ÁNH SÁNG THỊ THÀNH

Tùy bút
 

Nguyễn Thị Hậu

 

“Người thành phố” nào mà chẳng có một nhà quê, bởi vì dù có sống cả đời ở đô thành thì nơi đó cũng đã từng là “nhà quê”.

Cứ tưởng sinh ra, lớn lên và sống cả đời ở thành thị thì nhà quê chỉ còn qua lời kể trong ký ức của ông bà cha mẹ. Nhưng không, nếu chú tâm một chút thôi, mỗi ngày trên đường phố đều có thể nhận ra vài dấu tích của một “nhà quê” trước khi trở thành đô thị.

Đó là những con hẻm được hình thành từ đường mòn của làng xưa, hay do san lấp ruộng ao, kinh rạch mà thành. Lúc đầu ngoằn nghèo càng đi sâu càng mất hút, trong hẻm còn cây da cây gòn cổ thụ, dưới gốc có ngôi miếu nhỏ ngày rằm mùng một có nhang đèn của người trong xóm. Thành phố mọc lên, hẻm thành đường, cây da cây gòn có khi còn đó nhưng miếu thờ biến mất hồi nào không ai biết.  

Đó là ngôi chùa cũ kỹ, mái ngói tường gạch rêu phong. Ngày hai lần tiếng mõ se sẽ  theo mùi nhang thơm nhẹ nhàng lan xa. Tháng đôi lần cửa tam quan rộng mở nhưng ngày thường chùa cũng không vắng lặng… Người trong làng hay sang chùa có khi chỉ để ngồi trên bậc thềm rợp mát thỏang hương hoa ngâu. Một ngày kia làng thành phố. Xóm làng thay đổi nhanh đến chóng mặt. Những mảnh vườn nho nhỏ, hàng cây trứng cá trong sân nhà ai dần biến mất, những ngôi nhà tường gach lầu cao lần lượt xuất hiện. Ngôi chùa vẫn ở đó nhưng ngõ nhỏ thành đường xe cộ qua lại ngày đêm, quang cảnh chùa xưa trông lạc lõng trên phố mới. Dân phố khá giả hơn,  chùa được sửa sang cho xứng với vị trí “mặt tiền”. Chỉ sau vài tháng ngôi chùa như mới xuất hiện, rực rỡ màu sơn vàng chói từ trong ra ngòai, nền gạch bông bóng lóang.

Đấy là những chợ nhỏ tuần đôi lần bán ít cá thịt và nhiều hơn là rau trái. Rồi không biết từ lúc nào thành cái chợ hẻm họp hàng ngày vào buổi sáng. Hàng thịt cá hàng rau hàng trái cây đủ cả, cũng không thể thiếu vài sạp quần áo giày dép. Chợ cho người nay nhưng vẫn giữ nhiều nếp xưa, người bán người mua quen mặt thuộc tính xưng hô dì cháu thân tình, bán mua dễ dàng nhanh chóng hiếm khi phải trả giá qua lại.

***

Khác với miền Trung và miền Bắc,  ở Nam bộ có một số tỉnh có đơn vị hành chính là huyện Châu Thành. Trong dân gian, châu thành được hiểu là nơi dân cư đông đúc, thịnh vượng, chốn đô hội văn minh. Từ nửa cuối thế kỷ 19 dần dần được hiểu là vùng phụ cận, vùng ven của thành phố, thị xã…  Vị trí địa lý hiện nay của các huyện Châu Thành đều nằm sát các tỉnh lỵ bởi vì lúc đầu, “châu thành” chỉ các trung tâm hành chính của chính quyền. Sau đó các “tỉnh lỵ” thành lập trên một phần diện tích của “châu thành”, phần còn lại trở thành huyện Châu Thành. 

 Đây chính là nơi xuất hiện và lan tỏa những yếu tố đô thị của quản lý hành chính, phương thức kinh tế và văn hóa, lối sống; là nơi “dự trữ” cho quy hoạch mở rộng của quá trình đô thị hóa: từ thị trấn, thị xã  “nâng cấp” lên thành phố, cũng là nơi thể hiện sự giao thoa lối sống nông thôn và đô thị, qua nghề nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần.

Khi châu thành trở thành đô thị, ngoài “tòa bố” (như tòa nhà Ủy ban nhân dân bây giờ) được xây dựng ở vị trí trung tâm phía trước có quảng trường nhỏ. Rồi công trình công cộng mọc lên: rạp chiếu phim, rạp hát… Đó là những nơi vào buổi tối luôn sáng đèn rực rỡ. Đô thành không thể thiếu những ngọn đèn đường, lúc đầu thắp bằng dầu sau bằng điện. Ở Sài Gòn dân cư quen gọi nhà máy điện Chợ Quán là “nhà đèn” vì từ khi có nhà máy này thì hầu hết những con đường ở đô thành Sài Gòn, thậm chí ở xa hơn như Biên Hòa, Lái Thiêu đều có đèn đường, khi trong nhiều hẻm còn chưa có đèn điện trong nhà.

Ánh sáng thị thành từ “cái đèn treo ngược mà vẫn cháy” như một dấu chỉ của văn minh đối với vùng quê hay nơi phố chợ. Những buổi đầu sức quyến rũ của thành thị bắt đầu từ ánh đèn đường, của rạp hát rạp phim, rồi nhà hàng quán cà phê. Có ánh sáng đèn điện đời sống ở đô thành như dài hơn mà cũng vội vàng hơn, không còn nhớ giờ gà lên chuồng, không thức giấc bởi tiếng gà gáy sáng. Đêm hay ngày người ta phụ thuộc vào chiếc đồng hồ, hối hả theo nó mà vẫn bị thúc giục đến mệt nhoài. Người ta đi làm theo “giờ hành chính”, theo tiếng còi tầm, nhốt mình trong những hộp kín để khi bước ra ngoài thì chói mắt vì ánh sáng mặt trời. Đôi lúc giật mình nhìn mảnh trăng thượng tuần bỗng nhớ một nhà quê mới đó mà đã thành xa lắc…

Từ ngoại ô nhìn vào thành phố, cái quầng sáng đêm đêm cứ rực lên, cuốn hút bao lượt người đổ vào, đổ vào… Người tứ xứ nhập cư lần lượt trở thành người thành phố.

***

Người trong hẻm nhà lá, xóm chợ hay người trên phố chuyển mình thành thị dân. Buổi đầu vẫn giữ những nghề kiếm sống từ lâu đời: nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ… Rồi thương mại kinh doanh và các nghề dịch vụ phát triển. Bộ mặt đô thị thay đổi không chỉ là đường phố, đèn điện, nhà cao tầng mà còn là gương mặt thị dân, điển hình là tầng lớp công chức (làm việc trong bộ máy quản lý của chính quyền hay những nghề như nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư...). Tuy buổi đầu còn ít ỏi nhưng đó là tầng lớp có học thức của thời đại mới. Trường học, bệnh viện, rồi thư viện, bảo tàng, báo chí, in ấn… những thiết chế văn hóa đô thị lần lượt xuất hiện và trở thành một phần không thể thiếu của đời sống thị thành. Vậy nhưng đời sống tinh thần truyền thống vẫn như mạch nguồn trong lòng đất. Lễ Kỳ yên ở đình hay cúng rằm mùng một ở chùa được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ánh sáng ngọn đèn điện ngoài đường phố hay nơi công cộng và ánh sáng cây đèn dầu nhỏ trên bàn thờ ông bà trong mỗi gia đình là hai nguồn sáng góp phần tạo nên diện mạo đô thị và thị dân ở buổi đầu khởi lập.

 

Sài Gòn 22.11.2016