GÓP VÀO HIỆN ĐẠI HÓA ĐỖ VĂN KHANG Khó có thể nói tới một nền văn học mới mà chưa có một lý luận mới. Khó có thể nói tới một tài năng văn chương mới mà chưa thấy ở nhà văn đó một ý thức thẩm mỹ mới. Vì thế, nhu cầu hiện đại hóa nền lý luận văn học Việt Nam không chỉ là nhu cầu của giới lý luận mà là nhu cầu của cả sáng tác lẫn phê bình. Nhưng hiện đại hóa bằng cách nào? Đã có ít nhất bốn xu hướng tìm tòi sau đây: - Xu hướng lật xới những chỗ bất cập của hệ thống lý luận cũ, y như người vỡ đất cứ cày tung lên mà chưa biết gieo trồng thứ gì. - Xu hướng thứ hai tìm cách thêm vào hệ thống lý luận cũ nhiều phương pháp mới như "Thi pháp", "Cấu trúc", "Tín hiệu học" v.v... - Xu hướng thứ ba muốn lý luận văn học trở lại những quan niệm xa xưa của các cụ. - Xu hướng thứ tư là xu hướng tìm một liên ngành để tạo chất mới cho lý luận văn học. Theo xu hướng thứ nhất thì dễ rơi vào phủ định quá khứ. Theo xu hướng thứ hai dễ rơi vào phép cộng những thành tựu của giới lý luận văn học nước ngoài. Theo xu hướng thứ ba dễ rơi vào tình trạng đem văn minh nông nghiệp áp đặt cho văn minh tin học. Chỉ có theo xu hướng thứ tư là có triển vọng hơn cả. Bởi vì, muốn hiện đại hóa lý luận văn học với tư cách hiện đại hóa một khoa học thì phải tuân theo quy luật của nó. Tình hình giống như muốn trở thành xã hội công nghiệp thì máy cơ khí phải thay thế cối xay gió, muốn trở thành xã hội hậu công nghiệp thì tự động hóa phải thay thế máy cơ khí. Có một kinh nghiệm từ khoa học tự nhiên: Để hiện đại hóa, các nhà khoa học tự nhiên đã tạo ra các liên ngành như: Toán-lý, lý-hóa, hóa-sinh v.v... Vậy tại sao ta không đi tới một ý thức liên ngành cho lý luận văn học? Khi chọn cặp liên ngành cho lý luận văn học, ta bắt gặp mỹ học, vì mỹ học đủ tư cách làm cơ sở phương pháp luận cho văn học. Tất nhiên cũng đã có người ứng dụng nhiều thành tựu của mỹ học vào nghiên cứu văn học. Song đó chỉ là những "thao tác" lẻ tẻ, chưa phải là một ý thức liên ngành để tạo chất mới cho một khoa học mới: Lý luận văn học - mỹ học. Nói tới một cuộc "cách mạng" về lý luận văn học là nói tới một kiểu tư duy hiện đại. Kiểu tư duy truyền thống là tư duy tiếp cận chân lý theo một góc nhìn: Ở góc nhìn đạo đức, các nhà nho cho rằng "văn là để chở đạo (văn dĩ tải đạo). Ở góc nhìn xã hội, Nguyễn Du cho rằng văn để nói "những điều trông thấy...". Ở góc nhìn của chủ nghĩa yêu nước, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cho rằng văn còn dùng để "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" v.v... Tư duy lý luận văn học hiện đại là tư duy tìm cách đứng ở bên trong bản thể văn chương với nhiều góc nhìn lưu chuyển. Đây cũng chính là tư duy của liên ngành lý luận văn học - mỹ học. Vậy Bản thể văn chương là gì? Từ bản thể văn chương triển khai các góc nhìn lưu chuyển thế nào để đánh giá đúng bản chất văn học mỗi thời đại? Xét Bản thể văn chương là xét một thực tồn với tư cách là một thực tồn hoàn toàn độc lập với các dạng bản thể cùng bình diện. Văn chương là thuộc hiện tượng sinh hoạt