GS TRẦN VĂN GIÀU VÀ LS NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
Bài và ảnh: Kiều Mai Sơn
GS Trần Văn Giàu chiều ngày 23/8/2009
GS Trần Văn Giàu và LS Nguyễn Mạnh Tường vốn là đồng nghiệp trong giáo giới cách mạng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước. Cụ thể, vào năm 1952 khi trường Dự bị Đại học được mở tại Liên khu IV, GS Trần Văn Giàu làm Bí thư Đảng ủy nhà trường, phụ trách cơ sở tại huyện Thiệu Hóa – tỉnh Thanh Hóa (GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc nhà trường, phụ trách cơ sở tại huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An), còn GS Nguyễn Mạnh Tường tham gia giảng dạy Văn học phương Tây. Nhìn lại đội ngũ các bậc “sư biểu” của nền giáo dục cách mạng Việt Nam ban đầu, nay chỉ còn duy nhất GS Trần Văn Giàu đã ở tuổi 99. Cụ bà Nguyễn Mạnh Tường, nhũ danh Tống Lệ Dung kể cho tôi nghe: “Nhà tôi với bác Trần Văn Giàu cũng là chỗ quen thân đấy. Hồi dạy Đại học, bác Trần Văn Giàu dạy về Lịch sử, dạy về Triết học. Bác ấy đọc nhiều sách, lại giỏi ăn nói, nói chuyện rất là mạch lạc”. Dịp vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi có mong muốn được gặp cụ Trần Văn Giàu xin ghi một vài kỷ niệm về LS Nguyễn Mạnh Tường nhân dịp lễ bách tuế - 100 năm (16/9/1909 – 16/9/2009). GS Trần Văn Giàu đồng ý. Cụ dặn người nhà nói thêm qua điện thoại là chỉ gặp tôi được ít phút thôi. Đúng 17h30, chiều 23/8/2009, tôi chạm cửa tư gia GS Trần Văn Giàu tại đường Lý Thường Kiệt – phường 15 – quận 11– thành phố Hồ Chí Minh. Người cháu của cụ ra mở cửa và dẫn tôi lên lầu. GS Trần Văn Giàu đang nằm nghỉ. Được diện kiến cụ, nhân vật lịch sử tôi ngưỡng mộ từ lâu. Người Nam Bộ vốn có thói quen gọi tên thân mật theo thứ tự, cụ Trần Văn Giàu được gọi bằng cái tên thân thuộc: anh Sáu, bác Sáu. Có nhiều bác Sáu nổi tiếng, nhưng chỉ một người danh tiếng đã gần như trở thành huyền thoại của “Thành đồng Tổ quốc” mà mọi người vẫn gọi thật rõ danh tánh là cụ Sáu Giàu. Tôi đỡ cụ dậy và tranh thủ vào chuyện ngay: “Hồi dạy Dự bị Đại học tại Thanh Hóa và dạy Đại học Sư phạm Văn khoa tại Hà Nội, cụ có hay gặp GS Nguyễn Mạnh Tường không ạ?”. Cụ Sáu Giàu gật đầu, cười. Đoạn cụ lên tiếng: “Tôi nói khó lắm”. Tôi kiên nhẫn chờ đợi để mong cụ có thể kể thêm một điều gì đó. Một khoảng lặng bao trùm. Tôi nhìn quanh phòng, bàn thờ cụ bà Trần Văn Giàu hư ảo trong ánh chiều tà. Vậy là cụ bà hưởng phúc nhẹ bước rời cõi trần ở tuổi 95 đã được bốn năm, theo quan niệm của người xưa “bà đi trước ông”. Hai cụ cùng sinh năm 1911, là năm diễn ra Cách mạng Tân Hợi – Trung Hoa, cũng là khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng để sang nước Pháp tìm phương cứu nước sau những con đường các bậc Văn thân, Sĩ phu yêu nước từ thời Cần vương, Đông du, Duy tân đã đi mà chưa biết khi nào tới được bến đậu. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse. Trước khi đi, gia đình muốn buộc chân “con tuấn mã” bằng cách chọn cô Đỗ Thị Đạo là ái nữ của gia đình điền chủ Đỗ Tường Ninh giàu nhất nhì đất Lục tỉnh Nam Kỳ, về làm vợ. Chàng hiền tế hứa với nhạc phụ đi học chuyến này nhất định sẽ lấy hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa rồi mới chịu về nước. Một năm sau, từ thành phố Toulouse sinh viên Trần Văn Giàu lên Paris tham dự cuộc biểu tình trước Phủ Tổng thống đòi xóa an tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân Đảng bị Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cảnh sát liền tống giam anh vào nhà tù Loa Roquillis và sau đó Chính phủ Pháp trục xuất về nước. Thất hứa, chàng rể không biết ăn nói ra sao với gia đình bên vợ. Ngày bố vợ gặp con rể trước song sắt nhà tù, cụ Đỗ Tường Ninh ôm chầm lấy Trần Văn Giàu nghẹn ngào nước mắt: “Anh về như thế này quả không hổ danh là rể gia đình Đỗ Tường”. Người dân Lục tỉnh ngày ấy, không ai xa lạ những bậc nam nhi quân tử dòng họ Đỗ Tường đã lần lượt ngã xuống vì giữ gìn từng tấc đất của giang sơn xã tắc không để rơi vào tay “bọn bạch quỷ”. Cố Đỗ Tường Kiên có 3 người con trai ở trong nghĩa quân Thủ khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) chống Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, cả ba người đều bị thực dân Pháp bắt. Con trai cả Đỗ Tường Phong bị án chém. Con trai thứ hai Đỗ Tường