Vài ý về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Trung
Xin cảm ơn VIDS cho tôi cơ hội nói lên vài suy nghĩ trong buổi thảo luận hôm nay về đề tài quan trọng này. Sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng của một quốc gia. Tôi không hiểu nhiều về Luật, chỉ xin có vài ý kiến về vấn đề này từ góc độ một công dân đảng viên, mà những điều tôi sẽ trình bày liên quan mật thiết đến Đảng. Xin nói rõ ra như thế, vì tất cả chúng ta ngồi đây đều là công dân đảng viên già, từ lâu đã đứng sang bên lề cuộc sống. I – Quyền phúc quyết của nhân dân là tất yếu Trong cuộc sống của nhiều quốc gia trên thế giới, việc có Hiến pháp mới hay sửa đổi Hiến pháp chỉ trở thành một đòi hỏi không thể thiếu được khi quốc gia ấy có một bước ngoặt phát triển, ví dụ như một chế độ chính trị mới thay thế chế độ cũ (Hiến pháp Việt Nam năm 1946), đảo chính (đã từng xảy ra nhiều lần ở Thái Lan và nhiều nước khác…), hay là quốc gia chuyển sang một giai đoạn, một thời kỳ phát triển mới, hoặc đứng trước một hay nhiều vấn đề trọng đại mới… Nêu lên như vậy, ý đầu tiên và trước hết tôi muốn nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp chỉ đạt được mục đích của nó một khi coi việc sửa đổi này là một việc làm thực chất, không phải là làm hình thức, để soạn thảo được một Hiến pháp mới bảo đảm được 2 yêu cầu:
Để đạt được cả 2 yêu cầu nêu trên, sự tham gia có chất lượng của nhân dân là tất yếu. Muốn xây dựng được nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì việc xây dựng Hiến pháp mới lại càng phải có sự tham gia nêu trên của dân, để Hiến pháp mới tạo ra được những tiền đề tất yếu cho việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đồng thời Hiến pháp mới cũng phải tạo ra được những chuẩn mực ràng buộc về quyền và trách nhiệm của mỗi công dân trong đời sống mọi mặt của đất nước – nhất là trong nhiệm vụ xây dựng đất nước và trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ngày nay. Nói một cách khác: Đó là cần làm mọi việc để kết quả cuối cùng sẽ có được một Hiến pháp mới cũng phải đạt tiêu chuẩn là Hiến pháp của dân, do dân, vì dân. Đặt vấn đề như vậy, quyền phúc quyết của công dân là tất yếu, cần làm mọi việc để mọi công dân có những điều kiện tốt nhất thực hiện được quyền tất yếu này với chất lượng cao. Ít nhất, người dân phải được thông tin đầy đủ và được cung cấp những hiểu biết cần thiết về những vấn đề hệ trọng đặt ra cho đất nước mà do đó dẫn tới đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp lần này. Đặc biệt cần tập trung làm rõ những điều chính yếu cần sửa đổi và cần lấy ý kiến nhân dân nên sửa như thế nào. Nếu Đảng và Nhà nước không quyết tâm thực hiện đầy đủ quyền của phúc quyết của nhân dân như trình bày trên cho việc sửa đổi hiến pháp lần này, hoặc chỉ muốn thực hiện quyền này cho đủ lệ bộ dân chủ … thì không nên đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp làm gì nữa. Vì như thế chỉ tốn kém vô ích công sức của dân và sẽ tiếp tục đưa đất nước đi xuống. II – Sửa đổi Hiến pháp phải gắn với đổi mới Đảng Một thực tế khách quan hiện nay là hệ thống nhà nước ta nằm trong hệ thống chính trị do một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền. Như thế, việc sửa đổi Hiến pháp liên quan mật thiết đến vấn đề đổi mới Đảng Không thể xây dựng được một Hiến pháp mới đúng với đòi hỏi của đất nước hiện nay, hoặc nhờ một cơ may trời cho nào đó nếu xây dựng được, thì nó cũng không thực thi được, nếu như không đồng thời tiến hành đổi mới Đảng sao cho phù hợp với Hiến pháp mới. Xin đừng quên những điểm tốt trong Hiến pháp 1992 có nhiều, nhưng không thực thi được bao nhiêu, chính vì nguyên nhân này. Đòi hỏi trên là bắt buộc đối với Đảng, bởi vì ngay trong Điều 4 của Hiến pháp hiện hành cũng ghi: mọi hoạt động của Đảng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật. Chưa nói đến nghĩa vụ trước hết và trên hết của đảng viên là phải là thực hiện nghĩa vụ công dân. Điều lệ Đảng bắt buộc đảng viên phải gương mẫu, cũng có nghĩa là đảng viên trước hết phải phấn đấu là công dân gương mẫu.[1] Hiến pháp thay đổi, thì Đảng cũng phải thay đổi. Mặt khác, sửa đổi cách làm và nội dung chỉnh đốn – xây dựng Đảng cũng đang trở thành đòi hỏi bức xúc hiện nay đối với Đảng, đối với đất nước. Nhiều Đại hội trước đây đã cảnh báo về tình trạng yếu kém và tha hóa nghiêm trọng trong Đảng, nhưng chưa có chuyển biến gì. Hội nghị Trung ương 4 khóa này một lần nữa lại cảnh báo, nói rõ tình trạng tha hóa này đã đến mức đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ chính trị. Những điều vừa trình bày cho thấy trong hệ thống chính trị hiện tại của đất nước việc sửa đổi Hiến pháp và việc đổi mới Đảng khách quan đòi hỏi phải được thực hiện gắn với nhau. Đất nước đang ở trong tình hình cả hai việc quan trọng này không thể trì hoãn được. Đất nước – bàn cụ thể ở đây là là nhà nước – phát triển ngày càng cao hơn, Hiến pháp mới tất nhiên phải đáp ứng được yêu cầu này. Tất yếu sẽ có vấn đề: Làm thế nào thể hiện rõ được trong Hiến pháp mới này đòi hỏi ở Đảng cũng phải có năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và có trách nhiệm ràng buộc được nâng cao lên theo tầm Hiến pháp mới? Nói về Đảng, chỉ riêng một đòi hỏi nêu trên đủ cho thấy đảy mạnh tự phê bình và phê bình về phẩm chất đạo đức đảng viên như đã nêu trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 - tuy là rất cần thiết, giả thử thực hiện được tốt đi nữa, nhưng cũng hoàn toàn không đủ. Vẫn còn thiếu một vế quyết định: Cần phải sớm bổ sung việc đảng viên phải thường xuyên kiểm điểm vai trò lãnh đạo, kiểm điểm vai trò cầm quyền của Đảng, kiểm điểm trách nhiệm ràng buộc của Đảng đối với đất nước – trước hết là đối với Hiến pháp. Duy nhất là đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị, đương nhiên Đảng cần phân tích thấu đáo xem những nguyên nhân gì dẫn đến Hiến pháp hiện hành không được thực thi đúng đắn, trong khi đó hiện tượng tha hóa trong Đảng đã đến mức nguy hiểm như đã được hội nghị Trung ương 4 đánh giá. Không thể tránh né việc làm rõ cái nào là nguyên nhân của cái nào, nguyên nhân và hệ lụy lẫn