ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)


VÌ MỘT QUÁ TRÌNH VĂN HỌC TƯƠNG LAI

LÃ NGUYÊN

Có thể lấy thế kỷ XVIII làm ranh giới phân chia lịch sử văn học thế giới thành hai giai đoạn tương ứng với hai hình thức tồn tại cơ bản của nó. Đó là giai đoạn cổ điển và giai đoạn hiện đại. Trước thế kỷ XVII văn học tồn tại như tổng số giản đơn của những tác phẩm riêng lẻ. Sau thế kỷ XVII, cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa cổ điển, văn học trở thành một lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù. Nó tồn tại như một hệ thống nhất định của những khuynh hướng, trào lưu, trường phái khác nhau gắn bó trong mối quan hệ tương tác vô cùng phức tạp. Nói gọn hơn, văn học hiện đại là chỉnh thể thống nhất của các mặt đối lập. Thông qua cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập trong mâu thuẫn nội tại mà văn học không ngừng vận động và phát triển. Cho nên hình thức tồn tại cơ bản của văn học hiện đại là quá trình văn học.

Quá trình văn học được phản ánh khá rõ trong hệ thống các ấn phẩm văn học định kỳ mà trước hết là báo và tạp chí. Ngoài ra còn phải kể đến những tuyển tập văn thơ, trong đó có sáng tác được tập hợp theo những mặt cắt thời gian nhất định và được sắp xếp theo một trình tự biên niên nghiêm ngặt. Ai cũng biết, các loại ấn phẩm kiểu trên xuất hiện ở châu Âu vào cuối thế kỷ XVII và sang thế kỷ XVIII thì phát triển mạnh mẽ. Đây không phải là biểu hiện bề ngoài mang tính chất hình thức thuần túy của đời sống văn học. Nhờ có các ấn phẩm định kỳ mà hệ thống vận động của văn học được định hình và sự xuất hiện của chúng chứng tỏ văn học bắt đầu được nhận thức như một quá trình có tổ chức. Điều đáng lưu ý là phê bình hiện đại đã ra đời cùng với sự xuất hiện của những ấn phẩm văn học định kỳ. Không phải ngẫu nhiên, khi nghiên cứu lịch sử phê bình người ta không thể bỏ qua lịch sử báo chí.

Nhiều người cho rằng, phê bình văn học thời nào cũng có nghĩa là phẩm bình và định giá. Thực ra thì không phải như thế. Nhà thơ Nga Puskin nhận xét: "Tình trạng của phê bình tự nó phản ánh đầy đủ trình độ văn hóa của toàn bộ văn học nói chung"[1]. Điều đó có nghĩa, mặc dù phê bình văn học đã có từ thời xa xưa trong lịch sử văn hóa nhân loại, nhưng trước thế kỷ XVII và sau thế kỷ XVII phê bình thuộc về những hệ thống hoàn toàn khác nhau.

Tương ứng với hình thức tồn tại của văn học, phê bình trước thế kỷ XVII thuộc hệ thống phê bình kiểu cổ. Ở đây nhà phê bình chỉ cần biết đến văn bản và khi phân tích văn bản người ta chỉ cần chú ý tới thần cú, nhãn tự, ý sâu, lời đắt với những luật lệ nghiêm ngặt của thể tài tác phẩm. Phê bình vì thế thiên về sự kỳ khu, tỉ mẩn. Nó tập trung đánh giá, phẩm bình văn học trong tư thế tĩnh tại chứ không phân biệt, nghiên cứu toàn bộ những mối liên hệ bên trong và bên ngoài hết sức phức tạp của sáng tác nghệ thuật. Mục đích của phê bình chỉ là vạch ra cho nghệ sĩ cách thức viết văn: nên viết thế này chứ không nên viết thế kia; viết thế này là hay, thế kia là dở. Chính vì thế phê bình trước thế kỷ XVII dường như nằm ngoài quá trình văn học và không thể tự xác lập thành một lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù. Mọi sáng tác văn học chỉ được chiếm lĩnh từ hai phía, dưới hai góc độ tách rời nhau là ngữ văn và triết học.

Phê bình hiện đại là một lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù. Nó không nằm trong hệ thống khoa học, và không phải là phân nhánh của nghiên cứu văn học như nhiều người vẫn tưởng. Ra đời cùng với những ấn phẩm định kỳ, phê bình nhập vào hệ thống văn học và gắn chặt với hệ thống đó. Quan hệ giữa phê bình và sáng tác không đơn giản là quan hệ giữa chủ thể và khách thể nhận thức mà là quan hệ giữa các mặt, các bộ phận gắn bó hữu cơ tạo thành đời sống và quá trình văn học. Dĩ nhiên, phê bình hiện đại không thể không nhận thức sáng tác, nhưng giờ đây nhận thức đối với nó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích.

