như thế nào. Đừng quên rằng nếu trong đại hội VI, vấn đề kinh tế chỉ được đặt ra một cách nửa vời thì, cùng với cái khí thế đổi mới toàn diện trong đó nổi bật lên những hoạt động lý luận, văn hóa, những hoạt động kinh tế nhờ đó đã đi đến được những cột mốc cải cách quan trọng: với Hội nghị Trung ương 6, khóa VI, tháng 9-1989, trong lúc cơ chế quan liêu bao cấp đã hầu như thanh toán xong về lý luận thì cơ chế thị trường cũng đã có điều kiện để thiết lập một cách đồng bộ: thừa nhận thị trường vừa là căn cứ vừa là đối tượng của kế hoạch, dứt khoát thực hiện chính sách nhiều thành phần kinh tế (chấm dứt cải tạo, đặc biệt cải tạo quyết liệt tư bản thương nghiệp), trao quyền trực tiếp xuất nhập khẩu cho các đơn vị kinh doanh v.v... [54]. Nhưng chỉ sau đó chừng vài tháng, do nhận thấy đường lối “đổi mới” kiểu Liên Xô về mặt chính trị không lợi cho việc duy trì quyền lợi của Đảng (những phê phán bắt đầu đụng đến những vùng cấm) cho nên những người lãnh đạo, trong lúc cứ tiếp tục cho kinh tế phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, thì về mặt chính trị đã quay ngoắt lại 180 độ phê phán Liên Xô quyết liệt (Hội nghị Trung ương 8, tháng 3-1990). Sự thay đổi này, xét cho cùng, là hoàn toàn có thể hiểu được về mặt điều chỉnh sách lược cho phù hợp với những biến động của tình hình. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là sự “điều chỉnh” đó đã diễn ra dưới hình thức đấu tranh ý thức hệ hết sức kỳ quặc: nếu trước đây người ta dựa theo Liên Xô để đổi mới một cách ồn ào và nhanh chóng thì nay không theo Liên Xô nữa người ta cũng đã chống lại đổi mới kiểu Liên Xô một cách cũng ồn ào và nhanh chóng như vậy.

Tất cả những thủ đoạn trấn áp công khai trên báo chí, những cuộc vận động ngầm trong nội bộ (kể cả cơ quan công an, nội chính) từng áp dụng trong thời kỳ tối tăm trước đây đều được vận dụng đồng bộ. Và người cầm đầu cuộc trấn áp này không phải ai khác hơn ông Nguyễn Văn Linh – thủ lĩnh đổi mới của Đại hội VI! Bằng những lời lẽ cay cú, giận dữ, ông giả vờ quên đi tất cả những gì đã kích động đám quân sĩ của ông xông ra trận, để quật lại chính những người đã nghe theo lời ông một cách nhiệt thành. Chính thái độ của ông đã làm bùng lên những cơn phẫn nộ trong báo chí và do đó đã liên kết với nhau chống trả quyết liệt suốt một thời gian dài. Lần lượt những người phụ trách các báo trung thành với chủ trương đổi mới của Đại hội VI như Nguyên Ngọc (Văn nghệ), Bùi Minh Quốc (Langbian), Tô Hoà (Sài Gòn Giải phóng), Tô Nhuận Vĩ (Sông Hương), Kim Hạnh (Tuổi trẻ), Hoàng Phủ Ngọc Tường (Cửa Việt), Kim Tinh (Ấp Bắc), Lê Phúc (Đối thoại, Vĩnh Long), Nguyễn Hộ (Truyền thống kháng chiến) đều lần lượt bị thuyên chuyển công tác (riêng Nguyễn Hộ thì bị bắt). Đặc biệt những cán bộ cao cấp được giao cho nhiệm vụ triển khai Đại hội VI về mặt văn hóa, tư tưởng như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh, v.v.. cũng đã bị loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo. Cuộc trấn áp đã đến đỉnh cao của nó khi nhà văn Dương Thu Hương bị bắt vì đã chỉ trích gay gắt cái ý thức hệ mang đến tại họa cho đất nước. Cuối cùng đến cuối năm 1992, với sự đóng cửa tờ Cửa Việt (Quảng Trị) thì phong trào hoàn toàn xẹp xuống.

