Dấu Chân (Của) Người Lính Nguyễn Minh Châu

(Cung Đường Cuối Cùng)

Ngô Thảo

 

            Đã 30 năm, người lính cầm bút xuất sắc Nguyễn Minh Châu đã dừng bước trên đường đời, khi chưa bước qua chu giáp đầu tiên. Những bạn bè, đồng đội cùng trang lứa, ngày nào còn quây quần trong trung tâm văn bút Văn nghệ quân đội - có thời được gọi là Văn đội quân Nghệ - và tác phẩm của họ luôn nằm ở vùng trung tâm của dư luận văn chương nước nhà, giờ cũng đã lần lượt khuất bóng. Vóc dáng thân hình cũng như tác phẩm lừng lững của những Thanh Tịnh, Văn Phác, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Hửu Mai, Xuân Thiều, Chính Hửu, Nhị Ca, Nguyễn Trọng Oánh, Thu Bồn, Nam Hà, Xuân Sách, Hải Hồ, Mai Ngữ, Phạm Ngọc Cảnh, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Hồng Duệ, Nguyễn Chí Trung…, như kết đọng tinh hoa của 30 năm chiến tranh,đang mờ phai dần trong bức tranh văn học mới mẽ nhiều màu, lắm sắc đương đại.

            Thuộc lớp hậu sinh, tôi coi là may mắn,khi  đã có ít nhiều  những năm tháng được sống trong cùng một mái nhà – số 4 Lý Nam Đế - vào cái tuổi sung mãn và dồi dào sức sáng tạo nhất của hầu hết các Anh, từ những năm cuối của chiến tranh, từng đi sơ tán mấy lần lên Hương Ngải - Thạch Thất - Hà Tây, từng đi chiến trường Quảng Trị 1973, theo các cánh quân từ nhiều mũi, nhiều đơn vị lại hội tụ ở Huế rồi Đà Nẳng tháng 3-1975, và ào ạt vào Sài Gòn ngày đầu ta làm chủ Thành phố, theo các cánh quân tình nguyện sang Căm pu chia, lên biên giới  phía Bắc trước và sau chiến tranh biên giới với Trung Quốc, đi họp cộng tác viên của Tạp chí VNQĐ nhiều tỉnh thành sau ngày đất nước thống nhất, ở Huế, Đà Nẳng, tới tận An Giang, Cần Thơ, Cà Mau…

             Nhưng, thật đau lòng, khi chứng kiến sự tàn phá của thời gian lên mỗi con người tài hoa, tử tế, hiền lành, chân chất, khiêm nhường như là nơi tụ hội phẩm chất tốt đẹp nhất của những người lính mà số phận biến họ thành những người ghi chép chiến công của đồng đội. Chỉ riêng điều đó thôi, họ đã xứng đáng với sứ mệnh của những Người lính - Nhà văn. Không phải những ai từng cùng đồng đội chiến thắng trong cuộc chiến ác liệt, không cân sức, đều đã có cuộc sống yên lành trong thời bình.Tuổi tác, sức khỏe, bệnh tật do những hậu quả khác nhau của chiến tranh và chiến trường, khó ai có thể vượt qua. Lại còn hạn chế của trình độ, tài năng, nhận thức, và cách ứng xử cùng hoàn cảnh gia đình  mà xuất hiện những số phận khác nhau. Sau những ngày đầu cuộc chiến tranh trường kỳ kết thúc thắng lợi, sau những trang viết tràn đầy hào khí chiến thắng, trên chặng đường mới của hiện trạng một đất nước hậu chiến không hoàn toàn như đã từng tưởng tượng, với bao nhiêu vấn đề mới xuất hiện, những nhà văn vẫn mặc áo lính, đã bước vào một chặng đường nhận thức và sáng tác mới.

         Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu thực sự đã khởi đầu cho bước dấn thân, từ  thời kỳ sáng tác Của chúng ta làm ca ngợi chúng ta (Thơ Chính Hửu ), sang một vùng đề tài thoáng rộng hơn. Nguyễn Khải vẫn lối viết lý sự lấn át miêu tả, đã có những vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn mà hình ảnh anh bộ đội không còn là nhân vật chính: Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm,Thời gian của người, Điều tra về một cái chết, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí, Một người Hà Nội, Sư già chùa Thắm và Ông già về hưu, Một thời gió bụi, Hà Nội trong mắt tôi, Chút phấn của đời, Thượng đế thì cười, Vòng tròn trống rỗng,….

          Nguyễn Minh Châu vẫn là viết về người lính nhưng khi chiến trận đã dần đi qua: Miền cháy (1977),Lửa từ những ngôi nhà (1977),Những người đi từ trong rừng ra (1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983 ), Bến quê (1985), Mãnh đất tình yêu (1987), Cỏ lau (1989), Mùa trái cóc ở Miền Nam.

