Về thông điệp đầu năm 2014

của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 

Nguyễn Trung

 

          Đọc thông điệp này và suy nghĩ miên man, tôi quên khuấy việc qua tivi đi thăm các quốc gia trên thế giới lúc đón chào năm 2014, cũng không theo dõi được đất nước ta bước sang năm 2014 như thế nào…

 

          Tôi mail ngay cho các bạn bè thân thiết của mình, đại ý: Bất luận vì lý do gì, thông điệp nói lên được nhiều vấn đề sống còn và rất thời sự đối với đất nước. “Nhiều” ở đây được hiểu là chưa chủ, song trong những vấn đề đã nói lên được, điều thiết yếu nhất đã được nêu lên như một chủ đích, như một lối ra:  “đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

 

Tôi chia sẻ mong muốn của mình: Cả nước phải túm lấy thông điệp, đòi thực hiện, tự bắt tay vào cùng thực hiện, những thách thức sống còn đối với đất nước đòi hỏi chúng ta phải làm như thế.

 

Cũng trong những ngày này, trong gặp gỡ nhau đầu năm cũng như trên email, tôi được biết rất nhiều ý kiến trái chiều nhau chung quanh thông điệp, nghi ngờ là tâm trạng phổ biến, không ít những ý kiến rất quyết liệt.

 

-  …Cái nhà ông này lắm thủ đoạn lắm, không tin được.

-  …Thông điệp chẳng có gì mới, thiên hạ đã nói từ lâu rồi, chỉ khác là bây giờ Thủ tướng mới dám nói để biểu diễn thôi.

-  …Ông này tự đánh bóng mình và tìm cách câu giờ?…

-  Khẩu khí của thông điệp trái ngược 180 độ với khẩu khí của diễn đàn Quốc hội trong những ngày thông qua Hiến pháp!

-  Tại sao 3 vị khác trong “tứ trụ” triều đình đến giờ này vẫn im hơi lặng tiếng?

-  Thủ tướng muốn cướp cái?

-  Cái Đảng này mà án binh bất động thì màn độc tấu của thông điệp cũng chỉ là botay.com!..

-  Nếu Thủ tướng dám làm thật, thì nhân dân ủng hộ mạnh đấy, làm được, không cưỡng lại nổi đâu!

-  Tầu bây giờ cũng đang phải thay đổi rồi, Việt Nam có gì mà sợ?

-  

-  

 

Tôi hiểu được tất cả những tâm trạng khác nhau này.

 

Tôi trình bầy suy nghĩ của mình:

 

…Tình hình đã đến mức không cải cách không được!.. Vì bất kể lý do gì, thông điệp cho thấy Thủ tướng muốn đổi mới thật, và điều này khách quan phù hợp với lợi ích quốc gia. Còn thủ tướng làm được đến đâu thì tùy thuộc nhiều chuyện.

 

Là dân, chúng ta nên ủng hộ nỗ lực này của Thủ tướng, hiến kế thực hiện những vấn đề sống còn đã nêu lên được trong thông điệp, làm mọi việc để đòi thực hiện bằng được…

 

Giả định là Thủ tướng chỉ muốn chơi chữ, thì với dân trí và nội tình đất nước hôm nay, trò chơi này sẽ có thể trắng tay luôn: Lần này, lời nói giống như cái tên đã bắn đi, nếu không tới đích, nó sẽ quay ngược để hướng vào người giương cung – giống như đường bay của một bummerang vậy…

 

…Nói rốt ráo, cải cách theo những gì đúng đắn đã nói lên được trong thông điệp là việc của toàn dân, toàn Đảng, không phải của một mình thủ tướng. Hơn nữa, Đảng đã giành cho  mình cái quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với Nhà nước và xã hội như đã ghi trong Hiến pháp mới, cho nên Đảng nhất thiết phải tỏ thái độ rõ ràng: ủng hộ hay bác bỏ thông điệp?…

 

 …Không có thứ dân chủ cho không đâu (gratuite, cái gọi là "free lunch - democracy"), lại càng không có những thành tựu đáng mong muốn nào tự nó trên trời rơi xuống. Còn như chúng ta chỉ nghi ngờ và khoanh tay chờ đợi, cây sung của đất nước bây giờ hầu như chẳng còn quả nào đâu để mỗi chúng ta có thể dầm dề há miệng chờ nó rụng vào cổ họng…

 

Tôi nói với bạn bè là như thế, nhưng tâm trạng bi quan vẫn khá nặng nề.

 

Thế nhưng, một bất ngờ nhỏ đối với tôi, tại cuộc gặp mặt đầu năm giữa các nhân sỹ trí thức của nhóm 23, nhóm nghiên cứu minh triết, Viện Nghiên cứu VIDS[1] và một số nhân vật khác ở Hà Nội… với báo Tuổi trẻ ngày 04-01-2014 tại khách sạn Marina – Hồ Tây, toát lên tiếng nói mạnh mẽ và nhất trí cao trong suốt buổi thảo luận 4 giờ đồng hồ. Đó là:

 

…Tình hình đất nước đòi hỏi phải làm, thông điệp cho thấy Thủ tướng muốn làm thật. Khép lại mọi vướng mắc trong quá khứ, cả nước đồng lòng cùng xắn tay, nhất định làm được! Đừng thụ động chờ đợi!

