Văn Việt (20-2-21)

http://vanviet.info/van/hau-bo-van-nghe-v-noi-buon-chien-tranh-ky-1/

 

HẬU BÁO “VĂN NGHỆ” VÀ “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” (KỲ 1)

Nguyên Ngọc

Có thể gọi khoảng ba, bốn năm sau tháng 12 -1988 là “thời kỳ hậu báo Văn nghệ”, dù tất nhiên sau đó tờ báo mang cái tên ấy vẫn còn, lúc đầu được giao cho anh Hoàng Minh Châu vốn là người rất hiền lành và thường im lặng tạm làm Tổng biên tập, rồi chính thức giao cho Hữu Thỉnh làm nhiều năm dài. Tôi không có gì để nói về tờ báo này.

Tuy nhiên ảnh hưởng của một năm rưỡi ngắn ngủi báo Văn nghệ trước đó, và của cách Ban Thư ký Hội Nhà văn xử lý nó thì còn kéo khá dài, trong văn học và trong xã hội. Mặt khác đây cũng là một thời kỳ khá sôi động của văn học, trong không khí của một công cuộc Đổi mới vừa hào hứng vừa đã sớm bộc lộ những báo hiệu dở dang.

Kỳ thực câu chuyện chung quanh việc xử lý báo Văn nghệ đã chính thức diễn ra trước đó đến mấy tháng, và có điều thú vị, là ở từ cả hai phía, như ta có thể thấy qua đôi điều sau đây.

Ngày 5 tháng 9 năm 1988, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III đã họp hội nghị toàn thể lần thứ VII. Ngoài các ủy viên Ban Chấp hành và đại diện các cơ quan thuộc Hội, còn có ông Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng tham dự, là chuyện hiếm. Hội nghị này ra Nghị quyết: “Vừa qua tuần báo Văn nghệ có một số đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, song bên cạnh đó, tuần báo Văn nghệ đã có những khuyết điểm và lệch lạc, trong đó có những lệch lạc nghiêm trọng. Ban Chấp hành giao cho Ban Thư ký uốn nắn, chấn chỉnh tuần báo Văn nghệ về nội dung và tổ chức nhằm nâng cao chất lượng của tuần báo Văn nghệ theo hướng đổi mới”. Ban Chấp hành này, như tôi đã có lần nói, đông một cách kỳ lạ, đến trên 40 người, đến nỗi trụ sở Hội Nhà văn không đủ chỗ ngồi, phải sang họp nhờ ở hội trường báo Tiền phong. Nghị quyết nói trên được phổ biến rộng rãi trong một Thông báo của Hội. Như tôi đã kể trong một chương khác, trước đó ông Đào Duy Tùng, có ông Trần Trọng Tân tháp tùng, đã đến làm việc với chúng tôi, nghe tôi trình bày quan điểm, phương hướng, cách làm của báo, ông Tùng bảo cơ bản tán thành, nhưng khi tôi đề nghị cho đưa nội dung buổi làm việc lên báo, thì ông Tùng bảo: “Hôm nay mới là ý kiến riêng của tôi. Để chúng tôi còn trao đổi thêm với Ban Thư ký Hội…”. Thế là rõ rồi, kết quả của việc ông Tùng “còn trao đổi thêm với Ban Thư ký Hội” chính là cái nghị quyết này đây.


Nguyễn Khắc Viện

Người đầu tiên lên tiếng phản ứng với cái thông báo ấy lại chính là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ngày 22-10-1988, báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chi Minh đăng bài Xin cho biết rõ hơn của anh. Nguyên văn như sau:

Tin báo Văn nghệ đã phạm những lệch lạc nghiêm trọng, nay cần phải uốn nắn lại về nội dung và tổ chức làm cả nhà tôi xôn xao. Số là, từ một năm nay, báo Văn nghệ đến, là cả nhà, hai vợ chồng tôi, mấy đứa con chí cháu – những cô cậu thanh niên trước đó không hề mó đến báo – tranh nhau đọc, rồi mấy nhà láng giềng thúc giục đọc nhanh cho họ mượn. Mọi người hỏi tôi lệch lạc thế nào? Rồi báo trở lại như cũ hay sao? Rồi cương vị – họ nói số phận – Nguyên Ngọc sẽ như thế nào. Và nay mai, một số kiều bào về lại chạy lại tôi hỏi như vậy (một số kiều bào quen thói hễ trong nước có chuyện gì thắc mắc cứ đè” tôi mà chất vấn, như là tôi phải chịu trách nhiệm).

