ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 11 (12-3-1994)

NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ HIỆN ĐẠI HÓA
LÝ LUẬN VĂN HỌC

LÃ NGUYÊN

Chernyshevski nói một ý rất hay như thế này: Không có lịch sử đối tượng thì không có lý luận về đối tượng. Nhưng nếu không có lý luận về đối tượng thì thậm chí ngay cả ý niệm về đối tượng cũng không thể có. Nhắc lại như thế để thấy, muốn đổi mới tri thức về đối tượng, người ta không thể không đổi mới lý luận về nó.

Thực tiễn nghiên cứu và sáng tác đang đòi hỏi phải đổi mới sâu sắc những quan điểm lý luận đã tỏ ra lạc hậu. Nhu cầu hiện đại hóa nền lý luận văn học nước nhà đã được đặt ra từ rất lâu, ai cũng nhận thấy, nhưng mãi tới những năm gần đây nó mới được nói to lên trên mặt báo chí và các cơ quan ngôn luận. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có trí tuệ và công sức của nhiều người mới hy vọng tìm thấy những lời giải đáp thấu đáo. Trong phạm vi một bài báo, người viết chỉ có thể trình bày vài suy nghĩ mang tính chất chủ quan.

Khi yêu cầu đổi mới lý luận, phê bình được đặt ra một cách cấp bách, trên mặt báo chí thấy xuất hiện những cuộc thảo luận sôi nổi tập trung vào hai vấn đề chính: Văn học và chính trịVăn học và hiện thực. Không ai nghi ngờ tác động tích cực của những cuộc thảo luận như thế, nhưng có lẽ, cũng không mấy ai nghĩ rằng có thể giải quyết vấn đề lý luận bằng thảo luận. Bởi vì, các vấn đề lý luận luôn luôn đòi hỏi giải quyết một cách hệ thống. Thực tiễn lịch sử khoa học về văn học chứng tỏ, tất cả các khuynh hướng mỹ học, các trường phái nghiên cứu có tinh thần nhất nguyên triệt để đều đưa ra những hệ thống lý thuyết, trong đó mọi khái niệm, phạm trù văn học cũng được lý giải theo một hệ quy chiếu nhất định. Do được tạo dựng theo những hệ quy chiếu khác nhau, nên mỗi hệ thống lý thuyết chỉ có khả năng cung cấp một loại tri thức về đối tượng. Ta hiểu vì sao, nếu đặt vào những hệ thống lý thuyết khác nhau, cùng một khái niệm, ví như khái niệm văn học, có thể có rất nhiều nội hàm và ngoại diên khác nhau. Nói như thế để thấy, nếu chỉ loay hoay đổi mới cách hiểu một vài khái niệm phạm trù đơn lẻ, chúng ta không thể nào tìm ra con đường đổi mới cho cả một nền lý luận văn học. Thực tế chứng tỏ, do thấy cây mà không thấy rừng, nên trong các cuộc thảo luận về quan hệ giữa văn học với chính trị, hoặc văn học với hiện thực, không ít nhà nghiên cứu đã đề xuất cách đổi mới lý luận theo kiểu nói ngược, lấy sự giản đơn này để thay thế cho sự giản đơn kia.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là từ những năm 60, chúng ta đã xây dựng được một mô hình lý luận văn học theo một hệ quy chiếu riêng. Mô hình lý luận ấy đã chi phối mọi hoạt động văn học của chúng ta, từ sáng tác cho tới nghiên cứu, phê bình và cả việc giảng dạy văn học trong nhà trường. Hệ quy chiếu của mô hình lý luận này đã mở ra một trường nhìn vào thế giới văn học mà lý luận nghệ thuật thời trước Cách mạng không biết tới. Nhưng ở đời, "bỉ sắc tư phong", cái được thường đi liền với cái mất. Chính trường nhìn ấy đồng thời cũng là thành lũy ngăn chắn tầm mắt của chúng ta hướng về phía khác. Có một thời bước vào thế giới văn chương, nếu ai đó muốn nhìn khác đi, liền bị xem là người có đôi mắt lệch lạc, thậm chí bị xem là tà giáo. May thay, công cuộc đổi mới hôm nay đã xóa bỏ nhiều định kiến đáng buồn. Đã đến lúc có thể nói to lên: Phải nhìn văn học từ nhiều phía, theo nhiều hướng mới hòng khám phá những điều bí ẩn kỳ lạ của nó. Vậy thì chúng ta phải xây dựng một mô hình lý luận văn học theo nhiều kiểu quy chiếu để tạo ra một trường nhìn cởi mở hơn, khoáng đạt hơn. Đây chính là con đường hiện đại hóa nền lý luận văn học của chúng ta.

Vấn đề cần được đặt ra là thế này: Liệu cái mô hình lý luận mà chúng ta phải xây dựng sẽ có diện mạo ra sao? Cổ nhân dạy: ôn cũ, biết mới.