Một đường lối “đổi mới” khác đã được hình thành lại dần dần từ đó cho đến khi Đông Âu, rồi Liên Xô sụp đổ, biểu hiện rõ nét hơn với Nghị quyết của đại hội VII (tháng 6-1991): sau khi dọ dẫm muốn liên kết với Trung Quốc để củng cố “phe” xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã hội nhập hẳn vào nền kinh tế tư bản thế giới, làm ăn hẳn theo phương thức tư bản chủ nghĩa, nhờ vốn liếng, kỹ thuật của tư bản để “công nghiệp hóa và hiện đại hóa” đất nước, nhưng về mặt chính trị, văn hóa trong nước thì cuộc trấn áp ngày càng trở nên gắt gao – ít nhất là trong lĩnh vực mà Đảng còn kiểm soát được. Đại hội VI từ đó về sau nếu có được nhắc lại thì cũng chỉ được ghi nhận ở khía cạnh kinh tế thôi. Một tình thế mới rõ ràng đã hình thành ở Việt Nam sau bước ngoặt phủ định tinh thần “đổi mới toàn diện” của Đại hội VI: một nhà nước do một đảng độc quyền lãnh đạo, nhân danh một ý thức hệ lỗi thời, cương quyết trấn áp những gì khác mình về tư tưởng [55] nhưng lại tiếp nhận mọi biện pháp của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa để “tăng trưởng” – điều đó có ý nghĩa gì xét về mặt lý luận lẫn thực tế? Phải chăng trong khi đề ra những chiến dịch rất dữ dội gọi là “chống diễn biến hòa bình”, Đảng đã tự mình dành độc quyền để thực hiện kiểu “diễn biến hòa bình”– từ một thực thể độc tài khuynh tả chuyển sang một thứ độc tài khuynh hữu mà công thức thống trị đã trở thành khá quen thuộc đối với một số nước thứ ba: tư sản nhà nước thối nát câu kết với các tập đoàn mafia thực hiện chính sách mở rộng cửa cho tư bản quốc tế vào khai thác đất nước? Hay là cũng là một chế độ độc tài khuynh hữu, nhưng thực hiện được kiểu phát triển “hóa rồng” của một số nước châu Á: dựa vào sự thống trị của một đảng để khởi động cho một cơ chế thị trường có thực lực hoạt động, đồng thời ấp ủ cho sự ra đời của một xã hội công dân đi chung với cái cơ chế thị trường ấy, mục đích “cất cánh” cho được nền kinh tế rồi sau đó nới rộng dân chủ, nhường quyền quyết định vận mệnh dân tộc cho cái xã hội công dân mới ra đời, hình thành một thể chế đa nguyên? Cũng đã có nhiều câu hỏi tương tự đặt ra và cũng đã có nhiều cách trả lời, nhưng theo chỗ chúng tôi biết thì dường như chưa có ý định nào thử nêu hẳn hòi thành chủ đề tập trung để tìm hiểu cả.

 

Mấy gợi ý

Như đã nói, mục đích bài viết này đã được giới hạn cho nên chúng tôi không thể và cũng không có ý định trả lời những câu hỏi đã gợi ra. Tuy vậy, căn cứ vào những gì đã phân tích qua hai thời điểm nói trên (1979 và 1986) chúng tôi nêu ra một số suy nghĩ như sau:

1.  Việt Nam không phải là một dân tộc không có khả năng phát triển. Trái lại đây là cộng đồng hiếu động, biết thích ứng, đáng lẽ có thể cất cánh từ lâu, nhưng do hàng loạt những lý do có tính chất địa lý- chính trị, Việt Nam đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh dai dẳng hoàn thành độc lập, thống nhất, vì đó đã bỏ mất nhiều cơ hội. Chủ nghĩa cộng sản có công lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và cũng có quyết tâm rất lớn trong việc hiện đại hóa sau khi đã giành chiến thắng hoàn toàn, nhưng do sai lầm về ý thức hệ phát triển nên, ngược với ý muốn của mình, Đảng cộng sản đã đẩy lùi lịch sử đất nước về phía sau, làm chậm lại quá trình hiện đại hóa của dân tộc. Đây là sai lầm không riêng của Đảng cộng sản Việt Nam; nó nằm trong bản thân chủ nghĩa cộng sản khi từ lĩnh vực triết học bước sang lĩnh vực chính trị, từ lý thuyết đem áp dụng vào thực hành, đặc biệt trong lĩnh vực tổ chức nhà nước – dù cho có được thực hiện bằng mô hình nào đi nữa.

