Vì lợi  ích của người đọc,

 xin tôn trọng nguyên bản và bản quyền của tác giả.

Cũng xin cho phép tôi tại đây nói lời tri ân với bạn bè chí cốt

đã góp những ý kiến quý báu cho tập sách nhỏ này.

Trân trọng cảm ơn. – Nguyễn Trung.

 

 

Bản chính thức

 

 

 

 

Tôi làm “chính trị”

Nhng k nim và trăn tr

 

Hồi ký

 

Nguyễn Trung

 

 Phần một: Vào đời

Phần hai: Kẻ thất bại toàn diện

Phần ba: Suy ngẫm

 

 

Kính tng Cu M

 

 

Khai bút tại

Hà Nội – Võng Thị, ngày 30-04-2018

 

 

Phần một

Vào đời

 

                                                                Vào tuổi U90 nhìn lại, tôi không ngờ cuộc đời mình, trải dài từ những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới II  cho đến hôm nay, được chứng kiến hoặc trải qua rất nhiều sự kiện trọng đại của thế giới và trong nước mình. Choáng ngợp trước thực tế này, tôi nghĩ phải cố ghi lại những trải nghiệm và kỷ kiệm khó quên...  và ngẫm nghĩ… Mong được chia sẻ với những ai quan tâm.

 

 

…Là một gia đình tiểu công chức thời Pháp thuộc trong ngành công chính (travaux publiqes – cầu đường, thủy lợi…), nhưng tôi không hiểu tại sao gia đình bố tôi hồi ấy lại có nhiều người tham gia cách mạng rất sớm, trong đó 2 em bố tôi tham gia từ trước 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu hết các anh em và các cháu của bố tôi (bên nội) đều tham gia kháng chiến, trong số họ có một em và một cháu cùng là đồng môn trường Bưởi với anh Việt Phương và biết anh (sau này có lần anh Việt Phương nói với tôi là có biết họ)… Có thể do phong trào học sinh trường Bưởi thời bấy giờ có tinh thần chống Pháp cao?..

Sinh năm 1935, tuổi tôi đã được chứng kiến những ngày cuối cùng của chiến tranh thế  II trên nước ta, bắt đầu từ đảo chính 09-03-1945 Nhật lật đổ Pháp, tiếp theo máy bay Mỹ đã vào ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác, nạn đói 1945… Rồi nhưng ngày sục sôi của Cách mạng tháng Tám.

Tôi tham gia thiếu nhi Cách mạng Tháng Tám ngay từ ngày đầu tiên sau khi đi theo đoàn biểu tình của Việt Minh ngày 19-8-1945 chiếm Khâm sai Bắc Bộ phủ - nơi làm việc của Khâm sai đại thần Phan Kế Toại. Khoảng một tuần trước ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, gia đình bố tôi và họ hàng rời thủ đô, tham gia kháng chiến chống Pháp.

Bỏ lại nhà cửa phía sau, lên rừng vào chiến khu, bọn trẻ chúng tôi chẳng biết gì là nguy hiểm và khổ - có lẽ đây là điều an ủi lớn nhất đối với người lớn. Chúng tôi thích nghi rất nhanh với cuộc sống mới trong chiến tranh, và phải tự làm lấy mọi thứ mà ăn, mà ở, mà sống!.. Tôi chỉ có một kỷ niệm nhỏ: Hôm ấy, mọi người đã lên hết các xe tay để đi ra bến xe, tôi còn nhảy tọt xuống đất, chạy ngược vào nhà, lục lọi mãi mới thấy được quyển sách toán – cho các lớp moyen 1, moyen 2 và supérieur mà tôi rất thích. Tôi vớ mang theo, sau này hóa ra được việc vô cùng.

Vào khoảng năm 1948/1949, Tuyên Quang bắt đầu có trường trung học Tân Trào, với một lớp đầu tiên gọi là đệ nhất. Vài năm sau đổi tên, gọi theo hệ thống trung học cấp II và cấp III (thuộc hệ trung học phổ thông 9 năm). Cha mẹ tôi cho tôi đi học trường này. Trường xa nhà khoảng 40 km, đi bộ hết một ngày mới tới nơi. Cha mẹ cho tôi khoảng một chục cân gạo vừa sức đeo trên vai cùng với những hành trang khác, và một ít tiền đủ sống 1 tháng, hết tháng lại cuốc bộ hai lượt 40 km về nhà xin tiếp, và cũng là để thăm nhà…

Tại trường thì sống nhờ nhà dân, theo kiểu góp gạo thổi cơm chung, tham gia mọi việc có thể của chủ nhà, từ làm việc đồng áng khi rỗi – hồi đó xính dùng danh từ, nên gọi là cùng với chủ nhả tham gia tăng gia sản xuất, khi xong bài vở thì làm mọi việc khác có thể giúp chủ nhà, dậy con em chủ nhà học… Suốt những năm học cho đến hết cấp III, cuộc sống của học sinh chúng tôi đại thể là như vậy, nơi ở nhờ nào cũng được chủ nhà coi như con cháu họ trong gia đình… Học ở trường vào buổi tối là chính, vì ban ngày sợ Tây ném bom. Làm bài cũng ban đêm là chính, vì còn phải tham gia tăng gia sản xuất để có cái góp với chủ nhà mà sống. Đèn học chủ yếu là một cái đĩa với một ngọn bấc lấy từ ruột cây bấc, thắp bằng dầu ép từ hạt cây sở (gọi là dầu sở). Sau này có giao lưu buôn bán với vùng địch chiếm nên mới có thêm loại đèn dầu hỏa (thời đó gọi là dầu tây)… Giấy mực đều thiếu, nhiều khi quá thiếu… Có những lúc phải tiết kiệm giấy bằng cách các bài nháp cho các môn toán, lý, hóa hầu như chỉ thực hiện viết trên cát cho bằng xong, cuối cùng mới chép kết quả vào vở… Thế nhưng, sau này chúng tôi vẫn tự cho mình vào loại học giỏi, vì khi vào học đại học ở nước ngoài, hầu như tại đâu sinh viên Việt Nam thế hệ chúng tôi cũng nổi tiếng là học giỏi… Có nguyên nhân trò chăm chỉ, song quan trọng hơn nhiều là có đội ngũ thầy dạy giỏi – sản phẩm của chủ nghĩa thực dân Pháp để lại hồi đó, và chương trình học hợp lý. Nếu tôi nhớ không nhầm, cả trường Tân Trào lúc tôi nhập học không có thầy giáo nào tốt nghiệp một trường sư phạm nào đó. Các thầy phần lớn là đã học xong tú tài hoặc đang học đại học rồi CMT8 đến, cá biệt đã có thầy tốt nghiệp đại học…

