ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (3-12-1988)

 

GẮN LIỀN TÂM HUYẾT
VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI XÃ HỘI

BÙI HIỂN

 

Cuộc thảo luận về đổi mới trong văn học, nhất là về hướng đi của đổi mới, vẫn tiếp tục khá sôi nổi, và đó là cần thiết và bổ ích. Nhưng cho đến nay, một đôi điều đã dần dần sáng rõ: chẳng hạn sự đánh giá thành tựu cơ bản của văn học ta mấy chục năm qua. Hiếm có tiếng nói dè bỉu phủ định thành tựu ấy. Trái lại ở phía này phía kia, đều hầu như có sự nhất trí rằng về cơ bản nền văn học mới, cách mạng, được xây dựng từ năm 1945, mặc dầu những non yếu nhất định, là một nền văn học mới mẻ thật sự, có những đóng góp có giá trị vào đời sống xã hội trong hoàn cảnh đất nước trải qua những thử thách lịch sử gian nan ngặt nghèo. Tôi đặc biệt tâm đắc những ý kiến phân tích nhấn mạnh rằng thành tựu này chủ yếu bắt nguồn từ sức sống, sức chiến đấu, của dân tộc vươn lên làm cách mạng giành độc lập, tự do, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đây là một đặc điểm làm nên giá trị và sức mạnh lâu bền của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám. Trên cái nền thành tựu chung ấy, cũng nên ghi nhận sự năng nổ sáng tạo của mỗi cá nhân người cầm bút được rèn luyện trong cuộc chiến đấu chung, họ họp thành một đội ngũ đông đảo gồm nhiều thế hệ nối tiếp bổ sung cho nhau.

Tôi nghiệm thấy, ở mỗi bước ngoặt của cách mạng chuyển giai đoạn, văn học ta lại có những nét chuyển biến và khởi sắc mới, sau một thời gian ngắn "tập dượt" chuẩn bị, thường là khoảng dăm năm. Ví dụ: 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, thì từ 1960 trở đi, văn thơ có một đợt nở rộ: 1975 đất nước thống nhất, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước, thì ngay từ đầu những năm 80, đặc biệt trong văn xuôi, sân khấu và điện ảnh, bắt đầu xuất hiện những sáng tác mang nhiều sắc thái mới mẻ. Cái đó chứng minh sự gắn bó năng nổ nhạy bén của người văn nghệ sĩ đối với thời cuộc, đối với những vấn đề đặt ra có liên quan đến đời sống và vận mệnh dân tộc. Cái đó cũng là cơ sở để chúng ta tự tin và nỗ lực hơn nữa.

Mặt khác cũng phải thừa nhận mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, tầm nhìn tầm nghĩ chúng ta có những hạn chế nhất định do tình hình chung của đất nước, do trình độ hiểu biết và sáng tạo, cũng có phần do gò bó quản lý. Vấn đề lúc này là phải hợp sức cùng nhau tìm hiểu, phân tích những hạn chế ấy một cách khách quan, khoa học, với quan điểm lịch sử, để cùng nhau phấn đấu vượt lên, trong công việc này phải tránh những luận điệu xuyên tạc, những thái độ hợm hĩnh vô lối tự coi mình là đi trước, là tiên tri, là biết dự cảm, dự báo hoặc mình mới là đại diện duy nhất và đích thực cho khuynh hướng đổi mới.

Chúng ta đang phấn đấu cho công cuộc đổi mới trong đời sống kinh tế xã hội cũng như trong văn học. Mọi sự việc đang trong quá trình diễn biến, nhiều khi gay go phức tạp, và trong cuộc đấu tranh giữa cái mới cái cũ, cái đúng cái sai, đôi lúc có thể xảy ra quá khích cũng là điều dễ hiểu. Nhưng rồi từ đó, phải cố gắng bình tĩnh tỉnh táo mà tìm ra hướng đi, hướng khắc phục. Xã hội ta đang xảy ra nhiều tiêu cực, rối ren nghiêm trọng. Phải đấu tranh quyết liệt với chúng. Nhưng để đạt hiệu quả, phải vừa chống vừa xây (nói theo ngôn ngữ chính trị), mà xây là cứu cánh, là mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài, không thể quên điều ấy, không được quên phương châm cơ bản ấy. Vì vậy, tôi không đồng tình với luận điểm cực đoan cho rằng cái tích cực duy nhất và chủ yếu lúc này là phải chống lại cái tiêu cực, nhất là trong tình hình cụ thể nước sôi lửa bỏng hiện nay, khi cái đà cực đoan phiến diện ấy nếu đẩy mạnh thêm lên chút nữa có thể dẫn đến hiệu quả khách quan là xô đẩy, làm đổ vỡ tất cả mọi thứ, kể cả lòng tin. Bên cạnh cái thực trạng tiêu cực nặng nề, không thể làm ngơ mà không thấy rằng còn một mặt khác của thực tế cũng rất lớn, rất hùng hậu trong phần lắng chìm của nó, là trong những giờ phút nghiêm trọng này, có hàng vạn hàng triệu con người lo âu và thiện chí đang suy nghĩ và hành động, đó là những người lao động bình thường mà dũng cảm rất đáng kính phục, đó là những cán bộ, đảng viên, những người trí thức đang lặng lẽ, kiên trì một cách khiêm nhường tìm tòi vươn lên. Cái nhân tố mầm nụ hứa hẹn ở những sự việc, con người như vậy chẳng lẽ lại không xứng đáng là đối tượng để phản ánh, vun xới, đề cao trong một nền văn học vốn tự coi là nhân bản? Tất nhiên là phải có chiều sâu hơn trước, tương xứng với chiều sâu những điều lo toan trăn trở của họ lúc này.

