Tôi làm “chính trị”
Hồi ký Nguyễn Trung
Phần hai: K
7
Về
Ban Nghiên cứu và Viện Nghiên cứu phát triển (IDS)
Suốt
thời gian từ khi về hưu đến nay, tôi tham gia tổ nghiên cứu của thủ
tướng Võ Văn Kiệt, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn khải,
Viện Nghiên cứu phát triển (IDS). Ngoài ra tôi còn tham gia một
số diễn đàn của các tổ chức dân sự (NGO).
Dưới đây xin nêu ra đôi điều đáng ghi nhớ.
Trước
hết nói về tổ và Ban nghiên cứu (1993-2006, bao gồm thời kỳ Tổ nghiên
cứu của thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng
Chính phủ thời thủ tướng Phan Văn Khải và thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng) Xin gọi chung là Ban,
vì thực chất là một công việc xuyên suốt, thống nhất.
Từ khi hình thành là một “tổ”, rồi trưởng thành là “Ban”, cho đến khi bị
giải thể là 13 năm (1993-2006). Khi thành Ban, người trưởng Ban đầu tiên
là anh Trần Đức Nguyên, người tiếp theo là anh Trần Xuân Giá, và đồng
thời cũng là người sau này được tận tay trực tiếp nhận văn bản quyết
định giải thể Ban, mặc dù ngày hôm trước còn được yêu cầu bàn về công
việc của Ban.
Trong kết cấu của tổ chức này, còn tổ kinh tế đối ngoại, là một đơn vị
riêng, song có sự hợp tác mật thiết với Ban. Tổ do anh Đậu Ngoc Xuân làm
tổ trưởng, có các thành viên là anh Nguyễn Mại, anh Phạm Gia Toàn và
tôi. Tổ này thời kỳ đầu còn nhiều thành viên khác.
Ban gồm các chị các anh đã nghỉ hưu, từ nhiều cơ quan khác nhau,
có bề dày nhất định về kiến thức và kinh nghiệm – có những cây cổ thụ là
Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Việt Phương, Trần Đức Nguyên... Số đương
chức chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chỉ giữ vai trò cái khung hành chính của
Ban. Ngay từ đầu, chúng tôi thỏa thuận với nhau nguyên tắc “5
không, một có”. Đó là: không lương, không chức vụ, không dưới
ai, không trên ai, không vụ lợi, có trách nhiệm với ý kiến của mình.
Trong làm việc và mọi mối quan hệ với nhau, chúng tôi không ai
bảo ai, ngay từ đầu hoàn toàn tự giác mang vào tổ chức này tác phong:
dân chủ, cởi mở, tranh luận đến cùng, tôn trọng lẫn nhau.. – cứ như là
những đặc tính tự nhiên và tất nhiên của Ban vậy.
Sản phẩm của toàn Ban có chất lượng tăng dần theo ngày tháng và cũng
đúng với sự phát triển từng bước của Ban, phù hợp với đòi hỏi của công
việc, càng về sau Ban càng chủ động chú ý tham gia nhiều hơn vào những
vấn đề chính trị hệ trọng của đất nước.
Cả đời công tác của mình, có lẽ Ban là cái tập thể duy nhất tôi có được
– nói cho hoành tráng – để cùng nhau vẫy vùng cho những gì tốt đẹp mình
mong muốn cho đất nước. Tại đây, tôi học được rất nhiều – nhất là phương
pháp tiếp cận vấn đề rất riêng của mỗi người, cách nghĩ, cách giải
quyết… Sự độc đáo riêng như vậy của mỗi người là những gợi ý, những bổ
sung vô giá cho hiểu biết và phương pháp làm việc của tôi. Rõ ràng, học
không bao giờ là muộn và ở tuổi nào cũng học được! Theo tôi, yếu tố quan
trọng nhất dẫn đến chất lượng làm việc này của Ban có lẽ là sự cởi mở
chân thật! Không ngại giấu dốt, nhưng cũng không phải giữ ý, dè dặt vì
chuyện này chuyện kia!..
Một nguyên nhân thành công nữa là Ban luôn luôn bám sát cuộc sống, cố
tránh nói chay, nói lý… Trong thời gian này, phải nói các thành viên của
Ban lặn lội rất nhiều nơi trong nước, ngoài nước, học hỏi các nước nhưng
đồng thời không rời thực tiễn rất gai góc của đất nước.
Những đóng góp của Ban vào xây dựng
Luật Doanh nghiệp đã được
ban hành dưới thời thủ tướng Phan Văn Khải là một ví dụ tiêu biểu cho sự
nỗ lực và phương pháp làm việc này của Ban.
Tôi muốn nói thêm thế này: Chính chúng tôi cũng trưởng thành lên rất
nhiều trong quá trình cùng với các cơ quan khác và những nhà kinh tế
khác của đất nước đã cùng nhau xây dựng nên Luật này.
Thực tế cũng chứng minh: Các thành viên của Ban không nằm trong biên chế
cán bộ Văn phòng Chính phủ là những đầu mối liên hệ lý tưởng cho hình
thành sự hợp tác rộng nhiều địa phương trong cả nước từ Bắc chí Nam và
hợp tác liên ngành rất đáng mong đợi. Thực tế này mang lại cho Ban nhiều
thông tin và nhận thức quan trọng.
Cá nhân tôi xin cảm ơn các thành viên này như chị Chi Lan, chị Nguyễn
Thị Hiền, các anh Đào Xuân Sâm, Lê Đăng Doanh, Đào Công Tiến, Nguyễn Văn
Ký, Võ Đại
Lược,
Trần Hậu, Nguyễn Phú Hiệp, Nguyễn Lê, Tạ Đình Thính, Nguyễn Sỹ Dũng,
Đinh Văn Ân, Lưu Bích Hồ, Nguyễn Văn Miện, vân vân … về ân huệ tôi được
hưởng này.
Riêng về kinh tế, tôi thực sự có ấn tượng sâu sắc về những phản biện
trong lĩnh vực kinh tế của chị Phạm Chi Lan và chị Nguyễn Thị Hiền, vì
luôn luôn bám sát những
diễn biến rất đa chiều trong đời sống kinh tế đất nước và có những lỹ
lẽ, dẫn chứng thuyết phục, trình bày rành mạch.
Trong tấm gương về phong cách làm việc tận tụy, tôi nhớ đến anh Tương
Lai, người đã cùng với học trò của mình lặn lội ngày đêm ở Quỳnh Phụ -
Thái Bình, (1997) mang về cho chúng tôi những nhận xét, đánh giá xác
thực tại chỗ. Cùng với những thông tin từ những chuyến khảo sát khác
nhau của các thành viên khác trong sự kiện Hà Tây và tại một số địa
phương khác, Ban chúng tôi qua đó đã tổng hợp được cho mình những quan
điểm và hình thành được cái nhìn toàn diện về cụm vần đề
nông dân - nông nghiệp - nông
thôn rất hệ trọng của nước ta. Trong những lĩnh vực sản xuất
công nghiệp, FDI, xuất nhập khẩu… công việc nghiên cứu của Ban có chất
lượng một phần quan trọng là nhờ mạng lưới rộng và liên ngành như vậy.
Nhìn chung những kiến nghị của Ban (đặc biệt là vào dịp Hội nghị Trung
ương 4 khóa đại hội VIII 1996-2001) tập trung vào đòi hỏi của đất nước
về thay đổi
chính sách và thể chế hành chính. Hôm nay nhìn lại có thể nói:
Nội dung những đề nghị này từ các khía cạnh khác nhau thực chất đã đặt
ra vấn đề cần xúc tiến
cải cách chính trị.
Tổng hợp lại có thể kết luận:
Những đóng góp của Ban trong 13 năm này trên lĩnh vực kinh tế vỹ mô và
hệ thống chính trị
nếu như được chấp nhận và thực
hiện, trên đất nước đã có thể manh nha và hình thành được ở
mức độ nhất định nào đấy như là những bước đi mở đầu vỡ vạc cho một cuộc
cải cách chính trị, mà lãnh đạo đảng đã tránh né ngay từ khi tiến hành
đổi mới 1986, và Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (01-2004) đã
đưa ra 4 nguy cơ đã loại bỏ hẳn đòi hỏi này.
Viện
Nghiên cứu phát triển[1]
(IDS,
*27-09-2007 to -14-09-2009)
Một hôm, ít lâu sau khi IDS được thành lập, anh Quang A và anh
Chu Hảo đến thăm tôi trong bệnh viện, mời tôi tham gia IDS. Phần thì
chúng tôi vốn chơi với nhau từ lâu và rất biết nhau, phần thì IDS đáp
ứng đúng nguyện vọng lâu nay của tôi, ngay lập tức tôi cảm ơn và nhận
lời mời. Trong lòng vui lắm và mừng cho đất nước, cảm ơn những người
sáng lập.
Tôi không dám nói IDS là một think tank, nhưng sự thật nó là một
tổ chức đang lớn lên với dáng vóc như thế, có thể xem đây là lần đâu
tiên trong xã hội dân sự của đất nước
XHCN của chúng ta có một viện
nghiên cứu tư nhân những vấn đề vỹ mô của đất nước. Số thành viên cũng
như nguồn lực tài chính của IDS rất khiêm tốn. Tuy nhiên có thể nói IDS
rất giầu nhiệt tình gắn bó với vận mệnh của đất nước và cũng giầu có như
thế trong khả năng huy động thông tin và kiến thức từ mọi nơi trên thế
giới. Chúng tôi hy vọng rất nhiều: Với vốn liếng về sự gắn bó với thực
tiễn cuộc sống đất nước và với mọi thông tin & kiến thức thu thập được,
chúng tôi hoàn toàn hy vọng có thể giúp ích đất nước. Nhất là chúng tôi
mong đợi sự có mặt của IDS trong cuộc sống sẽ khơi dậy những hoạt động
như thế trong mọi nguồn trí tuệ của đất nước. Hai năm tồn tại và hoạt
động của IDS cũng như sự hưởng ứng của xã nội đã nói lên điều này.
Xin hãy thử hình dung, điều gì sẽ đến nếu trí tuệ trở thành một
trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự vận động của đất nước chúng
ta!?. Song chính triển vọng này lại là lý do chế độ chính trị phải cấm
IDS!
Nhìn lại những gì đã xảy ra, có thể nói IDS là nguyên nhân đầu
tiên của việc hình thành và ra đời quyết định kèm theo văn bản pháp quy
của sự cấm đoán này cho mọi hoạt động tương tự trong cả nước!
Toàn viện chúng tôi đã bàn luận với nhau rất nhiều mọi chiều
cạnh, đi đến kết luận phải chủ động tuyên bố tự giải thể, để IDS với
chính danh là một tổ chức think tank có thể làm được việc cuối cùng nó
phải làm: Đánh thức dư luận cả nước trước việc làm sai trái này của
chính quyền. Cũng với mục đích này, tôi xin chép lại tại đây toàn văn
tuyên bố ngày 14-09-2009 của IDS để bạn đọc tham khảo và tìm hiểu:
Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS
IDS|14/09/2009
Ngày 24-7-2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số
97/2009/QĐ-TTg ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ
chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Quyết định 97), có hiệu lực
từ ngày 15-09-2009.
Viện Nghiên cứu phát triển IDS nhận thấy Quyết định 97 có những sai phạm
nghiêm trọng sau đây:
Một là: Điều 2 của Quyết định 97 không phù hợp với thực tế khách quan
của cuộc sống.
Khoản 2, điều 2 trong quyết định này ghi: cá nhân thành lập tổ chức khoa
học công nghệ “chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc Danh mục ban hành kèm
theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước, cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà
nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn
với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”
Như vậy khoản 2 của điều 2 bao gồm 2 điểm chính là:
(1) các lĩnh vực được phép nghiên cứu quy định trong danh mục kèm theo
Quyết định, và
(2) không được công bố công khai ý kiến phản biện với danh nghĩa của một
tổ chức khoa học và công nghệ.
Về vấn đề danh mục các lĩnh vực được phép tổ chức nghiên cứu:
Cuộc sống vô cùng phong phú, có nhiều vấn đề chưa biết đến, luôn luôn
vận động, biến đổi và phát triển, luôn luôn đặt ra những đòi hỏi mới,
cần có các quyết sách mới và các giải pháp thích hợp. Vì vậy không thể
bó khuôn mọi vấn đề được phép nghiên cứu trong cuộc sống vào một danh
mục dù danh mục ấy có rộng đến đâu. Quy định như vậy sẽ bó tay các nhà
khoa học, những người nghiên cứu độc lập, hạn chế sự đóng góp của họ vào
việc xây dựng chính sách đổi mới và phát triển đất nước.
Nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo nhằm khám phá các quy luật vận
động trong tự nhiên và xã hội; từ đó tạo ra công nghệ mới, hoạch định
chính sách phát triển và nâng cao dân trí để thúc đẩy xã hội tiến lên.
Trong cuộc sống còn có những lĩnh vực, những vấn đề đã trở nên lỗi thời
hoặc đã bị vượt qua. Thực tế này cũng là một đối tượng quan trọng của
công việc nghiên cứu, nhất là trong tình hình một quốc gia phải ra sức
phấn đấu khắc phục tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Trong một xã hội
tiến bộ, công việc nghiên cứu với tính cách như vậy không thể đóng khung
trong một danh mục gồm các lĩnh vực được quy định như đã nêu trong Quyết
định 97.
Trong khi đó, công văn ngày 8-9-2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (thừa ủy
quyền của Thủ tướng trả lời thư ngày 6-8-2009 của Viện IDS gửi Thủ
tướng) cho rằng cách quy định một danh mục các lĩnh vực cho phép cá nhân
được thành lập tổ chức nghiên cứu là thông lệ ở nhiều nước trên thế
giới, có nước quy định một danh mục cho phép, có nước quy định một danh
mục cấm, hoặc cả hai. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ thì chưa thấy nước nào có
quy định danh mục các lĩnh vực được phép nghiên cứu khoa học. Vì vậy
cách trả lời trong công văn của Bộ Tư pháp là không trung thực, thiếu
trách nhiệm. Cho đến nay, trên thế giới, việc phân loại các lĩnh vực
khoa học là để thống kê, so sánh, không thể lấy đó làm căn cứ để quy
định các lĩnh vực được phép nghiên cứu. Cách làm như Quyết định 97 sẽ bị
dư luận chê cười, làm hại uy tín của lãnh đạo và của đất nước.
Ý kiến trong công văn của Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định vẫn để mở, sẽ
tiếp tục nghiên cứu bổ sung dần các lĩnh vực cho phép, là một cách biện
bạch gượng gạo, bởi vì “cho phép” thì không bao giờ đủ. Không ai có thể
“cho phép” đời sống sẽ được phát triển đến đâu. Thực chất với Quyết định
này, “cho phép” tức là cấm, và vùng cấm rộng gấp ngàn lần vùng được
phép.
Về vấn đề phản biện:
Quá trình đi lên của đất nước chưa có con đường vạch sẵn, cuộc sống có
vô vàn vấn đề thuộc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cần được
phản biện để có thể xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất
nhiều ý kiến phản biện về đường lối chính sách bị cất hầu như không có
thời hạn trong các “ngăn kéo” của các cơ quan chức năng hoặc của những
người có thẩm quyền có liên quan. Có quá nhiều phản biện dưới mọi dạng
như kiến nghị, đề nghị, thư, tài liệu nghiên cứu… không bao giờ được hồi
âm.
Ví dụ nổi bật nhất là cải cách giáo dục – một vấn đề sống còn của sự
phát triển đất nước, một yêu cầu bức xúc của xã hội đang được dư luận và
giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm, phản biện công khai
sôi nổi từ nhiều năm nay nhằm thực hiện những nghị quyết của Đại hội
Đảng và các Hội nghị Trung ương Đảng về cải cách giáo dục. Tuy vậy, sự
phản biện này chưa được đánh giá và tiếp thu nghiêm túc.
Một ví dụ khác gần đây là vấn đề bô-xít, được coi là một chủ trương lớn
của Đảng và Nhà nước. Sự phản biện công khai, quyết liệt vừa qua của rất
nhiều nhà khoa học và các hiệp hội thuộc các lĩnh vực khác nhau đã góp
phần thúc đẩy việc ban hành quyết định ngày 24-04-2009 của Bộ Chính trị
lưu ý những vấn đề phải quan tâm trong khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.
Tuy vậy, còn biết bao nhiêu phản biện quan trọng khác trong vấn đề khai
thác bô-xít ở Tây Nguyên vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Trong tình hình nêu trên, cấm các tổ chức khoa học công nghệ do các cá
nhân thành lập phản biện công khai như nêu trong Quyết định 97 thực chất
là cấm phản biện xã hội, hệ quả sẽ khôn lường.
Khoản 2 trong điều 2 của Quyết định 97 không viết thành văn nhưng hàm ý
để ngỏ khả năng: cá nhân được phép phản biện công khai với tư cách riêng
của mình. Như vậy, sẽ không thể giải thích:
(a) Tại sao cá nhân thì được phản biện công khai, còn tổ chức, tức trí
tuệ tập thể và liên ngành được tập họp để có thể có chất lượng cao hơn,
thì lại không? Quy định chỉ cho phép cá nhân phản biện công khai tạo
thuận tiện cho việc vô hiệu hóa hay hình sự hóa việc phản biện của cá
nhân? Phải chăng quy định như vậy ngay từ đầu đã mang tính chất không
khuyến khích phản biện, mà có hàm ý làm nản lòng, thậm chí hăm dọa sự
phản biện của cá nhân.
(b) Tại sao trong nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
một văn bản pháp quy có tầm quan trọng như vậy lại có thể được thiết kế
như một cái bẫy và để ngỏ khả năng cho việc vận dụng cái bẫy đó?
Hai là: Việc cấm phản biện công khai là phản khoa học, phản tiến bộ,
phản dân chủ.
– Cấm như vậy là phản khoa học, bởi lẽ: Bất kể một phản biện nào nếu
không chịu sự “sát hạch” công khai, minh bạch trong công luận, sẽ khó
xác định phản biện ấy là đúng hay sai, độ tin cậy của nó, sự đóng góp
hay tác hại nó có thể gây ra, khó lường được các khả năng sử dụng hoặc
lợi dụng việc phản biện này.
– Cấm như vậy là phản tiến bộ, bởi lẽ: Người dân sẽ không biết đến các
phản biện đã được đề xuất hay các vấn đề đang cần phải phản biện, càng
không thể biết chất lượng và tác dụng của những phản biện ấy, không biết
nó sẽ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, tiếp thu hay xử lý như thế
nào. Phản biện và tiếp thu phản biện không công khai sẽ không thể tranh
thủ được sự đóng góp xây dựng từ trí tuệ trong và ngoài nước, hạn chế
khả năng sáng tạo tìm ra con đường tối ưu cho sự phát triển đất nước và
vứt bỏ lợi thế của nước đi sau. Trên hết cả, cấm như vậy là cản trở việc
nâng cao trí tuệ và bản lĩnh của người dân, cản trở vai trò làm chủ đất
nước của nhân dân. Cấm như vậy chẳng khác nào biểu hiện chính sách ngu
dân.