 

Tôi nghĩ, tại cuộc gặp mặt này, thông điệp của dân đáp lời Thủ tướng như thế là rõ ràng.

 

Cuộc họp có nhiều ý kiến về làm gì? bắt đầu từ đâu? làm như thế nào?- nghĩa là không bàn suông, chung chung. Là đầu tầu kinh tế cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đi tiên phong trong đợt vận động đổi mới này, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển động lớn của cả nước đi vào một thời kỳ phát triển mới…  Thâu tóm những ý kiến đã nói ra tại cuộc họp mặt này, báo Tuổi trẻ có lẽ sẽ phải đề ra cho mình một chương trình hành động như thế nào, nhằm tập họp, chuyển tải những ý kiến, sáng kiến, những hoạt động của cả nước với tinh thần đẩy mạnh đổi mới thể chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Có nhiệm vụ nào hào hùng hơn và đáng làm nhất lúc này với tờ báo với tính cách là tiếng nói của tuổi trẻ Thành phố?.. … …

 

Cuộc họp có không ít ý kiến cho rằng cần lấy thực tiễn hai năm 2014 và 2015 thực hiện những vấn đề sống còn thông điệp đã nêu lên được, để làm căn cứ cho việc chuẩn bị Đại hội XII của Đảng, đúng với tinh thần đưa cuộc sống vào nghị quyết của Đảng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời luôn luôn đòi hỏi… Đấy chính là cách lấy lại lòng tin của nhân dân, nâng cao năng lực và phẩm chất tiền phong chiến của Đảng... Nội dung học tập tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh bức thiết nhất lúc này là quyết làm bằng được những gì thông điệp đã nói rất rõ về quyền dân chủ của dân và trách nhiệm kiến tạo sự phát triển của nhà nước… Ngay từ bây giờ, một trong những nhiệm vụ trọng đại của đổi mới thể chế là phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định đã ghi được trong Hiến pháp mới, tiến hành xây dựng những thể thức mới cho việc bầu cử Quốc hội khóa tới đúng với chức năng là một cơ quan đại diện của nhân dân thực hiện nhiệm vụ lập pháp của một nhà nước pháp quyền. Một Quốc hội như thế sẽ mở đầu một giai đoạn phát triển mới của đất nước…

 

Cuộc họp có một số ý kiến về những việc cụ thể cần làm ngay trong kinh tế, trong đời sống xã hội mọi mặt, để mở đầu, để tạo niềm tin của nhân dân đối với thông điệp. Ví dụ: nên thực hiện công khai minh bạch ngay việc làm ăn lỗ/lãi của khu vực kinh tế quốc doanh để tiến tới xóa bỏ độc quyền… Nên tạo niềm tin bằng cách thả ngay một vài người bất đồng chính kiến bị kết án tù tội… Chấm dứt hẳn việc trấn áp tư tưởng trên báo chí cũng như trong đời sống hàng ngày... Sớm có ngay Luật biểu tình, Luật tự do báo chí đúng với tinh thần mọi chủ quyền đều thuộc về nhân dân như đã ghi trong Hiến pháp mới… Công khai minh bạch tới đâu, sẽ có dân chủ tới đấy…

 

Cuộc gặp mặt đầu năm này thôi thúc tôi phải suy nghĩ tiếp để chung tay vào cuộc vận động lớn mất còn này đối với đất nước. Tôi đã từng nếm trải nhiều cay đắng của thất bại, có thể hình dung nổi cả cái núi Thái Sơn trước mặt như đang muốn đổ ập xuống đầu mình – cái núi Thái Sơn của những khó khăn và lực cản trong việc thực hiện thông điệp 2014... Những giờ phút này khiến tôi liên tưởng đến bức thư ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị…

 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người thầy gần như trực tiếp về nhiều mặt của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thất bại đau đớn với bức thư định mệnh này. Còn giờ đây, người học trò của Người sẽ thế nào?

 

Tôi tự hỏi: Mình phải sống cam chịu với bao nhiêu thất bại là đủ?

 

 

 

Hà Nội 05-01-2014

nguyentrung-vt.blogspot.com

 

 

 


[1] Nhóm 23: Lấy ngày sinh 23 tháng 11 của anh Võ Văn Kiệt đặt tên cho nhóm, gồm những anh chị em thuộc viện IDS đã giải thể và những người đã từng giúp việc cố Thủ tướng; nhóm nghiên cứu Minh triết phương Đông do anh Nguyễn Khắc Mai chủ trì, Viện Nghiên cứu Phát triển (VIDS) do anh Vi Khải làm Tổng thư ký.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-1-14