THỜI KỲ VĂN HỌC VỪA QUA HOÀNG NGỌC HIẾN Những năm trước Cách mạng, những năm cuối cùng thời Pháp thuộc, văn học công khai "nặng nề âm khí". Về thơ chẳng hạn, thơ Vũ Hoàng Chương - Đinh Hùng lấp lánh tài hoa, ngây ngất sắc hương mà toát lên "âm khí nặng nề" của sự tan rữa. Thơ Vũ Hoàng Chương - Đinh Hùng là sự thoái hóa của dòng thơ âm tính, một dòng thơ chỉ mấy năm trước đó đã đóng góp những tập thơ hoàn mỹ cho nền thơ Việt. Ở đây trong khuôn khổ của đề tài, tôi xin phép chỉ nhắc đến Thơ Hàn Mặc Tử (1937-1940) và Lửa thiêng (1940) của Huy Cận (sẽ giải thích vì sao sắp hai tác phẩm này vào dòng thơ âm tính). Nói đến cách mạng tôi thường nhớ đến hình ảnh "mặt trời chân lý" trong bài thơ quen thuộc của nhà thơ Tố Hữu. Đối với thế hệ của tôi. Cách mạng Tháng Tám là một mặt trời. Cách mạng Tháng Tám đã xua tan "âm khí nặng nề", đã đem lại ánh dương và dương khí cho đời sống văn học. Không có ánh sáng mặt trời không có màu xanh. Ánh sáng cách mạng đã đem lại màu xanh hy vọng cho văn học. Nhuộm hồng một nền văn học không khó, nhưng tạo ra sự quang hợp màu xanh cho văn học, đó mới là ý nghĩa cốt yếu và lâu dài của cách mạng đối với văn học. Rũ sạch "âm khí nặng nề", từ mùa thu năm 1945, văn học của chúng ta chủ yếu phát triển như một dòng văn học dương tính. Chúng tôi quan niệm sự phát triển của nền văn học nào cuối cùng là sự tích hợp của hai dòng văn học dương tính, đành rằng có những thời kỳ dòng này dòng nọ nổi lên như là chủ lưu. "Âm tính" "dương tính" chỉ là những định ngữ ước lệ. Chúng tôi thử nêu những sự khác biệt quan trọng nhất. Dương tính là triết học duy vật, âm tính là triết học duy tâm. Nếu như triết học là một nguồn tư tưởng quan trọng của văn học thì sự phát triển của văn học của ta mang khuynh hướng dương tính ở ngay gốc nguồn. Trong sự lựa chọn triết học, chúng ta đứng ở quan điểm duy vật. Ở ta, chủ nghĩa duy vật một thời gian dài phát triển, lẩn tránh sự đối thoại với các học thuyết duy tâm. Trong các giáo trình triết học của ta có nhắc đến những học thuyết, ta lại chọn những điểm yếu nhất, hơn nữa những điểm này lại bị giản đơn hóa, bị trình bày như những biếm họa ngớ ngẩn, như vậy không thể gọi là "đối thoại" được. Có thể nói sinh hoạt triết học ở ta một thời gian dài mang tính chất "luyến ái đồng tính" (ở mục này cũng như ở những mục sau, chúng tôi chỉ nói đến khuynh hướng chung, trong thực tế bao giờ và ở đâu cũng có những đầu óc triết học say mê nghiên cứu triết học duy tâm). Lẩn tránh đối thoại với triết học duy tâm, chủ nghĩa duy vật của chúng ta dễ bị nông cạn, hời hợt, "dại dột". Lênin đã từng nói duy tâm "khôn ngoan" vẫn hơn là duy vật "dại dột". Với một cơ sở triết học như vậy, văn học khó mà có một nội dung tư tưởng sâu sắc, phong phú. Chúng tôi tiếp tục triển khai sự đối lập dương tính - âm tính. Dương tính là chủ nghĩa duy lý. Âm tính là sự chấp nhận cái phi lý, cái phi logic, cái kỳ ảo, đây là những quy luật của giấc mơ, một bộ phận cốt yếu của sinh tồn con người. Chủ nghĩa duy lý là một sức mạnh và một trình độ của nhận thức, nhưng một sự tiếp thu đơn thuần chủ nghĩa duy lý Âu châu - lại thiếu một cái vốn văn hóa phương Đông - làm cho văn học càng dương tính một cách phiến diện. Dương tính là