KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ
***
Tháng 6 năm 1949 Đảng đoàn Đảng Xã hội Liên khu III được thành lập. Đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Đảng đoàn. Tôi (Phí Văn Bái) lúc đó mang bí danh Phan Kỳ Đức là Trưởng ban Tuyên huấn Liên khu ủy Liên khu III và đồng chí Nguyễn Văn Năng – Giám đốc Sở Lao động Liên khu III làm Uỷ viên Đảng đoàn. Vừa được thành lập nên Đảng đoàn Đảng Xã hội Liên khu III cần mở rộng tuyên truyền ảnh hưởng trong quần chúng trí thức, đặc biệt là trí thức tại hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Từ
trái qua phải: cụ Nguyễn Mạnh Tường (thứ 2),
Trong năm 1948 tôi làm công tác báo chí tại báo Nam Định kháng chiến và cũng đã từng tham gia tuyên truyền vận động, giới thiệu hai nhà báo – nhà thơ nổi tiếng cả nước, nay đều trên 90 tuổi là Chu Hà (Lã Xuân Choát) và Bùi Hạnh Cẩn, để kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lần này tôi được Đảng đoàn Đảng Xã hội Liên khu III giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động luật sư Nguyễn Mạnh Tường khi đó đang tản cư tại tỉnh Thái Bình vào Đảng Xã hội. Nghe phổ biến xong nhiệm vụ tôi lo lắng vô cùng. Cái tên Nguyễn Mạnh Tường “Ông Nghè” Tây học với hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa năm 23 tuổi, một kỷ lục cổ lai hãn hữu, lịch sử giáo dục nước Pháp chưa từng có. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 với chính sách cầu hiền của Hồ Chủ tịch, ông đã được chính Người giao nhiệm vụ chuẩn bị đề án cho phái đoàn Chính phủ về quan hệ ngoại giao Việt - Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt và sau đó được cử làm thành viên chính thức của phái đoàn tại Hội nghị lịch sử này. Ai từng đọc cuốn hồi kí “Một vài kí vãng về hội nghị Đà Lạt” của Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996) đều ấn tượng trước những phát biểu lập luận về vấn đề Nam Bộ của Nguyễn Mạnh Tường: “Nam Bộ là một phần gắn chặt vào đất đai quốc gia chúng tôi… Đó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi” (Le Nam Bộ fairt partie intégrante de notre sol national…il est la chair de notre chair, le sang de notre sang). Trong khi tôi chỉ mới đỗ tốt nghiệp Tiểu học Pháp Việt (Certificat d'études Primaires)… Nhiệm vụ vận động Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào Đảng Xã hội Việt Nam thật quá khó khăn đối với tôi. Tôi thổ lộ những băn khoăn của mình với Bí thư Đảng đoàn. Đồng chí Đặng Châu Tuệ liền kéo tôi sang phòng bên cạnh giới thiệu với anh Bùi Lâm – công tố viên Toàn án Nhân dân Liên khu III đồng thời phụ trách lãnh đạo ngành kiểm sát và toà án lúc đó. Anh em vẫn gọi Bùi Lâm là vị Bao Công đứng đầu toà án quân sự đặc biệt trấn áp và trừng trị bọn phản cách mạng. Anh là người nghiêm khắc, chính trực trong công việc nhưng sống rất chan hoà, tình cảm, hồn nhiên và dí dỏm hay bông đùa. Đứng trước anh Bùi Lâm và được sự khích lệ của anh sau khi trò chuyện thân tình, tôi mạnh dạn: “Tôi được giao nhiệm vụ đi tuyên truyền luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào Đảng Xã hội. Việc này khó quá. Anh có bảo bối gì giúp tôi với”. Ông “Bao Công” nở nụ cười hóm hỉnh: “Chú có biết anh em trí thức hiện nay đang “đói” không? Tôi chưa kịp hiểu ra đã thấy anh Bùi Lâm mở ngăn kéo lấy ra mấy số báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp trao vào tay tôi. Sau đó anh lại nheo mắt đặt lên một cuốn sách khác: Loin de Moscow (Xa Mạc Tư Khoa). - “Chú đến gặp ông Nguyễn Mạnh Tường, cứ đưa bài này… Nhưng chú có quen ai ở Thái Bình không”? - “Thưa anh, Chủ tịch tỉnh Thái Bình cậu Giang Đức Tuệ là bạn trước cùng làm báo Tin Mới với tôi ạ”. Phí Văn Bái trả lời. - “Được – anh Bùi Lâm gật đầu, dặn dò kỹ lưỡng – Chú nhớ bảo Chủ tịch tỉnh xuống cùng, nhớ nhé”. Khi đến Thái Bình, anh Giang Đức Tuệ - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh cùng Chủ tịch Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Thái Ninh là anh Vũ Nhượng[1] và tôi đến phố huyện Thái Ninh nơi luật sư Nguyễn Mạnh Tường và gia đình đang tản cư. Trước đó, anh Giang Đức Tuệ đã gửi giấy báo xuống xin hẹn gặp trước nên ba người chúng tôi vừa tới nơi đã thấy “ông Nghè” đứng đợi sẵn ở cổng để đón khách vào nhà. Anh Giang Đức Tuệ tự giới thiệu về chúng tôi. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường với nụ cười thân thiết khẽ nở trên môi đáp lại. Lúc này tôi thầm cảm ơn sự chu đáo của anh Bùi Lâm: Muốn tuyên truyền vận động những nhà trí thức vào Đảng, trước hết phải tôn trọng trí thức. Nên anh Bùi Lâm yêu cầu đích danh Chủ tịch tỉnh đến cùng chứ không phải chỉ đánh một cái giấy thông báo hay cử một anh lính văn phòng đi theo. Anh Giang Đức Tuệ giới thiệu luật sư Nguyễn Mạnh Tường là người có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hệ thống tư pháp của tỉnh Thái Bình nói riêng, rộng ra Liên khu III và lớn hơn cả là hệ thống tư pháp toàn quốc trong những ngày đầu chính quyền mới được thành lập. Nghe xong, tôi đứng dậy tự giới thiệu về bản thân và nhiệm vụ của mình. Hai anh em bắt tay nhau, vẻ mặt “ông Nghè” vẫn hết sức tự nhiên, bình thản. Tôi liền rút ra mấy tờ báo L’Humanité ngập ngừng: “Thưa anh…” Chưa kịp để cho tôi nói hết câu, đôi mắt luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lên: -“Mấy năm tản cư kháng chiến, đây đúng là cái tôi cần mà tìm mãi vẫn không có được”. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tranh thủ xem lướt qua các tờ báo với những bài viết của các chính khách nước Pháp ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, phản đối chiến tranh xâm lược của những tên thực dân hiếu chiến. Đợi cho ông Nguyễn Mạnh Tường gấp lại tờ báo cuối cùng, tôi đặt tiếp lên cuốn Loin de Moscow (Xa Mạc Tư Khoa). Luật sư Nguyễn Mạnh Tường hồ hởi ôm lấy tôi trong đôi tay càng siết chặt của mình: - “Anh về báo cáo lại với các anh ở trên rằng, Nguyễn Mạnh Tường tôi sẽ xin làm con ong để hút tinh hoa trong những sách báo này, sau đó tuyên truyền về cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Chúng ta không đơn độc mà còn có những người bạn quốc tế luôn kề vai sát cánh ủng hộ…”. Tôi đưa tấm danh thiếp của Bí thư Đặng Châu Tuệ và không quên dặn lại: - “Anh cầm tấm thẻ này, đến Phủ Lý (thuộc tỉnh Hà Nam, lúc đó đang tiêu thổ kháng chiến) gặp mấy trạm công an gác, họ sẽ cho anh vào và đưa anh đến nơi. Xin anh nhớ cho là vào đúng ngày… giờ… này”. - “Nhờ anh báo cáo lại với các anh cấp trên – ông Nguyễn Mạnh Tường trả lời – tôi sẽ lên sớm 1- 2 ngày”. Vậy là không phải mất một lời tuyên truyền, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường hăng hái nhiệt tình tham gia vào kháng chiến. Ông xuống với quần chúng nhân dân. Ông đi khắp miền Bắc miền Trung làm nhiệm vụ bào chữa theo sự phân công của cấp trên, đồng thời còn tham gia giảng dạy ở trường Dự bị Đại học. Ông được cử tham gia các Hội nghị Quốc tế để bảo vệ tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta chống thực dân Pháp, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có giới trí thức Pháp nhằm sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Sau này tôi vẫn thường gặp Luật sư Nguyễn Mạnh Tường mỗi lần sinh hoạt chi bộ Đảng Xã hội tại TAND thành phố Hà Nội khi đó tôi làm Hội thẩm nhân dân có năm kiêm Bí thư chi bộ. 60 năm đã trôi qua kể từ cuộc gặp đầu tiên để tuyên truyền, vận động Luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào Đảng Xã hội tại Thái Bình. Tôi nhớ mãi kỷ niệm sâu sắc về một người trí thức yêu nước đã đi theo cách mạng và cùng tham gia sinh hoạt Đảng Xã hội cho đến ngày Đảng Xã hội hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình và tuyên bố tự giải tán… Kiều Mai Sơn (ghi) Hà Nội ngày 8/8/2009
Phụ lục
[1]: Vũ Nhượng (1909 – 1951) tham gia cách mạng từ năm 1927, bị tù Sơn La năm 1931, căng Bá Vân năm 1940. Khởi nghĩa giành chính quyền, ông làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện Thái Ninh (Đông Quan cũ). Ông hy sinh ngày 17/2/1951 tại Nam Định.
|