       Sự chuyển dịch đề tài chỉ thực sự được diễn ra trên chặng đường cuối của hành trình văn học với tập truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (1997) Khách ở quê ra, và truyện vừa được hoàn thành trên giường bệnh: Phiên chợ Giát (1988).Rời khỏi thế giới nhân vật quen thuộc, với cách thể hiện, mà nhà nghiên cứu văn học Nga khá am tường về văn học Việt Nam, Nicolai Nikulin nhận xét: Niềm tin vào tính bất khả chiến bại của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ Anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng, nhà văn dấn bước vào những góc khuất của đời thường, mà những năm chiến tranh ít được văn chương để mắt đến. Cái nhìn tinh tế, lối thể hiện trực diện nhiều nghịch lý tồn tại trong đời thường trong một loạt truyện ngắn của cây bút xuất sắc viết về người lính đã gây nên những luồng dư luận khác nhau, đến mức cơ quan chỉ đạo đã mượn báo Văn nghệ tổ chức một cuộc thảo luận về truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Trong cuộc thảo luận đó, người khen cũng có, nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn là phê phán cách thể hiện hiện thực thiếu tươi sáng, không lạc quan của Nguyễn Minh Châu. Là người được sống gần tác giả những ngày tháng đó, chúng tôi được chứng kiến những biểu hiện khác nhau, với tâm trạng không thật tự tin,khác hẳn tâm thế  khi hoàn thành các tác phẩm viết về người lính thuở trước. Thuộc bộ phận sáng tác, dù ở một cơ quan bộ đội, các Anh không phải đến cơ quan hàng ngày. Khi xong một tác phẩm mới, hồi đó, tất cả đều viết bằng bút mực, phải mang lên cơ quan đánh máy. Có những truyện, khi đưa in, chính tác giả lại phân vân, xin rút lại, hay sửa chi tiết này nọ. Nhà thơ Xuân Sách, tác giả tập thơ Chân dung nhà văn, từng có câu viết về Nguyễn Minh Châu: Dấu chân người lính in mau/ Thằng này không trước thì sau cũng …tù. (Nhưng khi in vào tập sách, nhà thơ có chữa lại: Cửa sông cất tiếng chào đời/Rồi đi ra Những vùng trời khác nhau/Dấu chân người lính in mau/Qua Miền cháy với Cỏ lau bời bời/ Đọc Lời ai điếu một thời/ Tan Phiên chợ Giát hồn người về đâu.)

      Xuân Sách từng kể: “Năm 1967, tôi cùng Nguyễn Minh Châu vào chiến trường miền Nam.  Chúng tôi có những kỷ niệm khó quên và chắc chắn nó ghi dấu ấn trong những trang viết về sau, không chỉ những chuyện về sáng tác, văn chương mà là những suy nghĩ về cuộc sống.. Một bửa, tôi đang ngồi trong lán chỉ huy tại mặt trận, thấy Nguyễn Minh Châu từ ngoài cửa rừng đi vào, anh ra trạm đón tiếp gặp một đồng chí Đại đội trưởng công binh vừa chiến đấu và có nhiều thành tích, được về Bộ chỉ huy báo cáo. Tôi giật mình vì thấy Nguyễn Minh Châu  người đầy máu me, cả mặt mũi, cả quần áo, tôi vội chạy ra, anh trao cho tôi túi tài liệu: Ông cầm giúp tôi cái này, rồi anh nhảy ùm xuống suối. Trước đó có máy bay địch, và một phát rốc két nổ ngoài cửa rừng, ở mặt trận, việc như vậy được coi là bình thường. Nhưng phát đạn đã bắn vào đúng chỗ Nguyễn Minh Châu đang ngồi làm việc với đồng chí công binh. Cả hai người lao xuống cái hầm trú ẩn. Một lát sau, Nguyễn Minh Châu thấy có người đè lên mình. Phát đạn đã trúng vào đầu đồng chí Đại đội trưởng công binh,và máu thịt của anh đã bám vào người của nhà văn. Không rõ do cố ý hay vô tình, nhưng dù sao, Nguyễn Minh Châu cũng biết rằng, nhờ đồng chí ấy mà anh còn sống. Buổi tối hôm đó, nằm cạnh tôi, Nguyễn Minh Châu trằn trọc mãi, anh dốt thuốc liên tục, thỉnh thoảng anh quay sang tôi: Này, ông…rồi anh lại im bặt.. Tôi biết tính anh, anh thường khó diễn đạt những gì anh đang suy nghĩ, nhưng dường như những lúc bất ngờ anh lại buột ra những ý kiến sắc sảo,những nhận xét vô cùng độc đáo với những hình tượng so sánh không chê vào đâu được… Mấy hôm sau, chúng tôi lại chứng kiến một bi kịch hiếm có trong hoàn cảnh thời bấy giờ. Một cặp trai gái trong đơn vị yêu nhau nhưng do một trò đùa vô ý thức, đã dẫn đến sự hiểu lầm đến nỗi hai người dùng súng tự sát. Câu chuyện này tôi đã có dịp viết ra trong một  truyện ngắn, nhân vật nhà văn trong truyện đó là Nguyễn Minh Châu, và tôi vẫn nhớ câu anh nói trước nấm mồ của đôi trai gái: Cả tôi, cả ông nữa, chúng ta đều có trách nhiệm trong cái chết này. Đó là món nợ với anh, món nợ trả bằng trang viết, bằng lòng trung thực, không hỗ thẹn với những người đã hy sinh”.

