CÒN AI NHỚ NHỮNG NƠI NÀY

Tùy bút

Nguyễn Thị Hậu

Thương nhớ những cây cầu

Sài Gòn – Chợ Lớn là đô thị sông nước, hẳn rồi. Vì thế đây cũng là thành phố có nhiều cây cầu cổ xưa, từng giữ vai trò quan trọng của hệ thống giao thông đường bộ trong quá trình đô thị hóa gần suốt thế kỷ XX. Lang thang Sài Gòn - Chợ Lớn, nhìn ngắm những cây cầu mới hay cũ như đang được gặp gỡ những “chứng nhân” của từng giai đoạn lịch sử thành phố.

Khu vực Sài Gòn – Gia Định có những cây cầu nổi tiếng như Cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Bình Lợi, cầu Kinh, cầu Kiệu, cầu sắt Đa Kao, cầu Trương Minh Giảng, cầu Công Lý… rồi cầu Ông Lãnh, cầu Mống, cầu Khánh Hội, cầu Calmette, cầu Kho-cầu Muối, cầu chữ Y…  xây dựng trong nửa đầu thế kỷ XX. Đến nay hầu hết những cây cầu này vẫn còn và đã sửa chữa nhiều lần hoặc được xây mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày một tăng của đô thị lớn nhất nước. Những cây cầu ở khu vực này cho thấy một Sài Gòn hiện đại, trẻ trung đang ngày một đẹp hơn.

Khu vực Chợ Lớn kinh rạch chằng chịt. Những con kinh chính ở Chợ Lớn là  Kinh Tàu Hủ đoạn từ Xóm Chỉ (đường Tản Đà đến Rạch Lò Gốm), Rạch Chợ Lớn (đoạn chảy từ Xóm Chỉ hướng vế Bắc vào Chợ Lớn, Tây đến giáp nước Rạch Chợ Lớn-Rạch Lò Gốm và kinh Vòng Thành (đường Nguyễn Thị Nhỏ ngày nay); Kinh Bãi Sậy (kinh Hàng Bàng, Canal Bonard) và Kinh Vòng Thành (Bao Ngạn- Canal de Ceinture, được đào năm 1875 nhưng chỉ vài chục năm sau đã bị lấp đi vì xóm Lò Gốm không còn hoạt động nữa)… Từ những con kinh này có hàng chục rạch nhỏ tỏa đi khắp khu vực như những mạch máu li ti nuôi dưỡng sức sống ngày đêm của một đô thị thương mại lớn nhất phía Nam. Vùng này cũng có những cây cầu nổi tiếng như cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chà Và…

Chỉ cần đi dọc theo những con kinh có thể còn nhìn thấy những cây cầu sắt cổ xưa đã già nua lắm rồi: trên kinh Tàu Hũ có Cầu Xóm Chỉ, cầu Bình Tây, cầu Chữ U… Trên kinh Bãi Sậy- Hàng Bàng có cầu Gò Công… Một số cây cầu khác chỉ được gọi đơn giản là “cầu sắt” để phân biệt với cầu xi măng, mặt cầu còn lót ván, có cầu thang đi lên, nay chủ yếu dành cho người đi bộ và xe đạp. Đoạn cuối kinh Tàu Hũ ở quận Tám còn vài cây cầu sắt in bóng trên dòng kinh đen cùng bóng dừa,  vài chiếc ghe miền tây neo lại nổi lửa trên bếp cà ràng cho bữa cơm chiều… dường như chốn thị thành xa lắm, dù chỉ bên kia cây cầu đã là đại lộ mới tám làn xe chạy thênh thang…

Kinh rạch vùng Chợ Lớn  đã bị lấp nhiều do tốc độ đô thị hóa và sự hoàn thiện của đường bộ, do dó nhiều cây cầu cũng biến mất theo, chỉ có thể “nhìn thấy” qua những bức ảnh xưa như cầu Ba Cẳng, vài cây cầu đã thành đường như cầu Minh Phụng, Lò Gốm, cầu Quới Đước, cầu Gò Công…