Mô hình lý luận từng chi phối mọi hoạt động văn học của chúng ta trong nhiều năm và cho đến nay vẫn còn được sử dụng để giảng dạy trong nhà trường là mô hình lý luận được xây dựng trên cơ sở của những quan điểm mỹ học của các vị kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin bàn về những vấn đề mỹ học, những vấn đề văn học nghệ thuật chủ yếu từ góc độ của các nhà triết học, các nhà hoạt động chính trị - xã hội, chứ không phải từ góc độ của các nhà mỹ học. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một thế giới quan hoàn chỉnh. Nhưng, với tư cách là những nhà hoạt động chính trị - xã hội các vị kinh điển của chủ nghĩa Mác phải giải quyết những nhiệm vụ lịch sử mà thời đại họ đặt ra. Nhận xét về quá trình phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác, Lênin viết: "Những thời điểm lịch sử khác nhau đã đặc biệt đưa lên hàng đầu khi thì là mặt này, khi lại là mặt khác của chủ nghĩa Mác. Ở Đức, vấn đề được đặc biệt đưa lên hàng đầu trước 1848 là kiện toàn triết học của chủ nghĩa Mác, trong năm 1848 là các tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mác, vào những năm 50 và những năm 60 là học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác" (V. I. Lênin. Toàn tập, t.20, tr.128, bản tiếng Nga). Điều đó chứng tỏ, di sản của các vị kinh điển không phải là cuốn cẩm nang có thể tra cứu mọi vấn đề của mỹ học. Chẳng những thế, những ý kiến của Mác, Ăngghen, Lênin về những vấn đề mỹ học đều là những ý kiến mang tính lịch sử. Thêm vào đó, các vấn đề mỹ học và lý luận văn học được Mác, Ăngghen, Lênin giải quyết chủ yếu từ góc độ triết học, chứ không phải từ góc độ đặc thù của chúng.

Ta đều biết, thời đại của Mác và Ăngghen là thời kỳ thống trị của chủ nghĩa duy tâm lịch sử. Đến thời Lênin, chủ nghĩa duy tâm vật lý lại tấn công vào nền tảng nhận thức luận của chủ nghĩa Mác. Vậy là lịch sử đã đặt trước Mác và Ăngghen nhiệm vụ kiện toàn chủ nghĩa duy vật "ở bên trên". Với Lênin, lịch sử lại đặt ra nhiệm vụ bảo vệ nền tảng của chủ nghĩa duy vật "ở bên dưới". Chính việc giải quyết những nhiệm vụ lịch sử ấy đã quy định hướng phân tích, giải thích các vấn đề mỹ học và lý luận văn học của Mác, Ăngghen, Lênin. Bước ngoặt vĩ đại mà Mác và Ăngghen đã tạo ra cho lịch sử mỹ học là ở chỗ, các vị đã chỉ ra cách kiến giải mọi vấn đề của văn học nghệ thuật từ quan điểm duy vật lịch sử. Phát triển quan điểm của Mác, Lênin đặc biệt nhấn mạnh bản chất tư tưởng hệ của văn học nghệ thuật. Quan điểm xem văn học nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội luôn luôn phản ánh tồn tại xã hội, có cội nguồn từ lao động, từ hoạt động thực tiễn của con người là quan điểm gốc của Mác, Ăngghen. Lênin lại giải thích các hiện tượng văn học nghệ thuật như kết quả đấu tranh giữa các khuynh hướng tư tưởng xã hội đương thời, trong đó, trình độ tự nhận thức của nhân dân và tính tích cực của chủ thể sáng tạo giữ vai trò quyết định. Ta hiểu vì sao, khi phân tích tác phẩm của Balzac, Mác và Ăngghen nhấn mạnh sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực đối với thiên kiến tư tưởng của nhà văn. Nhưng khi phân tích tác phẩm của L. Tolstoi, Lênin lại đặc biệt chú ý tới sự chiến thắng của thế giới quan, tới việc Tolstoi "đã đoạn tuyệt với tất cả các quan niệm thịnh hành" của các giai cấp mà ông xuất thân để đến với lập trường nông dân gia trưởng. Ta cũng hiểu vì sao Mác, Ăngghen chỉ nhắc tới tính khuynh hướng của văn học nghệ thuật, còn Lênin trở thành tác giả của bài báo nổi tiếng Tổ chức đảng và văn học mang tính đảng.

Vậy là khó có thể tìm thấy trong di sản của Mác, Ăngghen, Lênin những ý kiến phân tích mang tính chất mở rộng về những vấn đề bản thể luận, hình thái luận của văn học nghệ thuật. Điều đó không có nghĩa là các vị kinh điển không nghĩ tới đặc trưng của hoạt động thẩm mỹ. Nhưng, khi đã nói, Mác, Ăngghen, Lênin bàn về văn học nghệ thuật chủ yếu từ góc độ triết học, xã hội học và những nhiệm vụ lịch sử mà thời đại đặt ra. Cho nên, khi phân tích tác phẩm của Homer, Shakespeare, Goethe, Balzac - Mác, Ăngghen không thể nhấn mạnh những nét đặc thù của văn học, mà chỉ nhấn mạnh những điểm khiến văn học, ít hay nhiều, giống với các hình thái ý thức xã hội khác. Cũng như thế, xuất phát từ góc độ nhận thức luận triết học, Lênin đặt vấn đề về quan hệ giữa văn học và xã hội, văn học và cách mạng. Là nhà hoạt động chính trị - xã hội, Lênin đặc biệt coi trọng việc sử dụng văn nghệ như vũ khí tuyên truyền, tổ chức, giác ngộ cách mạng cho quần chúng.