– Cấm như vậy là phản dân chủ, bởi lẽ: Nhân dân – người chủ của đất nước
– sẽ thiếu những thông tin để tự mình tìm hiểu, đánh giá mọi vấn đề có
liên quan của đất nước mà họ không thể không quan tâm. Cấm như vậy là
tước bỏ hay làm giảm sút khả năng của nhân dân giám sát, kiểm tra, đánh
giá hay đóng góp xây dựng, hình thành và nói lên các ý kiến của họ, tán
thành hay bác bỏ một chủ trương nào đó; trên thực tế là cấm hay ngăn cản
quyền của nhân dân tham gia vào công việc của đất nước. Cấm như vậy là
ngược với tiêu chí Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Ba là: Quyết định 97 có nhiều điểm trái với đường lối của Đảng và vi
phạm pháp luật của Nhà nước.
– Trước hết, đối với Hiến pháp, điều 2 trong Quyết định 97 vi phạm Điều
53 quy định công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham
gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; Điều 60 quy
định công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng
chế, sáng tác; Điều 69 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình
theo quy định của pháp luật.
– Đối với Luật Khoa học và công nghệ, điều 2 Quyết định 97 không phù hợp
với tinh thần của Luật này coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng
đầu, khuyến khích sự tham gia nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân, Nhà
nước đảm bảo và hỗ trợ sự thực hiện những kết quả nghiên cứu, khuyến
khích các hội khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức, động viên
các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành
các hoạt động khoa học và công nghệ… v.v.
– Đặc biệt quan trọng là Quyết định 97 có nhiều điểm trái với tinh thần
và nội dung Nghị quyết số 27 – NQ/T.Ư “Về xây dựng đội ngũ trí thức
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” mới được
ban hành tháng 10-2008. Nghị quyết này nhấn mạnh thực hành dân chủ, tôn
trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo
của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh.
– Việc ban hành Quyết định 97 còn vi phạm khoản 2 và khoản 4 Điều 67
trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là đã bỏ qua
trình tự bắt buộc phải công bố dự thảo quyết định trước ít nhất 60 ngày
trước khi kí để bảo đảm sự tham gia ý kiến của dân. Trong công văn trả
lời Viện IDS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lập luận rằng: quyết định 97 được xây
dựng và ban hành đúng luật vì toàn bộ các bước soạn thảo, lấy ý kiến,
thẩm định dự thảo quyết định đã được hoàn tất trong năm 2008 khi Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2008) phải đến 1-1-2009
mới có hiệu lực. Sự biện bạch này không thể chấp nhận được. Quá trình
soạn thảo, thẩm định bắt đầu từ bao giờ, kéo dài bao lâu, là việc nội bộ
của các cơ quan hữu trách. Nhân dân, là những người chịu tác động của
Quyết định, chỉ có thể biết ngày ban hành chính thức của Quyết định 97
là ngày 24-7-2009, hơn 7 tháng sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật có hiệu lực. Như vậy rõ ràng là việc ban hành Quyết định 97 vi
phạm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì sao một quyết định
quan trọng liên quan đến một lĩnh vực lớn được coi là quốc sách hàng
đầu, lại được thực hiện môt cách vội vã và tùy tiện như vậy.
Có thể kết luận, Quyết định 97 nếu được thực hiện sẽ làm nặng nề thêm
thực trạng thiếu công khai minh bạch rất nguy hại cho việc xây dựng và
thực thi pháp luật, làm trầm trọng thêm tình trạng tụt hậu hiện nay của
đất nước.
* * *
Trong gần 2 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu phát triển IDS đã làm được
một số việc có ích cho đất nước, đóng góp ý kiến xây dựng đối với một số
vấn đề hay chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã
hội, đặc biệt là giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Mọi hoạt
động của Viện IDS từ ngày thành lập cho đến nay đều tiến hành đúng pháp
luật, công khai, minh bạch.
Tuy nhiên trong thời gian qua, tồn tại dai dẳng một số nhận xét sai lệch
của cơ quan an ninh về Viện IDS, thậm chí cho rằng Viện nhận tiền của
nước ngoài và có hoạt động chống đối Nhà nước… Ngày 16-01-2009 Viện IDS
đã có thư gửi các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nêu rõ quan
điểm của Viện về những nhận định sai trái này, song tiếc rằng cho đến
nay bức thư này của Viện chưa nhận được bất kể một hồi âm nào.
Ngay sau khi có Quyết định 97, Hội đồng Viện IDS đã thảo luận, phân tích
những chỗ sai cả về thủ tục và nội dung của quyết định này. Với ý thức
tôn trọng Chính phủ và Thủ tướng, và để biểu thị thiện chí của mình, Hội
đồng Viện chúng tôi nhất trí chưa bày tỏ ý kiến công khai mà trước hết
gửi thư ngày 6-8-2009 nêu rõ với Thủ tướng những chỗ sai của Quyết định
97 và kiến nghị cách giải quyết nhằm tránh các hệ quả bất lợi về nhiều
mặt.
Sau khi gửi thư, đại diện của Hội đồng Viện được mấy vị lãnh đạo mời
gặp, riêng Thủ tướng mời gặp hai lần; nhân dịp đó chúng tôi trình bày rõ
thêm và trao đổi ý kiến thẳng thắn về những nhận xét và kiến nghị đã nêu
trong thư.
Viện IDS đã kiên tâm chờ đợi. Ngày 11-9-2009, Chủ tịch Hội đồng Viện IDS
được Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ
tướng mời đến VPCP và trao cho hai văn bản. Một là công văn số
3182/BTP-PLDSKT ngày 8-9-2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của
Thủ tướng trả lời Hội đồng Viện Nghiên cứu phát triển IDS về những điều
nêu trong thư của Viện gửi Thủ tướng ngày 6-8-2009. Hai là công văn số
1618/TTg-PL ngày 10-9-2009 của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP thừa ủy quyền
của Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và công nghệ ra văn bản hướng dẫn thi
hành Quyết định 97 và thu thập ý kiến để kiến nghị bổ sung danh mục ban
hành theo quyết định này.
Hai công văn này cho thấy tất cả các kiến nghị của Viện IDS về Quyết
định 97 đều không được chấp nhận.
Toàn viện IDS và từng thành viên đã hết sức đề cao tinh thần trách nhiệm
công dân, ý thức kỷ luật và thiện chí, nhưng những cố gắng đó đã không
được đáp ứng.
Trước tình hình như vậy, với một quyết định hạn chế đến mức vô lý quyền
nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện nghiên cứu phát triển IDS
không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi
vào Điều lệ của mình. Chấp nhận hoạt động theo Quyết định 97, viện IDS
và các thành viên sẽ không thể làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung
ương Đảng về trí thức mới ban hành, đồng thời không thể làm tròn trách
nhiệm công dân và nghĩa vụ người trí thức của mình.
Ngày 14-09-2009, Hội đồng Viện IDS đã họp phiên toàn thể, quyết định tự
giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97.
Quan điểm của Viện chúng tôi được trình bày trong tuyên bố này và được
công bố kèm theo các tài liệu liên quan [1]. Chúng tôi cũng giữ quyền sử
dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của luật pháp.
Làm tại Hà Nội ngày 14-09-2009
Các thành viên Hội đồng IDS đã ký
1/ Hoàng Tụy, Chủ tịch Hội đồng IDS
Kết thúc phần này, cá nhân tôi xin chân thành cảm ơn anh chị Hoàng Tụy
tuy tuổi cao nhưng đã sống hết lòng với IDS (chị Ngọc Anh đã mất). Anh
Tụy cho chúng tôi một gương sáng về sự trung thực của người làm khoa học
và những nỗ lực không mệt mỏi của anh cho cải cách giáo dục.
Tôi học được rất nhiều ở anh Quang A về sự cống hiến tận tụy cho IDS, và
cũng nhân dịp này xin bày tỏ sự trân trọng của riêng tôi dành cho anh về
sự dấn thân quyết liệt và không mệt mỏi của anh cho dân chủ và tiến bộ
của đất nước. Đất nước chúng ta hôm nay đang rất cần những sự dấn thân
xây dựng và có hiểu biết của mỗi cá nhân như thế trong cộng đồng dân tộc
chúng ta, cố sao tạo ra được tiếng nói chung và nỗ lực chung cùng nhau
đưa đất nước chúng ta đi lên.
Viết đến đây, tôi nhớ lại hôm nào cụ Nguyễn Trọng Vĩnh và các anh Việt
Phương, Trần Đức Nguyên, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Hữu Vinh, Xuân Diện, anh,
tôi và một vài anh nữa đi thắp hương tại đài tưởng niệm các liệt sỹ tại
Ba Đình – Hà Nội, vào dịp nhớ đến ngày TQ tiến hành chiến tranh chống
nước ta trên biên giới phía Bắc, song bị bảo vệ dứt khoát
ngăn cản. Sau đó chúng ta đành dựng hoa và thắp hương phía bên
kia đường bái vọng lại! Thật là buồn. Ít lâu sau Nguyễn Hữu Vinh bị bắt
và kết án tù vì trang Anh Ba Sàm, chúng ta đã làm hết cách mà không sao
cứu được! Còn nhiều chuyện buồn như thế trong trấn áp quyết liệt
mitting, biểu tình phản đối những hành động thù địch của TQ trên Biển
Đông, tôi đã điểm lại vài sự việc và nêu trong tiểu thuyết “Lũ” (chương
26).
Trong “vùng trời” hoạt động của IDS tôi “giầu” lên rất nhiều, vì được
gần gũi và học được rất nhiều ở những con người dễ mến ở mọi nơi. Tất cả
đều thiện chí, cởi mở, dù tuổi đời giữa chúng tôi khác nhau thế nào…
Thực sự họ là những người uyên bác, có tư duy sắc sảo và luôn luôn sẵn
sàng chia sẻ… Các anh Đặng Hữu, Phạm Duy Hiển, Huệ Chi, Hoàng Xuân Phú,
Trần Văn Thủy, Trần Văn Thành, Phạm Gia Khải, Nguyễn Văn Trọng, Phạm Gia
Minh… … là những người luôn
luôn mang đến cho tôi những điều buộc tôi phải động não suy nghĩ. Xin
cảm ơn tất cả các anh, được sống với nhau như thế nên chúng ta không thể
lười được!..
Trong những năm tháng được tham gia Viện VIDS (Viện Nghiên cứu phát
triển) của anh Thang Văn Phúc và anh Nguyễn Vi Khải, có một kỷ niệm buồn
tôi nhớ mãi. Đó là VIDS và Trung tâm minh triết của anh Nguyễn Khắc Mai
đã phối hợp với tỉnh ủy Đà Nẵng tổ chức lễ thắp nến trên bãi biển Đà
Nẵng tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh trong bảo vệ Gạc Ma và những đảo
khác ở Trường Sa đã bị TQ đánh chiếm. Cùng với
lễ thắp nến trên bãi biển là những hoạt động khác trong đất liền,
bao gồm triển lãm tường thuật cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma, tố cáo những
hành động TQ xâm lược biển đảo, họp báo, hội thảo... Anh Nguyễn Khắc
Mai, anh Vi Khải, anh Đinh Hoàng Thắng và tôi đã về tận nơi phối hợp với
chính quyền và đoàn thể Đà Nẵng tổ chức chu đáo mọi việc. Song khoảng 12
tiếng đồng hồ trước khi tiến hành lễ thắp nến trên bãi biển, tỉnh ủy
thông báo cho chúng tôi: Có lệnh của trên phải dừng lại mọi hoạt đông
ngoài trời, toàn bộ những hoạt động đã dự định chỉ được phép tiến hành
trong nhà tại nơi triển lãm, hội thảo, họp báo! Đành phải thực hiện đúng
như thế. Song các cháu thanh niên và nhân dân vẫn tự bảo nhau mang nến
ra thắp trên bãi biển, có tốp mang theo bức trướng ghi 2 câu thơ của
Nguyễn Bỉnh Khiêm “Biển
Đông vạn dậm giang tay giữ - Đất Việt muôn năm vững trị bình” do anh
Nguyễn Khắc Mai sưu tầm.
VIDS và Trung tâm minh triết còn làm được nhiều việc đáng nhớ
khác, kỷ yếu của VIDS là một ấn phẩm được nhiều độc giả hoan nghênh.
Kiến nghị 72 về sửa đổi Hiến pháp (19-11-2013)
Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được cả nước coi là sự kiện trọng đại
và tham gia sôi nổi. Một số thành viên của Ban Nghiên cứu đã bị giải thể
và của Viện Nghiên cứu phát triển đã phải tự giải thể đã cùng với nhiều
nhân vật và nhân sỹ các ngành nghề khác nhau trong cả nước – tổng cộng
là 72 người, soạn thảo Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, làm tại Hà
Nội ngày 19-01-2013. Kiến nghị này do 72 người soạn thảo và ký tên, nên
có tên gọi
Kiến nghị 72.
Nội dung cốt lõi của Kiến nghi 72 là bỏ Điều 4, xây dựng nhà nước pháp
quyền dân chủ trên nguyên tắc tam quyền phân lập, xác lập quyền làm chủ
đất nước của nhân dân và các quyền công dân, sửa đổi quyền sở hữu đất
đai, sửa đổi và bổ sung một số quyền và nội dung khác…
Toàn văn Kiến nghị 72 xin được chép lại tại đây như sau:
KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội
về việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dưới đây gọi tắt
là Dự thảo), chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, xin trình
bày với Quốc hội và Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một số kiến
nghị, đồng thời mong mỏi toàn thể đồng bào trong và ngoài nước thẳng
thắn nói lên ý kiến để
nhân dân ta có một Hiến pháp bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển
bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại
và tương lai.
Hiến pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực
sự thuộc về nhân dân và được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành
phần đa dạng trong xã hội. Dự thảo chưa thấu suốt bản chất của một hiến
pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính
quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát
bên trong và bên ngoài đối với quyền lực. Kiểm soát bên trong giữa các
nhánh quyền lực nhà nước bằng các cơ chế đối trọng kiềm chế lẫn nhau,
các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp không thể vượt quá giới hạn
được ấn định. Kiểm soát từ bên ngoài đối với công quyền được thực hiện
bởi nhân dân với vai trò quan trọng của xã hội dân sự mà tiền đề là
các quyền tự do về ngôn
luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình,...
Hiến pháp phải mang tính chính đáng được đo bằng nhiều tiêu chí.
Thứ nhất, hiến pháp phải có mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền,
kiến tạo tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc; đồng thời đoàn kết toàn
dân, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng đến sự phát triển bền vững
của dân tộc. Thứ hai, hiến pháp phải thể hiện ý chí chung của nhân dân,
thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để lập ra các cơ quan nhà nước. Thứ
ba, hiến pháp phải được xây
dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ biến của thế giới văn minh, phù
hợp với các cam kết quốc tế mà Việt nam đã tham gia.
Theo tinh thần đó, trước mắt chúng tôi kiến nghị 7 điểm như sau.
Kiến nghị thứ nhất về Lời nói đầu và về Chương I
Lời nói đầu của Dự thảo không làm rõ mục tiêu của hiến pháp và
chủ thể quy định hiến pháp. Hiến pháp cần xác định mục tiêu trước hết là
để bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Một bản
hiến pháp tốt phải hạn chế sự lạm quyền của những người cầm quyền, tạo
dựng khuôn khổ cho các sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá diễn ra
một cách an bình và hiệu quả. Hiến pháp cũng phải hướng đến hạnh phúc
của các thế hệ tương lai.
Quyền lập hiến (xây dựng, ban hành hay sửa đổi hiến pháp) là quyền sinh
ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn
dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả
Quốc hội. Lời nói đầu cần xác định rõ chủ thể quyết định, ban hành
hiến pháp là nhân dân.
Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất
kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Lời nói đầu của Dự thảo không đáp ứng được các yêu cầu trên nên
chúng tôi đề nghị bỏ và thay bằng:
“Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân
đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh
phúc của nhân dân,
vì một xã hội dân chủ, công bằng và pháp quyền, vì tự do và hạnh phúc
của các thế hệ hiện tại và tương lai,
chúng tôi, nhân dân Việt Nam, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến
pháp này.”
Trong Chương I, cần nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền nhân dân đòi hỏi
phải tôn trọng ý của dân tộc. Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân
quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và
xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với
quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và
ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền.
Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong
các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự
có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại
trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy
định ở điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản đối với
nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế
độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân.
Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế
lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi
của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng Sản Việt Nam
trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản
Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực
lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận
Kiến nghị thứ hai về quyền con người.
Một mục đích của việc thành lập Nhà nước là để bảo vệ các quyền
đương nhiên của con người.
Dự thảo đã điều chỉnh thứ tự để đề cao các quyền này so với Hiến
pháp hiện hành, nhưng lại có nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định và
chuẩn mực quốc tế về quyền con người; như các quy định trong Dự thảo về
giới hạn quyền (Điều 15), “không lợi dụng quyền con người, quyền công
dân” (Điều 16), “quyền không tách rời nghĩa vụ” (Điều 20). Dự thảo còn
quy định quá nhiều nghĩa vụ một cách tùy tiện (Điều 41, Điều 42, Điều
49,…). Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh
quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ
“theo quy định của pháp luật”, ... nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở
đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp
các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm
qua ở nước ta.
Chúng tôi yêu cầu sửa dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn
về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham
gia.
Nếu các quyền này được ghi trong Hiến pháp mà không được thực thi nghiêm
túc như hiện nay, thì việc quy định các quyền ấy cũng trở nên vô nghĩa.
Vì vậy chúng tôi yêu cầu Hiến pháp quy định thành lập một Ủy ban Quốc
gia về Quyền con người hoạt động độc lập.
Kiến nghị thứ ba về sở hữu đất đai.
Chế độ sở hữu tư nhân về đất đai đã tồn tại từ lâu trên đất nước
ta. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam
1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân
dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội. Điều 57 Dự thảo tiếp
tục khẳng định đất đai “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ
sở hữu” là duy trì quy định sai trái, bỏ qua những vấn đề ngày càng trầm
trọng do quy định này gây ra mà hàng triệu khiếu nại, khiếu kiện về đất
đai trong những năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hết sức nguy
hiểm.
Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai
cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan
trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn
dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham
nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục
lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân.
