Góp ý Dự thảo Chiến lược văn hóa 2021-2030 :

NGHĨ VỀ CÁI KHÁC CỦA VĂN HÓA- THỂ THẢO- DU LỊCH

 

Ngô Thảo

 

Nước Việt Nam mình có một thể chế khác với nhiều nước trên thế giới, nên trong tổ chức hành chính cũng có những nét khác biệt. Có một bộ mang tên Văn hóa- Thể thao và Du lịch, là một trong những nét khác biệt đó. Mà ở nước mình, bất cứ ai, dù vốn thuộc chuyên môn nào, hể cứ trúng cử vào một vị trí trong BCH TW, là được phân công phụ trách một lĩnh vực quan trọng, bởi đương nhiên đó là một nhà bách khoa.

Chúng tôi, chỉ là một anh cán bộ quèn, được đi học không đến nơi đến chốn, nhưng có một số năm từng làm việc trong ngành văn hóa, một ngày kia, đọc tập họp ngôn từ này trong một cơ quan hành chính, bỗng nhận ra những khác biệt của từng chuyên ngành, mà lâu nay hình như  còn ít được đề cập, nên trong thực tiễn điều hành công việc, đã phát sinh những điều đáng suy nghĩ. Tất nhiên, chúng tôi biết các nhà chiến lược, khi tổ chức bộ máy hành chính đã tính toán chu đáo, rồi được Quốc Hội, gồm những trí tuệ siêu việt nhất của cả nước thông qua. Nhưng trong quá trình thực hiện, việc điều chuyển cán bộ liên tục, không biết nhiều cán bộ ở các địa phương, các ngành nghề khác được bổ sung về có liên tục được cập nhật những kiến thức này không.

Mấy thiển kiến dưới đây, mong được trao đổi, để hầu nhắc nhỡ một hiện trạng đáng lo lắng cho văn hóa nước nhà.

Trước hết, phải thấy, ngay trong bản chất, ba hoạt động này đã khác nhau về mục đích, biện pháp tiến hành, và quan trọng là tư duy chiến lược. Mọi văn kiện của Đảng và Nhà nước đều xác định: Văn hóa là mục tiêu và nền tảng tinh thần  của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi. Có ai thử đem TT và DL thay vào đây để thấy vị trí khác nhau trong đời sống xã hội hiện đại? Chúng tôi không muốn nói văn hóa quan trọng hơn hai ngành TT và DL. Mỗi hoạt động đều có vai trò quan trọng của nó. Cái chính là trong hoạt động, mỗi ngành đều cần những cách thức thực hiện, liên quan đến đó là Tư duy chiến lược rất khác nhau.