Suốt cấp II và cấp III chúng tôi không có chuyện làm bài tập và bài thi theo đáp án như bây giờ. Các thầy của chúng tôi cũng không có giáo án, mà chỉ dậy theo chương trình, dựa vào sự chuyên sâu của mình và sự bay bổng của nhiệt tình đối với môn mình giảng dậy. Phần thời gian thầy trò trong lớp thảo luận hay tranh luận với nhau hầu như ngang ngửa với phần thời gian nghe giảng và ghi bài. Sách giáo khoa hồi ấy vô cùng thiếu nên càng phải học theo cách này… Chỉ duy nhất mỗi môn tiếng Pháp là có tiết mục “récitation” – bài học thuộc lòng, thầy kiểm tra bằng học sinh đọc thuộc lòng tại lớp – thường là các bài thơ cho học sinh trong chương trình thời Pháp cũ từ enfantin đến élémentaire mà tôi đã học từ lâu, nhưng lên cấp III cũng bỏ nốt và bỏ luôn cả môn tiếng Pháp vì không có thầy dậy, và lúc này cũng có chủ trương bỏ dậy ngoại ngữ này cho nhẹ chương trình.

Tóm lại, có thể nói là không có nạn học vẹt!..

Hôm nay nhìn nhận lại, tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa vẫn cho rằng nền giáo dục của nước ta thời kháng chiến chống pháp có nhiều cái hay hơn bây giờ, hôm nay khó so được! Trường học của chúng tôi còn là một trung tâm văn hóa của địa phương – nơi phát động hay truyền bá các phong trào cần thực hiện, vì học sinh có khả năng trợ giúp đắc lực.  Từ vận động sống vệ sinh, tiếp tục chống mù chữ, chống mê tín dị đoan, đến làm sổ sách thuế nông nghiệp, vân vân… Nghĩa là chúng tôi sống rất gắn bó với dân sở tại, và cũng được dân sở tại giúp đỡ rất nhiều – như cho đất và cho tre nứa làm trường, làm hầm trú ẩn, cho nhiều thứ khác…

Trở lại việc tôi thi vào học đệ nhất trường Tân Trào.  

Tôi nhớ, thi nhập học năm đó có một bài toán và một bài văn. Bài toán tôi làm ngon ơ. Còn bài văn: “Bạn hãy bình luận câu nói của Engels: Tự do là phải hiểu lẽ tất yếu!”

…Tôi cắn bút có lẽ mất đến một nửa thời gian làm bài. Những năm sống trong rừng, qua đôi ba quyển sách mỗi lần bố tôi hay các chú các bác mang theo dọc đường mỗi khi ghé về thăm nhà, tôi đọc nhờ hoặc đọc lén, nhờ đó hiểu võ vẽ Engels là ai, cả những ông Marx, Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông nữa… Tự do là gì, tôi hiểu ở tuổi của tôi. Lẽ tất yếu là gì, tôi cũng hiểu ở mức ấy. Nhưng toàn bộ cái mệnh đề Tự do là phải hiểu lẽ tất yếu! thì lại là câu đố khó với tôi.

Tôi lục lọi trí khôn của mình… Mô tả thô thiển là thế này: Tôi xé cái mệnh đề này làm 2 phần, suy nghĩ loay hoay mọi cách chán rồi mà vẫn thấy không ổn. Tôi lại xé thành 3 phần, lấy cái phần có mỗi chữ “hiểu” làm trục… Đem mọi suy nghĩ ra ghép lên ghép xuống ngược xuôi các phần này lại theo mọi cách nghĩ hay câu hỏi có thể. Tất cả xoay quanh cái trục có mỗi một từ “hiểu” này… Cuối cùng tôi lần ra: À, tự do phải có cái gì đó mới đạt được, đạt được tự do nào đó cũng phải trả cái giá nào đó… Hiểu được hai vế như thế, tôi tán thêm được vế thứ 3: Phải có cái gì đó để có thể chọn lấy cái tự do nên chọn hay là mình thích, chứ không nên bất kỳ thứ tự do nào cũng vơ lấy… Thế là nửa phần giờ còn lai, tôi làm một bài văn ngon lành. Tôi được nhập học với điểm cao. Nhìn lại, đây đúng là câu chuyện A,B,C của trẻ con. Nhưng vì là câu chuyện A,B,C của trẻ con, nên nó đi theo tôi suốt đời người – một dấu ấn đầu tiên không phai…

Quả thật kết quả tôi thu được cho mình từ bài văn này cứ lớn mãi lên… Càng nhiều tuổi, và hôm nay càng về già, kết quả này vẫn lớn tiếp cùng tôi theo thời gian… Cái tựa đề bài văn này theo tôi như hình với bóng, suốt cuộc đời và trong mọi lúc, cho đến hôm nay… Nhất là mỗi khi tôi gặp việc khó, hoặc phải có một quyết định nào đó cho một vẫn đề mới lạ… Cuộc sống cũng đúng là: Muốn sống tự do, phải hiểu lẽ tất yếu!..

Thấm thía nhất đối với tôi là: Hiểu cái lẽ tất yếu ở đời này không bao giờ có thể nói là đủ, vì cuộc sống luôn luôn khôn ngoan hơn mình!.. Trong lòng, không biết bao nhiêu lần tôi cảm ơn thầm ông thầy ra đề thi này, đến hôm nay tôi chỉ đoán được và không biết chắc được là thầy nào (đã mất).  Đến hôm nay, tôi vẫn mang nặng hàm ơn này… Hồi ấy đã có thầy cao hứng kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện tranh luận thú vị trong triết học, thế nào là duy tâm, thế nào là duy vật… Tôi biết ơn sâu sắc trong lòng, và rất mê cái lối suy nghĩ có lô-gich, có triết lý..: Dậy học là dậy học trò sống bằng suy nghĩ và trau giồi cho mình cách nghĩ! Tối sẽ tiếp tục tự dậy mình như thế hàng ngày…[1]

Tôi nói nền giáo dục nước ta hôm nay thua hồi kháng chiến chống Pháp, trước hết có lẽ vì tôi có trải nghiệm này!