Dự thảo còn “hợp hiến hóa” việc thu hồi đất, trong đó lại mở rộng
phạm vi áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đây là một sự
thụt lùi so với Hiến pháp 1992 và có thể gây bùng nổ bất ổn xã hội.
Vì thế chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 57 của Dự thảo, trở lại
như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Có thể quy định như sau: “Sở hữu
tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng. Nhà
nước có trách nhiệm bảo vệ và thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên
nước, khoáng sản và các tài nguyên, nguồn lợi khác ở vùng biển, thềm lục
địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư.”
Thay thế quy định thu hồi đất bằng trưng mua đất và không áp dụng
cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội như nêu trong Điều 58 của Dự
thảo.
Kiến nghị thứ tư về tổ chức Nhà nước.
Tổ chức bộ máy Nhà nước phải phân biệt rạch ròi các nhánh lập
pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các cơ quan hiến định khác. Tất cả
các cơ quan nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và luật. Các nhánh quyền
lực ràng buộc, chế ước lẫn nhau nhưng không thể bị chi phối bởi bất kỳ
một tổ chức hay cá nhân duy nhất nào, nghiêm cấm mọi sự độc quyền quyền
lực. Đặc biệt, hệ thống tư pháp phải được bảo đảm trên thực tế quyền xét
xử độc lập, chỉ dựa vào Hiến pháp và luật. Tòa án Hiến pháp phải được
thành lập, có chức năng phán quyết, chứ không phải là tư vấn, kiến nghị
như chức năng của Hội đồng Hiến pháp được quy định trong Dự thảo.
Kiến nghị thứ năm về lực lượng vũ trang.
Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ
một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang
chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực
lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải
trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự
thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành
với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kiến nghị thứ sáu về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp.
Quyền lập hiến là quyền của toàn dân, phải phân biệt với quyền
lập pháp của Quốc hội. Vì vậy phải có trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến
pháp. Chúng tôi đề xuất quy định trong Hiến pháp: "Bảo đảm quyền phúc
quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu dân ý được tổ
chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo
giới."
Kiến nghị thứ bảy về thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp
Việc lấy ý kiến đóng góp của toàn dân về sửa đổi Hiến pháp là một
việc hệ trọng đến vận mệnh quốc gia, phải được tiến hành một cách nghiêm
chỉnh, không thể tắc trách, lấy lệ. Vì vậy, thời hạn lấy ý kiến của nhân
dân chỉ trong vòng ba tháng là quá ngắn, dễ dẫn đến tình trạng làm một
cách hình thức cho qua chuyện. Vì vậy chúng tôi kiến nghị gia hạn thời
gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm 2013, đồng thời khuyến khích đề
xuất các dự thảo khác để Quốc hội, Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng
toàn thể đồng bào tham khảo, so sánh, thảo luận nhằm xây dựng một bản
hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia.
Sửa Hiến pháp theo tinh thần của các kiến nghị nêu trên sẽ phát
huy dân chủ và hoà hợp dân tộc - những đòi hỏi hết sức bức xúc của nhân
dân trong giai đoạn trước mắt, cũng như cho sự phát triển bền vững lâu
dài của đất nước.
Chúng tôi tha thiết mong mỏi đồng bào trong và ngoài nước hưởng
ứng bản Kiến nghị này bằng cách đăng ký tham gia ký tên theo địa chỉ thư
điện tử :
Hà nội ngày 19 tháng 1 năm 2013
Kèm theo kiến nghị trên, một số chuyên gia luật ở trong nước đã soạn một
dự thảo hiến pháp được gửi kèm Kiến nghị này như một tài liệu để tham
khảo. Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một chỗ
dựa quan trọng cho dự thảo hiến pháp này.
Song tiếc thay, quan điểm của chỉ đạo tối cao là Hiến pháp không được xa
rời Cương lĩnh của ĐCSVN, do đó đã bỏ lỡ một cơ hội trọng đại cho phép
mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trên thực tế, kết quả
đạt được là một Hiến pháp cơ bản như cũ, với tinh thần quyền lực quốc
gia là thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN.
Kiến nghị 72 bị bác bỏ. Kiến nghị này và những người tham gia ký
tên chịu sự phỉ báng gay gắt của báo chí lề phải và dư luận viên. Lần
đầu tiên người dân được nghe trên Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày
25/2/2013 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT Nguyễn Phú Trọng:
“…
Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa … Xem ai có tư tưởng là
muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng
không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không?
Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan
điểm ấy đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như
thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu
kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì nó là cái gì?! … Cho nên các đồng
chí (cần) quan tâm xử lý cái này...”
Riêng tôi cho rằng kể từ 30-04-1975, việc sửa đổi Hiến pháp với
kết quả nêu trên là lần thứ 4 bỏ lỡ cơ hội mở ra cho đất nước một thời
kỳ phát triển mới[2].
Thư ngỏ của 61 đảng viên 28-07-2014
Trước thềm đại hội XII của ĐCSVN tình hình đất nước có quá nhiều
rối ren. Bên trong là tệ nạn tham nhũng trầm trọng, sự lũng đoạn của các
nhóm lợi ích trong hệ thống quyền lực, hệ thống chính trị sa đọa ngày
càng trấn áp dân, thậm chí Đảng đứng trước nguy cơ phân rã. Bên ngoài
Trung Quốc gia tăng can thiệp vào nội bộ ta, đẩy mạnh quân sự hóa trên
Biển Đông, o ép nước ta trên nhiều phương diện; giữa lúc cục diện thế
giới và khu vực ngày càng nhiều biến động lớn. Trong khi đó, quá trình
chuẩn bị Đại hội XII hầu như chỉ tập trung vào vấn đề nhân sự. Thực tế
này làm nhiều đảng viên vô cùng lo lắng.
Đấy là nguồn gốc ra
đời của Thư ngỏ ngày 28-07-2014 do 61 đảng viên ký tên, tiêu biểu nhất
là thiếu tướng đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh. Con số 61 là ngẫu nhiên, chủ
yếu mang tính đại diện trải khắp Bắc – Trung – Nam, tập trung vào nội
dung của thư ngỏ là chính, hơn nữa thời gian rất gấp, do đó không đặt ra
vấn đề phải có nhiều người ký tên.
Sau đây xin
chép lại toàn văn Thư ngỏ và danh sách ký tên.
Ngày 28 tháng 07 năm 2014
Kính gửi:
Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo
đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết,
được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi
năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để,
trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân
chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan
liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất
chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện,
ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt
nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội
nghị Thành Đô năm 1990 đến nay,Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong
quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc
càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có
nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông,
coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc
trần cái gọi là “cùng chung ý
thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4
tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay,
thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong
mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.
Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng
lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.
Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân
tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai
lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về
Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.
Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ
của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi
vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:
1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của
mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai
lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và
dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân
chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Ngay từ bây giờ, cần thảo luận
thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi
mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn
của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu
kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây
dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới
phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt
Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng
hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát
triển và bảo vệ đất nước.
Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn
bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ
XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu
chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và
của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội
sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một Quốc hội chuyên nghiệp, xứng
đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính
trị.
Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị,
tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động
sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu
nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho
những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan
điểm chính trị của mình.
2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động
của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận
thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc
lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát
khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận,
hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự
thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết
với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch
định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế
v.v…
Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc
ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng
thời, Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận
giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá;
củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa
các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành
trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của
mình.
Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự
trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi.
Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách
nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ
này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo
vệ đất nước.
Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!
*
______________________
1. Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, Thiếu tướng, nguyên Ủy
viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc
mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội.
2. Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng khoa Quản lý
kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Ban
nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
3. Trần Đức Nguyên, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng ban Ban
nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Tuyến, vào Đảng năm 1946, Đại tá, Cựu chiến binh,
Hà Nội.
5. Lê Duy Mật, vào Đảng năm 1947, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh
phó, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên,
Hà Giang 1979 – 1988, Hà Nội.
6. Tạ Đình Du (Cao Sơn), vào Đảng năm 1948, Đại tá, Cựu chiến
binh, Hà Nội.
7. Vũ Quốc Tuấn, vào Đảng năm 1948, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ
Văn Kiệt, Hà Nội.
8. Nguyễn Hữu Côn, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh,
nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần Quân đoàn 2, Hà Nội.
9. Hoàng Hiển, vào Đảng năm 1949, nguyên Trung tá Hải quân, Hà
Nội.
10. Đỗ Gia Khoa, vào Đảng năm 1949, nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công
an và Tổng cục Hải Quan, Hà Nội.
11. Hà Tuấn Trung, vào Đảng năm 1949, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm
tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiểm tra, Hà Nội.
12. Nguyễn Thị Ngọc Toản, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Giáo sư, Cựu
Chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoa, Quân Y viện 108, Hà Nội.
13. Phạm Xuân Phương, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh,
nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà
Nội.
14. Tô
Hòa,
vào Đảng năm 1950, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.
15. Võ Văn Hiếu, vào Đảng năm 1950, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên
huấn trung ương Cục Miền Nam.
16. Hoàng Tụy, vào Đảng năm 1950, Giáo sư Toán học, Hà Nội.
17. Huỳnh Thúc Tấn, vào Đảng năm 1951, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ, Hà Nội.
18. Tạ Đình Thính, vào Đảng năm 1951, nguyên Vụ trưởng Văn phòng
Trung ương Đảng, Hà Nội.
19. Nguyên Ngọc, vào Đảng năm 1956, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng
đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Hội An.
20. Tương Lai, vào Đảng năm 1959, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội
học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí
Minh.
21. Nguyễn Khắc Mai, vào Đảng năm 1959, Giám đốc Trung tâm Minh
Triết, Hà Nội.
22. Đào Công Tiến, vào Đảng năm 1960, nguyên Hiệu trưởng trường
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, TP.
Hồ Chí Minh.
23. Vũ Linh, vào Đảng năm 1962, nguyên Chủ nhiệm chương trình PIN
mặt trời, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội (đã mất).
24. Nguyễn Kiến Phước, vào Đảng năm 1962, nguyên Ủy viên Ban Biên
tập báo Nhân Dân, TP. Hồ Chí Minh.
25. Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn,
nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam,
Hà Nội
26. Võ Văn Thôn, vào Đảng năm 1965, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp
TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
27. Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại
Thái Lan, Hà Nội.
28. Huỳnh Kim Báu, vào Đảng năm 1965, nguyên Tổng thư ký Hội Trí
thức yêu nước TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
29. Hạ Đình Nguyên, vào Đảng năm 1965, nguyên Chủ tịch Ủy ban
phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
30. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), vào Đảng năm 1966, nguyên thư ký của
Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa -Thông
tin TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh
31. Lê Công Giàu, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó bí thư Thường
trực Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, nguyên
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ
Chí Minh.
32. Kha Lương Ngãi, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó Tổng Biên tập
báo Sài Gòn Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh.
33. Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng
Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng
biên tập tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh
Thừa Thiên - Huế, TP. Huế.
34. Phạm Đức Nguyên, vào Đảng năm 1968, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành
Xây dựng, 46 tuổi đảng, Hà Nội.
35. Bùi Đức Lại, vào Đảng năm 1968, nguyên Vụ trưởng, chuyên gia
cao cấp bậc II, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.
36. Lữ Phương, vào Đảng năm 1968, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
37. Nguyễn Lê Thu An, vào Đảng năm 1969, cựu tù chính trị Côn
Đảo, TP. Hồ Chí Minh.
38. Nguyễn Đăng Quang, vào Đảng năm 1969, Đại tá công an, đã nghỉ
hưu, Hà Nội.
39. Trần Văn Long, vào Đảng năm 1970, nguyên Phó Bí thư Thành
đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
40. Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo
diễn điện ảnh, Hà Nội.
41. Huỳnh Tấn Mẫm, vào Đảng năm 1971, nguyên Chủ tịch Tổng hội
Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên
Tổng biên tập báo Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.
42. Võ Thị Ngọc Lan, vào Đảng năm 1972, nguyên cán bộ công an TP.
Hồ Chí Minh.
43. Hà Quang Vinh, vào Đảng năm 1972, cán bộ hưu trí, TP. Hồ Chí
Minh.
44. Nguyễn Đắc Xuân, vào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứu
văn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền
Trung - Tây Nguyên, TP. Huế.
45. Lê Đăng Doanh, vào Đảng năm 1974, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên
thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
46. Chu Hảo, vào Đảng năm 1974, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và
Công nghệ, Hà Nội.
47. Nguyễn Xuân Hoa, vào Đảng năm 1974, nguyên Giám đốc Sở Văn
hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Huế.
48. Nguyễn Vi Khải, vào Đảng năm 1974, nguyên thành viên Ban
Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, 40 tuổi đảng, Hà Nội.
49. Cao Lập, vào Đảng năm 1974, nguyên Bí thư Đảng ủy ngành Văn
hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh.
50. Lê Thân, vào Đảng năm 1975, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên
Tổng Giám đốc Liên doanh SG-Riversite, TP. Hồ Chí Minh.
51. Ngô Minh, vào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà văn, TP. Huế.
52. Trần Kinh Nghị, vào Đảng năm 1976, cán bộ Ngoại giao về hưu,
Hà Nội.
53. Hồ An, vào Đảng năm 1979, nhà báo, TP. Hồ Chí Minh.
54. Đoàn Văn Phương, vào Đảng năm 1979, nguyên chiến sĩ thuộc Ban
Giao lưu trung ương Cục, TP. Hồ Chí Minh.
55. Hồ Uy Liêm, vào Đảng năm 1980, nguyên Quyền Chủ tịch Liên
hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
56. Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà
Nội.
57. Lê Văn Luyến, vào Đảng năm 1987, nguyên cán bộ thuộc Ban
Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
58. Nguyễn Gia Hảo, vào Đảng năm 1988, nguyên thành viên Tổ tư
vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
59. Phạm Chi Lan, vào Đảng năm 1989, nguyên thành viên Ban Nghiên
cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
60. Đào Tiến Thi, vào Đảng năm 1997, Thạc sĩ, Ủy viên Ban chấp
hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
61. Nguyễn Nguyên Bình, vào Đảng năm 1996, Trung tá, cựu chiến
binh, Hà Nội.
_____________________
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:08
Toàn bộ những vấn đề nêu trong thư ngỏ 61 hôm nay vẫn là những vấn đề
sống còn của đất nước, không thể khác được, nhất thiết phải thực hiện để
đưa đất nước ra khỏi bế tắc hiện nay. Song đem đối chiếu với phẩm chất
và năng lực hiện nay của quyền lực đảng và hệ thống chính trị hiện hành,
chỉ có thể kết luận: quyền lực đảng và hệ thống chính trị chẳng những có
sự bất cập quá lớn, mà còn đang ngày càng trở thành thành trở lực đối
kháng những đòi hỏi phát triển của quốc gia! Thực tế khách quan này đang
thách thức quyết liệt từng đảng viên, không một ai có thể tránh né!
Các
văn bản Tuyên bố của IDS, Kiến nghị 72 và Thư ngỏ 61 tuy bị quyền lực
cai trị đất nước bác bỏ quyết liệt, song chắc chắn những vấn đề trọng
đại của đất nước được nêu trong 3 văn bản này trước sau là những vấn đề
mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thế giới khắc nghiệt hôm
nay đòi hỏi phải thực hiện.
Có thể nói đấy là những văn bản được viết bằng tất cả tâm huyết, ý thức
trách nhiệm với tổ quốc và nhân dân, có sự cân nhắc cẩn trọng mọi bề của
những người ký tên. Tất cả những kiến nghị đã nêu ra đều cố gắng bám sát
thực tế cuộc sống của đất nước, cố chắt lọc những kinh nghiệm, những bài
học của đất nước và của các nước khác trên thế giới, của lịch sử.., để
chọn lọc ra được cho đất nước những vấn đề bức xúc nhất thiết phải giải
quyết và hướng giải quyết.
Sự thai nghén và ra đời của mỗi văn bản bao giờ cũng bắt đầu từ những
bàn luận cặn kẽ, trước hết của những người đề xướng, rồi đến những người
được mời tham gia, quyết định yêu cầu và nội dung văn bản, giao cho một
nhóm biên soạn bản khởi thảo, tiến hành thảo luận dự thảo đầu tiên, rồi
tiến hành tiếp những vòng thảo luận như thế, cho tới khi hình thành được
văn bản chính thức.
Trong quá trình này chúng tôi cũng phải “chuyên môn hóa” để công việc
xuôn xẻ và kịp thời gian: tập thể lập ra nhóm được tặng cho cái tên là “3
ông đầu rau”, chưng dụng tôi vào việc lãnh hội ý kiến của tập
thể, tập hợp các bản khởi thảo hay bản thảo thành một bản thảo chung;
anh Việt Phương làm nhiệm vụ rà xoát nội dung bản thảo chung; anh Trần
Đức Nguyên gọt rũa lại các phần và lên khuôn hoàn chỉnh văn bản của bản
thảo chung để những người tham gia quyết định. Bộ 3 này có nhiệm vụ đưa
ra tập thể bản thảo chung đầu tiên và làm mọi việc tiếp theo cho đến khi
tập thể thông qua được văn bản chính thức. Chúng tôi là 3 ông già lọ mọ,
chỉ có chưa đến nỗi gàn bát sách
thôi, mỗi người một nơi, làm việc với nhau nhờ email. Rất may là được
mấy anh trẻ hơn và giỏi nghiệp vụ máy tính hỗ trợ đắc lực! Bộ
3 ông đầu rau chúng tôi
bây giờ khuyết một rồi: Anh Việt Phương!
Cũng buồn, việc chưa thành mà bộ 3 đã khập khiễng!
Một chuyện khác về 3 ông đầu rau
Trong 2 năm chuẩn bị Đại hội XII, có thể nói 3 chúng tôi đứng ngồi không
yên. Mỏi mắt tìm và căng tai nghe, trong sự chuẩn bị cho đại hội không
tìm đâu được lấy một chữ nói về cục diện thế giới đã sang trang đi vào
trật tự quốc tế mới – nhất là vấn đề Trung Quốc đã trở thành vấn nạn của
thế giới và là thanh gươm Damocles lơ lửng trên đất nước ta, đòi hỏi của
đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới, v… v… Nội dung dự thảo báo
cáo chính trị hoàn toàn theo kiểu ngựa quen đường cũ… Bao nhiêu kiến
nghị đúng đắn của đảng viên cũng như người ngoài đảng, bao nhiêu ý kiến
và bài viết xây dựng.., tất cả chỉ như đước đổ lá khoai!..