     Nên không  lạ, là những truyện sau đó càng quyết liệt, đáo để hơn. Những ngày chuẩn bị Đại hội Nhà văn, sau 1986, như là cái mốc thời gian mở đầu thời kỳ Đổi mới, những suy nghĩ về văn chương được tác giả thể hiện trong một số bài viết, mà gây chú ý nhất là Lời ai điếu cho một thời kỳ văn học minh họa. Nằm trên giường bênh ở Viện 108, Nhà văn vẫn trực tiếp viết trả lời Phỏng vấn của chị Thiếu Mai ở báo Văn nghệ. Tác giả viết xong ngày 22-11-1988, báo đăng số ra ngày 3-12-1988, gần 2 tháng trước ngày tác giả mất.Trả lời câu hỏi về thời điểm xuất hiện khái niệm cởi trói, nhà văn cho rằng: Đủ hay chưa là ở nội lực cá nhân từng nhà văn chúng ta.Từng nhà văn chúng ta mới là kẻ quyết định… Anh mang cái vòng dây trói ấy trong mọi thói quen và quan niệm sáng tác lâu ngày đến mức trở thành một thứ thuộc tính…. Đến ngày nay chúng tôi đã có sau lưng đôi chút tác phẩm được làm nên bởi mồ hôi, nước mắt và cả tâm huyết của một thời đầy nghiêm trọng của số phận đất nước. Chưa nói chuyện những tác phẩm ấy bây giờ nhìn lại hay dở  ra sao mà hãy nói cái lằn dây mình tự trói mình lâu ngày nó đã ăn lún sâu vào da thịt, biến thành da thịt,có khi cởi ra còn đau đớn hơn cái lúc trói vào.

         Nói về những trăn trở của nhà văn những năm trước sau đổi mới, Nhà văn tự nhận: Đó là những năm các nhà văn nghĩ rất nhiều và băn khoăn day dứt rất nhiều về mối quan hệ giữa văn học và đời sống thực đang mỗi ngày một xa nhau, cách biệt đến mức như một trò khôi hài…. Tôi là người viết trong bộ đội, những năm chống Mỹ ác liệt, có lúc ở chiến trường sống bên cạnh cái chết nhưng khi ngồi viết thì thanh thản, còn về sau này, nhất là vào những năm 1983,1984, có đôi khi mình cầm bút mà cảm giác y như đứng giữa trận tiền, viết ra một cái gì đưa đi in, trở về nhà ngồi nghĩ lại, lại đâm sợ cái vừa được làm ra.

PV; (Cười ) Rồi lại vội vã chạy đi lấy về?

NMC: Tính tôi vốn dát mà chị! Tóm lại đó là những ngày tháng giống như một thứ máy kiểm nghiệm từng nhà văn cả về tài năng và nhân cách: Có những cái viết về chủ nghĩa xã hội, lúc anh viết ra được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, về sau ngó nhìn lại thấy nó cứ bạc phếch như mặt vai nịnh trên sân khấu Tuồng.

PV: Cái nghề giấy mực đôi khi nó cũng độc thật, anh Châu nhỉ?

NMC: Không phải độc, mà nó công bằng, nó sòng phẳng

PV: Bức tranh - Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành- Hai con nhóc- Dấu vết nghề nghiệp- Chiếc thuyền ngoài xa- Khách ở quê ra… có phải được in ra trong những năm ấy phải không?

NMC (Cười ): Tôi đã khoác lác làm xôm trò cho tờ tuần báo của chị một thời gian khá lâu, kể cả cái trò rất xôm: Trao đổi về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau đó.

PV: Anh nghí gì về công việc của các nhà văn?

NMC:Tôi nghĩ rằng thời nào và ở đâu cũng vậy, các  nhà văn chỉ có một công việc chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra bằng uy tín của mình anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người:trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đầy đọa và chà đạp, và công việc đó nó phải là phản ứng tự nhiên của các nhà văn. Nhưng với các nhà văn nước ta, có lẽ hình như vì mang tư tưởng tự ty do tiếng nói bé bỏng, đôi khi chúng ta y như những kẻ bàng quan trước những vấn đề cấp bách của con người.…. Là những nhà văn hiền lành, vô sự,chỉ biết ca ngợi, cả đời chúng ta không làm hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái lỗi lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu và cái ác, nhất lá khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó, cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất…

         Và ao ước cuối cùng của nhà văn là: Làm sao biến Hội ta thành Hôi của những Tài năng và Nhân cách văn học chứ không phải Hội của những Viên chức văn học.

         Tôi nhớ, cuối năm 1974, khi còn chiến tranh, nhà văn từng nói: Con người bây giờ sống trơ tráo: Xấu một cách trơ tráo, không che dấu, không úp mở, Đó là một điều đáng sợ. Cuộc sống hiện nay đưa con người ra thử thách một cách toàn diện, tận cùng. Bởi nó thử thách chỗ yếu nhất của mỗi người. Chẳng hạn như tôi, vốn lớ ngớ, thì lại thành anh không nhà, phải tự đi tìm nhà cho một vợ ba đứa con gái. Ông Nguyễn Khải thông minh, khôn ngoan, thử thách ngay ở chỗ viết lách, không tránh khỏi sai, để người ta nắn gân cho. (Ý nói một loạt bài trên báo Nhân Dân của Nguyễn Khải ).

          Những suy nghĩ, trăn trở về khoảng cách của văn chương với hiện thực cuộc sống là câu chuyện diễn ra thường xuyên giữa các nhà văn vẫn mặc áo lính, khi đất nước đã vào thời bình. Nhưng mỗi người đã có những lựa chọn khác nhau. Trong chiến tranh, Nhà văn đứng ở một Binh chủng, trong một mặt trận nhất định, tác phẩm phải góp phần cổ vũ sĩ khí chiến đấu của Đồng đội. Nay, đất nước Hòa bình, giang sơn thu về một mối, Nhà văn phải nói tiếng nói của cả dân tộc đang khát vọng vươn lên một cuộc sống Tự do và Hạnh phúc.  Nguyễn Minh Châu như đã bứt lên hàng đầu, bằng hàng loạt tác phẩm được dư luận chú ý và hy vọng.

