NGHĨ VỤN VỀ SÁCH

Tạp bút

Nguyễn Thị Hậu

1. Nhà có tủ sách từ khi tôi còn bé xíu, đó là cái tủ đóng bằng gỗ tạp nhưng cũng có hai cánh cửa lắp kính và quét vecni màu cánh gián, trông khá sang trọng trong gian phòng tập thể chật hẹp. Trong tủ sách lớn nhỏ sắp xếp thứ tự theo từng ngăn, là sách do ba tôi mua từ đồng lương eo hẹp của ông. Sách văn học nhiều nhất, rồi sách dành cho thiếu nhi, sách lịch sử và cả sách nghiên cứu về sân khấu – nghề của ba tôi.

Thời trước 75 Hà Nội ba tôi thường mua sách ở hiệu sách nhân dân phố Huế hoặc thi thoảng dẫn tôi lên hiệu sách lớn phố Tràng Tiền. Tuy số lượng đầu sách ra hàng năm không nhiều nhưng mua sách không khó lắm. Ngoài ra có sách nhà xuất bản Cầu Vồng của Liên Xô bán ở hiệu sách ngoại văn, giá rẻ mà in rất đẹp, toàn truyện hay. Một cuốn sách hay được xuất bản là một sự kiện, không rầm rộ nhưng nhiều người quan tâm, tìm đọc và bàn tán, giới thiệu cho nhau. Ngày ấy mọi người cũng hay mượn sách của thư viện.

Sau 1975 đến những năm 1990, số lượng đầu sách được in khá nhiều nhưng chất lượng thì kém, cả nội dung và hình thức. Giấy đen, bìa xấu, chữ nhòe nhoẹt, được cái nhiều cuốn rất hay, nhất là từ thời “mở cửa” thì thị trường sách văn học sôi động hẳn lên. Giá tiền so với đồng lương công chức cũng không phải là rẻ, nhưng người yêu sách thì “chấp” hết.

Đến khi internet phát triển, tưởng rằng sách in sẽ phải “mờ dần” như cảnh cuối của những bộ phim kinh điển, ngờ đâu bây giờ sách lại quá nhiều! Nhiều thể loại nhiều chủ đề nội dung, nhiều nhà xuất bản nhiều công ty làm sách. Nhu cầu nào cũng có sách đáp ứng: dạy làm người dạy làm giàu dạy quản trị dạy ngoại ngữ, dạy con trẻ dạy chữa bệnh dạy nấu ăn... Nào sách kinh điển, sách nghiên cứu hàn lâm hay “nghiệp dư”, sách văn học các thể loại từ trong nước ra ngoài nước đa dạng đến mức khi ai đó hỏi một về tác giả nổi tiếng thì người “mọt sách” cũng không thể nhớ ra ngay. Sách cho các lứa tuổi từ mẫu giáo đến tuổi cần gắn nhãn 16+ hay 18+ như phim. Các tác phẩm bán chạy trên thế giới chỉ sau một thời gian rất ngắn đã được dịch và xuất bản trong nước. Sách mỗi ngày mỗi phong phú, in đẹp cà bìa và ruột, và “hạ giá” thường xuyên. Những ngày “hội sách” tổ chức trong Nam ngoài Bắc bao giờ cũng nườm nượp những người, doanh thu năm sau tăng hơn năm trước... Thế mà cứ kêu “văn hóa đọc xuống cấp”?

