Hội An – Đêm Trăng 14

Tùy bút

Nguyễn Thị Hậu

 

Mỗi ngày mặt trời mọc rồi lặn, dù ở nơi nào thì bình mình rồi cũng trôi đến hòang hôn. Ngày đang đến cũng là đang qua… Nhưng có những ngày, vào thời khắc bóng tối ngập ngừng bao phủ không gian, phía chân trời lại hiện lên một vầng sáng nhẹ nhàng, trong trẻo, mềm như lụa, dịu như nhung.

Mùng Một lưỡi trai, mùng hai lá lúa… vầng sáng dần đầy đặn, để rồi sẽ viên mãn vào ngày Mười sáu thật trăng. Người ta thường ca ngợi vẻ rực rỡ của đêm rằm 15, vẻ hòan hảo của trăng 16. Thời gian trôi qua, khi đã nhìn thấy, đã trải nghiệm không ít những buồn vui trong cuộc sống, ngỏanh lại, dường như chỉ vầng trăng 14 e ấp dịu dàng là còn mãi trong ký ức ta.

Lần đầu tiên tôi đến Hội An cách đây gần ba mươi năm. Khi ấy Hội An còn là một thị xã nhỏ, nằm nép mình trên con đường đến thành phố Đà Nẵng, lặng lẽ bên sông Hòai, hầu như chưa mấy người biết đến… Khi ấy phố cổ nhà xưa vẫn còn nguyên nét cũ kỹ và không có nhiều cửa hàng cửa hiệu như bây giờ. Chưa tròn một buổi đã đi hết những con đường nhỏ hầu như yên tĩnh suốt ngày. Hội An lúc ấy còn như một thiếu nữ tuổi 14 dậy thì, đang ngơ ngác và lạ lẫm với chính mình, tuy có nét vụng về nhưng đã không dấu được một vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng. Từ đó Hội An luôn trở lại trong ký ức tôi, mặc dù nhiều năm sau tôi vẫn chưa có dịp quay lại nơi này…

Bây giờ Hội An đã là một địa danh quen thuộc và nổi tiếng. Cô thiếu nữ rụt rè ngày nào nay đã trở thành một cô gái đẹp, vẻ đẹp hòai cổ nhưng tràn đầy sức sống. Dường như cô đang tái hiện vẻ đẹp thế hệ những người bà, người mẹ từng làm nên sức sống và sự phồn thịnh của Hội An nhiều trăm năm về trước.

Nhiều người khi đến với Hội An đều có chung một cảm nhận: văn hóa và con người Hội An có gì đó độc đáo, riêng biệt mà sao vẫn thấy gần gũi, quen thuộc. Phải chăng đó là lối sống bình dị mà thân thiện của cư dân nơi đây? Phải chăng là những ngôi chùa, dãy nhà xưa với vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông, tuy có thể tìm thấy ở bất cứ đâu nhưng khi tập hợp thành một quần thể trong một không gian lặng lẽ như ở đây đã làm cho Hội An trở nên khác biệt? Từng là Đại Chiêm hải khẩu rồi Fai Fo/ Hội An, cư dân Hội An không chỉ là những thương gia sống trong phố cổ buôn bán trong các cửa hiệu, nhà hàng mà còn là những người nông dân ở các làng lân cận, mỗi ngày đưa rau xanh, bánh trái, hoa tươi… vào thị xã, là những người thợ thủ công mang đến những sản phẩm nhỏ bé được làm ra bằng tài nghệ của chính mình, góp phần trang điểm cho phố cổ sinh động hẳn lên. Ca dao Hội An có câu:

Hội An đất hẹp người đông

Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu

Dạo từ sông trước xóm sau

Dưới thì Âm Bổn, Chùa Cầu ở trên.

Thời gian qua đi nhưng người phố Hội vẫn giữ được sự mộc mạc giản dị trong tính cách, vẫn lưu truyền những sản phẩm thủ công đơn sơ mà độc đáo từ bao đời. Đọan sông Thu Bồn qua Hội An vẫn còn đó lễ hội đua ghe như nhắc lại một thủa thương cảng sầm uất trên con đường tơ lụa nổi tiếng ở biển Đông. Truyền thống văn hóa của người Hội An hấp dẫn những ai chưa đến và đã níu giữ tình cảm của nhiều du khách dù chỉ một lần đến với Hội An.

Lần này tôi trở lại Hội An đúng vào một đêm trăng 14. Vào lúc hòang hôn, khác với mọi ngày phố cổ bỗng nhộn nhịp hơn. Đêm nay, đêm lễ hội của phố cổ, những gì tinh túy nhất của Hội An sẽ được “khoe” với du khách.

