ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 37 (12-9-1987)

 

 

CUỘC SỐNG HÔM NAY
VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THƠ

BÙI MINH QUỐC

Tất cả những người chân chính hiện nay, cả trong Đảng và ngoài Đảng, không ai không lo âu, đau đớn thậm chí phẫn nộ đến bức bối trước hiện trạng xã hội. Tổ chức Đảng không trong sạch, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước yếu, các quan hệ xã hội bị ô uế, hàng loạt bất công trong Đảng và ngoài xã hội tồn tại kéo dài, có những kẻ đầy tội lỗi vẫn được che giấu dưới những danh hiệu cao quý, những cương vị quan trọng, và nói chung là một tình trạng xuống cấp lòng tin, xuống cấp đạo đức có thể nói là nghiêm trọng.

Tình hình đó không thể chấp nhận được, bởi nó hoàn toàn xa lạ thậm chí hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của những người cộng sản, của tất cả những ai lương thiện trong cuộc đời này, cái lý tưởng thiêng liêng mà vì nó biết bao thế hệ cách mạng đã đổ máu không mảy may tính toán. Dân tộc ta đã đổ hàng núi xương sông máu để giành độc lập, nhưng không phải để trên đất nước độc lập này lại diễn ra cái cảnh "kẻ ăn không hết người lần không ra", "dân có tội thì xử theo hình pháp, quan có tội thì xử theo lễ".

Thực tế cay đắng ấy đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI dũng cảm vạch rõ, và toàn Đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương đang xắn tay áo lên xốc lại đội ngũ, tổ chức một cuộc đấu tranh thật kiên quyết, thật khôn ngoan và nhẫn nại để thanh toán cho bằng được.

Tôi cho rằng đây là vấn đề sinh tử của cuộc sống và cũng là vấn đề sinh tử của thơ, một vấn đề rất xưa nhưng cũng rất thời sự. Chừng nào còn một người lương thiện ngay thẳng bị hàm oan, chừng đó mỗi câu thơ của chúng ta còn trăn trở không yên.

Một số tờ báo đang đi tiên phong trong cuộc chiến đấu này. Trên địa hạt văn học, một số kịch nói, một số tác phẩm văn xuôi đang tác chiến có hiệu quả. Những phần tử thoái hóa biến chất, những kẻ xấu kẻ ác chui luồn trong hàng ngũ cách mạng không thể không cảm thấy cái ghế chúng ngồi bắt đầu rung chuyển, chúng không thể tự tung tự tác như trước. Những người tốt bắt đầu lấy lại được niềm tin, bớt mệt mỏi, bớt thờ ơ.

Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu.

Và trong cuộc bắt đầu này, các nhà thơ dường như có hơi chậm trễ. Chả có lẽ các nhà thơ chúng ta lại thiếu nhạy cảm hơn các đồng nghiệp của mình trong văn xuôi và kịch? Tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh ngấm ngầm và sôi sục hàng ngày giữa cái thật và cái giả, cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn diễn ra trên quy mô toàn xã hội cũng như trong từng con người đang đòi hỏi có người phát ngôn xứng đáng của mình trong thơ ca, và các nhà thơ cũng đang tự tìm kiếm con đường riêng để đáp ứng đòi hỏi ấy.

Để có thể làm được người phát ngôn xứng đáng của cuộc sống sôi sục, đa dạng, phức tạp và xô bồ này, nhà thơ đương nhiên phải có phẩm cách, có bản lĩnh và năng lực nắm thật vững thứ ngôn ngữ đặc thù kỳ diệu không gì thay thế được là thơ. Thơ cần phải mở rộng khai phá ra mọi đề tài của đời sống xã hội cũng như thế giới nội tâm sâu kín của con người, nhưng trước hết thơ không thể quay lưng lại với yêu cầu bức bách hiện nay của cuộc đấu tranh xã hội. Những viên đạn ngôn từ đầy sức dồn nén của thơ cần phải tấn công vừa trực diện vừa không trực diện vào những phần tử cơ hội chủ nghĩa thoái hóa biến chất trong tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, những kẻ tuy còn là đảng viên cán bộ nhưng thực chất đã mất hết chất cộng sản, chất cách mạng, đang hàng ngày nhân danh những danh hiệu cao quý ấy để mưu lợi riêng. Thơ phải truy kích chúng đến cùng. Đồng thời thơ phải chống lại sự mệt mỏi, sự thờ ơ ở những người tốt. Thơ phải luôn có mặt bên cạnh những con người ngay thẳng đang bị oan trái, những người đang muốn cất lên tiếng nói trung thực của mình nhưng chưa đủ sức, thơ phải làm chỗ dựa đáng tin cậy cho họ trong những khoảnh khắc họ chợt cảm thấy mệt mỏi muốn buông xuôi trong cuộc đấu tranh đầy phức tạp.

Vấn đề quyết định là phẩm cách, bản lĩnh và năng lực của nhà thơ.

Nhưng có một vấn đề cũng không kém quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa nghệ thuật. Đã một thời gian dài trong đời sống văn nghệ và đời sống xã hội chúng ta từng ngự trị một thứ quan niệm vừa dung tục, vừa phiến diện trong cách đánh giá tác phẩm văn nghệ nói chung và tác phẩm thơ nói riêng. Hầu như thơ bị tước mất quyền được nói nhiều nghĩa - là cái sức mạnh riêng của thơ, đụng vào đâu cũng vướng những "kỵ húy" vô hình nhưng có sức trói buộc đáng sợ. Thơ hầu như buộc phải xa lạ với tinh thần phê phán, tinh thần hoài nghi (đương nhiên là hoài nghi khoa học). Mặc dù các nghị quyết Đại hội Đảng đã từng đánh giá rất cao những thành tựu của văn nghệ trong hai cuộc kháng chiến, khẳng định sự tin cậy và tự hào của Đảng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, nhưng trên thực tế, một số cán bộ lãnh đạo văn nghệ, một số cán bộ tuyên huấn, cán bộ tổ chức, kể cả ở cấp cao, lại thường mang nặng một tâm lý nghi ngại, nghi ngờ về chính trị, một cách nghĩ, một cách nhìn đầy định kiến hẹp hòi và khá trịch thượng đối với văn nghệ sĩ. Đã từng xảy ra không ít những trường hợp quy kết thô bạo, chụp mũ hồ đồ, xử trí độc đoán làm khốn khổ hầu như cả một đời những tài năng quý hiếm. Tình trạng đau lòng này ảnh hưởng xấu đến cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, gây nên một sự ức chế bên trong kìm hãm năng lực sáng tạo.

Những quan điểm, cách nhìn và thái độ lỗi thời, phi mác-xít trên đây cần phải được thanh toán triệt để.

Tuy nhiên, xin nhắc lại, điều quyết định vẫn là phẩm cách, bản lĩnh và năng lực của nhà thơ.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 37 (12-9-1987)

Mục lục

18-5-08