NỐI MẢNH THỜI GIAN Tùy bút
Nguyễn Thị Hậu
Nhớ xe đạp mini
Bây giờ trên đường phố Sài Gòn hiếm khi nhìn thấy chiếc xe đạp mini.
Khoảng những năm 1970 – 1980 là thời hoàng kim của xe đạp mini và kiểu
áo dài
“hippi”.
Thời ấy nữ sinh thường mặc áo dài trắng, tà hẹp và ngắn khoảng ngang đầu
gối, quần ống rộng và đi xe đạp mini, đó là một hình ảnh quen thuộc và
rất đẹp của Sài Gòn.
Quả thật, xe đạp mini rất hợp với các thiếu nữ mái tóc thề ngang lưng và
tà áo dài bay bay trong gió. Áo dài không ôm sát mà xẻ eo cao hơn lưng
quần, khi ngồi xe không cần lót tà xuống yên xe cho kín đáo, tà áo buông
thả nhưng không lo bị quấn vào bánh xe, nhờ vậy hai tà áo cứ lượn lờ,
thi thoảng hé lộ chút eo thon hay khoảng lưng mịn màng… Sáng sớm hay
chiều tà, trên đường có những nàng thiếu nữ thong thả đạp xe phía trước,
thế nào cũng có chàng trai theo sau, chưa kể nhiều người đi qua còn
ngoái lại nhìn…
Nếu chiếc áo dài mini với hai tà ngắn và hẹp, cổ áo thấp, tay lửng tạo
nên sự thoải mái và năng động cho các nàng thì khi mặc với kiểu quần tây
ống loe rộng, dài phủ đôi guốc cao, đạp xe mini lại tạo nên vẻ dịu dàng
đằm thắm. Chiếc xe mini vành bánh nhỏ, yên xe và tay lái khá cao tạo sự
thoải mái cho người đi xe, ngồi trên xe thì lưng thẳng chân dài… Nếu khi
đi bộ “Em không dám đi mau, ngại
chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu” thì đi xe mini cũng ít cô
nào vội vàng. Cứ từ từ thong thả vòng bánh xe quay cùng lá me bay, chiếc
giỏ xe phía trước là cặp sách, có khi có chiếc nón vải gấp lại gọn gàng.
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa
phượng” làm rối lòng không biết bao nhiêu chàng trai mỗi khi hè tới.
A mà bồ bịch chở nhau bằng xe mini tình cảm hết biết: nàng ngồi phía sau
“miệng cười khúc khích trên lưng”
chàng, tay ôm hờ eo chàng. Còn chàng, một tay lái xe một tay nắm tay
nàng… Đi xe mini an toàn, có chuyện gì thì chàng chống hai chân xuống
đất chẳng lo té ngã.
Ở miền Bắc trước năm 1975 hoàn toàn không có xe đạp mini, thỉnh thoảng
trên phố thấy có chiếc xe đạp thiếu nhi Liên xô dân quen gọi là xe “pơ
giô con vịt”. Sau 1975 xe mini ra Bắc không nhiều, hình ảnh các anh bộ
đội đi tàu Thống Nhất vác theo cái khung xe đạp buộc con búp bê nhắm mở
mắt quen thuộc gần chục năm sau chiến tranh. Còn ở Sài Gòn mặc dù có xe
mini Nhật nhưng phần lớn xe đạp đều do nhà máy ở bên khu Khánh Hội sản
xuất, với những nhãn hiệu quen thuộc như LUX, MOTOBECANE… Xe đạp mini
thường có màu đỏ, màu trắng rất hợp với đồng phục học sinh. Hầu như mỗi
nhà đều có một, hai chiếc xe mini cho con đi học. Nhà khá giả thì có xe
gắn máy nhưng học sinh trung học rất ít người dùng, phần lớn người đi xe
gắn máy là người đã đi làm hay sinh viên.
Cho đến những năm 1990 xe máy ít dần, xăng dầu khan hiếm, xe đạp càng
trở nên phổ biến nhiều loại xe lớn, xe mini không được ưa chuộng như
trước. Lúc này ai cũng vất vả làm ăn, đi xe lớn nhanh hơn, chở được
nhiều hơn. Một chiếc xe đạp gắn thêm ghế nhỏ phía trước là chở được “cả
hộ khẩu” trên xe, gồm vợ chồng và một, hai đứa con. Chiếc xe đạp lúc đó
cũng như một gia tài chứ không chỉ là phương tiện bình thường.