“Lễ hội đêm rằm” là sự sáng tạo của người dân phố cổ trong việc phục hồi không gian  và tái hiện hoạt động của cư dân xưa. Khi những ngọn đèn lồng được thắp sáng, phố cổ hiện lên dáng dấp một cảng thị sầm uất với những cửa hàng tấp nập, người dạo chơi nhìn ngắm ngòai cư dân bản địa còn có nhiều người nước ngòai đến đây. Có thể đó là thương nhân ở lại vài tháng chờ mùa gió thuận để đòan thương thuyền tiếp tục ngược lên phương Bắc hay xuôi về phương Nam. Cũng có thể là người thủy thủ chỉ ghé vào cảng Hội An trong chốc lát trên hành trình dọc biển Viễn Đông. Trong đêm hội du khách bỗng thành những người khách ngọai quốc thủa xa xưa, họ không chỉ là người chứng kiến lễ hội mà thực sự, họ còn là một thành phần quan trọng tạo nên lễ hội.

Nếu đèn lồng như ánh mắt dịu dàng, đằm thắm của đêm phố cổ thì hoa đăng sông Hoài thật sự là một lễ hội của ánh sáng. Với người Hội An, thả hoa đăng thật sự là một thú chơi nghệ thuật, là món quà tặng du khách khi đến tham quan phố cổ vào những ngày lễ hội. Ngày thường, những người thợ thủ công cắt, gấp, dán giấy thành nhiều đóa hoa đa sắc để sẽ thắp sáng chúng trong lễ hội. Hoa đăng được chuyển lên thuyền, đợi lúc nước ròng thả xuống dòng sông.  Theo dòng nước, hoa đăng lúc kết thành từng chùm, từng vạt, lúc nối thành bè, khi tách rời, xé lẻ từng chiếc tạo thành dòng sông rực sáng dọc theo dãy phố. Vài thảm hoa đăng sau khi diễu hành trên sông thì dìu nhau vào gần bờ, hắt lên thứ ánh sáng dìu dịu đủ thấy rõ những gương mặt thích thú, hân hoan của du khách đang say sưa ngắm nhìn. Ngồi trên những bậc thềm của phố cổ hay trong những quán xá bên kia sông Hoài, du khách đều hướng về dòng sông lung linh hoa đăng, mắt ngắm nhìn mà tai thưởng thức những làn điệu dân ca xứ Quảng văng vẳng đâu đây. Trong đêm Hoa đăng  cư dân nơi đây và du khách muôn phương cùng gửi gắm những ước nguyện vào những ngọn hoa đăng thả trôi trên sông nước, cầu mong một cuộc sống luôn no ấm, bình yên và hạnh phúc. Muôn ngàn ánh sáng lung linh trên mặt nước càng về khuya càng bàng bạc ánh trăng, tựa như những con người từ thế giới linh thiêng đang hiện về chứng thực lòng thành của người còn sống. Nếu đã đến Hội An mà chưa một lần thả hoa đăng thì bạn đã bỏ qua một dịp được chiêm nghiệm cảm giác sự giao hòa trời đất và con người trong phút chốc bỗng trở thành hiện hữu…

Trong ánh đèn lồng huyền ảo phố cổ bất ngờ hiện lên một vẻ lãng mạn lạ lùng. Xưa kia người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng. Sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng đèn điện từ mùa thu năm 1998 đã mang lại hiệu quả không ngờ và giờ đây đã trở thành một tập quán đẹp của Hội An. Vào mỗi đêm 14 âm lịch, thị xã yên bình này như được quay trở về hơn 300 năm trước. Những dãy phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đồng loạt tắt đèn. Các gia đình tự nguyện ngừng sử dụng các thiết bị như TV, đèn đường, đèn neon... để không gian phố cổ chỉ còn lung linh những ngọn đèn lồng nhiều hình dáng. Ánh sáng ngọn điện nhỏ được khuyếch tán và dịu hẳn đi nhờ những chiếc đèn lồng bằng lụa nhiều màu sắc, nhiều hoa văn… gây men say lâng lâng cho mỗi người đi trên phố cổ mà như đang sống trong một thế giới huyền ảo. Sự nhộn nhịp của đêm hội, sự huyền ảo của hoa đăng đèn lồng không làm nhạt đi nét cổ xưa của những ngôi nhà cổ hằng trăm năm tuổi. Lối kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà cổ giống như tính cách của người Hội An xưa: cởi mở thân thiện mà không xô bồ, không ồn ào. Ở Hội An, nhịp sống và  thời gian đương đại như dừng lại khi chạm vào từng ngôi nhà cổ. Thời gian đã in dấu lên những mái ngói cổ kính, những mảng tường rêu phong. Và người Hội An hôm nay vẫn đang kể lại những câu chuyện lịch sử bằng những việc làm, nếp sống và sinh hoạt hằng ngày.