         Nhưng như một trớ trêu của Định mệnh. Sức khỏe nhà văn  có vấn đề, chỉ nghĩ là do làm việc quá sức. Như nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này, sau một thời gian theo dõi, khi xác định được thì đã quá muộn: Ung thư máu.

        Tháng 3-1988, khi mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã bất lực, thì rộ lên tin tức, một Nhà sư ở Chùa Pháp Hoa trong Vũng Tàu có khả năng chữa trị bách bệnh, trong đó có bệnh Nguyễn Minh Châu đang mắc phải. Có bệnh thì vái tứ phương, nhân Nhà Sư ra Bắc dự một sự kiện nào đó, biết tin, đã tới tận nhà áp tải Nhà văn. Anh bạn cùng học Nguyễn Trung Thu, tác giả bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác được Trần Chung phổ nhạc, là chuyên viên ở Ban Tuyên Giáo TƯ, nhà ở cạnh, trong Khu Tập thể số 3 Phố Ích Khiêm, thông báo, nên tôi tới kịp trong buổi tiễn nhà văn hành phương Nam. Khi rơi vào tình trạng này, thì bất cứ niềm hy vọng nào cũng phải gắng nắm bắt. Ngày đó đi lại còn khó khăn, càng khó hơn với một người mang trọng bệnh. Tháng sau, có dịp vào Nam, tôi đã cùng mấy người bạn tới tận Chùa Pháp Hoa. Khác với không khí tĩnh lặng quen thuộc, Chùa Pháp Hoa trong một khuôn viên rộng rãi đang là một đại công trường, nơi có mấy trăm người đang rộn ràng, cần mẫn chặt cành, hái lá, bóc rễ, phơi phóng sàng sảy, xay giã các loại lá cành để làm thuốc cho người thân ở giai đoạn nguy nan, giành giật với tử thần từng khoảnh khắc sống. Trong hàng ngàn người đã lần lượt qua đây, hẳn cũng đã có những người may mắn, rời Chùa với niềm vui và hy vọng.Trong vùng đất dạy con người loại bỏ Tham- Sân –Si, những kiếp người còn nặng lòng trần, hình như ở khắp mọi miền đất nước,vào đây, cầu mong một phép màu cho riêng họ, và cho người thân, có muôn vàn cách thể hiện, hàng ngày diễn ra trước đôi mắt vốn quen quan sát và đôi tai còn có khả năng lắng nghe của Nhà văn, dù lúc này,thân thể hầu chỉ còn da bọc xương. Ngồi bên nhau, Anh ít nói đến bệnh của mình, mà nói nhiều đến những gì Anh quan sát và trải nghiệm trong mấy tháng ở đây, khi hòa nhập vào giữa cộng đồng những con người quyết đi tìm lại sự sống cho những người thân yêu, bằng mọi giá. Đó là một hành trình vừa trần thế, vừa tâm linh, vừa hy vọng vừa tuyệt vọng, vừa tin vào thể lực,tâm đức người thân, vừa cầu xin những điều kỳ diệu đến từ cao xanh. Đó chẳng phải là một vùng đất mới của văn chương?

         Khi sắp ra về, Anh níu lại, nói với tôi: Cậu quen làm Tư liệu, nên giành thời gian, qua thăm Trại Cải tạo bên cạnh. Những ngày ở đây, mình có sang bên đó, nơi giam giử nhiều đối tượng phạm pháp, từ trộm cắp, lưu manh, vượt biên, đĩ điếm.. chưa thành án. Mấy tay Phụ trách bên đó, biết mình là nhà văn, nên có đưa cho mình xem một số bản tự khai, mình đọc mà…choáng! Ngày đầu giải phóng, bọn mình vào Miền Nam, vào Sài Gòn với tâm thế tự hào, sung sướng, vì cuối cùng cuộc chiến đã kết thúc thắng lợi, giang sơn đã quy về một mối, toàn dân bắt tay xây dựng một cuộc sống mới trong hòa bình. Nhưng hơn 10 năm qua rồi (bấy giờ là nửa cuối 1988 ), nhìn đám trẻ bị bắt, bị cải tạo, rồi đọc những điều bọn nó kể về con đường dẫn chúng vào những con đường lầm lạc, bế tắc, khốn cùng, từng đi kinh tế mới, từng trồn tránh để về thành phố vì không quen nơi rừng xa, đất lạ, nhiều lần vượt biên có đóng tiền và không còn tiền, phải nhắm mắt bán cái duy nhất con gái tự có, … vì là con binh lính viên chức chế độ vừa bị đánh bại. Mà đối tượng mua dâm là ai?Không ít người là cán binh bên thắng cuộc. Nếu ngày trước, điều đó, dù bị phê phán, vẫn diễn ra khá công khai. Với quân nhân mà sự sống chết treo trên đầu sợi tóc, nó còn được tạo điều kiện. Thì giờ phải làm lén lút, vụng trộm. Một cái nhìn lên, từ dưới đáy, về những người mà bao năm ta vẫn đinh ninh là Thép đã tôi, không bao giờ bị han rỉ, như buộc mỗi chúng ta phải sờ lên mặt. Hơn 10 năm, là dài hơn mỗi cuộc chiến, là những người chiến thắng, chúng ta đã làm gì cho từng người dân trên đất nước này? Với những người thuộc bên thua cuộc, ta có làm gì khác hơn cô Tấm khi đã lên làm bà Hoàng đối xử với mẹ con nhà Cám hay không? Chỉ cần biên tập chút ít, những trang đời tự kể ấy được công bố, sẽ có sức thức tỉnh nhiều người. Văn họ viết, nhiều người có học hẳn hoi, có cái hay đặc biệt của những người biết mình ở vị trí dưới đáy xã hội mà không cam phận, khác hẳn giọng tin tưởng tự hào đắc thắng của chúng ta.