Lo quá, tôi đề nghị với anh Việt Phương và anh Trần Đức Nguyên, và được
cả hai anh đồng ý:
Chúng ta, với tư cách là những người lâu năm làm việc tại cơ quan đầu
não của đảng và nhà nước phải có ý kiến với Bộ Chính trị mọi việc liên
quan đến Đại hội XII và kiến nghị những giải pháp cần thiết. Chủ trương
phải nói thật, nói hết với tập thể Bộ Chính trị khóa XI, dưới dạng nói
chuyện nội bộ, không đưa ra ngoài dư luận công khai.
Chúng tôi phân công nhau: Tôi trình bầy báo cáo tổng quan để mở đầu, anh
Việt Phương và anh Trần Đức Nguyên bổ sung và trình bày thêm một số vấn
đề chuyên, những kiến nghị cụ thể... Chúng tôi dự kiến chỉ trình bầy
trực tiếp với Bộ Chính trị, danh nghĩa chính thức là như vậy, tuy rằng
không nhất thiết phải có mặt đầy đủ các ủy viên Bộ Chính trị, song dứt
khoát sẽ không trình bầy với bất kể ai do Bộ Chính trị cử đi nghe chúng
tôi nói gì rồi về chuyền đạt lại với Bộ Chính trị -
vì 2 lẽ: bảo mật, và tránh tam sao thất bản. Chúng tôi đề nghị
trực tiếp trình bầy với Bộ Chính trị còn vì lẽ dứt khoát phải tránh mọi
hiểu lầm chung quanh câu chuyện bênh người này, bài bác người kia; vì
đấy không phải là công việc của chúng tôi. Còn nếu chỉ một ủy viên Bộ
Chính trị nào muốn nghe chúng tôi trình bầy, chúng tôi cũng sẵn sàng,
song sẽ phải có bảo lưu nhất định riêng biệt đối với từng người, không
thể là những điều chúng tôi dự kiến sẽ trình bầy trước tập thể Bộ Chính
trị.
Chúng tôi dự kiến toàn bộ buổi trình bầy gói ghém trong 1 giờ đồng hồ.
Thống nhất với nhau như vậy, chúng tôi gửi một thư cả ba cùng ký tên đến
anh Trần Quốc Vượng, bí thư và chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nhờ báo
cáo với Bộ Chính trị đề nghị của chúng tôi và tổ chức
buổi trình bầy.
Rất tiếc thư không có hồi âm.
Đại hội XII diễn ra như nó phải diễn ra, theo sự chuẩn bị dành cho nó[3].
…
Tại sao cứ phải kinh tế hạ nguồn?
Trước hết, xin nói từ những năm là vụ trưởng kinh tế ở Bộ Ngoại
giao, tôi đã quan tâm đến vấn đề này, tìm hiểu tình hình các quốc gia
châu Phi và một số nước đang phát triển ở nơi khác, rút ra kết luận: Chủ
nghĩa thực dân mới Trung Quốc đã vượt xa chủ nghĩa thực dân mới của Âu
châu trong việc bóc lột tài nguyên ở những nước này, và để lại đấy
nguyên trạng phát triển như trước khi nó đến, ngoại trừ những khác biệt
mới do môi trường tự nhiên bị hủy hoại và thêm một số tàn tích
neo-colonialist khác
made by China...
Vậy xin tạm hiểu: Kinh tế hạ nguồn là kinh tế khai thác tài
nguyên khoáng sản, sản xuất các nguyên liệu khoáng sản, dầu thô, sắt,
thép…, với những đặc điểm tỷ lệ lợi nhuận thấp, chiếm nhiều rừng núi,
khu mỏ, đất đai, tiêu hao nhiều năng lượng, nước, gây ô nhiễm môi trường
nặng nề, v… v… Ngay từ giữa thế kỷ 20 các nước phát triển đã tìm cách di
chuyển kinh tế hạ nguồn sang các nước đang phát triển. Nói đơn giản: Đấy
là những ngành kinh tế lạc hậu.
Học được những kinh nghiệm như vậy, trong những hội thảo cấp nhà
nước của ta về chiến lược phát triển tôi được tham dự hai - ba thập kỷ
trước đây, tôi luôn luôn theo đuổi quan điểm hạn chế xuống mức thấp nhất
kinh tế hạ nguồn ở nước ta. Lý do: Nước ta đất ít, người đông, mật độ
dân số cao nhất châu Á, không gian sinh tồn kinh tế của nhân dân ta rất
hẹp, lợi bất cập hại, phải ưu tiên dành không gian sinh tồn kinh tế cho
những ngành nghề phát uy được tiềm năng con người, sinh lợi nhiều hơn và
thân thiện với môi trường hơn… Thậm chí đã có lần tôi phát biểu ở Ủy ban
kế hoạch nhà nước: Ngay cả những mỏ than ở Quảng Ninh, nếu bắt thực hiện
nghiêm túc khâu hoàn nguyên vùng đất/mỏ đã khai thác, hầu như chắc chắn
sẽ không một mỏ than nào ở đấy có thể hoạt động có lãi! Tôi đã đề nghị
cần sớm tính đến giảm sản lượng và giảm xuất khẩu than ở đây. Đề nghị
của tôi bị bác bỏ, với lý do phải bảo vệ quyền lợi của giai cấp công
nhân và công ăn việc làm của họ! Vân vân… Bây giờ thì nước ta đang hàng
năm phải nhập khẩu than!
-
Vậy tại sao hầu hết cho đến hôm nay các tỉnh rất sính phát triển kinh tế
hạ nguồn?
-
Vì dễ kiếm chác nhất bỏ túi, còn mọi hệ quả và hệ lụy trước mắt hay lâu
dài đã có dân hay đất nước chịu!
Thậm chí một thời gian dài tồn tại sự đánh tráo khái niệm có thể nói là
vô liêm sỉ - ví dụ như đưa các sản phẩm khai thác quặng, cát, đá vôi…
vào nhóm “sản phẩm công nghiệp” để báo cáo với nhà nước thành tích nâng
cao tỷ trọng sản phẩm công nghiệp trong tính toán GDP tỉnh, với mọi dụng
ý vụ lợi rất tiêu cực. Trong khi đó thứ “tỷ trọng” này càng cao, về dài
hạn đất nước càng nghèo khó và lụn bại. Thực trạng này của đất nước hiện
nay hình như chưa thay đổi bao nhiêu!
Xin điểm lại trong phần này một vài trải nghiệm khó quên.
Câu chuyện bauxite Tây Nguyên
Trong lần tháp tùng thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm Iceland năm
1995, tôi ngạc nhiên thấy quốc gia đảo ở giữa Bắc Đại Tây Dương mênh
mông này có công nghiệp sản xuất nhôm rất phát triển. Để có được sản
phẩm này có nghĩa quặng bauxite phải đi hàng ngàn cây số đến đây, và sản
phẩm nhôm cũng phải đi hàng ngàn cây số như thế đến những nơi tiêu thụ.
Tôi hỏi bà thủ tướng Iceland và được giải thích: Khoảng cách xa đối với
vận tải biển không thành vấn đề lắm, quốc đảo Iceland có quá nhiều địa
nhiệt điện (do núi lửa) và không biết để làm gì, nên sản xuất nhôm là ưu
việt nhất, quặng từ tầu
biển đổ thẳng vào nhà máy, xử lý bùn đỏ và chất thải đổ ngay xuống biển,
nên mọi chi phí về vận tải và môi trường rất thấp, giá thành sản phẩm
thấp, tỷ lệ lợi nhuận cao…
Tôi tưởng rằng bà thủ tướng giải thích cho mình thế là đầy đủ, toan cảm
ơn, nhưng bà thủ tướng nói thêm: Iceland đang tính toán, hoặc là gia
tăng khâu tự động hóa để giữ nguyên sản lượng nhôm, hoặc bớt hẳn sản
xuất nhôm, vì ngày càng nhiều người dân quốc đảo này bỏ công nghiệp nhôm
để chuyển sang ngành công nghiệp tin học… -
bởi vì toàn quốc đảo trên 100 nghìn Km2 này chỉ có khoảng 35 vạn
dân!
Câu chuyện bauxite/nhôm như vậy đến với tôi hoàn toàn ngẫu nhiên, và ngủ
lại trong tôi như hàng trăm hàng nghìn câu chuyên ngẫu nhiên khác tôi
gặp trên đời này. Bẵng đi khoảng một chục năm sau, khoảng năm 2006 –
2007 ở nước ta rộ lên câu chuyện bauxite Tây Nguyên. Như một phản sạ tự
nhiên, tôi hiểu ngay đây là câu chuyển chẳng lành rồi, vì ngoài các lý
do kinh tế - kỹ thuật – môi trường tự nhiên – văn hóa – dân sinh… của
khai thác sản phẩm này không có lợi cho nước ta, còn có lý do Trung Quốc
đối với vùng đất cực kỳ quan trọng và cực kỳ nhạy cảm này của nước ta
trên phương diện an ninh.
Tôi tham gia vào 2 tổ chức phi chính phủ (NGO) là SPERI và CODE để cùng
với các tổ chức NGO khác trong cả nước bàn luận và vận động dừng 2 dự án
khai thác bauxite ở Tây Nguyên là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk
Nông), dừng khai thác bauxite Tây Nguyên nói chung.
Việc đầu tiên phải làm là tôi lên mạng tìm hiểu sự vận động của toàn bộ
công nghiệp nhôm trên thế giới từ khâu sản xuất đến khâu thương mại để
xây dựng những quan điểm của tôi về ngành công nghiệp này ở nước ta. Tôi
đi tới được kết luận: Vì những lý do kinh tế, môi trường, địa lý và địa
chất tự nhiên, dân sinh (bao gồm cả vấn đề các dân tộc ít người), văn
hóa, an ninh và quốc phòng nhất thiết nên gác lại toàn bộ vấn đề khai
thác bauxite Tây Nguyên một thời gian dài cho đến khi xuất hiện những
điều kiện hoàn toàn mới khác sẽ xem lại sau.
Tôi hiểu
việc gác lại như vậy vấn đề khai
thác bauxite Tây Nguyên có tầm quan trọng như một mệnh lệnh của quốc
gia!
Một số nhà khoa học, học giả - trong đó có anh Nguyên Ngọc, người mà tôi
vinh danh là “người con của Tây Nguyên” và đã giúp chúng tôi có những
lập luận xác đáng phải bảo vệ môi trường và văn hóa Tây Nguyên – và các
thành viên của CODE, SPERI, và một số tổ chức khác… Tham gia cùng với họ
đi đi về về mấy năm liền trên Tây Nguyên để tìm hiểu tại chỗ, tôi đã
viết khá nhiều bài trình bày quan điểm của mình, kể cả trực tiếp gửi cho
lãnh đạo đảng và nhà nước…
Rất may, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA – thời
anh Hồ Uy Liêm) hậu thuẫn rất tích cực mọi nỗ lực của chúng tôi, huy
động các chi hội ở các tỉnh cùng tham gia. Khi công việc đến thời kỳ
quyết định, anh Hồ Uy Liêm, chủ tịch VUSTA, thay mặt toàn thể các tổ
chức NGO và chúng tôi, và cũng nhân danh VUSTA, chính thức trình bày với
trung ương Đảng và Chính phủ đề nghị dừng lại dự án khai thác bauxite
Tây Nguyên. Lần đầu tiên ở nước ta có một sự đối thoại như thế - nói nôm
na: đối thoại giữa một bên là tiếng nói của xã hội dân sự, và một bên là
đại diện của hệ thống chính trị/nhà nước về vấn đề trọng đại của quốc
gia. [Thế mà hệ thống chính trị hiện nay vẫn dị ứng với xã hội dân sự
như đỉa dị ứng với vôi!]
Có thể nói, chúng tôi đã làm mọi việc có thể với tất cả tâm huyết và
hiểu biết của mình, để bảo vệ bằng được Tây Nguyên!
Tiếc thay, chúng tôi không thành công, hoặc không thành công được bao
nhiêu. Trong chúng tôi cũng có anh chị em đánh giá là đã thành công được
một nửa: Thông báo của Bộ Chính trị số 245 TB/TW ngày 24-04-2009 nói
khai thác bauxite Tây Nguyên là chủ trương nhất quán của Đảng từ Đại hội
IX, cho phép tiến hành triển khai 2 dự án nói trên… được hiểu là làm
thí điểm (người phổ biến thông báo nói miệng như vậy, song thực ra
nội dung trên văn bản thông báo câu chữ không nói rõ hẳn ra ý này)[4].
Trong thực tế, vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên được coi là một dự án
quan trọng, đã được ghi trong tuyên bố chung Giang Trạch Dân –
Nông Đức Mạnh 03-12-2001 tại Bắc Kinh, trong thông cáo chung Nông
Đức Mạnh – Hồ Cẩm Đào 17-11-2006 tại Hà Nội và trong tuyên bố chung Hồ
Cẩm Đào – Nông Đức Mạnh 02-06-2008 tại Bắc Kinh, nên không thể thay đổi
được nữa (!).
2 công trình alumina Tân Rai và Nhân Cơ nói trên hoàn toàn có thể thi
đua với tất cả những công trình công nghiệp lớn khác do Trung Quốc xây
dựng trên toàn Việt Nam về giá công trình bị đội lên cao ngất ngưởng,
công nghệ thấp, tiêu hao và lãng phí nguyên liệu / năng lượng, ô nhiễm
môi trường… và mọi chuyên đau đầu khác.
Hai
xí nghiệp này hiện nay càng sản xuất càng lỗ - cách giải thích là “lỗ
theo kế hoạch” không đứng vững được nữa, đồng thời luôn luôn thường trực
những tai nạn môi trường nguy hiểm. Tất cả đang diễn ra đúng như các ý
kiến phản biện trong cả nước đã cảnh báo. Chưa nói đến một vấn đề nan
giải hàng ngày: Riêng vấn đề vận tải hàng trăm cây số đường Tây Nguyên
với khối lượng cả đi và về của cả 2 nhà máy khoảng trên 2 triệu tấn /
năm (nhiên liệu than và sản phẩm alumina) bằng những xe siêu trường siêu
trọng làm nát bét hệ thống đường xá hiện có, phải giải quyết thế nào?
Lấy tiền ở đâu? Chi phí này là ngân sách nhà nước chịu...
Hai
xí nghiệp này đang trong tình trạng bỏ thì thương, vương thì tội – nghĩa
là duy trì hay xóa bỏ chúng đều là những gánh nặng lớn cho đất nước và
ngay cho cả 2 địa phương trên nhiều phương diện – không biết đến bao
giờ!.. Thực ra ngay từ đầu lúc mới động thổ khởi công, riêng tôi đã
chính thức đề nghị - kể cả bằng thư trực tiếp gởi lãnh đạo - giải thể 2
xí nghiệp này càng sớm càng tốt, bao gồm cả hình thức bán sắt vụn; vì
như thế vẫn còn nhẹ gánh hơn cho đất nước – cho dù phải trả nợ cho 2
công trình này! Bây giờ có lẽ quá muộn để tính đến một giải pháp cực
đoan như thế!
Biết làm sao bây giờ?
Hiện đang có dự kiến đưa sản phẩm alumina của 2 nhà máy này vào sản xuất
nhôm ngay trên Tây Nguyên – giữa lúc Tây Nguyên đang thiếu cả điện và
nước! Một con bạc cháy túi đang khát nước!?
Trong quá trình đi khảo sát Tây Nguyên, càng đi tôi càng xót xa: chỉ cần
dùng 1/3 hay 1/2 khoản đầu
tư cho 2 xí nghiệp này vào phát triển một Tây Nguyên xanh, chắc chắn
chúng ta đã sớm có ngay một Tây Nguyên hoàn toàn khác, và sẽ cải thiện
được đáng kể đời sống của nhân dân toàn vùng, ngân sách có thêm nguồn
thu mới chứ không phải mang nợ như hiện nay! Trong khi đi vận động bãi
bỏ khai thác bauxite Tây Nguyên, tôi đã trình bày kỹ quan điểm này.
Formosa
– Hà Tĩnh
Một bài toán khó khác.
Lần đầu tiên tôi được biết đến Formosa – Hà Tĩnh là trong cuộc hội thảo
do tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức, chính thức công bố với cả nước dự án này
trước khi đi vào khởi công. Hội thảo rất hoành tráng, có đại biểu từ
khắp cả nước và các Bộ, Ban, ngành.., trong đó có nhiều đại biểu các
trường đại học, viện nghiên cứu… Một nghi lễ ra mắt dự án đúng hơn là
một hội thảo – không hiểu tại sao người ta sính dùng ngôn từ một cách
lung tung có dụng ý thế này!?. Thành phần các đại biểu lên nói trên diễn
đàn này rất rôm rả, ngợi ca nhiệt tình...
Anh Nguyễn Mại, anh Phạm Gia Toàn và tôi được mời dự với tư cách là Tổ
kinh tế đối ngoại trong Ban Nghiên cứu của thủ tướng Chính phủ. Càng
nghe, tôi càng lo, vì dự án vô cùng đồ sộ, nhưng tất cả đều nói xuôi
chiều. Tôi quyết định đăng ký xin phát biểu cuối cùng trước khi sang
phần nghi thức bế mạc.
Sự thật được mời đi dự hội thảo như thế thì đi thôi, tôi không biết mô
tê gì về dự án này, song các con số giới thiệu tại hội thảo về quy mô
các mặt của dự án làm tôi lo lắng: Một công trình vô cùng đồ sộ của kinh
tế hạ nguồn ngay trên đất Hà Tĩnh không thể nói là giầu có về các nguồn
lực, nhất là các nguồn lực của tự nhiên như đất đai, nước, khí hậu…
Tôi lên phát biểu rất ngắn – vì lúc này có nói dài cũng không ai nghe
nữa. Đại ý: Tôi xin lỗi là tôi khác ý kiến với các đại biểu nói trước.
Dự án càng đồ sộ, tôi càng lo. Giữa lúc này trong những điều kiện hiện
tại của nước ta và của ngay địa phương Hà Tĩnh, mở rộng kinh tế hạ nguồn
sẽ có rất nhiều thách thức, các nguồn đầu vào khan hiếm, vấn đề môi
trường sẽ có thể là thách thức rất lớn, lại là nước đi sau nữa, khó đuổi
kịp về công nghệ và càng khó cạnh tranh, trong khi đó thị trường sắt
thép trong khu vực rất phong phú nếu không muốn nói là bão hòa. Mừng cho
địa phương có dự án lớn, nhưng rất mong xem xét, tính toán lại kỹ các
mặt để không bị bất ngờ.
Còn phải giữ lễ xã giao, nên tôi hoàn toàn không nói đến nỗi lo của tôi
về chính trị - vì ngồi nhìn lên bản đồ tại hội thảo, tôi thấy công trình
Formosa – Hà Tĩnh dễ cắt đôi đất nước ta khi cần!.. Vả lại đây không
phải là diễn đàn để nói chuyện này.