Ngày cuối năm ngồi ở quán cà phê nhỏ trên đường Hoàng Sa, trước mặt là công trường chuẩn bị xây dựng lại cầu Kiệu. Hai cầu tạm đã được bắc xong, đường dẫn vòng cũng đang hoàn thành, cần cẩu đã được đưa về phía đầu cầu, xà lan đã neo ở chân cầu… Giờ này còn vắng chứ vào giờ tan tầm con đường này cây cầu này thường kẹt đường chen chân không lọt. Theo thiết kế, các cây cầu huyết mạch đang được xây mới như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sĩ, cầu Hậu Giang có kiến trúc đẹp, hiện đại, nâng cao tĩnh không cho ghe tàu có thể lưu thông trên sông rạch, Nhiêu Lộc – Thị Nghè hay Bến Nghé, Kinh Đôi… sẽ hồi sinh, sức sống của thành phố sông nước sẽ ngày càng tươi mới.

Theo đà phát triển, nhiều kinh rạch ở nội thành ngoại ô đã bị lấp để xây dựng thành đường bộ, thành phố liền lạc hơn mở rộng hơn xưa nhiều lần nhưng hiện tượng ngập nước khi mưa, vào những ngày “triều cường” cũng nhiều hơn… Đi đường bộ quen rồi lại thấy những cây cầu là “chướng ngại”… Không khéo sau này ký ức về các cây cầu chỉ còn lưu lại ở địa danh bởi cầu mới không khác gì  đường bằng, qua cầu cũng chỉ như đi trên một đoạn phố thị mà thôi.

Vậy nên giờ này ngồi đây mà đã thương nhớ những cây cầu xưa quá chừng quá đỗi…

Có còn ai nhớ nhà đèn

Người Sài Gòn không mấy ai không biết đến địa danh Chợ Quán. Chợ Quán nguyên là tên một xứ đạo hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 18. Nhà thờ Chợ Quán xây dựng từ 1887 đến 1896 – một trong vài nhà thờ xây dựng sớm nhất và đẹp nhất tại Sài Gòn. Dần dần khu vực này phát triển thành một phần của đô thị Sài Gòn mở rộng hồi cuối thế kỷ 19, địa danh Chợ Quán gắn liền với hai công trình dân sinh khác, đó là Nhà đèn Chợ Quán và nhà thương Chợ Quán.

Hỏi người Sài Gòn: nhà đèn Chợ Quán ở đâu thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời, nó ở kế bên nhà thương Chợ Quán. Hỏi tiếp, vậy chớ nhà thương Chợ Quán ở đâu, thì nghe: cứ kêu taxi  hay xe ôm chạy tới vùng Chợ Quán hỏi thì ai cũng biết! Hóa ra hai cái “nhà” này nằm kế nhau trên đường bến Hàm Tử (cũ), nơi giáp ranh quận Một và quận Năm, quay mặt ra sông Bến Nghé – con sông thông thương giữa sông Sài Gòn, vùng Bến Nghé với vùng Chợ Lớn và đi về miền Tây.

Vậy tại sao không gọi Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện Chợ Quán (như nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội)? Có lẽ phải trở về lịch sử chiếu sáng đô thị Sài Gòn. Từ năm 1867 ở Sài Gòn, chủ yếu là khu trung tâm quận Nhất hiện nay, đã có đèn thắp sáng đường  phố bằng dầu dừa, nhưng chỉ gần ba năm sau, 1870, đã có đèn thắp sáng bằng dầu lửa. Đèn dầu lửa sử dụng liên tục mấy chục năm. Đến đầu thế kỷ 20 bắt đầu có đèn điện chiếu sáng từng khu vực rồi mở rộng sang vùng Chợ Lớn. Vì vậy, gọi là Nhà đèn là vì nhà máy làm cho đèn điện cháy sáng, kể cả đèn điện ở trong nhà lẫn đèn điện ở ngoài đường. Người Sài Gòn giải thích giản đơn như vậy.