2.  Trước những thất bại quá hiển nhiên nói trên, những người lãnh đạo đã phải thực hiện hết những nhân nhượng này đến nhân nhượng khác mà quá trình diễn biến của nó từ 1979 đến 1989 là bằng chứng rõ rệt nhất: tất cả những gì gọi được là “xã hội chủ nghĩa” sau này chỉ còn là sự độc quyền của một đảng mệnh danh là đảng cộng sản. Sự nhân nhượng về kinh tế, xét về mặt chính trị, vẫn có lợi cho sự thống trị của Đảng, nên vẫn được tiếp tục theo chiều hướng tối đa hóa. Lý do dẫn đến sự nhân nhượng có tính chất lượng đó, chủ yếu là do tình hình bên ngoài hoàn toàn bất lợi do việc thực hiện chủ nghĩa xã hội một cách tinh ròng: sự phá sản của toàn bộ cái gọi là “phe” xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng tỏ ra lạc lõng, xa lạ với sự phát triển của thế giới hiện đại. Để tự mình nó, Đảng cộng sản Việt Nam, với truyền thống của mình, không thể tiến hành những cuộc canh tân quyết liệt. Tình hình thế giới hiện nay đối với việc thúc đẩy sự cải cách của Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

3.   Lịch sử của đổi mới như vậy vừa là quá trình chịu những áp lực khác nhau buộc Đảng phải từ bỏ đường lối chính thống, lại cũng vừa là quá trình Đảng cố gắng chủ động nương theo những cái đã nhân nhượng để bảo vệ cho lấy được sự độc quyền cai trị của mình đối với xã hội. Đấy không phải là công việc dễ dàng: qua những cuộc uốn nắn, thanh trừ liên tục, bản thân Đảng cũng đã dần dần thay đổi, nội bộ ngày càng phân hóa thành nhiều xu hướng cần phải thỏa hiệp với nhau để tồn tại hơn là “nhất trí”. Sau khi đường lối của Đại hội VI bị điều chỉnh lại, xu hướng bảo thủ ý thức hệ được phục hồi và giữ vai trò chi phối về mặt tư tưởng. Không chấp nhận cải tổ kiểu “dân chủ”, “công khai”, nhưng cũng không thể lập lại những giáo điều cũ: đó chính là điều được gọi là “đổi mới lý luận” và để làm được điều đó những thủ đoạn sau đây đã được viện tới: trên cơ sở những cái cốt lõi có sẵn của hệ thống (khoa học, duy vật, tiến bộ), người ta cố ý nói cho nhẹ đi một số khái niệm tỏ vẻ khó nghe (bạo lực, duy nhất đúng đắn, chuyên chính vô sản), đồng thời vay mượn một số khái niệm của những hệ thống phi mácxít (tân cổ điển, chính trị học tây phương, văn hóa phương đông, truyền thống dân tộc) để làm cho hệ tư tưởng chính thống có vẻ như “mềm” hơn và “cởi mở hơn”. Tất cả những thủ đoạn ấy đều có mục đích sơn phết lại cái tính hợp pháp mà Đảng đã có được thời giải phóng dân tộc và đã bị bào mòn đi trong những thí nghiệm thất bại về “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Nhưng điều đó cũng không phải dễ dàng: vì tính chất táp nham quá rõ rệt của nó, cho nên những nhà lý luận của Đảng đã không biết cách nào khác để tạo thêm sức nặng cho nó ngoài cách trộn vào đó (với một nồng độ khá đậm đặc) thứ lý lẽ sặc mùi hù dọa học được của người bạn Bắc phương (người bạn mà trước đây đã từng bị chửi rủa là “phản bội”), gọi là “diễn biến hòa bình”. Sự thống trị ý thức hệ vụng về ấy dĩ nhiên không thể tạo ra được những cái tích cực hiểu theo nghĩa là sức mạnh của chân lý mà lại nghiêng hẳn về phần tự vệ tiêu cực: trong khi cố gắng duy trì cho được nguyên trạng, nếu nó đã kềm chế xã hội phát triển theo hướng cần thiết (vì vẫn bị những giáo điều cũ chi phối như: quốc doanh là chủ đạo, luật “cách mạng” vẫn quan trọng hơn luật pháp quyền...) thì mặt khác, nó lại làm cho chủ nghĩa hư vô (vốn là phản ứng đã có từ lâu của xã hội đối với chế độ toàn trị) trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Cái mà những nhà xã hội học gọi là “không gian công cộng” của Việt Nam đã bị phá nát hoàn toàn.