           Thật tiếc, là tôi không có dịp trở lại, để thực hiện lời dặn cuối cùng của nhà văn. Mấy  năm trước, Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, khi về dạy ở Đại học Sư phạm Huế, có chuyển cho tôi xem bức thư rất dài của một nữ sinh viên gửi riêng cho Thầy, sau khi nghe thầy giảng về Văn học. Như nuốt lấy từng lời khi Thầy vẽ ra bức tranh đời sống tương lai, em thành thật kể lại, cảnh cả gia đình em đã bỏ chạy về Nam, khi Quân miền Bắc tiến vào Huế, những ngày đêm đói rét, lo lắng lê la ở sân bay Phú Bài, vì lo sợ. Nhưng rồi đi không kịp, phải trở về, rồi vào học, nghe những điều Thầy dạy, một chân trời hy vọng đã mở…Lá thư tới tay Thầy khi cả nhà em đã tìm đường vượt biên. Một nỗi đau có địa chỉ gửi cho người Thầy mình yêu quý.

        Sau đợt điều trị không có phép màu, Nhà văn về lại Viện 108.  8 tháng sau khi phát bệnh, đã có những ngày tiếp máu mà cơ thể không tiếp nhận. Các tĩnh mạch như vỡ ra, không còn tải máu về tim. Phải mở tĩnh mạch ở ngực để truyền trực tiếp. Đã ngỡ không thể còn nói gì với nhau. Nhưng thật lạ lùng, là sức sống của Người lính già. Chiều đó, khi chúng tôi vào, Anh Châu đã tỉnh táo trở lại. Mặc dầu Bác sĩ bắt buộc bất động, và cấm nói chuyện- bốn ngày qua đã tiếp hơn một lít máu tươi, Anh Châu vẫn ra hiệu cho tôi lại gần, thì thầm: Đối với mình, viết lách đã là chuyện xa xôi, nhưng các cậu còn sức, còn nói được, còn viết được, thì phải lên tiếng đi. Đừng cho họ thay nhân sự lúc này…. Không nên quên là chúng ta sẽ đứng trước sự phán xét của lịch sử. Lịch sử sẽ lên án những kẻ có quyết định sai lầm, nhưng đừng nghĩ là những người đương thời vô can. Hèn nhát trong chiến tranh rồi cũng có cách để bào chữa, và thực tế, mười mấy năm qua, biết bao kẻ hèn nhát, trốn tránh trong chiến tranh đã rũ sạch tội lỗi, để tranh nhau quyền, chức. Nhưng ngày hôm nay, khi đã có không khí dân chủ, khi làn gió đổi mới đã thổi mạnh, mọi sự sớm muộn sẽ được công khai, thì hèn nhát là tự đào huyệt chôn sống mình, cả uy tín xã hội bây giờ, và chút nào là tài năng thể hiện trong những tác phẩm đã có.

            Sổ tay tôi còn ghi: Chiều 10-11-1988, tỉnh táo sau một tuần tiếp máu, Anh dặn: Tôi có vài chục cuốn sổ, trong đó có những ghi chép văn học. Khác với Nguyễn Thi, trong Năm tháng chưa xa mà Thảo đã cất công làm, tôi thường ghi những ý nghĩ chợt đến, những ý đồ sáng tác, phác thảo truyện,..Hôm trước đọc lại, tôi tự  thấy mình có những ý tưởng không tầm thường. Tôi nhớ có một cốt truyện, ý là: Có một người suốt đời đặt mục đích đi tìm một người để giết, đến cuối đời mới ngộ ra là chính mình đã giết chết đời mình.