Trước hết hãy nói đến Du lịch. Phải xác định, đây là một dịch vụ nhằm mục đích kiếm lợi. Nó sử dụng những lợi thế và đặc  sắc của tự nhiên và nhân tạo của mỗi vùng miền, để chiêu dụ du khách. Bản thân ngành du lịch không có nghĩa vụ xây dựng hay sáng tạo nên các công trình đó. Việc tạo nên cảnh quan, đường sá đi lại, cơ sở nghỉ dưỡng hay lễ hội, nơi ăn chốn ở, tiện nghi sinh hoạt các đẳng cấp là của các địa phương, các ngành khác. Là một đất nước có địa hình kỳ thú, có lịch sử dựng và giữ nước lâu đời, mấy cuộc chiến tranh lớn vừa đi qua, việc xây dựng một đất nước hiện đại chỉ mới bắt đầu, dấu tích địa hình nguyên sơ còn phong phú là những lợi thế cho sự phát triển của ngành du lịch. Nhưng sau mấy năm phát triển, ngành này đang đứng trước những đòi hỏi mới từ cách thức tổ chức, chất lượng nhân lực, đến triết lý cơ bản của một hoạt động mang bản chất văn hóa. Nhân danh quảng bá hình ảnh đất nước, nhưng sau nhiều năm, số du khách  chỉ một đi không trở lại chiếm số đông, thì không thể coi việc quảng bá đã thành công. Hầu hết họ chỉ đi một lần cho biết, chứ chưa có ấn tượng, đừng nói là cảm tình sâu nặng với xứ sở này. Để chiều khách, không ít nơi, đã biến những nơi vốn để thờ tự thiêng liêng, các lễ hội vốn chỉ cho một cộng đồng giới hạn thành một sàn diễn sân khấu cho đông đảo người xem. Sự giải thiêng do mở cửa tự do cho du khách đồng nghĩa với việc hạ thấp các giá trị của văn hóa tâm linh, vốn là một nét đặc sắc trong tâm thế người Việt. Nương theo tâm thế đó, khá nhiều cơ sở thờ tự hoành tráng, đặc biệt là chùa chiền mới được dựng lên ở khá nhiều nơi, mà thực chất là những cỗ máy kiếm tiền, kinh doanh không che dấu dựa trên sự mê tín mới, không chỉ của người dân. Khai thác, sử dụng, tận dụng các giá trị văn hóa vốn có mà không có phương sách bảo tồn, gìn giữ, và xây dựng những giá trị văn hóa của NGÀY HÔM NAY thì tính tích cực về mặt lịch sử của ngành du lịch là điều cần được đặt ra trong quá trình phát triển. Nhất là hiện nay, một số địa phương, đang tách Du lịch thành một tổ chức độc lập. Những hòn đảo đẹp và giàu giá trị lịch sử như Côn Đảo, Phú Quốc, nơi nổi tiếng vì đã lưu đày nhiều thế hệ người tù yêu nước và Cộng Sản, thì khi người Cộng sản đã lên cầm quyền, đang tích cực đầu tư xây dựng thành thiên đường nghỉ dưỡng cho các tỉ phú và người giàu có trên thế giới, như lời tuyên bố của một vị Phó Chủ tịch Tỉnh ở đó. Diện tích mỗi đảo xấp xỉ quốc đảo Singapor, lại có nhiều thuận lợi hơn về môi trường địa lý, sao không  nghĩ đến  phương án xây dựng một xứ sở tuyệt vời theo lý tưởng mà vì nó hàng triệu người Cộng sản đã không tiếc xương máu, vượt qua mọi cực hình, tra tấn, khổ nhục hy sinh để có ngày thắng lợi? Nếu xây dựng được hai hòn đảo đó theo mô hình Cộng sản, hay gần hơn là chủ nghĩa xã hội hiện thực- vì, tất yếu, mô hình xã hội tương lai, trước hết phải được xây dựng ở một xứ sở nào đó- nơi người yêu người sống để yêu nhau thì  chắc cả thế giới sẽ đổ về đó đi du lịch, tìm hiểu, học tập, chứ không phải chỉ nghỉ dưỡng và vào các Casino đánh bài, điều mà ở đất liền nghiêm cấm. Một khi lấy lợi nhuận và đồng tiền làm mục đích tối thượng, làm mọi cách vừa lòng người có tiền thì những giá trị căn bản về thuần phong mỹ tục, về đạo lý và văn học dân tộc làm sao không bị xói mòn? Mà lúc đó liệu yêu cầu quảng bá văn hóa dân tộc và hình ảnh đất nước như là một mục đích của du lịch có đạt được? Điều đau lòng hơn cả là tốn bao nhiêu xương máu giành Độc lập chỉ để làm những việc này thôi sao?.Cơn dịch Covid hai năm qua, một khi không có khách ngoại, mà trong nước cũng khó đi lại,toàn bộ ngành Du lịch định hướng làm kinh tế bằng túi tiền của khách ngoại, có thể rút ra những bài học gì cho chiến lược lâu và bền vững là nên đặt ra.