tinh thần. Trong lĩnh vực tinh thần chỉ có ba dạng bản thể cơ bản, đó là khoa học, nghệ thuật và tôn giáo. Như vậy, Bản thể văn chương là một nghệ thuật ngôn từ nằm giữa khoa học và tôn giáo. Văn chương bao hàm cả tính chân xác của khoa học và sự ngây ngất của cảm xúc gần với tôn giáo. Tiêu chí của văn chương là Chân - Mỹ - Thiện (ở đây tôn giáo nguyên khôi bao giờ cũng hướng thiện). Từ đó có thể hình dung: Văn chương là dòng sông lấp loáng chảy giữa đôi bờ mà tả ngạn là khoa học và hữu ngạn là tôn giáo. Xác định như vậy là cách xác định của lý luận văn học - mỹ học, nó giúp ta khắc phục tình trạng liệt kê các thuộc tính của văn học mà đi vào dạng bản thể khái quát nhất của nó. Từ cơ sở này, chúng ta có thể triển khai các góc nhìn lưu chuyển để đánh giá đúng bản chất văn học của mỗi thời đại: - Ở các thời đại cần khám phá trực tiếp các quy luật xã hội, các nhà văn đã đẩy văn chương áp sát tả ngạn (khoa học). Do sử dụng phương pháp phân tích chặt chẽ các dữ kiện trực tiếp của đời sống đã làm nảy sinh chủ nghĩa hiện thực. Tiêu biểu cho xu hướng này là Balzac vĩ đại với quan niệm: Nhà văn phải là "Người thư ký trung thành của thời đại". - Ở thời đại "cái tôi nội cảm" phát triển, nhu cầu khám phá cái riêng được đề cao. Nhưng do quá đề cao "cái tôi" nên Hàn Mặc Tử đã đẩy văn chương áp sát hữu ngạn (tôn giáo). Hàn Mặc Tử coi nhà thơ là người của tiên giới bị đầy xuống thế: "Ta hiểu chi trong ánh gió nhiệm màu Những hạt lệ của trích tiên đầy đọa" (Hàn Mặc Tử - Quan niệm thơ) - Với cái nhìn theo phương pháp luận này, chúng ta thấy văn học cách mạng và kháng chiến là nền văn học mang tính sử thi - anh hùng, nó cần một phương pháp hiện thực nghiêm ngặt để khám phá chân lý đời sống, nhằm thiết lập bảng giá trị rõ ràng giữa cái cao cả và cái thấp hèn, cái thiện và cái ác, chính vì thế nó rất gần với văn học của Balzac về phương diện áp sát tả ngạn. - Từ sau 1975, đặc biệt từ sau 1985 trở lại đây, văn học Việt Nam có điều kiện trở về trạng thái bình thường. Nghĩa là từ trạng thái mọi "số phận cá nhân" đều phải đặt trong "số phận cộng đồng", khi số phận cả dân tộc bị đe dọa, để trở về trạng thái các "số phận cá nhân" đặt cạnh các "số phận cá nhân" trong mưu cầu hạnh phúc. Song tính độc đáo của nền văn học đương đại là ở chỗ, nền văn học này nhận thức rằng, khi các "số phận cá nhân" đặt cạnh các "số phận cá nhân" trong mưu sinh theo quy luật cạnh tranh của thị trường thì dễ gây ra va chạm, dễ nảy sinh xu hướng phi nhân. Vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của văn học hiện nay là kéo con người ra khỏi xu hướng phi nhân. Muốn làm được điều này, chỉ có cách là phát triển văn học phản tỉnh xã hội. Phản tỉnh rằng cái xấu đang lấn lướt cái đẹp, cái ác đang lộng hành, chèn ép cái Thiện. Đấu tranh vạch mặt cái xấu, nâng đỡ cái đẹp, làm cho con người có một niềm tin vững chắc vào tương lai của dân tộc mình và vào bản thân cá nhân mỗi người thì văn chương mới có chỗ đứng lâu bền trong lịch sử. Bởi vì "lịch sử chỉ cứu vớt những văn chương đã