4.  Tuy vậy, bên cạnh xu hướng bảo thủ ấy, quá trình đổi mới sau Đại hội VI cũng đã sản sinh ra một xu hướng có thể gọi là thực tiễn xuất phát từ đông đảo những người hoạt động trong các lĩnh vực chuyên biệt, ít quan hệ trực tiếp đến những chuyện ý thức hệ, như: tư vấn cải cách, phụ trách sản xuất, quản lý, đối ngoại... Bản thân những người này có thể vẫn là những đảng viên vì hàng loạt lý do thực tế, nhưng nếu xét về những kiến thức mà họ được cung cấp để điều hành công việc trong giai đoạn đổi mới này người ta không thể cho rằng họ đã góp phần củng cố cho cái ý thức hệ của Đảng. Điều này biểu hiện rõ nhất ở các Đại học kinh tế, những lớp huấn luyện về quản trị, hành chính, ở đó những loại kiến thức đi ngược hoàn toàn với chủ nghĩa Mác đã được giới thiệu hết sức thoải mái. Về phần chủ nghĩa Mác, nếu có được giới thiệu thì cũng không còn là một cái gì đó thiêng liêng đến phải quỳ mọp xuống như trước đây. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế: trong rất nhiều hoạt động hiện nay, mọi việc đều trôi chảy mà vẫn không cần đến chủ nghĩa Mác, không cần đến Đảng. Tính chất phi ý thức hệ ngày càng trở nên bình thường đối với rất nhiều đảng viên.

5.  Và đó cũng chính là cái lôgích của cuộc sống đang phát triển ở bên ngoài thế giới quan phương (Đảng, nhà nước), là những hoạt động kinh doanh, sản xuất, sinh hoạt, làm ăn mà nói theo danh từ trước đây thì đó chính là khu vực phi xã hội chủ nghĩa. Trong cái thế giới này, chẳng ai nói đến Đảng, nói đến xã hội chủ nghĩa và giả thử như có lúc phải nói đến thì cũng chẳng có gì nghiêm chỉnh, thế giới ấy đang tạo ra những quy luật riêng của nó – đó chính là điều mà những nhà triết học đã gọi là xã hội công dân, xã hội này trước đây bị triệt tiêu dưới chế độ toàn trị thì nay đã tự phục sinh dưới cơ chế thị trường. Có điều là trong tình hình hiện nay, xã hội công dân ấy vẫn chỉ tồn tại trong lĩnh vực kinh tế; một thứ xã hội công dân toàn diện, hiểu theo nghĩa hiện đại bao gồm ba lĩnh vực tạo thành ba quyền lực độc lập nhau: kinh tế, tư tưởng, chính trị vẫn chưa ra đời vì hai lĩnh vực sau vẫn còn bị khống chế. Tuy vậy, trong thực tế, sự khống chế ấy cũng đã đến lúc không còn có thể mang lại những hiệu quả hoàn toàn giống như trước đây nữa: dù có bị đè nén, trấn áp liên tục, các xu hướng văn hóa và chính trị không chấp nhận sự thống trị độc quyền về ý thức hệ của Đảng vẫn tồn tại và tìm mọi cách thích hợp để khẳng định sự tồn tại của mình. Những xu hướng ấy, xuất hiện tự nhiên trong nền kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế, chúng đang tác động vào đời sống, vào Đảng, nhà nước theo cách thức của chúng, không có gì ngăn cản được. Và điều đó không mang ý nghĩa gì khác hơn là một cuộc vận động về ý thức mới đang diễn ra, tạo nguồn cảm hứng cho việc hình thành một lực lượng tinh thần, xây dựng nên một tính hợp pháp mới cho một thể chế mới thay cho thể chế cũ, tuy chưa sụp đổ hoàn toàn nhưng đã biến chất vì không còn tìm được lý do về đức lý và lịch sử để tồn tại.