Hoạt động thể thao những năm qua của nước ta phát triển sôi nổi, phong phú và đạt nhiều thành tích nổi bật. Cứ nhìn vào số lượng báo chí về thể thao phát triển thì thấy tính quần chúng của hoạt động này. Không rành và không theo dõi mảng này, nên phát biểu của cá nhân tôi có thể không chuẩn. Tôi chỉ dám nêu mấy nhận xét trên phương diện báo chí. Cứ như các báo đưa tin và quan tâm, thì chủ yếu là thể thao đỉnh cao, và quần chúng tham gia với tư cách người xem, chứ chưa phải người trực tiếp tham gia hoạt động. Tất cả các cơ sở vật chất được xây dựng với một nguồn kinh phí cực lớn ở khắp mọi miền đất nước, chủ yếu là để phục vụ các hoạt động thi đấu, chứ không phải là nơi ngày thường người dân có thể vào đó luyện tập. Sự lãng phí cơ sở vật chất thể thao chắc không ai không thấy. Nhờ có một đường hướng đào tạo rõ ràng, nên thể thao VN tham gia thi đấu các đấu trường quốc tế thường xuyên, và thành tích ngày càng cao. Điều đó đã khuyến khích sự lựa chọn của đông đảo tuổi trẻ nhiều lứa tuổi tham gia luyện tập. Những thành tích và vinh quang thể thao đỉnh cao mang lại được trả bằng giá nào, liệu có ai tính toán không? Tiền bạc là thứ rất khó nói. Nhưng tôi muốn nói đến khía cạnh NHÂN VĂN của thể thao đỉnh cao. Về nguyên tắc, đây là lĩnh vực của những sự PHI THƯỜNG. Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn, ở đây chỉ có chỗ cho sự hơn người. Tính cạnh tranh quyết liệt tạo nên tâm lý thi đấu thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi trở lại đời thường. Không phải vận động viên nào cũng dễ hòa nhập sau thời gian tham gia thi đấu. Những năm thi đấu đỉnh cao thường là rất có hạn, nhưng lấy đi rất nhiều thể lực và ý chí của người tham gia thi đấu. Sức khỏe là vấn đề phổ biến phải lo lắng. Không biết có con số thống kê nào về thương tật và di hại chấn thương và tuổi thọ của các vận động viên từng đoạt các huy chương ở các cuộc thi đấu lớn, những di chấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời? Một chế độ lương thưởng cho người đang luyện tập, và hệ thống bảo hiểm suốt đời cho họ luôn là vấn đề nóng ở mọi bộ môn và ở nhiều địa phương. Lại còn nghề nghiệp để ổn định cuộc sống lâu dài cho các vận động viên khi kết thúc thời gian thi đấu. Nếu không làm tốt các chế độ chính sách cho những người tham gia thi đấu thể thao đỉnh cao, mà không phải ai cũng đều đạt đến đỉnh, tính nhân văn của hoạt động thể thao đã không đạt được, mà mặt trái của nó sẽ ảnh hưởng đến tính cách của cả một lớp người đông đảo ít nhiều đều có tài năng về một mặt nào đó: Thói đố kỵ, vụ lợi, chụp giật, cạnh tranh không lành mạnh, vắt chanh bỏ võ…Nhìn nền bóng đá nước nhà, với bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư và sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo công chúng, mà luôn vướng phải những lùm xùm không đáng có của các lớp cầu thủ, chất lượng thi đấu phập phù, điều có thể thấy, ngoài thể lực và trình độ kỹ thuật chuyên môn, vẫn nổi bật vấn đề căn bản văn hóa và đạo đức của cả vận động viên  và đội ngũ huấn luyện viên. Về kinh phí,dù rất tốn kém, nhưng các nhà quản lý luôn tìm ra nguồn để đầu tư, và thực tế đã đầu tư rất hào phóng. Nhưng đầu tư về lực, huấn luyện chuyên về một bộ môn, làm méo mó sự phát triển bình thường, sử dụng và khai thác trong một thời gian ngắn, mọi kỷ lục luôn bị vượt qua, tai nạn nghề nghiệp càng đỉnh cao mật độ càng lớn, không được đào tạo văn hóa cơ bản ngay khi con trẻ tuổi, liệu đội ngũ này khi trở lại tham gia đời sống bình thường, mấy người có thể trở thành những công dân có cuộc sống tốt đẹp?

Thể thao, một hoạt động mang tính nhân văn, nhằm đào luyện con người toàn diện, và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, nếu tổ chức không tốt, chạy theo thành tích nhất thời, luôn có nguy cơ mang lại những hậu quả trái ngược. Không ít vận động viên có thể lấy cuộc đời họ chứng minh cho nhận định này.Thể thao phong trào, để nâng cao thể lực,tính kỷ luật và cả tầm vóc cho toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nên là một định hướng lâu dài và thường xuyên.