Xin các nhà giáo và các bậc phụ huynh thử làm một trắc nghiệm: Đem các bộ sách giáo khoa về các môn  khoa học xã hội hiện đang giảng dậy trong trường cùng với cách dậy học hiện hành đem ra so sánh với cái tựa đề thi này và cách chúng tôi được học thời kháng chiến chống Pháp!

 

Đầu năm 1953, một số học sinh lớp lớn nhất của trường chúng tôi được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, để cử đi tham gia chiến dịch đánh Pháp… Bọn tôi sướng lắm, song không biết cụ thể là sẽ được làm gì. Nhanh chóng chúng tôi được tập kết tại một địa điểm, bí mật tuyệt đối và cấp tốc.

Tôi không kịp và cũng không được từ biệt bố mẹ và mối tình đầu tiên của tôi trong tuổi học sinh!

Sau mấy buổi hành quân toàn vào ban đêm, đoàn vượt qua sông Thao tại bến đò Âu Lâu gần thị xã Yên Bái – cửa ngõ đi vào Tây Bắc. Còn đang ngủ lúc sáng thì bị một trận bom tơi bời trên đầu, có một số thương vong trong dân địa phương và trong những đoàn dân công đang trú tại đây trên đường vào Tây Bắc. Trời phù hộ, đoàn chúng tôi không ai bị làm sao, nhưng cháy mất một số ba-lô quần áo, chúng tôi san xẻ lại quần áo cho nhau…

Trên đường đi tiếp, chúng tôi mới được phổ biến là tham gia chiến dịch Tây Bắc, thuộc đơn vị Tổng cục hậu cần do tướng Trần Đăng Ninh chỉ huy. Nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ về mặt tổ chức và sổ sách của các đơn vị hậu cần, được Tổng cục tổ chức thành các trạm vận chuyển lương thực và quân nhu trên các tuyến dẫn đến mặt  trận.  

Cuộc sống ngày đêm với bom đạn ác liệt trên trời ném xuống bắt đầu. Công việc đang tiến hành được vài tháng, Pháp đột nhiên đưa đại quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, quyết biến trọng điểm này thành một quả đấm thép, nhằm đánh tan các lực lượng của ta trên toàn chiến  trường Tây Bắc. Chiến dịch chúng tôi đi phục vụ trở thành chiến dịch Điện Biên Phủ, bom đạn giặc triệt phá các mạch sống của quân ta ác liệt gấp bội… Chúng tôi được vinh dự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng: Quân Pháp đầu hàng tháng 5-1954.

Có thể nói, tôi đã trưởng thành kinh qua chiến dịch này, với lòng biết ơn vô hạn đất nước và cuộc đời đã ban cho tôi vinh dự này! Qua chiến dịch này, tôi bắt đầu hiểu, được trải nghiệm, và được tự mình kiểm nghiệm quyết liệt chính bản thân mình thế nào là sống hết mình vì đất nước, càng yêu và càng vô cùng tự hào về đất nước mình!..

Niềm vui không trọn vẹn, trên đường trở ra khỏi mặt trận, họa sỹ Tô Ngọc Vân bị máy bay ném bom Pháp giết tại đèo Lũng Lô. Đoàn của ông đi trước đoàn của chúng tôi khoảng chục cây số…   Buồn vì họa sỹ mà chúng tôi yêu mến không còn nữa. Mãi về sau, khi kể nỗi buồn này với bố, tôi mới biết bố tôi là một trong những cán bộ kỹ thuật đầu tiên cùng với những sỹ quan công binh đã khám phá ra và thiết kế đường qua đèo Lũng Lô thời kỳ chuẩn bị chiến dịch…

 

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được điều động tham gia công tác tiếp quản Thủ Đô Hà Nội, được giao phụ trách phố Sinh Từ. Loanh quanh thế nào 11 năm sau tôi lại là rể của phố này. Sau này, đôi lúc trêu vợ mình, tôi nói: Hồi tiếp quản, loại bé con như vợ tôi không bao giờ được tôi để ý!.. Thế là được ăn vài cái đấm.

Tháng 12-1954 xong nhiệm vụ tiếp quản, tôi được điều về Bộ Ngoại Giao, lý do đơn giản là võ vẽ được vài câu ngoại ngữ, được tuyển về để làm nhiệm vụ bưng bê phục vụ Phái đoàn của Ủy ban quốc tế về thi hành Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương. Được vài tháng, đầu năm 1955 tôi được Bộ điều động đi tham gia công tác giảm tô đợt VII, rồi tham gia công tác cải cách ruộng đất đợt V, rồi lại được phái đi làm công tác sửa sai ngay trong toàn 5 xã của huyện Trực Ninh / Nam Định, địa bàn của cụm của tôi đã tiến hành CCRĐ.

Lý do tôi được Bộ cử đi tham gia giảm tô và cải cách ruộng đất là để rèn luyện phẩm chất chính trị cách mạng! Hồi đó, cũng vì mục đích rèn luyện này, Bộ còn giao cho tôi nhiệm vụ giúp anh Nguyễn Mỹ Điền  cùng tham gia cuộc cải cách động trời này để hòa nhập cuộc sống trong nước. Anh Mỹ Điền là một trí thức Việt kiều, hăng hái tự nguyện về giúp nước cuối năm 1954, làm giảng viên tiếng Anh của Bộ Ngoại giao. Sau này người ta nói cái chủ trương rèn luyện kiểu này đối với cán bộ tiểu tư sản hay trí thức như vậy là ăn phải cái bả của Tầu! Có lẽ đúng như vậy.