            Mấy năm cuối, trong trò chuyện với những người gần gũi anh từng nói, mặc dầu đã có đến 4/7 cuốn tiểu thuyết viết về vùng đất Quảng Trị, (Dấu chân người lính, Miền cháy, Những người đi từ trong rừng ra,Mãnh đất tình yêu. Truyện vừa Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau cũng vậy) anh vẫn có ý định viết một tiểu thuyết về  những gì diễn ra ở chiến trường này trước và trong các chiến dịch 1972, đặc biệt là trận chiến ở Thành cổ, nơi anh từng đi lại nhiều lần. Tên dự kiến là Chân trời võ đạn.Tất nhiên giờ nhìn lại chiến trận ở một tầm nhìn bao quát cả hai bên. Nhà văn Nam Hà cung cấp cho anh những tư liệu về phía bên kia mà anh khai thác trong lưu trữ quân sử VNCH, cả những ảnh không lưu, để có cài nhìn bao quát. Nhà thơ Nguyễn Trung Thu, tác giả bài thơ ngắn Đêm Trường Sơn nhớ Bác,được Trần Chung phổ nhạc, làm ở chuyên viên ở Ban Tư tưởng-Văn hóa, người thân gần ở ngay nhà đối diện trong khu tập thể số 3 Ông Ích Khiêm có viết: “Những ngày bám sát mãnh đất Quảng Trị đã giúp Nguyễn Minh Châu viết nên nhiều tác phẩm giá trị chiếm vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của anh, nhưng anh vẫn chưa viết được cuốn sách mà anh nghĩ là quan trọng nhất trong đời viết của mình. Giữa những bản thảo dở dang anh để lại, tôi đã thấy những trang anh phác thảo đề cương cuốn tiểu thuyết này, và đã có vài lần anh đã viết đi viết lại những trang đầu cuốn sách mà anh lấy tên là Chân trời võ đạn. Cho đến khi gần qua đời, anh Châu vẫn nghĩ về cuốn sách và nói rằng:"Riêng đối với tôi, viết về  cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta, về cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm nay ở Việt Nam, không thể không viết về cuộc chiến tranh ở Thành Cổ Quảng Trị. Rất là tiếc, tôi không kịp làm”. Cùng với đề cương và những trang phác thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết về Thành cổ Quảng Trị ấy là không ít đề cương, cốt truyện khác (truyện ngắn và truyện vừa) anh dự định viết về vùng đất này. Những cuốn sổ tay ghi chép của anh đậm đặc những sự kiện, khung cảnh và hình ảnh con người Quảng Trị. Đây là mấy dòng trong hàng trăm trang ghi chép. Về Đông Hà- Quảng Trị- 27-5-1973.Làng xóm vắng tanh vắng ngắt, không nghe chó kêu gà gáy hàng chục cây số, đồng vắng, làng vắng, đường trong làng, đường ngoài đồng vắng, chỉ thoi thóp bóng du kích và bộ đội trú quân đi lại. Tre làng, cây cối,chỗ cháy, chỗ đổ ngả nghiêng,chỗ đất bùn đắp lên tận ngọn… Tử sĩ được đặt trên tấm tôn, kéo sát sàn sạt bằng giây võng, chó chạy theo xua không đi. Hố chôn đào nông choèn choèn, một cơn mưa, xác tử sĩ đã nổi bềnh lên, địch bắn một quả pháo, lật lên một xác, địch ném một quả bom, lật lên và xẻ ra vài ba xác, một loạt B52, thì lật lên cả một chục. Một bãi tha ma bị lãng quên là thường, phần mộ vô danh là thường, nếu có cắm thẻ người này vào người kia thì sự chính xác chỉ là tương đối bởi vì lúc đó địch đánh gắt gao vô cùng. Đánh răng còn phải múc ca nước chui vào ngồi trong hầm, đào một cái hố chôn người cũng chỉ làm 15, 20 phút, ai dám làm kỹ hơn.

         Nhiều lần anh Nguyễn Minh Châu đã thổ lộ với tôi rằng chính anh cũng không thể hiểu niềm đam mê đến mức kỳ lạ của anh với cái mảnh đất nghèo xác, nghéo xơ và bị chiến tranh chà xát đến không còn sót lại một cái đọt tre, mỗi nhà chết 5,7 người là thường, người chết đông, người chết tây, người chết trên rừng, người chết dưới biển. Con người ở đây đã lỳ ra, chỉ còn biết đói khi cái dạ dày  thắt lại,không còn biết đau khổ là gì nữa. Thực ra là rất rõ anh muốn mượn mảnh đất nhọc nhằn của miền Trung ấy để thể hiện những vấn đề da diết nhất của số phận dân tộc mình. Trong một bức thư anh đã tâm sự: Cái mảnh đất Quảng Trị gần như tôi si mê nó, hình như trong con người tôi và mảnh đất ấy có chung một sợi dây thần kinh mà hễ cứ chạm đến đấy thì cả con người tôi rung lên. Tôi đã gắn  bó với nó - cái vùng quê hương của chiến tranh và khổ ải ấy - hơn cả với quê mình. Bây giờ nhìn lại, không những cái mớ tiểu thuyết mà cho đến cả cái đám truyện ngắn đông đúc có mấy cái là không phải chuyện ở đây đâu - kể cả cái Cỏ lau gần đây nhất hay cái Mảnh đất tình yêu cũng vậy. Có lẻ tôi nhìn thấy từ lâu ở đấy cái chỗ biểu đạt rõ nhất đời sống con người của đất này chăng.

      Khi nhà văn vào Bệnh viện, truyện vừa Phiên chợ Giát mới  phác thảo được vài mươi trang. Những ngày trong Bệnh viện, nói chung Bác sĩ cấm Anh làm việc, nhưng từ khi ở Chùa Pháp Hoa về, tập bản thảo đã được 60 trang, và điều kỳ diệu, là Anh đã kịp hoàn thành trước khi rơi vào hôn mê, sau đó ít lâu. Có lẽ đây là tiểu thuyết duy nhất, như là phần tiếp theo của Khách ở quê ra, Nhà văn viết về những nhân vật ở ngay quê hương mình, huyện Quỳnh Lưu, như một món nợ ân tình.. Chống chọi với bệnh hiểm nghèo, mà Người lính viết văn ngay trong những ngày cuối cùng vẫn đau đáu nghĩ đến những nợ nần với bao nhiêu phát hiện mới, lúc mà sức đã tàn, lực đã kiệt.

       Tháng 1-1989, gần tết, những cành đào đã bán rong trên phố. Buổi chiều vào thăm, thay vì mua hoa quả, tôi mang một cành đào, cắm vào chai nước, như để báo với Anh, Tết đang về gần. Mấy cánh đào thỉnh thoảng rời cành như đếm nhịp thời gian, báo một mùa xuân mới sắp về. Nhưng Nguyễn Minh Châu đã không thể cố hơn được. Anh mất ngày 23-1-1989, nhằm ngày 16-12 năm Mậu Thìn, lúc mới sang tuổi 59.