Tôi đành trả lời: bản thân tôi cũng chưa rõ. Và tôi rất mong đợi được biết rõ hơn: trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn, ai phê phán Văn nghệ như thế nào, khiển trách Nguyên Ngọc như thế nào, nhà văn với nhau, cứ giấy trắng mực đen, không việc gì mà tránh né, không việc gì giấu tên tuổi (không làm như ông nọ trong tạp chí Cộng sản).

Là bạn đọc, hơn nữa là người cầm bút, cũng đôi phen viết cho Văn nghệ, tôi càng mong biết rõ, để chỉnh lại ngòi bút của mình, tránh những lệch lạc nghiêm trọng, và cuối cùng được đăng (và được nhuận bút).

Rất mong được đọc trong Văn nghệ những bản tham luận đã trình bày trong cuộc họp của Ban Chấp hành Hội Nhà văn vừa qua”.

Còn có kiểu phản ứng lo lắng khác. Ngay trong đêm Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu kéo sang tòa soạn để lúng ta lúng túng tuyên bố quyết định rất khôi hài “thuyên chuyển công tác” tôi, tôi còn ngồi trong nhà để đối mặt với hai ông, mãi lúc xong việc ra về mới biết khi bên trong nhà diễn ra vở bi hài kịch của Ban Thư ký với báo, thì bên ngoài đã có rất nhiều người hình như đủ các giới, có cả nhiều xe xích lô hằng ngày vẫn chở báo đi phân phối cho các quầy lâu dần cũng đã trở thành một kiểu cộng tác viên quen thân gắn bó với báo…, đã tập hợp rất đông, chăm chú theo dõi cuộc quyết định số phận tờ báo và Tổng biên tập của nó. Đến nỗi công an sợ có bạo động, đã cho một lực lượng kha khá phục sẵn vòng ngoài… Ngày ấy còn chưa có kiểu biểu tình rầm rộ như trong các vụ chống Tàu, chống luật đặc khu v.v… sau này. Mới manh nha một kiểu biểu lộ thái độ xã hội của công dân các tầng lớp, mà rồi sẽ được coi là một bộ phận của xã hội dân sự hay phong trào dân chủ.

Tất nhiên Ban Thư ký Hội Nhà văn trả lời bằng im lặng, coi như không hề biết có bài báo và các câu hỏi của anh Viện. Họ cũng không hề để ý đến phản ứng của công chúng. Tôi đặc biệt chú ý và kinh ngạc về điều này ở những người như Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, đặc biệt là Chính Hữu: họ đã hoàn toàn mất đi cảm giác về nhân dân. Nghĩa là về con người. Thế mà họ là “nghệ sĩ”, họ lãnh đạo cái Hội Nhà văn này! Và hằng ngày họ thuyết giảng về văn học và nghệ thuật cách mạng. Sao thế nhỉ? Và từ bao giờ? Tôi đã nói ở Hòa bình khó nhọc về cái buổi sáng ngày 28/11/88 tôi và chị Ngọc Trai sang làm việc với Ban Thư ký, khi chị Ngọc Trai nhắc rằng các anh nên chú ý, báo Văn nghệ bây giờ đã lên đến trên 10 vạn số mỗi kỳ, nghĩa là có hàng chục vạn người đọc, thì Chính Hữu nhếch mép cười, khinh bỉ trả lời: “Một cô gái cởi truồng đứng ở cột đèn giữa phố cũng có hàng nghìn vạn người đổ lại xem!”. Thoạt đầu tôi giận đến tím mặt. Cứ cho mỗi tờ báo Văn nghệ có hai tới ba hay bốn người đọc, chứ không nhiều đến như anh Nguyễn Khắc Viện kể, thì theo Chính Hữu hằng tuần có đến khoảng nửa triệu người Việt Nam đổ xô chen chúc nhau đi xem một cô gái ở truồng đứng tựa cột đèn. Hỗn láo với công chúng khó có thể hơn.

Nhưng rồi sau đó là một nỗi buồn tê tái. Hội Nhà văn, muốn nói gì thì nói, theo bất cứ truyền thống nào, là cái nơi cao quí, văn hóa, văn minh nhất của một đất nước. Ở đấy lại có những con người sa đọa đến mức này ư?