nhau ra sao, những hệ quả đối với nhân dân và đối với đất nước, đối với sự nghiệp của Đảng, những kết luận và những quyết định cần rút ra… Cần nhấn mạnh: Đảng giữ cho mình quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, do đó tất yếu Đảng cũng phải chịu trách nhiệm tuyệt đối và toàn diện về tình trạng Hiến pháp hiện hành không được thực thi nghiêm túc. Vì dân, vì nước thì phải nhận chịu trách nhiệm như thế. Ngay tức thời, lãnh đạo Đảng cần phải có quyết tâm và đủ trí tuệ sớm xác định những nguyên nhân dẫn tới những yếu kém nêu trên, để từ đó mới có khả năng xác lập ngay sự lãnh đạo đúng đắn cần phải có của Đảng ngay trong nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là Đảng phải làm bằng được nhiệm vụ phát huy dân chủ và huy động trí tuệ cả nước cho việc sửa đổi Hiến pháp lần này... Không làm được như thế, không còn là lãnh đạo. Hiến pháp thay đổi thì Đảng cũng phải thay đổi, cái nọ là tiền đề của cái kia. Đảng có thực sự đổi mới, việc sửa đổi Hiến pháp trong hệ thống chính trị một đảng mới có ý nghĩa. Không làm như vậy công sức của dân của nước bỏ ra cho việc sửa đổi Hiến pháp sẽ vô ích. Như vậy, trong hệ thống chính trị một đảng của nước ta hiện nay, việc sửa đổi Hiến pháp bắt buộc phải gắn với đổi mới Đảng. III – Sửa đổi Hiến pháp lần này cần làm rõ vai trò và trách nhiệm ràng buộc của Đảng Hệ thống chính trị nước ta hiện nay chỉ cho phép có một đảng duy nhất vừa là đảng lãnh đạo, vừa là đảng cầm quyền. Vậy Hiến pháp sẽ nên sửa thế nào để không trái với định đề này? Trước hết bàn về Đảng. Muốn đổi mới Đảng, nhất thiết phải: (1) Viết lại nội dung Điều 4 của Hiến pháp theo hướng làm rõ nội dung và nâng cao (a) vai trò đảng lãnh đạo, (b) vai trò đảng cầm quyền, và (c) trách nhiệm ràng buộc của Đảng đối với đất nước, đối với nhà nước sao cho phù hợp với những đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới của đất nước, phù hợp với Hiến pháp mới; (2) Đồng thời phải xây dựng thêm, hoặc sửa đổi, hoàn thiện những Điều sẵn có khác trong Hiến pháp về các quyền và nghĩa vụ của công dân, cũng như về vai trò, quyền hạn, trách nhiệm và phương thức hoạt động của hệ thống nhà nước, về xây dựng đời sống đất nước mọi mặt... phù hợp với những đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, phù hợp với Hiến pháp mới, tăng cường khả năng thực thi những điều này. Có làm rõ được như vậy, sẽ làm rõ cả vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền và trách nhiệm ràng buộc của Đảng như nêu trong điểm (1). Tất cả để đảm bảo (a) Đảng thực hiện tốt vai trò đảng lãnh đạo, vai trò đảng cầm quyền, trách nhiệm ràng buộc của Đảng đối với đất nước, được Đảng cam kết trong Hiến pháp; (b) xây dựng được một nhà nước mạnh đúng với nghĩa của dân, do dân, vì dân; (c) công dân có được quyền năng tốt nhất để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đặt vấn đề như vậy, việc sửa đổi Điều 4 trong Hiến pháp không phải là tự sát đối với Đảng như có ý kiến đã nêu lên, mà là một đòi hỏi không thể thiếu đối với đổi mới Đảng. Đảng muốn Hiến pháp thừa nhận vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước, thì Đảng cũng phải nhận trách nhiệm ràng buộc của mình đối với đất nước và cần được làm rõ trách nhiệm ràng buộc này bằng những điều khoản của Hiến pháp mới. Câu hỏi mất còn đầy lo lắng hiện nay là sức sống trong Đảng đi vào thời kỳ phát triển mới này của đất nước liệu có thể thắng được sự tha hóa hiện nay trong Đảng hay không? Nói rõ hơn nữa: Liệu Đảng còn đủ sức chiến đấu để đổi mới được chính mình hay không? Đảng có đủ dũng khí dùng quyền lực và ảnh hưởng của mình lãnh đạo nhân dân phát huy dân chủ viết ra một Hiến pháp mới như thế hay không? Xin không một đảng viên nào được phép quên biết bao nhiêu người con của đất nước, trong đó một số không nhỏ là đảng viên, đã ngã xuống dưới lá cờ của Đảng. Xin đừng bao giờ quên toàn thể nhân dân ta không phân biệt bên này bên kia, đã phải hy sinh không biết bao nhiêu xương máu, chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ, mất mát trên suốt chặng đường đầy mồ hôi, máu và nước mắt từ sau chiến tranh thế giới II cho đến hôm nay, và hiện tại vẫn còn những vết thương đang rỉ máu với biết bao nhiêu khổ đau khôn nói lên lời; những thách thức và khó khăn phía trước còn ngổn ngang, còn biết bao nhiêu vấn đề đau đầu trong nước đang cần lời giải... Hơn nữa, từng người là đảng viên còn giữ được cho mình là người yêu nước và tận tâm hết mình cho sự nghiệp của đất nước, cần hiểu rõ những thách thức khắc nghiệt phía trước đang đặt ra cho đất nước ta trong thế giới ngày nay. Trong khi đó Đảng vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ thống nhất và hòa giải dân tộc, để có sức mạnh của toàn dân tộc, để vượt qua được mọi khó khăn, chiến thắng được mọi thách thức, để dấy lên sức mạnh dân tộc chặt đứt hẳn cái quán tính lịch sử quái ác cứ giam hãm mãi gần hai thế kỷ nay dân tộc Việt Nam ta trong vòng nghèo hèn và lạc hậu như thế này so với thế giới bên ngoài. Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam ta chỉ có khả năng thắng được ngoại xâm nhưng không bao giờ có khả năng ngửng đầu đi lên cùng với các nước thịnh vượng? Đất nước mới độc lập chưa đầy 4 thập kỷ, nay đã phải đối mặt với những nguy cơ uy hiếp không thể xem thường. Thắng lợi vinh quang giành được độc lập thống nhất cho đất nước sẽ còn mấy ý nghĩa, nếu cuối cùng sẽ là để cho tha hóa xóa đi tất cả, cướp đi tất cả, tạo dựng nên một sự nô dịch mới? Là đảng viên, không được phép quên: Đảng – với tính cách là đảng duy nhất của toàn hệ thống chính trị đang nắm quyền lãnh đạo, đang cầm quyền quyết định vận mệnh của đất nước – Đảng đang nợ dân tộc một trách nhiệm lịch sử. Đó là phải dựa hẳn vào dân để dấy lên trí tuệ, nghị lực và công sức của cả nước cho xây dựng thành công một thể chế chính trị dân chủ, ngõ hầu thực hiện đúng được nguyện vọng ngàn đời của nhân dân ta như đã ghi trong tiêu đề của quốc gia hiện nay: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc! Làm sao trang trải được gánh nợ lịch sử này, nếu như Đảng không đổi mới chính mình để đi hẳn với dân tộc – trước hết với tinh thần tổ quốc trên hết, quyền lợi quốc gia trên hết? Cho đến hiện nay, không có lực lượng thù địch nào có thể lật đổ Đảng hay lật đổ chế độ chính trị, mà chỉ có sự tha hóa của Đảng là nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất đối với Đảng, đối với chế độ chính trị, đối với đất nước này mà thôi. Tình hình đã đến mức đúng như Hội nghị Trung ương 4 nhận định: Sự tồn tại của Đảng và của chế độ chính trị đang bị đe dọa. Cho đến hiện nay, dựa hẳn vào dân để đi với dân tộc, Đảng vẫn hoàn toàn có khả năng chiến thắng kẻ thù nguy hiểm nhất này của mình và của đất nước. Nhưng để chậm trễ, càng tự tích tụ thêm nhiều khó khăn, sức đề kháng này sẽ mất đi nhanh chóng. Cho đến hiện nay, nếu có được một đảng đi hẳn với dân tộc như thế, nước ta hoàn toàn có khả năng tiến hành thắng lợi sự nghiệp cải cách hệ thống chính trị từ chỗ đứng hiện tại kế thừa những thành quả đất nước đã giành được để đi tiếp. Làm như thế, sẽ tránh được cho đất nước không phải xóa đi làm lại từ đầu theo các kiểu cách mạng hoa nọ hoa kia đẫm máu mà vẫn chưa biết bao giờ mới mở được đường ra - như chúng ta đang thấy ở các nước Bắc Phi. Indonesia đã nêu cho chúng ta một ví dụ đáng học hỏi về cải cách để kế thừa, để đổi mới và để đưa đất nước đi tiếp. Chẳng lẽ ĐCSVN không muốn hay không thể lãnh đạo nhân dân mình thực hiện một sự nghiệp như thế? Myanmar vừa qua đã làm được một bước cải cách rất đáng khâm phục – đương nhiên mới chỉ một bước, song là một bước đầu đầy hứa hẹn. Nhân dân trong nước khát khao đã đành, cả thế giới tiến bộ ngày nay sẵn sàng hậu thuẫn cho việc thực hiện triệt để một cuộc cải cách chính trị ở nước ta. Đúng là một tình thế chưa từng có! Kể cả so với tinh thế khi Cách mạng Tháng Tám thành công, hay so với tình thế sau ngày 30-04-1975! Cho đến hôm nay, Đảng hoàn toàn có khả năng giành thắng lợi thực hiện cuộc cải cách vỹ đại này nếu quyết tâm lựa chọn nó, hy sinh và cống hiến hết mình vì nó. Cải cách thể chế chính trị như thế là mở đường cho đất nước ta ra khỏi tình trạng èo uột hôm nay. Nước Nhật dưới thời Minh Trị trong nửa sau thế kỷ 19 đã từng thực hiện được một cuộc cải cách có ý nghĩa như thế, và nhờ đó chỉ trong vòng dăm thập kỷ nước Nhật đổi đời thành một quốc gia công nghiệp hùng mạnh. Đấy cũng là một nhiệm vụ chính trị mà triều đại Gia Long đã bỏ lỡ cơ hội thực hiện, để dẫn đến cái cột mốc cuối cùng là mất nước, với hệ quả đất nước lạc vào con đường long đong suốt hai thế kỷ vừa qua. Sau khi đất nước độc lập thống nhất cho đến hôm nay, Đảng cũng đã bỏ lỡ không dưới một lần cơ hội lớn để trang trải gánh nợ lịch sử trọng đại đối với dân tộc: Lãnh đạo nhân dân thực hiện bằng được cuộc cải cách để xây dựng nên một thể chế chính trị của một đất nước thực sự do nhân dân làm chủ. Như vậy, kể từ nhiều Đại hội toàn quốc của Đảng từ sau đổi mới cho đến nay, chỉ có tầm nhìn bị ý thức hệ chi phối, năng lực và phẩm chất yếu kém so với nhiệm vụ đất nước đòi hỏi, cùng với sự tha hóa đang diễn ra trầm trọng trong Đảng là những thế lực thù địch nguy hiểm nhất của Đảng mà thôi. Những thế lực thù địch nguy hiểm này đang từng ngày từng giờ lặng lẽ tiêu hao sức chiến đấu của Đảng, diễn biến Đảng và cuối cùng là đang tước bỏ dần vai trò lãnh đạo của Đảng. Tất cả những thứ thế lực thù địch khác mà Đảng nghĩ rằng mình đang phải đối mặt, mình đang hàng ngày phải cảnh báo cho nhân dân biết.., đều quá nhỏ bé so với quyền lực và lực lượng Đảng đang nắm trong tay. Kẻ thù lớn nhất của Đảng chính là sự tha hóa đang biến chất Đảng. Đổi mới Đảng là cách duy nhất để chiến thắng sự tha hóa này và là tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hệ thống chính trị đã trở thành một món nợ, một trách nhiệm lịch sử Đảng nhất thiết phải trang trải. Mong từng đảng viên ý thức đầy đủ: Nhiệm vụ cải cách thể chế chính trị như thế càng để chậm trễ, sự mai một khả năng chiến đấu của Đảng sẽ diễn ra với gia tốc ngày càng nhanh hơn và bất khả kháng hơn so với sức đề kháng của Đảng. Sống hay là chết chính là ở điểm này. Thiết nghĩ người đảng viên tâm huyết với gìn giữ sự nghiệp của đất nước và của Đảng, cần nhìn nhận việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một cơ hội để thực sự đổi mới Đảng, tạo ra cho Đảng khả năng và phẩm chất giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ mà lúc này tình hình và nhiệm vụ của đất nước đang đòi hỏi hơn bao giờ hết. Nếu còn tự coi mình là đảng cách mạng, đảng tiền phong, đảng của giai cấp và của dân tộc, Đảng có dám vận dụng mọi quyền lực và ảnh hưởng mình đang nắm trong tay để phát huy trí tuệ và nguyện vọng của toàn dân tộc, xây dựng nên một Hiến pháp mới của một nước Việt Nam độc lập – tự do – hạnh phúc mà tình hình mới hiện nay đòi hỏi, lấy Hiến pháp đó làm nền tảng đổi mới Đảng – Đảng có dám làm như thế hay không? Khỏi phải nói dân tộc này sẽ đứng với ai nếu Đảng làm như vậy! Cách mạng và tiền phong, tính giai cấp và tính dân tộc đối với Đảng trước hết có nghĩa là thế. Lãnh đạo với đúng nghĩa là Đảng phải trả lời rành rọt câu hỏi “dám hay không dám?” này. IV. Về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền Trong góp ý về xây dựng Đảng từ một hai Đại hội trước, rồi đến trong góp ý chuẩn bị Đại hội XI, trong một vài hội thảo và bài viết gần đây, tôi đã trình bày những suy nghĩ của mình về vai trò lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng. Tại đây chỉ xin lưu ý tóm tắt những vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trước hết, để có được vai trò lãnh đạo, nhất thiết Đảng phải có những phẩm chất tôi tạm gói lại trong 4 yếu tố: (1) tầm nhìn, (2) quyết sách, (3) năng lực tổ chức và lãnh đạo thực hiện, (4) bản thân Đảng gương mẫu đi tiên phong trong việc thực hiện. Để có được vai trò đảng cầm quyền, nhất thiết Đảng phải được nhân dân chọn lọc, thừa nhận, và được giao cho nhiệm vụ với tính cách là người được cử vào hệ thống nhà nước để giữ vai trò chủ yếu trong việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền. - Với tính cách được lựa chọn để cử vào, được giao nhiệm vụ như thế để làm việc trong bộ máy nhà nước, đảng cầm