Nhiều người, cả tôi nữa, vẫn cho rằng Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện sớm nhất Sài Gòn, có khi sớm nhất nước, nhất Đông Dương. Nhưng hóa ra không phải! Sài Gòn có nhà máy điện đầu tiên vào khoảng năm 1897 nhưng nó ở vào vị trí Công ty Điện lực trên đường Hai bà Trưng phía sau Nhà hát Lớn bây giờ. Sau đó có thêm một vài nhà máy điện nhỏ khác nhưng chỉ cung cấp điện cho từng khu vực. Nhà đèn Chợ Quán xây dựng vào năm 1922 với công suất đủ cho nhu cầu của Sài Gòn – Chợ Lớn và một số thị trấn phụ cận như Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, đồng thời từ lúc này này hầu hết các đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều được chiếu sáng bằng điện của “nhà đèn” Chợ Quán nên tên gọi này được nhiều người biết và nhớ cho đến nay, khi nhà máy đã đi vào quá khứ hơn chục năm.

Nhà đèn Chợ Quán nằm kế sông Bến Nghé, cũng như nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội nằm cạnh bờ đê sông Hồng. Con sông là đường vận chuyển than – nhiên liệu chính của máy phát điện. Sau này nhà máy có máy phát điện bằng dầu Diezen nhưng người Sài Gòn đã quen với những ống khói cao tuôn những cột khói trắng lan nhanh trên bầu trời xanh. Nếu thấy từ phía nhà đèn Chợ Quán những cột khói đen là dân Sài Gòn biết có sự cố, coi chừng mất điện. Hàng ngày vào lúc mười hai giờ trưa, cũng từ đó khói trắng dày hơn, rồi vang lên một hồi còi dài. Thợ thuyền thì gọi là còi tầm (thay ca kíp) còn công chức thì biết đến giờ nghỉ trưa. Từ các nhà máy, công sở người tuôn ra, đường phố tấp nập giữa cái nắng gay gắt và ngay cả trong cơn mưa tầm tã…

Đã lâu rồi trong các đô thị không còn vang lên tiếng còi tầm dù nhịp sống vẫn vội vã như thế. Vắng những tiếng còi tầm, tiếng chuông nhà thờ hay chỉ tiếng chuông đồng hồ thong thả trong từng ngôi nhà, dường như con người ít khi biết giật mình nhìn lại…

Khi đại lộ Đông – Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) đang xây dựng thì từ đầu năm 2008, khu vực nhà đèn Chợ Quán rộng 6,5 ha được quy hoạch thành Khu phức hợp văn phòng - trung tâm thương mại - khách sạn - căn hộ (gọi tắt là khu phức hợp). Nhà máy điện Chợ Quán đã ngừng phát điện, những tòa nhà đồ sộ hồi nào xây bằng gạch lâu ngày ám khói đen, những ống khói vươn cao không còn nữa, nhà thương Chợ Quán cũng xây mới và đổi tên thành Trung tâm bệnh nhiệt đới.

Cảnh quan nơi này đã thay đổi hoàn toàn. Địa danh Chợ Quán chắc không lâu nữa ít người biết đến, bởi vì thế hệ cư dân gắn liền với địa danh này đã vào lứa tuổi xưa nay hiếm. Ký ức của họ về nhà đèn Chợ Quán mà họ muốn kể cho con cháu có chăng chỉ còn trong trí nhớ, trên vài tấm bưu ảnh. Ngay cả cái tên nôm na “nhà đèn”, “nhà thương”, “nhà giây thép” (bưu điện) chỉ còn đâu đó trong vài đoản văn nhớ về xưa cũ. Với những người phải rời chốn này sinh sống ở phương xa, nhớ về Sài Gòn là nhớ những gì gắn bó thân thuộc hàng ngày, con đường góc phố, quán cà phê nhỏ, cây điệp vàng, hoa dầu hai cánh xoay xoay… tất cả thuộc về đời sống bình thường nhưng cũng là “chứng nhân” của bao thăng trầm của đô thị Sài Gòn.