Qua thời gian, nhận định sau đây cũng được hoàn toàn chứng minh: sáng tác văn học của ta từ dăm bảy năm trở lại đây cởi mở hơn, có phần tâm huyết chân tình hơn, dám nói thẳng nói thật nhiều vấn đề khúc mắc gay cấn, đồng thời - điều này cũng hết sức quan trọng và ý nghĩa - đóng góp những suy tư, những kiến nghị để tháo gỡ, với một thái độ cũng thật tâm huyết, thật chân tình, có sức mạnh lay động tư duy và tâm tình bạn đọc rộng rãi. Đó là nhận định của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn về các truyện Đứng trước biển (Nguyễn Mạnh Tuấn) và Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải) được giải thưởng 1981-1983, Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng) giải thưởng 1985, Thời xa vắng (Lê Lựu) giải thưởng 1986... Những tác phẩm ấy đánh dấu một bước chuyển biến và những tìm tòi đúng đắn trong quá trình tiến triển đổi mới của văn xuôi.

Về phía Hội đồng văn học về đề tài lực lượng vũ trang cũng đã tặng thưởng cho các tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Thái Bá Lợi... những tác phẩm này đều có đóng góp và đổi mới trong cách nhìn nhận hiện thực hoặc trong bút pháp.

Cũng cần kể thêm những tìm tòi thể hiện theo phong cách mới có chiều sâu xã hội tâm lý của nhiều tác giả quen biết như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Cang, Ngô Ngọc Bội, Duy Khán v.v... và của một số cây bút trẻ vừa xuất hiện trên báo chí, đặc biệt là qua các cuộc thi truyện ngắn và ký tổ chức trong khoảng bốn, năm năm gần đây. Theo nhận xét của riêng tôi về khuynh hướng "hiện đại hóa" trong văn xuôi hiện nay, một trong những đặc điểm bút pháp của nó là: trầm tĩnh, tỉnh táo hơn, bớt đi vẻ say sưa, nồng nhiệt so với những sáng tác trước đây về cách mạng và kháng chiến, tạo một khoảng cách nhất định đối với đối tượng miêu tả (kể cả trường hợp đối tượng ấy là "tôi" trong truyện), do đó bình thản, "trí tuệ" hơn, thấm đậm hơn giọng điệu phê phán và bình giá, trên cơ sở một cái nhìn thiên về chiều sâu tâm tưởng, ý nghĩa nhân sinh; tuy nhiên không vì thế mà lạnh lùng, khô héo, trái lại nữa, qua giọng điệu lời văn, ta vẫn cảm thấy cái hơi ấm nhân tình nó là cốt lõi cho mọi thơ văn đích thực từ cổ chí kim, cảm thấy rung lên những nỗi buồn vui của con người, những hy vọng cuộc đời cũng như những xót xa thân phận. Tóm lại, những sáng tác như vậy, suy cho cùng, khơi gợi cho người đọc vươn tới những suy tư hào hứng (mặc dù có khi day dứt) và những giá trị nhân văn cơ bản. Theo tôi, đó là một chiều hướng tốt của khuynh hướng đổi mới trong văn học, cần mạnh mẽ khuyến khích phát huy.

Cũng chính vì những lẽ nói trên, tôi không thể đồng tình với một vài "tìm tòi" nào đó, lấy cớ đi sâu vào chuyện nhân tình thế thái mà khoét sâu, cường điệu vào phần thấp kém tồi bại của con người, hạ thấp con người xuống hàng thú vật, làm tê liệt mọi ý chí muốn vươn lên cái hay, cái đẹp, cái hoàn thiện, vốn là khát vọng tự nhiên của con người. Truyền thống dân tộc, truyền thống lịch sử bị bịa đặt, thêm thắt bóp méo, xuyên tạc không cần lấy một mảy may căn cứ. Hiện nay có một khuynh hướng văn học nào đó trên thế giới thiên về cái "phản": phản nhân vật, phản tiểu thuyết, phản hồi ký, phản cổ tích v.v... Nhưng những "tìm tòi" "hiện đại hóa" ở ta nói trên chỉ là những thí dụ phản nhân tính và phản văn hóa đáng buồn và đáng chê trách. Nó đi ngược lại hoặc làm rối loạn xu hướng đổi mới đang có đà phát triển nói chung là chín chắn lành mạnh trong đời sống văn học.

Theo quan niệm của tôi, báo Văn nghệ cần phải là diễn đàn thảo luận dân chủ cởi mở của những quan điểm trung thực thiện chí (mặc dù có khi trái ngược nhau). Không thiên lệch một chiều ở khâu biên tập, trong địa hạt lý luận phê bình cũng như trong sáng tác; trong phản ánh sinh hoạt văn học rộng lớn của cả đất nước cũng như hoạt động các mặt của Hội Nhà văn. Có như vậy mới làm xuất phát điểm tốt cho sự chuẩn bị Đại hội Nhà văn sắp tới.

Tôi xin trở lại ý nghĩa ban đầu: thành tựu văn học của ta luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng. Đổi mới văn học hiện nay phải gắn liền mật thiết với những nỗ lực đổi mới trong đời sống dân tộc về mọi mặt: tư duy và tổ chức; kinh tế, chính trị, xã hội và đạo đức... Nỗ lực này đang chịu những thử thách gian nan quyết liệt biết bao. Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ người cầm bút lúc này là phải góp phần suy nghĩ tâm huyết và đầy ý thức trách nhiệm công dân vào những công việc ấy, đẩy lùi tiêu cực, hoài nghi, hư vô chủ nghĩa, củng cố niềm tin vào sự nghiệp chiến đấu chung.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (3-12-1988)

Mục lục

14-3-10