ĐỪNG SỢ VĂN HỌC VIỆT NAM TỤT HẬU (Trao đổi với Vương Trí Nhàn) ĐINH QUANG TỐN Văn học đi tiên phong, ngang bằng hay tụt hậu trước đời sống lâu nay luôn là nỗi quan tâm của nhiều người, từ nhà lãnh đạo, tổ chức Hội đến các nhà văn và bạn đọc. 10 năm văn học đổi mới, có nhiều niềm vui nhưng cũng có lắm nỗi lo. Số lượng tác phẩm văn học ra mắt bạn đọc nhiều đến mức không thể có một người yêu văn học hay một nhà nghiên cứu văn học nào đọc hết. Tên những người viết văn làm thơ, viết phê bình cũng không ai nhớ hết. Hình như ai cũng có thể làm văn học được. Xã hội dần dần coi đây là một nghề, cứ học, cứ tập là làm được. Nhìn về mặt số lượng, có thể thấy đây là thời kỳ phát triển chưa từng thấy của văn học nước ta. Nhưng buồn thay, nhìn về mặt chất lượng, chưa bao giờ nước ta có một tỷ lệ tác phẩm văn học dở nhiều đến như vậy. Có người cho ra thị trường hàng chục tác phẩm thơ và truyện nhưng chất lượng thì lại chưa mon men được đến những ngưỡng cửa của văn chương. Có lẽ họ cũng đã áp dụng "quy trình viết văn tiên tiến của thế giới" tức là viết theo nhu cầu của thị trường, nhu cầu của người đọc, sản xuất nhanh chóng, xuất bản nhiều và kịp thời, bán có lãi và giàu lên từ văn chương. Đứng về mặt xuất bản và kinh doanh tác phẩm văn học, những năm vừa qua cũng sôi nổi và năng động. Nó có thua kém một ngành kinh tế kinh doanh nào đâu. Hình thức mẫu mã luôn luôn thay đổi kịp thời, đáp ứng tâm lý, nhu cầu đông đảo bạn đọc. Phê bình giới thiệu cũng nhanh nhạy như quảng cáo, bên cạnh việc xuất xưởng những tác phẩm ồn ào là thế, nhưng những tác phẩm đọc được cũng không nhiều hơn những năm trước đây, số người viết để trở thành tác giả không được mấy, những tác phẩm và tác giả ở đỉnh cao thì không có. Thực ra, văn học nghệ thuật rất kỵ sự dễ dãi, viết nhiều mà không sâu, không lay động trái tim người đọc. Việc kinh doanh văn học có hiệu quả đôi khi lại có tác động xấu đến chất lượng sáng tác văn học. Chúng ta không sợ không khí văn chương "tịch mịch" vì chính những ngày ở ẩn đã tạo nên phần lớn thơ Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Nguyễn Khuyến... Bây giờ, ta đi vào vấn đề hội nhập văn học Việt Nam với văn học thế giới. Trước hết phải hiểu rằng hội nhập không có nghĩa là cởi áo của ta khoác áo của người để cùng hát đồng ca. Trong lịch sử nhân loại đã từng có tham vọng thống trị của dân tộc này với dân tộc khác, thống trị cả thế giới. Nhưng về văn hóa, trong đó trung tâm là văn học nghệ thuật thì tham vọng ấy chưa bao giờ thực hiện được. Sự hội nhập, ta cần hiểu đó là sự giao lưu của các nền văn hóa, văn học nghệ thuật khác nhau, làm phong phú thêm nhau, mà mỗi dân tộc cần đóng góp cho thế giới một phong cách độc đáo. Các nước mời chúng ta sang hát quan họ, sang diễn chèo chứ họ mời chúng ta sang biểu diễn nhạc rock làm gì? Họ nhập long nhãn và vải thiều, chứ họ nhập gì táo và nho của chúng ta, những thứ mà những người "tử tế" dịch văn học Việt Nam ra nước họ, sẽ tìm dịch những tác phẩm độc đáo mà nước họ không có, chứ họ dịch những tác phẩm Tây hóa, Tàu hóa, Nhật hóa theo họ để làm gì? Cho nên các nhà văn Việt Nam cứ yên tâm, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Khuyến... mà