Ngay sau hội thảo này, tôi bắt đầu quan tâm ráo riết đến Formosa – Hà
Tĩnh. Tôi có chỗ dựa tin cạy là anh Nguyễn Ký, nguyên chủ tịch UBND tỉnh
Hà Tĩnh. Anh Nguyễn Ký đồng tình với những lo lắng của tôi và giúp tôi
dần hiểu thêm nhiều chi tiết khác.
Nhưng khi xảy ra thảm họa ô nhiễm biển miền Trung, báo chí chỉ nói là sự
cố, nhiều điều đáng sợ mới được phơi bầy ra ánh sáng: từ cách thức dự án
ra đời, quá trình phê duyệt siêu tốc, đánh giá ĐMC và ĐTM
sơ sài, diện tích cho thuê quá lớn và thời gian cho thuê gúa dài,
giá thuê gần như cho không, kiểm soát của địa phương và của Bộ vô cùng
lỏng lẻo… Ngoài ra còn
những hiện tượng can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc liên quan đến
những xô xát với công nhân Trung Quốc trong khu công nghiệp,
hiện tượng biểu tình phản đối Formosa bị bàn tay nào đó biến
tướng thành đập phá trong vòng chưa đầy 2 ngày một loạt xí nghiệp (có
con số nói là khoảng gần một trăm xí nghiệp, tôi không có thông tin cụ
thể) suốt từ ngoài Bắc vào đến Bình Dương…
Ngày 18-07-2016 tôi gửi thư ngỏ đến lãnh đạo đảng và nhà nước, đề nghị
(1)
đóng cửa khu công nghiệp Formosa, (2)
thu hồi cảng Vũng Áng dưới dạng chuyển sang BT (build & transfer) để
phía nước chủ nhà giành
toàn quyền kiểm soát, (c)
kêu gọi toàn dân đoàn kết cứu biển.
Để tạo thế mạnh, đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý đòi thực hiện
3 việc trên[5].
Thư ngỏ trên chưa ráo mực, qua
báo chí tôi được tin phía kinh doanh Việt Nam muốn đảy nhanh tiến độ
triển khai tiếp việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, liên doanh là các công
ty Trung Quốc nhiều tai tiếng và tôi có một số thông tin về lai lịch của
họ. Công việc này sở dĩ phải tạm dừng một thời gian vì thiếu vốn.
Từ rất lâu tôi đã biết Liên xô thấy việc khai thác mỏ nảy rủi ro rất
lớn. Sau này Krupp và một số tập đoàn nước ngoài khác cũng đã tìm hiểu
cặn kẽ tại chỗ đề tài này và đều lần lượt rút lui… Ngay lập tức, tôi đề
nghị CODE và Pan Nature mời các nhà khoa học cho ý kiến. Qua mấy cuộc
họp chúng tôi đều thấy phải tìm cách ngăn việc này lại.
Ngày 26-07-2016 tôi gửi đích
danh các vị lãnh đạo đảng và nhà nước một thư mới, đề nghị ra chỉ thị
đình chỉ ngay việc tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Tôi nêu rõ những
đánh giá và cảnh báo của các chuyên gia: việc xúc tiến khai thác mỏ này
sẽ có thể gây ra thảm họa Formosa thứ 2, nhất là đặc thù của mỏ này quá
gần biển và nằm quá sâu dưới mặt biển, de dọa nhiều tai họa lớn cho cả
vùng.
Gửi xong thư, trong lòng tôi vô cùng băn khoăn: Không biết những người
Việt muốn xúc tiến tiếp việc khai thác mỏ này, lại liên doanh với những
đối tác đáng ngờ như thế, họ là ai? Kẻ hám lời? Kẻ giết người? Kẻ bán
nước?
Titan và tim tan…
Trời cho nước ta một vùng duyên hải cực kỳ đẹp bao quanh đất nước! Càng
đi, tôi càng thấy đất nước ta đẹp vô cùng.
Trong khi đi khảo sát Tây Nguyên, chúng tôi đã kết hợp khảo sát vấn đề
khai thác titan rất hỗn loạn, tập trung vào vùng ven biển Bình Thuận
đang khai thác titan bán cho Trung Quốc!
Đến những nơi loang lổ các bãi khai thác titan, có chỗ ăn ra sát bãi
biển, tôi có cảm tưởng có một con thú dữ nào đó… đang ngoạm từng miếng
một trên da thịt mình! Tôi kêu lên với mọi người đi cùng:
-
Trời đất ơi, ti tan hay là tim tan?
Giáo sư Đặng Trung Thuận giải thích căn kẽ cho chúng tôi làm ăn như thế
này đất nước đang mất gì được gì. Cũng như tại những nơi khác khai thác
khoáng sản, thiên nhiên phải mất hàng triệu năm mới làm nên được kiến
tạo đất đai và cảnh quan cho chúng ta như hôm nay… Song trong vài tháng,
vài năm bàn tay con người chúng ta làm cho tan hoang tất cả. Phá sạch!
Hủy sạch! Điêu tàn! Nham nhở!..
Đứng tại bờ biển Bình Thuận, nghe giáo sư nói, nhưng trong đầu tôi liên
hệ đến tình trạng khai thác khoáng sản trong cả nước, suốt từ chỗ tôi
đang đứng, đi hết mọi miền, ngược mãi lên đến Quảng Ninh, lan sang Lào
Cai, Cao Bằng, vòng xuống Tuyên quang, Yên Bái, Thái Nguyên…
Vì là thành viên của NGO Pan Nature và tham gia hợp tác trong một chuỗi
các NGO dưới cái tên chung là
Liên minh Khoáng sản,
hàng năm tôi vẫn thường theo dõi tình hình khai thác khoáng sản trong cả
nước, qua tìm đọc các báo cáo của phía các cơ quan nhà nước ta, các báo
cáo và đánh giá của các tổ chức thế giới trong và ngoài Liên hiệp quốc
về tình hình này của nước ta, liên hệ với những gì tôi mắt thấy tai nghe
trên mọi miền đất nước… Tôi vô cùng xin lỗi và cho phép tôi rút ra kết
luận trong một từ như thế này:
-
LOẠN!
Nếu ở Hà Nội, bạn không cần phải đi đâu xa. Chỉ cần lần ngược hoặc xuôi
vài chục cây số men theo sông Hồng, xem sự hoành hành của bọn
cát tặc, đến những nơi sạt lở
ven sông, thăm những gia đình dân cư mất đất mất nhà.., bạn cũng có thể
dễ dàng hình dung sự tàn phá thiên nhiên của bàn tay con người mà tôi
đang nói tới ở trên!
Tôi đã tham gia khá nhiều hội thảo của các hiệp hội khoa học và những
NGO có liên quan đến đề tài tài nguyên khoáng sản của quốc gia. Những
cuộc họp này đã đưa ra không biết bao nhiêu cảnh báo, kiến nghị… Kết quả
cho đến hôm nay: Hầu như toàn bộ sự việc vẫn vượt ra ngoài tầm kiểm
soát! Với cái giá đất nước phải trả vô cùng đắt! Bài toán vẫn chưa có
lời giải.
Cả người dân và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đều có lỗi! Nan giải
vô cùng! Song trước hết lỗi thuộc về sự bất lực và bất cập (và cả tham
nhũng nữa) của quyền lực quản lý và của những chủ trương chính sách sai
lầm.
Dưới đây là một trong không biết bao nhiêu ví dụ khắp cả nước.
Chúng tôi đi xem dự án thủy điện Xuân Nha thuộc bản Chiềng Nưa, nằm ngay
trong khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Sơn La, đã được tỉnh phê duyệt và
cấp phép theo quyết định số 749 QĐ/UBND tỉnh Sơn La ngày 30-03-2016[6].
Thứ nhất, chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao chính quyền tỉnh lại làm
cái việc điên rồ như thế: sẵn sàng thủ tiêu khu bảo tồn thiên nhiên đã
được nhà nước phê duyệt. Thứ hai, dự án này nằm trên con suối Nậm Quanh,
chỉ có công suất 4MW, sẽ chiếm mất 28 ha ruộng và 16,9 ha rừng đặc dụng
ở bản Chiềng Nưa, ngoài ra sẽ làm cho 50 ha của bản Thín bên cạnh bị khô
kiệt. Hỏi han kỹ lưỡng mọi chuyện, chúng tôi té ngửa: Dân của bản cho
rằng khai thác gỗ trong diện tích rừng đặc dụng được quy hoạch cho thủy
điện này mới là mục tiêu đích thực của chủ dự án, sau đó có thể chiếm
vùng đất bị tác động của bản Thín bên cạnh… Dân địa phương đang cầu cứu
các NGO hỗ trợ họ bác bỏ dự án này!.. Đây còn là một ví dụ điển hình của
sự phân cấp xé nát hay vứt bỏ luật pháp, thể chế quốc gia... Ví dụ này
đủ phản ánh tình trạng lạc hậu của chế độ và hệ thống chính trị quản lý
đất nước[7].
Trở lại câu chuyện khai thác titan ở Bình Thuận để bán cho Trung Quốc:
Sự thật là ngân sách địa phương thu được không bao nhiêu. Trong đó ngoài
chuyện khai man thuế còn chuyện ăn cắp khoáng sản mang đi bán lậu, cũng
cho chính khách hàng Trung Quốc – được chở bằng những sà lan trọng tải
từ vài trăm tấn trở lên chứ không phải là bẳng những cái lá bàng! Việc
khai thác titan ở Bình Thuận hiện nay còn làm suy kiệt nguồn nước ngầm
tại chỗ, khiến nhân dân trong vùng khốn đốn. Đương nhiên không ai ở các
mỏ đang khai thác titan này cho chúng tôi con số cụ thể về bất kể câu
hỏi nào. Tôi đành lấy những số liệu khai thác than thổ phỉ hàng năm ở
Quảng Ninh để cố tưởng tượng ra một cách tương ứng phù hợp với mức độ
thất thóat ở đây, những gian lận khác, những thiệt hại môi trường, những
gánh nặng nhân dân tại chỗ phải chịu đựng…
Hỏi: Tại sao cứ phải bán quặng titan thô, không sơ chế hoặc không chế
biến thành sản phẩm cao hơn?
Trả lời: Có đấy.
Chúng tôi được dẫn tới xem 1 «xưởng» sơ chế. Thực ra đấy chỉ là một cỗ
máy tuyển quẳng tinh dưới một cái lán tôn, rỉ hoắc, đơn giản là máy đắp
chiếu hàng năm trời rồi! Được giải thích: Máy đang phải đại tu.
Về hoàn nguyên đất đai nơi đã khai thác: Nếu trước khai thác là những
bãi phi lao bát ngát xanh, hàng trăm năm nay ngăn các bão cát, bão
biển.., thì bây giờ là những vạt cát lún phún những hàng phi lao mới
trồng, không biết có sống nổi qua mùa nắng hạn.., và không phải mọi nơi
đã đào bới lên đều đựơc trả lại bằng những vạt cây mong manh như thế!
Càng nghe những câu trả lời với mục đích chạy trốn người hỏi như thế,
tai tôi càng điếc đặc, trong lòng quặn đau – phần bực giận, phần sót
sa.., tôi phải lùi lại phía sau mọi người một chút để giấu cảm xúc của
mình – ký ức ấy hôm nay vẫn còn nóng bỏng. Ngay lúc này cũng vậy, tôi
chỉ muốn thốt lên với các bạn:
Bình Thuận của chúng ta đẹp lắm các bạn ơi! Nhắm mắt lại ở xa vạn dặm…
tôi vẫn thấy biển Bình Thuận thì thào ai oán bên tai mình, những đồi cát
đỏ hớp hồn tôi và đang níu lấy chân tôi…
-
Cứu thế nào !?..
Không phải không có tiếng nói của báo chí phê phán những gì đã
xảy ra với khai thác titan trên toàn miền Trung, không riêng gì
Bình Thuận. Song hiệu quả mong đợi vẫn xa vời.
Gần đây ban lãnh đạo mới của tỉnh ủy Bình Thuận khóa đại hội XII chủ
trương đình chỉ việc khai thác titan trong địa bàn tỉnh để ưu tiên triển
khai du lịch. Tỉnh ủy chủ động tranh thủ sự hậu thuẫn của chúng tôi,
nhất là trong tình hình hiện nay đang có chủ trương của cấp trung ương
tiếp tục khai thác titan theo như quy hoạch của nhà nước đã được phê
duyệt! Pan Nature đang cùng với các NGO khác chung tay với tỉnh ủy Bình
Thuận hậu thuẫn chủ trương
của tỉnh dừng khai thác titan để triển khai du lịch. Tôi hiểu Pan Nature
và các NGO bạn trong đề tài này đang bước vào một cuộc trường chinh mới.
Từ nhiều năm nay Pan Nature nỗ lực vận động nhà nước ta tham gia tổ chức
minh bạch công nghiệp khai thác tài nguyên thế giới có tên gọi là «Sáng
kiến về minh bạch công nghiệp khai thác tài nguyên» (Extractive
Industries Transparency Initiative
–
EITI,
web:
https://eiti.org
),
thành viên tham gia phải là quốc gia ở cấp chính phủ, cam kết thực hiện
các nghĩa vụ của EITI và được hưởng sự giúp đỡ của EITI trong vấn đề
thực hiện kiểm xoát và khai thác tối ưu tài nguyên ở quốc gia mình, điều
kiện tham gia khá chặt chẽ; đất nước muốn bảo vệ và sử dụng tối ưu tài
nguyên và môi trường tự nhiên của mình rất cần lựa chọn sự tham gia này.
Sự vận động của Pan Nature đến nay chưa có hy vọng gì, hình như ở nước
ta cứ cái gì đụng đến khái niệm «minh bạch» (transparency) là húc đầu
vào đá! … …
…Mỗi ngày tôi được nhận… một "món nợ"
(Trịnh Công Sơn – tôi xin lỗi được hát theo anh như vậy! – Nguyễn
Trung.)
Nghĩ về những người tôi có may mắn được cùng sống và cùng hoạt
động trong hoặc ngoài tất cả những NGO và trong suốt quá trình tôi với
tư cách là một công dân tự do được cùng tham gia vào các đề tài phục vụ
lợi ích quốc gia. Chúng ta đã làm được nhiều việc khó, cho phép tôi nói
một câu sung sướng:
-
Xin vô cùng cảm ơn các bạn!
Đã có lần tôi mơ …Trên đỉnh
núi Ba Vì thiêng liêng và yêu quý của chúng ta, chung quanh lửa trại
bừng bừng, tất cả anh chị em NGOs chúng ta khắp cả nước về đây, tay
trong tay hát những bài hát chúng ta yêu thích nhất, múa những điệu vũ
tràn đầy sức sống của đất nước, tất cả cùng nhau công kênh đất nước
chúng ta tiến lên phía trước, tham gia vào cuộc đua chung của cả thiên
hạ hướng về tương lai… …
Giấc mơ này đến từ ước mong của tôi về một xã hội dân sự của học tập mà
hình thành nên[8]
- nơi nhân dân ta sẽ cất lên tiếng nói của mình, nơi
toàn dân ta sẽ quyết định mọi việc của quốc gia, rồi đây sẽ mở đường cho
nước ta đi lên!..
Và trong lòng tôi lúc này vang vọng câu hát
…I
faced it all and I stood tall and did it my way…
(My Way – Frank Sinatra)
để chuyển tải lời cảm ơn thầm lặng trong tôi đến tất cả các bạn về những
chặng đường gian khó chúng ta đã cùng nhau vượt qua!.. (Tự nhiên, đến
đây tôi như nấc lên, nhớ đến “hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công
Hùng – đã mất, 1982 – 2012, một trong những người anh hùng của tôi.
Người thanh niên này đã vượt lên số phận nghiệt ngã của mình, cống hiến
hết mình cho đời và cho xã hội dân sự - tôi đã dành cho Hùng một tấm bia
nhỏ trong “Lũ” – tập I, trang 324).
Tôi không có lời cảm ơn nào tốt hơn. Tim tôi tự nói lên như thế, tôi xin
chuyển đạt đến các bạn đúng nguyên như thế - mọi thành viên các NGOs mà
tôi có may mắn được cộng tác trong nhiều năm qua…
Tôi ngả mũ kính phục những gì các bạn đã làm được cho nhân dân những nơi
các bạn đi tới, cho nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước! Các bạn đã mang
lại cho họ rất nhiều việc tốt đẹp, làm dịu bớt những khó khăn gần như bế
tắc trong cuộc sống của họ - nào là thiếu nước sạch, nghèo đói, canh tác
khô cằn, thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường, bệnh tật, những người tàn
tật không còn hy vọng, cái dốt và hủ tục, nạn mù tin học, vân vân… Nhất
là những người được các bạn giúp đỡ thường trở nên có nhiều năng lực tự
giác hơn về những khó khăn của bản thân họ và lối ra… Các bạn thực sự
đem lại cho họ hy vọng và sức sống mới…
Các bạn đã chứng minh: Hoàn toàn có thể tạo ra ở nước ta một xã hội dân
sự hướng về chân-thiện-mỹ, xã hội dân sự của học tập, làm chỗ tựa cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước – vì đấy là một trường học không thể
thiếu cho công dân tự do của một nước tự do!
Tấm lòng hỷ xả của các bạn, tấm gương dấn thân của các bạn cho niềm tin
của mình, nghị lực của các bạn qua những việc mình làm phấn đấu cho cái
chân-thiện-mỹ trên đời này, ý
chí các bạn nuôi nấng tâm hồn mình bằng niềm tin và hành động như
thế, tìm thấy trong cái sống vì mọi người có cuộc sống của chính mình,
cảm nhận được mọi người đang vì mình!.. Tôi biết,
chẳng có ai làm chủ hay sai khiến được bạn cả. Chỉ có tâm hồn của
bạn thôi thúc bạn sống và hành động như vậy… Tôi thấy
các bạn như thế rõ ràng
không phải là thánh, mà là người! Tôi tìm được
bạn và tôi tìm được tôi
cho tôi ở những người như vậy –
các bạn! Đấy là lý do tôi
cảm ơn – cũng có nghĩa tôi có thêm một món “nợ”: tôi phải cố xứng đáng
là bạn của
các bạn!
Nói dài dòng như thế, cũng là để nói một lời rất riêng với từng bạn:
Sống là một thành viên NGO như thế không dễ! Tôi rất hiểu. Xin các bạn
hãy cố lên! Cố lên!..
Tổ quốc chúng ta đang cần những con người như thế, đang rất cần những
NGOs như thế! Các bạn đang là những công binh mở đường cho một xã hội
dân sự!.. – một con đường một ngày nào đó sẽ dẫn tới một xã hội dân sự
của một nước Việt Nam văn minh, giầu đẹp, dân chủ, hạnh phúc!