Chính Hữu đã đến mức, một lần khác, ngồi trên xe cùng đón chúng tôi đến cơ quan, còn có mấy người cùng đi, bỗng nói: “Tôi biết hôm qua có người nước ngoài đến nhà anh Ngọc”. Tôi bảo ngay: “À, ra vậy là trong Ban Chấp hành chúng ta có cả chỉ điểm đấy nhỉ. Đã kịp đi báo công an chưa?”. Người nước ngoài đến nhà tôi hôm trước được Chính Hữu phát hiện là Bertrand de Hartingh, trưởng đại diện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội. Hôm ấy anh đèo xe máy Georges Condominas, nhà dân tộc học lừng danh thế giới đến nhà tôi chơi. Condo mang cho tôi mấy cuốn sách một chị bạn tôi ở Paris gửi nhờ ông chuyển. Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện thú vị về Tây Nguyên…

Phản ứng của công chúng đối với vụ xử lý báo Văn nghệ rất rộng rãi. Một trong những vụ gây tiếng vang khá lớn là cuộc đi “xuyên Việt” của anh em hội Văn nghệ Lâm Đồng, do anh Bùi Minh Quốc và anh Tiêu Dao Bảo Cự dẫn đầu, từ Đà Lạt ra đến Hà Nội. Trên đường các anh đã có 15 cuộc gặp gỡ với văn nghệ sĩ và công chúng các tỉnh, cùng thảo và ký một bản Tuyên bố, yêu cầu sớm thể chế hóa Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ (Nghị quyết này là công trình đặc sắc của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương do anh Trần Độ và Nguyễn Văn Hạnh chủ trì, tranh thủ được sự nhất trí của Bộ Chính trị – nhưng rồi về sau được chính cái Bộ Chính trị ấy vứt vào sọt rác)… Đặc biệt về báo Văn nghệ, Tuyên bố nêu rõ: “Vụ tuần báo Văn nghệ là một điểm nóng trong cuộc xung đột giữa xu thế đổi mới với bảo thủ trên lãnh vực văn nghệ nói riêng và trên toàn xã hội nói chung. Chúng tôi ủng hộ sự đổi mới trên tuần báo Văn nghệ thời gian vừa qua và phản đối nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nhà văn cho rằng tuần báo Văn nghệ có những lệch lạc nghiêm trọng…”.

Khi đoàn sắp rời Huế thì nhận được điện của Tỉnh ủy Lâm Đồng lệnh quay trở về; các anh điện trả lời sẽ trở về sau khi ra đến Hà Nội, gặp và trao Tuyên bố cho Ban Bí thư Trung ương. Trên đường về, có tin Bộ trưởng Công an Mai Chí Thọ sẽ cho chặn bắt họ ở Thanh Hóa, nhưng sau tính lại thế nào lại thôi. Về đến Đà Lạt, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự bị Tỉnh ủy Lâm Đồng kỷ luật cách chức và khai trừ, vì tội “hoạt động bè phái”… Để làm gì? Để ủng hộ và đòi hỏi có Đổi mới thì phải Đổi mới thật sự!

Nghĩ lại, đòi hỏi thế, cho đến tận bây giờ, cũng là ảo tưởng và sẽ bị trừng trị thôi.

Vậy mà cuộc đi hùng dũng ấy của các anh đã khiến không ít người bị liên lụy theo nhiều cách khác nhau. Vừa rồi tôi có việc đi qua Thanh Hóa, được một anh chủ khách sạn rất nhiệt tình mời nghỉ ăn trưa. Khách sạn của anh rất hoành tráng, tôi không nhớ thang máy đưa chúng tôi lên tầng mấy, chỉ biết tầng chúng tôi dừng lại được gọi là Tầng Hoàng Đế, phòng ăn cũng là Phòng Hoàng Đế. Bữa tiệc tất nhiên thịnh soạn, trò chuyện rôm rả và rất cởi mở, mới biết hóa ra anh cũng đã từng bị dính líu với cuộc đi “bè phái” của ông Quốc và ông Cự hồi 1988. Bấy giờ anh là phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam ở rất nhiều nơi, kể cả các tỉnh Tây Nguyên, rồi từng làm đến trưởng phòng Thời sự của đài. Nhưng anh đã có ký tên vào bản Tuyên bố đòi Đổi mới thật sự và ủng hộ báo Văn nghệ của hai ông. Các nhà cầm quyền ở ta vốn có trí nhớ rất dai. Công tác giỏi giang và xông xáo thế nhưng anh bị treo kết nạp Đảng mất hơn chục năm. Còn may…