cứu vớt con người". S. Enlot - họa sĩ nổi tiếng của Mỹ chắc chắn không phải là người thích "tô hồng" nhưng ông đã phải nhắc: "Đừng mong đợi thế giới sáng sủa ra, nếu bạn không tháo cặp kính đen", bởi vì nếu nhìn đời bằng cặp kính đen thì văn chương sẽ rơi xuống đáy, mà dưới đáy cuộc đời thì chỉ có rác rưởi, giun rắn. Xác định bản thể văn chương là một hiện tượng tinh thần nằm giữa khoa học và tôn giáo, từ đó triển khai các góc nhìn lưu chuyển để phát hiện ra bản chất chủ đạo của văn học Việt Nam đương đại là nền văn học phản tỉnh xã hội, cũng có nghĩa phát hiện ra nhiệm vụ của phê bình văn học mới. Nếu văn học là phản tỉnh xã hội thì phê bình văn học sẽ là phản tỉnh văn chương. Cái lẽ là ở chỗ, trong khi phản tỉnh xã hội, có ai dám chắc rằng tác phẩm nào cũng phản tỉnh đúng. Để cho mọi tác phẩm trở thành tác phẩm chân chính, phê bình văn học phải chỉ ra những chỗ thái quá bất cập của sáng tác. Chỗ thái quá có thể là biến văn học thành khoa học, hoặc biến văn học thành tôn giáo; tệ hại hơn là khuynh hướng biến tác phẩm thành "phòng trưng bày những điều nhếch nhác", ở đó thiếu vắng hẳn một lý tưởng thẩm mỹ. Với bản chất và mục đích phản tỉnh văn chương, phê bình văn học thời gian qua đã thực sự "gạn đục khơi trong" nền văn học hiện đại, nó biểu dương đúng mức xu hướng văn học trẻ - văn học cắt nghĩa được những xáo trộn của cuộc đời; chia sẻ, an ủi, thông cảm với các số phận của con người, giúp con người nhận chân quy luật của tình thế đang tháo ra, làm lại của dân tộc. Đồng thời phê bình cũng chỉ ra những chỗ còn bất cập của luồng văn học này, khi có người còn loay hoay tìm cách lai ghép tư duy sống động của người Việt với tư duy biện về cái phi lý siêu hình được đào xới từ cõi âm u của cái vô thức với cơn khát thèm những cảm giác sinh học của phương Tây. Phê bình giúp cho văn chương anh minh hơn, mang tầm văn hóa cao hơn còn được coi là Phê bình minh triết, khác với lối phê bình một chiều, nặng về tình cảm nhất thời. Như vậy, phương pháp luận mà chúng tôi nêu ra để hiện đại hóa nền lý luận văn học Việt Nam là phương pháp tạo ra liên ngành. Từ cơ sở này, mọi vấn đề của văn học đều được đưa trở về cái bản thể đích thực của nó, đặng triển khai các góc nhìn để phát hiện sự lưu chuyển của văn học mà giải mã đúng bản chất của văn học hiện đại. Ngay như phát hiện bản chất của văn học nước ta lúc này là văn học phản tỉnh xã hội, và phê bình hiện đại, phê bình phản tỉnh văn chương đã là một đảm bảo chắc chắn cho sự phát hiện ra tính hiện đại và nhân văn sâu sắc của văn học Việt Nam trong tính kế thừa và cách tân cả văn học trước đây lẫn văn học dân tộc thời kháng chiến. Về mặt văn học góp phần cải tạo đời sống, nâng đỡ con người (chứ không nhấn chìm con người bằng thứ văn chương phi lý), giúp cho con người vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, tự khẳng định được mình trong một thế giới có nhiều cạm bẫy của chủ nghĩa cơ hội lẫn bạo hành và thú tính. w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 10 (5-3-1994) 9-10-10 |