ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 23 (4-6-1988)

 

LỚP NGƯỜI VIẾT TỨ TUẦN
PHẢI CÓ VAI TRÒ RÕ RỆT HƠN

Phỏng vấn nhà văn DƯƠNG THU HƯƠNG

 

PHÓNG VIÊN: - Dương Thu Hương có thể cho biết điều gì mình mong đợi nhất ở Đại hội Nhà văn sắp tới?

DƯƠNG THU HƯƠNG: - Tôi nghĩ đến lớp người viết đang ở độ tuổi 40 chúng ta. Nó phải có vai trò rõ rệt trong tổ chức quản lý hoạt động của Hội. Nói thẳng ra, Đại hội lần này là dịp cuối cùng để thế hệ này giành lấy quyền nói tiếng nói quyết định trong các vấn đề văn học và nhất là trong các công việc của Hội, trước khi nó trở nên già cả, bảo thủ, và lại trở thành lực cản trên con đường phát triển văn học của các thế hệ sau. Hãy thử nhớ lại Đại hội Nhà văn lần trước xem hồi ấy thế hệ chúng ta đã tỏ ra dễ bảo và nhẹ dạ đến như thế nào?... Kết quả là từ ấy đến giờ, dù vẫn là lực lượng sản xuất chính trong văn học, nhưng thế hệ tứ tuần gần như không có tiếng nói của mình ở các cơ quan lãnh đạo Hội. Của đáng tội, về mặt cơ cấu thì cũng có người ở độ tuổi này, nhưng được chọn vào theo lối mặt trận, ngồi làm vì nhiều hơn là phát huy tác dụng. Ấy là chưa nói đến sự thoái hóa tại chỗ: Yên vị rồi, cũng lại lo cho nồi cơm của mình hơn là sự nghiệp chung.

P.V. - Này Hương, bạn đang nói tới điều trước đây vốn là tối kỵ: xung khắc các thế hệ, thiên vị thế hệ mình...

D.T.H. - Thà nói toẹt ra còn hơn giả dối và lẩn tránh. Có mâu thuẫn giữa các thế hệ nhà văn không? Có hẳn đi chứ. Vốn có. Cần có. Nên có. Có là tốt. Một nền văn học mà tất tật mọi nhà văn thuộc các thế hệ khác nhau đều giống nhau như những cái đế giày một cỡ, cả từ quan niệm đến xu hướng sáng tác, thì còn lấy gì để chứng minh là nó đang phát triển? Lớp nhà văn nào cũng có thời của mình, cũng giữ vai trò của mình trong thời điểm lịch sử nhất định. Lớp nhà văn lục tuần đến giờ đã hoàn tất con đường văn học của họ, đừng nên để họ tiếp tục cầm quyền trong Hội. Lớp nhà văn ngũ tuần đang trên đường tổng kết sự nghiệp, còn sức tập hợp và cổ vũ. Lớp tứ tuần đang là lực lượng chủ chốt trong sự nghiệp văn học. Hai thế hệ này phải đóng vai trò chính trong Ban Chấp hành, Ban Thư ký. Tiếc là trong Hội có quá ít những nhà văn ở độ tuổi 30 trở xuống, thực sự đáng gọi là Trẻ. Trong khi lớp tứ tuần chúng ta đang bắt đầu già đi, và...

P.V. - Và đang bộc lộ sự phân hóa?