       Ngay sau khi Nhà văn mất, một số bạn bè văn nghệ tự nguyện cùng Gia đình lập Nhóm bảo trợ Di sản Nhà văn, gồm: Lại Nguyên Ân, - Thu Bồn- Nguyễn Thị Doanh (bà quả phụ NMC ), Nguyễn Duy - Hoàng Lại Giang - Dương Thu Hương - Phạm Thị Hoài -Thái Bá Lợi - Dạ Ngân - Vương Trí Nhàn - Võ Trần Nhã -  Ý Nhi - Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ngô Thảo - Nguyễn Quang Thân -Nguyễn Trung Thu. Dự định là cùng với Gia đình thu thập, bảo quản toàn bộ di sản của Nhà văn, Tổ chức khai thác các di cảo.  Xuất bản các tác phẩm và ghi chép có giá trị. Nhưng trong thực tế, nhóm này, với sự tài trợ của một Việt kiều ở Pháp chỉ tổ chức in được  tập  Nguyễn Minh Châu- Con người và tác phẩm (Nxb Hội Nhà Văn -1991), do Tôn Phương Lan và Lại Nguyên Ân biên soạn, tập họp một số bài viết về tác giả và tác phẩm Nguyễn Minh Châu. Cả những người có ý kiến phê bình một số tác phẩm giai đoạn cuối, nhưng đều khẳng định vị trí và những đóng góp đặc sắc của Nhà văn với văn học nước nhà.

       Tết 1991, sau khi Nhà văn mất, trên Tạp chí Cửa Việt, có bài phỏng vấn nhà văn Tô Hoài về giải thưởng văn học năm 1988-1989 của Hội Nhà văn VN, trong đó có tập truyện Cỏ lau. Nguyên văn câu hỏi và trả lời giúp chúng ta hiểu thêm một cách lý giải về tâm thế các nhà văn với sáng tác của mình:

 Hỏi: Cỏ lau,tác phẩm mới nhất của NguyễnMinh Châu vừa được trao giải thưởng văn xuôi 1988-1989, trong đó người đọc thấynguyễn Minh Châu đã không quên nổi điều gì cả, về con người, đất nước,và những tháng năm. Thế nhưng trước đó, bài Ai điếu… lại bị nhiều nhà phê bình kết án là phát ngôn của xu hướng “Phủ nhận quá khứ”. Thật là oái oăm! Thưa anh Tô Hoài, vậy thì lý giải thế nào cho sòng phẳng với nhà văn quá cố của chúng ta: là nghịch lý trong tâm lý sáng tạo của nhà văn, hay phải hiểu ý thức” phủ nhận” theo một cách nào khác?

 Tô Hoài: Ý kiến của tôi về tập truyện ngắn Cỏ lau: Trong  Cỏ lau  truyện ngắn Phiên chợ Giát  hay cực, và chỉ một truyện ngắn đó, ngoài ra, những truyện khác cũng thườngthường. Đã lâu tôi mới được đọc một truyện  hay của Nguyễn Minh Châu, kể từ cái truyện rất ngắn Mảnh trăng cuối rừng- truyện này hồi ấy cũng bị hai bài báo chê.Khi anh Nguyễn Minh Châu còn khỏe, có đôi lần tôi được nghe anh kể những truyện dự định viết về vùng quê thắm thiết quen thuộc của anh, nhiều truyện thật dữ dội và xúc động mà tôi tưởng Phiên chợ Giát  là một trong những  truyện ấy. Rất tiếc.

    Từ dự định đến lúc cầm bút viết không phải dễ khớp làm một như trường hợp thành công của Nguyễn Minh Châu.. Lắm khi nghí thì tuyệt vời, đến khi viết ra vẫn thế nào ấy.Ai viết cũng gặp những  trái ngược khó khăn này, không chỉ ở sáng tác mà cả ở phê  bình.

    Từ những  suy nghĩ dự định, và từ nhận xét, phê bình đến đánh giá cụ thể  một sáng tác bao giờ cũng khó khăn. Chẳng đã bao lâu chúng ta bảo tự do sáng tác đã hoàn hảo. Rồi lại nổ ra những tranh luận thế ào là tự do sáng tác,tự do sáng tác khác tự do lung tung.Đến khi đem đối chiếu với tác phẩm, cuộc thảo luận lại gay go hơn.Ví dụ với một số truyện ngắn, kịch ngắn của Ngg=uyễn Huy Thiệp, ngườinày rủa là độc ác, bậy bạ, người ki khen là giỏi, giỏi nhất.

   Trên con đường dân chủ thảo luận một tác phẩm có thể dẫn đến những đánh giá giống nhau hoặc không giống nhau, cũng như với người sáng tác, nói và viết có thể gặp nhau, có thể xa nhau. Như trường hợp Nguyễn Minh Châu. Không phải là lạ lùng và không bình thường, trái lại còn dễ hiểu và cần thiết, nếu giử không khí thảo luận được thân ái, đoàn kết vì lẻ phải.

    Nguyễn Minh Châu đã viết bài “Ai điêu…”, những suy nghĩ và bình luận văn học đang ở phút hào hứng, sôi nổi trong giai đoạn đầu văn xuôi bước vào đổi mới. Bài này ra đời trước Phiên chợ Giát nhiều. Tôi đọc Nguyễn Minh Châu từ Mảnh trăng cuối rừng đến các tiểu thuyết, cả những tác phẩm viết cho thiếu nhi, và truyện ngắn cuối cùng Phiên chợ Giát, tôi chưa nhận ra được sáng tác nào cần phải “Ai điếu” cả. Mà chỉ thấy các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu càng ngày càng khẳng định hình thành phong cách nhà văn nhiều công phu tự đổi mới, và cho đến truyện ngắn Phiên chợ Giát thì thật là tài tình. “Ai điếu” là một khát vọng về sự sáng tạo, và sự tự trọng cũng như tấm lòng thiết tha mong ước đã luôn luôn thúc đẫy nhà văn chuyển mình.