Hoạt động du lịch và thể thao, do thế, nếu không lấy văn hóa- nhân văn làm căn bản sẽ luôn có khả năng đi chệch hướng. Làm tiền bằng mọi giá, hay chạy theo thành tích, bất chấp số phận con người đã luôn được dư luận báo động, nhưng để tránh khỏi nguy cơ đó, thì phải thường xuyên trở lại định hướng: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Trong thực tế, đã có hiện tượng, tư duy của du lịch và thể thao có nơi có lúc chi phối cả các hoạt động văn hóa.

Bản thân văn hóa đang có khá nhiều vấn đề cần được làm rõ. Có thể kể nhiều thành tựu của văn hóa bằng những con số thống kê về cơ sở vật chất, số gia đình văn hóa và cở sở văn hóa, cùng nhiều tác phẩm và văn nghệ sĩ được tặng thưởng và các danh hiệu vinh dự. Nhưng ngay trong các văn kiện của Đảng cũng báo động về những nguy cơ suy thoái đạo đức xã hội, sự khủng hoảng trên diện rộng những chuẩn mực về lối sống không chỉ của lớp trẻ. Tất nhiên để dẫn đến thực trạng đó có rất nhiều lý do. Nhưng đội ngũ những người làm văn hóa không thể thoái thác trách nhiệm chính của mình.

Có một thực tế, hình như việc đầu tư cơ sở vất chất kỹ thuật cho văn hóa kém xa đầu tư cho thể thao. Như trên đã nói, các nhà thi đấu các loại hình thể thao được xây dựng hoành tráng và rộng khắp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mấy chục năm qua, ngay ở các thành phố lớn, việc xây một vài cơ sở biểu diễn và hoạt động cho nghệ thuật vẫn là của hiếm. Chưa nói đến hiệu quả hoạt động của các cơ sở đó.

Song điều đáng nói hơn chính là nhân lực trong các ngành văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật. Đây là lĩnh vực của những người có tài năng và năng khiếu, nên cần một chiến lược phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho họ hoạt động có hiệu quả. Về khâu này, như trên đã nói, thể thao đỉnh cao đã và đang làm việc này khá thành công. Các tài năng được phát hiện và đào tạo từ khi còn nhỏ tuổi. Việc học tập và tập huấn ở các trường và trung tâm tốt nhất của quốc tế là bình thường. Trong văn hóa điều này hình như không có ai quan tâm. Một số tài năng trẻ đó đây đều đi du học bằng con đường tự túc. Các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở trong nước phải nói thẳng là còn lâu mới sánh được với các nước trong khu vực, chớ nói quốc tế. Trong xã hội hòa bình, văn hóa- văn nghệ phải trút bỏ bộ trang phục mang nét thiêng liêng của nhà truyền giáo, để hòa mình vào cuộc đời đa sắc, đáp ứng nhu cầu giải trí khá khác nhau của số đông nhân quân. Đất nước mở rộng giao lưu, các phương tiện kỷ thuật truyền thông phổ cập, làm cho văn hóa mất hẳn hàng rào biên giới. Cuộc xâm lăng về văn hóa được các cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tiếp sức đã nhanh chóng đè bẹp các hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống. Mặc dầu Nhà nước và các nghệ sĩ đã rất cố gắng, nghệ thuật truyền thống dân tộc đang bị co cụm lại, với một nhóm khán giả ngày càng thưa vắng. Đặc biệt là sân khấu. Có lẽ, đã đến lúc phải xác định một số loại hình sân khấu, thuộc diện phải bảo tồn, tập trung ở một số đơn vị, ở những địa bàn cụ thể, với một chế độ hoạt động đặc biệt và được nuôi dưỡng thích đáng. Để họ tự bơi trải kiếm sống với cân bằng thu chi thì làm sao lại được với các ngành giải trí đang mọc như nấm sau mưa hiện nay!