Nhiều nhà nghiên cứu có lý khi xem xét phê bình như một hoạt động tác động. Nhưng phê bình hiện đại tác động tới quá trình văn học không phải theo kiểu tri âm tri kỷ hay chỉ bảo cho nhà văn cách chọn lọc ngôn từ sao cho đắc địa. Thực tế cho thấy, là một mặt, một bộ phận của quá trình văn học, phê bình luôn luôn làm nhiệm vụ của nhân tố tổ chức ra quá trình ấy. Nó tác động tới đời sống văn học thông qua vai trò tổ chức của mình. Nhà văn sáng tác ra các tác phẩm riêng lẻ. Phê bình có nhiệm vụ đưa các tác phẩm riêng lẻ ấy vào hệ thống văn học, tổ chức chúng thành một chỉnh thể vận động. Ở những thời kỳ khác nhau, phê bình có thể phát huy vai trò tổ chức của mình với những mức độ khác nhau, nhưng phải thấy đó là công việc chính của nó. Chính phê bình chứ không phải bộ phận nào khác thường xuyên tiến hành các cuộc đấu tranh văn học, tổ chức nên các trào lưu, trường phái, khuynh hướng sáng tác, tuyên bố về sự mở đầu hay kết thúc một giai đoạn nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên người ta thường đặt tên cho các khuynh hướng phê bình bằng tên gọi của các trào lưu, khuynh hướng văn học do chính nó tổ chức. Người ta gọi: phê bình cổ điển, phê bình lãng mạn, phê bình hiện thực... chứ không ai nói: nghiên cứu cổ điển, nghiên cứu tình cảm, nghiên cứu lãng mạn...

Cần nhấn mạnh khả năng tác động của phê bình với tư cách là nhân tố tổ chức quá trình văn học. Bởi không ít nhà văn thường khẳng định phê bình dường như không có ảnh hưởng gì tới công việc của họ. Nhưng chẳng lẽ các nhà văn không nhận ra rằng, toàn bộ hoạt động sáng tác của mỗi giai đoạn nghệ thuật thường chịu sự chi phối ngặt nghèo của một luồng dư luận chính thống do phê bình hình thành trên cơ sở một hệ thống quan niệm, chuẩn mực thẩm mỹ nhất định? Đó là gì nếu không phải là thông qua chức năng tổ chức, phê bình luôn luôn góp phần quan trọng tạo nên những tình thế văn học có tác dụng quyết định tới số phận sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ. Hoạt động của Nicolas Boileau đối với chủ nghĩa cổ điển Pháp, của Bielinski với chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga, của Lênin đối với văn học Xô viết; những bài viết về văn hóa, văn nghệ của Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta đối với văn học Việt Nam từng giữ vị trí như thế. Cho nên ảnh hưởng của phê bình tới các nhà văn không phải bao giờ cũng là ảnh hưởng trực tiếp mà thường là ảnh hưởng gián tiếp thông qua tình thế văn học do nó tạo nên. Có hiểu điều đó mới nhận ra được sức mạnh của phê bình chân chính và mới thấy hết tác hại to lớn của lối phê bình không hiểu gì văn học nhưng lại nhân danh những chân lý cao cả để áp đặt, chụp mũ và lối phê bình cơ hội luôn luôn tìm cách đón gió, lựa thời.

Bielinski gọi "phê bình và sự nghi ngờ là chị em sinh đôi". Điều đó hoàn toàn phù hợp với chức năng tổ chức quá trình văn học của phê bình. Để tổ chức quá trình văn học, phê bình không thể đòi hỏi các nhà văn hiện đại phải sáng tác giống như những nhà văn trong quá khứ dù đó là những đỉnh cao nghệ thuật. Phê bình luôn luôn phải kêu gọi người sáng tác sáng tạo ra cái mới. Muốn thế khi đến với văn học phê bình phải xác định cho mình một đối tượng nhận thức cùng một hệ thống – chuẩn mực định giá thẩm mỹ riêng khác với đối tượng nhận thức và hệ thống chuẩn mực, cân đo của nghiên cứu văn học. Thông qua việc phân tích tác phẩm phê bình phải xác định chính xác tình trạng của văn học, phải chỉ ra đâu là cái cũ đã thuộc về quá khứ, đâu là cái mới có khả năng mở ra một quá trình. Qua đó đủ thấy, đối tượng khám phá, tìm kiếm của phê bình là chỗ dậm đà cho văn học đi tới. Không phải ngẫu nhiên, các nhà phê bình ưu tú của nhân loại, các vị kinh điển của chủ nghĩa Mác khi nói về tình trạng và khuynh hướng của văn học, cái mà họ quan tâm trước hết thường không phải là những đỉnh cao đã đạt tới trình độ hoàn thiện nghệ thuật mà là những nhân tố cách tân. Dường như họ dồn toàn bộ nhiệt tình vào việc ủng hộ, nâng đỡ, tạo điều kiện cho cái mới phát triển. Lênin nhiều lần nhắc nhở các nhà phê bình phải nâng đỡ nền nghệ thuật cách mạng còn non trẻ của giai cấp vô sản. Người nói: "Ở đây không nên chỉ đánh giá dưới góc độ thẩm mỹ, không thế nền nghệ thuật cũ đã trưởng thành sẽ kìm hãm sự phát triển của cái mới"[2]. Điều đó cũng có nghĩa, chuẩn mực định giá thẩm mỹ của phê bình bao giờ cũng là tương lai văn học. Bielinski hoàn toàn có lý khi ông cho rằng: "phê bình là xét đoán, so sánh hiện tượng với lý tưởng về nó"[3]. Tức là phê bình luôn luôn phải vượt lên phía trước, đứng trên đỉnh cao của tương lai mà lắng nghe nhịp đập trong mạch nổi mạch chìm của dòng chảy văn học. Nói rõ hơn, trong quá trình phân tích sáng tác, nhà phê bình phải hình dung ra bức tranh của đời sống văn học tương lai. Bởi nếu không hình dung ra viễn cảnh phát triển của văn học, nhà phê bình sẽ đánh mất chỗ dựa duy nhất để bình giá, định giá, và khi ấy anh ta sẽ khó tránh khỏi chủ nghĩa giáo điều, công thức hoặc đưa ra những ý kiến tủn mủn, vụn vặt.