Định bị bắt đem về bản quán xử bắn. Con trai thứ ba là Đỗ Tường Soạn, giặc cắt gót chân để mất khả năng hoạt động. Cụ Đỗ Tường Soạn là thân sinh điền chủ Đỗ Tường Ninh mà cụ bà Trần Văn Giàu – Đỗ Thị Đạo gọi bằng ông nội. Suy nghĩ của tôi bị cắt đứt khi cụ Sáu Giàu kêu người cháu rót rượu. Là hàng cháu chắt, được cụ đồng ý tiếp đã là diễm phúc, tôi nhớ lời dạy đến với người trên phải cung kính, khi ngồi cũng cần chú ý không được ngồi ngang hàng, phải kéo ghế lùi lại phía sau; nay cụ lại cho hầu rượu, tôi không dám, mà xin phép dùng nước trà, lấy lý do còn phải lái xe về. Người cháu của cụ phụ thêm: “Cậu này học Đại học Sư phạm ra, nên mẫu mực như thầy giáo, cậu không uống rượu”. Cụ tỏ vẻ không vui. Bác nháy tôi: “Cậu uống chút rượu cho ông vui lòng”. Vậy là rượu nho tím được rót ra. Cụ Sáu Giàu nâng ly kêu tôi chạm. Cụ nói: “Tôi yếu lắm rồi. Chắc không ra Hà Nội được”. Dứt lời, cụ tiếp tục nâng ly, kêu tôi: “Uống đi”. Xong cụ đặt ngay xuống làm bác muốn chụp cảnh cụ uống rượu mà không kịp… Giấc mộng của Trần Văn Giàu lấy hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa để trở thành ông Nghè kép – Bidocteur – chỉ hơn một năm sau đã trở thành hiện thực bởi Nguyễn Mạnh Tường, chàng sinh viên là hậu duệ của lớp Sĩ phu Bắc Hà. Kỷ lục cổ lai hãn hữu ấy trong học đường nước Pháp đến nay chắc rằng chưa có người thứ hai lặp lại. Tôi lại tiếp tục dòng suy nghĩ miên man khi thấy cụ dõi đôi mắt đi tận phương trời nào đó, xa xăm lắm, hình như ở Liên khu IV, trường Dự bị Đại học khi cụ ở một mình một túp lều dựng giữa đồng? Hay những ngày trở về Hà Nội khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ thành lập trường Đại học Sư phạm Văn khoa, khai giảng tại cơ sở cũ vốn là trường Đại học Đông Dương (đường Lê Thánh Tông – quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) do GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc, GS Trần Văn Giàu làm Bí thư Đảng ủy, GS Nguyễn Mạnh Tường làm Phó giám đốc? Rồi thời gian trong một hành trình gặp giông tố, bão táp của biển đời sau đó… ♦ ♦ ♦
Cụ Sáu Giàu trao tay cho tôi cuốn sách “Vĩ đại một con người” (tác giả Trần Văn Giàu) tài liệu phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008, với những dòng chữ run run mà vẫn còn ấm tình nặng nghĩa: “Thân tặng gia đình Nguyễn Mạnh Tường – Giàu”.
Nâng ly lần thứ ba, lão giáo sư uống một hơi dài cạn ly rồi mỉm cười. Tôi đưa máy ảnh và chớp được ngay: Nụ cười ở tuổi cận bách niên!... 15 phút gặp gỡ đã trôi qua thật là nhanh, tôi xin phép cụ đứng lên ra về. Nắm tay tôi, cụ Sáu Giàu dặn dò: - “Lúc về Hà Nội nhớ cho tôi thăm gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường”. Kẻ hầu chuyện là tôi xin mượn bút ghi lại khoảnh khắc gặp gỡ với với con người nghĩa khí kẻ sĩ Gia Định: GS Trần Văn Giàu. Chỉ vài giờ sau đó, cũng chính tại ngôi biệt thự ẩn trong hẻm này, Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ thành phố Hồ Chí Minh sẽ tới trao tặng cụ Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Tôi viết những dòng cuối cùng này tại con lộ nối dài từ Chợ Lớn tới Sài Gòn đúng vào ngày 25 tháng Tám năm 1945 cách nay 64 năm, khi đó dòng người như nước đổ về giành chính quyền tại Sài Gòn – Gia Định dưới sự chỉ huy của Chủ tịch Uỷ ban Giải phóng Lâm thời Trần Văn Giàu cùng các nhà lãnh đạo như Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch… Tôi rời thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội trong niềm hân hoan đã thỏa nguyện đến không ngờ. Ly rượu mà GS Trần Văn Giàu cho tôi có vinh dự được hầu đó là dành cho gia đình người đồng nghiệp năm xưa và phải chăng cụ mong muốn thay lời chúc cho Lễ kỷ niệm bách tuế LS Nguyễn Mạnh Tường được thành công tốt đẹp! Thật không ngờ, người đồng hành không quen biết ngồi ghế bên cạnh trên chuyến đi cùng với tôi ra Thủ đô mang ra một tờ tạp chí có in hình cụ Sáu Giàu ngồi cùng người bạn đồng niên, đồng nghiệp, đồng Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Kính mong hai cụ mạnh khỏe, song toàn đại thọ trăm năm, song hành cùng con cháu trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội…
TP. Hồ Chí Minh, ngày 25/8/2009
Bài viết đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay – Hội KHLS Việt Nam, số 341, tháng 10-2009.
7-12-09 |