quyền chịu sự chi phối của nhà nước pháp quyền – trước hết là của Hiến pháp. - Với tính cách như thế, đảng cầm quyền thực chất chỉ là một công cụ của nhà nước pháp quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ hơn: đấy là người giữ vai trò đày tớ của nhân dân. Hiến pháp và luật pháp của nhà nước là tối thượng có nghĩa là như thế. Cần phân biệt rạch ròi 2 vai trò nói trên trong một đảng (vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền), để phấn đấu có năng lực lãnh đạo tốt, rồi để từ đó dẫn tới được nhân dân lựa chọn, được cử vào và được giao cho việc cầm quyền theo Hiến pháp và Luật. Trong hệ thống chính trị một đảng, Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình bằng cách: (a) phấn đấu trong môi trường xã hội công dân (còn gọi là xã hội dân sự) để xác lập vai trò lãnh đạo của mình được nhân dân thừa nhận, để từ đó được nhân dân lựa chọn, cử vào và giao cho nhiệm vụ cầm quyền, (b) thông qua thực hiện tốt nhất vai trò đày tớ của nhân dân trong hệ thống nhà nước pháp quyền theo luật pháp của nhà nước và theo những điều mà đảng đã cam kết trước khi được nhân dân lựa chọn (bầu cử, tuyển chọn hay ủy quyền theo luật của nhà nước…) làm đày tớ. Tiếc là ở nước ta chưa có tranh cử, dù chỉ là tranh cử trong phạm vi nội bộ Đảng. Mọi chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng liên quan đến đất nước nếu muốn được thực hiện, nhất thiết phải thông qua dân chủ và hệ thống pháp luật của nhà nước để trở thành các quyết sách của nhà nước. Và như thế, một khi đã thành quyết sách của nhà nước, thì về mặt pháp lý nó không còn là của Đảng nữa. Cần tôn trọng điều cốt yếu này. Bởi vì nó có nghĩa quyết sách của nhà nước không chịu sự can thiệp trực tiếp của Đảng. Nói một cách khác: Đấy là phương thức Đảng không được biến chính mình thành nhà nước. Cần xác định dứt khoát như thế, để qua đó phân định rõ: Đảng làm việc của Đảng, Nhà nước làm việc của Nhà nước. Giả định rằng tình hình đòi hỏi phải có quyết sách mới cho đất nước, Đảng phải thông qua vai trò đảng cầm quyền của mình, và theo con đường của Hiến pháp và luật pháp, làm cho nó trở thành quyết sách của Nhà nước. Một khi thực hiện được tốt cả 2 nhiệm vụ lãnh đạo và cầm quyền (a+b) như đã mô tả bên trên, cũng có nghĩa là ĐCSVN làm được nhiệm vụ lãnh đạo đất nước (không phải nhà nước). Đó cũng chính là những nhiệm vụ cụ thể của thực hiện dân chủ trong một chế độ chính trị có nhà nước pháp quyền với tinh thần Hiến pháp là tối thượng trong một nước chỉ có một đảng. Thật ra mô hình này không mới, một thời ở Singapore và ở Hàn Quốc đã xuất hiện mô hình tương tự. Đó chính là thời kỳ mở đầu và dẫn đến sự phát triển như hôm nay của 2 quốc gia này. Vậy hoàn toàn có thể viết lại Điều 4 theo những yêu cầu nói trên. Làm như thế Đảng mạnh lên, chứ không phải là tự sát! Chừng nào còn phấn đấu được như thế, Đảng sẽ còn cùng đồng hành mãi với dân tộc, là người dẫn đường của dân tộc. Đảng làm như thế, chỉ có cái tha hóa và cái tiêu cực trong Đảng bị đẩy lùi, hoặc thậm chí phải “tự sát” với nghĩa tự cải hóa, tự phục thiện..! Tại đây, xin nói thêm đôi điều quan sát được về sự vận động, diễn biến của một đảng chính trị trong thể chế của những quốc gia yếu kém trên thế giới: Một đảng chính trị thiếu phầm chất và năng lực lãnh đạo, nhưng lại là một lực lượng chính trị mạnh trong nước, không được hay không thông qua nhân dân lựa chọn với đúng nghĩa (ví dụ thông qua bầu cử gian lận, giả hiệu, hình thức, mua phiếu…), bằng cách này hay cách khác giành lấy vai trò là “người dẫn dắt đất nước”, nhập cục lại làm một vai trò lãnh đạo (có nơi là vai trò chi phối) và vai trò cầm quyền để thâu tóm quyền lực, sử dụng các quyền lực và ảnh hưởng khác để duy trì vị thế nắm quyền, đặc biệt là quyền lực kinh tế.., như thế đảng ấy sẽ biến tướng thành một tổ chức chính trị, thậm chí có khi chỉ còn lại là một lực lượng chính trị - nghĩa là rất ô hợp. Trong trường hợp này, luật pháp hay Hiến pháp nếu có thì cũng không có mấy ý nghĩa đối với nó. Một số đảng còn nhân danh hay lợi dụng các tôn giáo để làm việc thâu tóm này. Một đảng chính trị thâu tóm tất cả mọi thứ như thế vào trong tay, có thể đặt cho cái tên chung là đảng nhập cục. Một quốc gia có đảng chính trị thông qua cái nhập cục mọi thứ lại làm một để trở thành người quyết định mọi việc của nhà nước, của đất nước như thế.., tất nhiên trong thực tế đấy chỉ là đảng giành quyền, đảng nắm quyền; trong những trường hợp tồi tệ hơn là đảng chiếm quyền (ví dụ thông qua đảo chính), hoặc đảng lũng đoạn (chính quyền chỉ còn lại chủ yếu là cái vỏ bọc pháp lý)... Hệ quả của sự hình thành cái đảng nhập cục như thế tất nhiên chính nó mới là nhà nước đích thực, thường được thể hiện với sự kiêu hãnh của các chính khách nổi tiếng hay bắt chước lẫn nhau qua câu nói: “l’État c’est moi!” Đảng nhập cục trở thành đảng cai trị như thế, tự nó sẽ diễn biến thành một lực lượng chính trị, tiếp tục thâu tóm tất cả. Nó bỏ qua hay sẵn sàng phản bội những lý tưởng, mục đích ban đầu đã lập nên chính nó. Nó nắm quyền cai trị nhiều hơn là làm sứ mệnh lãnh đạo đất nước đi lên. Với tính cách ấy, trong quá trình cầm quyền tự nó biến thành nguyên nhân chính của những biến động hay đổ vỡ dưới hình thức này hay hình thức khác tại một số nước mà thế giới đã được chứng kiến qua những thời kỳ khác nhau. Có thể tham khảo tình hình Indonesia thời Sukarno diễn biến như thế nào để đi vào thời Soeharto như là một trong những ví dụ điển hình để hiểu rõ toàn bộ sự vận động này. Ba, bốn thập kỷ trước, Thái Lan có lúc rơi vào tình trạng tương tự, và đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho đất nước này cứ một số năm lại xảy ra đảo chính, ngày nay đã tiến được những bước dài. Sở dĩ vừa qua một số nước Bắc Phi có các cuộc cách mạng “hoa”, trước hết và về một vài mặt chính yếu cũng là do hệ quả của sự vận động và diễn biến như thế của đảng chính tri – ví dụ: đảng Tập hợp Dân chủ Hiến pháp của tổng thống Ben Alli ở Tunisia, đảng Dân chủ Quốc gia của tổng thống Mohamed Hosni Mubarak ở Ai-cập, đảng Baath của Syria, vân vân… So sánh bao giờ cũng khập khiễng, song