     6. Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào? Những người lãnh đạo xác tín nhất của Đảng hiện nay đã phải từ bỏ những “giấc mộng vàng” của họ rồi: chủ nghĩa xã hội đối với họ, từ những cái gọi là biện pháp, chế độ đang bị đẩy dần lên những thứ “định hướng” hay “lý tưởng” mơ hồ, mù mịt.  Cố giữ cho được sự độc quyền thống trị của Đảng đối với đất nước để thực hiện một thứ chủ nghĩa tư bản nào đó – đó chính là ưu tư lớn nhất của những người lãnh đạo thuộc thế hệ hiện nay. Họ đang tạo ra những tiền đề để chủ nghĩa tư bản phục hồi ở Việt Nam, và điều đó, dù có thích hay không thích, những người Việt Nam cũng phải đối diện. Nhưng đó là thứ chủ nghĩa tư bản nào vậy? Đây không phải là câu hỏi thuần lý thuyết để phải cãi nhau chí chết mà không xong như trong trường hợp “chủ nghĩa xã hội”. Đã có hàng loạt những mô hình về chủ nghĩa tư bản xuất hiện trong lịch sử rồi: vấn đề đối với người đi sau – đi sau rốt – chỉ là vấn đề chọn lựa. Tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa” đi theo mô hình mácxít không có nước nào thành công trong xây dựng cả – nhận xét ấy đến nay là điều không còn phải tranh cãi. Nhưng khi khẳng định ngược lại bằng cách nói rằng chỉ có con đường tư bản chủ nghĩa mới cứu được chúng ta thì có lẽ chúng ta lại rơi vào niềm lạc quan nào đó cũng đáng ngờ như thứ “lạc quan cách mạng” trước đây: ngược lại với tồi tệ nhất chưa hẳn đã là những cái tuyệt vời nhất!

   7.  Trước những mô hình có sẵn, và đã được tổng kết trên khắp thế giới, đặc biệt trong thế giới chậm phát triển, chúng ta muốn chọn mô hình nào? Làm sao để phân biệt được đó là thứ thiệt để có thể hóa rồng chứ không phải nửa dơi nửa chuột? Làm sao để hiểu và phân biệt được một thứ chủ nghĩa tư bản sơ khai, ngạo mạn đội lốt “xã hội chủ nghĩa” với thứ chủ nghĩa tư bản cũng sơ khai, ngạo mạn như vậy nhưng thẳng thừng tự nhận là quân phiệt độc tài? Chúng tôi nghĩ rằng mọi việc không thể dễ dàng, điều đó không chỉ tùy thuộc vào ý chí của một dân tộc quyết tâm muốn phát triển mà còn dính líu rất nhiều đến cái kinh nghiệm lịch sử mà dân tộc ấy đã trải qua, đến cái tính cách riêng biệt của dân tộc ấy trên con đường đi đến tương lai nữa.

Nếu những người Việt Nam hiện nay khi nói về mình mà chỉ chứng minh được mình là một cộng đồng hiểu theo nghĩa truyền thống của nó (ngôn ngữ, phong tục...) – để rồi từ đó có thể tự hào hoặc chê bai – thì mọi vấn đề cũng chẳng có gì thay đổi cả. Nếu dân tộc không trở thành cái tập hợp gọi là xã hội công dân, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, tìm được một sự đồng thuận đặt nền trên một tinh thần dân chủ để phát triển, một xã hội công dân toàn diện trong đó dẫn đầu là những nhà tư tưởng của mình, một xã hội công dân đủ mạnh để kiểm soát cho được cái nhà nước mà mình tạo ra thì dân tộc ấy vẫn chưa trở thành hiện đại được.  Đó vẫn chỉ là một tộc người cổ truyền với cái tâm thức của những kẻ nghèo hèn nhìn lên trông chờ một đấng bậc nào đó có được quyền lực tuyệt đối trong tay, biết hứa hẹn những ngọt ngào nhưng cuối cùng chỉ có thể đưa người ta đến “những thiên đường mù”! Theo ý chúng tôi, xã hội công dân với một đội ngũ trí thức lành mạnh của nó – đó chính là vấn đề căn bản của Việt Nam hiện nay: nếu chưa đặt vấn đề đó lên bàn thảo luận mà cứ nói chuyện “lật đổ” hay “đổi mới” cái nhà nước hiện tồn, thì có lẽ đó chỉ là những chuyện chưa đủ nghiêm chỉnh để có thể thảo luận sâu hơn.

 

20-9-1994


 

[1] ĐỖ ThẾ Tùng: Nhìn lại quá trình đổi mới tư duy lý luận của đảng ta về phát triển kinh tế hàng hóa, Tạp chí Cộng sản (TCCS) số 10-1993, tr. 30. 