Là sự trùng hợp hay hữu ý mà nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội cũng đã tháo dỡ và ngưng phát điện từ năm 1988, thay vào đó là công trình trụ sở Tổng công ty điện lực Việt nam VNE. Còn ở Sài Gòn, chỗ nhà đèn Chợ Quán nay cũng được quy hoạch “xây dựng công trình khu văn phòng công ty Điện lực TP.HCM làm điểm nhấn phát triển các công trình xung quanh”. Đối với những trung tâm kinh tế - văn hóa – chính trị thì nguồn điện là năng lượng quan trọng không thể thiếu được cho đời sống và sản xuất kinh doanh, vì vậy nhà máy điện là một trong những cơ sở hạ tầng dịch vụ quan trọng nhất của đô thị. Bởi vậy trong ký ức đô thị của người Sài Gòn luôn hiện diện nguồn ánh sáng từ nhà đèn – như một biểu tượng của nếp sống văn minh.

Khu phức hợp hiện đại thì cũng cần, nhưng vì thế mà phế bỏ chứng tích văn minh đô thị ngót trăm năm thì như vậy lại không phải đạo. Không biết trong tòa nhà hoành tráng kia có góc nào dành cho ký ức về nhà đèn Chợ Quán hay không?

Cột cờ Thủ Ngữ

Theo tài liệu lịch sử, sau khi chiếm Sài Gòn (1859) Pháp xây dựng công xưởng hải quân (tức xưởng Ba Son) ngay sát Xưởng Thủy của triều Nguyễn, nơi được coi là vị trí rất tốt cho việc đặt các ụ sửa tàu, có khả năng tiếp nhận nhiều loại tàu thuyền vào cập bến. Bên cạnh công xưởng hải quân chính quyền Pháp cũng thiết lập một hải cảng thương mại quốc tế mới ở sông Sài Gòn phía cửa rạch Bến Nghé. Chỉ một năm sau (1860) Pháp đã quyết định mở thương cảng cho tự do thông thương và khu vực cảng này hoàn tất vào năm 1863, đánh dấu bằng sự hiện diện của tòa nhà trụ sở Công ty vận tải đường biển Pháp (Messageries Maritimes) tức Bến Nhà Rồng. Khoảng từ 1870 bắt đầu có tàu thủy chạy bằng hơi nước từ nhiều nơi ghé bến Sài Gòn.

Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10 năm 1865 tại khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng, nay ở đầu đường Hàm Nghi. Cột cờ là một bộ phận kỹ thuật của cảng Sài Gòn, có chức năng gắn liền với việc điều hành những chuyến tàu ra vào cảng. Kiến trúc của Cột cờ Thủ Ngữ khá độc đáo gồm 3 tầng giật cấp, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ, gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác… Trên một tấm ảnh chụp ghi năm 1882 đã thấy cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng tạo nên một cảnh quan đẹp tại nơi “thoi loi đất” ngã ba sông rợp cây xanh và lộng gió.

Ở Sài Gòn và vùng phụ cận có vài địa danh mang chữ "Thủ", như Thủ Thiêm, Thủ Đức, xa hơn là Thủ Dầu Một ở Bình Dương, Thủ Thừa ở Long An... Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, "Thủ" có nghĩa là "giữ, giữ gìn". Cột cờ "Thủ ngữ" ở Sài Gòn với chữ “thủ” mang nghĩa là "điểm/vị trí giữ cửa/cảng biển”. "Gia Tân nền tạm thuở xưa, Ngày nay có dựng cột cờ gần bên" như Gia Định phong cảnh vịnh củaTrương Vĩnh Ký đã miêu tả. Vương Hồng Sển ghi trong Sài Gòn năm xưa về chức năng của cột cờ Thủ Ngữ: “Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn”.