Mỗi ngày tìm được một bạn tốt như thế, một
tấm gương tốt như thế, là mỗi ngày tôi có thêm một “món
nợ”! Một thứ nợ tôi không
bao giờ từ chối! (Khái niệm
nợ như thế này đẹp quá, tự
nhiên khiến tôi nhớ đến một phim của Nhật rất cảm động “The lies she
loves”!)
Tôi
nhận được nhiều quá, hơn
rất nhiều những gì tôi đã vắt tim vắt óc mình
cho đi trong những việc
đã cùng làm với các bạn, trong những khoảnh khắc được sống cùng các bạn!
Chính cái
thặng dư tôi có được này
– nói thế nào nhỉ? – khiến tôi
cao thêm được vài
centimètres nữa đấy! - ở cái tuổi xương cốt tôi đã vôi hóa hết rồi!
Không một thực phẩm chức năng, hay thuốc dưỡng sinh, hay thần dược nào
có thể làm được như thế đâu: Tôi nhìn được nhiều hơn trong cuộc sống tôi
đang sống, và các bạn mang lại cho tôi niềm lạc quan tôi đang cần.
Viết đến đây, trong tôi bùng lên những cái tên thân thương Đặng Trung
Thuận, Nguyễn Văn Ban, Trần Thị Lành, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Văn Cương,
Nguyễn Đăng Khoa (đã mất), Khổng Doãn Hợi, Đào Trọng Hưng, Phạm Kiều
Oanh, Phạm Quang Tú, Nguyễn Cao Cương, Trịnh Lê Nguyên, chị Vân (Vusta),
Bọ Ka, Minh Phương… ôi nhiều lắm… nhiều lắm, đông lắm.., khắp mọi miền
trong cả nước.., không thể kể ra hết được! Mỗi người mỗi vẻ... Tất cả cứ
như một giàn hợp xướng tổng hòa, đủ hết từ tenor các lọai, đến vút lên
cao ngất trời, các baritone mọi cung bậc, các soprano đầy nữ tính.., đến
các loại bass nghe vỡ ngực!..
Xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn.
…
Thời cơ vàng… và Dòng đời đầy thác Lũ…
Năm 2006 tôi có 2 kỷ niệm có ý nghĩa với chính mình:
-
Loạt bài báo
Thời cơ vàng –
09-01-2006… (Thời cơ vàng / Hiểm họa đen).
-
Bộ tiểu thuyết
Dòng đời
- 2006 - ra mắt bạn đọc.
Cả hai ấn phẩm này đều là kết tụ của những năm tháng tôi day dứt về tình
hình đất nước.
Hồi đó, ngày đêm tôi như bị dày vò giữa 2 thế giới: Một thế giới là
chính đất nước tôi – tổ quốc của chúng ta, một thế giới khác là cái thế
giới thực bao quanh chúng ta!
Đấy là một thế giới, cứ như là một tinh cầu bé nhỏ, lạc lõng, trôi dạt
gần như vô thức vì sự bàng quan hay vô cảm của nó đối với thế giới bên
ngoài, – có khi là sự chạy trốn! –
một mình một vận động thụ động, do
mọi lực tác động từ bên ngoài nhồi, đập, co kéo… – đó chính là
nước ta!
Một thế giới là cái thế giới thực bao quanh chúng ta, lạnh lùng, khốc
liệt, nó vận động theo lực của chính nó, không mảy may du di hay động
lòng trắc ẩn, không khoan nhượng.., hoặc là nó cuốn hút bất khả kháng
mọi thứ đi theo nó, hoặc nó làm tan nát mọi thứ tự nhiên hay ngẫu nhiên
va đập vào nó.
Quan sát sự vận đông trong ngoài như thế, mọi đau thương và những vết
hằn của 4 cuộc kháng chiến đầy xương máu tạo nên trong tôi nỗi khát khao
kinh niên làm sao có thể đưa nước ta cùng hòa vào dòng chảy chung thế
giới đang tạo ra như thế, và tôi vô cùng dị ứng với bất kỳ va đập mới
nào của nước ta với thế giới bên ngoài mà nước ta dù vô thức hay có ý
thức mắc phải. Thành Đô 03 & 04-09-1990 là một sự va đập như thế tự ta
chuốc lấy!..
Năm 2006 là năm nước ta đã trải qua 20 năm đổi mới, hồi sinh thay da đổi
thịt ở mức đáng kể, đủ sức đứng lên đi bằng đôi chân của chính mình, đủ
trải nghiệm để tìm chọn con đường phải đi của chính mình trên thế giới
này! Nhìn lại, có thể nói đấy là 20 năm phát triển ngoạn mục nhất của
nước ta trong toàn bộ lịch sử 43 năm đầu tiên của đất nước độc lập thống
nhất cho đến hôm nay!.. Đất nước bắt đầu có những bạn chiến lược chìa
tay ra với mình. Trong khi đó kẻ thù chiến lược cũng mới chỉ đang ở thời
kỳ mới thoát ra khỏi cái vỏ trứng, chưa đủ lông đủ cánh [Đương nhiên,
hồi ấy trong bài tôi không thể viết toẹt ra như thế về Trung Quốc vì
những lý do đối ngoại. Song tôi cũng viết ra rất rõ trong bài báo này,
không thể hiểu nhầm: “Lần
đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam bây giờ không có kẻ thù chiến
lược… … … Trung Quốc cũng phải thay đổi quyết liệt để tham gia vào dòng
chảy chung này của thế giới, đưa quốc gia họ lên tầm cao mới…”]
Có thể nói, từ sau 30-04-1975, vào thời điểm này, sự vận động tự thân
của đất nước ta cùng với bối cảnh thế giới bên ngoài như vậy đã tổng hợp
thành cơ hội chiến lược cho đất nước:
Thời cơ vàng của đất nước!
Lần đầu tiên sau 4 cuộc kháng chiến đày hy sinh xương máu! Từ đây có thể
bắt đầu tất cả! Từ đây sẽ là quốc gia khởi nghiệp!.. Trong khi đó Đại
hội X của ĐCSVN đang tới gần – phải làm gì đó đưa cơ hội chiến lược này
vào, làm nên nội dung quyết định của đại hội!
Trước đó tôi đã vấp ngã đau đớn với bức thư 09-08-1995, lần này cơ hội
vàng của đất nước đang sừng sững trước mặt! Chính nhận thức này thôi
thúc tôi phải hành động: Cơ hội vàng của dân tộc phải được nhận thức
cũng là cơ hội của ĐCSVN! Vì muốn là đảng lãnh đạo, đảng nhất thiết phải
đi tiên phong trong nắm lấy cơ hội vàng này của dân tộc, quyết đưa đất
nước vào một thời kỳ phát triển mới!
Trong “Thời cơ vàng” (09-01-2006) tôi nói thẳng: “Kẻ
thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt
về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh đảng lãnh đạo trong
nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn
hưng đất nước… … Sự hẫng hụt này
đang từng bước đẩy lùi đảng lãnh đạo xuống thành đảng cai trị,
điều mà tôn chỉ mục đích của Đảng không bao giờ cho phép. Sứ mệnh lãnh
đạo và sự tồn tại của Đảng đòi hỏi phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt
này…”
Để làm rõ nội dung thời cơ không chờ đợi, nếu bỏ lỡ sẽ gắn liền với
thách thức và hiểm họa, tôi đã cố gắng trình bày tổng hợp những bước
thăng trầm của đất nước ta 2 thế kỷ nay, chỗ mạnh chỗ yếu của nhân dân
và đất nước ta cần nhận thức đầy đủ, không thể một chiều đổ hết mọi yếu
kém cho thực dân đế quốc, bá quyền.., nêu rõ nguyên nhân quyết định nhất
dẫn đến mất nước là sự lạc hậu của chính ta, đưa ra những thế mạnh phải
phát huy trong thế giới hôm nay, mục tiêu khả dỹ ngay trước mắt nhất
thiết phải giành lấy… Quyết
liệt đặt cả nước và ĐCSVN trước câu hỏi định mệnh:
Hoặc là!.. Hay sẽ là!…
Bí quyết đi lên là DÂN CHỦ!
Anh Võ Văn Kiệt nhận xét: Hai chữ
hẫng hụt được đấy, đụng
thẳng vào tổ kiến lửa!
Tôi bị bất ngờ, bài báo được cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Nó bắt đầu đi ra
từ
Vietnamnet, rồi Nguyễn Anh Tuấn đã làm tất cả để bài báo đến một số báo
chí quan trọng – trước hết là
Tuổi trẻ! Một hoạt động
báo chí sôi nổi cả nước.
Một ít lâu sau có bài dài của đồng chí Nguyễn Đức Bình, ủy viên Bộ Chính
trị, phụ trách công tác lý luận và tư tưởng của ĐCSVN, phê phán
Thời cơ vàng. Trong những
người lãnh đạo bên đảng, bên chính phủ lác đác có những ý kiến phê phán
Nguyễn Trung là xét lại, phản động…
Ngay sau khi đưa bài lên mạng, Vietnamnet xuất bản cuốn
Thời cơ vàng, trong đó
đăng tải kèm theo các bài báo khác nhau bàn luận sôi nôi vận mệnh đất
nước.
Đồng thời anh Chu Hảo mở máy cho nhà xuất bản
Trí thức phát hành cuốn “Tranh
luận để đồng thuận” với nội dung tương tự như trên, nhưng thêm
bài phê phán của đồng chí Nguyễn Đức Bình. Lần đầu tiên trong một cuốn
sách có sự tranh luận và phản biện nhau sôi nổi về vận mệnh đất nước.
Sau này anh Chu Hảo bị đảng ủy cấp trên tiến hành kiểm thảo kéo dài mấy
năm dòng, vì còn liên quan đến loạt sách được coi là “nhạy cảm” khác NXB
Trí thức đã phát hành. Cuộc kiểm thảo gần đây mới xong, anh Chu Hảo đã
bảo vệ được lý lẽ của mình. – Xin nói ngay tại đây: Nhà xuất bản
Trí thức là một vốn quý
của quốc gia. Nó là một vườn ươm gần như đơn độc, đang tìm cách mang đi
các hạt giống trí tuệ của văn minh nhân loại gieo trồng trên đất nước ta
trong thời kỳ vật lộn tìm đường khởi nghiệp. Lẽ ra nó phải được chăm
sóc, phát huy, song tuyên giáo của chế độ toàn trị đối xử nó chẳng khác
gì kẻ thù địch. Dị ứng với trí tuệ như vậy, tự nó bóc trần bản chất chế
độ toàn trị!
Giữa lúc sôi nổi của bài báo Thời
cơ vàng, tôi nhận được điện thoại của anh Đặng Phong (đã mất): Có
một cặp trí thức ở Tây Nguyên đã đọc bài Thời Cơ Vàng, sướng lắm! Đôi vợ
chồng này đã copy
ra nhiều bản và mời nhiều bạn bè cùng đọc, nhờ nhắn với tác giả khi nào
vào TPHCM sẽ cố tìm cách gặp nhau!..
Đúng là bạn bè trong TPHCM dành cho tôi sự ân cần ấm lòng người, đến đâu
chuyện cũng không dứt… Trong đó có cả cặp vợ chồng trí thức ở Tây Nguyên
(Lâm Đồng). Đi giữa TPHCM trong vòng tay bạn bè, tôi như đang bay…
Đúng lúc này sức khỏe tôi suy sụp, huyết áp không ổn định. Bạn tôi phải
đưa ngay vào bệnh viện Hoàn Mỹ kiểm tra siêu âm tim và và chụp cắt lớp
hệ thống tuần hoàn, Hồi ấy chụp cắt lớp còn rất hiếm ở Hà Nội, nên tại
bệnh viện Hoàn Mỹ tôi được kiểm tra rất kỹ càng. Lạy trời, chỉ có suy
nhược do làm việc quá tải (surmenage!)… Xong xuôi mọi việc, giấy thanh
toán viện phí 6 triệu VNĐ, nhưng giám đốc bệnh viện khăng khăng không
nhận. Tôi nói thế nào cũng không được, kể cả việc đưa
tiền thanh toán của tôi vào quỹ từ thiện của bệnh viện.
Giám đốc bệnh viện trước sau vẫn một mực:
-
Bài Thời cơ vàng của anh đã nói thay cho bọn em những điều bọn
em muôn nói, phải nói! Mong
anh ghi nhận đây là món quà kỷ niệm của bọn em!..
Trong lòng, tôi nhận thêm một món “nợ” nữa với đời!..
…
Dòng
đời
(tiểu thuyết)
Một cuộc phiêu lưu có bài bản, nhưng chưa biết thành bại ra sao!
Như đã nói trên (Phần một), tôi khao khát viết sử đất nước trong quãng
thời gian của cuộc đời tôi, đúng như tôi đã trải qua và nhận thức được!
Muốn sống cho đúng nghĩa, thì cái gì của Ceazar phải trả lại cho Ceazar![11]
Song làm sao một
mình viết sử được, thời đại ngày nay Tư Mã Thiên có sống lại cũng không
làm được! Bao nhiêu cơ quan viết sử, làm sử trong cả nước còn bó tay cơ
mà!
Tôi đành chọn con đường góp nhặt những mẩu mosaic cuộc sống đất nước
dựng lên bức tranh về đất nước vậy!
Nhưng tôi tuy học văn học, song chưa bao giờ viết tiểu thuyết, thậm chí
ngôn ngữ nghề nghiệp suốt cả đời người làm ngoại giao khô không khốc,
chẳng liên quan gì đến văn chương. Làm sao viết được?!
Song không nói lên suy nghĩ và ý kiến của tôi về con đường mình đã cùng
với đất nước trải qua, tôi cảm thấy sẽ là có tội. Đơn giản vì quãng
đường đã qua của đất nước quá nhiều đau thương, mất mát, người đi trước
không nói lại để người đi sau dè chừng là thất đức! Nghĩa vụ đạo lý này
lớn quá, tôi không được phép lẩn tránh!
Kho thu thập nguyên liệu thô
từ vốn sống đã sẵn sàng rồi. Bây giờ phải làm bài tập trước đã để luyện
tay nghề.
Tôi chọn viết thử một tiểu thuyết nhỏ.
Đấy là tiểu thuyết “Hiến
dâng”, dài trên 400 trang, mất khoảng 2 năm, được xuất bản lần
thứ nhất năm 2000, xuất bản lần thứ 2 năm 2002, và sau đó được chuyển
tải thành phim truyền hình nhiều tập trên VTV – với tên phim là “Hồi
sinh”, về chủ đề đấu tranh chống tiêu cực và tệ nạn ma túy, nghệ sỹ ưu
tú Hoàng Dũng sắm vai chính diện.
Một sự cố nhỏ: Truyện đã lên phim, giữ nguyên cả nội dung và tên các
nhân vật… Thế mà xem vài tập rồi tôi mới nhận ra phim được dựng từ
truyện của mình, mà người làm phim không thèm xin phép tác giả! Hỏi
người làm phim, cũng được thú nhận như thế. Song cũng phải nhắc nhở gay
gắt một chút, mới thấy tên tác giả và tên tiểu thuyết được nêu trong các
tập sau của phim. Đương nhiên tôi không màng chuyện nhuận bút, nhưng
không tán thành cái nhập nhèm.
Trong khoảng thời gian viết tiểu thuyết này việc tích lũy vốn liếng, chữ
nghĩa… cho “Dòng đời” hòm hòm…
Việc làm bài tập tạm coi là thành công, tôi bắt đầu thời kỳ lao động
chết thôi.
Viết tiểu thuyết “Dòng đời” – chạy ngược chạy xuôi đến bản thảo thứ 17
thì được xuất bản, truyện chia thành 4 tập, khoảng 1600 trang. May là có
máy tính nên mới làm nổi cái việc lao động khổ sai này. Đó là năm 2006,
tại NXB Văn Nghệ - TPHCM. Tính ra mất khoảng dăm sáu năm, cũng có thể là
gần 10 năm kể từ khi có ý tưởng đầu tiên – nghĩa là “Dòng đời” thai
nghén trong tôi từ khi tôi ý thức được nỗi đau của mình về đất nước.
Việc đầu tiên tôi sao bản thảo nặng 1-2 kg giấy này (!) ra một số bản
(soft hay hard copies), gửi các anh Nguyên Ngọc, Hữu Ngọc, Nguyễn Khoa
Điềm, Trần Bạch Đằng, Cao Huy Thuần, Phan Đình Diệu, Trần Quang Cơ, Sơn
Tùng, nhờ góp ý, và nếu được, xin viết cho vài lời bình, giới thiệu, với
lời xin lỗi trước của tôi: Xin thể tất cho tôi mọi nhọc nhằn phiền toái
– vì bản thảo phải đo bằng “kg” này, và tôi xin cam chịu đã phạm tội
cưỡng hiếp văn chương để chuyển tải suy nghĩ của mình, vì tôi không còn
cách nào khác! Sau này với anh Lữ Phương liên quan đến
Lũ
tôi cũng nói thực tình như vậy.
Tôi nhận được hồi âm gần như đầy đủ, chỉ còn thiếu mỗi anh Nguyên Ngọc –
đến nay tôi cũng chưa có dịp hỏi lại.
Điều tôi không ngờ là sau một thời gian, anh Nguyễn Khoa Điềm mời tôi
đến, cho biết: Vụ trưởng vụ xuất bản của Ban Tuyên giáo (Ban của anh
Nguyễn Khoa Điềm) nhận xét không thể cho tiểu thuyết này xuất bản được,
nó trái với đường lối quan điểm của Đảng... Song anh Nguyễn Khoa Điềm
khuyên tôi: Chỗ nào phải lược bỏ thì chịu khó lược bỏ đi, cố mà xuất
bản, nếu không thì uổng công quá!
Sau đó tôi vác bản thảo đến anh Nguyễn Phan Hách, NXB Văn Học, Hà Nội.
Thoạt nhìn gói bản thảo mấy kg giấy này chắc đã đủ ngán, anh Phan Hách
hỏi tôi mấy câu rất khiêu khích:
-
Làm nghề gì?
-
Nghỉ hưu lâu rồi, không còn nghề nữa.
-
Truyện có cốt truyện không?
-
Có.
-
Có nhân vật chính / phụ không?
-
Có.
-
Có biết ngoại ngữ không?
-
Có.
-
Ngoại ngữ gì?
-
Vài thứ.
Sau đó anh Phan Hách chỉ lên giá sách:
-
Bản thảo các loại đang nhiều như lá tre đây này!.. – hẹn sẽ trả
lời sớm…
Không chờ đợi, tôi bay vào TPHCM gặp NXB Văn nghệ. Đi đi về về vài lần,
bản thảo được chấp nhận.
Anh Nguyễn Đức Bình giám đốc NXB, chị Bích Ngân biên tập viên sau khi
đọc lần đầu tiên đã fone cho tôi biết sẽ cho xuất bản, nhưng nói sẽ phải
biên tập lại nhiều chỗ quá nhạy cảm!