Những gì đã nói chứng tỏ, phê bình tuy không thể xa rời những nguyên tắc lịch sử khi tiếp cận sáng tác, song chức năng tổ chức quá trình văn học đòi hỏi nó phải có nặng lực giả định tiên đoán. Bielinski gọi "phê bình là mỹ học đang vận động". Chỉ có thể hiểu được nội dung đích thực của định nghĩa ấy nếu xem phê bình là người lính xung kích mở đường cho sáng tác, là khoa học tổ chức, khoa học về tương lai văn học. Phê bình không phải là bộ phận của nghiên cứu văn học. Thực tế cho thấy, phê bình hiện đại bao giờ cũng có xu hướng tự tạo dựng cho mình một hệ thống lý luận văn học và một bức tranh lịch sử văn học riêng khác với lý luận và lịch sử văn học của khoa nghiên cứu văn học. Nghiên cứu văn học mãi mãi là khoa học về quá khứ lịch sử của văn học. Cho nên lý luận và lịch sử văn học của nó là lý luận và lịch sử về cái đã có, đã qua, đã tồn tại một cách hiện thực. Còn lý luận văn học và lịch sử văn học của phê bình là lý luận và lịch sử về một quá trình văn học giả định, tức là quá trình như nó có thể có và cần phải có. Tự trói mình trong những chân lý đã cũ kỹ và sáo mòn, không có khả năng vạch ra quá trình văn học giả định, không có lý luận về cái cần được giả định, tiên đoán, phê bình chỉ là cái đuôi lẽo đẽo theo sau sáng tác.

***

Từ những năm 30, cùng với sự xuất hiện của các trào lưu, trường phái nghệ thuật, phê bình văn học Việt Nam chuyển mình qua giai đoạn hiện đại. Ở nhiều thời điểm, phê bình đã vươn lên tổ chức quá trình văn học, tạo ra những thể sáng tác chi phối tới số phận của từng cá nhân nghệ sĩ. Hơn nửa thế kỷ qua, phê bình mác-xít dồn toàn bộ nhiệt tình hướng văn học nước nhà hòa vào quỹ đạo chung của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, biến văn học thành vũ khí sắc bén phục vụ cách mạng xã hội mà tiêu biểu là hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và công cuộc kiến thiết đất nước. Nhờ có phê bình mà văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1975 trở về trước được định hình khá rõ nét. Tuy nhiên, phải thừa nhận, so với nhiều nước trên thế giới, nền phê bình hiện đại của ta còn vô cùng non trẻ. Nhiều khi nó tỏ ra chưa đủ sức khắc phục nổi những ảnh hưởng của lối phê bình kiểu cổ. Đã thế, nhiều cây bút chuyên nghiệp có uy tín và kinh nghiệm lại không phát huy được vai trò tích cực xã hội của phê bình. Kết quả tất yếu là những năm gần đây phê bình đang có nguy cơ chìm giọng, mất giọng giữa muôn vàn những bài đọc sách, điểm sách nông cạn và nhạt nhẽo.

Những ai quan tâm tới đời sống tinh thần của đất nước đều nhận ra, văn học Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới. Nhưng cái cũ hãy còn đó và cái mới chỉ mới hình thành. Vì một quá trình văn học tương lai vì một nền văn học Việt Nam thấm đượm tinh thần nhân đạo, tinh thần quốc tế và tinh thần dân tộc, phê bình phải vươn lên làm tròn chức năng của nhân tố tổ chức quá trình sáng tạo, phải dồn toàn bộ nhiệt tình góp phần tạo ra một tình thế thuận lợi đảm bảo cho cái mới phát triển đúng hướng. Chỉ như thế phê bình mới xứng đáng với tên gọi là "mỹ học đang vận động" và danh hiệu "người thầy của xã hội" như Bielinski từng nói.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

 


 

[1] A. S. Puskin. Toàn tập, t7, M., 1958, tr.199 (tiếng Nga).

[2] V. I. Lênin về văn học và nghệ thuật, M., 1967, tr.680 (tiếng Nga).

[3] V. G. Bielinski. Tuyển tập, t2, M., 1948, tr.349 (tiếng Nga).

 Mục lục

20-4-10