cái đảng nhập cục tiêu biểu nhất trên thế giới hôm nay có lẽ là đảng Lao động Triều Tiên. Trên thế giới có không ít những đảng chính trị tốt, song câu chuyện này xin khất vào một dịp khác. Đối với nước ta, nêu lên sự vận động và diễn biến nói trên của đảng chính trị nói chung, dẫn đến đòi hỏi phải nghiêm túc xem xét hai vấn đề liên quan đến Đảng trong giai đoạn hiện nay của đất nước: (1) Đảng là đảng vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền, lại thực hiên quán triệt quan điểm lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, nên cần nhìn nhận lại sự vận động khách quan của sự vật, để tỉnh táo đánh giá xem thực trạng hiện nay của Đảng như thế nào, từ đó định liệu những vấn đề phải khắc phục, những việc phải làm. Muốn đổi mới chỉnh đốn – xây dựng Đảng như tinh thần của Hội nghị Trung ương 4 đòi hỏi, nhất thiết phải làm việc này. (2) Phải tạo ra như thế nào môi trường rèn luyện cho Đảng trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là trong tình hình Đảng nhất thiết phải lãnh đạo cả nước xây dựng một hệ thống chính trị dựa trên kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Phải đặt ra vấn đề này, đơn giản vì lẽ việc xây dựng một hệ thống chính trị như thế đòi hỏi phải có sự lãnh đạo sáng suốt, mà trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay chỉ có ĐCSVN là người duy nhất được làm cái quyền lãnh đạo ấy. Trong loạt bài “Viễn tưởng” (4 bài) các anh đã đọc, tôi đã nêu lên một số nhận xét của mình về thực trạng hiện nay của Đảng và của đất nước. Theo những điều đã trình bày trên, tôi xin đặc biệt lưu ý: Sẽ là không đúng nếu nghĩ ĐCSVN đã là đảng lãnh đạo thì đương nhiên là đảng cầm quyền. Chính cái cho là đương nhiên này là nguồn gốc những căn bệnh chết người. Thừa nhận có cái đương nhiên như vậy, thật ra chẳng khác gì thừa nhận có một thứ lợi tức từ một gia tài không lồ thành quả cách mạng do các thế hệ tiền bối và các thế hệ đi trước dành lại cho Đảng hôm nay; và Đảng hôm nay có quyền thừa hưởng thứ lợi tức đó! Đúng ra phải xác định: Thụ hưởng cái đương nhiên này chỉ làm sự phấn đấu của Đảng giảm sút, và đấy là một trong những nguyên nhân nguy hiểm của tình trạng tha hóa hiện nay trong Đảng. Đổi mới xây dựng Đảng cần phân biệt rõ 2 nhiệm vụ khác nhau của Đảng nhưng đều cùng phải thực hiện rạch ròi: nhiệm vụ đảng lãnh đạo, nhiệm vụ đảng cầm quyền. Sự phân biệt này rất cần thiết cho việc khắc phục hiện tượng “đảng hóa” dẫn tới hệ quả “đảng mới là nhà nước đích thực”. Rõ ràng cuộc sống đòi hỏi: Chỉ có xây dựng được tốt vai trò đảng lãnh đạo được thừa nhận trong xã hội dân sự; Đảng mới có đủ điều kiện được nhân dân chọn, cử làm đảng cầm quyền với tính cách là đày tớ của nhân dân trong bộ máy Nhà nước. Phải cùng một lúc làm tốt 2 nhiệm vụ (a)vai trò lãnh đạo được thừa nhận trong xã hội dân sự và (b)vai trò đày tớ của đảng cầm quyền trong hệ thống Nhà nước, Đảng mới thực hiện đúng được vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước, mới trở thành đảng lãnh đạo của đất nước. (Không như thế, thỉ chỉ còn lại là cái “đảng nhập cục”). V. Môi trường phấn đấu, rèn luyện của ĐCSVN trong thời bình Lịch sử các đảng chính trị trên toàn thế giới cho thấy không một đảng chính trị nào sống sót được với quy luật tha hóa nếu như tự nó không tạo ra được cho mình môi trường có khả năng kiểm soát có hiệu quả, giảm thiểu hay loại bỏ sự tha hóa của nó. Cho đến khi giành được độc lập thống nhất đất nước, môi trường thời chiến là một trong những yếu tố quan trọng rèn luyện nên phẩm chất cách mạng và bản lĩnh của Đảng, nhờ đó làm nên sự nghiệp. Bây giờ trong thời bình, chiến tranh không còn nữa để thử thách, môi trường rèn luyện của Đảng không thể nào khác là môi trường phấn đấu của toàn dân xây dựng đất nước phát triển trên cơ sở kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Trên thực tế Đảng đã có không ít chủ trương chính sách, biện pháp xác lập sự phấn đấu của Đảng trong môi trường này. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân – trong đó có nỗi lo “sợ tuột tay” và hiện tượng đầu hàng sự tha hóa là 2 nguyên nhân quan trọng nhất, - đã khiến Đảng làm biến dạng môi trường phấn đấu này bằng cách thêm vào mỗi thiết chế trong hệ thống “kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự” cái cụm từ đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” (nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.., lác đác trong một vài bài viết gần đây xuất hiện khái niệm xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa, v v…). Khỏi phải nói, ngoài cái ý nghĩa bảo đảm cho Đảng cái quyền lãnh đạo ở khắp mọi nơi, rất khó xác định nội dung đích thực của cái cụm từ đuôi này là gì; không sao hình dung hết được cụm từ đuôi này được vận dụng tùy tiện hay bị lạm dụng như thế nào. (Ít hay nhiều còn có nguyên nhân ý thức hệ, song hình như sự tha hóa đã phát triển đến mức ý thức hệ hầu như cũng chỉ còn là một thứ bình phong.) 27 năm đổi mới vừa qua cho thấy việc làm biến dạng như vậy môi trường phấn đấu của Đảng đã và đang làm cho cả Đảng và Nhà nước ngày càng yếu đi, tệ nạn tràn lan, chung cuộc là kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nói riêng về Đảng, sự làm biến dạng môi trường phấn đấu trên thực tế hoàn toàn không giảm bớt, mà hàng ngày đang tăng thêm nguy cơ “tuột tay” của Đảng, tiếp tục làm suy yếu Đảng, thậm chí làm cho Đảng lạc hậu: Lãnh đạo đang bị biến tướng thành nắm quyền. Sự tha hóa này đã đến mức Hội nghị Trung ương 4 phải cảnh báo, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự tha hóa này chính là hiện tượng “đảng hóa” trầm trọng toàn bộ cuộc sống mọi mặt của đất nước. Đã đến lúc Đảng phải từ bỏ quan điểm cũng như cách làm sửa đổi môi trường phấn đấu cho phù hợp với Đảng. Đã đến lúc Đảng phải lấy môi trường phấn đấu mà ngày nay trong tình hình mới cả dân tộc đang phải dấn thân bước vào làm môi trường phấn đấu của chính mình. Nghĩa là Đảng phải dứt khoát từ bỏ việc gọt chân cho vừa giày, để chuyển hẳn sang đổi mới và rèn luyện Đảng trong môi trường phấn đấu mới của mình do sự nghiệp phát triển của đất nước tạo ra. VI. Vài