Tôi chưa biết chị Bích Ngân sẽ làm gì, song chỉ nghe mấy từ “biên
tập lại…” đã hốt! Tôi có cảm giác: Phải chuẩn bị tinh thần bị xẻo!
Bởi vì trước đó, một quyển sách của tôi viết về nghiên cứu kinh tế nước
ta được NXB Trẻ, TPHCM, hoan nghênh nhiệt liệt… Tôi mừng lắm. Thế nhưng
sau khi được biên tập lại để lên khuôn, tôi hầu như không nhận ra sách
của mình nữa, cả cái tựa đề của bản thảo là “Dấn bước đi lên!” – hàm ý
phải vượt qua yếu kém và rào cản ý thức hệ… cũng bị đổi thành “Việt Nam
định hướng xã hội chủ nghĩa” (thật ra đây là một cách “lách” của NXB
Trẻ) – nhưng tôi đâu có muốn viết như thế. Tôi “mặc cả” lại: Thêm cho
tôi một dấu hỏi vào cái tựa của sách vậy, nghĩa là: “Việt Nam định hướng
xã hội chủ nghĩa?” Được không? –
một yêu cầu vô cùng tối thiểu mà, chiều tôi đi!..
-
Tại sao anh cứ phải đòi thêm một cái dấu hỏi như thế cho tựa sách?
-
Để người đọc phải cảnh giác! Mà như thế sẽ gần với nguyên bản của tôi
hơn.
-
Không thể được anh Trung ạ!
Tôi thua!
Trở về
Dòng đời, biên tập khoảng
1600 trang bản thảo quả là một công việc khổ sai. Những chỗ chị Bích
Ngân lược bỏ mạnh tay nhất là những chỗ đụng chạm mạnh quá đến vấn đề di
tản, vấn đề hòa hợp dân tộc, vấn
đề Trung Quốc, sai lầm về ý thức hệ… Những chỗ tôi quyết giữ, may quá
đều được chấp thuận dù phải gọt nhẹ đi một chút… – có lẽ bởi vì chính
chị Bích Ngân cũng đồng tình… Còn nhiều vấn đề quan trọng khác cũng phải
làm nhẹ bớt đi, song nhìn chung ở mức độ tôi chấp nhận được… Những lời
bình và giới thiệu cũng là những hậu thuẫn lớn cho NXB.
Sau khi
Dòng đời được tái bản đến
lần thứ 3, tôi được biết anh Bình, chị Bích Ngân và cả NXB nữa bị “chiếu
tướng”! NXB phải sáp nhập vào một NXB khác – thực chất là bị giải thể,
anh Bình thôi làm giám đốc – thực tế là mất chức, chị Bích Ngân
bị nhận xét nặng nề… Tôi mang trong lòng món nợ lớn đối với anh Bình và
chị Bích Ngân. Tuyên Giáo TPHCM có bài phê phán quyết liệt
Dòng đời.
Nội dung chính của Dòng đời là những thập kỷ đầu tiên của đất nước sau
khi giành được độc lập thống nhất.
Toàn bộ bộ tiểu thuyết tập trung vào vấn đề xuyên xuốt:
-
Người đi giải phóng đất nước trở thành người chủ cai trị đất nước. Những
tha hóa tự thân của quyền lực trong điều kiện như vậy sớm biến những
thành những tham vọng chiếm hữu mới
- ở thượng tầng kiến trúc là sự chiếm hữu tranh giành quyền lực,
các tầng nấc thấp hơn biến tướng thành những hiện tượng chia chác na ná
theo kiểu chia quả thực thời CCRĐ!..
-
Thế nhưng người dân của đất nước độc lập thống nhất bây giờ đứng trước
cuộc đấu tranh gian khó chưa từng có: Phải đứng lên tự giải phóng chính
mình để trở thành người tự do với tư cách là chủ nhân ông của đất nước!
Đó là thông điệp gửi đi cả nước, và cũng là kết luận được rút ra của bộ
tiểu thuyết này!
Cuộc sống đời thực của đất nước trong những thập kỷ hòa bình đầu tiên
là:
Miền Nam được giải phóng, đất nước độc lập thống nhất sau những năm
tháng chiến tranh kéo dài mấy thế hệ, đặt ra những vấn đề hoàn toàn mới,
với tầm vóc hoàn toàn vượt ra ngoài tầm tư duy của lãnh đạo vốn trưởng
thành từ chiến tranh và khả năng của họ quản lý đất nước. Song lại thêm
sự nôn nóng duy ý chí của lãnh đạo: muốn thừa thắng xông lên xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Thực tế này khách quan tất yếu làm nảy sinh những mâu
thuẫn và khó khăn mới không nên có thời hậu chiến. Đất nước chưa tắt hẳn
khỏi lửa chiến tranh, song ngay lập tức đã phải đối mặt với những căng
thẳng mới, mâu thuẫn mới. Trong khi đó không bao lâu đất nước bị căng ra
mà đánh ở hai đầu bằng cuộc chiến tranh của Trung Quốc xâm lược biên
giới phía Bắc nước ta, và cuộc chiến tranh của Khmer đỏ quyết diệt hết
“dzuôn” (chỉ người Việt) do Trung Quốc xúi giục ở phía Nam. Sự sụp đổ
của các nước XHCN Liên Xô Đông Âu dội thêm vào nước ta những bế tắc mới
về đường lối và con đường phát triển…
Bản thân cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chứa trong lòng nó 5 – 6
cuộc chiến tranh khác. Bi kịch lớn nhất của đất nước cho đến hôm nay là
ở chỗ: Trong cuộc kháng chiến khốc liệt này có một cuộc nội chiến đẫm
máu kéo dài nhiều thế hệ, nhưng không được ý thức hệ của quyền lực thừa
nhận. Vì thế, sự nghiệp độc lập thống nhất đất nước đã hoàn thành, song
vết thương dân tộc tiếp tục chảy máu... Tất cả những gì trái với ý thức
hệ, phản đối bất công, vạch ra những sai lầm yếu kém… đều bị đẩy thành
thế lực thù địch để đối xử,
thậm chí để đối kháng, hòa hợp hòa giải dân tộc bị coi là húy kỵ… Trong
lòng dân tộc vết thương cũ chưa lành, đã xuất hiện những vết thương mới,
rạn nứt mới…
Dòng đời đã dựng lại bức tranh toàn cảnh như thế của đất nước qua những
thân phận của mỗi con người trong mọi tầng lớp nhân dân, ở mọi địa
phương từ Bắc chí Nam thời hậu chiến.
Trong những ngày đầu tiên sau 30-04-1975, đại tá Phạm Trung Nghĩa từ Hà
Nội bay vào trong Nam thăm em trai mình tại trại cải tạo – đại tá quân
đội CHVN Phạm Trung Lễ. Đây là cuộc đoàn tụ đầu tiên sau 30 năm gia đình
tan tác cùng với sự chia cắt đất nước. Cuộc hàn huyên da diết giữa hai
anh em sớm bị cuộc tranh luận nẩy lửa giữa hai người với nhau đánh bật.
Phạm Trung Lễ quyết liệt với anh mình:
-
Đất nước đã thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh chưa thắng được em!
Anh sai rồi!...
Trong khi đó ngoài đời, con gái Lễ bị hải tặc hãm hiếp và giết chết trên
đường đi di tản, gia đình Lễ tan nát…
Gia đình má Sáu Nhơn là nhà tư sản Huỳnh Tấn Nhơn nổi tiếng Sài Gòn – cơ
sở của cách mạng ngay từ sau ngày 23-09-1945 cho đến ngày giải phóng.
Con rể má là thiếu tướng quân đội cách mạng Lê Hải, nổi danh trên các
chiến trường Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh đồng bằng miền Đông Nam Bộ.
Con gái má – vợ tướng Lê Hải – bị địch giết cả hai mẹ con trong trận càn
Củ Chi. Con trai cả của má là cán bộ tập kết ra Bắc từ 1954… Nhưng ngay
sau 30-04-1975, gia đình má và 3 con trai má ở lại Sài Gòn – đều là
những nhà kinh doanh thành đạt – tất cả đều bị cải tạo tư sản. 3 gia
đình con trai má quyết vượt biển di tản, người anh trai cả (cán bộ tập
kết ra Bắc) can ngăn thế nào cũng không được. Ngay trong đêm sau khi
tiễn 3 gia đình các con trai mình vượt biển đi di tản, má Sáu Nhơn quay
về nhà lấy ra bản Tuyên Ngôn độc lập in litô chữ viết tay má đã cất giấu
từ 1945 đến nay, xé toạc… Má toan ném vào xọt rác,
nhưng ngẫm nghĩ hồi lâu, má lại gói ghém cất vào chỗ cũ… Nhiều
năm sau, trước khi lâm chung, má gọi cháu đích tôn của mình, Huỳnh Thái
Vũ, trao tận tay bản Tuyên Ngôn bị xé, dặn dò:
-
Cháu thay mặt các em các cháu mình họ Huỳnh nhà ta, bảo nhau cha truyền
con nối giữ bằng được bản Tuyên Ngôn bị xé này! Đây là văn tự của nhân
dân đòi nợ chế độ! Dứt khoát không được đưa vào viện bảo tàng!..
Trong đại gia đình họ Phạm của đại tá Phạm Trung Nghĩa ở Hà Nội bi kịch
tiếp theo bi kịch. Đại úy Phạm Trung Nam, cháu ruột gọi ông Nghĩa là
chú, hy sinh trên chiến trường Siêm-riệp trong cuộc chiến đánh bè lũ
diệt chủng Polpot. Ông chú ruột
của anh em ông Nghĩa, nhà tư sản Phạm Trung Học, ngày càng thất
vọng với chế độ mới... Ông để lại chúc thư:
…Cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước lớn quá, mà thành quả
vẫn không trọn vẹn, đất nước vẫn nghèo và bị uy hiếp tiếp mọi bề. Gửi
gắm vào niềm tin đi với Đảng nhân dân ta sẽ có tự do, đất nước ta sẽ
hạnh phúc, nhưng hóa ra bị lừa, lần bị lừa đau đớn nhất trong đời!.. Các
con cháu hãy nhớ lấy bài học này…
Bản thân đại tá Phạm Trung Nghĩa cùng với thủ trưởng Viện nghiên cứu
chiến lược quân sự của mình – thiếu tướng Lê Hải – được giao nhiệm vụ
tổng kết 4 cuộc kháng chiến. Nhưng với những đánh giá khách quan và
trung thực 4 cuộc chiến tranh đúng như nó đã diễn ra, cả hai ông bị quy
kết là phản động. Tướng Lê Hải mất chức và Viện bị giải tán, đại tá Phạm
Trung Nghĩa – tác giả chính của báo cáo tổng kết – chỉ còn cách một sợi
tóc để nhận án tử hình.., nếu không có sự phá án kiên cường của sỹ quan
tình báo đại tá Nguyễn Thạch!
Nhưng sức sống của đất nước là bất diệt. Vượt lên trên mọi thách thức và
trở lực khó lòng tưởng tượng nổi do chế độ và hoàn cảnh khách quan gây
ra, các con cháu hai họ Phạm – Huỳnh vẫn tìm cách mở đường sống cho
chính mình và cho đất nước… - trên mặt trận kinh tế, và trên mặt trận
dân trí…
…Dù rằng Yến – vợ liệt sỹ Phạm Trung Nam – có lúc phải kêu lên:
Chết thì chết, nhưng quyết không
để cho sự hy sinh của chồng ta bị phản bội!..
…Dù rằng Huỳnh Thái Vũ, cháu đích tôn của má Sáu Nhơn, phải nói thật với
lãnh đạo Thành phố khi trao bản sao bản Tuyên Ngôn Độc lập bị xé: “…Đồng
chí ạ, đảng trong tim tôi và đảng ngoài đời hôm nay là 2 đảng khác nhau
mất rồi!..”
Trên bàn thờ gia tộc của họ Phạm và của họ Huỳnh bây giờ đều thờ Bản
Tuyên ngôn Độc Lập bị xé và chúc thư Phạm Trung Học.
Những dòng cuối cùng trong 4 tập truyện của bộ “Dòng đời”:
Đón Tết đến cùng với chồng vừa mới thoát chết trở về từ trại biệt giam
Thạch Thất, bà Phạm Trung Nghĩa nói với chồng:
-
Anh Nghĩa ạ, anh và các đồng chí của mình từ nay phải bước vào cuộc
chiến đấu mới gian khổ chưa từng có!..
-
…
Cho đến hôm nay (11-05-2018), viết đến đây tôi vẫn cứ phải tự hỏi mình:
Thông điệp của vợ đại tá Phạm Trung Nghĩa nói với chồng mình như thế đã
đủ rõ chưa?
Tôi không muốn than vãn: Nước đã độc lập, dân chưa có tự do, còn người
chiến thắng đã trở thành ông chủ của đất nước
mất rồi!..
Tôi muốn giục giã: Nước đã độc lập, bây giờ nhân dân ta phải tự đứng lên
giải phóng chính mình thành người tự do!
Nhưng trong Dòng đời mà viết toẹt ra như thế, có lẽ chị Bích Ngân sẽ
phải liếc dao thật sắc và “xẻo” nốt! Hoặc là “Dòng đời” sẽ không bao giờ
ra đời!
Không biết thông điệp của vợ đại tá Phạm Trung Nghĩa đã đủ rõ chưa!?..
Tôi đã viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần mấy câu cuối cùng này,
để lách!
Riêng tôi thấy chua sót lắm và lo lắng: Đã đi qua 4 cuộc kháng chiến vô
cùng ác liệt rồi, mà cuộc đấu tranh khó nhất của dân tộc vẫn đang ở phía
trước! Tính sao đây!..
…
Lũ
(tiểu thuyết)
Đấy là bộ tiểu thuyết thứ hai,
bộ tiếp theo của bộ “Dòng đời”.
“Lũ” được viết xong và đưa lên mạng viet-studies.net của anh Trần Hữu
Dũng năm 2012, ai muốn đọc thì đọc. Đơn giản vì tôi viết lách như vậy
không thể có cửa để NXB nào trong nước dám in. Anh Tống Văn Công và anh
Nguyễn Khắc Mai viết lời giới thiệu.
Truyện lang thang trên mạng, thì anh Lê Xuân Khoa mail cho tôi: Nên cho
in ra ở Mỹ để ai không lên mạng cũng có thể đọc được. Tôi cảm ơn nhã ý
của anh Lê Xuân Khoa:
Truyện đã lên mạng rồi, nên nó trở thành tài sản chung của người đọc
mạng. Nếu anh thấy nên in ra sách, tôi rất cảm ơn và hoan nghênh, tùy
anh lựa chọn NXB và quyết định. Tôi chỉ đề nghị (a)giữ đúng như nguyên
bản, (b)tôi không lấy tiền nhuận bút để hạ thấp giá của sách, dễ cho bạn
đọc…
Anh Lê Xuân Khoa và tôi vốn quen biết nhau đã lâu, từ khi IDS còn tồn
tại và anh Lê Xuân Khoa muốn cùng hợp tác với IDS một số đề tài – chủ
yếu trong lĩnh vực giáo dục. Tiếc thay mong muốn hợp tác không thành, vì
những điều kiện trong nước chưa chín muồi. Tôi rất cảm kích, vì anh Lê
Xuân Khoa có nhiều khó khăn về sức khỏe mà vẫn quan tâm đến “Lũ”. Cuối
cùng, anh Lê Xuân Khoa đã tìm được NXB Tre xanh – USA ISBN:
978-1-5196-5365-7,
nxbtrexanh@gmail.com.
Tôi đã đọc lại và chỉnh sửa cập nhật – vì những diễn biến trong nước và
trên thế giới càng về sau càng quyết liệt. Truyện được xuất bản năm
2015, theo đúng những gì tôi yêu cầu. Một lần nữa xin cảm ơn nhiệt tình
của anh Lê Xuân Khoa và NXB Tre xanh.
“Lũ” đề cập tiếp “Dòng đời” tình hình đất nước khoảng 2 thập kỷ gần đấy
nhất: thời kỳ chế độ toàn trị và dối trá lên ngôi, tham nhũng trở thành
cướp – chỗ này chỗ khác đã gây xung đột cục bộ với dân, trấn áp gia
tăng, đạo đức văn hóa xã hội xuống cấp chưa từng có, môi trường trong cả
nước bị tàn phá, hệ thống đảng và hệ thống chính trị bị lũng đoạn nghiêm
trọng, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, trong khi đó bên
ngoài thì Trung Quốc coi như đã hoàn thành trên thực tế việc chiếm và
quân sự hóa Biển Đông, ngày càng đẩy mạnh can thiệp quyền lực mềm, thế
giới đã sang trang đi vào thời kỳ vận động mới – đang dấy lên những biến
động chưa từng có và khó lường!..
Trong một số bài viết của mình nhiều năm qua, tôi coi đây là thời kỳ đất
nước mạt vận kể từ sau 30-04-1975!
…Không gian và thời gian của đất nước trong “Lũ” là thời kỳ ra đời và
hoành hành của chủ nghĩa tư bản hoang dã ở nước ta, vào lúc quyền lực
đảng đẩy đất nước rơi vào chế độc tài độ toàn trị, nguy cơ đất nước sụp
đổ và bảo loạn ngày càng tích tụ. Chính thực trạng đất nước nêu trong
“Lũ” này ở ngoài đời sau này đã dẫn tới thư ngỏ ngày 28-07-2014 của 61
đảng viên lão thành, cảnh báo đanh thép ĐCSVN và lãnh đạo của nó phải
thức tỉnh.
…Một trong những cái nôi của chủ nghĩa tư bản hoang dã ở nước ta trong
không gian và thời gian của “Lũ” là
“cái tổ chấy” Cường đá, lúc
đầu chỉ là một cái ổ thông tin của thế giới ngầm.
Với triết lý
buôn quan hệ, nắm đất đai, ta sẽ
nắm tất cả! – cái tổ chấy Cường đá trở thành một trung tâm, một thế
lực lũng đoạn Sài Gòn.
Từ một kẻ du thử du thực trong xã hội, không nghề nghiệp, đường cùng đi
làm phu khai thác đá, Cường đá dần dà thôn tính được cả mỏ đá và vợ con
của chủ mỏ, còn chủ mỏ bị loại khỏi vòng chiến “…trong một cái chết vì
tai nạn lao động!...” – đất đá không có miệng để cải chính.
-
Mấy núi đá tao còn bạt sạch trơn! Đừng có thằng nào muốn sống mà đụng
vào tao!..