[2] Lê HỮu Nghĩa: Về thực chất con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nghiên cứu lý luận, số 5-1992, tr. 22.

[3]  “Cả nước là một công trường thủ công” (Lê DuẪn: Phát biểu chuẩn bị 50 năm ngày thành lập Đảng, cuối tháng 7-1979).

[4] “Vấn đề chính không phải sử dụng thuật ngữ này hay thuật ngữ khác, tên gọi này hay tên gọi khác. Điều chủ yếu là ở chỗ nhận thức được đúng đắn bản chất, nội dung của chuyên chính vô sản, trên cơ sở đó khắc phục những sai lầm trong nhận thức cũng như trong thực tế về chuyên chính vô sản” (TrẦn Thành: Nhận thức lại bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nghiên cứu lý luận, số 5-1991, tr. 18).

[5] Cũng đã xuất hiện trong những năm gần đây những tài liệu chuyền tay nhưng nội dung thường nghiêng về tranh luận, phê phán đường lối chính thống nhiều hơn là đi vào nghiên cứu lịch sử của “đổi mới”.

[6] Có thể kể một số công trình sau đây:

- Những thách thức trên con đường cải cách ở Đông Dương (Trường Đại học Harvard, Borje Ljunggren chủ biên), bản tiếng Việt: Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.

- Đổi mới, Vietnam’s Renovation and Performance, Australian National University, Canberra, 1991.

­ Vietnam and the Rule of Law, ANU, 1993.

[7] Ý của Adam Fforte, xem Đổi mới, sđd, tr. 101.

[8]  Borje Ljunggren: xem Những thách thức, sđd, tr. 107.

[9]   ĐỖ ThẾ TùnG, Bđd, TCCS số 10-1993

[10] Adam Fforte: Đổi mới, tr. 101

[11]  David G. Marr: Đổi mới, tr. 16

[12] Adam Fforte: Những thách thức, tr. 494

[13]  Dwight H. Perkins: Những thách thức, tr. 38

[14] Thí dụ những phân tích về “đổi mới và thích ứng” về chính trị ở Việt Nam của William S. Turley: Những thách thức, tr. 523-540

[15] Ông PhẠm Văn ĐỒng phát biểu tại Paris tháng 4-1977: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ làm điều đó (quyết tâm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn) để chứng minh cho các dân tộc khác, những dân tộc bé nhỏ, những dân tộc trung bình, những dân tộc chưa phát triển rằng họ cũng có thể làm được điều đó” (Bulletin de l’Association d’Amitié Franco-Vietnamienne, Mai 1977). Xem Alain Ruscio: Vivre au Vietnam, Editions sociales, Paris, 1981, p. 59.

[16] Sau hiệp định Paris 1973, ông Tố Hữu vào Nam, nói chuyện với cán bộ R (Trung ương cục miền Nam) ông đã làm người ta bừng bừng với những lời lẽ sau đây: Việt Nam không có gì phải sợ Nhật; sự hưng thịnh của Nhật là sự kết hợp giữa chủ nghĩa quân phiệt với khoa học kỹ thuật; ta có chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao hơn Nhật nhiều lần, nếu chịu khó gấp rút tiếp thu khoa học kỹ thuật thì không mấy chốc mà trở thành cường quốc. Theo ông Tố Hữu thì xét về tinh thần, thế giới hiện nay chỉ có Việt Nam là “ngon” nhất, vì Việt Nam là “lương tâm của loài người”, mỗi sáng mở mắt thức dậy rất nhiều người Tây phương đã mong mỏi có thể biến thành người Việt Nam. Cái ý ghê gớm nhất của ông là: Việt Nam có thể khởi đầu một cái gì giống như một “Thời Phục hưng” cho loài người!