    Khi làm cuốn Tư liệu này, qua  tác phẩm và các bài viết về các tác giả, bạn đọc biết khá kỹ về tiểu sử và gia thế các nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Thu Bồn. Nhưng với riêng Nguyễn Minh Châu thì hình như còn nhiều khoảng trống. Khi biết tôi còn phân vân, tháng 6-2020, nhân có dịp ra Hà Nội, nhà văn Thái Bá Lợi lâu nay vẫn ở Đà Nẳng, có gửi cho tôi một bài viết, với vài tư liệu còn ít được biết đến: "Nhà tôi chỉ cách nhà ông vài chục thước. Khi tôi lớn lên, ông đã rời quê đi bộ đội. Chúng tôi sinh ra ở cái làng Thơi có tên chữ là Văn Thai, một làng biển với những người bạn giã nổi tiếng quanh vùng vì những hành động khác thường…Ông có gợi cho bạn đọc đôi điều về làng mình trong các tác phẩm Phiên chợ Giát,  Khách ở quê ra, nhưng ông chưa viết hết về nó. Những ngày cuối, ở Bệnh viện 108, Nguyễn Minh Châu nói với tôi: Tôi đã yếu rồi, không còn sức viết nữa, nếu ông còn theo đuổi nghiệp văn, ông phải viết một cuốn sách về cái ngõ của mình, về cái làng Thơi của mình... Cái làng mình lạ lắm. Đến như Ông Mackét cũng không thể nào tưởng tượng ra được.  Ông có biết ông... không? Ông ta đi biển, thuyền đắm ngoài khơi, năm ngày sau xác mới trôi về qua cửa Lạch Thơi, theo thủy triều qua cống Bà Nhiên mà thời bé đứa nào chẳng một đôi lần chui qua, vào đến tận cổng nhà mới nổi lên, để cả làng phải bàng hoàng, tổ chức đám ma thật to. Hay như anh... uống rượ say, tự tay mổ bụng mình, lôi cả đống ruột ra, ai cũng nghĩ anh ta sẽ chết. Có một bà đi bán cá về, lấy cái rỗ đựng cá úp đống ruột lại, đưa lên bệnh viện huyện. Anh ta sống đến tận bây giờ. Ông phải viết về những điều đó.”

       Nhưng có chuyện riêng gia đình nầy, thì chỉ Thái Bá Lợi nói chúng ta mới biết: "Nhớ thời cải cách ruộng đất, lúc đó tôi chỉ trên 10 tuổi, trên đường đi học, qua bãi đấu tố địa chủ, đọc được câu khẩu hiệu: “Đã đảo tên đại địa chủ, cường hào ác bá, thống trị ngư dân Nguyễn Huy Phiên”. Nguyễn Huy Phiên là bố anh Châu. Nhà anh giàu nhất làng, có khoảng 20 mẫu ruộng, mười chiếc thuyền đánh cá, và ông cụ có làm Lý trưởng. Đặc biệt gia đình anh Châu có một tòa nhà lớn gồm hai dãy nhà và một cái sân rộng, bọn con nít chúng tôi thường vào đó vui đùa mà không bị người nhà xua đuổi. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cụ đã khao một Tiểu đoàn nhiều bữa tiệc trong cái sân này để chiến sĩ lên đường  chiến đấu. Có một nhạc sĩ nghiệp dư của Tiểu đoàn đã sáng tác bài hát ca ngợi cụ, mở đầu là câu: Làng ta có ông Lý Bích… (Chị Bích là con đầu trong gia đình ). Năm 1949, Pháp đổ bộ lên Quỳnh Lưu, đốt hêt thuyền đánh cá của dân, trong đó có nhà tôi, mẹ tôi phải vay tiền Cụ Lý để đóng thuyền đi biển, tất nhiên là có tính lãi. Trong Cải cách ruộng đất, mẹ tôi bị ép lên đấu tố, bà lần lựa không lên, lúc thì lấy cớ đau đầu, lúc thì lên chợ Giát thăm cậu tôi đang ốm. Bà nói: Người ta cho vay tiền giúp đỡ làm ăn, sao lại đấu tố họ. Sau mấy ngày đấu tố, Tòa tuyên án: Tên Nguyễn Huy Phiên đáng bị tử hình, nhưng vì có 5 người con đi bộ đội, nên hạ xuống chung thân. Anh Châu là em út, trong năm người con bộ đội ấy. Ông cụ chết trong tù.”

          Chuyện đau lòng đó, trong cà ngàn trang truyện, chưa thấy nhà văn động đến bao giờ.

          Người viết bài này đang vào tuổi 80, mới thấy tiếc biết bao. Giá mà Nhà văn còn có thêm 20 năm sống, thì không biết, văn học chúng ta, bước khỏi không gian chiến trận, đã có thêm những trang viết mới mẻ về con người Việt Nam trên hành trình hòa hợp, hòa hiếu, khoan dung  cùng nhau xây dựng một cuộc sống xứng với những hy sinh vô lượng để có một đất nước Độc lập- Tự do- Hạnh phúc.

          Viết  2-11-2019.
           Chỉnh lại 10-6-2020

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-2-21