Đấy là câu nói cửa miệng gần như hàng ngày của Cường đá, vừa để uy hiếp
đối tác, đối thủ hay bất kỳ ai đứng trước mặt y, vừa để xả nỗi khát vọng
như thiêu như đốt muốn làm một bố già, một playboy, muốn chinh phục đời
– vì cần thỏa mãn nhục dục và mọi thèm muốn khác đã đành, song quan
trọng hơn thế là muốn trả thù đời!.. Ác nỗi, trời không cho Cường đá có
con. Để thỏa chí của mình, Cường đá đem hết tinh lực và mọi yêu quái của
mình dạy bảo, vun đắp cho đứa con dượng: Hai Điểu.
Ngấm máu anh chị của bố dượng, học xong trung học, đốt sách, mổ lợn liên
hoan chia tay bạn bè, Hai điểu thách đố:
-
Tụi bay khao khát thi vào đại học, tao chọn con đường đốt sách, xem ai
thành đạt hơn ai!
Với cái choòng sắt và cuốc xẻng trong tay, cùng với cái xe chở cát sỏi
bố dượng bao, hổ tử Hai Điểu mau chóng vượt lên hổ phụ. Nứt mắt vào
nghề, Hai Điểu nhanh chóng trở thành trùm một đội quân “xe vua” siêu
trường siêu trọng, chuyên chở vật liệu xây dựng hoặc các phế thải, băm
nát đường xá Sài Gòn và mấy tỉnh chung quanh, sẵn sàng nghiến bẹp xe cộ
hay người đi đường không biết tránh nó… Có tiền, Hai Điểu thuê thầy một
lúc quyết học cho mình bằng được 2 bằng đại học luật và quản trị kinh
doanh, để chiến đấu có bài bản. Miệng nói tay làm, Hai Điểu mau chóng
khuất phục cái ban quản trị cao ốc Skyline
toàn đám mũi lõ nói tiếng Việt
như ranh (Hai Điểu), trở thành nhân vật quyết định của dự án này.
Cái máu hoang dã của Hai Điểu lớn lên từng ngày trong cái môi trường xã
hội cúi đầu trước dối trá, đồng tiền và quyền lực. Chỉ có
cái tiếng Anh éo éo Hai Điểu
ghét cay ghét đắng, vì không làm chủ được!
Một bên là Cường đá: quyết đưa con mình ngoi đến một vị trí nào đó ở cấp
Trung ương của Đảng, để bản thân mình có thể vênh mặt với đời là người
thuộc tầng lớp trên cùng của đất nước, cố xóa đi cái ký ức
Cường đá phu mỏ ngay trong
nội tâm của mình.
Một bên là tha hóa của quyền lực Đảng: nhìn thấy ở Hai Điểu một tài năng
trẻ từ thành phần giai cấp lý tưởng – như nêu trong lý lịch trích ngang
khi kết nạp đảng viên, phải sớm đưa vào Đảng để thay máu cho Đảng!
Cả hai gặp nhau ở Hai Điểu.
Tuy nhiên, sự giao cấu giữa tư bản hoang dã và tha hóa quyền lực Đảng
lại đẻ ra một Hai Điểu không như cuộc làm tình này mong đợi. Hai Điểu có
lần đã nói thẳng với bố dượng của mình và với người đỡ đầu muốn dắt mình
vào hàng ngũ quyền lực Đảng:
-
Con nói thật cho các bố biết nhé, làm vua mà vua không có gì để trao
đổi, vua cũng không hơn gì mõ! Nếu mõ có cái vua cần,
thì vua cũng phải gọi mõ bằng
anh!
Nhưng Cường đá và quyền lực đảng tha hóa vẫn không buông tha cho Hai
Điểu.
Về phần mình, trước sau Hai Điểu cũng quyết không chịu khuất phục!
Trong con mắt của Hai Điểu, đất nước này làm gì có vua, chỉ có các “VIP”
được Hai Điểu đánh số 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10.., thế thôi – một hiện tượng
mà ngoài đời anh Nguyễn Văn An có lần đã công khai gọi cả đội ngũ “VIP”
này là vua tập thể!
Hai Điểu giải thích cho bố mình:
-
Ba ơi, máu bốp chát như con, tội gì ép xác vào một cái ghế!.. “Làm
quan hệ, ăn quy hoạch” là 6
chữ vàng của con đấy ba ạ! Chẳng ghế nào so được. “Đất
đai sở hữu toàn dân và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” là vũ
khí số 1, lại thêm cái lệnh miệng có nhãn mác VIP, con vô địch! Bây giờ
con quy hoạch cả người!.. Lần
lượt các VIP này đến VIP kia là quân cờ của con, có thưởng có phạt phân
miêng đàng hoàng… Làm thái thượng hoàng của các VIP, thì có thể con sẵn
sàng.., nhưng ghế thì con không màng! Con muốn làm lịch sử. Con là lịch
sử!..
Buôn quan hệ như thế, Hai Điểu lần lượt đánh số và đi săn các “VIP”,
chinh phục một lúc 7 công ty con của tập đoàn quốc doanh VINACONS mà lại
được hàm ơn cứu nhân độ thế và được phong anh hùng lao động, lật đổ tập
đoàn Năm Hồng đã từng đủ quyền lực bức tử một cán bộ cao cấp, thôn tính
ngân hàng SagoBank.., đánh đâu thắng đấy, chỉ đâu chết đấy… Nhưng trước
sau Hai Điểu dứt khoát từ chối không tham gia vào danh sách cán bộ nguồn
để đưa vào Đại hội đảng…
Chỉ có mỗi cái trường đại học nghĩa thục PH của đám con cháu hai họ Phạm
– Huỳnh là cái pháo đài mà Hai Điểu đến nay không làm sao chinh phục
được – nhưng không đội trời chung, trước sau quyết phá bằng được!..
Yến (vợ liệt sỹ Phạm Trung Nam trong
Dòng đời) đặt ra một cái
tên chung cho tất cả những tập đoàn của chủ nghĩa tư bản hoang dã: “Nhóm
đồng tiền ướt!” Vì những nhóm này ở nước ta đang trong giai đoạn
vơ vét và làm giầu nhanh quá, tiền vào tay họ in ra chưa kịp khô, nên
ngoài bản tính vơ vét ra, họ hẫng hụt và hoang dã về mọi mặt!
Là người chị lớn của anh em con cháu hai họ Phạm – Huỳnh, Yến là linh
hồn của tập đoàn PH. Song vì nhiều lẽ không thể xưng danh là tập đoàn –
trước hết là để tránh hút đạn của quyền lực! Tập đoàn không xưng danh PH
quyết đương đầu với nhóm đồng
tiền ướt trên 2 mặt trận: Kinh tế và giáo dục!
Phương thức và triết lý kinh doanh của tập đoàn PH trở thành mẫu mực của
các doanh nghiệp khởi nghiệp vì lòng tự trọng của bản thân, sự phục hưng
của quốc gia, và lòng tự hào dân tộc. Tập đoàn PH là một trong những
trung tâm kinh tế năng động, cùng với tầng lớp doanh nhân mới trong cả
nước đóng góp vào quá nửa GDP quốc gia. Trường đại học nghĩa thục PH là
cái nôi đầu tiên của một nền giáo dục mới đất nước ta nhất thiết phải
có, để đổi đời và tồn tại được trong thế giới hôm nay.
Phe đồng tiền ướt có hậu
thuẫn hùng hậu của chế độ độc tài tòan trị và mọi tha hóa của các loại
hình quyền lực vật chất và tinh thần trong xã hội, và… - những đồng tiền
bẩn từ bên ngoài...
Tập đoàn PH chỉ có các bậc cha mẹ mình làm chỗ dựa. Đó là các bậc lão
thành đã bỏ xa cái nấc thang thất thập cổ lai hy, nhưng còn nguyên vẹn
nhiệt tình yêu nước và các giá trị đạo đức đã làm nên chính con người
họ.
-
Tập đoàn PH còn có gì nữa?
-
Trí tuệ, sự thôi thúc của tự do, và truyền thống đạo đức và văn hóa của
gia đình!
Hiển nhiên giữa đồng tiền ướt
và PH như thế là một cuộc chiến không cân sức.
PH dốc toàn lực giành được chiến thắng cuối cùng, kể cả phải trả giá hy
sinh tính mạng (Quân – chồng của Bảo Vân, bị đoàn xe vua của Hai Điểu
giết để uy hiếp): Thành lập được trường đại học PH đúng với chuẩn mực
nghĩa thục cả về tính chất và nội dung giảng dạy của trường, thu hút
được về mình những tri thức và kiến thức hiện đại của văn minh nhân
loại. Song thành trì văn hóa này đang đứng trước nguy cơ thất thủ có thể
tính được bằng giờ, bằng ngày…
Trong cuộc sống khắc nghiệt như vậy của đất nước, một ánh sáng mới manh
nha trên vòm trời... Các hậu duệ của con cháu hai họ Phạm - Huỳnh cùng
với đồng lứa trong cả nước nỗ lực mở ra cho đất nước một chân trời mới
trên con đường của xã hội dân sự. Họ muốn dấn thân cho cuộc đời đáng
sống họ mong muốn cho cả nước. Trên con đường này, tai ác thay – hay là
thử thách của đời? – Vi Thanh, người yêu của Phạm Trung Trung Nam và con
dâu tương lai của Yến, không may bị bạo bệnh ung thư, sự sống chỉ còn
được tính bằng tuần, bằng tháng. Nhưng Vi Thanh đã ngoan cường đến giờ
phút cuối cùng, đã cùng với người yêu của mình và bạn bè cùng trang lứa
cả nước dấy lên vòng tay đoàn kết trong chống bạo bệnh ung thư. Một
luồng sinh khí mới đánh thức thế hệ trẻ cả nước… Một xã hội dân sự mới
của đất nước dình thành lên vóc dáng đầu tiên!..
Trong khi đó, ngoài chức năng là chỗ dựa tinh thần cho con cháu minh,
tuổi tác ngày càng bó tay thế hệ lão thành của hai họ Phạm – Huỳnh. Ngày
đêm họ chỉ còn lại sự dày vò không buông tha về thân phận đất nước.
Bi kịch của tướng Lê Hải là:
Cả một sự nghiệp cách mạng ông đã từng cống hiến trọn đời mình từ lúc
chống lại chế độ thực dân pháp đang còn thống trị đất nước, cho đến lúc
chỉ còn gang tấc ông sẽ phải bước lên
vành móng ngựa của quyền lực
tha hóa – chỉ vì ông bảo vệ đến cùng thành quả cách mạng và quyết không
phản bội mọi hy sinh, tổn thất của dân tộc… Thế nhưng một sự nghiệp như
thế của dân tộc và của chính ông đang bị phản bội!
Dằn vặt mình đến hơi thở cuối cùng trước thực tế ác nghiệt này: “Đây là
sự phản bội của quyền lực tha hóa? Hay là đầu hàng? Mà đầu hàng cũng là
phản bội!.. Hay đây là hiện tượng bán nước!?”..,
Tướng Lê Hải viết trong di chúc
của mình: “…Đất nước độc lập
thống nhất bốn thập kỷ nay rồi, mà lòng dân chưa thu về được một mối,
quốc gia vẫn nghèo hèn so với thiên hạ và thách thức… Độc lập dân tộc
gắn với chủ nghĩa xã hội đã thất bại, và chỉ còn là thứ ngụy trang cho
Đảng Cộng Sản Việt Nam với tính cách là lực lượng chính trị độc nhất tự
cho mình quyền đứng trên Hiến pháp cai trị đất nước! Đã đến lúc cả nước
phải một lòng đứng lên giành lấy những quyền tự do dân chủ của chính
mình!.. …Trước nhân dân, trước đất nước, trước vong linh các đồng chí và
đồng đội đã hy sinh, tôi xin cúi đầu nhận phần tội của mình trong đấu
tranh thất bại chống lại sự tha hóa của Đảng, nên đất nước mới phải chịu
bao điều cay đắng hôm nay…” … … …
Không biết vong linh tướng Lê Hải có được dịu lại phần nào hay không,
khi ông Phạm Trung Lễ từ Mỹ bay về viếng vong ảnh ông?..
Ông Phạm Trung Lễ trịnh trọng mặc lại cho mình bộ trang phục đại tá Quân
đội Việt Nam Cộng Hòa, trang nghiêm trước vong ảnh ông:
-
Xin kính cẩn vĩnh biệt tướng Lê Hải!
Giữa hai quân nhân này của hai bên chiến tuyến một thời đẫm máu dân tộc
mấy thế hệ, từ lâu trong lòng họ chỉ còn lại nỗi đau chung về thân phận
quốc gia!
Đại hội Đảng càng đến gần, Yến càng ra sức cùng với đội ngũ trí thức
chân chính cả nước vận động, thuyết phục lãnh đạo Đảng phải xúc tiến cải
cách chính trị, để đổi đời Đảng thành đảng của dân tộc và cứu nguy đất
nước… Yến xếp hết mọi việc làm
ăn lại. Không hề tiếc công tiếc sức. Kiên trì, nhẫn nại thuyết phục từng
người!..
Giữa lúc Yến tại Hà Nội thuyết phục đại diện lãnh đạo đảng phải chấp
nhận cải cách chính trị cứu nước, trường đại học PH ở TPHCM bị công an
vu cho tội họp mitting chống Trung Quốc, bắt giam con trai Yến Phạm
Trung Trung Nam và đánh chết trong tù!
Tin dữ đến, Yến hét lên giữa trời:
-
Polpot đã giết chồng ta! Hải tặc giết em ta! Hôm nay công an cộng sản
giết con ta! Trời ơi sao chúng mày ác thế!..
…
Cả nước oằn lên!..
Toàn bộ những nỗ lực của hai họ Phạm – Huỳnh và con cháu họ 4 thập kỷ
nay muốn phục thiện cái đảng thống trị đất nước đã tha hóa ruỗng nát và
mong cứu vãn đất nước.
Quyền lực tha hóa đã đáp lời: Giết chết Phạm Trung Trung Nam!
Đây chính là thông điệp của “Lũ”!
Thưa các người, về “Lũ”, xin hãy vứt bỏ hết cho tôi mọi trói buộc của
nghệ thuật! Tôi không phải là người của nghệ thuật!
Tôi xin tất cả các người! Cả hai phía, kẻ cai trị cũng như người bị trị,
hãy nghe cho thấu thông điệp của “Lũ”!
Không phải chỉ có đất nước đang phải oằn mình lên chống cái ác! Trên đầu
tổ quốc chúng ta là cả một thác lũ “vấn đề Trung Quốc” – một vấn nạn của
cả thế giới – đang lăm le đổ ập vào đất nước ta!
…
Viết xong “Lũ”, trong đầu tôi đã hình thành “Sóng thần” – như một tiến
triển của tự nhiên: Dòng đời > Lũ > Sóng thần.
Thế nhưng từ 6 năm nay, loay hoay nhất là từ 3 năm nay, tôi cắn bút,
không viết được chữ nào – mặc dù từ những suy nghĩ và lý lẽ, từ những dự
báo, mong ước trong các bài tôi đã viết ra.., có lẽ đã đủ ý để viết tiếp
bộ cuối cùng của trilogy này. Nhưng tôi vẫn chưa sao hình dung và dự báo
nổi cái gì hiện thực nhất sẽ đến với nước ta sau “Lũ”!?
Khó hơn nữa: Nhân dân ta, đất nước ta có quyền và có khả năng lựa chọn
tương lai cho mình không!?
Trong lòng ngổn ngang trăm ngàn nỗi lo…
[1]
Tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87n_nghi%C3%AAn_c%E1%BB%A9u_Ph%C3%A1t_tri%E1%BB%83n
[2] Bỏ lỡ cơ hội lớn lần thứ
nhất là ngay sau 30-04-1975, lần thứ hai là khi các nước LXĐA
sụp đổ, lần thứ ba là chậm chân trong các vấn đề gia nhập ASEAN,
bình thường hóa quan hệ với Mỹ, và gia nhập WTO.
[3]
Tham khảo: Nguyễn Trung,
Đại hội XII, một thất bại chung của Việt Nam!
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_DaiHoiThatBai.htm
[4]
Tham khảo:
Bộ Chính trị kết luận về khai thác bauxite đến 2015
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-ket-luan-ve-khai-thac-bauxite-den-2015-159234.tpo
[5] Tìm xem: Nguyễn Trung –
thư ngỏ
18-07-2016http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_ThuNgoQuocHoi.htm
[6] Tìm xem:
https://www.thiennhien.net/2016/09/20/thuy-dien-trong-khu-bao-ton-nguoi-dan-kich-liet-phan-doi/
[7] Cũng tại Sơn La, cách cái
hồ thủy điện giết người này vài chục cây số, chúng tôi đến thăm
một xí nghiệp khởi nghiệp của mấy thanh niên doanh nhân từ xuôi
lên đã tốt nghiệp đại học và sau đại học: Sản xuất than từ lõi
ngô bằng những thiết bị tự lắp ráp lấy và xây đặt. Khách hàng
chủ yếu là các khách sạn làm đồ nướng sang trọng (babecue) trong
các tỉnh miền Bắc và xuất đi Nhật, vì đặc điểm loại than này là
hầu như không có khói, nhỏ, gọn, các thỏi than xinh sắn, mỗi gói
than được đóng gói rất đẹp mắt – như là một hộp bánh ngọt (!) –
được bầy trên bàn ăn để khách ẩm thực tự làm babecue… Sản phẩm
không đủ bán, trong khi đó
nông dân mấy huyện chung quanh và cả bên tỉnh bạn (phần
lớn thuộc các dân tộc ít người) có nguồn thu nhập mới đáng kể là
thu gom lõi ngô bán cho doanh nghiệp này, lại bớt thêm được một
chút ô nhiễm môi trường! Tôi nêu ra ví dụ này ở đây chỉ cốt nói
lên:
Loạn là do thể chế và
chính sách, chứ không phải do không có lối thoát!
[8] Trong những bài viết gần
đây về kiến nghị cải cách chính trị, tôi nhấn mạnh đấy phải là
một sự nghiệp được phấn đấu thực hiện qua quá trình học tập và
tự giác của cả nước, nó không phải là một sự nghiệp của phong
trào mang tính chất bầy đàn. Cách chuẩn bị và tiến hành cải cách
chính trị trên cơ sở học tập như vây là yếu tố cơ bản để giành
thắng lợi vững chắc, vai trò xã hội dân sự của học tập sẽ trở
thành yếu tố vô cùng quan trọng mang tải quá trình cải cách đến
thắng lợi cuối cùng – đúng với chân lý: Cách mạng là sự nghiệp
của quần chúng. Trí tuệ của văn minh nhân loại hôm nay hoàn toàn
cho phép nước ta thiết kế và thực hiện một xã hội dân sự của học
tập như thế. Chúng ta không nên lựa chọn một xã hội dân sự chung
chung không đáp ứng những đòi hỏi hiện nay của đất nước. |