Về cuộc ra đi khỏi báo Văn nghệ của tôi còn có chuyện nhỏ nữa cũng hơi bi hài, xin kể nốt trước khi sang hồi khác. Ngày người ta xử lý tôi ở báo thế nào lại đúng cùng dịp Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội Phan Quang. Văn nghệ của tôi cũng là báo chứ, cho nên tôi đã viết một bức thư gửi Ban Chấp hành hội nhà báo trình bày việc người ta đã cách chức tôi một cách vô nguyên tắc và ám muội, đề nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo cũng là của tôi có ý kiến. Thư gửi Chủ tịch Phan Quang. Trong Ban Chấp hành Hội Nhà báo bấy giờ có anh Tô Hòa Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng, và chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có báo cho anh Tô Hòa biết và đưa thêm cho Kim Hạnh một bản sao bức thư. Nghỉ trưa xong, vào đầu phiên họp chiều, anh Tô Hòa đứng dậy hỏi: Tôi được nghe nói anh Nguyên Ngọc, Tổng biên tập báo Văn nghệ có thư gửi Ban Chấp hành chúng ta, đề nghị Chủ tịch Phan Quang công bố cho Ban Chấp hành biết nội dung. Ông Phan Quang bảo à có, à có, và cúi xuống mở cặp lục đi lục lại hồi lâu: Chết rồi, rất xin lỗi các anh chị, trưa về tôi đọc xong bỏ quên ở nhà mất rồi! Kim Hạnh chờ mấy giây, mới lên tiếng: Không sao đâu anh Phan Quang ơi, anh bỏ quên, thì tôi cũng có một bản ở đây. Và chị trân trọng trao cho Chủ tịch Phan Quang bức thư của tôi… Phiên họp Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam chiều hôm ấy được một bữa cười rất khoái…

Tất nhiên cái Ban Chấp hành ấy cũng chẳng khác gì Ban Chấp hành Hội Nhà văn, cùng một giuộc cả thôi mà. Tôi không hề ảo tưởng chờ đợi gì ở Ban Chấp hành Hội của ông Phan Quang. Viết và gửi bức thư này tôi chỉ muốn báo rõ với mọi người rằng cái công cuộc hồ hởi gọi là Đổi mới đã bắt đầu lộ ra tính dở dang của nó rồi đấy, nó thậm chí đang bắt đầu bị kéo dừng và lùi lại bởi chính nhân vật ai cũng tưởng nhầm đã khởi xướng và chủ trì nó. Họ không dám thay đổi đâu, bởi vì họ sợ, và nỗi sợ đó của họ là thâm căn cố đế, bởi nó xuất phát từ cái hệ tư tưởng tăm tối mà họ không bao giờ dám từ bỏ. Xin cho tôi kể câu chuyện hơi lạc đề này một chút, nhưng là cùng một hệ. Ông Raoul Castro của nước Cuba mà ta vẫn ca ngợi bao lâu, mãi đến năm 2010, sau bốn năm được ông anh nghỉ hưu trao lại quyền Chủ nước, mới dám se sẽ cho phép nhân dân tội nghiệp của ông được phép mở các cửa hàng hớt tóc tư nhân, kèm theo quy định nghiêm khắc mỗi cửa hàng chỉ được có ba ghế thôi, đến bốn ghế trở lên thì chúng nó sẽ giàu có, trở thành tư sản và Cuba của ông sẽ mất toi chủ nghĩa xã hội mà chính ông, cũng đúng như ông đứng đầu đang dắt dẫn dân tộc ta, “không biết đến cuối thế kỷ này đã có chưa”!

Sự đời bao giờ cũng đầy nghịch lý. Ở ta đấy thì rõ: chủ nghĩa xã hội, mà các ông luôn lo sợ đánh mất chưa có, không có, làm sao mà có được (như một ông Bộ trưởng đã nói công khai: Có đâu mà đi tìm). Nhưng rồi thời thế đã đổi khác, những người sợ mất chủ nghĩa xã hội ở ta bây giờ không còn sợ nữa, dù suốt ngày họ vẫn tụng ra rả về nó. Bởi họ đã có cái khác, hay hơn nhiều, chủ nghĩa tư bản hoang dã trong đó họ tha hồ câu kết với đám đại gia mới ngày càng mọc lên nhan nhản và đầy quyền lực thực, theo rất đúng quy luật, cũng phần đông còn đầy chất hoang dã. Họ gọi đó là thị trường định hướng xã hội nghĩa. Chữ nghĩa thật phong phú, bên Tàu thì gọi là chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc…

Nguyễn Minh Châu trong những ngày cuối đời đã dặn tôi, như một lời trăng trối: “Cậu phải nhớ điều này: Rồi đến lúc ‘họ’ sẽ trả thù. Trả thù dữ tợn đấy”.