Ngày đầu tiên chúng tôi được đưa về xã Trực Đạo. Tôi được phân công sống “3 cùng” trong một gia đình nông dân nghèo nhất xóm, chủ gia đình là một bà lão gần như lòa vì nghèo khổ và ốm đau. Nhà có đến  4 miệng ăn mà nhìn đâu cũng không thấy một thứ của nả gì đáng giá. Bồ bịch cái đựng gạo, cái đựng cám hay ngô khoai gì đó, cái nào cũng rỗng tuếch. Tôi đưa bao gạo cán bộ của mình cho gia đình, nấu cả nhà ăn được khoảng vài ba ngày là hết sạch, thậm chí khoai để ăn độn cũng hết… Sang ngày tiếp theo, đến bữa ăn, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một thứ cháo lõng bõng nấu bằng một nhúm tấm, còn lại là cám cho lợn ăn là chủ yếu!.. Mảy trấu của cám không được xảy kỹ, nên cháo khó nuốt vô cùng!.. Tôi chỉ và lấy lệ vài thìa cho chủ nhà khỏi phật lòng, bấm bụng chịu đói, chờ đến tối đi họp đội rồi sẽ tính… Lường trước được chuyện này, ngay ngày đầu tiên về làng tôi đã phát hiện ra một quán nước của làng. Tôi dặn vào tai bà chủ quán, bất kể trong ngày bà bán cái gì, còn hàng hay hết hàng, song cố để dành cho chúng tôi đến tối khuya 2 xuất, thứ gì cũng được, miễn là ăn được cho đỡ đói, dù là củ khoai, bát canh bánh đa, xôi, lạc luộc…  Tối tối sau khi đi họp đội về chúng tôi tạt vào ăn.., bà chủ quán giữ bí mật cho chúng tôi… Anh Mỹ Điền tối nào cũng được tôi dắt đi ăn vụng như thế… Đôi khi còn đặt hàng với bà chủ quán món gì đó có thể, để cải thiện bữa ăn một chút, nếu không thì gục mất… Có lẽ chỉ sang đến tuần thứ 3, anh Mỹ Điền và tôi thống nhất với nhau phải báo cáo với Bộ triệu tập anh về, vì anh Mỹ Điền không thể trụ nổi!..

Còn tôi thuộc diện phải thử thách nên không dám ho he gì…

Hơn hai năm trời lăn lộn với công việc giảm tô, tiếp theo là cải cách ruộng đất, và sau đó đi sửa sai. Có thể nói tôi biết từ A đến Z toàn bộ câu chuyện bi thương này, vì sao nó xảy ra, hậu quả như thế nào, tổn thất sinh mạng và lòng người không gì có thể lấy lại được – một vết thương gây ra cho đất nước không thể tha thứ được! Ngay xã Trực Đạo nơi đội tôi về đầu tiên, đã có một bí thư chi bộ kiêm xã đội trưởng thời kháng chiến bị xử bắn vì bị quy là địa chủ và là Việt Nam Quốc Dân Đảng phản động (mãi sau này được sửa là bần nông và được truy phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang…)[2], vài vụ tự tử, vài vụ bức tử, những cuộc đấu tố con tố cha, cháu tố ông bà…

Tôi thuộc loại có trình độ văn hóa của đội, không phải là đảng viên, được xem là phần tử tiểu tư sản, cần tham gia cuộc vận động này để học tập và tự cải tạo để tiến bộ - giới thiệu của Bộ nói rõ như vậy với Đoàn CCRĐ. Vì thế tôi được phân công nhiệm vụ làm thư ký chuyên nghiệp cho đội ngay từ đầu, sau đó là cho cụm -  một công cụ để cho đội và cụm sai bảo… Làm báo cáo hàng ngày cho đội và cho cụm viết mỏi tay, nên hầu như không có gì là không biết. Cả những chuyện anh đội này chị đội kia hủ hóa với nhau…

Có một chuyện bi hài: Một anh cán bộ cụm (phụ trách các đội CCRĐ tại các xã trong toàn huyện) năng nổ, hét ra lửa, thế nào lai ăn nằm có mang với một bà nông dân nạ dòng, hơn anh ta dăm ba tuổi (nói là góa chồng, dân làng thì bảo là chồng bà ta đi lính cho Pháp bị giết hay là đã bỏ đi Nam sau 1954 gì đó... - địa phương này là vùng địch hậu nên nhiều người đi lính như thế cho Pháp, đây là chuyện bình thường). Anh ta cãi với tổ chức là không phải là hủ hóa, mà là có ý định xây dựng gia đình, chỉ mắc khuyết điểm là ăn cơm trước kẻng thôi… Có thể là nội bộ tổ chức chơi khăm nhau, quyết ngay: Đã định xây dựng gia đình thì phải tổ chức cưới luôn, để khỏi mất uy tín với dân làng!.. Thế là đám cưới theo kiểu đời sống mới được tổ chức cấp tốc. Chuyện ê chề biến tướng thành niềm vinh dự của làng… Tôi thì đoán thầm chú rể chắc đau lắm, có khi còn hơn cả bị thiến!..

…Càng biết nhiều càng sợ. Khác ý một tý với đội trưởng, cụm trưởng, anh chị đội.., có thể bị quy kết chết liền… Một số  gia đình nông dân trong xã có người làm cán bộ ở những tỉnh khác, nơi khác, gia đình bị oan nhưng tuyệt đối không dám gọi người thân của mình về cứu… Hoành hành của những bộ não anh đội chị đội nhiệt tình cách mạng nhưng ngu dốt, nên nhiều khi ác đến mức dã man, vô văn hóa…  Tôi thấm thía: Quyền lực của sự ngu dốt và nhiệt tình cách mạng có thể trở nên rất tàn bạo![3] Nhưng những năm tháng này tôi phải học tập rèn luyện cho mình lập trường giai cấp, nên câm bặt, làm việc như một cái máy, và sống cũng như một cái máy: nghĩa là không bày tỏ cảm xúc, song hoàn toàn có thể thầm lặng để cố xem cho kỹ tấn trò đời..!  

Sau cải cách ruộng đất đợt V, khoảng từ tháng 6-1956 trở đi, các cán bộ của Bộ tôi lục tục được gọi trở về Hà Nội tất cả rồi. Riêng tôi vẫn chết dí ở Trực Ninh, không thấy Bộ nhắc tới.