Rồi đến lúc xe máy Trung quốc ồ ạt tràn vào, “đánh bạt” xe Dream Thái xe
Daelim Hàn, xe cup “nghĩa địa” Nhật… Các loại xe đạp cũ biến mất. Sài
Gòn có xe đạp Martin 107, lúc đầu lắp ráp xe lớn nhưng sau có thêm xe
mini. Sau khi nhà nước quy định học sinh trung học chưa đủ tuổi đi xe
máy thì thị trường xe đạp sôi động hơn, nhưng cũng ít người chuộng xe
mini như trước.
Bây giờ trên đường thành phố là xe hơi xe máy, vội vã ồn ào chen chúc…
Đâu ai thích đi xe đạp nữa? Áo dài mới được hồi sinh nhưng hoặc là kiểu
cổ điển sang trọng hoặc “cách tân” ngắn ngủn cứng đơ. Cả hai kiểu đều
không thích hợp với chiếc xe đạp mini giản dị, năng động mà dịu dàng.
Hình ảnh “tà áo em bay bay trên
phố ” chỉ còn là ký ức…
Hẻm
hoa lan
Hẻm nhỏ này không phải là đường Hoa Lan bây
giờ ở khu Phan Xích Long, Phú Nhuận. Nhiều người sống ở Sài Gòn trước
năm 1975 biết con hẻm ngắn này, nó nằm trên đường Trần Quý Cáp (nay là
đường Võ Văn Tần).
Hồi đó hẻm Hoa Lan tuy là đường dẫn vào nhà một “ông lớn” nhưng trong
hẻm vẫn sinh hoạt bình thường. Phía đầu hẻm là một quán cơm bình dân bán
vào buổi trưa, bên cạnh là xe bán cà phê nước ngọt. Đối diện có “vựa”
nước đá là những chiếc kệ gỗ lớn bên trên chất đầy nước đá cây, phủ bạt.
Rồi thời gian sau ở đầu hẻm có thêm ông sửa xe máy xe đạp, xe trái cây
cóc ổi xoài mía ghim… Buổi sáng khách ngồi uống cà phê đọc báo, buổi
trưa quán cơm đông khách, bàn ăn dọn cả dưới tán cây điệp khá lớn trong
hẻm. Thỉnh thoảng có chiếc xe hơi màu đen sang trọng từ từ ra vô, chờ
cho khách đứng lên đẩy lui mấy bộ bàn ghế nhựa cho xe đi qua, dù hẻm
đông người bác tài cũng không bấm còi giục giã mà còn vui vẻ gật đầu cám
ơn mọi người. Khách quen cũng giơ tay chào lại rồi bình luận, hôm nay
ổng đi trễ hén? ủa bữa nay không thấy ổng… “Ổng” là chủ nhân ngôi dinh
thự rất đẹp trên một khuôn viện rộng ở cuối hẻm.
Thật ra phần lớn khách biết hẻm này là từ quán cơm bình dân. Không biết
quán có từ bao giờ nhưng người sống quanh đó đã quen với cảnh hai vợ
chồng chủ quán lui cui dọn hàng từ 7,8 giờ sáng. Quán che mái ghé vào
bức tường ở một bên hẻm, mấy bộ bàn ghế nhựa cuối ngày xếp gọn gàng, ba
bốn ông lò lớn dùng than đước. Chỉ có nồi cơm lớn là nấu sẵn ở nhà và xe
ba gác chở tới vào khoảng 10g, được ông chủ đặt lên cái bếp lớn bên dưới
than hồng riu riu cho cơm nóng, ai ăn trễ vào cuối giờ trưa sẽ
được thêm miếng cơm cháy mỏng giòn tan. Thức ăn chén bát phụ gia…
chở tới từ sáng sớm, xào nấu tại chỗ thơm phức. Xế chiều lại dọn tất cả
về nhà. Công chức ở công sở gần đó, học sinh trường
Lê Quý Đôn, Marie Curie, các bác chạy xích lô, taxi… là khách
hàng thường xuyên của quán, chưa kể nhiều người ghé mua cơm mang về nhà
ăn.