Hòa nhập với thế giới, nước ta đang có một hệ thống truyền hình Nhà nước khổng lồ, không mấy nước phát triển theo kịp. Hơn 65 Đài truyền hình các địa phương, gần chục Đài các tổ chức Nhà nước, với hơn 300 kênh đồng thời phát sóng, có hơn 1.000 phòng chiếu phim , lại có 384 cơ sở được cấp phép sản xuất phim( Theo công bố của Cục Điện ảnh cuối 2015). Ngoài phần thông tin, thì nội dung chính của các đơn vị là sản xuất và phổ biến các sản phẩm văn hóa. Phải nói thẳng, năng lực sản xuất của văn hóa nội địa dù đã có nhiều thành tựu vẫn còn lâu mới đáp ứng cái dạ dày khổng lồ của cả hệ thống chuyển tải hiện đại và rộng khắp đó. Mở bất cứ một kênh nào, cũng tràn ngập phim truyện nhiều tập của các nước. Thậm chí có mấy diễn viên Hàn quốc, Trung Quốc xuất hiện với mật độ còn dày đặc hơn cả các ngôi sao Việt.Qua phim truyền hình, dân ta hiểu rõ lịch sử, văn hóa  nước họ hơn hẳn lịch sử, văn hóa nước ta Các rạp chiếu phim cũng quanh năm phải chiếu phim ngoại, vì năm nhiều VN chỉ sản xuất được một lượng phim rất có hạn, nấy năm gần đây, khá hơn cũng chỉ được hơn 40 phim, mà không phải phim nào ra rạp cũng đông người xem. Hiện tượng tràn ngập lãnh thổ của văn hóa ngoại, được sự tiếp sức của các phương tiện chuyển tải hiện đại ngay trong đất nước của mình, ai cũng nhìn thấy,  ai cũng nóng mặt, nhưng hình như các nhà chiến lược về văn hóa vẫn dửng dưng, nếu không nói, đó đây còn tiếp tay, bằng nhiều cách thức để thu lợi riêng. Các đài TH để tồn tại, đang ngốn một nguồn kinh phí rất lớn. Đua nhau lên sóng, nhưng liệu có ai kiểm đếm được số lượng người xem? . Mà một khi người ta đã không xem, thì liệu bao nhiêu tâm huyết của người làm ra các chương trình với ý định phổ biến kiến thức, giáo dục chính trị- tư tưởng, thì ngoài chính người làm, liệu có bao nhiêu công chúng biết đến? Mục đích phục vụ đã khó nhìn thấy kết quả, mà nguồn thu từ người xem không có, thì dẫu Nhà nước Trung ương và địa phương, cũng như các cơ quan chủ quản có hào phóng sử dụng ngân sách đến đâu, rồi có lúc cũng kiệt sức.  Một sự lãng phí tiền của, công sức lớn hình như khôngcó ai đứng ra chịu trách nhiệm. Món nợ đầm đìa mà ngay cả các Đài các thành phố lớn đang phải ghi sổ, không biết sẽ tìm ra nguồn nào để bù đắp?Tình trạng lương bổng, biên chê, cơ chế hoạt động của các Đài truyền hình hiện nay ra sao, liệu có cơ quan nào kiểm tra để biết thực trạng lạc quan hay bi đát thế nào không? Mức độ hoàn thành nhiệm vụ có tương xứng với nguồn tiền khổng lồ phải bỏ ra để giữ sự tồn tại của các cơ sơ TH?