Vào lúc này trên chủ trương phải cấp tốc tiến hành sửa sai ở tất cả các địa phương đã tiến hành CCRĐ khắp miền Bắc. Các anh các chị đội thường kiếm cớ xin trở về địa phương cũ nơi mình ra đi, thật ra là trốn sạch, hoặc xin đi sửa sai ở huyện khác, tỉnh khác. Bởi vì vác mặt đi sửa sai ở những xã mình tiến hành cải cách, hầu như chắc chắn sẽ bị nông dân cho ăn đòn, không chết thì cũng hết sống!..

Chẳng hiểu tại sao, tôi lại được phân công đi sửa sai ngay tại cái huyện đã nhẵn mặt tôi. Thực lòng tôi cũng rất run, nhưng huyện nói: Anh nắm được mọi vấn đề trong huyện, lại không có ân oán gì với bà con, nên cố chịu khó giúp huyện chúng tôi, bây giờ trong tỉnh chỗ nào cũng phải sửa sai nên không đủ người (sự thật có thể là chẳng ai dại gì hay hứng thú gì đi làm cái việc oái oăm này!)… Một mình tôi và hai hoặc ba người của từng xã làm việc sửa sai này trong từng xã, cứ như thế lần lượt xã này đến xã khác, làm xong đến đâu báo cáo huyện đến đấy, mãi cho đến đầu năm 1957...  Nội dung sửa sai là vãn hồi mối quan hệ làng xã đã bị CCRĐ phá vỡ, ổn định tình hình trong xã và đời sống của dân, ghi lại các vụ việc hay những vấn đề tồn đọng lớn và những oan trái lớn để giúp huyện có đủ hồ sơ xin chủ trương của trên giải quyết dần sau này…

Công việc sửa sai 5 xã của huyện giao cho tôi được thực hiện suôn xẻ, tình hình của huyện dịu hẳn. Nhưng tôi ốm kiệt xác, gần như sắp chết, vì quá vất vả, một số di chứng bệnh sốt rét liên quan đến gan và dạ dày lại tái phát… Song vẫn chẳng thấy Bộ gọi về. Mẹ tôi từ Hà Nội xuống thăm, thấy con mình như vậy đau lòng quá. Quay về đến Hà Nội, bà chạy thẳng vào Vụ Tổ chức cán bộ, chất vấn tại sao con bà không được Bộ gọi về!

Lúc này Vụ tổ chức cán bộ mới tá hỏa: Trong danh sách gọi cán bộ đi cải cách về, thiếu tên tôi!

Nói thêm đôi điều về CCRĐ.

Cách đây khoảng 7 - 8 năm gì đó, trong khi nằm chữa bệnh tại bệnh viện Hữu nghị, tôi được ở cùng phòng với một bệnh nhân tên là Khái, hơn tôi khoảng dăm tuổi, nếu tôi nhớ không nhầm, họ là Đào. Nằm trong bệnh viện vài tuần, song hai chúng tôi xoắn lấy nhau về những chuyện ngày xưa…

Thời kháng chiến chống Pháp ông Khái là bí thư huyện ủy kiêm huyện đội trưởng huyện Yên Lạc, đánh giặc tơi bời và lừng lẫy một vùng. Hình như suốt thời gian kháng chiến chưa một lần nào Pháp có thể trọn vẹn chiếm được huyện này lấy một ngày!.. Song danh sách cán bộ và chiến sỹ của huyện đã hy sinh rất dài… Thế nhưng trong CCRĐ ông Khái bị quy là địa chủ kiêm Quốc Dân Đảng (rất lạ là trong CCRĐ chỗ nào cũng có Việt Nam Quốc dân đảng!) phạm tội phản động và chiếm đoạt các chức vụ đầu não của huyện để giúp giặc… Bố ông Khái oan ức quá, treo cổ tự tử… Gia đình ông Khái tan nát… Sự thật là cán bộ đầu não của huyện thời kháng chiến bị hy sinh nhiều quá, có những lúc ông Khái phải kiêm nào là bí thư huyện ủy, nào là chủ tịch huyện, huyện đội trưởng… Ông Khái bị đội CCRĐ khép tội đại phản động, chiếm đoạt các chức vụ quan trọng trong kháng chiến, thuộc diện tử tù rất nguy hiểm, chờ ngày xử tử… Đội giam ông ở xã bằng cách đục hai cái lỗ ở chân tường để gông 2 chân ông ở phía bên kia tường, song vẫn chưa yên tâm. Sợ không đủ lực lượng canh giữ, đội đề nghị với trên phải chuyển ông lên trại giam đặc biệt của huyện…

Chuyện đấu tố và nhục hình đối với ông không thể kể siết. Ông nói thều thào với tôi – vì bị mấy anh chị đội và nông dân tham gia đấu tố đánh gãy mất mấy cái răng:

-       Đầu hàng cái lũ mất dậy này thì không bao giờ! Song chỉ mong chúng nó giết mình thật sớm!..

Trên đường giải ông từ nơi giam ở huyện về xã để đưa ra pháp trường, sẽ tổ chức đấu tố lần cuối rồi xử bắn, có một lệnh hỏa tốc đuổi theo, phát đi từ Trung ương, gửi tất cả các địa phương khắp mền Bắc: Dừng ngay tất cả các vụ xử án tử hình trong CCRĐ!

Ông Khái thoát chết. Sau đó được đưa ngay về khu an dưỡng để hồi phục sức khỏe.

Ít lâu sau nữa ông được tập kết về khu nhà nghỉ ở Hồ Tây, tất cả có lẽ tới trăm người, đại thể là những thân phận na ná như ông Khái – dù là chức vụ và thuộc các vùng miền khác nhau như thế nào, hình như không thấy có nữ, ông Khái bảo thế, ông không nhớ rõ...

Đấy là cuộc họp do Trung ương triệu tập, để xin lỗi các đồng chí cán bộ là nạn nhân, mong họ sớm khỏe mạnh trở về địa phương mình, giúp hàn gắn vết thương CCRĐ.