[17] Trong bài nói chuyện trước Hội nghị cán bộ chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đảng (tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 7-1979), trước tình hình căng thẳng vào lúc bấy giờ ông Lê Duẩn vẫn phát biểu hùng hồn về nỗi ước mong của ông rằng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, người Việt Nam sẽ trở thành con người tiêu biểu cho văn hóa, mà văn hóa theo ông là tình thương, tình thương là cách mạng, là cái alternative (ông dùng tiếng Pháp) thay cho tôn giáo. Ông cho biết ông đã nói với các nhà tu hành rằng: chúng ta không cần paradis, không cần nirvana, chúng ta vẫn có thể xây dựng hạnh phúc ở trần gian. Theo ông, cái chìa khóa mở cửa vào cái thiên đàng hạ giới ấy chính là quyền làm chủ tập thể (ông phê phán Lênin chưa biết điều đó), là cái motivation để chủ nghĩa xã hội chiến thắng chủ nghĩa tư bản về mặt tinh thần. Những khó khăn vào lúc bấy giờ (ăn bo bo) không đáng căng thẳng, nhưng lình xình không giải quyết được gây ra lộn xộn, làm yếu tinh thần, xao xuyến tâm lý!

[18] Báo cáo chính trị Đại hội VI (Học tập, tháng 12-1976, tr. 46)

[19] Ông Đỗ Mười, tổng bí thư đảng khóa VII, đã nói trong một cuộc gặp gỡ cán bộ, trí thức tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 8-9-1991): Trước đây khi đề cập đến món nợ 8 tỷ USD trong chiến tranh, tôi đã nói với những người lãnh đạo Liên Xô: các anh đã giúp vũ khí cho chúng tôi đánh giặc, chúng tôi thắng là chính các anh thắng. Hơn nữa mỗi khi hạ được những vũ khí mới như kiểu cánh cụp cánh xòe thì ta chở qua Liên Xô. Cũng nhờ mười mấy năm ta đánh Mỹ mà Liên Xô mạnh hẳn lên. Cần phải xóa món nợ ấy đi. Lẽ ra Liên Xô phải trả thêm cho Việt Nam 10 tỷ nữa kia!

[20] Ông Phạm Văn Đồng trước 1975 cũng hay nói đến đề tài này. Sau khi chiến thắng đề tài đó được tiếp tục khai thác. Ông Văn TiẾn Dũng đã viết trong Đại thắng mùa xuân (NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 320): “Sức mạnh phơi phới của cả nước và tài tổ chức làm nên cuộc toàn thắng lịch sử sẽ làm nên những kỳ tích trong cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước ta”. Cái lôgíc ở đây là: làm được cái này ắt cũng làm được cái kia.

[21] Có nơi đi đào kênh làm thủy lợi, khi đào xong, nước không lên tới vì không tính đến độ dốc của đất, còn nơi đào nước vào được thì cả một vùng cây trái bị chết vì nhiễm phèn.

[22] Sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc ở Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều sách chống chủ nghĩa “bành trướng Đại Hán Maoít”, nhiều nhất là dịch từ Liên Xô.

[23] Lúc bấy giờ, các “tập bài giảng về quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa” của các giáo sư Liên Xô tại Trường Quản lý kinh tế trung ương đã được in và phổ biến rộng. Trong văn học, cuốn tiểu thuyết Chuyện thường ngày ở huyện của Oveskin có nội dung chống các hiện tượng quan liêu trong xã hội Liên Xô, đã được dịch và được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam.

[24] NguyỄn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 104.

[25] ĐD: “Mấy ý kiến về vấn đề chống văn hóa thực dân mới”, tạp chí Đứng dậy Xuân 1978.

[26] LỮ Phương: “Bản chất của đảng, Tin sáng 6-6-1979; “Sức mạnh của đất”, Tin sáng 10-6-1979

[27] Hoàng NgỌc HiÊn: Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, Văn nghệ số 23, 29-6-1979.

[28] Nhà văn quân đội, được đề bạt làm Bí thư đảng đoàn Hội Nhà văn, chuẩn bị tổ chức Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 3. Nguồn cảm hứng khiến ông xây dựng Đề dẫn là những điều trông thấy trong cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” thực hiện theo mô hình của Mao ở Kampuchia: đó là một thứ chủ nghĩa xã hội đàn bầy, ở đó không những không xài tiền mà nhà cửa không có số nữa. Sau khi trình bày Đề dẫn ông bị gạt ra khỏi “cơ cấu” lãnh đạo, để sau Đại hội trở lại làm Tổng biên tập báo Văn nghệ.

[29] Hà Xuân TrưỜng: Sự nghiệp văn hóa, văn nghệ dưới ánh sáng của Đại hội V, Sự thật, Hà Nội, 1983, tr. 63.