Tinh thần thực tiễn và tính chiến đấu trong quan điểm mỹ học của Mác, Ăngghen, Lênin có sức hấp dẫn to lớn đối với lý luận nghệ thuật ở những nước đang tiến hành cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ. Trong những cuốn sách giáo khoa lý luận văn học của chúng ta, các quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về nguồn gốc, chức năng, về tính giai cấp, tính đảng của văn học được xem là những nguyên lý chung, nguyên lý cơ bản. Điều đó chứng tỏ, chúng ta đã dựa hẳn vào những quan điểm mỹ học của các vị kinh điển để xây dựng một mô hình lý thuyết mà hệ quy chiếu của nó là các vấn đề phản ánh luận, nhận thức luận duy vật lịch sử về văn học nghệ thuật. Dĩ nhiên, vấn đề đáng nói không phải là ở đó, mà là ở cái khuynh hướng muốn độc tôn hóa hệ quy chiếu của mô hình lý thuyết ấy. Thực tế cho thấy, suốt một thời gian dài, chúng ta không có ý đồ phát triển các quan điểm mang tính lịch sử của Mác, Ăngghen, Lênin thành một thế giới quan hoàn chỉnh đủ sức soi sáng những vấn đề bản thể luận của văn học nghệ thuật. Vì thế, hệ vấn đề liên quan tới đặc trưng văn học vẫn nằm ngoài tầm quan sát của chúng ta. Chúng ta nói, văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Nhưng khi phân tích văn học, ta chỉ quan tâm tới "thế giới khách quan" mà chưa thấy chú ý tới cơ chế hoạt động của phương diện chủ quan. Nhấn mạnh bản chất tư tưởng hệ, nhiều khi ta quên vai trò của vô thức, trực cảm trong văn học nghệ thuật. Chúng ta nói, văn học phản ánh đời sống bằng hình tượng. Nhưng rõ ràng chúng ta chưa có lý luận về đặc trưng của phương thức tư duy hình tượng trong văn học nghệ thuật. Chúng ta có lý luận về lịch sử văn học như một phương diện của quá trình lịch sử tư tưởng xã hội, nhưng lại chưa có lý luận về lịch sử văn học như một quá trình tự nó. Ai cũng nói văn học là nghệ thuật ngôn từ, nhưng chưa thấy ai dồn tâm huyết để viết một chuyên luận bàn về đặc trưng của ngôn ngữ văn học. Do chưa xây dựng được hệ thống lý thuyết về những vấn đề bản thể luận, hình thái luận văn học nghệ thuật, nên những quan điểm mỹ học từ góc độ nhận thức luận, phản ánh luận của các vị kinh điển nhiều khi được vận dụng theo hướng xã hội học dung tục. Mấy năm gần đây, người ta nói nhiều tới "chất văn" của tác phẩm văn học, nhưng do bị ràng buộc bởi hệ quy chiếu của mô hình lý thuyết cũ, nên nghiên cứu, phê bình và việc giảng dạy văn học trong nhà trường vẫn đang dừng lại ở "chủ nghĩa nội dung".

Tư duy lý luận hiện đại hướng về phía đặc trưng văn học. Gần một trăm năm nay lý luận văn học thế giới đã đưa ra nhiều mô hình lý thuyết nhằm nghiên cứu văn học như nghệ thuật ngôn từ. Chúng ta không nên bắt chước hoặc vận dụng sống sượng các mô hình lý thuyết ấy. Nhưng để hòa nhập với tư duy hiện đại của nhân loại, trung thành với linh hồn biện chứng của chủ nghĩa Mác, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một mô hình lý thuyết mà hệ quy chiếu của nó sẽ là các vấn đề bản thể luận và hình thái học văn học nghệ thuật.

Việc thay đổi hệ quy chiếu lý luận văn học đòi hỏi giới nghiên cứu phải trang bị lại toàn bộ tri thức của mình. Ngoài những tri thức về triết học, lịch sử, xã hội học, người nghiên cứu văn học hôm nay không thể thiếu những tri thức về tâm lý học, ký hiệu học, lý thuyết hệ thống, ngôn ngữ học... Việc thay đổi hệ quy chiếu của lý luận văn học còn đòi hỏi người nghiên cứu phải đoạn tuyệt với thói cầu an, lấy thực tiễn văn học để minh họa cho những khuôn mẫu có sẵn. Vấn đề hiện đại hóa lý luận văn học vì thế có liên quan đến bản lĩnh khoa học của giới nghiên cứu và không khí dân chủ, cởi mở của xã hội. Cho nên, đây là công việc đầy khó khăn, phức tạp. Nhưng chắc chắn, công cuộc đổi mới hôm nay đã tạo ra những tiền đề giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, phức tạp ấy.

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 11 (12-3-1994)
 

Mục lục

29-10-10