Cơm trưa ở đây thường có hai, ba món mặn, một hai món canh, mấy món xào,
rau sống… đơn giản nhưng rất ngon và rẻ. Một dĩa cơm (cơm thêm và trà
đá, chuối tráng miệng không tính tiền) với đĩa lươn xào xả ớt hay xào
lăn, tô canh chua lươn bắp chuối rau muống chỉ 20 đồng tiền Việt Nam
cộng hòa (lúc đó chưa đổi tiền, mì gói 2 tôm chỉ có 10 đồng một gói).
Những món ngon của quán, ngoài món lươn kể trên còn có cá trê chiên
dầm
nước mắm gừng, khô cá lóc chiên với nước mắm xoài bằm, khổ qua xào trứng
hay khổ qua hầm thịt, tép rang nước dừa… tất nhiên không thể thiếu thịt
kho hột vịt dưa chua dưa giá ăn với canh cải xanh thịt bằm, hay canh
chua cá khô tộ… Những món ăn rặt Nam bộ nhưng quyến rũ khẩu vị của nhiều
người.
Bây giờ khu vực này đã thay đổi nhiều, nhà cao tầng mọc lên thay thế
những căn nhà phố hay biệt thự, công sở văn phòng ngân hàng san sát, nhà
hàng và quán cà phê dày đặc… Nhiều dân cư mới thay thế dân trong hẻm Hoa
Lan, lớp khách cũ cũng không còn lui tới nơi đây vì những chủ quán xưa
cũng không còn. Dinh thự trong hẻm từ lâu đã vắng người ra vô.
Sài Gòn có hàng ngàn hẻm nhỏ, từ những khu biệt thự trên con đường lớn
hay ngang dọc khu bàn cờ, trong xóm nhà lá trên kinh rạch… Hẻm là một
phần của đời sống đô thành Sài Gòn, nơi đây hòa hợp giữa lối sống đô thị
và làng quê tứ xứ. Người trong hẻm là quan chức hay bình dân, công chức
hay buôn bán, sĩ quan nhà binh hay chạy xích lô… ra vô gặp mặt chào hỏi
thân tình, gặp chuyện thì qua lại phụ giúp. Không gian hẻm là “của
chung” ai sử dụng cũng được, miễn là giữ gìn sạch sẽ và đừng gây phiền
hà cho người qua lại. Đặc biệt những quán cơm bình dân trong hẻm vừa
ngon vừa rẻ, lại “đậm đà bản sắc” vùng miền của cộng đồng dân cư ở khu
vực đó. Khách sành ăn thường tìm đến quán cơm hẻm mà khách lạ đến một
lần thì nhớ mãi.
Nhiều người nói rằng chỉ cần một lần bước chân vô những con hẻm của Sài
Gòn là có thể cảm nhận được về cuộc sống và con người thành phố này. Hẻm
Hoa Lan là một trong muôn vàn hẻm phố như vậy ở Sài Gòn.
Ai
bún bì... hông...
Hồi cuối năm bảy lăm nhà tôi ở một con đường gần Lăng Cha Cả. Con đường
nhỏ nhưng dài hai bên là dãy nhà phố xen lẫn những biệt thự kín cổng
nhưng tường không cao, thường là hàng rào bông giấy xanh mướt rợp hoa đỏ
hoa tím. Những con hẻm cụt
chỉ có vài ba nhà, đất vườn rộng trồng cây ăn trái, cây kiểng…
Cuối đường là một cái chợ trời bán đồ điện máy, nhiều nhất là quạt điện,
máy may, xe Honda, dàn Akai nghe nhạc… Rồi bàn ghế nồi niêu xoong chảo,
chén dĩa kiểu bán cả bộ có, lẻ bộ cũng có. Đó là đồ đạc từ những ngôi
nhà vắng chủ ở xung quanh,
có người ăn trộm mà người ăn kẻ ở lấy bán cũng có… Thời buổi lộn xộn,
người bỏ đi rồi giữ được cái nhà là may, đồ đạc còn ai dùng mà giữ? Sau
vài năm cái chợ trời này cũng tự giải tán, chắc vì không còn “chà đồ
nhôm” (chôm đồ nhà) được nữa.