Đến giờ, ông Trường Chinh đích thân mời mọi người sang phòng họp để cuộc họp bắt đầu. Không một ai chịu làm theo, vì oan ức và tức khí lớn quá… Lần thứ hai, thứ ba cũng vậy… Cuối cùng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến và trực tiếp mời, mọi người mới đứng dậy và đi sang phòng họp…

Câu chuyện đau lòng này vẫn tiếp tục xoáy lên trong tâm trí tôi câu hỏi:

-       Tại sao cho đến hôm nay, năm 2018 này, Trung ương ĐCSVN vẫn chưa một lần tiến hành tổng kết rạch ròi sai lầm CCRĐ để rút kinh nghiệm, để học hỏi, và để công khai xin lỗi cả nước!? Không làm được như vậy, loại sai lầm nghiêm trọng như thế này sẽ còn tiếp tục tái diễn! Thực tế đã chứng minh, 43 năm độc lập thống nhất vừa qua, biết bao nhiêu sai lầm nghiêm trọng lặp đi lặp lại, trong đó có nguyên nhân quan trọng là không làm cái việc phải làm này!

Trong một số bài viết những năm qua, cả trong tiểu thuyết “Dòng đời” và tiểu thuyết “”, tôi đã nhiều lần nhắc lại câu hỏi này… Chắc chắn đất nước sẽ còn lận đận tiếp vì căn bệnh này!

Suy nghĩ như trên, nên tôi không tán thành tiểu thuyết “Ba người khác” ngay từ khi nó ra mắt bạn đọc. Anh Tô Hoài chỉ dồn mọi hư hỏng và tội lỗi trong CCRĐ cho những yếu kém của các anh đội chị đội. Hình như anh muốn tránh đụng chạm đến cái gốc của vấn đề: Sai lầm xuất phát từ những người lãnh đạo và đường lối chính sách, các anh đội chị đội chỉ là những phương tiện, phần nào là nạn nhân nữa. Viết như trong “Ba người khác” chỉ nêu lên được một phần sự thật, mà lại là phần ngọn. Không viết ra cả sự thật như thế, an toàn cho anh Tô Hoài, nhưng lại không an toàn cho đất nước!.. Song cũng phải nói, có viết như thế sách mới xuất bản được!

Thật là một kỷ niệm buồn!..

 

Đầu năm 1957, cuối cùng thì Bộ Ngoại giao cũng gọi tôi về. Song tôi xa Bộ lâu quá rồi – khoảng 2 năm hơn một chút, nên Bộ không biết bố trí cho công tác gì bây giờ… Chính tôi cũng cảm thấy mình lạc lõng trong Bộ…

May quá, đúng lúc này Bộ có mấy xuất đi học ở CHDC Đức và cũng đang thiếu tiếng Đức, thế là  Bộ “đền” tôi bằng cách cho đi học Văn học Đức, tại trường Đại học Karl Marx – [sau khi bức tường Berlin đổ, trường này trở lại tên cũ là Trường Đại học Leipzig, một trường phái học thuật nổi tiếng một thời… Đấy là cái may đầu tiên lớn nhất trong đời tôi – trời cho!

Xin nói ngay, đi học như thế là đổi đời!.. Tôi chịu ơn nước Đức nhiều lắm, coi đấy là quê hương thứ hai của mình. Lý do: Nhân cách và hiểu biết của tôi có phần tác thành rất quan trọng từ những gì tôi học được trong ghế nhà trường hay trong cuộc sống xã hội của quốc gia này – bao gồm cả những gì dành cho tôi của 2 nước Đức đã thống nhất lại với nhau năm 1989 – nơi có một phong trào tuyệt vời, mạnh mẽ, bền bỉ của nhân dân khắp các miền 2 nước Đức ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta – cả về vật chất và tinh thần. Tôi chia đôi thời gian của mình, một nửa dành cho nhà trường, một nửa học trong đời. Hôm nay nhìn lại, tôi thấy sử dụng thời gian như vậy là hợp lý, ý chí dấn thân có được chỗ dựa cho sự tự tin của bản thân. Dám sống và dấn thân là điều tôi luôn luôn tự nhắc nhở mình lúc trai trẻ. Càng về sau này tôi càng hiểu, thiếu lòng tự tin này, chắc tôi sẽ chẳng dám làm gì! 

 [Xin lưu ý cho, cả thế giới biết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta do ĐCSVN lãnh đạo. Cho đến nay, có lẽ đấy là cuộc kháng chiến của một quốc gia được sự ủng hộ rộng rãi nhất của nhân loại tiến bộ, trước hết và chủ yếu bởi tính chính nghĩa chống ngoại xâm của nó. Xin hiểu đúng điều cốt lõi này cho đất nước hôm nay và mai sau. Sự ủng hộ này của mặt trận nhân dân thế giới không mảy may liên quan đến chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và trên thế giới! Sự ủng hộ như vậy của mặt trận nhân dân thế giới là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự việc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền và luật pháp nước Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không thể nào bào chữa được, xâm phạm lợi ích quốc gia của bạn và quan hệ quốc tế, - cho dù nội tình Việt Nam có những vấn đề nan giải đến thế nào đi nữa! Nhất thiết phải tìm cách khắc phục sai lầm nghiêm trọng này! Đành rằng chuyện “bắt cóc” như thế các cường quốc đều làm, nhưng xin nhớ cho Việt Nam chưa bao giờ là cường quốc, lại ở vào cái thế không được phép biến bạn thành thù! Hơn nữa phải học hỏi cái văn minh, chứ không nên bắt chước cái dã man làm gì!]

 

Xin kể một chi tiết ngoài lề, những năm tôi học và làm việc ở CHDCĐ  có một hiện tượng lạ: Chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa lại là một chức vụ rất khó của nhà nước CHDCĐ. Bộ trưởng của Bộ này cứ bị thay xoành xoạch, mặc dù hầu hết đấy là những nhân vật văn hóa có tên tuổi và uy tín cao trong xã hội, đều có học hàm học vị cao (ở CHDCĐ không chuyện “bằng giả”), chức vụ của họ trong lãnh đạo ĐXHTN Đức cũng rất cao...