ý về xã hội dân sự Trong phát triển kinh tế thị trường và trong xây dựng nhà nước pháp quyền, dù đúng dù sai, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương chính sách cho đảng viên phấn đấu, tuy nhiên với nội dung cốt lõi là “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa”, góp phần không nhỏ gây ra sự biến dạng nói trên. Tuy nhiên, trong môi trường phấn đấu thuộc lĩnh vực xã hội dân sự, Đảng lựa chọn sự tránh né quyết liệt, bằng cách tạo ra một hình thức xã hội dân sự của Đảng, được khuôn vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những hoạt động khác do Đảng nắm, xã hội chỉ được làm cái gì Đảng cho phép. Thậm chí có lúc báo chí còn được nhắc nhở không được đề cập đến cụm từ xã hội dân sự. Có giải thích: Đấy là cách thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Có giải thích: Đấy là đòi hỏi của chống nguy cơ diễn biến hòa bình… Tóm lại, Đảng không chấp nhận xã hội dân sự là môi trường phấn đấu, thậm chí về nhiều mặt là môi trường phấn đấu quan trọng nhất của mình, để thông qua quá trình đào thải, cọ xát, rèn luyên, trong môi trường này xây dựng vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong khi đó sự nghiệp phát triển của đất nước ngày nay đòi hỏi Đảng cần nhìn nhận đúng đắn xã hội dân sự và vai trò quan trọng không thể thiếu của nó. Lại phải nhấn mạnh: Nhất thiết Đảng phải ra khỏi trạng thái gọt chân xã hội dân sự cho vừa chiếc giày do Đảng làm ra. Đổi mới Đảng và sửa đổi Hiến pháp lần này cần tạo mọi điều kiện xác lập và phát triển xã hội dân sự ở nước ta, với tất cả những kinh nghiệm đắt của đất nước và những bài học quý giá của văn minh nhân loại. Nói hình ảnh: Thời bình Đảng không sống trong dân thì phấn đấu thế nào? Nói cay nghiệt: Thời chiến Đảng tự nguyện sống trong dân, thời bình Đảng muốn dân sống theo ý Đảng! Thế là thế nào? Khẩu hiệu “Ý Đảng lòng dân”, “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”… chính là có ý thức hay vô ý thức phản ánh nội dung “cắt gọt chân cho vừa giày” này, mà lẽ ra lòng dân bây giờ phải trở thành ý chí của Đảng, những vấn đề cuộc sống đất nước hôm nay đặt ra phải được đưa vào nghị quyết của Đảng với ý thức đặt lợi ích của nhân dân, của tổ quốc lên trên hết! Trong tình hình tha hóa của Đảng như hiện nay, 2 khẩu hiểu hay là 2 cách nghĩ này là sai; sự vô thức một cách vô tình hay hữu ý về cái sai của 2 khẩu hiệu này thật đáng lo ngại. Còn nhiều khẩu hiệu khác đại loại như vậy có cái sai như thế, và tất nhiên đây không chỉ là vấn đề khẩu hiệu. Ngày nay trên thế giới có không biết bao nhiêu pho sách và công trình nghiên cứu đã phân tích, chắt lọc, đúc kết những kinh nghiệm, những điều cần rút ra về xã hội dân sự. Là nước đi sau, Việt Nam có thể rút ngắn được rất nhiều con đường đau khổ của mình nhờ những thành tựu của phát triển xã hôi dân sự mà nhân loại đã đúc kết được. Tại đây chỉ xin tóm tắt: Xã hội dân sự là cộng đồng xã hội của các công dân có ý thức, nơi công dân trực tiếp thực thi quyền lực của mình là người chủ của đất nước, là nơi công dân có điều kiện nâng cao quyền năng con người của mình, thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của mình. Dân chủ trực tiếp là quyền dân chủ quan trọng nhất và thường được thực hiện với kết quả tốt nhất trong xã hội dân sự. Với ý nghĩa này, xã hội dân sự là cội nguồn tạo nên nhà nước pháp quyền đúng đắn, là đối trọng không thể thiếu của nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng là một dạng quyền lực của nhân dân trực tiếp kiểm soát nhà nước pháp quyền. Được phát triển đúng đắn, xã hội dân sự đối lập hay đối kháng với mọi hiện tượng lũng đoạn. Muốn xây dựng được nhà nước pháp quyền lành mạnh, nhất thiết phải có xã hội dân sự lành mạnh. Không có xã hội dân sự đúng nghĩa, trên thực tế sẽ là không có nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đúng nghĩa; đồng thời kinh tế thị trường cũng bị lũng đoạn nghiêm trọng. Xã hội dân sự được phát triển là một trong những yếu tố thiết yếu của tự do, dân chủ, quyền con người và sự phát triển thịnh vượng, văn minh trong một quốc gia. Không có xã hội dân sự đích thực, quyền làm chủ của nhân dân chỉ là trên giấy; khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chỉ là hình thức... Xã hội dân sự được hướng dẫn (hay lãnh đạo) bởi các giá trị chân chính và trí tuệ, chứ không phải bằng quyền lực. Đảng muốn thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình đối với xã hội dân sự nhất thiết Đảng phải phấn đấu trở thành đội ngũ tinh hoa của dân tộc, có khả năng nâng cao những giá trị chân chính và trí tuệ của toàn xã hội. Nói một cách khác: Chịu sự cọ sát của xã hội dân sự, nâng cao quyền năng của công dân đối với Nhà nước, đối với Đảng, đối với mọi vấn đề của đất nước.., đấy chính là phương thức quan trọng không thể thiếu để rèn luyện phẩm chất và khả năng lãnh đạo, khả năng cầm quyền của Đảng. Xã hội dân sự là môi trường phấn đấu gian khổ nhất của Đảng trong thời bình – bởi lẽ chính đấy là cách thực hiên dân chủ, thực hiện công khai minh bạch, vì đòi hỏi của sự nghiệp phát triển đất nước. Tình hình đất nước hiện nay còn đòi hỏi Đảng cần phát triển xã hội dân sự trở thành một trong những sức mạnh và nguồn lực chủ yếu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. VII. Vấn đề “quyền lực nhà nước là thống nhất” Trong việc thiết kế hệ thống nhà nước, đây là vấn đề được nói tới nhiều nhất và được coi là nguyên tắc phải tôn trọng, ghi trong nhiều văn kiện chính thức của Đảng. Nguyên tắc “thống nhất” này nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với Nhà nước. Nhưng trong thực tế, kết quả đạt được đã dẫn tới hệ quả là quyền lực của Đảng đứng trên Hiến pháp. Thực tiễn xây dựng đất nước 27 năm qua đã cho thấy nguyên tắc “thống nhất” này thể hiện rõ nét nhất qua hiện tượng đảng hóa hệ thống nhà nước. Thực tế này đang cản trở sự phát triển của đất nước. Vẫn cứ phải nhắc lại: Làm như thế, cả Đảng và Nhà nước cùng yếu đi, đến mức Hội nghị Trung ương 4 đã phải báo động về phần Đảng. Bàn về sửa đổi Hiến pháp, đưa ra quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất như vậy, thực chất là nhằm tránh né nguyên tắc tam quyền phân lập trong tổ chức nhà nước, tránh né việc tách bạch giữa Đảng và Nhà nước... Nhân danh sự “thống nhất” này, nhiều hệ thống, tổ chức, bộ máy và vấn đề nhân sự trong hệ thống Nhà nước được thiết kế theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thuận lợi cho sự can thiệp trực tiếp của Đảng, nhưng giảm thiểu nghiêm trọng hay loại bỏ hẳn đòi hỏi về tính trách nhiệm và giải trình (accountability) nhất thiết phải có của tất cả các bộ phận trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Vì những lẽ nêu trên, cho đến nay đời sống mọi mặt của đất nước có biết bao nhiêu đổ vỡ, thất bại nguy hiểm, thậm chí có cả tội phạm nghiêm trọng.., nhưng không thể quy kết trách nhiệm được cho ai và thường là không được công khai minh bạch. Mặt khác, việc đề ra những biện pháp xử lý, đối phó, phòng ngừa những cái xấu này bị hạn chế nghiêm trọng. Cho đến nay chưa một lần làm rõ được “thống nhất” phải được thực hiện trong khuôn khổ nào, và “thống nhất” cái gì với cái gì. Vì vậy hệ thống Đảng và hệ thống Nhà nước hầu như lồng quyện trong nhau làm một rất khó tách bạch rành rọt, với hệ quả là về nhiều mặt chính quyền trở thành bộ máy thực thi những quyết định của Đảng. “Thống nhất” như vậy, khiến nguồn lực con người và trí tuệ của Đảng sa đà vào trực tiếp làm các vụ việc, nhất là các vụ việc thuộc hệ thống nhà nước. Làm như thế, Đảng không tập trung được vào nhiệm vụ chính yếu của mình là lãnh đạo và thông qua hệ thống Nhà nước tổ chức thực hiện những chủ trương chính sách lớn của Đảng đã trở thành những quốc sách mà đất nước cần. “Thống nhất” như vậy, Đảng bỏ quá nhiều công sức cho những việc lẽ ra phải thuộc về hệ thống nhà nước hay của xã hội. Vì sa đà để “nắm” như thế, tầm nhìn của Đảng bị hạn chế nghiêm trọng, và do đó Đảng không tập trung làm tốt được nhiệm vụ chính yếu của mình là đề ra, lãnh đạo và tổ chức thực hiện theo đúng đường đi nước bước của Hiến pháp và luật pháp những quyết sách chiến lược của quốc gia. Khó mà nói rằng sự thống nhất đang được Đảng nhấn mạnh ở đây là sự “thống nhất” trong khuôn khổ của Hiến pháp. Nhưng dễ thấy hơn và thường xuyên xảy ra là: Sự thống nhất ấy chính là “thống nhất chịu sự quyết định hay can thiệp của Đảng trong công việc của Nhà nước”. “Thống nhất” như thế là cách Đảng thực hiện trực tiếp hay gián tiếp việc nắm mọi quyền hành của đất nước, mâu thuẫn với việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc đính thêm cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho nhà nước pháp quyền không giải quyết được mâu thuẫn này, mà chỉ là cách biện minh cho nó. Hệ quả chung nhất của sự “thống nhất” này là toàn bộ hệ thống chính trị - bao gồm cả Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội – rất cồng kềnh, song trùng, tính chuyên nghiệp thấp, biên chế lớn và ngày càng lớn, vô cùng tốn kém, nhưng khả năng thực thi và hiệu quả thấp. Đời sống đất nước có quá nhiều các “vùng chồng lấn quyền lực”, đồng thời cũng có không ít các “khoảng trống quyền lực”, tính quan liêu ăn bám trong hệ thống rất trầm trọng, tính chủ động trong hệ thống bị kìm hãm. “Thống nhất” như thế là thuận lợi cho tham nhũng và tiêu cực. Sửa đổi Hiến pháp lần này, nếu làm rõ được vai trò và quyền lực của nhà nước tách bạch với Đảng, đồng nếu thời tổ chức được hệ thống nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập, đấy sẽ là yếu tố quan trọng góp phần khắc phục những yếu kém và tồn tại nêu trên, thúc đẩy cả Đảng và Nhà nước ai sẽ phải làm đúng việc nấy, cả hai cùng mạnh và sẽ cùng trưởng thành hơn. Ở mọi quốc gia văn minh, để quyền lực nhà nước không trở thành bạo lực, nhất thiết quyền lực phải được (a)giao cho trách nhiệm rõ ràng và (b) phải được kiểm soát. Dù cách thực hiện đòi hỏi tất yếu này được đa dạng hóa cho phù hợp với thực tế của mỗi nước như thế nào, việc giao trách nhiệm và việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống nhà nước về cơ bản vẫn là thực hiện nguyên tắc phân lập giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp – để phần quyền nào làm đúng việc phần quyền nấy và kiểm soát lẫn nhau. Một số quốc gia chẻ nhỏ sự phân lập này thành 5 hay 6 quyền, song chung quy vẫn là nguyên tắc cơ bản: (a) giao quyền và (b) kiểm soát việc thực thi quyền. Nhân đây xin nói thêm, trong khi cả 3 quyền đều yếu, quyền tư pháp của hệ thống nhà nước ta hiện nay đang là quyền yếu nhất hay là được thực hiện kém nhất so với lập pháp và hành pháp. Trong khi đó quyền tư pháp giữ vai trò rất quan trọng bảo đảm tính nhà nước ta là nhà nước pháp quyền. Rất cần quan tâm khắc phục yếu kém này. Sửa đổi Hiến pháp lần này cần làm rõ vai trò và quyền lực của Tòa án tối cao theo hướng nên thiết lập Toà án Hiến pháp. Ngoài việc Hiến pháp được sửa đổi lần này cần làm rõ Hiến pháp là tối thượng, tách bạch được rạch ròi giữa Đảng và Nhà nước với yêu cầu xác lập đảng cầm quyền là công cụ, là một bộ phận của hệ thống nhà nước với tính cách là đày tớ của nhân dân, phân công rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp.., Hiến pháp được sửa đổi lần này cần thiết kế thế nào để nâng cao quyền năng và trách nhiệm của công dân đối với hệ thống Nhà nước theo tinh thần: Nhân dân là chủ và được phép làm mọi việc luật pháp không cấm, nhà nước là đày tớ của nhân dân chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Các điều, khoản trong Hiến pháp liên quan đến công dân như vậy nên thiết kế theo cách tạo ra khả năng thực thi trực tiếp, cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất việc phải đề ra các Luật hoặc những quy định dưới Luật để cụ thể hóa việc thực hiện. Hy vọng toàn bộ những điều trình bầy trên khẳng định được yêu cầu sửa đổi Hiến pháp phải gắn với đổi mới Đảng. Sửa đổi Hiến pháp lần này với đúng nghĩa, sẽ là bước đi đầu tiên có ý nghĩa quyết định cho thực hiện cải cách chính trị đã trở nên chín muồi ở nước ta. Cải cách chính trị như thế là phương án tối ưu duy nhất thay thế cho kịch bản đổ vỡ. Thay lời kết Câu hỏi “Có làm được không?” có lẽ là lời kết quan trọng nhất. Đảng coi nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp là cơ hội đổi mới Đảng thì nhất định làm được, mà nhiệm vụ này đã được ghi vào Nghị quyết của Đại hội XI. Cần nhận thức rõ đòi hỏi chuyển giai đoạn của đất nước, nhận thức rõ cơ hội chưa từng có và thách thức mất còn đang đặt ra cho đất nước trong bối cảnh thế giới hôm nay, để cùng một lúc tiến hành thực hiện gắn kết với nhau hai nhiệm vụ trong đại: sửa đổi Hiến pháp và đổi mới Đảng. Đấy là tiền đề không thể thiếu để thắng lợi. Đảng nắm vững ngọn cờ dân tộc và dân chủ thì làm được. - Có mối bi quan cho rằng tình trạng xuống cấp và tha hóa trong hệ thống chính trị đất nước đã quá sâu rồi, không đảo ngược được, nên không thể đứng lên được. - Nếu chấp nhận thế thì đành chịu chết vậy, sẽ không có cải cách thể chế chính trị, sẽ không thể tái cơ cấu kinh tế, đất nước sẽ không thể đi vào thời kỳ phát triển mới, bền vững… Nhưng dân tộc ta thì sẽ không bao giờ cam tâm chịu chết như vậy - đó là điều khẳng định. - Có sự lo ngại đổi mới Đảng và sửa đổi Hiến pháp như thế sớm muộn sẽ dẫn đến đa nguyên. - Ở đây có sự lựa chọn: thuận theo hay cưỡng lại quy luật của phát triển? Hai từ “sớm muộn” ở đây không thể nói trước được hay ước lượng được là bao nhiêu năm; tuy nhiên có thể nói trước: Sự nghiệp xây dựng con đường dân chủ đúng đắn – con đường dân chủ của giáo dục, của học hỏi, của phát triển – là sự nghiệp gian khổ, dù vô cùng bức thiết như thế nào cũng không thể là công việc ăn sống nuốt tươi được. Và nhất là xin đừng lúc nào quên: Ở nước ta sự nghiệp xây dựng con đường dân chủ như vậy nhất thiết phải là sự nghiệp xây dựng con đường dân chủ của hòa giải hòa hợp dân tộc, của đoàn kết dân tộc. Trước mắt, sự lãnh đạo trác việt mới là điều đất nước này đang cần nhất, mới là vấn đề thời sự nóng bỏng nhất để thực hiện sự nghiệp xây dựng con đường dân chủ như thế. Đảng nên rũ bỏ mọi yếu kém của mình, phấn đấu vượt qua chính mình; từng đảng viên khép lại quá khứ của mình và không ngoái lại quá khứ, để cùng toàn Đảng vượt lên chính mình, để cùng toàn Đảng và cả nước vươn lên tạo ra sự lãnh đạo trác việt ấy cho đất nước, lấy hậu thuẫn của nghị lực và trí tuệ của toàn dân tộc xây dựng bằng được sự lãnh đạo trác việt ấy, đó là điều cần lựa chọn. Nắm trọn quyền hành đất nước trong tay, Đảng thực hiện trước khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, để vượt lên chính mình, để cho hiện tại và phía trước từ nay trở đi chỉ có tổ quốc, rồi Đảng kêu gọi toàn dân tộc cùng mình làm như thế, làm sao Đảng này, đất nước này không thắng lợi!? Đó chính là con đường của dân chủ, của hòa giải hòa hợp và đoàn kết dân tộc. Hay là Đảng đành khoanh tay chấp nhận sự tước bỏ vai trò lãnh đạo ấy – bằng cách một mặt Đảng chịu thúc thủ trước sự hoành hành của tha hóa, và mặt khác dùng bạo lực trấn áp để kháng cự lại đòi hỏi phát triển của đất nước? Đúng, đây là vấn đề sống còn đối với Đảng. Cần nhìn thêm những thách thức và uy hiếp từ bên ngoài để có cái nhìn toàn diện mà quyết định. Nếu Đảng lãnh đạo cả nước xây dựng được một Hiến pháp mới đúng với đòi hỏi hiện nay của đất nước trong cục diện mới của thế giới, Đảng lấy Hiến pháp mới này làm nền tảng tạo ra sự đổi mới cho chính mình, đất nước nhất định thắng lợi. Lãnh đạo là như thế. Dựa vào dân, dựa vào đất nước để đổi mới Đảng là như thế. Đảng phấn đấu vươn lên để có được sự lãnh đạo trác việt, một khi tới thời điểm nào đó đất nước xuất hiện trạng thái đa nguyên như là một kết quả của phát triển, chắc chắn đấy sẽ là trạng thái đa nguyên cần thiết cho phát triển đất nước về lâu dài. Xây dựng và bảo vệ tổ quốc về lâu dài là phải làm như thế. Làm được như thế, Đảng chỉ mất đi cái lợi tức từ gia tài khổng lồ của lịch sử Đảng đang thụ hưởng, đổi lại Đảng giành được cho mình phẩm chất và bản lĩnh mới, được rèn luyện để có khả năng đi hẳn với dân tộc và lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới. Đảng cam chịu bất lực không làm được vai trò như thế, sớm muộn cũng sẽ xuất hiện đa nguyên. Nhưng đấy sẽ là đa nguyên của không tự giác, của hỗn loạn và đổ vỡ. Nhưng rồi dân tộc ta sẽ lại tự mình đứng lên làm lại tất cả! Dân tộc ta có thể bị thua keo này hay keo khác, nhưng trong lịch sử của mình cho đến nay dân tộc ta chưa hề có chuyện đầu hàng. Cần phải thẳng thắn với nhau: Khó ai có thể “bói” trước được đa nguyên của phát triển hay đa nguyên của đổ vỡ con đường nào đối với nước ta ngắn hơn hay triệt để hơn con đường nào. Mỗi con đường đều có một cái móc xích loẵng ngoẵng những chữ “nếu” đi cùng; bởi vì ngoài việc ta phải tự xác định ta là ai trong sự lựa chọn này, nước ta còn là một thành viên trong cộng đồng của một thế giới đang thay đổi, là một thành viên trong cộng đồng của các quốc gia bên bờ Biển Đông đang nổi sóng. Thói đời dứt dây động rừng, mà nước ta lại không phải là đang độc cư trên cung trăng. Song hầu như có thể chắc chắn trong tình hình đối nội và đối ngoại hiện nay của đất nước, Việt Nam ta chỉ có 2 con đường như thế để lựa chọn: (1) con đường tự giác kế thừa những thứ đang có trong tay triệt để cải cách để đi tiếp, hay là (2) con đường đổ vỡ xóa đi làm lại từ đầu chắc chắn không ít máu và nước mắt. Cố tình không cải cách, không lựa chọn gì hoặc bất lực không tiến hành sự lựa chọn nào, đều dẫn tới sự lựa chọn con đường của đổ vỡ một cách không tự giác. Đừng quên sự nhắc nhở của Hội nghị Trung ương 4. Thiết nghĩ từng đảng viên phải cân nhắc, lựa chọn để toàn Đảng có một lựa chọn. Lựa chọn nào thì kết quả nấy. Đó chính là sự lựa chọn Sống hay là chết?! Cách mạng nhất, tiền phong chiến đấu nhất là Đảng nên coi việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội đổi mới chính mình. Ở vào vị thế của Đảng hiện nay trong xã hội nước ta, nếu ý thức được sự lựa chọn, cái tốt trong Đảng cho đến giờ này vẫn còn đủ sức làm được việc trọng đại phải làm này./.
Ghi lại ngày 05-04-2012, Võng Thị - Hà Nội. [1] Trên thực tế không làm được bao nhiêu nhiệm vụ gương mẫu, thậm chí nhân dân có lúc mỉa mai đau lòng trong khi nói chuyện với nhau: “Thằng cha này là đảng viên nhưng là người tốt!”
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-4-12 |