D.T.H. - Đương nhiên, sao lại không?... Thế hệ nào mà chẳng có sự phân hóa? Thế hệ nào mà chẳng mang trong chính nó cùng một lúc ba bộ phận: bộ phận cấp tiến, còn khả năng nhạy cảm và tự biến đổi; bộ phận chiết trung, không có tư tưởng rõ rệt, mạnh chiều nào theo chiều ấy; bộ phận cuối cùng là những người bảo thủ, hơn thế nữa còn bảo thủ quyết liệt và trở thành kẻ thù độc địa của tiến bộ. Tuy nhiên, khi tôi nói tới các thế hệ nghĩa là nói đến cách nhận định chung, cách đo đếm tổng quát các yếu tố khách quan tất yếu không thể chối bỏ. Nhưng trong các hành động thực tiễn, trong thời khắc quyết định lựa chọn thì phải tính đến những con người cụ thể với lịch trình cụ thể và nhân cách cụ thể. Không thiếu những kẻ đã trở nên một thây ma ngay giữa tuổi thanh xuân, và cũng không ít người còn có nhỡn quan nhạy bén ngay khi họ ở tuổi "tri thiên mệnh". Chúng ta phải lựa chọn những gương mặt đại biểu cho thế hệ mình một cách tỉnh táo chứ không phải theo cách cơ cấu. Ví như có thời, đã có chính sách nâng đỡ phụ nữ. Các cơ quan đua nhau đề bạt cán bộ quản lý là phụ nữ. Thế là, như một tai họa, khắp các lãnh địa của đời sống đều nảy sinh một loạt "bà lãnh đạo", 10 người thì đến tám chín là thiếu năng lực, cửa quyền, dốt nát. Và chính sách nữ đã chất thêm một tảng đá gánh nặng của bộ máy nhà nước vốn đã quá nặng rồi. Bất cứ hành động nào không xuất phát từ những nhu cầu đích thực của đời sống mà chỉ mang tính hình thức đều nhảm nhí.

P.V. - Dương Thu Hương hãy nói cụ thể hơn về thế hệ mình?

D.T.H. - Chúng ta đã và sẽ còn đủ thời gian để nhìn rõ cả sức lực lẫn những bệnh tật của thế hệ mình. Tôi nghĩ rằng thế hệ này, hầu hết đã mất tuổi thanh xuân trên các ngả đường chiến tranh. Con đường vào văn học của nó xuyên qua biết bao chặng ngờ nghệch, bị đánh lừa và tự đánh lừa, tưởng đi lối này, mãi sau mới biết ở đằng kia. Cầm bút rồi mới hiểu còn thiếu bao nhiêu thứ để mà cầm bút. Lúc mới xuất hiện thì lao vào nghề như cá theo mồi, si mê và vô tư. Nhưng đến lúc tên tuổi bắt đầu có sức nặng lại nảy sinh bao nhiêu thứ toan tính, nhất là khi tên tuổi trở thành bệ phóng đợi sẵn để bay vào đường công danh, quan chức. Đã thấy những người thành đạt, nay trở nên trung lập, thực chất là ba phải, thờ ơ với lợi ích chung, giấu mặt sau cái vẻ thận trọng, khách quan bề ngoài. Đã thấy những người tự biến mình thành cái bóng của những tên tuổi đáng lẽ đã hết thời. Những người ấy, thực chất không thể xếp vào đội ngũ chung của thế hệ. Nhưng mà, sau tất cả những mất mát rơi rụng bằng nhiều cách, tôi tin rằng thế hệ này vẫn cứ lọc ra được những gương mặt đại diện cho mình trong văn học.

P.V. - Về Đại hội bạn có những đề nghị gì?

D.T.H. - Thứ nhất, phải họp đại hội toàn thể. Nếu kinh phí trên cấp không đủ thì để cho các hội địa phương và các hội viên tự lo. Không ngại xuềnh xoàng về ăn ở, chỉ cần thực chất dân chủ tự do ý kiến trong các phiên họp. Đừng vụ sang trọng mà sa vào các nghi thức, gò bó.

Thứ hai, việc phát biểu tham luận nên áp dụng quy tắc này: Các bài tham luận được đăng ký không cần nộp trước cho ban tham luận duyệt nội dung. Chỉ khống chế thời gian tham luận một cách bình đẳng với tất cả mọi người. Thứ tự những người đọc tham luận sẽ theo hai cách: hoặc xếp theo vần A, B, C... hoặc bắt thăm. Cuối cùng, việc bầu cử phải thật công khai, thật dân chủ, tránh mọi gợi ý và áp đặt. Toàn đại hội sẽ trực tiếp bầu ra: Ban Chấp hành, Ban Thư ký và Tổng thư ký. Chương trình hoạt động của Đại hội cần được bàn bạc và nhất trí ngay tại Đại hội.

(VÂN TRANG thực hiện)

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 23 (4-6-1988)

 Mục lục

1-2-09