Hàng năm các gia đình ở Hội An từ phố thị đến nông thôn đều duy trì nhiều lễ cúng tại nhà như cúng giỗ, cúng các vị thần, cúng giải hạn cầu may… Cúng ngày rằm, mùng một hàng tháng là lễ cúng phổ biến nhất. Đa số các gia đình ở đây đều cúng trước một ngày, như cúng rằm vào ngày 14, cúng mùng Một vào ngày 29, cúng Ông Táo vào khuya 22 thay vì ngày 23 tháng Chạp. Sự khác biệt trong lễ cúng này so với nơi khác đến nay vẫn chưa rõ nguyên do.

Cũng như nhiều nơi khác, ở Hội An Rằm Trung thu cũng là một lễ hội quan trọng trong năm. Tại các đình, chùa, lăng, miếu… đều được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí khang trang đẹp đẽ và bày biện đầy đủ lễ vật, sẵng sàng cho nghi lễ chính vào tối 14. Tại những cửa tiệm bánh, lồng đèn, lân và Ông Địa, những đồ chơi bằng giấy, các mâm trái cây cúng… đã được các nghệ nhân chuẩn bị từ vài tuần trước. Đến ngày hội những sản phẩm được bày bán rất phong phú và hấp dẫn không chỉ trẻ con mà cả người lớn.

Đặc biệt ở Hội An ngày rằm tháng Mười được cư dân chú ý hơn cả. Tục ngữ Hội An có câu:

Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy

Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không

Rằm tháng Mười mười người mười quảy

Điều này có lẽ do ngày rằm tháng Mười còn là ngày Hạ Nguyên Thủy Quan, liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Thủy Thần, mà cư dân Hội An xưa đa phần sống bằng nghề sông nước (thương thuyền, đánh bắt thủy hải sản…) nên được cư dân thực hành và duy trì lâu dài. Ngòai ra, tháng Mười còn là tháng thu họach cây trồng của nghề nông cổ truyền, vì vậy cúng rằm tháng Mười cũng có ý nghĩa lớn đối với cư dân làm nghề trồng trọt ở Hội An. Ngòai việc cúng ở bàn thờ Phật, ngũ tự, khám thờ các vị Thần bảo hộ như Thần bếp… các gia đình còn bày trước nhà một mâm cúng đất đai, âm linh, thần thánh. Cho đến ngày nay lễ tục này được duy trì phổ biến và trở thành nếp sinh họat tâm linh rất ấn tượng ở Hội An.

Chính vì vậy những đêm 14 cúng rằm – một di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành thành “sản phẩm du lịch” độc đáo của Hội An mà không nơi nào có được.

Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An có trữ lượng khá lớn, phong phú và đa dạng về lọai hình, về nguồn gốc, nội dung phản ánh chân thực truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương. Cùng với những di sản văn hóa vật thể như nhà cổ, đình, chùa, hội quán, đền miếu… di sản văn hóa phi vật thể là chứng tích bề dày truyền thống của cư dân Hội An trong quá trình thích nghi với môi trường và hòa hợp một cách nhuần nhuyễn văn hóa giữa các tộc người Việt – Chăm – Hoa. Viết thư pháp, chơi cờ tướng… không chỉ nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân mà còn là sinh họat văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần hướng thiện, hướng đến những giá trị tinh thần tốt đẹp, trở thành những mỹ tục của cư dân phố Hội.

Là sáng tạo của cộng đồng cư dân, được lưu truyền, bổ sung liên tục từ đời này sang đời khác bằng nhiều hình thức, các hình thái văn nghệ dân gian trở thành kho tàng lưu giữ các tác phẩm dân gian, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất, nề nếp sinh họat, ứng xử trong cộng đồng. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, đến nay môi trường văn hóa – xã hội sản sinh ra những hình thái văn nghệ dân gian ở Hội An đã có nhiều biến đổi, nhưng di sản văn hóa dân gian được người Hội An bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Thiếu phần hồn, phần tinh túy này, Di sản thế giới Hội An chỉ còn những di tích vật chất khô cứng, đơn điệu và mất đi nhiều sức hấp dẫn.