tư duy ngôn ngữ logic, tư duy lý (penséc discursive); âm tính là trực giác, là tín ngưỡng (hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ giới hạn ở tôn giáo) và những rung động siêu hình. Tiêu biểu cho tư duy suy lý, tư duy ngôn ngữ - logic trong thơ là loại thơ vẫn được gọi là "ngôn thi". "Thần thi" giả định trực giác "xuất thần", giả định "tín ngưỡng" hoặc sự đắm đuối tương đồng với tín ngưỡng... Thần thi mang những rung động siêu hình. Chúng tôi hiểu tâm niệm "lửa thiêng" của Huy Cận, mơ mộng u huyền và siêu thoát sáng láng của Hàn Mặc Tử (mà vẫn hừng hực lên nhục cảm vô tận và bất diệt)... đó là những rung động siêu hình và đối với đời sống tinh thần của con người, những rung động này không phải là thừa, càng không phải là xa xỉ. Có thể bổ sung sự đối lập nói trên bằng sự đối lập "tư duy khái niệm" và "tư duy hình tượng". Ngày nay khoa học đã chứng minh tính chất phi đối xứng chức năng hai bán cầu của não. Trên đại thể, chức năng đặc thù của bán cầu trái là "tư duy khái niệm", tư duy ngôn ngữ - logic; còn bán cầu phải làm chức năng tư duy hình tượng, trực giác nghệ thuật. Xét kết quả thì hoạt động của bán cầu trái tạo ra "văn bản đa nghĩa" tức là văn bản mang những ký hiệu có khả năng gợi ra nhiều ý nghĩa. Phân biệt những chức năng và kết quả như trên, chúng tôi cho rằng bán cầu trái nặng về dương tính, bán cầu phải nặng về âm tính. Một số điểm đối lập khác giữa khuynh hướng dương tính và khuynh hướng âm tính. Dương tính là "chất thép", âm tính là "tính nước" - theo cách hiểu của nhà triết học Cao Xuân Huy, đó là sự nhu nhuyễn, sự uyển chuyển trong ứng xử và trong nhận thức. Dương tính là chiến tranh: âm tính là đời sống hòa bình ("trai thời loạn, gái thời bình"). Dương tính là đấu tranh; âm tính là tìm kiếm sự hài hòa, "sự thỏa ước". Dương tính là thời sự, là thực tại trước mắt, là "cái hôm nay và giờ phút này"; âm tính là sự ám ảnh của những mô típ, những siêu tượng (architype) vĩnh cửu. Dương tính là hiện đại. Âm tính là quá khứ. Không chỉ có cái hiện tại của trạng thái nhân thế. Nói đến cái hiện tại nghệ thuật không thể không thấy - do những thành tựu của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XX, và những đóng góp độc đáo của những trường phái chủ nghĩa hiện đại - biên độ đã được mở rộng chưa từng thấy từ cực đầu này là sự tả chân tự nhiên (tiếp cận với chủ nghĩa tự nhiên) sang cực đầu kia là những biểu tượng trừu tượng (đến bí hiểm). Còn quá khứ - đó là cái gốc của dân tộc, của nhân loại, là tuổi thơ của mỗi người và của loài người với lối cảm nghĩ bằng những kết cấu "tiền ngôn ngữ" - sự xuất hiện của những kết cấu này trong tác phẩm nghệ thuật không nên vội vàng quy kết là sự phủ định chủ nghĩa duy lý. Dương tính là xu hướng thế tục hóa âm tính là siêu thăng (hoặc thăng hoa) và ngưỡng vọng cái thiêng. Thế tục hóa có nghĩa là ngày càng đời hơn, không né tránh cái "tục" của đời người và cái "phẩm" của người đời. Siêu thăng là "siêu phàm", "thoát tục", là vượt qua những giới hạn thường tình của con người. Bước qua lời nguyền cũng là siêu thăng[1]. Siêu thăng thực sự giả định sự ngưỡng vọng cái thiêng, đúng hơn, có cái thiêng để ngưỡng vọng. "Chữ trinh còn một chút này...", cố giữ "chút