Thực tình lúc ấy tôi đã rất quyết và sẵn sàng cho mọi chịu đựng, nhưng tôi còn chưa thật hiểu hết lời Châu. “Họ” là ai? Tại sao “trả thù”? Mà là “trả thù dữ tợn”?

Bây giờ thì tôi đã hiểu. Chắc rồi tôi phải và xin hứa sẽ cố gắng dành một chương kha khá cho điều mà Xuân Sách đã gọi và làm rất xuất sắc bằng tập thơ nổi tiếng Chân dung nhà văn của anh. Tôi đã bị, hay đúng hơn đã may mắn, được họ chọn làm đối tượng “trả thù dữ tợn”, nên tôi có được biết ít nhiều chân dung của họ, kỳ thực là vô cùng phức tạp, là sản phẩm tất yếu vừa đáng thương vừa đáng trách của một thứ chủ nghĩa hồi đầu thế kỷ XX đã là niềm hy vọng và nguồn ánh sáng đẹp đẽ từng hấp dẫn những trí thức hàng đầu và ưu tú nhất của nhân loại, những Picasso, Aragon, Neruda, Joliot Curie, Camus, Sartre…, nhưng rồi đã sa đọa đến thành tai họa lớn nhất từng có cũng của cái nhân loại ấy. Ở ta quá trình đó lại được trộn lẫn với chủ nghĩa yêu nước truyền thống và chân chính, với trình độ dân trí, và với bao nhiêu di sản tinh thần khác nữa. Nó vừa là một thực trạng xã hội chung kỳ lạ, vừa còn phụ thuộc vào số phận và tính cách riêng của từng cá nhân… Sẽ không thể có Đổi mới thật sự và triệt để nếu không nhận ra, tránh trớ cuộc tổng kiểm tra nghiêm khắc này. Bởi vì Đổi mới thật sự phải là cuộc làm lại xã hội và con người, có thể lấy mốc từ sau 1975.

Một trong những người nhận rõ và kiên trì đòi hỏi đó là anh Tô Hòa Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng. Liên tục trên tờ báo của mình, anh duy trì và ngày càng đẩy mạnh, ráo riết và sắc sảo hơn một mục đậm: “Đổi mới, cuộc chiến đấu còn tiếp diễn”. Tiếp diễn gì nữa, người ta đã dừng lại, đã thụt lùi, công khai. Ông NVL đã chủ trương “giải pháp đỏ”, đã nói rõ ta với Polpot đều là người cộng sản, hai người cộng sản tại sao lại không ngồi được với nhau, người ta đã khăn gói sắp sửa đi sang Thành Đô rồi, mà anh cứ nằng nặc đòi “còn tiếp diễn”. Họ căm anh là phải. Tô Hòa là Tổng biên tập thứ hai bị cách chức chỉ sau tôi ít lâu. Sau đó thật sự là một cuộc thanh trừng báo chí. Nhiều Tổng biên tập liên tục bị cách chức từ Bắc chí Nam: Kim Hạnh ở báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Minh Quốc ở tạp chí Lang Biang Lâm Đồng, Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Cửa Việt Quảng Trị, Tô Nhuận Vỹ ở Sông Hương Huế, Tống Văn Công ở báo Lao động, v.v…, tính chung đến mười mấy người, kéo dài mãi cho đến tận năm 1996, hai người cuối cùng trong danh sách đợt khủng bố đặc biệt này là Thế Thanh và Minh Hiền ở báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng chung tội nhưng mỗi anh mỗi chị ở mỗi chỗ đều có lý do cụ thể riêng. Sông Hương của Tô Nhuận Vỹ ở Huế là nơi tiếp tục con đường của một năm rưỡi báo Văn nghệ một cách ngoan cố và theo cách vừa dai dẳng vừa khéo léo kiểu Huế của các anh. Kim Hạnh thì trực tiếp vì một vụ vừa bi vừa hài: Sài Gòn từ thời Tây đã là đất của báo chí, mỗi anh xích lô buổi sáng đều mua một tờ báo ngồi bắt tréo chân trên xe đọc, và bọn trẻ con bán báo thì rất thạo cách rao tin hot nhất trên báo hằng ngày. Hôm ấy từ sáng rất sớm chúng rao thật to khắp các phố: “Tuổi trẻ mới đây! Mua ngay kẻo hết! Cụ Hồ có vợ đây! Cụ Hồ có vợ đây!”. Xôn xao cả thành phố. Thật ra chuyện cụ Hồ từng lấy bà Tăng Tuyết Minh bên Tàu báo Nhân dân đã đăng trước rồi, nhưng Hà Nội kém Sài Gòn, chưa có tục trẻ con rao báo thành thạo và đặc sắc thế nên người ta đọc xong chỉ tủm tỉm cười với nhau và tặc lưỡi thương ông Cụ khốn khổ thế… Và thật ra Kim Hạnh bị nạn không chỉ do mỗi vụ này, đây chỉ là dịp cụ thể để dồn vô số tội của tờ báo lớn nhất Sài Gòn trị luôn một thể. Bùi Minh Quốc ở Lang Biang thì vì chuyến đi xuyên Việt ồn ào của các anh. Tô Nhuận Vỹ ở Sông Hương Huế thì lại diễn ra dưới thời Nguyễn Khoa Điềm đang làm Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh. Có lần tôi vào Huế gặp anh ở cơ quan Tuyên huấn ấy, nơi ngày xưa chính là Bộ Lại của ông Phạm Quỳnh, Điềm bảo tôi đối với Sông Hương lẽ ra có thể có cách xử lý khác, tôi hỏi lại lúc đó anh đang nắm quyền, sao anh không xử lý cách khác, Điềm không trả lời, v.v… Vậy đó, dân gian đã nói, sông sâu còn có thể dò…