một vài nhà văn trẻ Việt Nam cho là cũ thì thế giới vẫn cứ dịch; chứ một vài tác phẩm mà một số nhà văn công kênh lên là hiện đại, những người "tử tế" họ chưa chắc đã dịch đâu. Họ đã có rồi, cơ chế thị trường không cho phép họ dịch và xuất bản những thứ mà chính họ đã thừa ế. Nhà thơ Chế Lan Viên có viết: Thơ dở không dịch được Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng. Vấn đề là chúng ta phải có tác phẩm hay, hay kiểu Việt Nam, chứ đừng sợ chúng ta lạc hậu. Không nên coi văn học Mỹ và phương Tây là hiện đại hơn văn học Việt Nam và văn học phương Đông, dẫu họ có nền kinh tế phát triển, có ngôn ngữ được nhiều nước dùng để giao lưu. Họ cũng hiện đại đến như Vũ Trọng Phụng, đến như Hàn Mạc Tử, như Chế Lan Viên... chứ hiện đại đến đâu! Truyện Kiều Việt Nam là ước vọng của nhiều dân tộc. Tôi nhớ trong Liên bang Xô viết trước đây có hai nhà văn người dân tộc ít người là Raxul Gamzatov (Daghextan) và Aitmatov (Kisgidia). Thời gian trôi đi, sự vật biến đổi nhưng hai nhà văn này vẫn như hai đỉnh núi sừng sững ngày càng khẳng định mình trước gió mưa của lịch sử. Núi đồi và thảo nguyên của Aitmatov và Daghextan của tôi của Raxul Gamzatov vẫn được dịch ra khắp thế giới, được các dân tộc khác nhau đón nhận nồng nhiệt. Không ai hiểu văn học Việt Nam bằng các nhà văn Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Bởi vì sự khác biệt về ngôn ngữ, về tâm lý, về tập quán... muốn hay không một tác phẩm dịch bao giờ cũng bị khúc xạ hoặc nhiều hoặc ít. Nếu các nhà văn Việt Nam "với tư cách là người sản xuất... phải quan tâm mổ xẻ hiện tượng này, xem viết như thế nào thì họ sẽ dịch ai..." tức là phải uốn ngọn bút của mình phục vụ những thượng đế, thì tôi chắc rằng các nhà văn Việt Nam chân chính sẽ không làm đâu, bởi nếu làm thế họ chỉ viết ra được những tác phẩm dở. Vấn đề cần bàn là làm sao để chúng ta có một quy trình tiên tiến giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Từ việc tìm thị trường "tử tế", đến việc chọn tác phẩm, chất lượng dịch, chất lượng làm sách, nghệ thuật giới thiệu... để khi nhân dân các nước đã thưởng thức tác phẩm văn học Việt Nam họ sẽ hiểu đúng chúng ta: con cháu vua Hùng trong thời kỳ hiện đại, chứ không phải là Tây giả, hay Nhật giả... Đấy vẫn là mục đích của việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, lợi nhuận của nó là hỗ trợ cho các mối quan hệ khác và các ngành kinh tế khác làm ăn. Còn lợi nhuận trực tiếp thu về từ việc bán các tác phẩm đó chỉ ở hàng thứ yếu. Tôi ngợ rằng, nếu có sự gắn bó giữa quy trình sáng tạo này và quy tình xuất khẩu văn chương, thì chính nó sẽ làm văn chương tụt hậu trước đời sống. Bởi vì những kiệt tác của nhân loại xưa nay bao giờ cũng ra đời một cách bất ngờ, từ nhiều hướng nảy sinh, nhưng chắc chắn không bao giờ có từ hướng vụ lợi.. Để văn học Việt Nam khỏi tụt hậu (nếu có thể làm được) thì chỉ có cách các nhà văn Việt Nam đừng lao vào thương trường, đừng chạy theo những mốt sống hiện đại, hãy sống hết mình cùng nhân dân ở mỗi vị trí của mình, giữ tâm hồn luôn hồn nhiên tươi mới trước thiên nhiên, con người và cuộc sống... w Nguồn: Tác phẩm mới, số 10-1995
|