Lý do: Văn hóa thực sự là một mặt trận chính trị quyết liệt không đội trời chung giữa 2 chế độ chính trị khác nhau của 2 nước Đức! Có lần tổng bí thư Erich Honecker nói với lãnh đạo Việt Nam: “Kẻ thù giai cấp của chúng tôi len vào trong từng phòng ngủ mỗi gia đình!” (chương trình TV của Tây Đức thời đó). Trong cuộc đấu tranh này, phần yếu luôn luôn nghiêng về phía CHDCĐ, hệ quả sát sườn nhất là bệnh kinh niên chảy máu chất xám, chưa kể những hệ quả tiêu cực  khác... Thực tế này làm thiếu hụt nặng nề cán bộ chuyên môn mọi lĩnh vực, đến nỗi ngay cả bệnh viện chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo quốc gia và đoàn ngoại giao cũng phải mời từ các nước LXĐÂ sang, vì thiếu… Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 bắt rễ sâu xa từ những năm tháng này. Thực tế quyết liệt này ngấm vào tôi khá sớm tính chất quyết liệt của mặt trận văn hóa trong đời sống một quốc gia.

Lúc còn trẻ ở nhà, tôi được học rất nhiều về câu hỏi “Ai thắng ai?” giữa CNXH và CNĐQ. Gần 15 năm cả học và làm việc ở 2 nước Đức (trong đó 3 năm cuối cùng là ở 1 nước Đức thống nhất, Bonn), tôi thấy câu trả lời cứ lừng lững đến từ cuộc sống thực tại không thể cưỡng lại được, và cuối cùng là sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Thực tế này càng thôi thúc tôi phải có thái độ khách quan nghiêm túc để xem xét mọi sự vật.

Còn một chi tiết nữa, công tác nghiên cứu lý luận và tuyên giáo của ĐXHTNĐức rất nghiêm túc, sáng tạo, chuyên sâu, lý lẽ phải nói là rất kinh điển và uyên thâm trên nền tảng triết học, chất lượng khoa học cao theo quan điểm Marxist… Chất lượng công tác này có thể liệt vào bậc nhất trong phe xã hội chủ nghĩa, nhiều vấn đề Liên Xô cũng phải suy ngẫm và tham khảo. CHDCĐ có đội ngũ tuyên giáo báo chí đông đảo, chất lượng chính trị và tay nghề cao. Chúng tôi, những người đã từng gắn bó nhiều năm với cả 2 nước Đức, thường gọi hiện tượng “kỹ lưỡng” này là “đặc tính Đức”. Nghĩa là làm việc gì, dù là theo nhân sinh quan nào, ở CHDCĐ đều được làm rất có hệ thống, bài bản và nghiêm túc. Nước ta đã cử nhiều đoàn sang học tập kinh nghiệm của bạn – nhưng hầu như không học được bao nhiều, hoặc học không nổi – vì quá tầm và quá khác nhau về hoàn cảnh, trình độ…  Lưu trữ của Đức hiện nay vẫn còn đầy đủ để khảo cứu. Xin nói ngay đội ngũ tuyên giáo của nước ta hôm nay không thể so sánh được với họ hầu như trên mọi phương diện chất lượng và đạo đức nghề nghiệp.  

Song quan trọng hơn cả cái đặc tính Đức nói trên, CHDCĐ có một đòi hỏi mất / còn đối với sự tồn tại của chính quốc gia này: Phải xây dựng bằng được cả nền tảng tinh thần, tư tưởng, lý luận, văn hóa làm đạo lý cho sự tồn tại của CHDCĐ với tính cách là một quốc gia của một dân tộc Đức mới, cũng có khi lãnh đạo bạn nói là “quốc gia của dân tộc Đức XHCN” (Der Staat der sozialistischen deutschen Nation” – “der Staat” ở đây được CHDCĐ hiểu là quốc gia - “nationaler Staat”, không phải là nhà nước), quyết bứt ra khỏi dĩ vãng của nước Đức quốc xã, và quyết song song tồn tại với CHLBĐ của chủ nghĩa đế quốc. Có thể nói đây là sự cọ sát có tình đối kháng quyết liệt và toàn diện nhất giữa 2 thế giới khác nhau trong lòng một quốc gia. Một sự chạy đua, ganh đua, quyết hạ gục nhau trên mọi phương diện! Với tất cả quyết tâm, ý thức tỉnh táo, và ý chí quyết liệt nhất của cả 2 bên! Không phải ngẫu nhiên CNXH ở CHDCĐ phát triển cao nhất trong phe XHCN, được coi là “tủ kính của CNXH”!

Song một bên đi con đường thuận theo sự phát triển của tự nhiên, một bên theo con đường tuy rất lý tưởng và lãng mạn nhưng duy ý chí cưỡng lại tự nhiên.

Và đúng với quy luật vận động của sự vật khách quan: Duy ý chí đã thất bại.

Cái duy ý chí xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin mới chỉ là một vế thôi, trước sau kiểu gì cũng thất bại, chứng minh rất thuyết phục: Lấy chủ nghĩa xã hội làm phương tiện bằng cách dựng nên một nhà nước của chuyên chính vô sản để thực hiện những cái đích của chủ nghĩa này là thảm họa.

Nhưng cái duy ý chí chia đôi dân tộc Đức, để qua đó hy vọng có một bộ phận sẽ hình thành nên “một dân tộc Đức mới XHCN” thì nhân dân cả 2 miền nước Đức không bao giờ chấp nhận, nghĩa là không khả thi ngay từ lúc CHDCĐ ra đời.

Vì vậy, CHDCĐ phải sụp đổ là tất yếu, một sự thất bại của duy ý chí kép!

Vì những lẽ trên, cho phép tôi tại đây chia sẻ thế này: CHDCĐ là ví dụ hoàn hảo nhất chứng minh sự thất bại tất yếu của chủ nghĩa xã hội với tính cách là một mô hình thế chế chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của một quốc gia thiết kế theo chủ nghĩa Mác – Lênin.  

Vì thế, nói: “ở nước ta độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội!” cũng có nghĩa là bắt độc lập dân tộc của nước ta phải gắn với một chủ nghĩa đã phá sản! Hậu quả đất nước đã và đang phải tiếp tục trả giá suốt 43 năm qua là lẽ tất yếu:  Theo mô hình này, chế độ toàn trị được củng cố, nhưng đất nước lụn bại.