Hội An vùng đất thấm đẫm sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm –Hoa, những hình thức sinh họat văn nghệ thể hiện rất rõ điều này. Hát bội là lọai hình biểu diễn nghệ thuật được yêu thích nhất của cư dân phương Nam. Hát bội thường được biểu diễn trong đình vào dịp lễ Kỳ yên (cầu an). Tích tuồng đề cao nhân nghĩa, khuyến thiện trừ ác, là những bài học đối nhân xử thế cho mọi tầng lớp người trong xã hội. Những điệu múa, bài ca của người Chăm, người Hoa hay người Việt đều trở thành tài sản chung để cộng đồng cư dân phố Hội cùng gìn giữ và giới thiệu với bạn bè.

Trong dịp lễ tết, hội hè người Hội An thích chơi bài chòi. Theo những ghi chép của nhiều nhà nghiên cứu, chơi bài chòi ở đây có điểm khác với trò chơi này ở nơi khác: người ta dùng hai bộ bộ bài chòi, một bộ để ở trung tâm làm thành từng thẻ, bộ còn lại phát cho các chòi. Bắt đầu chơi, người hiệu đến trung tâm rút một thẻ bài và hô lên, kèm theo một câu hát. Chòi có thẻ bài trùng tên thì đánh trống báo hiệu để nhận. Cứ thế trò chơi tiếp tục đến hết thẻ.

Trò chơi dân gian ở Hội An rất phong phú, nhiều cách thức, hình thức. Ngòai chức năng vui chơi giải trí những trò chơi còn có tác dụng rèn luyện sự khéo léo, nâng cao kỹ năng kỹ thuật cá nhân. Trò chơi dân gian còn là “chất kết dính” tăng cường tinh thần cộng đồng, bồi dưỡng tình yêu quê hương từ khi còn thơ ấu. Trong những dịp hội hè, lễ tết dân gian có nhiều trò chơi cho trẻ em và người lớn.

Trong kho tàng dân ca Hội An, hình thức hát hò khoan rất phổ biến. Vào những đêm trăng, dịp giã vôi, giã gạo, đập lúa, đạp nước… cư dân thường mở cuộc hò khoan. Đây là hình thức hát tập thể số lượng người tham gia và thời gian cuộc hát không cố định. Người ta chọn ra 3, 4 đôi nam nữ hát chính, sau mỗi câu hát những người xung quanh xướng đệm. Cuộc hát có khi kéo dài đến hết đêm.

Hội An là đất hội ngộ, ngao du của giới văn nhân Thi – ca – nhạc – họa. Hội An còn là quê hương của một số văn nghệ sĩ, là nơi nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học từng sống và đi học. Nơi đây Hội nhạc Faiffo ra đời khá sớm, từ năm 1942. Hiện nay ở Hội An những nghệ sĩ trong nhóm nhạc Cung đàn xưa, tuổi đã vào hàng “xưa nay hiếm”  nhưng vẫn thường xuyên biểu diễn những bản nhạc lãng mạn thời “tiền chiến”, những bài hát tràn đầy tình yêu đất nước. Nhạc sĩ Hòang Mỹ Tú là một trong những tác giả của nhiều ca khúc về con người và quê hương Hội An. Được nghe bản nhạc, bài ca của các bậc tiền bối ở đây, tôi càng hiểu vì sao người Hội An, dù đi đâu ở đâu, vào những dịp Lễ Tết đều nóng lòng quay về quê hương, như ca sĩ Ánh Tuyết, người con của Hội An, đã có lần tâm sự với khán giả của mình.

Phố Hòai bốn tháng một phiên

Gặp cô hàng xén anh kết duyên vừa rồi

Nhng ai đã một lần đến với Hội An Hòai Phố thì không thể quên được dãy phố xưa mái ngói rêu phong, ngôi chùa cổ mong manh hương khói, cây cầu cong như chiếc lược ngà gài trên mái tóc mượt mà của dòng sông Hòai, không thể quên những con người hồn hậu tài hoa đã giữ cho hồn phố cổ còn vẹn nguyên.

Thời gian trôi qua, những lớp cư dân mới rồi sẽ tiếp tục sinh sống nơi đây. Mong sao họ sẽ mãi gìn giữ từng con đường nhỏ bình yên, từng ngôi nhà mắt cửa thân thiết mời chào, gìn giữ từng phong tục, từng trò chơi, từng lời ca điệu múa… Gìn giữ những đêm trăng 14 lung linh ấm áp những ngọn hoa đăng những ánh đèn lồng, gìn giữ mãi nét tinh tế, chân thành của người Hội An.

Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế… để rồi sẽ có ngày tái ngộ Hội An.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-4-19