Thời đó, lúc chưa có xe hơi, sang lắm mới đi xe ngựa, phần lớn dân chúng đi bộ… thì việc những chiếc tàu thủy từ phương xa theo sông Sài Gòn vô tận bến cảng là biểu hiện của quá trình “hiện đại hóa” vào nửa sau thế kỷ 19. Cột cờ Thủ Ngữ có vị trí ngay bến cảng, cấu tạo bằng sắt cao vút với nhiều bộ phận, chức năng báo hiệu cho tàu thuyền ra vào, khác biệt với cột cờ truyền thống trong thành quách cung điện xưa… đã trở thành một dấu chỉ hiện đại của đô thị Sài Gòn.  

Ngày nay Cột cờ Thủ Ngữ không còn thực hiện chức năng của nó. Các công trình ở gần như bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng, cầu Mống cùng với cột cờ Thủ Ngữ tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, chứng nhân của quá trình phát triển cảng Sài Gòn và nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh. Trải qua gần 150 năm, hiện nay khi hệ thống cảng Sài Gòn đã di dời gần hết ra khỏi thành phố, từ Tân Cảng đến Ba Son, kể cả khu vực Khánh Hội, thay vào đó là những dự án của một vài tập đoàn bất động sản đã “chuyển đổi công năng” toàn bộ khu vực có những di tích công nghiệp xưa nhất của thành phố và cả nước… thì có lẽ Cột cờ Thủ Ngữ và Bến Nhà Rồng là chứng tích cuối cùng của một thời thương cảng Sài Gòn sầm uất!

***

Một trong những đặc trưng của Sài Gòn – Bến Nghé từ khi khởi lập cho đến khi người Pháp xây dựng một đô thị, và cho đến TP. Hồ Chí Minh đầu thế kỷ 21, là đây là một thành phố - thương cảng. Từ “cảng Sài Gòn” nơi đây không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm tiếp nhận và giao lưu với nhiều nền văn hóa mới, yếu tố kỹ thuật  hiện đại trên thế giới. Có thể nói, nếu không có tính chất “cảng thị” thì Sài Gòn khó có thể là một thành phố đa dạng và cởi mở về kinh tế - văn hóa – xã hội như ngày nay.

Với ý nghĩa lịch sử của Cột cờ Thủ Ngữ đối với thương cảng Sài Gòn nói riêng và thành phố nói chung, từ góc độ bảo tồn di sản đô thị, nên chăng ngôi nhà dưới chân cột cờ cần được trùng tu và xây dựng thành phòng trưng bày nhỏ về Cảng Sài Gòn từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 - giai đoạn Pháp bắt đầu xây dựng và mở mang khu vực Cảng và phát triển thương mại đường biển. Đồng thời trùng tu, bảo quản toàn bộ cấu trúc kỹ thuật của cột cờ. Phục dựng và định kỳ “diễn lại” chức năng kéo cờ hiệu kết hợp với tàu du lịch ra vào phía bến Nhà Rồng. Hoạt động này sẽ làm cho Cột cờ Thủ Ngữ trở thành “điểm nhấn” thu hút du khách đến tham quan, như những trường hợp phục dựng sinh hoạt cổ xưa tại nhiều di tích lịch sử văn hóa trên thế giới.

Ngoài ra, khu vực Bến Nhà Rồng - cầu Mống - tòa nhà Ngân hàng quốc gia - tòa nhà Hải quan thành phố - bến Bạch Đằng - Cột cờ Thủ Ngữ cần được gìn giữ bảo vệ như “không gian di sản” của thành phố – giống như khu vực đường Nguyễn Huệ - UBNDTP – Nhà thờ Đức Bà – Bưu Điện - Dinh Thống Nhất, vì đây là những nơi tập trung các công trình được xây dựng vào thời kỳ sớm của đô thị Sài Gòn.

   

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-11-18