ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 29 & 30 (16-7-1988)

 

CẦN ĐỔI MỚI CƠ CHẾ
CỦA HỘI NHÀ VĂN

DIỆP MINH TUYỀN

 

Đại hội Nhà văn tiến hành giữa lúc cả nước đang sôi nổi đổi mới, cho nên chúng ta quyết không tiến hành đại hội một cách qua loa hình thức chiếu lệ mà thật sự phải là một đại hội lịch sử cắm một mốc vững vàng trên con đường phát triển văn học dân tộc. Nếu cảm thấy sẽ không có gì "đổi mới" thì thà không làm đại hội còn hơn!

Theo tôi đại hội nên nhìn lại một cách chính xác đoạn đường văn học đã qua. Không nên chối bỏ thành tựu nhưng phải dũng cảm nhìn vào sự thật là thành tựu chúng ta chưa nhiều, chưa lớn. Nguyên nhân của tình hình đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ đã phần nào khái quát. Đại hội chúng ta cần chỉ rõ cụ thể hơn, như đã có cản ngại nào về mặt cơ chế tổ chức, về mặt phương hướng đường lối sáng tác thể hiện ra trên phương diện lý luận từ trước đến nay.

Công việc lớn thứ hai là đại hội phải xác lập một cơ chế tự do hơn cho sáng tác văn học. Cơ chế này thể hiện hai mặt: cơ chế ngoại biên (mối quan hệ giữa Hội với các cơ quan nhà nước, với Ban Tuyên huấn, Ban Văn hóa văn nghệ của Trung ương Đảng), và cơ chế nội tại (Tổng thư ký, Ban Thư ký, Ban Chấp hành, Văn phòng Hội, Nhà xuất bản, báo và tạp chí của Hội). Không đổi mới cơ chế làm việc mà cứ chỉ chăm bẵm vào việc đặt ai vào chỗ nào rồi cuối cùng cũng sẽ rơi vào tình trạng "vũ như cẩn" mà thôi. Không thể đổi mới bằng những cơ chế cũ, biện pháp cũ, con người cũ.

Tôi xin trình bày rõ hơn về đổi mới cơ chế:

1 - Đổi mới cơ chế ngoại biên:

a) Quan hệ giữa Hội và Nhà nước

- Nhà nước cần sớm ban hành Bộ luật về hoạt động văn học nghệ thuật. Đây là văn bản pháp quy, cụ thể hóa về mặt pháp luật chính sách của Đảng về văn học nghệ thuật mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra để bảo đảm điều kiện hoạt động tự do trong luật pháp cho văn nghệ sĩ. Có thế, văn nghệ sĩ mới yên tâm hoạt động không sợ bị ai trù dập, không sợ những "lệ làng" vi phạm thô bạo vào hoạt động sáng tạo của mình và nhận rõ những "đường cấm" để tránh.

Nhà nước cần sớm ban hành một chế độ nhuận bút đúng để nhà văn có thể sống được bằng sách của mình. Nên dựa vào giá thành của sách để tính tỷ lệ phần trăm (10% cho văn xuôi, 15% cho thơ ca).

- Trợ cấp phần chủ yếu và thích đáng cho quỹ văn học của Hội. Quỹ này cần được đầu tư đúng mức, hiệu quả, kết hợp đầu tư trên diện rộng và điểm, tránh việc đầu tư theo kiểu cánh hầu, bè phái. Cần công khai thông báo danh sách những người được trợ cấp đến từng hội viên.

b) Quan hệ giữa Hội và Ban Tuyên huấn, Ban Văn hóa văn nghệ của Đảng

Đảng lãnh đạo Hội Nhà văn thông qua các ban chuyên môn của mình. Các ban này nên lãnh đạo Hội bằng đường lối, phương hướng, chủ trương, chỉ thị. Cần tránh làm thay, cần tránh tự biến mình thành một cơ quan "siêu Hội" lãnh đạo bằng mệnh lệnh hành chính, cầm tay chỉ việc một cách độc đoán. Nhà văn phục tùng sự lãnh đạo của đường lối Đảng, khác với kiểu "gọi dạ, bảo vâng" đối với cá nhân người phụ trách. Các ban của Đảng phụ trách Hội cần nâng cao trình độ quản lý nghề nghiệp của mình sao cho vươn cao hơn sự kiểm duyệt đơn thuần chẻ sợi tóc làm tư để thật sự trở thành cơ quan tham mưu của Đảng, thành người chỉ lối, người động viên, khêu gợi nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Hơn ở đâu hết mối quan hệ này phải thật sự dân chủ, cởi mở. Nên chăng có những sinh hoạt định kỳ để các nhà văn biết được ý kiến của lãnh đạo và ngược lại lãnh đạo lắng nghe được ý kiến của nhà văn. Có thế, các cơ quan này thật sự sẽ trở thành Mạnh Thường Quân của chúng ta.