thiêng", còn lại là điều thiêng liêng với người cầm bút lâm cảnh khốn cùng. Phải có một cảm hứng nhân đạo sâu sắc mới làm rung được cái "thiêng" của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - đây là một kinh nghiệm văn học quan trọng của thời kỳ vừa qua. Trong văn học cổ, cái thiêng giả định cõi siêu nhiên và giới thần thánh. Trong văn học hiện đại (vô thần) cái thiêng ở ngay trong lương tâm con người, ở phần "siêu thức", "siêu ngã" của con người. Thế tục hóa và siêu thăng là hai xu hướng đối nghịch. Trong những tác phẩm văn học hiện đại, sự đối nghịch này càng căng thì hiệu quả mỹ học càng sâu sắc. Còn có thể kể ra những sự đối lập khác. Để kết thúc, chúng tôi nêu lên sự đối lập có thể diễn đạt một cách ước lệ như sau: dương tính là "chính trị", âm tính là "văn hóa". Cách nhìn "chính trị" nhấn mạnh lập trường của đoàn thể của mình, chẳng hạn như lập trường giai cấp của mình, lập trường quốc gia của mình: "văn hóa" quan tâm đến sự thống nhất giữa các giai cấp khác nhau, giữa những quốc gia khác nhau. Chính trị cao là "chính trị có văn hóa". Cách nhìn "văn hóa" cuối cùng đi đến cơ sở tính người và những giá trị nhân loạn phổ biến. Mác là người đã xác lập lý thuyết khoa học về giai cấp và ông có một quan điểm giai cấp hết sức nhất quán trong các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, về xây dựng con người thế hệ trẻ, Mác đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ sở nhân văn mang ý nghĩa nhân loại phổ biến. Những đối lập được dẫn ở trên nhằm làm rõ quan điểm của chúng tôi về dòng văn học dương tính và âm tính. Nhận định rằng văn học của ta từ năm 1945 đến 1975 chủ yếu phát triển như một dòng văn học dương tính, chúng tôi muốn nhấn mạnh khuynh hướng chung, còn xét từng tác phẩm, từng tác giả không thiếu những trường hợp có sự hài hòa âm tính, dương tính. Sự phân biệt âm tính, dương tính không bao hàm một sự phân biệt thứ bậc giá trị. Cả âm tính và dương tính đều không thể thiếu được cho sự phát triển bình thường của một nền văn học. Khi âm tính bị khô kiệt thì tác phẩm dương tính bị trần trụi, khô khốc. Và trong "bóng tịch dương" khó mà tìm được cái đẹp lành mạnh, dồi dào sức sống. Vả chăng giữa âm tính, dương tính, ngoài quan hệ đối lập, còn có quan hệ thống nhất. Chẳng hạn, "chất thép" (dương tính) đối lập với "tính nước" (âm tính), nếu như thép có thể đục vỡ đá thì nhiều giọt nước cũng có thể đục được đá. Để tạo ra sự hài hòa âm tính, dương tính phải có một quan niệm biện chứng về sự đối lập âm tính - dương tính. Với một quan niệm siêu hình những cái đối lập với nhau chỉ có thể loại trừ nhau. Quan hệ biện chứng nhìn nhận quan hệ bổ sung, giao hòa, thâm nhập và làm giàu lẫn nhau giữa những cái đối lập. Cho nên tính trội của dòng chủ lưu chỉ có nghĩa tương đối. Dòng dương tính là chủ lưu chỉ có nghĩa là nó trội hơn dòng âm tính nhưng tự nó không thực sự mạnh - một khi nó xa rời dòng âm tính, và ngược lại cũng vậy. Trong văn học, với sự nhìn nhận tự do cạnh tranh giữa các trường phái có thể tạo ra sự đa dạng về phong cách. Tuy nhiên, sự hài hòa âm tính, dương tính mới là nguồn phong phú của văn học. Không có sự hài hòa ở gốc nguồn này, sự phong phú và đa dạng có thể là giả. Thời kỳ văn