Ngày nay, chỉ có các giá trị mang tính xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục tồn tại trong kho tàng văn minh nhân loại, nằm trong những nét đẹp hướng thiện, trở thành những giá trị góp phần tạo thành một bộ phận nhất định của văn minh nhân loại. Đấy là những thành quả của sự phấn đấu, hoàn toàn không phải là “chủ nghĩa”, càng không phải là phương tiện! Đương nhiên văn minh nhân loại không chỉ giới hạn lại trong những giá trị như thế, còn rất nhiều giá trị khác nữa!

 

Tôi công tác ở Bộ Ngoại giao, như thế là từ tháng 12-1954 đến đầu năm 1993.

Loại trừ 7 năm đại học ở CHDC Đức từ 1957 đến 1964 – trong đó có 1 năm Bộ Ngoại giao yêu cầu tôi tạm dừng học giữa chừng để làm phiên dịch cho đại sứ quán ta rồi học tiếp, thời gian công tác ở Bộ như thế là liên tục. Bắt đầu từ công việc bưng bê phục vụ phái đoàn IC về Hiệp định Geneva 1954 ở Hà Nội, đến chức vụ cuối cùng là đại sứ tại Thái Lan…

Tôi không được trải qua bất kể một khóa đào tạo chuyên ngành nào về ngoại giao, đơn giản vì điều kiện công tác không cho phép. Song công việc ngoại giao của tôi bắt đầu từ phiên dịch, đến công tác nghiên cứu, lần lượt trải qua đủ các hàm ngoại giao khi ở nước ngoài, làm đủ các nhiệm vụ quản lý đơn vị từ phòng đến vụ ở trong Bộ - đấy là cả một trường đời vô giá đối với tôi. Nói gọn: toàn bộ sự nghiệp của tôi  khoảng gần 4 thập kỷ ở ngành giao là làm việc và học thường xuyên trong khi làm việc.

Tôi thật sự là chính tôi chỉ từ khi tôi đảm nhiệm những chức vụ quản lý khác nhau trong Bộ hay ở nước ngoài. Trước đó ở những nhiệm vụ khác, tôi chỉ là người học việc và người thừa hành.

Cái vốn lớn nhất của tôi trong nghề là ý chí làm việc và học trong khi làm việc không lúc nào dừng, học bất kể cái gì mà công việc đòi hỏi, ngoại ngữ là chìa khóa.

Cái nền của ý chí làm việc và học hỏi này là vốn sống của suốt cuộc đời, được nâng cánh ở mức độ nhất định nhờ sự giúp đỡ của lối tư duy triết học – để hiểu và để phân tích sự vật – mà tôi đã hấp thụ được phần nào trong nhà trường và trong cuộc đời; nhờ đó tôi luôn có ý thức cố tránh cách suy nghĩ duy tâm, duy ý chí hoặc cảm tính, luôn cố tự phán xét mình...

Kinh nghiệm cụ thể của tôi xin kể lể ra là như vậy.

Còn như nói chung chung là tôi yêu nước và có tinh thần phấn đấu cao… v… v… chắc không có ích gì cho bạn đọc, vì trong chúng ta ai mà chẳng như vậy!?..

Về nhiệm vụ quản lý:

-       Trong Bộ, tôi đã qua các chức vụ trưởng phòng, vụ trưởng vụ kinh tế (hình như là hai lần, một là vụ trưởng vụ kinh tế đối ngoại, một là vụ trưởng vụ kinh tế tổng hợp), vu trưởng vụ Châu Á 2, Chánh văn phòng Bộ.

-       Ở nước ngoài tôi đã làm các nhiệm vụ: Đại biện lâm thời của Việt Nam tại CHLBĐ sau 30-04-1975 kiêm Thụy Sỹ, tiếp quản ĐSQ CHVN và thành lập ĐSQ CHXHCNVN tại CHLBĐức, quyền đại sứ ở Australia, sau cùng là đại sứ ở Thái Lan.

-       Kết thúc nhiệm vụ đại sứ ở Thái Lan, tôi được triệu tập sang Văn phòng Chính phủ, đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại, do Phó thủ tướng Phan Văn Khải làm chủ tịch, Bộ trưởng Bộ ngoại giao và một số bộ trưởng các Bộ kinh tế là thành viên.

-       Được 1 năm, Hội đồng giải thể, ngay sau đó tôi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời làm trợ lý cho Thủ tướng.

-       Khoảng giữa năm 1966 tôi xin từ chức trợ lý Thủ tướng. Nói to tát: Tôi “treo áo từ quan” - nói là treo “áo”, vì tôi không có “ấn”. Lý do: Liên quan đến bức thư ngày 09-08-1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị đề nghị thực hiện những thay đổi lớn và toàn diện cho đất nước.

-       Sau đó tôi tham gia Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho đến khi Ban này giải thể.

         Tiếp theo...



[1] Một kỷ niệm: Một hai năm sau tôi về học tại trường trung học Yên Bái cho gần nhà hơn. Một hôm nhà trường cho bọn học sinh lớn nhất chúng tôi trong trường biết: Có ông Trần Văn Giàu về Tuyên Quang nói chuyện kháng chiến và triết học, ai muốn đi nghe nhà trường sẽ giới thiệu. Thế là đám bọn lớn chúng tôi rủ nhau đem cơm nắm muối vừng đi ăn đường, màn chiếu và ba-lô để ngủ lại, cuốc bộ một ngày đi, rồi một ngày về mỗi lượt hơn 40 km, có một thày giáo đi cùng, chỉ để nghe một buổi tối nói chuyện như thế! Tôi có cảm tưởng sức trai thời đó làm gì cũng được!

[2] Tôi đưa chi tiết này vào trong tiểu thuyết “Dòng đời”, xuất bản năm 2006, và tiểu thuyết “”, xuất bản 2015..

[3] Hàng ngày sống với những người này, tôi cứ nhứ đến chuyện ngụ ngôn của Nga về con gấu: Nó thấy chủ đang ngủ bị ong đốt trên mặt, nó lấy hòn đá to đập con ong nát bét! Cả muỗi và chủ nó cùng chết!...