[30] Xem Lê Thanh NghỊ: Một số vấn đề phát triển công nghiệp sản xuất và công nghiệp địa phương. TCCS số 11-1979; Tố Hữu: Nắm chắc đường lối của đảng, vững bước tiến lên, TCCS số 1-1980; Mấy vấn đề kinh tế cơ bản dưới ánh sáng của Nghị quyết 6, trong Thông tin lý luận số 3-1980.

[31]  NguyỄn Văn LinH: Sđd, tr. 152-153.

[32]  Xã luận TCCS số 11-1982. 

[33] Văn tùng: Mở rộng quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, TCCS số 2-1982.

[34]  NguyỄn ĐỨc Bình: Tư tưởng, tổ chức và kinh tế, TCCS số 9-1993.

[35]  Hà Xuân TrưỜng: Sđd, tr. 62.

[36]  Có lúc đảng đã ra chỉ thị kỷ luật với đảng viên nào kể chuyện tiếu lâm này.

[37] Xem Peter Van Ness: Market Reform in Socialist Societies: Comparing China and Hungary, Lynne Reinor Publications, 1989.

[38] TỐ HỮu: TCCS số 8-1985.

[39] Cồ TiỂu Tùng: Việt Nam đến năm 2000, Quảng tây xuất bản xã (Trung Quốc), 1991; bản tiếng Việt: TrẦn Văn Chánh (không xuất bản).

[40] TrưỜng Chinh: Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, Sự thật, Hà Nội, 1986.

[41] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 100.

[42] Văn nghệ 17-10-1987.

[43]  Nghị quyết này được ban văn hóa văn nghệ do ông TrẦn ĐỘ phụ trách soạn thảo

[44] Dẫn đầu là tờ Văn nghệ do Nguyên NgỌc làm tổng biên tập với những bút ký và truyện ngắn gây chấn động trong cả nước.

[45] Những bài nói chuyện của Nguyễn ThẾ PhẤnĐẶng QuỐc BẢo bấy giờ được chuyền tay nhau đọc khá rộng rãi.

[46] Xem Murray Hiebert: Dissenting Voices, FEER, 2-12-1993.

[47] Có thể xem TrẦn NgỌc Hiên: Chính sách kinh tế mới của Lênin và vận dụng vào điều kiện nước ta, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1988.

[48]  Bài nói chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập đảng (xem chú thích số 17).

[49]  Sau Đại hội VI những tờ báo đổi mới như Văn nghệ, Tuổi trẻ tăng vụt nhanh chóng; các cuộc hội thảo khắp các đoàn thể cũng được tổ chức liên tục. Điều đáng lưu ý là trong tình hình ấy, các thứ tiếu lâm đen đột nhiên biến mất.

[50] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, tr. 99.

[51] TrưỜng Chinh: Sđd, tr. 15.

[52] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, tr. 100.

[53] Xem HuỲnh Kim Khánh: Vietnamese Communism 1925-1945, Cornell University Press, Ithaca and London, 1986, tr. 181.

[54] ĐỖ ThẾ Tùng: Bđd, TCCS số 10-1993.

[55]  Nhiều nhà nghiên cứu đã có xu hướng căn cứ vào những bài viết, bài nói công khai của các lãnh tụ đảng để tìm hiểu và cho đó chính là ý định đổi mới của đảng. Chúng tôi chỉ xin dẫn ra vài câu trích ra từ một tài liệu mang tên Một số vấn đề cần lưu ý khi góp ý kiến vào dự thảo Cương lĩnh, do Văn phòng Trung ương Đảng gửi các cấp ủy (10-11-1990) để hướng dẫn quần chúng góp ý kiến.

Trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, Cương lĩnh nắm vững và kiên định những nguyên tắc cơ bản, nhưng cách thể hiện phải mềm dẻo, mang tính thuyết phục. Sao cho có thể tranh thủ đoàn kết được các lực lượng ở trong nước và ngoài nước để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Khi góp ý kiến cần hiểu được ý đó của dự thảo”.

“Dân chủ của nhân dân, chuyên chính với kẻ thù (từ chuyên chính này theo nghĩa hẹp, tức là trừng trị, trấn áp). Ở đây không viết từ chuyên chính vô sản vì có nơi, có lúc hiểu và thực hiện lệch lạc khái niệm đó. Dự thảo không bỏ  đi khái niệm chuyên chính vô sản mà đã diễn đạt thực chất nội dung khái niệm đó...”.

 

Trở về "Trang Lữ Phương"

28-5-08