Mới hôm rồi có một cuộc trao giải thưởng về sách. Bạn bè lại được dịp bàn luận với nhau “thế nào là sách hay”? Chẳng ai có thể trả lời ngay mà đều dẫn ra một vài cuốn sách nào đó mình “thích” vì nội dung, vì cách viết của tác giả, vì vấn đề đặt ra... để chứng minh cái hay của sách. Sự cảm thụ một cuốn sách nói riêng hay văn chương nói chung với mỗi cá nhân luôn có tính riêng tư và chân thành, vì nó gắn liền với hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Nhưng với một thế hệ dường như sự cảm thụ này thường ảnh hưởng những “kinh nghiệm” và “ám ảnh” tập thể trong một bối cảnh xã hội... Những người cùng thế hệ cùng trải nghiệm “thực tiễn nghề nghiệp” thì thường đồng thuận về một cuốn “sách hay” – như cùng quan niệm về một giá trị văn hóa - cho nên giải thưởng là sự công nhận và phản ánh tâm thức ấy. Bởi vậy cũng không lạ khi một giải thưởng về văn chương thường có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt.

2. Năm trước tôi sửa nhà vì bị thấm dột đã lâu, rồi chỗ này hư chỗ kia hỏng… Tưởng chỉ sửa chữa nhẹ, ai ngờ đụng vào đâu cũng thấy... có vấn đề. Vậy là phải đóng gói đồ đạc gọn gàng. Nhà không lớn, cứ tưởng mỗi ngày đều đã dọn dẹp thì chắc một hai ngày sách vở quần áo đồ đạc linh tinh sẽ vào hết những thùng giấy, vali túi xách… Vậy mà mấy ngày liền cả nhà cật lực cũng chỉ xong chỗ sách vở - tài sản nhiều nhất sau hơn 30 năm hai vợ chồng dạy học và nghiên cứu.

 Sách có khắp nơi, cái giá sách lớn đóng lúc mới xây nhà đã đầy ắp, các con lớn dần, sách vở mỗi ngày nhiều lên vậy là phải mua thêm kệ.… Internet có Google đấy nhưng không thể mất thói quen mua sách và đọc sách. Mỗi cuốn sách cầm lên là thấy một trời kỷ niệm, một thời đã qua. Nhiều cuốn sách in từ những năm 1980, đụng vào phải nhẹ nhàng như cầm cổ vật, vẫn không nỡ bỏ đi chỉ vì trang lót có chữ ký từ thời con gái. Có cuốn sách dùng nhiều đến mức bìa long gáy rời, vì không được tái bản nên cứ dùng mãi… đến lúc thông tin trong đó cũ rồi thì xếp lên giá sách, lâu lâu nhìn thấy như gặp lại người bạn cũ. Có cuốn tiểu thuyết… hồi xưa bớt tiền chợ để mua vào cái thời khốn khó đồng lương giáo viên không đủ ăn được 2 tuần, vậy mà cứ nhìn thấy sách truyện là mắt sáng lên, không mua được thì thấy như mình đánh mất vật quý. Có cuốn sách tưởng bị mất bỗng tìm thấy nằm sâu trong góc tủ, vuốt ve những tờ giấy quăn góc mà muốn thì thầm xin lỗi vì đã để sách đau. Nhiều cuốn sách mới mua, được bạn tặng, được biếu… mà chưa có thời gian đọc, nhìn thấy lại áy náy, mấy lần đã “quyết tâm” thu xếp thời gian mà vẫn chưa đọc hết.

Lựa chọn mãi, xếp vào lại lấy ra rồi lại xếp vào… cuối cùng hầu như chẳng bỏ đi cuốn nào. Rồi tất cả sách cũng đã vào thùng, phân loại sơ sơ, đánh số ghi rõ từng thùng để sau này sắp xếp vào đúng vị trí cũ. Khi rảnh rỗi sắp xếp lại sách trong tủ trên kệ thực là một “thú vui tao nhã”. Vừa xếp vừa giở vài trang, đọc hú hoạ một câu một đoạn nào đấy như kiểu Bói Kiều. Có lần giở cuốn tiểu thuyết Thuyền trưởng và đại uý – niềm say mê hồi những năm là sinh viên –  bắt gặp câu này “Em muốn quên hết những chuyện đã qua nhưng còn luyết tiếc quá khứ…” mà như thấy lại cả một đoạn đời dài phía sau...