Trong khi về kinh tế, nước ta đang tiến nhanh vào thời kỳ công nghiệp hóa. Ngay cả nông nghiệp cũng đang thời kỳ hiện đại, với quy mô lớn. Nhưng cái được gọi là nền tảng tinh thần của xã hội thì vẫn làm ăn nhỏ lẻ, cò con, mang thân phận của kẻ ăn theo kinh tế. Chắc chắn ở đây, đang thiếu một chiến lược văn hóa cơ bản để xây dựng nền Công nghiệp văn hóa. Hình như Hà Nội, vừa thức tỉnh khi có mấy cuộc hội thảo về làm kinh tế trong văn hóa và xây dựng công nghiệp văn hóa của một Thủ đô có hơn nghìn năm  văn hiến! Nói đến chiến lược, là phải nói đến con người. Tầm vóc, trình độ, sự am hiểu về các lĩnh vực sâu rộng của văn hóa của các nhà hoạch định chiến lược và quản lý văn hóa nhà nước hiện nay quả thật rất đáng lo lắng. Vẫn phố biến tình trạng các cán bộ hành chính và chính trị chay, trúng vào một cấp ủy nào đó mà không có chuyên môn sắc sảo được cử sang quản lý văn hóa, văn nghệ. Sứ mệnh của một Nhà nước là tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi, chính sách khuyến khích để những người có năng khiếu sáng tạo trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật, cũng như văn hóa được tự do phát triển tài năng, tạo nên những tác phẩm và sản phẩm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu xã hội. Số người này không có nhiều, mà cũng không phải tự nhiên mà có. Nên cần có quy chế phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, tổ chức cho họ làm ra sản phẩm mà xã hội cần. Nhân lực này hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, vừa chưa được tổ chức tốt để phát huy sức sáng tạo của họ. Một điểm cần chú ý, là nếu một vận động viên, chỉ phải đào tạo và huấn luyện trong một thời gian dài lắm là mươi năm, và họ hoạt động cũng chỉ trong khoảng thời gian như thế. Nhưng đào tạo nên một người hoạt động văn hóa hay văn học nghệ thuật cần một thời gian dài và trừ một vài ngành đặc thù, còn thì họ đều hoạt động gần suốt cuộc đời. Nếu ngành thể thao còn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng những con người cụ thể, làm những việc chuyên môn cụ thể, thì trong văn hóa, Nhà nước tham gia thì ít, mà tập trung nhiều hơn cho khâu quản lý, với ý nghĩa, nếu thiếu họ, thì mọi người sẽ đi sai đường! Cái khác nhau rõ nhất của thể thao và văn hóa là: Thể thao luôn luyện tập những điều Giống mọi người trong cùng bộ môn, chỉ cần vào một giây phút nào đó anh nhanh hơn, cao hơn, xa hơn hay vượt người khác một khoảng cách nào đó, một kỷ lục nào đã có người lập trước đó. Kỷ lục và chiến thắng chỉ có một lần và là trong khoảnh khắc. Còn sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật là phải luôn làm ra những thứ trước đó chưa hề có, không được lặp lại của người khác. Không phải vô cớ hay tự do chủ nghĩa, khi ngay trong những năm chiến tranh, nhà văn Vũ Cao, Chủ nhiệm Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, nơi tập trung những nhà văn sắc sảo của cả nước, nói một câu xanh rờn: Lãnh đạo văn nghệ, có nghĩa là không lãnh đạo gì cả. Đơn giản vì ông biết, mỗi nhà văn, tự họ đã là một nhà lãnh đạo của chính mình, Và nhờ thế, họ có được khoảng trời tự do nào đó để viết nên những tác phẩm gây xúc động một thời. Những người quản lý văn hóa ngày nay có vẻ thông minh hơn, nên họ luôn muốn là người cầm tay chỉ đường cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Cái gì khác, lạ, mới là họ sẵn sàng thổi còi và nêu ngay được giá phạt bằng tiền!

Mấy suy nghĩ sơ sài về những điểm khác nhau của văn hóa- thể thao- du lịch rất mong được trao đổi, để trong những năm tới, văn hóa VN có thêm sức tự vệ, thêm những tác phẩm và sản phẩm có thể là niềm tự hào của thời chúng ta đang sống, chứ không phải sống dựa vào vốn liếng của quá khứ, quyết không làm những kẻ ăn mày dĩ vãng.Giai điệu tự hào, không chỉ là chương trình chỉ hát lại những bài ra đời trong chiến tranh và cách mạng, bới chưa tìm ra được những giai điệu mới của những năm đất nước đang đổi mới từng ngày hơn một nửa thế kỷ xây dựng trong hòa bình, thống nhất,

 

                                                                                           16-7-2021

                                                                                       NGÔ THẢO

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-8-21