Thế Thanh và Minh Hiền
(ảnh do Trần Hữu Dũng chụp ở Singapore, 2013)

Hai nàng nữ lưu Thế Thanh và Minh Hiền ở cuối danh sách, lúc này đã rất cô lập vì các Tổng biên tập đồng phạm đã được thanh toán hết rồi, còn lại hai nàng bị đông đủ Thường vụ thành phố lớn nhất nước này vây đánh suốt một năm qua hàng chục cuộc kiểm điểm, cũng vì tội cứ ngoan cố đòi “tiếp diễn” Đổi mới thực. Tôi đặc biệt nhớ thương Minh Hiền, một người phụ nữ kỳ lạ. Sau khi bị cách chức ở báo Phụ nữ Thành phố, chị nhận làm một tờ tin của Sở Công thương, chỉ có một trang in hai mặt. Cực kỳ thông minh, khéo léo, tài năng, chị dần biến nó thành tờ báo Doanh nhân Sài Gòn đường bệ và sang trọng, hiện đại nhất nước, rồi lại phát triển thành ba, một Doanh nhân Sài Gòn giữa tuần, một Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, một Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng, vừa cùng là một vừa mỗi tờ lại độc đáo, có bản sắc và đầy sức hấp dẫn riêng, thu hút một số nhà báo cỡ giỏi nhất Sài Gòn chuyên trách từng tờ, chị là người chịu trách nhiệm chung. Minh Hiền bị ung thư ba lần, mỗi lần cứ cách nhau đúng bảy năm, chu kỳ thật lạ, anh Nguyễn Chấn Hùng bác sĩ nổi tiếng về ung thư, người tận tụy chạy chữa suốt hơn hai mươi năm cho chị bảo mỗi lần là một ung thư mới chứ không phải tái phát. Đến lần thứ ba thì chị gục hẳn. Tôi nhớ hôm tôi cùng vợ chồng Thế Thanh đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng, tận Củ Chi quê chị. Một làng thật là quê, vẫn rất mộc mạc, yên bình, có vườn rộng mát, sum suê cây trái, cảm giác cũng thân tình và đằm thắm như chính chị. Mộ Minh Hiền chôn ngay trong vườn, cách sân nhà không tới vài chục mét. Đấy là theo ý muốn của mẹ chị. Hằng ngày bà cụ ngồi nhai trầu trước hiên vẫn nhìn thấy con. Và vẫn trò chuyện cùng con gái yêu.

Tôi không muốn dùng từ này nhưng rồi phải nói thôi: Đấy là một người anh hùng. Một nhà báo tài năng, say mê và can trường nhất của chúng ta. Tôi thân quý chị như ruột thịt.