Đảng và Nhà nước nên xác định lại cho đúng vị trí và vai trò của nhà văn trong xã hội: họ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, chứ không phải là những anh "lính gác" thụ động. Nhà văn là nhà tư tưởng, là người phát ngôn của công việc đổi mới, là người phát ngôn cho dân chủ, cho sự thật. Quan hệ giữa Đảng và nhà văn là quan hệ đối thoại, trao đổi, lắng nghe, thuyết phục và tôn trọng.

2 - Đổi mới cơ chế nội tại:

Dù muốn hay không cơ chế cũ đã biến các cơ quan lãnh đạo của Hội và các cơ quan chức năng của Hội thành những cơ quan hành chính quan liêu. Một thực tế đã diễn ra: có chức = có quyền = có lợi. Không ít người thích có địa vị trong các cơ quan lãnh đạo Hội. Đại hội lần này phải xác lập một cơ chế sao cho hễ ai ngồi vào các cương vị ấy là chỉ có làm việc. chỉ có cực, chỉ có nặng nề trách nhiệm mà thôi. Làm sao cho từ Tổng thư ký đến các hội viên, người về hưu hay ở xa xôi cũng đều bình đẳng như nhau trong việc được in ấn, được hưởng trợ cấp sáng tác, được đi tham quan, hội nghị ở nước ngoài. Nên chăng, đại hội phải công khai quy định một số chế độ làm việc cụ thể như sau:

- Ban Thư ký, Ban Chấp hành làm việc phải tập thể, dân chủ không kéo bè phái và công khai thông báo nội dung từng phiên họp cho hội viên (thông báo ý kiến phát biểu về công việc làm của từng thành viên). Tổng thư ký, các ủy viên Ban Thư ký chỉ làm hai nhiệm kỳ.

- Thông báo công khai danh sách những người được chọn đi nước ngoài, ưu tiên cho những người chưa đi hoặc ít đi. Những người đã đi nhiều nên từ chối những chuyến đi không do trách nhiệm quy định. Kiến nghị với Nhà nước cử các đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm các nước ASEAN và phương Tây.

- Để giải quyết nạn tồn đọng tác phẩm ở nhà xuất bản, Hội nên đề nghị với Nhà nước chấp nhận quy chế tự xuất bản. Các cơ quan báo chí xuất bản của Hội nên quy định định kỳ làm việc với các chi hội phía Nam. Các nhà xuất bản, tạp chí, báo của Hội nên có chế độ luân phiên, thay đổi cán bộ biên tập và các biên tập viên. Được vậy sẽ tránh được căn bệnh xuất bản theo lối mòn, xơ cứng hoặc cửa quyền.

Văn phòng Hội phải gọn, nhẹ và có hiệu năng, giúp Ban Thư ký, Ban Chấp hành giữ được mối liên hệ chặt chẽ thường xuyên và nắm được công việc làm của từng hội viên (chú ý nhiều đến những nhà văn về hưu và ở xa): giữ mối liên hệ có hiệu quả giữa Hội ta và các hội bạn (trong nước cũng như ngoài nước); công khai tài chính ở mỗi kỳ họp Ban Chấp hành. Văn phòng Hội phải thật sự làm sao cho mỗi hội viên thấy nơi này là mái ấm của chính mình chứ không phải là cơ quan khác xa lạ.

Thành lập Câu lạc bộ Hội Nhà văn. Đây thật sự là nơi gặp mặt trao đổi trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, đọc thơ, bình thơ, xem phim, và tất nhiên có thể có cả "Quán Văn" nằm trong đó. Người vào đây có thẻ hội viên (kể cả của các hội khác) và bạn bè của nhà văn. Cùng với Hội Văn nghệ Hà Nội, Hội ta có thể xin một góc của Quốc Tử Giám trùng tu lại, để đặt Câu lạc bộ này.

Để có thể đạt được những điều trên, Đại hội kỳ này nên tiến hành một cách hết sức dân chủ. Cách thức tiến hành Đại hội:

- Họp toàn thể. Ban tổ chức Đại hội nên liên hệ với ngành đường sắt nhờ "ủng hộ" cho Hội Nhà văn 3 toa tàu nằm chạy suốt không mất tiền để các hội viên phía Nam ra và về.

- Bầu Ban Chấp hành, Ban Thư ký, Tổng thư ký bằng bỏ phiếu kín và trực tiếp. Không nên gợi ý danh sách trước. Mỗi hội viên có quyền đề cử một danh sách riêng. Ban tổ chức tổng hợp lại một danh sách theo thứ tự từ nhiều phiếu nhất đến ít phiếu nhất. Tin rằng các hội viên sẽ sáng suốt chọn được những người có đức, có tài, có năng lực hoạt động thực tiễn, tiêu biểu được cho các thế hệ nhà văn.

- Không chọn trước người đọc tham luận. Mỗi người được quyền đăng ký đọc từ 5 đến 7 phút. Thực tế sẽ không có đủ giờ nghe hết tất cả tham luận: do đó Ban tổ chức in roneo tất cả các tham luận thành một kỷ yếu phát đến cho toàn thể hội viên ngay trước khi Đại hội tiến hành.

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 29 & 30 (16-7-1988)

 Mục lục

28-2-10