Đi mua sách cũ hay gặp những cuốn sách có lời đề tặng của tác giả. Câu chữ thân thiết, trân trọng cho biết người được tặng là người yêu, bạn bè, anh em, đồng nghiệp, tác giả tặng độc gỉa... Có cuốn đã cũ nhưng cũng có cuốn còn mới nguyên. Chợt nhớ câu “mỗi người đàn bà như một cuốn sách...”. Ngậm ngùi, không hiếm người phụ nữ có số phận như những cuốn sách tặng nằm trong hiệu sách cũ...

Qua vài tháng nhà sửa xong rồi. Trên các kệ trong các tủ từng hàng sách cũ sách mới lại đứng cạnh nhau, như quá khứ luôn hiện diện trong mỗi ngày ta đang sống.

 

3. Có cuốn sách đọc đi đọc lại vì thích thú, vì sự đồng cảm, vì gợi lại những gì đã qua.
Có cuốn sách đọc vì cần thiết, cho công việc, cho một ý tưởng nào đó, một suy nghĩ về một người, một sự việc nào đó.

Có cuốn sách dù biết là cần thiết nhưng đọc hoài không xong, bỏ dở hai, ba lần rồi lại bắt đầu… Chắc tại mình tiếp thu kém, chậm hiểu, hoặc có lẽ vì cuốn sách quá dở.

Có cuốn sách đọc vì tò mò cái tựa, tò mò về tác giả hay chỉ vì nghe nói về nó nhiều quá

Có cả những cuốn sách tình cờ rơi vào tay, đọc để giết thì giờ…

Có những cuốn sách được đọc như một thói quen do nhu cầu tự thân…Có cuốn sách đọc một lần thấy cũng... thường thôi. Rồi một hôm nào đó đọc lại bỗng Ngộ ra nhiều điều...

Có những cuốn sách khi đọc như thấy tác giả đang cùng mình trò chuyện, dù đồng cảm chia sẻ hay không bạn cũng thấy tác giả chân tình, khiêm tốn, nâng cao người đọc.

Có những cuốn sách chỉ đọc cũng thấy mệt… vì sự uốn éo điệu đàng hoặc ăn to nói lớn, hoặc toàn lý thuyết như trên mây, chẳng thấy chút gì của đời sống thực. Tác giả như cho mình quyền đứng cao hơn mọi người để phán xét, dạy dỗ…

Mỗi cuốn sách đều ít nhiều mang lại một điều gì đó, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm, cảm xúc, niềm vui, buồn phiền và cả nỗi đau…

Và sau đó các cuốn sách hoặc ấn tượng, cảm xúc từ chúng, đều được gìn giữ cẩn thận như nhau, trên giá sách hay ở góc nhỏ nào đó trong ký ức.

Mỗi con người như một cuốn sách, sách phong phú như thế nào thì con người đa dạng thế ấy (hoặc ngược lại?). Mối quan hệ, sự gặp gỡ giữa những con người cũng giống như việc đọc sách;

Có người có những người bạn… như những cuốn sách mới, đẹp, hay nhưng chỉ để trên giá sách, làm sang hơn cho mình.

Có người vội vã sống, chỉ lướt qua những con người đã gặp như đọc qua một cuốn sách… rồi có khi thất vọng vì thấy cô đơn, vì thấy không thỏa mãn, nhưng muốn thỏa mãn điều gì thì có khi họ cũng không biết.

Có người sống chậm, đọc sách để tự mình luôn tìm hiểu mình trước, và tìm hiểu mọi người. Thường thì những người này luôn thấy những ưu điểm của người khác, những gì mà họ còn thiếu, chưa hoàn thiện. Do đó họ quý trọng các mối quan hệ trong cuộc sống.

Không hiểu sao tôi cứ nghĩ, nhìn cách đọc và cư xử với sách thế nào… có thể đoán biết sẽ cư xử với con người như thế.

 

 (Sài Gòn 19.9.2018)

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-11-18