học từ năm 1975 đến nay đặc biệt quan trọng cho sự định hướng sắp tới. Chúng tôi sẽ không nói đến những thành tựu văn học trong thời kỳ này. Đến nay đã 15 năm, nhưng vẫn còn là sớm để thấy hết chân giá trị của những tác phẩm ra đời và những tác giả xuất hiện được chú ý trong thời kỳ này, một thời kỳ phong phú các hiện tượng trong văn học, tôi chỉ xin phép nhắc đến ở đây tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Lê Lựu, thơ của Ý Nhi, Nguyễn Duy, sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp và những cây bút trẻ khác... Điều đặc biệt quan trọng trong 15 năm vừa qua là kinh nghiệm văn học của những người sáng tác cũng như công chúng văn học, đây là một sự kinh nghiệm bừng tỉnh, rõ ràng là có một sự thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu văn học. Trong sự bàng hoàng ban đầu của sự bừng tỉnh không tránh khỏi những sự thái quá, thiên lệch chẳng hạn: thái quá trong sự tố cáo cái giả mà vô tình xúc phạm cái thật hoặc thiên lệch "có mới nới cũ", trong sự đón nhận cái "mới" đương nảy sinh hoặc từ quá khứ đến. Bỏ qua tất cả những gì thái quá và thiên lệch, cái còn lại trong kinh nghiệm tinh thần và mỹ học của mọi người, - đó là ý thức về sự hài hòa âm tính, dương tính trong đời sống văn học: sự phát triển bình thường của một nền văn học không thể thiếu được sự hài hòa cốt yếu này. Bằng chứng của kinh nghiệm bừng tỉnh này là sự vui mừng của công chúng văn học đón nhận những tác phẩm ưu tú của dòng thơ và nhạc âm tính được sống lại và phổ cập (không phủ nhận một sự thật khác là đâu đó "âm khí nặng nề" cũng lởn vởn xuất hiện). Nói đến sự hài hòa âm tính, dương tính chúng tôi nghĩ đến quan hệ bổ sung và giao hòa lẫn nhau trong toàn bộ nền văn học; còn đối với các tác giả vẫn có sự nhìn nhận những cái tạng khác nhau: có người tạng "hàn", có người tạng "nhiệt" có người "hỏa thịnh", có người "hỏa hư" (đây cũng là một phương diện để phân biệt các cá tính sáng tạo). Phải chăng trong thời kỳ tới, dòng âm tính sẽ trở thành chủ lưu, và dòng dương tính sẽ mất giá và chìm đi? "Bổ âm" nhưng vẫn "tiếp dương" - khắc phục sự phiến diện của văn học thời kỳ vừa qua không thể bỏ quên tư tưởng biện chứng trác việt này của Tuệ Tĩnh: "dương theo âm mới có phát triển, âm theo dương mới có sinh thành" - tôi nghĩ rằng đây không phải là một tư tưởng siêu hình. Trên đại thể, thời kỳ văn học từ năm 1945 đến nay có thể gọi là thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội Nhà văn lần thứ IV và thời gian tới là một thời kỳ văn học khác. Rất có thể sang thế kỷ XXI có nhà học giả sẽ gọi thời kỳ này là thời kỳ hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tên gọi không quan trọng. Tôi tin rằng thời kỳ này sẽ tiếp nối một cách xứng đáng thời kỳ trước. Với kinh nghiệm 15 năm qua về nhu cầu hài hòa âm tính, dương tính trong thời kỳ sắp tới này chắc là văn học của ta sẽ phát triển phong phú đa dạng đem lại sự hài hòa cho tâm hồn con người, tạo ra sự cân bằng trong đời sống tinh thần của xã hội và đất nước.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội (chuyên san tháng 4-1990)
[1] Bước qua lời nguyền là nhan đề một truyện ngắn của Tạ Duy Anh đăng trên tuần báo Văn nghệ, số 47, ngày 25-11-1989. 17-9-10 |