Trên con đường ấy mỗi xế chiều khoảng hai, ba giờ lần lượt có những gánh
hàng rong đi qua, tiếng rao đủ cung bậc trầm bổng. Đầu tiên là chị bán
chè “ai chè đậu xanh, đậu trắng, táo xọn chè thưng bột báng nước cốt dừa
hông…”. Chị đi qua rồi mà tiếng rao vẫn ngân nga trong hẻm nhỏ. Kế đến
là anh
bán
bánh
“chưng
giò tét đây” cất tiếng cụt lủn nhưng vui vẻ xen với tiếng chiếc xe đạp
của anh kêu lọc xọc… Anh chưng giò tét còn vòng lại vài lần tới khuya,
lúc nào cũng có bánh nóng hổi. Rồi bà bắp nấu giọng khan khan đẩy cái xe
hai bánh có thùng bắp bốc hơi nghi ngút, chị đậu hũ giọng bắc thanh
thanh đi qua rồi mà
mùi
nước đường thốt nốt thơm mùi gừng còn vương lại,
tiếng rao của
bà bán bánh ướt chả lụa mới nghe
ai
cũng tưởng là “sách bút đả bộ” không hiểu bán gì, vì bà gốc người Hoa
nói tiếng Việt lơ lớ. Mỗi khi một tiếng rao vang lên người trong phố có
thể đoán biết là mấy giờ, kể cả khi trời mưa cũng ít khi sai lệch.
Chỉ có một người thất thường, khi trưa khi chiều, có khi sẩm tối… dù vậy
nhưng bao giờ bà cũng bán hết hàng nhanh chóng. Đó là bà bún bì. Giọng
miển
Tây
cất tiếng rao nhỏ nhẹ “ai bún bì… hông…bún bì đây…”. Người trong phố nói
bà mới xuất hiện khoảng nửa năm, nghe nói chồng đi lính mà mấy ngày cuối
cuộc chiến không thấy về nhà, chẳng biết sống chết thế nào đi ở ra sao.
Dưới
quê lộn xộn không làm gì được, bà gửi bầy con cho bên ngoại rồi lên
thành phố với gánh bún bì, vừa kiếm sống vừa tìm chồng.
Món bún bì khá mất công. Khi có người ăn bà bán bún bì hạ đôi gánh
xuống, lấy ra chiếc thớt nhỏ bằng gỗ me và dùng chiếc khăn trắng tinh
lau qua, lấy mấy miếng da heo luộc chín và dùng một con dao bén ngọt bà
khéo léo lạng da heo thành từng lát mỏng dính, rồi nhanh tay sắc thành
sợi nhỏ. Đến miếng thịt heo khìa nước dừa ngà màu nâu rất hấp dẫn bà
cũng làm như vậy. Thịt khìa phải là thịt đùi vừa mỡ vừa nạc mềm mà không
khô.
Để thịt và bì đã xắt vào một chiếc tô, bà xúc một muỗng thính gạo thơm
lừng, thêm chút tỏi bằm nhuyễn, chút muối chút đường, trộn đều lên. Lấy
chiếc tô khác bà
bỏ vô
rau sống dưa leo cũng sắt sợi cùng với giá sống,
miếng bún đủ ăn, rồi để bì đã trộn lên trên. Chan một muỗng nước mắm pha
tỏi ớt, vậy là đã sẵn sàng cho người ngồi đợi đang hít hà mùi thơm của
tô bún bì. Sợi bún và cọng giá trắng tinh lẫn với sợi thịt sợi bì màu
nâu, sợi rau màu xanh, điểm lát ớt đỏ tỏi trắng ngà… hấp dẫn quá chừng.
Bởi vậy bất cứ lúc nào nghe tiếng rao bún bì hông bì bún đây… thì khách
quen không ai bỏ qua được. Món bún bì ăn nhẹ, dễ tiêu lại kích thích
khứu giác thị giác và cả vị giác nữa.
Đây là món ăn dân dã miền quê Nam bộ nhà nào cũng biết làm. Chỉ trong
chốc lát qua đôi tay người mẹ ngưới chị khéo léo lạng da xắt thịt thì sẽ
có ngay bữa bún bì đãi khách hay lót dạ buổi xế.
Bây giờ ít ai tự luộc và xắt bì
vì
khó làm, vì ngoài chợ đã có bán bì xắt bằng máy, sợi dài thòn đều như
một, ăn dai mà mất đi cái vị giòn của miếng bì tự xắt ăn ngay.
Mà cũng không thấy còn ai bán bún bì dạo như ngày xưa...
|